khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Haloween 2013 -- Chuyện ma của Đạt Diệp (San Diego, Hoa Kỳ)




Tháng 12 năm rồi tui nhận việc tại một công ty Ambulance ở O.C. Sau hai tuần training, vì là lính mới nên tui phải làm ca tối từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng.


Công việc cũng nhàn, chỉ làm tiếp những hóa đơn đòi tiền gửi tới Medicare, Medicaid hay các nơi đang thiếu tiền của công ty do những người ban ngày làm dang dỡ. Việc này làm khoảng 4 giờ là xong. Sau đó tui xuống bãi đậu của các chiếc Rigs (Ambulance) để kiểm tra. Tổng cộng có 16 xe. Việc tui phải làm là lên từng chiếc rig coi các dụng cụ y tế có thiếu thì vào kho lấy và lấp vào cho đầy vào các cabinet trên xe, sau đó niêm lại và ký tên mình vào form check list (Nếu xe không có form này thì không thể rời hãng), nếu thấy các đồ đó vơi thì phải “back order.” Rất đơn giản.


Ngày đầu tiên ở ca đêm là 26/12/2011. Trời về đêm của Mùa Đông thật lạnh. Hôm ấy lại đầy sương mù. Những ngọn đèn rọi sáng tại parking chỉ thấy lờ mờ như những ngọn đèn dầu leo lét.


Tui cầm cả chùm chìa khóa xe, lên xe cho mở máy, tắt radio và bật đèn cabin trước và sau để kiểm tra. Đang ngồi trên chiếc gurney (băng ca) ở cabin sau thì đèn vụt tắt. Tui bất ngờ chưa kịp phản ứng thì cả xe rung lên bần bật. Tưởng động đất, tui tông cửa ra ngoài.


Chạy vào văn phòng hỏi mấy cô dispatcher “Động đất hả?” “Không có.” Họ trả lời.


Tui bắt đầu sợ và liên tưởng đến... Ma.


Chần chừ cuối cùng tui cũng phải lên xe đó làm tiếp. Lần này tui ngồi ở cabin trước kiểm tra các radio, cb thì nghe những bước chân năng nề như kéo lê xềnh xệch. Tui quay đầu nhìn về phía sau cabin thì đèn ở sau đã tắt từ lúc nào và tiếng chân càng gần tui hơn... Tui hoảng hồn, tông cửa nhảy ra và vụt chạy. Hơi thở hổn hển. Trời về khuya càng lạnh nhưng trên trán mồ hôi tôi chảy thành dòng. Nhìn về phía xe thì lúc này đèn cabin sau cứ nhấp nháy chớp tắt như trêu đùa tui vậy.


“Mới có ngày đầu mà như vậy thì làm sao làm này Trời!” Tui tự nhủ và nghĩ đến “quit job,” bỏ mặc tất cả, không cần công việc đáng ghét này nữa, sẽ về lại với vợ con tại San Diego, tới đâu thì tới.


Nhưng tui lại nhớ đến hai đứa con, cứ luôn hỏi tui “Chừng nào Ba có việc hả Ba? Tụi con muốn Ba có việc rồi dẫn tụi con vào hãng chơi như job trước đây của Ba đó!” Tui không muốn con mình thất vọng về Ba của chúng nó. Tui không muốn dạy con mình khi gặp khó lại dễ dàng “give up,” đầu hàng với khó khăn. Không. Không bao giờ.


Tui trở lại xe. Mở cửa cabin sau. Lúc này đèn tắt trở lại. Tui nói vào xe bằng tiếng Việt “Mấy Ông mấy Bà, tui chỉ đi làm kiếm cơm thôi, cũng khó khăn lắm xin đừng làm khó tui nữa!” Chỉ vài giây, đèn xe sáng lại. Tui tần ngần và bước lên xe làm tiếp công việc dang dở. Làm trong sự hồi hộp và căng thẳng.

Hôm sau, tui đến hãng vào buổi trưa và tìm sếp hỏi “Sếp, trên mấy cái Rigs này có khi nào bệnh nhân chết khi chở tới bệnh viện chưa?” Sếp tui trầm ngâm và nói “Hình như có một chiếc thôi. Chiếc rig 404 đó.”


Tui nghe mà nổi ốc ác. Chiếc 404 là chiếc tui làm hôm qua đó.


“Có chuyện gì sao?” Sếp hỏi. “Không có gì, chỉ tò mò thôi.” Tui trả lời.



                                                         

Bạn Khoa gửi đến chúng ta những bức hình thật quyến rũ của các con đường đang vào thu trên hành tinh yêu dấu!



