khktmd 2015
Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015
GIỌNG NÓI SÀIGÒN
Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, trong đầu lúc nào cũng có một ý định là sẽ “thở đều” trên mảnh đất ồn ào này, ý định đó chắc sẽ giữ mãi cho đến lúc một ngày nào đó âm thầm không bứt rứt cắn tay áo mà mỉm cười he he he xuống dưới ấy…
Gọi là yêu Sài Gòn thì có phần hơi quá! Không dám gọi thứ tình cảm dành cho Sài Gòn là tình yêu, nó chưa thể đạt đến mức ấy. Cái tình với Sài Gòn là cái tình của một thằng ăn ở với Sài Gòn hơn 20 năm, cái tình của một thằng mà với nó, Sài Gòn còn quá nhiều điều níu kéo, quá nhiều chuyện để mỗi khi bất chợt nghĩ về Sài Gòn, lại thấy nhơ nhớ, gần gũi...
Hồi còn đi học, vẫn hay chọc mấy đứa bạn bằng 2 câu thơ nhại :
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Gái Sài Gòn cái mỏ cong cong
Chuyện con gái Sài Gòn "mỏ" có cong không thì hổng có biết, chỉ biết con gái Sài Gòn có cái dẩu môi cong cong dễ làm chết người lắm, nhất là khi cánh môi be bé ấy cong lên một chữ "hônggg..." khi đứa con trai rủ rê đi đâu, năn nỉ gì đó. Lúc đó, đem gương hay kiến soi, chắc cái mặt của đứa con trai đó tội lắm.
Mà con gái Sài Gòn có điệu đà, õng ẹo chút thì mới đúng thiệt là con gái Sài Gòn. Ai mà chẳng biết vậy. Gọi đó là cái duyên ngầm của người con gái đất Gia Định cũng chẳng có gì sai. Ai hiểu được, người đó sẽ thấy sao mà yêu mà thương đến vậy...
Có dạo đọc trong một bài viết về Sài Gòn – Gia Định của nhà văn Sơn Nam , có thấy ông viết giọng Sài Gòn, cũng như văn hóa và con người Sài Gòn là một sự pha trộn và giao thoa đến hợp nhất của nhiều nơi. Đó là những người Chăm bản địa, những người khách trú (người Hoa hay chú ba tàu), những người miền Trung đầu tiên đến đất Gia Định…Từ đó hình thành một loại ngôn ngữ vừa bản địa, vừa vay mượn của những người đi mở đất…
Giọng người Sài Gòn được xem là giọng chuẩn của miền Nam, cũng như giọng người Hà Nội được xem là giọng chuẩn của người miền Bắc. Giọng chuẩn tức là giọng không pha trộn, không bị cải biến đi qua thời gian. Như nói về giọng chuẩn của người Hà Nội, người ta nói đến cái giọng ấm nhẹ, khi trầm khi bổng, khi sắc khi thanh, và chẳng ai phủ nhận người Hà Nội nói chuyện rất hay và “điêu luyện”. Cái “điêu luyện” ấy như thuộc về bản chất của người Hà Nội mà chỉ người Hà Nội mới có được. Nếu nói là người Việt Nam nói như hát, thì đúng ra chỉ có người Hà Nội là “nói như hát” mà thôi, họa chăng chỉ còn có giọng tha thiết của người con gái xứ Huế trầm tư mới cùng được ví von như thế…
Người Sài Gòn thì khác, giọng Sài Gòn cũng khác. Không ngọt ngào …mía lùi như một số người dân Tây Nam Bộ ven vùng sông nước mênh mang chín rồng phù sa, không nặng nề cục mịch như người miền Đông Nam Bộ nóng cháy da thịt. Giọng người Sài Gòn cũng ngọt, nhưng là cái ngọt thanh hơn, nhẹ hơn. Đó là chất giọng “thành thị” đầy kiêu hãnh của người Sài Gòn, thứ giọng chẳng lẫn vào đâu được mà dù người khác có bắt chước cũng khó lòng. Dường như qua nhiều năm cùng với đất Gia Định – Sài Gòn phù hoa trong nhịp sống, trong đổi mới và phát triển, thì giọng nói của người Sài Gòn cũng trở nên “cao sang” hơn. Dù vậy, nó chính là cái “thanh” của một vùng đất một thời là thủ phủ Nam Bộ, nhưng cũng chẳng mất đi đâu cái mộc mạc không bỏ được của cái gốc chung Nam Bộ.
Giọng người Sài Gòn nói lên nghe là biết liền. Ngồi nghe hai người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau ở một quán nước, bên đường hay qua điện thoại, dễ dàng nhận ra họ. Cái giọng không cao như người Hà Nội, không nặng như người Trung, mà cứ ngang ngang, sang sảng riêng…Mà điều đặc biệt trong cách người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau là mấy từ “nghen, hen, hén” ở cuối câu... Người miền khác có thích hay khoái, có yêu người Sài Gòn thì cũng vì cách dùng từ “nghen, hen” này.
Khách đến nhà chơi, chủ nhà tiếp. Khách về, cười rồi buông một câu “Thôi, tôi dìa nghen!” - Chủ nhà cũng cười “Ừ, dzậy anh dìa hen!”.
Nói chuyện điện thoại đã đời, để kết câu chuyện và cúp máy, một người nói “Hổng còn gì nữa, dzậy thôi hen!”. “Thôi” ở đây nghĩa là dừng lại, kết thúc, chấm dứt gì đó. Hai đứa bạn nói chuyện cùng nhau, bắt gặp cái gì vui, quay đầu sang đứa kế bên lên tiếng “Hay hén mậy?” bằng giọng điệu thoải mái…
Giọng người Sài Gòn đôi khi diễn đạt cùng một câu nói, nhưng lại bằng nhiều cung bậc giọng điệu khác nhau, lại mang ý nghĩa khác nhau. Đám nhỏ quậy, nghịch phá, người chị mắng, giọng hơi gằn lại và từng tiếng một, có chút hóm hỉnh trong đó “Dzui dzữ hen!”.
Đám bạn cùng tuổi, ngồi chơi chung, cười đùa, một người nói giọng cao cao vui vẻ “Dzui dzữ hen!”… Người Sài Gòn có thói quen hay “đãi” giọng ở chữ cuối làm câu nói mang một sắc thái khác khi hờn giận, khi đùa vui như “Hay dzữuuu”, “Giỏi dzữưưu…!”
Nghe người Sài Gòn nói chuyện, trong cách nói, bắt gặp “Thôi à nghen” “Thôi à!” khá nhiều, như một thói quen, như cái “duyên” trong giọng Sài Gòn. Người Sài Gòn nói chuyện, không phát âm được một số chữ, và hay làm người nghe lẫn lộn giữa âm “d,v,gi” cũng như người Hà Nội phát âm lẫn các từ có phụ âm đầu “r” vậy.
Nói thì đúng là sai, nhưng viết và hiểu thì chẳng sai đâu, đó là giọng Sài Gòn mà, nghe là biết liền. Mà cũng chẳng biết có phải là do thật sự người Sài Gòn không phát âm được những chữ ấy không nữa, hay là do cách nói lẫn từ “d,v,gi” ấy là do quen miệng, thuận miệng và hợp với chất giọng Sài Gòn..
Ví như nói “Đi chơi dzui dzẻ hen mậy!” thì người Sài Gòn nói nó… thuận miệng và tự nhiên hơn nhiều so với nói “Đi chơi vui vẻ hen!”. Nói là “vui vẻ” vẫn được đấy chứ nhưng cảm giác nó ngường ngượng miệng làm sao đó. Nghe một người Sài Gòn phát âm những chữ có phụ âm "v" như "về, vui, vườn, võng" có cảm giác sao sao ấy, không đúng là giọng Sài Gòn chút nào...
Nhìn lại một quãng thời gian hơn 300 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn từ Phiên Trấn, Gia Định Trấn, Gia Định Thành, Phiên An, Gia Định Tỉnh…cho đến Sài Gòn, dân Sài Gòn đã là một tập hợp nhiều dân tộc sinh sống như Việt, Hoa, Kh’mer…Các sử sách xưa chép lại, khi người Việt bắt đầu đến Đồng Nai – Gia Định thì người Kh’mer đã sinh sống ở đây khá đông, rồi tiếp đó là khách trú (người Hoa), và một số dân tộc láng giềng như Malaysia, Indonesia (Java) cũng có mặt. Sự hợp tụ này dẫn đến nhiều sự giao thoa về mặt văn hóa như đàn ông không mặc quần mà quấn sà rông, nhà giầu quê bận bộ áo bà ba mầu trắng, làm ăn khi giao tiếp phải có chầu “nhậu”, cũng như những mặt khác của đời sống, trong đó dĩ nhiên phải nói đến ngôn ngữ.
Tiếng nói của người Sài Gòn không chỉ thuần là tiếng Việt, mà còn là sự học hỏi, vay mượn nhiều từ ngữ của dân tộc bạn, đâm ra mang nhiều “hình ảnh” và “màu sắc” hơn. Những từ như “lì xì, thèo lèo, xí mụi, cũ xì,cái ki …” là tiếng mượn của khách trú, những từ như “xà quầng, mình ên…” là tiếng của người Kh’mer. Nói riết đâm quen, dần dần những từ ngữ đó, những tiếng nói đó được người dân Sài Gòn sử dụng một cách tự nhiên như của mình, điều đó chẳng có gì lạ…Thêm vào đó, nó được sửa đổi nhiều cho phù hợp với giọng Sài Gòn, thành ra có những nét đặc trưng riêng.
Vậy nói cho cùng thì người Sài Gòn cũng có những tiếng gọi là “tiếng địa phương” (local dialect !?). Những tiếng này thể hiện rõ nhất khi người Sài Gòn nói chuyện cùng người miền khác. Nghe một người Sài Gòn nói chuyện cùng một người khác vùng, dễ dàng nhận ra những khác biệt trong lời ăn tiếng nói giữa hai người, hai miền. Có một số từ người Sài Gòn nói, người miền khác nghe rồi…cười vì chưa đoán ra được ý. Điển hình như tiếng “địt”, có nghĩa là cái bụng nó sả hơi. Cũng như khi nghe người Huế dùng một số từ lạ lạ như “o, mô, ni, chừ, răng…” trong khi nói chuyện vậy thôi. Khác là mấy tiếng người Sài Gòn nói, vẫn có chút gì đó nó…vui vui tai, là lạ, ngồ ngộ làm sao.
