khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

Thời Sư VN Trong Tuần, 28/1/2017







Tạp Chí Á Châu Ngày Nay, 29/1/2017







Chương Trình Âm Nhạc, AI TRỞ VỀ XỨ VIỆT







Chương Trình Âm Nhạc, XUÂN XA XỨ







Phỏng Vấn nhà giáo Phạm Toàn, sáng lập viên trang nhà Bô Xít, 28/1/2017







Chúc Mừng Năm Mới Của GM Hoàng Đức Oanh







Thế nào là dòng tâm trạng?







Ta Về Cho Kịp Độ Xuân Sang- Tác giả Ngô Nhân Dụng



Mười hai năm trước, nhà văn Doãn Quốc Sỹ gửi cho nhật báo Người Việt tấm thiệp viết: “Nhân dịp đầu Xuân Ất Dậu, xin gửi tới quý văn hữu cùng quý quyến lời chúc thân tâm an lạc, vạn sự cát tường! Thân quý.” Cùng với lời chúc Tết, Doãn Quốc Sỹ còn kể ông mới “du ngoạn công viên Grand Canyon bên tiểu bang Arizona. Xe dừng trên chiều cao xa lộ, nhìn xuống toàn cảnh Grand Canyon, rồi nhìn xuống ngọn nguồn con sông Colorado nhất định xuyên thẳng hai bên vách núi chứ không chịu chảy quanh vòng vo – thật tuyệt vời.”

Doãn Quốc Sỹ, tác giả “Chiếc chiếu hoa cạp điều” được giáo dục theo truyền thống dân tộc, cho nên nhìn dòng sông Colorado dưới thung lũng Grand Canyon ông lại thấy đó như một biểu tượng cho thái độ chính trực, không sợ hãi, không khuất phục, không luồn cúi và không sa ngã. Trong truyện ngắn Chiếc chiếu hoa cạp điều ông kể chuyện một phụ nữ Việt Nam suốt đời ân hận chỉ vì đã có lúc làm một việc trái đạo đức, dù một việc rất nhỏ, bà phạm lỗi vì chỉ lo cho gia đình nheo nhóc trong lúc đang “chạy loạn.” Chính Doãn Quốc Sỹ đã thể hiện lối sống đại trượng phu trong cuộc đời mình, cho con cháu chúng ta, ở trong nước Việt Nam và ở bên ngoài. Một ngày nào đó, có những bà mẹ Việt Nam sẽ kể cho con nhỏ nghe: Ngày xưa có ông Doãn Quốc Sỹ, sinh vào thời loạn lạc nhiễu nhương …, ông kể chuyện “Con Mèo Mà Trèo Cây Cau” như thế này…

Dân Việt mình vẫn thờ cúng tổ tiên, mỗi dịp Tết lại là dịp kể chuyện ông bà cho con cháu nghe. Chúng ta thường hãnh diện về lịch sử tổ tiên chung của giống nòi. Những Tô Hiến Thành, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Ông, bà Bùi Hữu Nghĩa, đều để lại những tấm gương cho người Việt ngày nay hãnh diện. Nhân lúc đón Xuân Đinh Dậu, nhớ lại tấm thiệp Xuân của nhà …,” chúng ta có thể hãnh diện về nhân cách của một nhà văn, bị tù đầy chỉ vì sống cương trực, giữ tiết tháo “uy vũ bất năng khuất” của một đại trượng phu, trong những năm dài ngồi tù cải tạo mà thân tâm ông vẫn thản nhiên an lạc.

Chúng ta có thể hãnh diện về tổ tiên người Việt. Một dân tộc còn giữ được nền độc lập sau một ngàn năm bị người Hán đô hộ, dân tộc đó rất đáng hãnh diện. Nhìn lại bao sắc dân khác ở phía bắc biên giới Hoa-Việt đã hoàn toàn biến mất, nay họ tự nhận là người Hán. Nền văn minh “Hoa Hạ” có sức đồng hóa mạnh hơn cả văn minh Hy Lạp, La Mã. Kể từ đời Tần Thủy Hoàng (2 thế kỷ trước công nguyên) đến nay, đế quốc Trung Hoa đã bành trướng lớn lên gấp bốn lần. Nhưng chúng ta không chỉ hãnh diện về những Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Bình Trọng, hay các danh nhân trong lịch sử, mà còn có thể hãnh diện về chính ông bà, cha mẹ, những người sống cùng thời với mình, những người cùng làng, cùng xóm đáng nêu gương. Khi nào người Việt Nam còn biết hãnh diện về tổ tiên mình, về đồng bào mình, thì nước Việt Nam không sợ mất.

Có những người Việt hay sợ nước lớn quá, nói đến Trung Quốc là sợ, vì nước họ mạnh gấp trăm lần nước mình. Nhưng trong lịch sử đã có nhiều “Ông Trạng” làm cho vua quan nước Tầu phải phải kính phục; những“Ông Trạng” có thật như Mạc Đĩnh Chi, có nhân vật tưởng tượng như Trạng Quỳnh. Doãn Quốc Sỹ có kể một chuyện Trạng Quỳnh Đi Sứ.

Một người từng công khai tuyên bố hãnh diện làm dân Việt Nam là Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) thời vua Quang Trung (Cũng đọc là Ngô Thời Nhiệm). Trong một chuyến đi sứ, đi qua tỉnh Quảng Tây, Ngô Thì Nhậm viết bài thơ “Hoãn Nhĩ Ngâm” (Mỉm cười mà ngâm thơ) để chế nhạo những thành kiến sai lầm trong sách sử của người Trung Hoa. Nhưng lời phê bình nặng nề nhất ông dành cho thói phân biệt, khoe dân Trung Hoa (gọi là Hoa Hạ) mới có văn minh, còn các sắc dân khác đều mọi rợ, man di. Ông viết: “Di, Hạ, âm dương phân – Thử ngôn thái thiển lậu!” Nghĩa là: Phân biệt Hoa Hạ khác Man Di như Dương khác với Âm; Nói như thế là quá nông cạn!

Để thuyết phục người Trung Hoa về trình độ văn minh của dân phương Nam, Ngô Thì Nhậm viện dẫn Chu Hy đời Tống, một triết gia có uy tín trong lịch sử và văn hóa Trung Quốc. Chu Hy đã nhận xét, “Thịnh xưng tây nam phiên – Văn tự đa cao thủ – Tất hữu khai kỳ tiên – Bất độc quốc trung hữu.” (Đáng khen các dân tộc miền Tây Nam – Có nhiều người giỏi chữ nghĩa – Tất nhiên họ đã khai hóa từ lâu – Đâu phải chỉ Trung Quốc mới có tiến bộ). Sau khi dẫn những lời của Chu Hy, ngay câu sau, Ngô Thì Nhậm viết: Khi về nước, ta sẽ bảo với bạn hữu rằng: “May mắn thay, chúng ta sinh ở Nước Nam!” (Hạnh tai sinh Nam bang)!

Bây giờ có bao nhiêu người Việt đang nghĩ như Ngô Thì Nhậm? Nếu ai không nghĩ làm dân Việt là may mắn, thì ít nhất người đó cũng phải ước mong con cháu sau này sẽ có lúc cảm thấy được làm dân Việt là may mắn.

Chúng ta phải coi đây là một bổn phận. Bổn phận trả lại cho con cháu niềm hãnh diện mà tổ tiên đã vẫn nói với nhau: Hạnh tai, sinh Nam bang! Đêm giao thừa năm nay, sẽ khấn khứa ông bà, xin nguyện sẽ cố gắng giúp các thế hệ sắp tới có thể cao hứng thốt lên như Ngô Thì Nhậm: May mắn thay, sinh làm người Việt Nam!

Chúng ta đón mùa Xuân về với niềm tin tưởng là ngày đó không xa. Phục hồi một nếp sống thuần hậu, ngay thẳng, chánh trực; sống lại các giá trị đạo lý của Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu; Phan Châu Trinh; chúng ta sẽ trở về, trong ngôi nhà cũ của tổ tiên đứng trước bàn thờ mà lòng không hổ thẹn. Ngày về sắp đến rồi. Cái gì tới chỗ cùng cực, sẽ phải thay đổi. Cả nước đang rạo rực chờ biến chuyển. Cả dân tộc đang trở về nhà, lòng náo nức như một thi sĩ đi tù sắp được về sau “Mười năm mặt sạm soi khe nước – Ta hóa thân thành vượn cổ sơ.” Trong lòng thi sĩ vẫn tràn ngập niềm vui:

Tiếng biển lời rừng nao nức giục
Ta về cho kịp độ xuân sang
(Ta Về, Tô Thùy Yên)



Ba Bó, Tám Bó - Tác giả Hoàng Hải Thủy



Buổi sáng đầu năm ở quê người, trước khung hình computer,  tôi buồn vời vợi. Buồn và tuyệt vọng. Cuộc sống không còn có gì cho tôi vui. Mùa đông Virginia, tuyết làm duyên, vườn đất Virginia mùa đông cũng có tuyết, nhưng tuyết làm cảnh, tuyết thoáng qua, như  không lẽ Virginia Mùa Đông lại không có tuyết.