Không biết từ bao giờ, mùa thu được coi là mùa lãng mạn nhất trong năm, xuất hiện nhiều trong thơ ca, âm nhạc hay nhiếp ảnh và tranh vẽ. Mùa thu với những con đường trải đầy lá vàng rơi, hàng cây phong đỏ lung linh trong nắng vàng ruộm làm se lòng người mỗi sớm thu về từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Cùng điểm lại một vài với con đường ngập tràn lá vàng dưới đây để cảm nhận rõ nét hơn hương vị mùa thu về...
  
1. Con đường Thủy sam, Hàn Quốc

Nếu bạn là fan trung thành của những bộ phim lãng mạn của xứ sở Kim chi thì hẳn bạn đã nhìn thấy con đường này trên màn ảnh. Đây chính là con đường Thủy sam nổi tiếng - một trong những con đường đẹp nhất Hàn Quốc.





Con đường này dài khoảng 8,5km, chạy dọc theo Quốc lộ 24 và là một trong những tuyến đường chạy xe phổ biến nhất ở xứ Hàn. 



Con đường Thủy sam khi còn xanh mướt...


Những cây thủy sam ở đây đã hơn 40 tuổi và cao hơn 20m. Những tán cây đan vào nhau, che chắn ánh nắng Mặt trời. Vào mùa hè, tán cây thủy sam như cao vút hơn với màu xanh mướt.


 ... rực rỡ khi vào thu...



Nhưng mùa thu mới là lúc con đường đẹp nhất, khi những cây thủy sam bắt đầu thay màu lá. Chúng tạo thành một con đường tuyệt đẹp và kỳ lạ khiến người đi có cảm giác như đang đi trên con đường trong một câu chuyện cổ tích vậy.

2. Đường cây bạch quả, Nhật Bản


Không ồn ào như đường bạch quả (ginkgo) nổi tiếng ở Icho Namiki (Aoyama), con đường cây bạch quả ở công viên Showa Kinen (Tachikawa) mang nét tĩnh lặng hơn. Có lẽ vì thế mà khung cảnh ở đây càng trở nên thơ mộng và quyến rũ.




Hai đường cây bạch quả nổi tiếng này nằm ngay lối vào của công viên, được ngăn cách giữa một con kênh nhân tạo. Vào mùa thu, hơn 100 cây bạch quả thi nhau chuyển mình thay màu lá vàng rực rỡ. Con đường ngập tràn trong sắc lá thu vàng tạo thành một bức tranh vô cùng nên thơ.
3. Đại lộ Blue Ridge, Mỹ


 
Blue Ridge Parkway là một con đường nổi tiếng về cảnh đẹp tự nhiên và được cho là một trong những con đường đẹp nhất nước Mỹ. Tuyến đường trải dài thơ mộng này bắt đầu ở công viên quốc gia Shenandoah, thuộc tiểu bang Virginia kéo dài xuống tận công viên quốc qua Great Smoky Moutains của tiểu bang North Carolina.


Với chiều dài gần 755km, Blue Ridge Parkway được mệnh danh là “con đường xanh” bởi những tán cây xanh mượt bao phủ khắp con đường. Nhưng thực sự Blue Ridge Parkway đẹp nhất lại chính là vào mùa lá đổi màu.






Trong mùa thu, hơn 100 loài cây khác nhau trải dài theo con đường núi cùng “rủ” nhau “rực cháy” với đủ các màu vàng, đỏ, nâu…tạo nên một bức tranh sắc thu khổng lồ ngây ngất lòng người.

4. “Con đường văn học”, Mỹ


Literary Walk (tạm dịch: Con đường văn học) là một con đường xinh đẹp nằm trong khuôn viên Central Park, New York (Mỹ). Cứ mỗi mùa thu sang, Literary Walk lại khoác lên mình một tấm áo vàng tươi tắn. 





Con đường êm ái trải đầy lá vàng này là địa điểm lý tưởng nếu bạn muốn vừa thả bộ vừa ngắm cảnh. Hoặc bạn cũng có thể thư giãn ngồi trên ghế và thưởng thức một cuốn sách hay.



Literary Walk không chỉ nổi tiếng là con đường mùa thu lãng mạn nhất nhì Central Park mà còn nổi tiếng là khu vực đặt nhiều pho tượng các tác gia và nhà thơ nổi tiếng thế giới như William Shakespeare, Sir Walter Scott, Robert Burns…

5. Đại lộ Niagara, Canada




Canada là điểm đến tuyệt vời cho những ai yêu thích mùa thu. Sắc màu ấn tượng của rừng thu với những con đường êm ái trải đầy lá phong đỏ có thể được tìm thấy ở tất cả những khu rừng của Canada vào tháng 9 và tháng 10.


Thủ tướng Anh Winston Churchill trong một lần tới thăm đại lộ Niagara thuộc bang Ontario, Canada đã thốt lên rằng: “Nơi đây là con đường đẹp nhất thế giới trong một chiều Chủ nhật mùa thu”.