Người Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung, có thói quen dùng từ "dạ" khi nói chuyện, khác với người miền Bắc lại dùng từ "vâng". Để ý sẽ thấy ít có người Sài Gòn nào nói từ "vâng". Khi có ai gọi, một người Sài Gòn nói "vâng!" là trong dáng dấp của câu nói đó có giọng đùa, cười cợt.
Khi nói chuyện với người lớn hơn mình, người dưới thường đệm từ "dạ" vào mỗi câu nói. "Mày ăn cơm chưa con ? - Dạ, chưa!"; "Mới dìa/dzề hả nhóc? - Dạ, con mới!"… Cái tiếng "dạ" đó, không biết sao trong cảm giác nghe của một người Sài Gòn với một người Sài Gòn thấy nó "thương" lạ...dễ chịu mà gần gũi, nhẹ nhàng mà tình cảm lắm lắm. Cảm giác nó thật riêng so với những nơi khác. Nghe một tiếng "dạ" là biết ngay tên này là dân miền Nam cái đã rồi hẳng hay...
Một người miền khác, có thể là Bắc hoặc Trung, diễn tả một khoảng thời gian ngắn vài ngày thì nói “Từ bữa đó đến bữa nay”, còn người Sài Gòn thì nói “Hổm nay”, “dạo này”…người khác nghe sẽ không hiểu, vì nói chi mà ngắn gọn ghê. (Lại phát hiện thêm một điều là người Sài Gòn hay dùng từ “ghê” phía sau câu nói để diễn tả một sắc thái tình cảm riêng. Tiếng “ghê” đó chẳng hàm ý gì nhiều, nó mang ý nghĩa là “nhiều”, là “lắm”. Nói “Nhỏ đó xinh ghê!” nghĩa là khen cô bé đó xinh lắm vậy.)
Lại so sánh từ “hổm nay” với “hổm rày” hay nghe ở các vùng quê Nam Bộ, cũng một ý nghĩa như nhau, nhưng lại không hoàn toàn giống nhau. Nghe người Sài Gòn dùng một số từ “hổm rày, miết…” là người Sài Gòn bắt chước người miền sông nước vậy. Nhưng nghe vẫn không trái tai, không cảm thấy gượng, vì trong người Sài Gòn vẫn còn cái chất Nam Bộ chung mà.
Nghe một đứa con trai Sài Gòn nói về đứa bạn gái nào đó của mình xem…”Nhỏ đó xinh lắm!”, “Nhỏ đó ngoan!”…Tiếng “nhỏ” mang ý nghĩa như tiếng “cái” của người Hà Nội. Người Sài Gòn gọi “nhỏ Thuý, nhỏ Lý, nhỏ Uyên” thì cũng như “cái Thuý, cái Uyên, cái Lý” của người Hà Nội thôi.
Nói một ai đó chậm chạp, người Sài Gòn kêu “Thằng đó làm gì mà cứ cà rề cà rề…nhìn phát bực!”
Nghe cứ như là đùa, chẳng làm câu nói nặng nề lắm. Một người lớn hơn gọi “Ê, nhóc lại nói nghe!” hay gọi người bán hàng rong “Ê, cho chén chè nhiều nhiều, tiền ít coi!”… “Ê” là tiếng Sài Gòn đó, kiểu bắt chước Tây, coi gọi trổng không vậy mà chẳng có ý gì đâu, có thể nói đó là thói quen trong cách nói của người Sài Gòn. Mà người Sài Gòn cũng lạ, mua hàng gì đó, thường “quên” mất từ “bán”, chỉ nói là “cho chén chè, cho tô phở”… “cho” ở đây là mua đó nghen.
Nghe người Sài Gòn nói chuyện với nhau, thường bắt gặp thế này “Lấy cái tay ra coi!” “Ngon làm thử coi!” “Cho miếng coi!” “Nói nghe coi!”… “Làm thử” thì còn “coi” được, chứ “nói” thì làm sao mà “coi” cho được nè ? Vậy mà người Sài Gòn lại nói, từ “coi” cũng chỉ như là một từ đệm, dân Sài Gòn nói dzậy mà.
Ngồi mà nghe người Sài Gòn nói chuyện cùng nhau thì quái lắm, lạ lắm, không ít người sẽ hỏi “mấy từ đó nghĩa là gì dzậy ta ?” – Mà “dzậy ta” cũng là một thứ “tiếng địa phương” của người Sài Gòn à. Người Sài Gòn có thói quen hay nói “Sao kỳ dzậy ta?” “Sao rồi ta?” “Được hông ta?”…Nghe như là hỏi chính mình vậy đó, mà…hổng phải dzậy đâu nghen, kiểu như là nửa hỏi người, nửa đùa đùa vậy mà.
Tiếng Sài Gòn là thế đó, nếu bạn giả giọng Sài Gòn nói chuyện, dù có giống cách mấy mà bỏ quên mấy tiếng đệm, mấy tiếng Sài Gòn riêng riêng này thì đúng là… “bạn hông biết gì hết chơn hết chọi!”. Mà giọng Sài Gòn đã thế, cách người Sài Gòn xưng hô, gọi nhau cũng có phần mang “màu sắc” riêng.
Người Sài Gòn có cái kiểu gọi “Mày” xưng “Tao” rất “ngọt”. Một vài lần gặp nhau,nói chuyện ý hợp tâm đầu một cái là người Saigon mày tao liền. Nếu đúng là dân Sài Gòn, hiểu người Sài Gòn, yêu người Sài Gòn sẽ thấy cách xưng hô ấy chẳng những không có gì là thô thiển mà còn rất ư là thân thiện và gần gũi.
Mày-tao là kiểu xưng hô hay thấy trong mối quan hệ bạn bè của người Sài Gòn. Cách xưng-hô này thấy dàn trải từ đủ các mối quan hệ bạn bè; từ bạn học giữa mấy đứa nhóc chút xíu, cho đến mấy bác mấy anh lớn lớn tuổi. Hổng biết cái máu dân Sài Gòn nó chảy mạnh quá hay sao mà thấy mấy cách gọi này nó...tự nhiên và dễ nói hơn là mấy từ như "cậu cậu - tớ tớ" của miền Bắc. Nói chuyện bạn bè với nhau, thân thiết mà gọi mấy tiếng mày mày tao tao thì nghe thật sướng, thật thoải mái tự nhiên, và khoai khoái làm sao ấy. Gọi thế thì mới thiệt là dân Sài Gòn.
Đấy là ngang hàng, ngang vai vế mà gọi nhau, chứ còn như đám nho nhỏ mà gặp người lớn tuổi hơn, đáng bậc cha, chú thì khác. Khi ấy “tụi nhỏ” sẽ gọi là chú, thím, cô, dì, hay bác và xưng “con” ngọt xớt. Có vẻ như người Sài Gòn "ưa" tiếng chú, thím, dì, cô hơn; cũng như đa phần dân miền Nam khác vậy mà. Mà có lẽ cách gọi này cũng còn tuỳ vào việc ước lượng tuổi của người đối diện. Gặp một người phụ nữ mà mình nhắm chừng tuổi nhỏ hơn mẹ mình ở nhà thì "Dì ơi dì...cho con hỏi chút...!" - còn lớn hơn thì dĩ nhiên là "Bác ơi bác..." rồi. Khi gọi một cách thân mật có ý khuyên bảo với một em nhỏ, người Sài gòn thường nói “Nầy, chú em…”
Những tiếng mợ, thím, cậu,... cũng tuỳ vào vai vế và người đối diện mà gọi. Có người chẳng bà con thân thuộc gì, nhưng là bạn của ba mình, lại nhỏ tuổi hơn, thế là gọi là chú và vợ của chú đó cứ thế gọi luôn là thím. Gọi thì gọi thế, còn xưng thì xưng “con” chứ không phải “cháu cháu” như một số vùng khác. Cái tiếng “con” cất lên nó tạo cho người nghe cảm giác khoảng cách giữa mình với đứa nhỏ đang nói kia tự dưng… gần xịt lại. Nghe sao mà quen thuộc, và gần gũi đến lạ lùng. Tự dưng là thấy có cảm tình liền.
Nói tiếp chuyện xưng-hô, người Sài Gòn có kiểu gọi thế này :
Ông đó = ổng
Bà đó = bả
Anh đó = ảnh
Chị đó = chỉ
Không hiểu sao mà dấu hỏi tự nhiên cái trở nên giữ vai trò quan trọng... ngộ nghĩnh vậy nữa. Nhưng mà kêu lên nghe hay hay đúng hông? Gọi vậy mới đúng là chất Nam Bộ - Sài Gòn á nghen.
Người Sài Gòn cũng có thói quen gọi các người trong họ theo... số. Như anh Hai, chị Ba, thím Tư, cô Chín, dượng Bảy, mợ Năm...Mà nếu anh chị em họ hàng đông đông, sợ gọi cùng là chị Hai, anh Ba mà hổng biết nói về ai thì dzậy nè, thêm tên người đó vào. Thành ra có cách gọi : chị Hai Lý, chị Hai Uyên, anh Ba Long, anh Ba Hùng, anh Sáu Lèo ...
Thêm nữa, nếu mà anh chị em cùng nhà thì tiếng "anh-chị-em" đôi khi được...giản lược mất luôn, trở thành "Hai ơi Hai, em nói nghe nè..." và "Gì dzạ Út ?"...Tôi thích cách gọi này, đâm ra ở nhà gọi Dì Út tôi chỉ là một tiếng Út gọn lỏn. Có chuyện nhờ là cứ "Út ơi...con nhờ chút!" hoặc với mấy chị tôi thì "Hai ơi Hai...em nói nghe nè!".