Trong phòng ấm, ly cà phê nóng, màn ảnh TiVi trình diễn những khuôn mặt phụ nữ Mỹ trẻ, duyên, hấp dẫn, những chuyên viên xướng ngôn TiVi tiếng Mỹ được gọi là những anchor; người đàn bà sống với tôi trong 60 năm ngồi với ly cà phê bên tôi.

Lúc 5 giờ sáng, trong căn phòng Housing for Seniors Low Income  – tôi trở dậy. Tôi pha ly cà phê cho tôi, tôi làm sẵn ly cà phê đợi vợ tôi dậy là pha nước sôi. Chúng tôi bắt đầu một ngày sống bên nhau. Có nàng sống chung,  tim tôi vẫn nặng. Tim tôi nặng vì tôi biết tôi không còn được sống với nàng bao lâu nữa. Chúng tôi có thể vĩnh biệt nhau bất cứ lúc nào. Một sáng nào đó trong căn phòng người lưu vong già đầy ắp kỷ niệm, nàng không dậy nữa.

Nàng không dậy nữa…!

Thế là xong. Tôi biết cảnh đó sẽ đến, sắp đến, nó có thể đến với tôi trong bất kỳ buổi sáng nào, nhưng tôi không thể tưởng khi nàng không trở dậy, đứng bên giường nàng tôi sẽ nghĩ gì, tôi sẽ làm gì. Tôi sợ tôi phải sống không có nàng. Tôi không thể sống không có nàng.

Tôi nhớ lại những buổi sáng năm xưa tôi trở dậy trong sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, xương cốt mỏi rừ vì nằm co quắp trên bệ xi-măng. Tôi bị bắt giam hai lần. Lần thứ nhất tù trong sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, hai năm, lần thứ hai tù sáu năm, trong số có 4 năm tù trong Nhà Tù Chí Hòa.

Tôi nhớ những buổi sáng tôi  ngồi trong vùng sáng mờ từ bên ngoài lọt vào qua ô cửa gió – ô cửa gió trên cửa sắt sà-lim nhỏ bằng quyển sách –  ca nước lạnh để trước mặt, thèm ly cà-phê nóng, thèm khói thuốc lá, tù không biết ngày nào được trở về mái nhà xưa và vòng tay gầy của người vợ hiền, nhưng những buổi sáng trong sà-lim ấy tôi không buồn, không tuyệt vọng… như những buổi sáng năm nay tôi sống an ninh ở xứ Mỹ.

Buổi sáng hôm nay, tôi vào kho Ký Ức, tìm lại hình ảnh những người bạn tôi đã từ bỏ cõi đời này kể từ Ngày 30 Tháng Tư 1975. Tháng tận, năm cùng, Tết đến. Viết về những Người Bạn Đã Chết – theo tôi – là đúng Sách Vở. Tôi núp sau câu “Sinh Dữ, Tử Lành.” Ông cha tôi nói theo kinh nghiệm:

“Nói chuyện Sinh Đẻ là không nên, nói chuyện Chết là tốt.”

Tại sao ông cha tôi lại quả quyết như thế? Tôi không biết.

Người bạn nào của tôi ra đi trước nhất sau Tháng Tư 1975? Tôi nhớ có thể không đúng. Đành nhớ ai viết về người ấy, đành nhớ chuyện gì viết về chuyện ấy.

“Tuổi phong sương anh vẫn gắng quay về..”

Anh Già Tám Bó vất vả gượng nhớ, gượng kể những chuyện xẩy ra từ 40, 50 năm xưa. Những chuyện xưa quá rồi, làm sao anh kề đúng chăm phần chăm? Nếu có kể sai, xin bỏ qua. Cám ơn.

Trước năm 1975 tôi đưa tiễn hai người đến nơi an nghỉ cuối cùng: anh Nguyễn Đức Quỳnh, và anh Từ Chung. Nhà Văn Nguyễn Đức Quỳnh là đàn anh tôi. Tôi không được thân với anh. Nên khi đưa anh đến nơi anh an nghỉ ngàn đời, tôi không có gì đáng gọi là xúc động, Đám tang anh có đông văn nghệ sĩ đi đưa.

Những năm 1968, 1969 – Tết Mậu Thân – tôi sống trong căn nhà nhỏ cạnh nhà Duy Sinh – Nhà  Số 19 hay nhà Số 21 đường Hồ Biểu Chánh – có lần anh Quỳnh đến ở chơi nhà Duy Sinh, con anh. Duy Sinh thường gọi tôi sang ăn cơm với anh. Một lần anh Quỳnh bảo tôi:

“Tôi nghe tiếng máy đánh chữ của anh; biết anh đang viết, tôi rất thích.”

Tôi bằng tuổi Duy Sinh, tôi mày tao với Duy Sinh. Lẽ ra tôi phải gọi anh Quỳnh là bác, nhưng anh vẫn  cho tôi gọi anh là anh. Ngôn ngữ trong giới văn nghệ là như thế. Mày tao với anh con, anh tôi với ông bố bạn.

Duy Sinh kẹt lại ở Sài Gòn, anh và gia đình vượt biên sang Mỹ khoảng năm 1978. Nghe nói những năm đầu Duy Sinh nổi tiếng với danh vị chủ báo. Năm 1995 tôi đến Cali, gặp lại nhiều anh em, nhưng tôi không gặp lại Duy Sinh. Từ mấy năm nay tôi nghe nói Duy Sinh yếu, lãng trí, hay mặc áo thun, quần cụt đi ra đường.

Qua Duy Sinh tôi được quen với Lê Trọng Nguyễn. Từ năm 1980 đến năm 1984 là năm Lê Trọng Nguyễn và vợ con anh sang Mỹ. Nguyễn và tôi rất thân nhau. Gần như chiều nào chúng tôi cũng gặp nhau. Chúng tôi thường trên hai xe đạp, đến ngồi uống rượu ở quán rượu nghèo ven đường xe lửa Cổng Số 6. Quán rượu này có thể được gọi là quán rượu nghèo nhất thế giới.  Rựơu đế 1 đồng một ly, nhâm nhi với lạc rang 1 đồng một gói. Mỗi chiếu-tối ngồi quán nghèo như thế chúng tôi chi khoảng 10 đồng: 4 ly rượu, 4 gói lạc rang.

Tôi có mấy câu thơ tặng Nguyễn:

“Xót mày dạ trúc, lòng tơ
Họa cung đàn mọi bây giờ hẳn đau.
Tóc chia hai thứ trên đầu.
Thương thì đã muộn mà sầu lại dư.
Này Lê, này Nguyễn đều hư.
Nắng Chiều mà gặp trời mưa thì phèo. “

Vợ Nguyễn được gia đình bảo lãnh sang Mỹ, Nguyễn đi theo vợ con. Năm 1995 khi vợ chồng tôi đến Cali, Nguyễn chỉ phone nói chuyện với tôi, tôi không được gặp lại Nguyễn ở Mỹ.

Từ Chung từng là bạn mày tao với tôi từ thời nhật báo Ngôn Luận. Ngôn Luận bị đóng cửa,  Nhật báo Chính Luận ra đời, Từ Chung và tôi xa nhau. Đời anh lên hương, lên dốc, đời tôi xuống dốc không phanh. Từ Chung có Chính Luận, tôi mất Sàigonmới. Trong đám người đưa tiễn Từ Chung, tôi thấy tôi là người xa lạ, người khách không được trọng, người bạn bị bỏ quên.

Chính Luận là tờ báo duy nhất kể từ ngày Việt Nam có nhật báo cung cấp dịch vụ y tế cho nhân viên. Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm được mời làm y sĩ điều trị cho nhân viên báo Chính Luận. Nhân viên Chính Luận đau ốm được đến phòng mạch của BS Phiếm, khám chữa bệnh miễn phí. Nhà báo đài thọ chi phí thuốc men cho nhân viên. Nhà báo vẫn tháng tháng trả lương Cố Thư Ký Tòa Soạn Từ Chung cho bà vợ của Từ Chung. Trả lương đều cho đến ngày bọn Bắc Cộng vào Sài Gòn. Trong lịch sủ nhật báo Việt Nam chỉ có nhật báo Chính Luận trả lương tháng cho vị Thư Ký Sáng Lập đã chết.