Chạy men theo con sông Niagara, phân cách nước Mỹ và Canada, quả thực đại lộ Niagara chính là con đường đẹp nhất Canada trong sắc thu thơ mộng với rừng cây lá đỏ tuyệt đẹp. Dọc theo đại lộ, bạn cũng có thể ghé vào thị trấn nhỏ Queenston để thưởng thức thứ rượu Niagara thơm nức như mùi nhựa thông.

6 . Đường phố ở Vancouver, Canada


Miền Đông Canada thường được nói đến nhiều nhất nếu bạn muốn khám phá các màu sắc mùa thu ở đất nước có biểu tượng lá phong này. Nhưng thậm chí nếu bạn đang ở một vùng khác, bạn vẫn có thể tận hưởng cảm giác tuyệt vời này. Vancouver là một ví dụ điển hình. Nằm ở miền Tây của Canada, nhưng mùa thu ở đây cũng vô cùng thơ mộng.





Từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 10, những con phố ở Vancouver lại ngập tràn trong những tán lá phong mùa thu tuyệt đẹp. Điều đặc biệt là những con phố ở đây không mang một màu sắc giống nhau mà đa dạng trong với các sắc vàng, đỏ, nâu…

7. Đường kênh đào Midi, Pháp

Kênh đào Midi (Canal du Midi) đem lại cho du khách cảm giác của một miền Tây Nam nước Pháp thật yên bình, trong sáng và đầy thơ mộng. Khác với cảnh tượng hoành tráng của con sông lớn nhất nước Pháp - Garonne - nằm liền kề, dòng kênh Midi thật nhỏ xinh và gợi lên chút gì đó rất riêng tư, tĩnh lặng.




Đây chính là nơi để bạn thoát khỏi cái ồn ào của thành phố, để đắm chìm trong dòng nước xanh trong. Bạn có thể tảo bộ trên con đường trải đầy lá phong đỏ dọc con kênh, hay lang thang trên những cây cầu nhỏ xinh rồi ngồi thư giãn tại chiếc ghế đá ven đường… 







                                                      

THÀNH PHỐ NU-DE ("Cấm người đọc dưới 18 tuổi")

Bài sưu tầm này gửi từ bác Khoa và kèm một câu hỏi :"Không biết bạn Tùng nhà mình có hay đến đây???"

Thành phố không có ai mặc quần áo.

99% nude
Nằm trên phía Tây Nam của Pháp, thành phố Cap D’Agde (thuộc thị trấn Adge) chỉ cách sân bay quốc tế Montpellier, ga Agde khoảng 5 km. Ngoài ra, cũng có nhiều chuyến bay thẳng nối Paris, Copenhagen với sân bay gần nhất của thị trấn Agde là Béziers-Cap d’Agde, cách trung tâm thị trấn 15km… Hiện, Cap D’Agde có dân số là 40.000 người.


Giống như bất kỳ một khu du lịch biển cao cấp nào, khu nghỉ mát Cap D’Adge cũng có một bãi biển rộng, ngập tràn ánh nắng. Điều khác biệt duy nhất và cũng là độc đáo nhất là ở Cap D’Agde, 99% mọi người đều... khỏa thân. 1% còn mặc quần áo là một số cầu thủ trẻ và thanh thiếu niên. Vì chiếm phần trăm quá ít nên những người mặc quần áo lại có cảm giác thấy mình lạc lõng, trở thành “của hiếm” ở đây.

Đặc biệt hơn cả, đây là một địa điểm lý tưởng cho những cặp đôi mới cưới đi hưởng tuần trăng mặt ngọt ngào hay với những đôi thích cảm giác… ân ái nơi công cộng. Các cặp tình nhân thoải mái tận hưởng cảm xúc yêu đương, xây những lâu đài cát… giữa thanh thiên bạch nhật, giữa biển trời bao la.


Sức hút khó cưỡng

Với phương châm “Nhìn và được nhìn” cùng nguyên tắc ứng xử hòa nhã, lịch thiệp đã làm nên thương hiệu Cap D’Agde - một bãi tắm khỏa thân rộng 30m, dài 2km dọc theo bờ biển Địa Trung Hải. Ngay khi đặt chân đến khu vực khỏa thân ở thị trấn Agde, bất kể là ai (người địa phương hay khách du lịch) cũng bắt buộc tuân thủ hai quy định nghiêm ngặt: không mặc quần áo, phải trần như nhộng và cấm quay phim, chụp ảnh. Mại dâm là điều tuyệt đối nghiêm cấm ở đây dưới bất kì hình thức nào và được sự giám sát chặt chẽ của các nhân viên an ninh.


Dọc bãi biển/khu nghỉ mát luôn có một đội an ninh túc trực làm nhiệm vụ nhắc nhở những người lớn bắt buộc phải khỏa thân, nếu người đó… quên. Quy định là không mặc quần áo, tuy nhiên, theo phép lịch sự, bạn nên cầm theo một chiếc khăn tắm riêng. Hãy để nó lên ghế ngồi trong quán ăn hay bất kì chỗ nào vừa để giữ vệ sinh cho bạn và cho người ngồi sau.