Cách gọi này của người Sài Gòn nhiều khi làm người miền khác nghe hơi...rối. Có lần, kể cho người bạn ở Hà Nội nghe về mấy người anh chị trong gia đình. Ngồi kể lể "anh Hai, chị Hai, dì Hai, Út, cậu Hai, mợ Hai, chú Ba..." một hồi cái bị kêu là hổng hiểu, xưng hô gì rối rắm quá chừng, làm phải ngồi giải thích lại suốt một hồi...lâu.
Cách xưng hô của người Sài Gòn là vậy. Nghe là thấy đặc biệt của cả một mảnh đất miền Nam sông nước. Cứ thế, không sang trọng, điệu đà như giọng người dân đất Bắc, cũng chẳng trầm lắng, thanh thanh như tiếng Huế Thần Kinh. Cái giọng Sài Gòn đi vào tai, vào lòng, vào cách cảm, và nỗi nhớ nhung của người Sài Gòn lẫn dân miền khác bằng sự ngọt ngào, bằng cái chân chất thật thà của truyền thống xa xưa, và bằng cả cái “chất Sài Gòn” chảy mạnh trong từng mạch máu người dân Sài Gòn. Đi đâu, xa xa Sài Gòn, bỗng dưng nghe một tiếng “Dạ!” cùng những tiếng “hen, nghen” lại thấy đất Sài Gòn như đang hiện ra trước mắt với những nhớ thương…
Người Việt không phải là Người Việt- Tác giả Trần Văn Tích
Đa số người đọc bài “Người Việt ăn cắp ở Đức” của Phạm Thị Hoài xuất hiện trên net tuần vừa qua đều hiểu rằng người Việt được nói trong bài là người Việt mới, người Việt tiến bộ.
Đa số người đọc bài “Người Việt ăn cắp ở Đức” của Phạm Thị Hoài xuất hiện trên net tuần vừa qua đều hiểu rằng người Việt được nói trong bài là người Việt mới, người Việt tiến bộ, người Việt xã hội chủ nghĩa. Phạm Thị Hoài kể rõ lai lịch của họ: họ gốc gác Nghệ an, Quảng bình; họ tụ tập sinh hoạt tại chợ Đồng Xuân Berlin. Một số người Đức cũng hiểu như thế. Dẫu vậy, vấn đề thanh minh cho công luận Đức am tường sự thực vẫn thường cứ phải đặt ra.
Chuyện con mèo Mungo
Phạm Thị Hoài kể rằng người Việt từng ăn cắp mèo. Nghe có vẻ nhân đạo. Hàng xóm Đức không chăm sóc mèo để nó đi hoang, đói khát, ta ăn cắp ta mang về nuôi nấng đúng tiêu chuẩn văn minh; thiết tưởng cũng là một cách góp phần bảo vệ súc vật. Nhưng số phận con mèo Mungo thì khác.
Tờ báo “Bild” là một tờ báo bình dân phổ biến rất rộng rãi. Số báo ra ngày thứ sáu 19.09.2014 đăng bài tường thuật chi tiết về chuyện con người mới xã hội chủ nghĩa tên Trần Quí xử lý con mèo Mungo.
Trần Quí có năm con, sinh sống ở Andernach, một thành phố nhỏ, có lối ba vạn dân, nằm trên sông Rhein. Ông ta bắt con mèo Mungo của hàng xóm và dùng đèn khí Bunsen nướng vàng để nhậu. Đi kèm với bản tin tường thuật nội vụ, tờ “Bild” còn trình bày một bức ảnh minh hoạ rất lớn, chiếm gần nửa trang báo vẽ cảnh Trần Quí xách mèo Mungo nướng trên ngọn lửa. Cùng ngày, tờ “DailyMail-Online” cũng loan tin nướng mèo Mungo, tin loan bằng tiếng Anh.
Khác với thông lệ, cả hai nguồn tin tức đều ghi trọn vẹn tên và họ thủ phạm, thay vì ghi tắt hay đổi tên đổi họ. Cả địa phương Andernach náo động khi được thông báo tin tức. Láng giềng của Trần Quí hoảng hốt đã đành mà trọn thành phố đều lo nhốt mèo thật kỹ. Hai bà hàng xóm của Trần Quí, Christina Sarwatka và Stephanie Jung kêu cứu với cảnh sát. Toàn thể cộng đồng mèo Andernach bị cấm trại một trăm phần trăm.
Ngày 22.09.2014, nhân danh Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức, tôi viết thư cho Sở Cảnh sát Andernach. Tôi trấn an giới chức công quyền địa phương là người tỵ nạn Việt Nam không có thói quen ăn thịt mèo và tôi xin hai bà hàng xóm của gia đình thủ phạm giết mèo Mungo nhận cho lời chia buồn và niềm tiếc nuối. Cảnh sát gọi ngay điện thoại phúc đáp và câu hỏi đầu tiên người Đức nêu ra là làm sao tôi biết tên con mèo bị nướng. Tôi trả lời rằng cả báo tiếng Đức tiếng Anh lẫn báo giấy báo mạng đều có đăng tên con mèo nạn nhân. Tôi cũng hỏi tình hình sở tại hiện thời ra sao. Cảnh sát cho biết còn xôn xao lắm vì thiên hạ ai cũng sợ cho số phận mèo nhà. Tôi xin số điện thoại tư gia của đồng hương thủ phạm nhưng tất nhiên cảnh sát từ chối. Tôi không biết bao lâu sau Andernach mới hết thiết quân luật đối với đội ngũ loài mãn.
Phát huy sáng kiến phạm pháp
“Người Việt tiến bộ” thường tham gia trồng cần sa “đại trà“ trên khắp thế giới cho nên thường bị ở tù. Tháng 10.2010, Toà án Địa phương Magdeburg kết án ba người vì tội trồng cây ma túy tại trại Atzendorf, tiểu bang Sachsen-Anhalt, thuộc lĩnh vực Đông Đức cũ. Chủ trại Petro H. lãnh bốn năm rưỡi tù giam, Tân Hoài P. ba năm rưỡi tù giam và Quốc Cường D. hai năm rưỡi tù giam. Khác với trường hợp nướng mèo, tên các can nhân trồng cây độc dược đều viết tắt.
Ngày 04.09.2011, một phụ nữ Việt Nam đến từ Berlin bị còng tay đưa ra khỏi máy bay của chuyến Vietnam Airlines số 544 sắp cất cánh ở phi trường Frankfurt am Main đi Hà nội với gần một triệu Euro chất trong hai vali. Tiền giấy cuộn chặt và giấu trong những chai nước xốt cà chua. Nữ nghi can bị xem là tham gia rửa tiền.
Ngày 19.12.2013, nhân viên quan thuế Đức chận giữ Đại sứ Việt cộng tại Thổ Nhĩ Kỳ “The Cuong Nguyen” – báo Đức không bỏ dấu tên họ – khi nhân viên ngoại giao này từ Ankara đến Frankfurt am Main trên chuyến phi cơ TK1619 của Hàng không Thổ mang theo trong người gần hai chục ngàn Euro mà không khai báo. Người Đức lại nghi đây là một dịch vụ rửa tiền phạm pháp. Tổng lãnh sự Việt cộng ở Frankfurt phản đối vì như vậy là vi phạm qui chế miễn dịch đối với giới chức ngoại giao. Cuối cùng, nghi can phải đóng ba ngàn năm trăm đôla tiền bảo hiểm (!) để được bay tiếp về Hà nội. Viên đại sứ ViXi bảo rằng số hiện kim mang theo người là để cứu trợ nạn nhân bão lụt ở quê nhà!
Tờ “taz” phát hành tại Berlin ngày 27.01.2012 loan tin Pham Toan P., chủ sự phòng tại Đại sứ quán Việt cộng nhập viện điều trị nhưng không chịu thanh toán y phí. Phát ngôn viên Bệnh viện Vivantes, cô Mischa Moriceau, cho biết đương sự bị ung thư máu cấp tính, cần được xạ trị. Phí tổn lên đến từ mười lăm đến mười bảy ngàn Euro. Ngoài ra, còn cần một ngàn Euro mua vé máy bay khứ hồi cho em gái ông P. từ Việt Nam sang Đức để tiến hành cấy tủy. Nhà thương đòi thanh toán chi phí điều trị nhưng Đại sứ quán Việt cộng cứ một mực làm ngơ khiến dư luận Đức rất bất bình.
Thường xuyên thanh minh
Việt cộng dốc lòng yểm trợ tổ chức tự xưng là Hội Liên Hiệp Người Việt toàn Liên bang Đức, “Bundesverband der Vietnamesen in Deutschland e.V. (BVD)”, thành lập ngày 22.10.2011. Cung cách tự mệnh danh là tổ chức của người Việt trên toàn lãnh thổ Đức quốc đương nhiên là một hình thức tiếm danh. Tổ chức này được các cơ quan ngoại giao Việt cộng yểm trợ tối đa về tài chánh. Thấy vẫn chưa đủ, nó nộp hồ sơ cho cơ quan BAMF (“Bundesamt für Migration und Flüchtlinge,” Cơ quan Liên bang về Di dân và Tỵ nạn) ở Nürnberg để xin tài trợ cho các hoạt động văn hoá xã hội (?). Đức nghe bùi tai nên cấp ngân khoản. Chưa được bao lâu, cả chục thành viên trong ban điều hành Hội Liên Hiệp công bố trên trang mạng thư gửi cho BAMF với nội dung không chịu trách nhiệm về thanh toán tài khoản được Đức cấp phát vì có sự lạm dụng bất hợp pháp!
Tổng Giám đốc BAMF là Tiến sĩ Manfred Schmidt. Mấy ngày nay ông ta xuất hiện nhiều lần trên tivi Đức vì vấn đề người tỵ nạn đang là thời sự nóng bỏng. Phụ tá cho Tiến sĩ Schmidt là Cô Anke Eckardt, coi như nữ Bí thư. Mấy lần tôi viết thư cho BAMF xác định rõ ràng rằng cộng đồng tỵ nạn chúng tôi không dính dáng gì đến những tội hình và tội hộ do người Việt gây ra trên đất Đức.