Cảm giác bị đời bỏ quên năm xưa ấy trở lại với tôi trong buổi ký giả Phạm Trần tổ chức buổi gặp lại anh Huyền Vũ. Trước ngày Nhật báo Sàigonmới bị bóp cổ chết – Tháng Tư 1964 – ký giả Huyền Vũ là biệp tập viên mục Thể Thao Nhật báo Sàigònmới. Mỗi tuần ít nhất là hai, ba buổi sáng tôi được gặp anh Huyền Vũ ở tòa soạn báo. Anh đến tòa báo viết tin. Anh đi khỏi Sài Gòn trước Ngày 30 Tháng Tư 1975. Sang Mỹ anh sống ở Ocean City, một thị trấn ven biển cách Washington DC khoảng ba giờ chạy xe. Ngày tôi mới đến anh gọi điện thoại hỏi thăm tôi.

Ngày tháng qua mau. Trong buổi gặp lại anh, tôi tưởng trong số người được ban tổ chức mời kể vài kỷ niệm xưa với anh Huyền Vũ thể nào cũng có tôi. Tôi là người duy nhất trong số người đến gập anh lần cuối ấy từng làm việc với anh trong một tòa báo. Nhưng tôi đã bị bỏ quên. Người ta mời nhiều người kể kỷ niệm với anh Huyền Vũ, người ta không mời tôi. Hôm ấy tôi đến gần anh Huyền Vũ, cúi xuống bên anh, nói nhỏ:

“Anh Huyền Vũ, tôi là Hoàng Hải Thủy. Anh nhớ tôi không?”

Anh nói bốn tiếng:

“Làm sao quên được.”

Anh ra đi vài tháng sau đó.

Một trong những người bạn đồng nghiệp của tôi ra đi sớm nhất sau Ngày 30 Tháng Tư 1975 là Trọng Nguyên. Anh cùng làm việc với tôi nhiều năm trong tòa soạn nhật báo Sàigònmới. chúng tôi trạc tuổi nhau. Khoảng năm 1976 gặp lại nhau, Trọng Nguyên cho tôi biết anh bị ung thư phổi. Tôi đến Bệnh Viện Hồng Bàng thăm anh. Rồi tôi đến Bệnh Viện Bình Dân thăm anh khi anh  đến đấy chờ giải phẫu. Lần thứ nhất tôi vào Khu Ung Thư Bệnh Viện Bình Dân thăm Trọng Nguyên. Khi ấy tôi đã sống 24 tháng trong phòng giam Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, tôi thấy Khu Ung Thư, ở trên lầu Bệnh Viện Bình Dân, không khí ghê rợn hơn ở những phòng giam Số 4 Phan Đăng Lưu. Ở phòng giam tù có mùi hơi người, mùi lông tóc, mùi mồ hôi, mùi cống, ở phòng Ung Thư Bệnh Viện có đủ những thứ mùi vừa kể, thêm mùi máu, mùi mủ, những người bệnh đàn ông ở trần, khoác cái khăn trước bụng.

Buổi tối, tôi đến Tang Nghi Quán Quảng Đông chào vĩnh biệt Trọng Nguyên. Linh cữu Trong Nguyên quàn ở đấy. chị Trọng Nguyên kể:

“Buổi sáng nhà tôi bảo tôi mở tủ, lấy ra cái máy chữ và mấy quyển tiểu thuyết của anh, anh ngồi yên nhìn ngắm. Anh đi lúc bẩy giờ tối.”

Năm 1980 ở tù hai năm trở về, tôi được tin Minh Đăng Khánh bị liệt. Nghe kể anh hút điếu thuốc lào, bị sốc, ngã xuống, tỉnh lại, bị liệt nửa người bên trái. Anh ngã xuống là không tự đứng lên được,  anh vẫn lết chân trái đi lại được, nhưng đi rất chậm và vất vả. Anh vẫn dậy vẽ ở nhà. Anh nói ngọng nhưng còn nói được:

“Tao vào tiệm phở, người ta cho tiền tao. Tao nói: “Cám ơn.. Tôi không phải là ăn mày.”

Đưa đám Minh Đăng Khánh, tôi đứng bên anh Thiếu Lang. Anh hỏi tôi:

“Cậu có biết Hoàng Hải Thủy bây giờ ra sao không?”

Biết anh tưởng lầm, tôi hỏi lại anh:

“Anh thấy tôi là ai?”

Anh trả lời:

“Cậu là Hoàng Anh Tuấn chứ ai!”

Mạc Tử, kém Trọng Nguyên và tôi hai, ba tuổi,  làm phóng viên báo Sàigònmới cùng thời với chúng tôi. Tháng Tư 1964 Sàigònmới bị Nguyễn Khánh, Đỗ Mâu đóng cửa. Anh em chúng tôi tản lạc. Mạc Tử đi quân dịch. Tôi nghe kể trong một cuộc hành quân, người lính Mạc Tử bị tên VC bắn sẻ bắn trúng tim. Mạc Tử chết ngay. Mạc Tử không vợ, không con

Anh bạn bị bại liệt thứ hai của tôi là Văn Minh, chủ nhiệm Tuần Báo Con Ong. Xước danh của anh là Minh Vồ, dù cả đời anh chẳng vồ cái gì của ai. Minh bị nằm liệt khoảng ba năm trước khi hết nợ đời.
Trong đám tang Văn Minh, chị Minh bảo tôi nói lời vĩnh biệt anh. Đứng bên quan tài Minh, tôi nói:
“Minh ơi.. Khi người ta đi ra khỏi cõi đời này, người ta đi lên, hay người ta đi xuống. Khi chúng ta đi ra khỏi cõi đời này, chúng ta đi ngang. Minh sang bên ấy trước, chúng tôi sang sau.”

o O o

Chú Tư Cầu Lê Xuyên bị bại liệt khoảng năm 2000. Chú là người viết tiểu thuyết duy nhất kiếm được tiền đủ sống cho riêng chú trong kìm kẹp cộng sản. Sau 30 Tháng Tư 1975 chú bị bắt tù cùng một số ký giả Sài Gòn. Được thả ra khoảng một năm sau, chú bắt tay ngày vào việc đi xe đạp sáng sớm lấy bánh tiêu, bánh bò trong lò bánh của người Tầu ở Chợ Lớn, đạp xe đem đi giao khắp thành phố,  buổi chiếu chú đạp xe đi thu tiền. Rồi chú làm chủ tủ bán thuốc lá lẻ vỉa hè. Chú ngồi sau tủ thuốc từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Chú kiếm tiền tuy không nuôi được vọ con chú nhưng nuôi được thân chú.

Khoảng năm 1981, hay 1982, vợ tôi không ăn được cơm. Khoảng 8 giờ tối, tôi thường xách cái gà-men ra xe hủ tíu ở vỉa hè Ngã Ba Ông Tạ mua cho vợ tôi 10 đồng hủ tíu. Một tối trời mưa lất phất, đang đứng chờ lấy hủ tíu, tôi nghe tiếng người:

“Có tiền cho tôi..”

Tôi nhận ra ngay người xin tiền tôi là Bình Đô. Anh là một trong những người sống bằng việc viết truyện ngắn bán cho tuần bào Phụ Nữ Ngày Mai trong những năm tuần báo này bán chạy nhất. Bình Đô trạc tuổi tôi. Kể từ ngày nhật báo SGM bị đóng cửa Tháng Tư năm 1964 đến tối nay tôi mới gặp lại Bình Đô. Tôi hỏi anh:

“Ở đâu?”

Anh trả lời:

“Ở vỉa.”

“Ở vỉa” là đêm ngủ trên vỉa hè.

Phụ Nữ Ngày Mai là tuần báo của anh Sáu Khiết, anh con thứ sáu của bà Bút Trà. Sáu Khiết có cái tốt – tôi thấy  anh là người chủ báo tốt nhất trong đời viết, bán truyện tiểu thuyết của tôi: anh mua truyện ngắn, ký bông trả tiền ngay nhưng không đăng ngay, mua để dành. Truyện ngắn mua xong anh đưa cho Dương Hà giữ. Mỗi truyện ngắn được trả 500 đồng.