Đứng xếp hàng trước máy ATM - cạnh quảng trường Place de la Marine, nhưng những người đi rút tiền mình trần như nhộng. Tại các cửa hàng bán quần áo, người ta thử đồ, mua đồ và bỏ vào giỏ rồi lại thản nhiên trần truồng đi ra. Những cô gái hồn nhiên thả dáng bên đường, vui vẻ tán gẫu. Tất cả không có gì là lạ. Không chút ngượng ngùng hay xấu hổ dù da của bạn có nhiều vết rạn, nếp nhăn, ngực chảy xệ, hay “cái ấy” kích thước ra sao...

Thành phố khỏa thân duy nhất thế giới

Theo các nguồn tư liệu, Cap D’Agde được hình thành từ những năm 1970. Trước đó, phần đất tiếp giáp với bãi biển Cap D‘Agde trong nhiều năm thuộc quyền sở hữu của gia đình nhà Oltra. Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2, anh em nhà Oltra nhận thấy, ngày càng có nhiều người đến cắm trại trên đất của họ, và hầu hết trong số này thích tắm biển và tắm nắng khỏa thân. Sau đó, anh em nhà Oltra bắt đầu lập ra một khu cắm trại di động cho khách du lịch thuê. Hình thức cắm trại nghỉ dưỡng trên biển ngày càng phổ biến, đặc biệt thu hút các gia đình trẻ đến từ Đức và Hà Lan. Năm 1973, bãi biển khỏa thân Cap D‘Agde chính thức đi vào hoạt động.

Tại thành phố này có 4 loại hình nhà ở: khu căn hộ, biệt thự ngoại ô, một khu cắm trại và chỉ có duy nhất một khách sạn có tên Hotel Eve. Riêng khu cắm trại ở Cap D’Agde có 2.500 mảnh đất nhỏ, nơi bạn có thể tự dựng lều hoặc thuê những căn nhà di động để tận hưởng kỳ nghỉ “khỏa thân” ngay trong thành phố. Nơi đây đã được xếp vị trí đầu trong danh sách các khu nghỉ mát được ưa chuộng nhất ở Pháp, thu hút khoảng 50.000 khách mỗi kỳ nghỉ hè. Sức hấp dẫn của “Thành phố khỏa thân Cap D’Agde” khiến hầu hết những ai từng đến đây đều muốn quay trở lại nhiều lần hơn thế nữa.



4                                                        

Sáu món ăn ngon miệng nhưng nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.


6 món ăn ngon nhưng nguy hiểm


Sò huyết tái

Sò huyết được coi là một món ăn ngon được nhiều người ưa thích. Thế nhưng bên trong sò chứa rất nhiều các loại vi khuẩn và virus gây bệnh. Sò huyết mang trong mình vi khuẩn viêm gan và thương hàn. Đặc biệt khi sò huyết được nướng hay luộc qua loa thì không thể diệt được các vi khuẩn gây bệnh. Lời khuyên tốt nhất bạn nên tìm nên những quán ăn uy tín để tránh được những mối lo về an toàn thực phẩm. 

Gỏi cá

Gỏi cá- món ăn được yêu thích bởi sự tươi ngon và tròn vị lại chứa đựng những nguy cơ về bệnh sán cực nguy hiểm. Những người có thói quen ăn cá không nấu kỹ (đặc biệt là gỏi cá) rất dễ bị lây truyền các bệnh từ cá như sán lá ruột nhỏ, sán lá gan... Cá đã chế biến làm gỏi xét nghiệm thấy 95% ấu trùng vẫn còn sống. Mười ba loại lá hay dùng ăn gỏi cũng được xay ra xét nghiệm thì 93% ấu trùng vẫn còn sống sau 4 giờ. 



Hàu sống
Đây là loại hải sản rất giàu đạm, kẽm, dễ tiêu và có lợi cho chu trình chuyển hóa các chất trong cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe cho cả nam và nữ giới. Tuy nhiên, đây là loại hải sản hay sống ở các vùng ven biển, cửa biển nên có thể nhiễm các loại vi khuẩn, kí sinh trùng, trong đó có sán.

Nếu hàu được đánh bắt trong mùa biển có tảo độc thì nó còn có thể nhiễm tảo độc và gây ngộ độc, tiêu chảy cho người ăn hàu sống.

Theo Food and Drugs Administration, Hoa Kỳ, thì hàu là một trong những loại thực phẩm gây ra nguy cơ đột quỵ cao. Trong hàu sống có chứa 2 virus gây bệnh là Norovirus và Vibrio, trong đó norovirus, có thể gây ra viêm ruột, viêm dạ dày, còn vibrio là một loại vi khuẩn gây ra bệnh tả với những triệu chứng như sốt cao, sốc nhiễm trùng, phồng rộp da, thậm chí tử vong do nhiễm trùng máu. 