Ngày 12.03.2015, tôi đối diện với cả hai nhân vật, Tiến sĩ Manfred Schmidt và nữ Bí thư Anke Eckardt, tại “20. Forum Migration”. Cố gắng tận dụng thời gian “Stehpause” (nghỉ giải lao đứng), tôi trực tiếp trình bày với hai nhân vật hữu trách Đức về cục diện bất thường ở Đức với “hai tổ chức qui tụ người Việt khác nhau”. Tiến sĩ Manfred Schmidt yêu cầu tôi viết một thư chính thức đề địa chỉ cô Anke Eckardt nhằm mô tả tỉ mỉ thực trạng phân chia hai nhóm người Việt tại Đức. Tôi viết ngay thư theo yêu cầu với đề tựa “Die zwei Organisationen von Vietnamesen in Deutschland” (Hai tổ chức của người Việt tại Đức). Trong thư tôi nói rõ là chúng tôi không dính dáng gì đến Hội Liên Hiệp, trái lại vì biết rất rõ rằng đây là một tổ chức thống thuộc Đại sứ quán Việt cộng ở Berlin nên chúng tôi, vì lý do an ninh bản thân, luôn luôn tìm cách xa lánh nó. Tôi yêu cầu BAMF tiếp tay phổ biến giúp dữ kiện này đến các cơ quan hữu trách Đức.
Kết quả: cơ quan Otto Benecke Stiftung của Đức gửi thư mời tham gia hội thảo đến địa chỉ nhà riêng của tôi nhưng với tên người nhận là Ông Vũ Quốc Nam, vốn là Phó Chủ tịch phụ trách văn phòng của Hội Liên Hiệp Người Việt toàn Liên Bang Đức!
Trong khi chống “cộng”, cá nhân tôi lâm vào hoàn cảnh phải thường xuyên tự tách rời khỏi “cộng”, tự cách ly với “cộng”. Cố gắng của tôi nhắm vào phía Đức để làm việc này đã đạt được kết quả, tuy rằng chưa trọn vẹn một trăm phần tram.
Một người Việt Nam chỉ “không muốn làm người Việt Nam nữa” mà cũng thật là vất vả quá chừng
Du Học Rồi Biến Luôn- Tác giả Cô Tư Saigon
Đó là hiện tượng phổ biến, không chỉ riêng nơi nào tại Việt Nam. Bởi vì căn bản vấn đề là, những người du học rồi không chịu về đã nhìn thấy rằng họ yêu nước, nhưng không thể chịu nổi guồng máy cai trị kiểu độc đảng xã hội chủ nghĩa này.
Trong bài “Vượt Biên Bằng Máy Bay” đăng ở mục Viết Về Nước Mỹ trên Việt Báo ngày 7 tháng 8-2015 của tác giả Năng Khiếu, tình hình bỏ chạy khỏi thiên đàng XHCN được kể là, trích:
“Những con số bi thảm dễ thấy nhất là hàng trăm ngàn bạn gái từ các miền sông nước đã phải gạt nước mắt để trở thành “món hàng cô dâu Việt Nam” cho những tổ chức mai mối ăn chia với bọn cầm quyền bán sang các nước lân bang. Lịch sử từ cổ tới kim chưa có thời đại nào mà tệ hại như vậy.
Đám bạn tôi đứa thì đi theo diện kết hôn với Việt kiều do người thân, quen ở nước ngoài mai mối, đứa thì vô Facebook kết bạn rồi làm quen, hẹn gặp rồi nên duyên cầm sắt. Riêng tôi đến Mỹ theo diện đi du học...” (ngưng trích)
Đó là tự đi... Nhưng còn các giảng viên đại học bỏ chạy ra hải ngoaị luôn bằng tiền chính phủ thì sao?
Mới đây, hiện tượng này ở Đà Nẵng mới lộ ra.
Tác giả Phạm Văn trong bài viết tưạ đề “Nếu đã cam kết, học rồi về” trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn ngày 21-8-2015 đã ghi nhận:
“Gần đây báo Tuổi Trẻ đưa tin đã quá hạn cam kết trở về nhưng hàng chục giảng viên của Đại học Đà Nẵng đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài vẫn bặt vô âm tín. Đại học Đà Nẵng đã xử lý kỷ luật buộc cho thôi việc sáu người.
Điều đáng nói là trong số này có những giảng viên được đi theo diện đề án với mức đầu tư gần nửa tỉ đồng/năm cho việc ăn học. GS.TS. Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho biết hiện nhà trường cũng chỉ biết kêu gọi ý thức trách nhiệm, lòng yêu nước từ các giảng viên du học....
...Nếu họ đi học bằng tiền tự túc và xét thấy họ về nước cống hiến thì sẽ tốt cho công cuộc xây dựng đất nước hơn thì nên thuyết phục, động viên, mời mọc... và phải biết cách làm việc đó cũng như sẵn sàng cho sự đón nhận, mà quan trọng nhất là tạo môi trường làm việc để họ phát huy năng lực bản thân. Ngân sách bỏ tiền để đưa người đi học được thì cũng có thể bỏ tiền để đãi ngộ người tự túc đi học về làm được.
Đến giữa thế kỷ 19, Nhật Bản vẫn còn là một đất nước nghèo khó. Chính quyền Minh Trị ban hành chính sách cải cách giáo dục, trong đó chú trọng “nhập khẩu” tri thức phương Tây. Người Nhật được cử ra nước ngoài học tập không chỉ trở về mà còn kéo theo những chuyên gia nước ngoài về phục vụ Nhật Bản, vực dậy đất nước này dù tính hình tài chính đất nước lúc bấy giờ rất khó khăn. Các nhà sử học ghi nhận thời đó, những người ra đi tìm ánh sáng văn minh đã “đặt tinh thần vì lợi ích quốc gia làm trọng”. Nếu người Việt cũng có tinh thần này thì tốt quá! Muốn vậy phải bồi đắp từ nhiều phía.(ngưng trích)
Đành thở dài thôi. Có thực chính phủ CSVN ở Hà Nội cũng thực tâm yêu nước và có tâm cải tiến đất nước như triều đình Minh Trị của Nhật chăng?
Nếu thế, tại sao tới ngay như các cô thôn nữ Miền Tây cũng phải bỏ chạy, huông gì là các giảng viên đaị học, những người có cơ may nhìn thấu gan ruột của chế độ?
Tự Do Phát Biểu Bị Chà Đạp Tại San Jose- Tác giả Bùi Văn Phú
Trong buổi thảo luận với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam là ông Ted Osius hôm 14 tháng 7 tại tòa thị chính San Jose, một phụ nữ trong ban tổ chức đã yêu cầu một người đến dự là cô Đỗ Minh Ngọc phải tháo bỏ dây đang đeo trên cổ, rồi tịch thu trước khi cho cô vào phòng họp. Dây đeo của cô Ngọc có biểu tượng hình cờ Mỹ và cờ cũ của Việt Nam Cộng hoà với nền vàng ba sọc đỏ.
Việc làm của nữ nhân viên này rõ ràng đã vi phạm quyền tự do phát biểu của một công dân Mỹ được bảo đảm trong Tu Chính án Số 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Sau buổi thảo luận, cô Ngọc gửi thư phản đối đến Nghị viên Ash Kalra, người điều hợp chương trình hôm đó, và cũng đồng chuyển lá thư cho Thị trưởng Sam Liccardo và các nghị viên hội đồng thành phố San Jose.
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã có nhiều người lên tiếng bất bình với hành động của nữ nhân viên này. Tuy nhiên cho đến nay chưa ai nhận trách nhiệm về vụ việc.
Trong thư trả lời cô Đỗ Minh Ngọc, văn phòng Nghị viên Ash Kalra thẳng thừng chối là nhân viên của ông không can dự vào vụ việc. Lá thư cũng cho biết Thị trưởng Sam Liccardo và nhân viên thành phố San Jose không có ai dính dáng gì đến việc bắt cô Ngọc cởi bỏ dây đeo.
Vì buổi hội thảo do văn phòng của Dân biểu Mike Honda đứng ra tổ chức nên đại diện tại khu vực là Tiến sĩ Edwin Tan cũng đã gửi thư cho cô Ngọc xác nhận Đại sứ Osius, Nghị viên Ash Kalra và Dân biểu Honda tuyệt đối tôn trọng “Lá cờ Việt Nam Tự do”. Lá thư cũng cho biết là vì buổi hội thảo với đại sứ là một hoạt động của bộ ngoại giao nên không được treo cờ vàng. Tiến sĩ Edwin Tan thành thật xin lỗi cô Ngọc nếu đã có sự hiểu lầm về sự bất kính đối với lá cờ vàng.
Đến nay đã hơn một tháng trôi qua, với nhiều thư phản đối gửi đến các dân cử nhưng chưa một giới chức nào cho biết ai đã ra lệnh cho nữ nhân viên phụ trách ở cửa phòng họp, hay hoàn toàn do cô ấy tự ý, đã đòi hỏi cô Ngọc phải cởi bỏ biểu tượng cờ vàng thì mới được vào tham dự hội thảo. Dù có lệnh từ cấp trên hay không, hành động đó xảy ra ngay tại toà thị chính San Jose là vi phạm quyền tự do phát biểu của một công dân và sự thiếu minh bạch của ban tổ chức khiến nhiều người Mỹ gốc Việt thắc mắc và tức giận.
Từ tháng 12 năm ngoái, ông Ted Osius đến Hà Nội trong vai trò là đại sứ thứ sáu của Hoa Kỳ tại Việt Nam kể từ khi hai nước nối lại bang giao năm 1995. Đầu tháng 7 vừa qua ông trở lại Thủ đô Washington cùng với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam trong một chuyến viếng thăm lịch sử. Hôm 7 tháng 7 tại Bạch Ốc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama đã thảo luận một kế hoạch toàn diện để nâng cấp quan hệ hai nước, trong lúc đang có căng thẳng về chủ quyền trên biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia khu vực bao gồm Philippines và Việt Nam.
Đại sứ Osius ca ngợi cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước là dấu chỉ quan hệ ngày càng thân thiết hơn giữa hai cựu thù.
Tuy nhiên quan hệ của đại sứ với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, một cộng đồng luôn bị Hà Nội có cái nhìn nghi ngại, lại gặp nhiều thử thách.