Nhiều lần ký bông trả tiền xong, Sáu Khiết bảo tôi:

“Anh đưa truyện cho Dương Hà dùm tôi.”

Dương Hà là người được giao việc nhận và sắp xếp những truyện đăng trên tuần báo Phụ Nữ Ngày Mai.

Tôi giữ truyện, đổi tên truyện, khoảng hai, ba tuầu sau tôi lại đem truyện ấy, với tên truyện mới, bán cho Sáu Khiết, anh dễ dàng ký bông trả tiền.

Dương Hà giữ truyện của chúng tôi nhiều đến nỗi nhiều lần anh bảo:

“Truyên của chúng mày tao giữ nhiều quá. Chúng mày đến tao, tao đưa lại cho.”

Dương Hà sống nhiều năm trong một phòng cho mướn trên lầu một tòa nhà nhiều phòng ở đầu đường Hàm Nghi. Từ nhà này anh chỉ đi trăm bước là tới tòa báo SàiGònMới. Dương Hà sống với vợ ở nhà ấy trong nhiều năm. Rồi chắc nhờ công thu vén của vợ anh là Kim Lệ, vợ chồng anh có căn nhà mặt tiền đường Cao Thắng, trước cửa rạp xi-nê Cao Đồng Hưng. Khoảng năm 1980 Kim Lệ sang sống bên Pháp. Dương Hà và các con sống trong căn nhà Cao Thắng này. Tôi nghe nói khoảng năm 1995 Dương Hà bán căn nhà này, chia tiền cho các con, anh gửi số tiền của anh vào ngân hàng, tháng tháng lấy tiền lời để sống. Anh sống yên bình ở vùng Thủ Đức, sáng, trưa, chiều, tối anh ngồi quán, quanh năm anh uống bia, ăn hột vịt lộn, tôm chiên, không ăn cơm.

Dương Hà thành công, nổi tiếng ngay với tiểu thuyết Bên Dòng Sông Trẹm, tiểu thuyết phơi-ơ-tông đầu tay của anh. Bên Dòng Sông Trẹm đăng khoảng năm 1950 trên báo Sàigònmới. Từ đó anh viết truyện đều cho SGM đến khi báo bị đóng cửa.

Tôi gặp, quen Văn Quang khoảng năm 1955, 1956, khi anh là Trung Úy. Ngày chúng tôi mất nước, Văn Quang là Trung Tá. Anh – có thể – là vị sĩ quan Quân Đội VNCH duy nhất không đi Hát Ô sang Mỹ. Ở lại Sài Gòn, vào khoảng năm 2000 Văn Quang viết loạt bài “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự” gửi sang đăng ở những tờ báo Việt ngữ hải ngoại. Nhờ Internet, anh dễ dang gửi bài viết ra nước ngoài, rõ hơn là sang Mỹ, Canada, Úc. Văn Quang là văn sĩ Sài Gòn trước 1975 thứ nhất viết và gửi tác phẩm  ra nước ngoài. Văn Quang sống được với công việc ấy. Anh là nhà văn Việt Nam Cộng Hòa kiếm được nhiều đô-la Mỹ nhất với việc Viết ở Sài Gòn Cờ Đỏ.

Tạ Quang Khôi cùng viết với tôi trên tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong Số 1, tuần báo ra đời năm 1956. Trên Văn Nghệ Tiền Phong Tạ Quang Khôi viết tiểu thuyết “Mưa Gió Miền Nam,” tôi viết “Vũ Nữ Sài Gòn.”

Nửa thế kỷ trôi qua, nay Tạ Quang Khôi tuổi đời Tám Bó Tám Que. 88 tuổi. Dòng đời đưa đẩy, nay Khôi và tôi cùng sống trong một nhà dành cho người già thu nhập thấp. Anh ở Lầu Ba, tôi ở Lầu Hai. Một mình trong phòng vắng, từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, Tạ Quang Khôi ngồi trước computer, moi móc tìm, rị mọ viết, gửi và nhận e-mail.

Nghe tôi nói tôi sợ tôi không sống được nếu cuộc đời này không còn vơ tôi, TQ Khôi nói:

“Mày tưởng chỉ có mình mày yêu vợ ư? Sau ngày mất nước, vợ tao chết, tao quyết định chết theo. Đêm khuya tao sắp uống thuốc để sáng mai không dậy nữa, tao nghe tiếng con tao:

“Bố ơi… Con khát nước..”

Tiếng thằng con út của tao năm đó nó mới bẩy, tám tuổi. Tỉnh lại, tao vứt thuốc. Sáu tháng sau tao đưa các con tao vượt biên đi thoát.”

Đây là bài Thơ Cuối Đời của Tạ Quang Khôi:

Buổi tối vào giường chỉ ước mong
Sáng mai không dậy nữa là xong.
Cuộc đời lắm nỗi buồn tê tái,
Tha thiết chi cho nát cõi lòng.
Bao giờ tôi chết, xin đừng khóc
Để níu chân tôi vướng cõi trần.
Xin hãy cười vui giờ vĩnh biệt,
Mừng tôi đã thoát nợ gian truân.


Cảm khái cách gì.

Những ngày như lá, tháng như mây…! Sài Gòn 1960, Sài Gòn Ðẹp Lắm Sài Gòn ơi.., Virginia is for American Lovers, Xứ Tình Nhân Mỹ, Kỳ Hoa Ðất Trích.. Chiều  5 giờ trời đã tối… Thấm thoắt dzậy mà đã 50 muà lá rụng đi qua đời tôi kể từ ngày tôi bước chân ra khỏi tòa soạn Nhật báo Sàigònmới lần cuối cùng trong đời tôi.

Chiều nay, trong 234 sát-na tôi trở về đứng trên hành lang trên lầu toà soạn nhật báo Sàigònmới, nhìn trời Sài Gòn chiều chuyển mưa xanh sám trên chợ Bến Thành, tôi nghĩ:

– Trong một chiều trời đất buồn như thế này, Từ Hải dừng bước giang hồ để trở về với Kiều!

Tôi trở lại là tôi năm tôi ba mươi tuổi.

Năm nay tuổi đời qua giới hạn Bát Thập – nôm na là Tám Bó Lẻ Bốn Que – ở xứ người, một xứ cách nước tôi hai biển lớn, trong vài sát-na, tôi trở lại là tôi năm tuổi đời tôi Ba Bó.

Trong trí nhớ của tôi nay vẫn còn nguyên hình ảnh chàng phóng viên lãng tử nhật báo Sàigònmới năm xưa – năm 1960 – chàng phóng viên ăn dziện đúng mode Italie: sơ-mi hai túi ngực, hai cây bút Bi Parker cắm ở hai túi áo, một bút mực đen, một bút mực đỏ, đồng hồ tay Internamatic, mặt đen, mua ở Bangkok, quần sanspli, giầy mocassin Trinh’s Shoes Tự Do 500 đồng một đôi – 500 đồng năm ấy là giá tiền một chỉ vàng –  trong túi áo ngực có bao thuốc điếu Lucky Strike, hay bao Philip Morris Vàng, quẹt máy Dupont Trắng dắt ở túi đựng bật lửa nơi lưng quần. Chàng phóng viên mới ba mươi tuổi mà tóc đã “không bạc, tóc chàng là tóc argenté.”

Tôi già đi nhưng chàng phóng viên ấy cứ ba mươi tuổi mãi.

Cảm khái cách gì!





Về Quê Ăn Tết- Tác giả Dan Heaven



Làm nghề thiết kế máy bay nhưng Hoàng lại rất ngại đi máy bay, chẳng phải vì máy bay không an toàn mà vì cứ mỗi lần nghĩ đến máy bay đang bay trên cao đụng phải tầng không khí hổn loạn là anh lại thấy ngán. Để giảm bớt sự hồi hộp vớ vẫn này nên anh hay chọn các chuyến bay sáng sớm lúc không khí còn tịnh hay các chuyến bay vào những lúc trời nắng ấm để anh có thể yên tâm thưởng thức cái thánh thoát của bầu trời cao rộng.

Hôm nay thì lại khác, vì anh sẽ đi về quê ăn Tết. Hơn nữa, công việc của anh trong những tháng đầu năm dương lịch quá bận rộn nên anh đành phải lấy chuyến bay cuối trong ngày. Dù anh biết nếu không may mắn anh có thể rời vùng Tây Bắc Mỹ trong một ngày mùa đông tuyết trắng.