Tiết canh
Tiết canh là món ăn tươi sống sử dụng nguyên liệu là tiết động vật tươi được pha với chút nước mắm hoặc nước muối nhạt hãm cho khỏiđông trước khi trộn với những phần thịt, sụn động vật băm nhỏ.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học: mỗi chén tiết canh là một ổ bệnh với trên dưới mười loại vi khuẩn gây hại cho con người. Chưa kể, nếu động vật bị nhiễm bệnh thì con số này sẽ tăng gấp bội. Mặt khác, khi cắt tiết, những vi khuẩn dính trong lông, da của con vật có thể trôi vào trong máu rồi truyền bệnh cho người ăn.

Vài năm gần đây nhiều bệnh nhân đã tử vong do mắc liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh, lòng lợn hoặc thịt lợn chết vì nhiễm liên cầu (dịch bệnh lợn tai xanh). Khi một người bị nhiễm liên cầu lợn, diễn biến bệnh có thể xảy ra rất nhanh. Chỉ sau khoảng mười hai giờ sử dụng tiết canh, lòng lợn cơ thể có các biểu hiện: sốt, rét run, da nổi ban, sau đó người bệnh lơ mơ, li bì,  hôn mê, sốc, tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da….và nguy cơ tử vong là rất cao. 

Bò tái
Ngày nay rất nhiều người ưa chuộng món thịt bò nhúng, tái mà không biết rằng bệnh sán dây bò cũng bắt nguồn từ những món ăn này. Loài sán này rất nguy hiểm, có thể sống trong cơ thể người 50 - 60 năm ở trong ruột, trong cơ, não, mắt...

Ngoài ra cũng phải kể đến sán lá gán lớn, ký sinh chủ yếu ở động vặt ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu... và gây bệnh ở người. Tỷ lệ trâu, bò nhiễm sán lá gan lớn từ 31 đến 98%. 

Nem chua
Nem chua là một trong những món ăn được rất nhiều người ưa thích bởi mùi vị đặc biệt của nó. Nem chua được làm từ thịt lợn sống, trộn với thính, tỏi, ớt, sau 3 ngày lên men thì có thể ăn được. Tuy nhiên, vì là món ăn làm từ thịt lợn, lại không qua chế biến chín nên nem chua có thể bị lây nhiễm liên cầu lợn.

Theo Bộ Y tế, biểu hiện khi bị nhiễm liên cầu lợn là sốt cao, nhiều khi kèm theo rét run, mệt, đau mỏi người, đau đầu, buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy, nếu nặng có thể mê sảng, ngủ gà, hôn mê... và có thể dẫn tới tử vong. 



                                                   

CHIA SẺ ÁNH SÁNG CỨU ÐỘ ( trích từ Veritas)


Ngày xưa có một người cha có ba đứa con trai. Ông vốn sinh ra nghèo khổ, nhưng nhờ chuyên cần làm việc và cần kiệm, nên ông trở nên một điền chủ giàu có. Lúc về già, gần đất xa trời, ông nghĩ tới chuyện chia gia tài cho các con. Nhưng ông cũng muốn xem đứa con nào thông minh nhất để phó thác phần lớn gia sản của ông cho nó. Ông liền gọi ba đứa con đến giường bệnh, trao cho mỗi đứa năm đồng bạc và bảo mỗi đứa hãy mua cái gì có thể lấp đầy căn phòng trơ trọi mà ông đang ở.

Ba đứa con vâng lời cha cầm tiền ra phố. Người anh cả nghĩ rằng đây chỉ là một công việc dễ dàng. Anh ta ra tới chợ mua ngay một bó rơm rất lớn mang ngay về nhà. Người con thứ hai suy nghĩ kỹ lưỡng hơn: sau khi đi rảo quanh chợ một vòng, anh ta quyết định mua những bao lông vịt rất đẹp mắt. 
Còn người con trai thứ ba, suy nghĩ đi, suy nghĩ lại: làm sao mua được cái gì với năm đồng bạc này, để có thể lấp đầy căn phòng lớn của cha mình. Sau nhiều giờ đắn đo, bỗng mắt chàng thanh niên hớn hở, anh ta lại căn tiệm nhỏ mất hút trong đường nhỏ gần chợ, anh ta mua cây đèn cầy và một hộp diêm. Trở về nhà, anh hồi hộp, không biết hai anh mình đã mua được cái gì.
Ngày hôm sau, cả ba người con trai đều họp lại trong phòng của cha già. Mỗi người mang quà tặng của mình cho cha:
Người con cả mang rơm trải trên nền nhà của căn phòng, nhưng phòng quá lớn, rơm chỉ phủ được một góc nền nhà.
Người con thứ hai mang lông vịt ra, nhưng cũng chỉ phủ được hai góc của căn phòng. Người cha có vẻ thất vọng.
Bấy giờ người con trai út mới đứng ra giữa phòng, trong tay chẳng mang gì cả. hai người anh tò mò chăm chú nhìn em, và hỏi: "Mày không mua cái gì sao?". Bấy giờ đứa em mới từ từ rút trong túi quần ra một cây nến và hộp diêm. Thoáng một cái, căn phòng đầy ánh sáng.
Mọi người đều mỉm cười. Người cha già rất sung sướng vì quà tặng của đứa con út. Ông quyết định giao phần lớn ruộng đất và gia sản của mình cho con trai út, vì ông thấy anh ta đủ thông minh để quản trị gia sản của mình và nhờ đó cũng có thể giúp đỡ các anh của nó nữa.
 
