Sáng nay đọc thấy một bản tin hay, và nhân dịp này, tôi muốn chia sẻ vài cảm nghĩ cá nhân về tình cảnh người tị nạn. Ít ai biết rằng trong đoàn tuỳ tùng của Tổng thống Obama trong cuộc họp thượng đỉnh tại Mã Lai có một người là cựu "thuyền nhân" Việt Nam: Elizabeth Phú. Câu chuyện của Elizabeth làm cho chúng ta phải suy nghĩ đến thái độ xua đuổi người tị nạn Bắc Hàn của chính quyền Việt Nam, mà theo tôi, là một thể hiện của sự hẹp hòi và có phần vô nhân đạo.
Ba năm sau ngày "giải phóng", Elizabeth cùng ba má cô vượt biên và đến Mã Lai. Trước 1975, ba cô từng làm việc cho sở Mĩ và sau đó bị đi tù cải tạo một thời gian. Ra tù cải tạo, gia đình lâm vào tình cảnh bế tắc, thế là gia đình quyết định vượt biên. Trong một chuyến hải hành đầy gian nan trên một chiếc thuyền với 253 người, nhưng cuối cùng thì cũng đến trại tị nạn Mã Lai. Lúc đó, Elizabeth kể, cô chỉ mới biết đi chập chững nhưng cũng có nhiều kỉ niệm trong trại tị nạn. Nhưng cô nói rằng cô rất cám ơn chính phủ Mã Lai đã cưu mang người tị nạn trong thời gian khó khăn nhất.
Elizabeth Phú, Giám đốc Đông Nam Á vụ, tháp tùng phái đoàn Mĩ của Tổng thống Obama trong hội nghị thượng đỉnh tháng 11/2015 tại Mã Lai |
Đến Mĩ, cả gia đình làm lại cuộc đời và thành công. Ba cô làm cho một công ti tài chính, mẹ thì làm y tá và nuôi con. Còn Elizabeth thì sau này theo học ở UC Berkeley về khoa học chính trị, rồi tiếp tục theo học Masters về ngành quốc tế học tại UC San Diego, và Trường Eisenhower thuộc National Defense University. Sau khi ra trường, Elizabeth làm việc cho Hội đồng An ninh Quốc gia (National Security Council hay NSC), và từng trải qua chức vụ Giám đốc về Đông Nam Á vụ, Giám đốc về Đe doạ Toàn cầu, và từ 2013 làm Giám đốc về Đông Nam Á - Đại dương sự vụ (Southeast Asia and Oceania Affairs). Do đó, có thể nói rằng trong chuyến tháp tùng Tổng thống Obama về Mã Lai dự hội nghị, Elizabeth như là một cõi đi về, nhưng đi về với tư cách -- nói theo tiếng Anh là -- triumphant.
Thật ra, ông Obama cũng là người xuất phát từ Đông Nam Á. Có lẽ nhiều người biết rằng má ông Obama (tên là Ann Dunham) sau khi li dị người chồng cũ người Kenya, bà thành hôn với một cựu du học sinh người Nam Dương tên là Lolo Soetoro. Do đó, Obama theo má về sống ở Nam Dương từ năm 6 đến 10 tuổi, trước khi được gửi về Mĩ theo học trung học và đại học. Ông Obama vẫn có thể nói vài chữ Nam Dương! Thành ra, có thể nói rằng trong chuyến đi này, cả hai người -- Obama và Elizabeth Phú -- như là một chuyến đi về nguồn.
Câu chuyện đời và nghiệp của Elizabeth Phú làm cho tôi suy nghĩ về thái độ của chính quyền Việt Nam đối với người tị nạn. Nói một cách ngắn gọn: Chính quyền Việt Nam đã rất vô nhân đạo và thô bạo với người tị nạn. Hai ngày trước, báo chí cho biết rằng có 9 người Bắc Hàn tìm cách vượt biên từ Tàu sang Việt Nam để xin tị nạn, thế nhưng họ bị phát hiện và công an Móng Cái đã trục xuất họ về Tàu. Bài báo trên VOA còn cho biết rằng trước đây, một nhà ngoại giao Bắc Hàn ở VN tìm cách xin tị nạn, nhưng mất tin. Rất có thể VN đã bắt và trao trả nhà ngoại giao này cho Bắc Hàn theo yêu cầu của Bắc Hàn. Xa hơn nữa, chính quyền VN cũng bắt và trả người tị nạn Duy Ngô Nhĩ về Tàu, làm cho họ nổi giận và gây thương tích cho phía VN. Những sự kiện trên là chứng từ để nói rằng chính quyền VN là rất vô nhân đạo, chẳng tỏ ra có nghĩa vụ gì với quốc tế cả.