Buổi tối trước ngày đi về quê ăn Tết, anh xem dự đoán thời tiết mấy lần. Xem thời tiết để biết ngày mai nắng hay mưa chứ thật ra anh không tin tưởng lắm vào mấy cái dự đoán thời tiết cho đến lúc ấy trời nắng hay mưa thì mới hay. Bầu trời tối nay thấp lè tè và trắng đục như sữa. Ngọn gió mùa đông lạnh buốt thổi tung mấy cánh hoa Đỗ Quyên nỡ sớm bay rãi rác khắp vuông sân. Anh đoán chắc có lẽ tuyết sắp rơi. Anh thầm hy vọng sao tuyết sẽ không rơi cho đến lúc máy bay cất cánh vào bầu trời cao rộng tối mai.

Sáng sớm trước lúc đến sở anh kiểm soát lại nhà cửa thật kĩ càng vì anh sẽ vắng nhà hai tuần. Dù anh có thể gởi nhà cho hàng xóm trông chừng, nhưng anh nghĩ những cái vặt vãnh trong nhà hàng xóm họ đâu có để ý ngoài trừ có ai đó vào nhà phá trộm. Anh mở sưởi thấp xuống khoảng sáu chục độ để giữ cho nhà được ấm đồng thời anh không quên kiểm soát lại các cửa sổ xem chúng đã được đóng kín hay chưa. Trước khi đeo cái túi vải vào lưng, theo thói quen anh đứng trước tượng Đức Mẹ đọc kinh cầu nguyện xin cho một ngày được bình an và thành công. Anh cũng không quên cầu xin cho chuyến bay được an toàn. Anh nghĩ giờ này có lẽ vợ anh và con gái đang say nồng giấc ngủ vì cả nhà chắc đã thao thức cả đêm qua mong chờ anh về.

Bỗng dưng anh mỉm cười nhớ đến lời người bạn làm chung sở cùng hoàn cảnh như anh vẫn hay thường nói.

-Kễ cũng lạ thật. Anh và tôi, hai đứa có gia đình mà lại sống như hai thằng độc thân. Gia đình thì để một nơi và hai thằng thì lại sống lang bạt một nơi. Người ta độc thân thì bay nhảy thả cửa, hết ăn phở lại ăn cơm. Riêng anh và tôi thì không được ăn phở cũng chẳng được ăn cơm. Không đi tu mà cũng thành đi tu. Có vợ cũng như mồ côi?

Anh lẩm bẩm một minh. -Ừ không đi tu mà cùng thành đi tu.

Ngày xưa trong căn nhà này vợ chồng anh và ba người con gái sống thật hạnh phúc. Căn nhà rộng rãi luôn rộn rã tiếng cười. Mỗi mùa đông đến tuyết phủ trắng làm cảnh quan chung quanh nhà trông thơ mộng như trong chuyện thần thoại. Anh và các con hay lần theo lối mòn đi xuống sườn đồi để ngắm ngôi nhà từ dưới đồi nhìn lên. Căn nhà tuyết phủ trắng xoá vươn lên cao trông như một cái bánh kem khổng lồ mát lạnh được trang điểm bằng mấy chùm hoa màu hồng của cây Đỗ quyên và mấy chùm hoa đỏ của cây Trà hoa nữ.

Anh vẫn còn nhớ rất rõ một mùa đông vợ chồng anh đặt ba đứa con gái ngồi vào cái ghế trượt tuyết rồi kéo các con trượt xuống mặt đường dốc trơn trượt đầy tuyết. Đường phố trong xóm vắng lặng không một chiếc xe. Mặt tuyết trắng xóa và xốp. Tuyết lún sâu đến gần đầu gối. Anh và vợ ngây ngô đùa vui với các con và cả nhà cười rộn rã một khu xóm khiến chốc chốc lại có nhà hàng xóm gần đấy mở của ra nhìn và họ vẫy tay chào rất vui vẻ. Chiều đông ấy tuy mệt nhưng vui quá. Ai cũng hớn hở, nhất là lúc cùng nhau nhấp từng ngụm chocolate nóng ấm và mở miệng cười phun ra làn khói trắng xoá.

Thời gian ấy nay đã vụt bay xa và căn nhà bây giờ vắng lặng quá. Trong căn nhà này giờ chỉ còn mình anh ở. Đứa con gái lớn bây giờ đã trưởng thành, ra riêng, và chỉ thỉnh thoảng về thăm anh.

Mùa đông lại đến giá buốt. Buốt lạnh như cuộc sống của anh đang ở xa gia đình. Mỗi ngày anh đi về một mình. Có những lúc anh tự hỏi chính mình là không biết anh có quyết định sai hay không khi di chuyển cả gia đình về miền nắng ấm sinh sống để cho anh chuẩn bị về hưu non.

Vợ anh, người phụ nữ tuyệt vời luôn tin tưởng nơi anh, đã không chần chừ khi anh bàn với nàng là quyết định bán cơ sở thương mại và thay đổi chỗ học hành cho các con chỉ vì một lý do: Anh không chịu nổi khí hậu lạnh và ẩm ướt của miền tây Bắc Mỹ.

Thật thế, khí hậu nơi này ẩm ướt quá. Một năm mười hai tháng thì trời mưa ray rứt hết mười một tháng. Thỉnh thoảng có hôm cơn nắng tạt đến vội vàng cứ như người yêu ghé thăm nhà bồ cũ. Gặp nhau trò chuyện vội vã chưa đủ thời gian để cạn tách cà phê thì đã vội vàng chia tay. Có lẽ anh cứ sống mãi trong bốn bức tường mà không phải bốn bức tường trong nhà thì cũng là bốn vách tường trong sở, người anh thiếu ánh nắng mặt trời nên cứ lảo đảo như cây trụi xây xẩm trong gió bấc.

Mỗi chiều đi làm về vợ anh thấy anh ngồi im lặng trước cái hộp đèn để cho cơ thể của anh hấp thụ ánh sáng, nàng lại hỏi.

-Hôm nay anh có gì vui không?

Anh nhìn vợ mỉm cười không đáp. Thực ra lòng anh rất muốn líu lo trò chuyện với nàng vì mỗi ngày chỉ có khoảng thời gian buổi tối là vợ chồng anh mới có dịp ở cạnh bên nhau, nhưng anh cảm thấy tâm hồn mệt mỏi nên chẳng muốn đáp lời.

Bác sĩ bảo cơ thể của anh không hấp thụ đủ ánh nắng nên thiếu năng động. Anh thấy điều này đúng vì cứ mỗi lần anh có dịp nghỉ hè nơi vùng nắng ấm hay hôm nào thời tiết ấm áp là anh cảm thấy người vui lên. Anh như khỏe và trẻ ra. Anh đùa với vợ là cơ thể của anh cần năng lượng sạch. Thêm vào đó vì đang làm việc cho một hãng xưởng lớn với nhiều quyền lợi, đặc biệt theo luật của hãng anh chỉ cần làm mười năm và được năm mươi ba tuổi là anh có quyền nghỉ để chờ về hưu vào lúc tuổi năm mươi lăm. Anh nghĩ sau hơn hai mươi năm làm việc vất vã vợ chồng anh cũng đã gây dựng được một cơ ngơi nho nhỏ và có thêm chút tiền lận lưng nên anh cũng về hưu non được.

Có lúc anh ngẫm nghĩ lại phần số ngắn của người chị vừa mới qua đời mà anh không còn muốn bon chen. Cả một đời chị vất vả cần kiệm đến khi mất đi chị cũng chẳng mang theo được gì? Tiền bạc của cải chị để lại chia cho các cháu cũng chẳng thêm ích lợi vì chúng nó đã có cuộc đời riêng của chúng nó cần phải tự tạo để vươn lên.

Anh vẫn thường nghĩ có làm thì có hưởng. Nhất là nên hưởng thụ lúc tuổi đời còn khỏe khi mình có tiền của chứ đừng cặm cụi làm việc mãi cho đến tối đa hạn tuổi về hưu rồi mới nghỉ thì lúc ấy có khi lại chỉ chờ lên đồi đắp thảm cỏ.

Bâng khuâng nghĩ ngợi hết chuyện này sang chuyện khác thình lình một con sóc nhảy sổ ra từ cành Đỗ quyên bên cạnh cửa sổ khiến anh giật mình. Con sóc thấy anh nó chuyền nhanh lên nhánh thông rồi đứng lại nhún nhảy và giương đôi mắt đen lay láy nhìn anh. Bỗng nhiên anh bắt gặp vài cánh tuyết mỏng nhẹ nhàng rơi theo mấy bước nhảy của con sóc.