                                                            ♦♦♦
Ðứng trước khó khăn thử thách, để kêu gọi sự bình tĩnh sáng suốt và tinh thần hợp tác, người ta thường nói với nhau: thà đốt lên một ngọn nến hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối.

Cuộc sống của mỗi người chúng ta, cuộc sống của những người xung quanh chúng ta, cuộc sống của xã hội chúng ta có lẽ cũng giống như một căn phòng đen tối... Chỉ cần một người đốt lên một chút ánh sáng, những người xung quanh sẽ cảm thấy ấm cúng và phấn khởi.
Một chút ánh sáng của một cái mỉm cười.
Một chút ánh sáng của một lời chào hỏi.
Một chút ánh sáng của một san sẻ.
Một chút ánh sáng của tha thứ.
Và một chút ánh sáng của niềm tin được chiếu tỏa qua sự vui vẻ chấp nhận cuộc sống...
 
Một chút ánh sáng ấy cũng đủ để nâng đỡ ít nhất là một người mà chúng ta gặp gỡ, bởi vì không có một nghĩa cử nào được thực thi mà không ảnh hưởng đến người khác...



                                               

CÓ AI CÒN NHỚ PHÒNG TRÀ ANH VŨ ??? Ca sĩ mầm non Khánh Ly hát bài Chiều Vàng của nhạc sĩ Nguyễn văn Khánh tại phòng trà Anh Vũ. Thời mà nhạc sĩ Nguyễn Ánh9 gọi là "hát lót" có nghĩa là chỉ được hát thay chổ ca sĩ chính thức của phòng trà khi ngươi này vắng mặt. Theo nhạc sĩ NA9 kể :" Một bửa tại phòng trà Anh Vũ, ca sĩ KL sắp lên hát nhưng bị mời xuống vì ca sĩ chính xuất hiện. Tài năng KL giận vì bị ếm tài, bỏ lên Đà Lạt hát và gặp TCS và NA9. Sau đó cả ba trở thành "Trio" nổi danh sau này". Bài sưu tầm này do bác Khoa gửi đến



Phòng trà Anh Vũ trên con đường Bùi Viện Saigon một thưở. Cùng dăm ba người bạn đã hay đến nghe nhạc, có những đêm mưa ào ạt lúc khuya ra về. Vậy mà thoáng đó đã hơn 50 năm !
 

Nữ ca sĩ Khánh Ly ngày ấy mới vào nghiệp, còn qúa non trẻ, còn chưa có nhạc Trịnh Công Sơn để nổi tiếng. Nhưng giọng ca người này đã rõ nét đầy triển vọng của một ca sĩ hạng A sau này. Khánh Ly tự tin vững vàng, đã hát trước đám đông một cách thản nhiên dễ dàng, có khi tưởng như đến lạnh lùng. Vậy mà nghe kỹ ra, chất giọng Khánh Ly rất sâu lắng, buồn lơi lơi, nhè nhẹ truyền cảm cùng tha thiết vô ngần….

 Những ca khúc người ca sĩ này trình bầy thường là những ca khúc tiền chiến nổi tiếng như : Con thuyền không bến, Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá thư, Tạ từ, Nỗi lòng, Em đến thăm anh một chiều mưa ..vv..
 

Giờ đây, tình cờ thấy lại hình ảnh Khánh Ly xưa cũ nơi phòng trà Anh Vũ trong Chiều Vàng của Nguyễn Văn Khánh (xem video clip bên dưới). Tóc Khánh Ly còn ngắn, điểm trang còn mộc mạc đơn sơ như vẫn nguyên nét nữ sinh. Xin mời coi lại, xem có ai cùng thời còn nhớ đến các phòng trà Anh Vũ, Hòa Bình, Tự Do ..vv.. tại Saigon thưở đó hay không?