Thật vậy, Bảng xếp hạng gọi là "Good Country Index" (GCI) cho thấy VN đội sổ trong số các nước tử tế trên thế giới. Bảng xếp hạng này cho thấy VN đứng hạng 103 (trong số 124 nước) về đóng góp cho hoà bình và an ninh thế giới. Còn về đóng góp vào các quĩ từ thiện và cung cấp nơi nương tựa cho người tị nạn thì VN đứng hạng 123, tức áp chót! Tính chung, thứ hạng về tử tế của Việt Nam trên thế giới đứng hạng áp chót (124/125). Điều đáng nói hay cũng có thể xem là nhục là thứ hạng tử tế của VN chỉ đứng chung bảng với mấy nước “đầu trâu mặt ngựa” như Lybia, Iraq, Zimbabwe, Yemen!
Thật ra, chính quyền VN xưa kia cũng chẳng tốt lành gì với chính công dân Việt tị nạn. Sau 1975, khi làn sóng người Việt tìm đường tị nạn, thì chính quyền tìm cách ngăn chận, thậm chí bắn bỏ. Đã có biết bao trường hợp người tị nạn ở miền Tây bị công an và bộ đội bắn chết trên đường vượt biển, dù trước đó những người này đã nộp tiền và vàng cho chính quyền. Đã có nhiều quan chức làm giàu từ các thương vụ người tị nạn. Hành động của chính quyền VN thậm chí làm cho ông Lý Quang Diệu còn nói thốt lên rằng đó là chính quyền "bỉ ổi" với chính công dân mình.
Tôi cũng là một cựu "thuyền nhân". Và, không như có người cố tình che đậy cái gốc tị nạn của mình, tôi thì chẳng dấu giếm gì điều đó, ngay cả trong trang web cá nhân tôi của Trường UNSW tôi vào đề là nói ngay mình là "refugee" như là một phát biểu lập trường với chính quyền Úc. Do đó, như là mặc định, tôi chống lại việc xua đuổi người tị nạn của Việt Nam hay bất cứ nước nào (kể cả Úc). Những người tị nạn đó, những người mà ông Phạm Văn Đồng từng nói là "ma cô đĩ điếm" đó, đang là những Elizabeth Phú, tướng Lương Xuân Việt, Đại tá Trần Bá Hùng, Giáo sư Trương Nguyện Thành (và hàng trăm giáo sư khác). Những người Bắc Hàn tìm đường sang Việt Nam có thể một ngày nào đó là Elizabeth Phú của Mĩ hiện nay.
Tại sao chính quyền VN không mở rộng vòng tay đón họ và cho họ cơ hội làm lại cuộc đời? Tại sao Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, Singapore, Hồng Kông đã từng đón người tị nạn, mà Việt Nam thì không? Nếu không muốn chứa họ thì tạo điều kiện tạm thời (như các nước Đông Nam Á đã làm) để họ đi tị nạn ở Hàn Quốc, chứ sao lại trả về cho cái chính quyền tàn ác là Tàu cộng? Tôi thực tình không hiểu nổi hành động của chính quyền VN đối với người tị nạn. Ở mức độ cá nhân, sống phải tử tế với nhau; ở mức độ quốc gia, nếu muốn là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, VN cũng phải tỏ ra là một nước văn minh và nhân đạo chứ. Do đó, hành động của chính quyền VN đối với người tị nạn Bắc Hàn chỉ có thể nói là vô nhân đạo. Hi vọng rằng câu chuyện và sự trở về của Elizabeth Phú là một bài học nhãn tiền để chính quyền VN suy nghĩ lại hành động của họ đối với người tị nạn Bắc Hàn.