Hoàng e ngại nhìn lên bầu trời đang ngái ngủ. Phảng phất qua ánh đèn đường vàng vọt, những cánh tuyết bay nhẹ nhàng mà có lúc cơn gió lạnh đã thổi tung những cánh tuyết lên trông như những vạt áo đầm của đoàn vũ công ballet trên sân khấu. Anh dí mũi giầy xuống mặt đường. Cũng chỗ này đây năm trước con gái út và anh đã xây bước tượng người tuyết cao bằng chiều cao của con bé. Anh không quên quấn thêm cái khăn choàng cổ 737 MAX vào bức tượng ấy. Mới đó mà giờ này con bé đang ở cách xa anh vài giờ đường chim bay.

Tuyết đang rơi chỉ vừa trắng mặt đường nhưng cũng đã khiến chiếc SUV của anh đổ dốc loạng choạng. Chiếc xe tuột ba con dốc rồi cuối cùng cũng ra được tới ngoài đường lớn. Hai mươi phút sau thì anh đậu xe vào bãi đậu xe của sở. Anh nhẩy lên cái xe buýt của sở vắng hoe, chả bù với ngày thường thì chật cứng. Anh đoán có lẽ thời tiết xấu nên nhiều nhân viên vắng mặt. Chiếc xe buýt chạy qua nhiều trạm trong sở, cuối cùng cũng ngừng lại trạm gần văn phòng chỗ Hoàng làm việc. Anh vội vã xuống xe rồi hấp tấp bước vào sở.

Lúc đi ngang qua chỗ người bạn "mồ côi" ngồi, Hoàng không thấy anh ấy có mặt như thường lệ. Hoàng nghĩ hay là cha này đã dzọt về nhà sớm với vợ con rồi. Dám lắm chứ chẳng chơi?

Người Việt mình dù đã ở Mỹ vài chục năm, đã quen với mọi sinh hoạt thường nhật ở xứ sở này, sinh sống như người bản xứ... nhưng cứ mỗi năm đến ngày cận Tết tự nhiên lòng mọi người nghe xôn xao gì đâu? Anh bạn "mồ côi" của Hoàng và cả chính Hoàng những lúc gặp nhau cũng cứ ra rả nói về Tết. Mặc dù có khi ngày Tết chỉ gói có mỗi miếng bánh chưng mang vào sở để ăn trưa hay có khi ngồi tư lự trong văn phòng vừa làm việc vừa nhai miếng mứt.

Đã bao nhiều năm rồi mọi người đã quen cái lối sống thiếu thiếu ấy nhưng mỗi lần gặp nhau vẫn rộn rã câu chuyện ngày Tết. Phải chăng Tết là một ngày truyền thống đã ăn vào trong máu của người Việt Nam mình? Thậm chí cả những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhiều khi không nói được tiếng Việt thế mà vẫn biết đến Tết. Đôi khi cũng chỉ mong Tết đến để được người thân lì xì cho cái bao đỏ.

Tết ở hải ngoại nơi nào cũng giống nhau. Các nhà thờ và chùa chiền bao giờ cũng có lễ đón giao thừa hay lễ đầu năm, đôi khi còn có văn nghệ xuân và ăn mừng xuân nữa. Bên cạnh đó luôn luôn có hội chợ Tết. Dù đón xuân lớn hay nhỏ, dù văn nghệ xuân chỉ là sự ca hát góp mặt của các đoàn thể ở địa phương hay có sự tham gia của ca sĩ nổi tiếng, thì dù là đón xuân hay ăn Tết ở đâu Hoàng cũng trông thấy thướt tha các tà áo dài Việt nam tuyệt đẹp và cành mai vàng rực rỡ.

Đặc biệt năm nay anh về quê ăn Tết nên thấy lòng rộn ràng lắm.

Tối nào cũng thế phần lớn câu chuyện của vợ chồng con cái anh cứ xoay quanh ngày Tết. Vợ anh kể là đã đặt mấy cái bánh chưng rất ngon của người quen giới thiệu.  Bánh chưng này ngon y như là bánh chưng của Thầy lúc sinh thời vẫn gói. Bánh chưng gói bằng lá dong xanh mướt, gạo nếp ngâm cho mềm, xóc ráo nước, nhân làm bằng đậu xanh hấp chín giã tơi, trong nhân có thịt ba chỉ muối mặn ướp tiêu. Bảo đảm nhân không dùng thịt kho với hành. Bánh luộc chín, nén kỹ. Bánh rền. Bánh không rỉ nước, không cần để tủ lạnh. Vợ anh nói chuyện huyên thuyên về bánh chưng nổi tiếng ngon của bố chồng cứ như đã về làm dâu nhà anh từ thủa xa xưa; từ cái thủa anh còn độc thân chưa vượt biên. Nàng cũng khoe nàng đã dặt mua một chậu mai vàng. Hoa mai Việt nam chính hiệu mà anh sẽ rất thích.

Nàng và con gái út còn khoe với anh rằng Tết ở đây giống y ở Việt nam. Trong các chợ bày bán bánh mứt, giò chả ê hề. Thêm vào đó bánh mứt trong các tiệm bánh làm ngay tại địa phương còn có nhiều mầu sắc lộng lẫy hơn. Trái cây thì tươi và bắt mắt. Trong các khu chợ vỉa hè và trong các khu thương xa thì nhộn nhịp và tấp nập. Người đi chợ Tết như nêm và hàng hoá trái cây thì tươi tắn thơm ngon. Tiếng mời hàng, câu trả giá, cò kè bớt một thêm hai thật vô cùng ồn ào và náo nhiệt.

Nàng cứ ra rả:

- Y chang Saigon ngày xưa anh ạ. Em ước gì có anh bên cạnh, mình ra thăm chợ hoa Tết. Chợ hoa Tết trước cửa thương xá, ngay bên cạnh đường Saigon tưng bừng lắm. Mỗi khi lái xe ngang qua, thấy người ta đi chợ lũ lượt mà em nhớ anh. Ước gì có anh đưa mẹ con em đi sắm Tết. - Thế rồi vợ anh lại sụt sùi. - Bao giờ thì anh về dưới này với mẹ con em luôn?

Nghe vợ hỏi vậy anh bỗng nghe cổ họng mình nghèn nghẹn. Anh mủi lòng đáp.

- Anh tính qua Tết bán nhà em ạ. Sau khi bán nhà xong nếu vẫn chưa chuyển việc về dưới đó được thì anh cũng quyết định nghỉ luôn.  -Anh lẩm bẩm như nói với chính mình- Già thì mình chưa già nhưng cũng không còn trẻ nữa. Biết đi cày mãi cho đến bao giờ? Em và con đã dọn về dưới đó rồi, trên này chỉ còn mình anh. Gia đình mỗi người một nơi cũng buồn lắm. Chắc đây là cơ hội để mình quyết định luôn?

-Dạ. Ba tụi nó tính sao thì tính. Cứ mỗi Chúa nhật đi lễ lủi thủi có hai mẹ con. Gặp người quen cứ hỏi thăm mãi về anh làm em buồn quá.

-OK. OK. Anh pha trò. Tối nay tui dzìa tới rồi đó. Gặp tui phải thương tui nhiều đó nghe chưa?

-Anh này. Giọng nàng nũng nịu. Anh về đến nhà chắc chợ Tết đã đóng cửa. Em nghe nói quá trưa ba mươi Tết chợ hoa đã dẹp rồi. Còn các chợ vỉa hè thì không biết thế nào? Em đã chuẩn bị nhà cửa xong hết rồi. Chắc đón anh từ phi trường về đến nhà thì cũng kịp đón giao thừa? Hai đứa con gái lớn của mình ngày mồng một Tết chúng nó cũng mới về. Nghĩ đến lúc cả nhà xum họp về đây ăn Tết em thấy vui quá anh ạ.

-Me too. Anh nhỏ nhẹ đáp.

Cứ thế đầu óc anh mãi nghĩ vẫn vơ khiến ngày cuối năm âm lịch trôi qua nhanh. Cả ngày hôm nay anh chẳng làm được việc gì đắc lực ngoài tham dự hai buổi họp của nhóm. Thoát chốc anh nghe tiếng điện thoại của anh báo thức. Anh giật mình vì đã đến giờ anh rời nhiệm sở để ra phi trường về quê ăn Tết.