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

World University Rankings 2013-2014


image
Ngày 3/10/2013 vừa qua, báo The Times Higher Education ở Anh công bố bảng xếp hạng đại học World University Rankings 2013-2014. Đây là một phân hạng dựa vào 13 tiêu chỉ để tính điểm cho mỗi đại học trong tổng số hơn 20.000 đại học trên khắp thế giới. Các tiêu chỉ bao gồm việc giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao kiến thức và tầm nhìn quốc tế. Bảng xếp hạng 400 đại học hàng đầu thế giới được công bố ở:http://www.timeshighereducation.co.uk/world-university-rankings/2013-14/world-ranking

Để dễ so sánh, dựa vào danh sách của 400 đại học hàng đầu thế giới, tác giả xin trình bày và phân tích như sau:



10 Đại học hàng đầu Thế Giới 2013-2014:

Chỉ có 2 quốc gia có đại học nằm trong 10 đại học hàng đầu (top 10), đó là Hoa Kỳ và Anh quốc. Hoa Kỳ chiếm 7 đại học, với đại học số 1 thế giới là California Institute of Technology, và Anh quốc chiếm 3 đại học mà đại học hàng đầu University of Oxford xếp đồng hạng 2 thế giới cùng với Đại học Harvard.



Bảng 1. Danh sách 10 đại học hàng đầu thế giới 2013-2014



image

image



400 ĐẠI HỌC HÀNG ĐẦU THÊ GIỚI 2013-2014:

Phân loại theo quốc gia.




Bảng 2. 10 quốc gia có số đại học dẫn đầu thế giới 2013-2014



image



Bảng 2 cho biết Hoa Kỳ có số đại học nhiều nhất (109), chiếm 27% trong số 400 đại học hàng đầu thế giới, chiếm về số lượng cũng như phẩm chất cao.  Anh quốc là quốc gia thứ hai có số đại học nhiều (49) và phẩm chất cao (hạng 2). Đức quốc là nước đứng hạng 3 về số lượng (26), nhưng phẩm chất không cao lắm (vị thứ cao nhất là 55). Tuy Ý có nhiều đại học (15) nhưng phẩm chất kém (có vị thứ sau 200). Gia Nã Đại và Nhật có đại học phẩm chất tốt (hạng 20, 23).



Phân loại theo từng châu lục:

Âu châu

Âu Châu chiếm 184 đại học trong số 400 đại học hàng đầu thế giới (46%). Anh quốc có nhiều đại học nhất (49), kế là Đức (26). Ba đại học đứng đầu Âu châu là 3 đại học của Anh gồm Oxford (hạng 2 thế giới), Cambridge (hạng 7) và Imperial College London (hạng 10).  Các nước thuộc Tây Âu và Bắc Âu chiếm nhiều đại học nhất. Ý Đại Lợi tuy đứng hạng 3 về số lượng đại học (15), nhưng đại học đứng đầu của Ý ở vị thứ thấp (sau 200). Nga Xô chỉ có 1 đại học duy nhất là Lomonosov Moscow State University (hạng 226-250). Khối cựu Cộng Sản Đông Âu chỉ có 3 đại học thuộc 3 nước Tiệp Khắc (1), Ba Lan (1) và Estonia (1).




Bảng 3.  Danh sách các quốc gia của Âu Châu có trong 400 đại học hàng đầu



image

image



Mỹ Châu

Bốn quốc gia Mỹ Châu chiếm tổng cộng 131 trong số 400 đại học hàng đầu (33%). Đứng đầu là Hoa Kỳ với 109 đại học.




Bảng 4.  Danh sách các quốc gia của Mỹ Châu có trong 400 đại học hàng đầu



image



Á Châu

Có 12 quốc gia, chiếm  64 đại học trong số 400 đại học hàng đầu. Nhật Bản và Trung quốc có nhiều đại học nhất (11), nhưng đứng đầu Á châu là University of Tokyo của Nhật (hạng 23). Lãnh thổ tự trị Hong Kong nhỏ bé có tới 6 đại học, có vị thứ cao hơn Trung quốc. Quốc gia nhỏ bé Tân Gia Ba có 2 đại học, có vị thứ cao (hạng 26). Trong các nước Đông Nam Á, chỉ có 2 quốc gia là Singapore (2 đại học), và Thái Lan (1 đại học)  nằm trong danh sách 400 đại học hàng đầu thế giới.




Bảng 5.  Danh sách các quốc gia Á Châu có trong 400 đại học hàng đầu



image

image



Đại Dương Châu (Oceania)

Chỉ có 2 quốc gia nằm trong danh sách 400 đại học hàng đầu thế giới.




Bảng 6.  Danh sách các quốc gia của Đại Dương Châu có trong 400 đại học hàng đầu



image

image



Phi Châu: Một quốc gia độc nhất là Nam Phi, với 3 đại học đều thuộc Nam Phi,University of Cape Town hàng đầu của Nam Phi có vị thứ 126 thế giới.