Trên đường trở lại Việt Nam làm việc, Đại sứ Osius đã ghé qua California và có những buổi gặp gỡ, thảo luận với cộng đồng và giới doanh nhân Mỹ gốc Việt về quan hệ hai nước trong hai thập niên qua cũng như trong tương lai.
Trong những buổi tiếp xúc ở Quận Cam với Thượng Nghị sĩ Tiểu bang Janet Nguyễn, với Giám sát viên Andrew Đỗ cũng như tại buổi thảo luận ở San Jose, Đại sứ Osius đã công khai yêu cầu ông không muốn chụp hình, dù tình cờ, với lá cờ vàng bởi vì ông lo ngại Hà Nội sẽ cho ông về nước.
Lá cờ vàng là biểu tượng của Việt Nam Cộng hoà cũ, một đồng minh của Mỹ đã chiến đấu chống lại cộng sản Bắc Việt từ 1954 cho đến khi đầu hàng vào ngày 30/4/1975. Chiến thắng của cộng sản đã đưa hơn 100 nghìn người Việt đến Hoa Kỳ, kéo theo làn sóng thuyền nhân vượt biển với gần một triệu người trong hai thập niên sau và từ đó đã khai sinh ra cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Năm 1995 Hoa Kỳ và Việt Nam tái lập quan hệ ngoại giao. Người Mỹ gốc Việt lo sợ Hà Nội sẽ cắm cờ đỏ sao vàng trong cộng đồng, điển hình qua sự kiện một chủ tiệm trong khu Little Saigon Quận Cam, thủ phủ của người Việt tị nạn, đã treo cờ đỏ và hình Hồ Chí Minh dẫn đến việc tranh cãi trước toà về quyền tự do phát biểu và những cuộc biểu tình phản đối kéo dài gần hai tháng, có lúc lên đến hàng vạn người.
Qua sự việc đó, để lên tiếng nói không ủng hộ chế độ cộng sản, người Việt khởi động vận động dân cử Quận Cam đưa ra những nghị quyết công nhận Cờ Vàng là biểu tượng của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Khởi đi từ thành phố Westminster và Garden Grove, chiến dịch lan ra toàn nước Mỹ và đến nay đã có vài chục thành phố, hàng chục quận hạt và nhiều tiểu bang công nhận Cờ Vàng.
Ở miền bắc California, thành phố San Jose đã công nhận và tuyên dương biểu tượng này. Sau đó là Milpitas và Quận hạt Santa Clara. Ngày nay lá cờ vàng thường thấy tung bay tại các khu Little Saigon và trong sinh hoạt văn hoá, xã hội và chính trị của cộng đồng người Việt.
Vì thế tại buổi thảo luận với nhà ngoại giao Mỹ, cô Đỗ Minh Ngọc đã nêu vấn đề và thắc mắc tại sao cô phải cởi bỏ biểu tượng cờ vàng mà cô đang đeo thì mới được cho vào phòng họp. Nhân quyền của cô có đã bị vi phạm?
Đại sứ Osius không trực tiếp trả lời, nhưng đã phát biểu rằng ông rất tôn trọng lá cờ và biểu tượng mà cô mang theo. Rồi ông lập lại điều giống như đã nói với cử tọa ở Quận Cam mấy hôm trước, là khi đến đây ông cũng đã yêu cầu không có treo cờ vàng treo phòng họp vì điều đó có thể gây khó khăn cho ông với chính quyền Hà Nội.
Ông giải thích: “Tôi là đại diện của quí vị đối với chính quyền hiện thời của Việt Nam. Nếu tôi chụp hình có lá cờ đó ở phiá sau hay với cờ trên bục diễn thuyết thì tôi không thể tiếp tục làm nhiệm vụ của mình, tôi không thể là người bênh vực cho quí vị ở Việt Nam nữa vì họ [chính quyền Hà Nội] sẽ cho tôi về nước.”
Phát biểu của Đại sứ Mỹ làm một số người Việt bực tức. Bác sĩ Phạm Đức Vượng là một thành viên cao cấp trong Tập thể Chiến sĩ Việt Nam Cộng hoà Hải ngoại đã rời phòng họp để phản đối.
Những người khác trong cộng đồng cũng vô cùng phẫn nộ. Trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình mạng CaliToday, Tiến sĩ Đỗ Hùng là Chủ tịch của Little Saigon San Jose Foundation đã yêu cầu đại sứ Mỹ từ chức hay bị cách chức. Ông viết thư cho Dân biểu Zoe Lofgren để phản đối những phát biểu của nhà ngoại giao Mỹ và yêu cầu bà đòi hỏi bộ ngoại giao giải thích rõ chính sách, vì người tiền nhiệm của ông Osius là cựu Đại sứ David Shear đã từng chụp hình với cờ vàng mà không bị Hà Nội đuổi về nước.
Sau đó, ngày 24 tháng 7 hai dân biểu Zoe Lofgren và Mike Honda đã viết thư cho Ngoại trưởng John Kerry yêu cầu giải thích chính sách của liên bang liên quan đến lá cờ của cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Trong văn thư trả lời Dân biểu Zoe Lofgren hôm 7 tháng 8, phụ tá ngoại trưởng về các vấn đề pháp lý Julia Frifield xác định Đại sứ Osius đã không ngăn cấm ai đeo lá cờ trên người và việc “Trưng bày lá cờ hiển nhiên là quyền hợp pháp và chính đáng của mọi công dân Mỹ.”
Thế tại sao một nhân viên làm việc trong buổi hội thảo với Đại sứ Ted Osius hôm 14 tháng 7 tại toà thị chính San Jose đã yêu cầu cô Đỗ Minh Ngọc phải cởi bỏ biểu tượng lá cờ trước khi cho cô vào phòng họp.
Rõ ràng là quyền tự do biểu đạt của cô Ngọc, một công dân Hoa Kỳ, đã bị chà đạp ngay tại tòa thị chính San Jose mà đến nay không giới chức nào nhận trách nhiệm.
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt đòi hỏi văn phòng biện lý mở cuộc điều tra cho rõ ai đã chà đạp lên dân quyền của cô Đỗ Minh Ngọc để những sự việc như thế không xảy ra trong tương lai.
Tuấn Ngọc hát Gọi Tên Giòng Sông của Trần Dạ Từ
Thơ Mai Thảo cuối đời.
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao. Mai mốt nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao. Mai mốt nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.
Ông Ngô Vĩnh Long nhận xét: "Nhiều người không hiểu câu nói Không Có Gì Quí Hơn Độc Lập Tự Do của ông Hồ" ; và ông Nguyễn Quang A đòi hỏi: "Dẹp CÁCH MẠNG đi!"
Ông Ngô Vĩnh Long nhận xét: "Nhiều người không hiểu câu nói Không Có Gì Quí Hơn Độc Lập Tự Do của ông Hồ"
Ông Nguyễn Quang A đòi hỏi: "Dẹp CÁCH MẠNG đi!"
Tự truyện We Are Here, Allen & Unwin Publisher, in năm 2015, tác giả là Luật sư Nguyễn Cát Thảo. Sách kể về chuyến vượt biên bằng đường bộ của cả gia đình VN qua cánh đồng chết Kampuchea và những tranh đấu vượt qua nghèo khổ, kỳ thị trong thời tuổi trẻ tại nước Úc
Phỏng vấn tác giả Nguyễn Cát Thảo, sinh ra và trưởng thành ngoài VN, nói lưu loát tiếng Viêt.
Ngày về Quê!- Tác giả Hoàng Hải Thủy
Từ 10 năm nay sống cô liêu trong một nhà dành cho Người Cao Tuổi Thu Nhập Thấp – Old Seniors Low Income – mỗi ngày tôi mở computer ba lần.
Lần Một: 9 giờ sáng đến 11.30 trưa. Tắt máy. Ăn cơm. Nằm đọc tờ The Washington Post. Ngủ trưa hay nằm lơ mơ đến 2.30.
Lần Hai: 3 giờ trưa đến 5 giờ chiều. Tắt máy. Đi bộ một giờ trong Rừng Phong, hay vào Exercise Room ngay trong nhà, đi trên treadmill 30 phút, tập tay với cặp tạ 5 ký, với máy kéo tay hiện đại. Về phòng – 6 giờ – tắm, 7 giờ ăn cơm.
Lần Ba: mở computer lúc 9 giờ tối, mầy mò, moi móc đến 11.00. Tắt máy. Nằm đọc sách. Ngủ.
Chẳng phải một mình tội nghiện computer. Ngày 3 cữ. Nhiều người già ở Kỳ Hoa, ở Việt Nam, nghiện computer như tôi. Tôi Tám Bó Tuổi Đời, 10 năm nay không uống rượu, dù là Vang, Laze, quanh quẩn vanh-cát suya vanh-cát – 24/24 – trong nhà. 10 năm nay tôi không xỏ tay vào áo veston, không thắt cravate, chuyên đi giầy không bí-tất, không đi gặp anh em, không đi ăn nhậu, đấu hót. Tôi có lý do là tôi ở nhà săn sóc vợ tôi.
Năm năm trước vợ tôi bị té, may chỉ bị rập xương, không nứt xương. Trong thời gian nàng nằm liệt, tôi ngày đêm xin:
“Xin Mẹ cho vợ con sống với con năm năm nữa.”
Đến hôm nay Đức Mẹ Maria đã cho tôi được sống với vợ tôi năm năm.
Vợ tôi đi lại được nhưng đi khó, rất yếu, rất dễ té ngã.
Nhắc lại: Từ năm năm nay tôi quanh quẩn trong nhà suốt ngày đêm. Tôi bỏ anh em nên anh em tôi bỏ tôi. Biết tôi không đi, không đến, anh em tôi không mời gọi tôi nữa.
Không có computer, tôi làm gì cho hết ngày. Cũng may cho tôi, tôi có computer. Và tôi thích Viết. Tôi thích Viết Truyện từ năm tôi mười tuổi.
Nhiều lần tôi viết:
“Với tôi, Viết là Hạnh Phúc.
“Tôi Sống để Viết. Tôi Viết để Sống.”