Lúc lên máy bay anh không khỏi ngạc nhiên vì hơn một nữa khoang máy bay của chuyến bay là người Việt. Anh thấy có gia đình đến hơn mười người. Người lớn trẻ con trò chuyện bằng tiếng Việt nho nhỏ. Đám trẻ con hớn hở lắm. Chúng khoe với nhau sẽ đi chỗ này chỗ kia và còn nhắc nhở cả đến ông bà và cô chú nữa. Còn người lớn thì xem ra ai cũng bơ phờ sau một ngày làm việc nhưng cũng ôn tồn chào hỏi nhau.

Đang lần đến chỗ ngồi anh bỗng bắt gặp vài khuôn mặt quen quen như đã gặp nhau đâu đó trong chốn sở làm. Họ và anh há hốc miệng nhìn nhau vì không ai ngờ được là lại gặp nhau trong khoang máy bay này. Một ông ngồi trong góc, cạnh bên cửa sổ, đưa tay vẫy anh, rồi nói lớn.

- Về quê ăn Tết hả?

Nghe hỏi thế bỗng nhiên anh cảm thấy xúc động. Anh nghe khoé mắt mình ươn ướt. Anh cười tươi đáp.

-Vâng. Rồi hỏi. Anh cũng vậy sao? Tôi nào có biết anh cũng giống tôi?

-Bây giờ thì biết rồi. Bỗng nhiên một giọng nói khác đáp vọng lại cách chỗ anh đứng chừng một hàng ghế.

-Nhà anh có ở có gần Little Saigon không? Một người khác cạnh đó hỏi vọng lại.

Hoàng đưa mắt về chỗ giọng nói vừa phát ra thì nhận ra ngay anh Hùng, một người đồng sở đã có lần làm chung một kế hoạch với anh. Hoàng reo lên.

-Kìa anh Hùng. Anh cũng về quê ăn Tết hả?

-Vâng. Tôi cũng về quê ăn Tết anh Hoàng ạ. Anh Hùng trả lời.

Vừa lúc ấy thì Hoàng cũng đã tìm đến ghế ngồi của mình. Anh đặt túi hành lý xuống và vẫy tay chào Hùng. Thật quá nhiều bất ngờ và thú vị. Hoàng không thể tin được là mình có thể gặp được những khuôn mặt quen quen ấy trong chuyến bay này.

Mọi người cũng giống như anh là tuy sinh sống rải rác khắp nơi trong các cộng đồng trên nước Mỹ nhưng vẫn luôn tìm về nơi chốn có nhiều hơi hướm và nhiều hình ảnh của Việt nam. Ai dù xa quê cách mấy nhưng ngày Tết vẫn luôn nhớ về cội nguồn và phong tục tập quán của mình.

Little Saigon tuy không được xây dựng trên đất nước Việt nam nhưng nơi này đã được xây dựng trong con tim của mỗi người Việt nam xa xứ. Ở Little Saigon chúng ta có thể tìm lại được hình ảnh của quê hương Việt nam qua một tập thể đông đảo người Việt với phong tục, tập quán đặc trưng của từng miền khác nhau, trò chuyện vui vẻ với nhau bằng tiếng Việt, và được ăn uống đầy đủ các món ngon của Việt Nam. Ở Little Saigon chúng ta có thể tìm được những buổi họp mặt của các hội đoàn và những sinh hoạt văn hóa của người Việt nam. Đặc biệt ở Little Saigon mọi người được hưởng những ngày Tết yên bình, an toàn, đầy đủ, hạnh phúc, và rền vang tiếng pháo.

Tết năm nay là cái Tết đầu tiên Hoàng và gia đình ăn Tết ở Little Saigon. Về Little Saigon như tìm về lối cũ. Anh nghĩ đây là cuộc hành trình cuối cùng của gia đình anh như của loài chim di cư đã tìm được chỗ trú.

Và ...hạnh phúc rộn ràng như chính tiếng lòng của mình. Hoàng đang tìm về với làn hơi ấm áp của người vợ hiền và của các con.


"Calexit"



Sáng kiến gọi “Calexit” đã được đệ nạp văn phòng của viên chức thường vụ tiểu bang California để vận động ly khai với liên bang Hoa Kỳ.

Kế hoạch Calexit yêu cầu cử tri thu hồi những điều trong hiến pháp tiểu bang khẳng định California là 1 phần bất khả phân của hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.

1 khảo sát nhận thấy 1/3 dân California muốn ly khai vì không công nhận TT Trump tuy đề nghị Calexit không nói tới TT Trump.

Thường vụ viên Alex Padilla cho biết nhóm vận động là Yes California Indepencence Campaign được phép bắt đầu thu thập 600,000 chữ ký để trưng cầu dân ý.

Các nỗ lực tương tự để California trở thành 1 quốc gia độc lập từng thất bại.

Phó chủ tịch Marcus Evand của Yes California tuyên bố “Hoa Kỳ ghét California trong khi cử tri đi bầu theo cảm tính – chúng tôi có phiếu tán đồng nếu tổ chức hôm nay”.

Ban vận động phải trình đủ số phiếu hợp lệ theo hạn kỳ đã định là ngày 25-7.




Donald Trump Trong Một Thế Giới Đảo Điên - Tác giả Nguyễn Xuan Nghĩa




Tổng thống Hoa Kỳ muốn viết lại luật chơi cho một trật tự mới...

Người ta cứ cho là Donald Trump đang đảo lộn trật tự thế giới sau khi nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ. Sự thật có khi lại khác. Ông tiếp nhận di sản không phải là tám năm của vị tiền nhiệm bên đảng Dân Chủ mà nhiều thập niên của một trật tự cũ, từ an ninh đến kinh tế, đang tan rã từ Đông sang Tây. Siêu cường Hoa Kỳ nằm giữa tâm điểm của tình trạng hỗn loạn ấy nên Tổng thống thứ 45 mới có tham vọng xây dựng lại một trật tự khác.

Từ Đông sang Tây, người Mỹ thấy gì? Trung Cộng hưởng lợi kinh tế, có thêm phương tiện quân sự để đòi khống chế cả khu vực Đông Á, trong khi Bắc Hàn Cộng sản lại coi trời bằng vung với kế hoạch võ khí hạch tâm nhằm đe dọa vùng Đông Bắc Á. Tại Trung Đông, cuộc chiến chống phong trào Hồi giáo cuồng tín và phương pháp khủng bố không có kết quả sau 15 năm tốn công, của và mạng sống. Cuộc khủng hoảng của thế giới Hồi giáo lan vào Âu Châu với làn sóng di dân, nơi mà tổ chức Liên Âu có 28 thành viên bị chấn động, mất thống nhất, và khối tiền tệ Euro của 19 thành viên Liên Âu chưa ra khỏi cơn khủng hoảng manh nha từ năm 2010. Giữa những biến động tại Âu Châu, Liên bang Nga thừa thắng xông lên và coi thường Minh ước NATO, thách đố trật tự của Âu Châu khi khống chế Ukraine và tiến vào Trung Đông. Dù không thể là siêu cường có khả năng đe dọa quyền lợi Hoa Kỳ như Trung Cộng, Liên bang Nga của Putin cũng là bài toán cần giải quyết sau khi kế hoạch hỏa giải (“reset”) của Chính quyền Obama không thành.

Giải quyết những thách đố ấy với ưu tiên nào khi nội bộ Hoa Kỳ cũng có quá nhiều vấn đề?

Từ hai thập niên qua, Hoa Kỳ bị ảnh hưởng của ba trào lưu lớn là 1/ tiến trình toàn cầu hóa khởi sự mạnh sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc năm 1992, 2/ cuộc cách mạng thuật lý (technology) làm đảo lộn tiến trình sản xuất và cách bố trí phương tiện lẫn nhân lực trong kinh tế; và 3/ nạn lão hóa dân số khi thế hệ Hậu chiến, lớp người sinh đẻ từ 1946 tới 1964 lại bắt đầu về hưu, cần nhiều hưu liễm và dịch vụ y tế hơn khả năng đóng góp của lực lượng lao động.

Những chuyển động trên tại Hoa Kỳ không xuất hiện biệt lập trong biên vực của quốc gia mà hòa chung vào hệ thống giao dịch toàn cầu, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, supply chain, giữa các nước về nguyên nhiên vật liệu và lực lượng lao động. Trong khung cảnh đó, kinh tế Trung Cộng thu được nhiều lợi ích nhờ nhân công rẻ nên công nghiệp hóa nhanh hơn các nước đi trước như Nhật Bản hay Nam Hàn. Ngược lại, khu vực chế biến của Mỹ bị ảnh hưởng nhiều nhất: sản xuất nhiều hơn với ít nhân công hơn mà cũng có tỷ trọng thấp hơn nếu so sánh với khu vực tài chánh và dịch vụ. Sự bất mãn của thành phần lao động trong khu vực chế biến này trút vào một nguyên nhân kinh tế là tự do thương mại, nhưng các nguyên nhân kia chính là khoa học kỹ thuật cùng hệ thống đào tạo và giáo dục của Hoa Kỳ.