PHÂN LOẠI THEO CHUYÊN NGÀNH

Sau đây là danh sách 10 Đại học chuyên ngành hàng đầu thế giới 2013-2014

Bảng 7. Danh sách 10 đại học hàng đầu về:


Engineering & Technology (Khoa cơ khí và kỹ thuật):



image

image



Bảng 8. Danh sách 10 đại học hàng đầu về: Life Sciences (Khoa Sinh học và áp dụng)



image

image



Bảng 9. Danh sách 10 đại học hàng đầu về:Clinical, Pre-clinical and Health (Y khoa và Sức khỏe)



image

image



Bảng 10. Danh sách 10 đại học hàng đầu về: Physical Sciences (Khoa học Vật Lý)



image

image



Bảng 11. Danh sách 10 đại học hàng đầu về: Social Sciences (Khoa học xã hội)



image

image



Bảng 12. Danh sách 10 đại học hàng đầu về: Arts & Humanities (Nghệ thuật & nhân văn)



image

image



Tóm lại, chỉ có hai quốc gia là Hoa Kỳ và Anh Quốc có các đại học hàng đầu thế giới trong mọi lãnh vực chuyên môn.



CUỘC TRANH ĐUA THẦM LẶNG Để uy tín đại học gia tăng, mỗi đại học cũng như mỗi quốc gia đều có chánh sách nâng cao vị trí đại học của mình trên tầm quốc tế, và đây là một cuộc tranh đua thầm lặng giữa các đại học và giữa các quốc gia. Mỗi cá nhân trong cộng đồng mỗi đại học cũng tự đặt mình trong cuộc đua. Chánh phủ cố gắng tài trợ tài chánh dồi dào vào đại học ưu tú của mình. Mỗi đại học cũng tìm thêm nguồn tài trợ nghiên cứu ở khu vực kỹ nghệ, khu vực nghiên cứu quốc gia hay quốc tế, biếu tặng tài chánh của tư nhân, nguồn học phí nhất là từ sinh viên ngoại quốc, v.v. Mỗi đại học cũng có chính sách tuyển chọn và ưu đải nhân viên nghiên cứu và giảng dạy có tài năng, chọn ngành chuyên môn sở trường để phát triển mạnh, v.v. Thi đua giữa các đại học càng ngày càng gay gắt, tuy rất âm thầm.




Bảng 13. Tranh dành vị thứ giữa các đại học



image

image



Theo Bảng 13, California Institute of Technology tiếp tục giữ hạng 1, Oxford cố gắng gia tăng từ hạng 6 lên hạng 2, trong lúc Cambridge đứng yên (7), còn Đại học Yale mất vị trí của Top 10, và thay thế bởi University of Chicago.




Bảng 14. Biến đổi số lượng đại học trong 3 niên học vừa qua của 10 Quốc gia hang đầu.



image

image



Theo bảng 14, Hoa Kỳ, Anh quốc, Úc, và Nhật giảm liên tục số đại học, trong lúc Đức và Pháp gia tăng.

Mỗi quốc gia đều có chính sách riêng trong cuộc chạy đua thầm lặng này. Nước nào cũng mong nước mình có vị trí cao hơn, có nhiều đại học nằm trong danh sách hàng đầu. Chẳng hạn Anh quốc cố gắng thi đua dành vị thứ hạng 1 của thế giới cho đại học Oxford, thì Ý tập trung vào số lượng. Trung quốc dủng thể thao và giáo dục để quảng cáo thể chế chính trị. Tuy Trung quốc dễ dàng thành công ở lãnh vực thể thao, nhưng trong lãnh vực thi đua đại học coi mòi khó khăn. Đại học Peking số một của Trung quốc được đầu tư rất nhiều, nhưng từ hạng 37 niên học 2010-2011, bị tụt hạng xuống 49 (2011-2012), rồi cố tăng lên 46 (2012-2013), và 45 (2013-2014).



Có quốc gia nào có khã năng đánh bại Hoa Kỳ trong lãnh vực thi đua đại học? Chỉ có Đại Học Oxford, đang ở vị trí số 2, may ra có cơ hội để lên hạng 1. Ngoài nước Anh ra, không còn nước nào khác, vì còn cách quá xa, như đại học ETH Zurich của Thụy Sĩ ở hạng 14, hay Đại Học Toronto của Gia Nã Đại ở hạng 20. Chỉ cần tăng lên 1 hay 2 bậc thì đã vô vàng khó khăn huống hồ tăng lên 15 hay 20 bậc.

Cuộc đua tiếp tục, nhờ vậy khoa học đã tiến bộ rất nhanh. Ước tính là số lượng phát minh mới trong vài năm qua bằng số lượng phát minh của cả 100 năm trong thế kỹ trước.



Trần-Đăng Hồng, PhD