Thợ Viết được Viết bằng computer là một Sướng Khoái Tuyệt Đỉnh. Cái Sướng Khoái ông Tầu Kim Thánh Thán không được hưởng. Viết bằng computer người viết tha hồ sửa bài. Bài viết được sửa, xóa, viết thêm mà không lem nhem, không vết sủa. Computer giúp tôi viết bài, gửi bài đi, giữ bài, tìm tài liệu, tìm ảnh, làm photoshop, tức ghép ảnh, làm ảnh dzởm, học, giải trí…
Tôi thích làm photoshop. Có khi mê mải làm một ảnh trong cả giờ đồng hồ. Làm để chơi, làm vì thích làm, làm ảnh ghép mà không dùng đăng theo bài viết.
Bài viết xong nhấn Send là trong một nháy mắt, trong nửa sát-na, bài tới tòa báo. Người bạn chủ báo chỉ cần lấy bài – download – và đăng lên báo. I-Meo gửi bạn cũng thế. Ngồi ở Kỳ Hoa, viết I-Meo, nhấn Send, là ngay khi đó thư về đến Sài Gòn.
Gọn, nhanh, sạch. Bài viết không nhem nhếch, không rập xóa, không có lỗi sai chữ – xưa gọi là phốt ti-pô, lỗi của anh em sắp chữ nhà in. Viết bằng computer nếu bài có lỗi chính tả, đó là lỗi của người viết.
Chơi I-Meo còn vui nữa. Như tôi hiện nay ngày nào cũng I-Meo qua lại với Văn Quang ở Sài Gòn, với ông Nhà Văn Tạ Quang Khôi, ông này tuổi đời còn Bốn Que là đầy Chín Bó. Ông vượt biên sang Kỳ Hoa từ năm 1980. Bà vợ ông qua đời đã lâu. Hiện ông sống cu ky trong cùng một Nhà Già với tôi. Phòng ông ở Lầu 3, phong tôi ở Lầu 2. Tuy ở cùng nhà chúng tôi ít gặp nhau, nhưng ngày nào chúng tôi cũng I-Meo cho nhau hai, ba lần. Toàn chuyện rỡn chơi, chọc ghẹo nhau cho đỡ buồn, cho có việc làm.
Và ai nghiện computer cũng vậy, buổi sáng mở computer, việc đầu tiên là check mail, xem trong đêm qua mình có những điện thư nào gửi đến. Đêm, trước khi tắt computer, check mail lần cuối.
Cũng may cho tôi là tôi có Người Đàn Bà cùng sống với tôi nơi Đất Trích. Nàng đã sống với tôi 60 mùa thu vàng ấm. Từ Tháng Bẩy 1954. Năm chúng tôi hai mươi, chúng tôi gặp nhau. Chúng tôi đã sống với nhau 40 năm trong thành phố thương yêu Sài Gòn, 20 năm ở Kỳ Hoa Đất Trích.
Không khác gì những cặp vợ chồng già, nàng và tôi đôi khi ủng oẳng với nhau. Từ hai năm nay, tai tôi lãng. Chưa Điếc, chỉ Lãng Tai. Tên gọi khác là Nặng Tai. Ai già cũng thế thôi. Nhiều khi tôi nghe tiếng Nàng nói mà không nghe rõ Nàng nói gì.
Tôi hỏi lại:
“Em nói gì?”
Nàng bực;
“Nói không chịu nghe. Cứ bắt người ta nhắc lại.”
Khi nghe tôi than vợ chồng tôi thường ủng oẳng, như lúc 10, 11 giờ đêm, căn phòng trong Nhà Già tối thui, chỉ có đèn sáng trên bàn viết của tôi, vợ tôi trong phòng ngủ đi ra, nàng bóc gói bánh. Không lẽ không hỏi gì vợ, tôi hỏi nàng:
“Em mở gói bánh mới đấy à? Gói cũ hết rồi ư?”
Thay vì chỉ thốt lên tiếng “Ừ.” Nàng nói:
“Thấy người ta mở đây. Còn hỏi.”
Tôi kể chuyện đó qua phone với Thái Thủy – Thái Thủy ở Cali – Thái Thủy nói:
“Sẽ có ngày mày muốn ủng oẳng với bà ấy mà mày không còn bà ấy ở đó cho mày ủng oẳng.”
Hoàng Song Liêm nói:
“Vợ chồng già nào mà chẳng thế.”
Thái Thủy, Hoàng Anh Tuấn, Vương Đức Lệ, Mai Trung Tĩnh, Hồ Văn Đồng, Như Phong Lê Văn Tiến, Thanh Tâm Tuyền …, những văn nghệ sĩ sau những năm tù đầy ở quê hương, đã đến Kỳ Hoa và đã chết ở Kỳ Hoa.
Tìm quên trên Net, tôi thấy Lời Nhạc Tình Khúc Thứ Nhất của Nguyễn Đình Toàn.
Những năm 1970 ngôn ngữ người Sài Gòn có tiếng “Về quê” gọi thay cho tiếng Chết. “Ông ấy về quê dzồi.” Nghe nhẹ hơn, đỡ buồn hơn “Ông ấy chết dzồi.”
Tiếng “Về quê” ở trong Lời Nhạc Tình Khúc Thứ Nhất.
Tiếng “Về quê” từ trong lời bản Nhạc Tình Khúc Thứ Nhất đến trong ngôn ngữ người Sài Gòn.
TÌNH KHÚC THỨ NHẤT
(Vũ Thành An & Nguyễn Đình Toàn)
Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người
Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay
Mong tìm ra phút sum vầy
Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
Lời nào em không nói em ơi
Tình nào không gian dối
Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say
Lá thốt lên lời cây
Gió lú đưa đường mây
Có yêu nhau xin ngày thơ ngây
Lúc mắt chưa nhạt phai
Lúc tóc chưa đổi thay
Lúc môi chưa biết dối cho lời
Tình vui trong phút giây thôi
Ý sầu nuôi suốt đời
Thì xin giữ lấy niềm tin dẫu mộng không đền
Dù Trời đem cay đắng gieo thêm
Cũng xin đón chờ bình yên
Vì còn đây câu nói yêu em
Âm thầm soi lối vui tìm đến
Thần tiên gẫy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường
Ngày về quê xa lắc lê thê
Trót nghe theo lời u mê
Làm Tình Yêu nuôi cánh bay đi
Nhưng còn dăm phút vui trần thế.
Ngày về quê xa lắc lê thê….
Tôi không nhớ tôi gặp Nguyễn Đình Toàn lần thứ nhất ở đâu, bao giờ. Chỉ nhớ là tôi biết Toàn khoảng năm 1960. Biết nhau là mày tao ngay.
Vào những ngày cuối năm 1975, đầu năm 1976, Sài Gòn có phong trào nuôi thỏ. Vì không có việc gì làm, người ta bầy ra trò nuôi thỏ cho qua thì giờ. Một hôm – cũng không có việc gì làm – buồn quá tôi đạp xe sang Làng Báo Chí.
Nguyễn Đình Toàn bận bộ quần áo nâu, đội nón lá, cắt cỏ trong bãi cỏ đầu làng. Toàn cắt cỏ đem về nuôi thỏ.
Ghé xe gặp bạn ngay bên đường, Toàn nói:
“Mày xem. Cả năm nay tao không được ăn miếng thịt bò, mà tao cắt cỏ bị liềm xén vào tay, mất cả nửa lít máu. Còn gì là tao nữa.”
Phong trào Nuôi Thỏ ở Sài Gòn sống bệu nhệch được năm, sáu tháng là chết ngỏm.
Tháng Bẩy 1976 Toàn và tôi đi dự cái gọi là Khóa Bồi Dưỡng Chính Trị cho Văn Nghệ Sĩ Sài Gòn, khóa học do bọn ở cái gọi là Hội Văn Nghệ Sĩ Thành Phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Nhà Toàn ở Làng Báo Chí. Buổi trưa Toàn không thể đạp xe về nhà ăn cơm, ăn xong lại đạp xe đến lớp, tôi rủ Toàn:
“Trưa về nhà mẹ tao ăn cơm với tao.”
Nhà tôi ở trong Cư Xá Tự Do, giữa Ngã Ba Ông Tạ và Ngã Tư Bẩy Hiền. Nhà mẹ tôi ở đường Trần Quốc Toản, từ nơi học ở trong vi-la nơi Ngã Tư Trương Minh Giảng – Tú Xương tôi về nhà mẹ tôi gần hơn.
Có buổi trưa ngồi chờ giờ trở lại lớp, Toàn cầm cây đàn của con tôi, nhẹ tay đàn, hát nhẹ đôi câu, mẹ tôi nói;
“Nhạc của ông buồn quá.”
Toàn nói với tôi:
“Tao là thằng nhạc sĩ lỡ.”
Cùng dự Khóa Bồi Dưỡng với chúng tôi có Cao Nguyên Lang. Cao ký giả cũng có nhà trong Làng Báo Chí.
Toàn bảo tôi:
“Mày gọi nó là Cao Khoai Lang.. Cái tên hay đấy..”
Toàn kể chuyện:
Trong Làng Báo Chí có phòng họp. Trên tường phòng họp này có trưng ảnh Bác Hồ. Bọn nhóc trong làng bôi cứt lên miệng Bác Hồ. Cả tháng sau dân làng mới thấy. Cứt trên mồm Bác Hồ đã khô nhưng vẫn còn đấy. Tất nhiên là dân làng vội hạ ảnh Bác xuống.
May mà thằng công an khu vực chưa kịp biết.
Cùng thời gian ấy, khoảng năm 1977, 1978, vì đói, một số em trai trong Làng lén gỡ tôn trên mái những căn nhà không người ở trong làng, gỡ đem đi bán. Trong số những em này có con của Cao Nguyên Lang.
Bị dân làng dọa:
“Ông không ngăn con ông gỡ trộm tôn, chúng tôi sẽ cho công an khu vực biết.”
Cao Nguyên Lang nói:
“Mấy ông, mấy bà cứ cho công an biết con tôi gỡ trộm tôn đi, tôi sẽ cho công an biết con mấy ông, mấy bà bôi cứt lên mồm Bác Hồ.”
Đấy là chuyện Nguyễn Đình Toàn kể, tôi nghe.
Đời có câu: “Văn mình, Vợ người.”
Tôi nghĩ người ta không quí thơ văn của mình vì cho là Thơ Văn mình Hay mà quý là vì người ta khổ tâm khi làm những Thơ Văn ấy.
Nhân viết về Thơ Nguyễn Đình Toàn, mời quí vị đọc vài bài Thơ của tôi:
Quân lịch Kỳ Hoa, quân bất cải.
Ngã du Mỹ Quốc, ngã do liên.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Giai nhân, cùng sĩ đối sầu miên.
Kỳ Hoa Em vẫn là Em,
Anh sang Mỹ Quốc, đêm đêm Anh buồn.
Một đi hoàng hạc đi luôn,
Giai nhân, cùng sĩ, đối buồn nằm mơ!
Hoa lưu động khẩu ưng trường tại,
Thủy đáo nhân gian định bất hồi.
Hoa chờ, nước chẳng về trời,
Ngàn năm mây trắng ngời ngời áo bay.
Còn nhau chẳng giữ cho hay,
Mất nhau lại tiếc những ngày có nhau.
Mắt Em ngưng ánh lệ sầu,
Về nhà chồng hỏi — Qua cầu gió cay.
Câu Tiễn ngồi trên ngai vàng,
Có bao giờ nhớ đến Nàng, Tây Thi.
Sang Ngô mờ vết xe đi,
Cô Tô Đài có còn gì nữa đâu.
Đêm tha hương, giấc ngủ sầu.
Trong mơ xanh biếc một mầu Tây Thi!
Trên ghế cà phê vỉa hè, nghe tiếng hát Lệ Thu từ cassette:
Em buồn Em bỏ đi đâu
Sao Em để tiếng Em sầu ở đây!
Thu vàng, hạc lánh về Tây
Lệ rơi từng tiếng Thu này, Em ơi.
Từ Em góc biển, chân trời
Em cón Tiếng Hát Yêu Người không Em?
Kiếp nay đã giở giang nhau,
Thì xin kiếp khác, duyên sau lại lành.
Kiếp này đã chẳng Em Anh,
Làm sao kiếp khác chúng mình thành đôi.
Kiếp này biết kiếp này thôi.
Hẹn làm chi để bồi hồi kiếp sau!
Kiếp nay đã chẳng cùng nhau,
Hẹn làm chi để kiếp sau bồi hồi.
Cuộc sống, dòng đời trôi chẩy mãi,
Ba mươi năm lẻ, một lòng đau.
Mất nhau từ cuộc thương tang ấy,
Anh vẫn buồn, anh vẫn nhớ nhau.
Độc tại Kỳ Hoa vi nạn khách,
Mỗi phùng Nguyên Đán bội thương sầu.
Anh ở Kỳ Hoa, làm khách nạn,
Mỗi năm Tết đến lại thương sầu.
Thương về đâu, nhớ về đâu?
Hà Đông Công Tử bạc đầu Rừng Phong.
Ngày về quê xa lắc lê thê..
Thi sĩ ơi… Ông viết câu Thơ trên năm 1970. Năm ấy, năm 1970, ông Bốn Mươi tuổi, ông thấy ngày ông Về Quê xa lắc xa lơ. Đúng thôi.
Năm nay 2015 – 45 mùa thu vàng ấm đã qua đời ông, đời tôi, tôi chắc ông thấy rõ hơn ai hết là:
“Ngày Về Quê..” của ông, của tôi, không còn xa lắc nữa…
Chỉ có chuyện chúng ta chưa biết là ông sẽ về quê trước tôi, hay tôi sẽ về quê trước ông.
“Về quê” và “đi tầu suốt” đồng nghĩa.
Tôi có Thơ:
Đi trước, đi sau
Chưa biết thằng nào trước thằng nào.
Thằng nào đi trước, thằng nào sau.
Không thằng nào nói: “Tao đi trước.”
Không thằng nào nói: “Tao đi sau.”
Đi sau, đi trước cùng đi cả
Thằng thì đi trước, thằng đi sau.
Thằng đi sau lậy thằng đi trước.
Thằng đi trước kệ thằng đi sau.
Đi sau, đi trước cùng đi cả
Théc méc làm chi chuyện trước sau.
Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015
Made in Vietnam - Tác giả Shefalee Vasudev, Trà Mi dịch
Mặc dù vậy, nếu như tôi, bạn rơi vào bẫy của danh sách những nơi du lịch phải đi, Việt Nam cũng có thể là nơi để bạn đi nghỉ hè. Nhưng đây là ba lời khuyên…
“Kỳ lạ” trở thành nhàm chán khi người ta nhìn kỹ nó trước, khi chúng tôi lên máy bay từ Bangkok đi Hà Nội, tôi kêu lên bằng một giọng nữ sinh với chồng tôi về sự háo hức đi đến “Phương Đông kỳ lạ”.
Nỗi háo hức đã nhanh chóng bỏ rơi tôi ngay lúc chúng tôi đến khách sạn ở một ngõ chật chội trong khu phố cũ ở Hà Nội, thủ đô của Việt Nam.
Hà Nội trông giống như Kolkata khi còn gọi là “Calcutta” [thời thuộc địa của Anh] với một con gà mái bên kia đường cục tác không thôi. Ẩm, nóng, hổn hển với những ứng tác ngôn ngữ khi chúng tôi phải cố gắng để giao tiếp với nhân viên khách sạn, một số người đó nói tiếng Anh đứt khúc (nhưng rất vui vẻ và lịch sự một cách đau khổ), làm cho ấn tượng mới đến của chúng tôi thành nặng nề và không còn gì kỳ thú. Chúng tôi nghe nói Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn xưa) mới là điểm đến, với các quán xá và cuộc sống về đêm nhiều màu sắc, nhưng ở Hà Nội thì chắc chắn sẽ chán sau hai ngày.
Nhận xét đầu tiên của tôi về Hà Nội vẫn còn là nó giống như một Calcutta sạch hơn với cảnh tương tự như khu chợ Bhendi của Mumbai hoặc khu chợ bên đường ở Old Delhi với một phần của thành phố trông như đã thêm vào con đường Linking Road ở Bandra (Mumbai).
Những mâu thuẫn này càng sâu sắc hơn khi chợt thấy một số quán cà phê tuyệt vời trước khi tới một nơi được gọi chính thức là khu phố Tây. Chắc chắn nó không giống như Paris, và quên đi những gì bạn đã đọc trong cuốn Lonely Planet.
Như một người hippy cộng sản toàn cầu đi tìm những câu chuyện của những cuộc đấu tranh từ hồ Como đến Las Vegas, tôi là một người dễ bị bịp vì những thực tế của kẻ thua cuộc. Đài tưởng niệm chiến tranh chỉ làm tăng thêm sự quyến rũ mà tôi tưởng tượng xung quanh những nơi như thế. Vì vậy, chính tôi là người đã rao bán ý tưởng đi du lịch ở Hà Nội với chồng tôi.
Việt Nam, ôi Việt Nam, tôi tiếp tục lên danh sách nào là viện bảo tàng chiến tranh, trái cây tươi và trái cây khô châu Á, rồi chè đậu nước dừa, hàng tơ lụa, làng gốm, tôm to ngâm dầu ớt, cơm nếp với xoài, và cả tua du lịch Vịnh Hạ Long.
Tôi trộn lộn những tu từ nghe được với hình ảnh quảng cáo trên mạng và những câu chữ từ các bài báo đã đọc hồi tháng Tư, đặc biệt là trong tờ The New York Times, viết nhân dịp kỷ niệm 40 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Để công bằng, Hà Nội có một chút của tất cả những điều vừa kể. Có những khu phố cũ quanh hồ Hoàn Kiếm, chỗ người Việt Nam ngồi trên ghế thấp nhấm nháp bia địa phương, thực sự trông cũng hay hay; hồ Hoàn kiếm được coi là một phần phong cảnh đẹp nhất của thành phố.
Có quán cà phê bán cà phê Việt Nam, được coi là loại cà phê đậm nhất, mạnh nhất thế giới. Bạn sẽ thấy những con phố với hàng sơn mài, đồ gốm, đồ gỗ và cửa hàng vải vóc Việt Nam bán vải nhuộm và túi thêu tay – tất cả đều là hàng mua được.
Nhưng hầu hết các cửa hàng đều mập mờ, họ bán quần áo phương Tây chẳng có gì hấp dẫn. Hàng chục cửa hàng bán hàng hiệu cấp hai của Nike, Zara, H&M hay Uniqlo – Có gì lạ đâu, Việt Nam là xưởng bóc lột lao động lớn nhất sản xuât thời trang toàn cầu. Thực tế đang trưng bày cho tất cả mọi người xem.
Nếu đi tua du lịch ngoại thành, người ta sẽ thấy những làng gốm, làng tơ lụa ở ngoài Hà Nội với các cửa hàng bản địa. Xinh đấy, nhưng không có gì huyền diệu.
Tất cả mọi thứ tất nhiên là rất rẻ vì tiền đồng Việt Nam là một loại tiền tệ giá thấp. Cũng phải nói rằng thức ăn Việt Nam tuyệt vời, tươi và ngon với hương vị tinh tế và hương liệu hấp dẫn.
Bạn có thể bỏ qua những món thịt chim bồ câu, đùi ếch, ngay cả thịt bò và thịt heo đi nếu muốn theo đúng quy tắc ẩm thực thời đại mới, nhưng có rất nhiều các món ăn thịt gà và các loại hải sản để thưởng thức. Bánh xèo Việt Nam, một món ăn hình quạt, màu vàng nhạt, bên trong là salad tươi, tôm, thịt và giá. Người hầu bàn sẽ cắt thành miếng nhỏ và sau đó mỗi miếng phải được kèm với rau và cuộn bằng bánh tráng nhúng nước mắm ớt rồi thưởng thức. Đó là một kinh nghiệm không thể nào quên. Câu hỏi của tôi là: mọi người nên đi du lịch đến Việt Nam chỉ vì thức ăn địa phương? Sau khi trò chuyện với một vài người bạn, tôi nhận ra đó là câu trả lời cho một số không nhỏ.
Khi nghĩ lại, nhận ra được điều này tôi thấy mình cũng thích một phần trong kỳ nghỉ hè vừa qua. The Maison Centrale, còn gọi là nhà tù Hỏa Lò, là một bảo tàng chiến tranh làm nhói tim người xem với những câu chuyện và kỷ vật từ cuộc chiến tranh của Việt Nam với Pháp và Mỹ – những câu chuyện về bạo lực, mất mát, cái chết, tra tấn vô nhân đạo và ý chí bền vững của người Việt Nam để vượt qua tất cả.
Người lãnh đạo cuộc cách mạng và là Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh, có mặt ở khắp nơi, từ những tời giấy bạc, trên T-shirts, trên mặt tiền của quán cà phê đến những áp phích bán trong các cửa hàng ở viện bảo tàng.
Tôi tự hỏi tại sao người Việt Nam lại dựng một cấu trúc phát xít như Lăng Hồ Chí Minh thay vì giữ xác của ông ấy trong một đài tưởng niệm theo kiến trúc truyền thống địa phương. Một mảnh của Đức sừng sững trong phức thể Ba Đình, không phải là một công trình xây dựng có nét của phương Đông trong khu vực này. Người Việt Nam rất tự hào, và với sự hân hoan, người hướng dẫn du lịch bắt bạn đếm con số các quốc gia cộng sản trên bản đồ toàn cầu, nhưng viện bảo tàng của họ hầu như không đủ sáng, không có máy lạnh thích nghi và cũng không có những ghi chú và thư mục thú vị của người những người quản lý bảo tàng.
Mặc dù vậy, nếu như tôi, bạn rơi vào bẫy của danh sách những nơi du lịch phải đến, Việt Nam cũng có thể là nơi để bạn đi nghỉ hè. Nhưng đây là ba lời khuyên. Một là, từ “kỳ lạ” chỉ quyến rũ như một công cụ của trí tưởng tượng hơn là trong thực tế. Hai là, sẵn sàng chấp nhận rằng chủ nghĩa xã hội đọc trong sách vở hay hơn sự thực ở các thành phố, vì khi cố cạnh tranh với các không gian tư bản và các trung tâm thương mại ở các nước thế giới thứ ba, thì nó thua to. Ba là, đừng đi tìm Venice tại Việt Nam.
Một góc khác của con người Hồ Chí Minh- Tác giả Nguyễn Hưng Quốc
Lâu nay, trên sách báo chính thống trong nước, ai cũng ca ngợi Hồ Chí Minh. Được khen nhiều nhất, ngoài tài lãnh đạo, là khả năng cảm hoá người khác của ông. Theo những bức chân dung do hệ thống tuyên truyền của đảng Cộng sản tô vẽ, hầu như bất cứ người nào, từ các chính khách đến các văn nghệ sĩ, từ giới trí thức đến giới bình dân, từ người Việt Nam đến người ngoại quốc, hễ gặp Hồ Chí Minh một lần là kính phục và cảm mến ông ngay tức khắc. Cá tính và tài năng ngoại giao của Hồ Chí Minh gần như trở thành một huyền thoại.
Mới đây, trong một bài hồi ký về nhà thơ Lưu Trọng Lư, kịch tác gia Vũ Đình Phòng, một đảng viên Cộng sản, kể lại những câu chuyện hoàn toàn khác hẳn. Theo ông, ấn tượng mà Hồ Chí Minh để lại trong ký ức của Lưu Trọng Lư là một người “thô lỗ, cục cằn”; dưới mắt Hà Huy Giáp, Hồ Chí Minh là một người “khó tính” và nóng nảy; còn Đỗ Đức Dục, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, thì thẳng thừng gọi Hồ Chí Minh là “một con người vô văn hoá”.
Nhưng Vũ Đình Phòng là ai?
Theo bản tiểu sử in trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại (nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 1997, tr. 520), Vũ Đình Phòng sinh ngày 18 tháng 11 năm 1933 tại Hải Phòng. Năm 1945, ông tham gia Cách mạng tháng Tám, sau đó, vào bộ đội. Năm 1954, trở về Hà Nội, ông làm trong Vụ nghệ thuật Bộ Văn hoá, rồi được cử sang Nga du học (1960-64) về ngành sân khấu. Về nước, ông làm việc ở Quảng Ninh một thời gian rồi về Hội sân khấu. Là hội viên Hội Nhà văn, ông xuất bản một số vở kịch và một số cuốn sách về lý luận và phê bình kịch nghệ. Ngoài ra, ông dịch cũng khá nhiều.
Hiện nay, về hưu, ông vẫn sống trong nước.
Dưới đây, tôi xin trích nguyên văn một số chuyện Vũ Đình Phòng kể liên quan đến Hồ Chí Minh theo bản đăng trên Viet-studies.info.
“Sau Hiệp nghị Genève, anh [Lưu Trọng] Lư được chuyển ra Hà Nội. Suốt thời gian Kháng chiến, từ Cách mạng Tháng Tám đến lúc ấy, anh chỉ ở Khu Bốn (miền Trung), chưa được nhìn thấy Bác bao giờ, cho nên ra Hà Nội, anh vẫn ao ước được “nhìn thấy” Bác bằng xương bằng thịt. Năm sau anh được phân về tham gia ban lãnh đạo Vụ Nghệ thuật, và được phân công đặc trách “khối Văn công”. Cuối năm ấy (1956), đột nhiên Vụ nhận được điện thoại từ Phủ Chủ tịch yêu cầu một điều, đại khái: “Mấy hôm nay Bác có vẻ buồn. Yêu cầu Vụ Nghệ thuật cử vài diễn viên ca múa và ngâm thơ lên tiêu khiển cho Bác.” Lệnh còn nói rõ: “Nhất thiết phải có nghệ sĩ ngâm thơ bằng giọng miền Trung.” Nhận được lệnh, anh Lư bàng hoàng, vậy là nhất định phen này sẽ được gặp Bác, thỏa nỗi ao ước bấy lâu, vì chắc chắn anh sẽ phải đích thân dẫn tốp văn công ấy lên Phủ Chủ tịch và có mặt trong lúc các diễn viên biểu diễn. Anh hồi hộp chờ cho mau đến giờ đi.
Lên đến Ba Đình, trong lúc các diễn viên vào một phòng nhỏ trang điểm và thay quần áo, anh thơ thẩn ngoài hành lang tòa nhà, bước chân lững thững và hồi hộp chờ … Đột nhiên anh thấy có bóng người từ cuối hành lang đi đến. Hành lang hơi tối nên lúc đầu anh không nhìn thấy mặt, nhưng anh đoán chính là “Bác”. Dáng người mảnh khảnh và bước chân nhanh nhẹn. Anh thấy tim mình đập mạnh. Anh đứng lại, chờ Bác đến để chào và tỏ lòng tôn kính. Nhưng bất ngờ thay, Cụ bước nhanh đến, cau mặt, gắt luôn: “Không có việc gì để làm à? Mà đứng thơ thẩn, lại hút thuốc thế này? Đi tìm xem có việc gì mà làm đi chứ”. Và trong lúc ông anh của tôi còn đang đứng ngẩn người, chưa biết đối đáp ra sao thì “Cụ” đã thoăn thoắt đi khuất vào hành lang phía đối diện và biến mất…” Đột nhiên anh cảm thấy không ngờ “ông Cụ” thô lỗ, cục cằn thế!” Bao nhiêu điều trước đây anh tưởng tượng ra, về một con người lịch lãm, biến mất sạch. Thay vào đấy là một cảm giác thất vọng tràn trề… ”
Kể xong câu chuyện này anh kết luận. “Đấy là một ấn tượng rất xấu về Bác mà suốt thời gian qua và có lẽ còn lâu sau này nữa, mình phải cố xóa nó đi trong ký ức. Cho đến hôm nay chưa phải đã xóa được hết!”
Về cách thức xử sự này của ông Hồ, về sau tôi đã được ông Hà Huy Giáp kể, sau khi ông nghe tôi đọc bản phác thảo ban đầu kịch bản “Kể chuyện Bác Hồ” (kịch bản sau đấy được viết lại rồi “bị” cưỡng bức nhận thêm tác giả thứ hai… Chính ông này đổi tên kịch bản thành “Người Công dân số Một”).
Ông Hà Huy Giáp kể rằng sau Đại Hội Hai, Đảng ra công khai, đổi tên thành Đảng Lao Động, Sau Đại hội, “Cụ” giữ ông Hà Huy Giáp ở lại (đoàn đại biểu Nam Bộ ra họp hình như chỉ có ba người) giúp Cụ. Ông Hà Huy Giáp ở bên Bác vài tháng. Và ông kể đại khái: “Bác rất nghiêm, nghiêm đến mức khó tính. Nghe thấy tiếng cười bên ngoài là Bác đang gõ máy chữ, cũng chạy ra mắng: “Không có việc gì à? Mà nhăn răng cười cợt thế kia? Tìm việc gì mà làm chứ. Có đống củi kia, ra mà bổ đi…” Cụ khó tính đến nỗi không ai dám bén mảng đến gần phòng của Bác. Chỉ khi Bác cho ai đi gọi thì mới dám đến…
Rồi ông Đỗ Đức Dục (Thứ trưởng Bộ Văn hóa, đảng viên Đảng Dân chủ, sau bị Lê Duẩn cách chức, cho về Viện Văn học). Hôm ấy, nhìn thấy tôi đi ngoài hành lang cơ quan Viện, ông gọi vào để trò chuyện. Nhân nói đến ông Hồ, ông Dục kể: “Một con người vô văn hóa. Đầu năm 1946, hôm Chính phủ Liên Hiệp ra mắt ở Nhà hát Lớn, ông ta nhìn thấy Cụ Tố (Nguyễn Văn Tố) mặc âu phục, ông thô lỗ chạy đến, kéo chiếc cà-vạt Cụ Tố đang đeo ra, gắt: “Sao ông ăn mặc thế này?” (Lúc ấy ông Đỗ Đức Dục là Thứ trưởng Giáo dục)…”
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)