Khi nhìn trên toàn cảnh và ra khỏi khuôn khổ Hoa Kỳ, người ta còn thấy hiện tượng lão hóa dân số đang đe dọa nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Trung Quốc, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và cả nước Đức. Giải pháp tiếp nhận di dân - trẻ hơn, nghèo hơn, có tỷ lệ sinh sản cao hơn người bản địa không dễ áp dụng cho các nước hải đảo hay quần đảo như Nhật, Hàn, Đài Loan, và còn gây phản ứng ngược như tại nước Đức và Hoa Kỳ.

Việc Hoa Kỳ mất tiền bảo vệ biên cương của nước khác, như qua Minh ước NATO chẳng hạn, mà không bảo vệ được biên cương của mình tại miền Nam mới dẫn tới ý tưởng “xây tường” tại biên giới với xứ Mexico là điều đã được luật lệ cho phép mà chưa hoàn tất và cũng chẳng có biện pháp cưỡng hành. Lồng trong vấn đề an ninh đó còn có kế hoạch cải cách thuế vụ do đảng Cộng Hòa chủ trương từ Tháng Sáu năm ngoái, nhằm tăng thuế trên hàng nhập cảng và giảm thuế cho hàng xuất cảng. Nếu Hành pháp Trump và Hạ viện Cộng Hòa thống nhất ý kiến về dự luật “điều chỉnh mậu biên” (border adjustment), thuế thu vào từ hàng xuất cảng của Mexico có thể giải quyết được nhu cầu tài chánh.

Chính quyền Trump bắn tiếng rằng thuế suất 20% trên hàng nhập cảng từ Mexico có thể tài trợ việc xây tường có khi chỉ là bước đầu của việc mặc cả mà thôi sau khi bị nhập siêu tới 60 tỷ Mỹ kim từ Mexico (so với nhập siêu từ Canada là chín tỷ).

Người ta đả kích ông Trump là đơn phương rút khỏi Hiệp ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà quên rằng Hiệp ước này vô giá trị vì chưa được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn sau khi gặp sự chống đối mạnh từ đảng Dân Chủ, kể cả hai ứng cử viên Dân Chủ là Hillary Clinton và Bernie Sanders, lẫn một số không ít trong giới dân cử Cộng Hòa. Tổng thống không thể “giết” một xác chết chưa chôn, ông chỉ đòi thương thuyết song phương với từng nước trong số 11 quốc gia đã ký kết TPP. Cũng vậy, ông chủ trương thương thuyết lại với từng nước trong Hiệp ước Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA đã ban hành từ năm 1994, là Canada và Mexico.

Chính quyền Mexico lâm vào thế kẹt vì áp lực trong và ngoài mà nếu rút khỏi Hiệp ước NAFTA thì còn bị thiệt hơn nữa.

Sau một tuần nhậm chức, người ta thấy Tổng thống mới của Hoa Kỳ tận dụng hai phương tiện pháp lý là “sắc lệnh hành pháp” (executive orders) và “bị vong lục” (memorandum, số nhiều là memoranda). Sắc lệnh hành pháp chỉ thị cho các cơ quan hữu trách phải thi hành hoặc không thi hành những gì đã được đưa ra trước đó. Bị vong lục (dịch nôm na là “phòng bị cho khỏi quên”) là văn kiện có giá trị hướng dẫn bộ máy công quyền về đường lối chánh sách chung chứ không nêu ra chi tiết về việc thi hành.

Qua hàng chục văn kiện này, người ta thấy Tổng thống Hoa Kỳ vạch ra luật chơi cho trận đấu với Lập pháp cùng doanh giới và, ra khỏi khuôn khổ Hoa Kỳ, cho các quốc gia hay định chế quốc tế.

Theo dõi trận đấu tại Thủ đô Washington với Quốc hôi hay trên thương trường với các đại tổ hợp, người ta có thể thấy rằng Donald Trump muốn tiến tới một trật tự khác. Nhưng với bên ngoài thì các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc hay NATO cùng các quốc gia khác mới phải vò đầu bứt tai vì chủ trương vừa dọa vừa dụ của Tổng thống Mỹ. Chưa ai biết là ông Trump có thành công hay chăng nhưng ai cũng biết rằng sự thể ngày nay đã khác.

Nhìn theo khuôn khổ thời gian lẫn không gian, chúng ta nên nhớ tới sự thất bại của hệ thống mậu dịch toàn cầu khi Tổ chức Thương mại Thế giới WTO không khởi động nổi vòng đàm phán Doha do Chính quyền George W. Bush đề nghị từ Tháng 10 năm 2001 – 15 năm qua rồi. Từ đó ta mới thấy những nỗ lực hợp tác đa phương, ở cấp vùng, giữa từng nhóm quốc gia với nhau. Nỗ lực ấy cũng không thành, thí dụ không chỉ có Hiệp ước TPP mà còn có Hiệp ước Xuyên Đại Tây Dương TTIP giữa Hoa Kỳ và Liên Âu, hoặc Hiệp ước Tự do Mậu dịch giữa Liên Âu với Canada.

Trào lưu từ toàn cầu tụt xuống đa phương đã có trước khi cử tri Hoa Kỳ nghe nói đến ứng cử viên Donald Trump! Ông Trump chỉ có tội hay có công là thúc đẩy trào lưu này với giải pháp song phương, giữa Hoa Kỳ với từng nước. Bắc Kinh có một chữ cho nghệ thuật vận dụng ấy vì họ thi thố từ lâu: “bẻ đũa từng chiếc”.

Chúng ta sẽ còn cơ hội theo dõi những trận đấu này giữa Hoa Kỳ với từng nước, như Nga, Đức, Tầu, Nhật… và không nên quên thế lực kinh tế của Mỹ là rất ít lệ thuộc vào xuất cảng, vẫn còn công xuất khả dụng để thay thế số nhập cảng bị giảm sút. Còn lại, ba chuyển động lớn là toàn cầu hóa, thuật lý và dân số, tiếp tục là bài toán trường kỳ cho nước Mỹ mà Tổng thống Donald Trump chưa chắc đã giải quyết được.

Ít ra, người ta thấy được một chuyện bất ngờ khác: Tổng thống Trump làm đúng những gì đã nói khi tranh cử. Tưởng là chỉ dọa mà chơi, ai ngờ ông ta làm thật! Dễ sợ cho năm Đinh Dậu….




Đón giao thừa Xuân Đinh Dậu 2017 ở Chùa Huệ Quang, Santa Ana, California (Little Saigon)







Đầu năm mời xem người "ăn ốc nói mò" tiên đoán vận mạng tương lai







Phỏng vấn ls Nguyễn Tâm, tác giả nghị quyết cấm treo cờ đỏ sao vàng tại các cột cờ của thành phố San Jose, CA, Hoa Kỳ







"Think about it.!"







TRÂN TRỌNG MỜI XEM: Lm Nguyễn Duy Tân chúc Tết Đinh Dậu 2017







Lm Nguyễn Duy Tân tường trình về chuyện" vịn vai" của Công An Đồng Nai







Phỏng vấn Ls Lê Công Định, Tết Đinh Dậu 2017







Chợ Lớn ăn Tết Đinh Dậu 2017







LAI CHHIM (Live Stream)







Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

Cấm treo cờ đỏ CSVN tại các trụ cờ thuộc cơ sở chính quyền thành phố San Jose, CA, US










San Jose council unanimously approves banning communist Vietnamese flag


SAN JOSE — Some supporters draped yellow flags of the former South Vietnam over their shoulders while others joined hands and held back tears as San Jose became the first Bay Area city to ban the flag of the communist Socialist Republic of Vietnam on city flagpoles.
Councilman Tam Nguyen, who fled communism in his native Vietnam when he was 19 and proposed the idea, got emotional when the unanimous vote was cast after a lengthy debate late Tuesday night.
“It shows we understand the pain of our community,” Nguyen said after the City Council meeting. “It gives us a chance to heal. We are no longer oppressed. We are really free now and we can sleep at night.”
The highly charged debate Tuesday pitted two factions of the city’s Vietnamese-American community against each other: Older generations of Vietnamese refugees who escaped communism and younger immigrants who identify with their country’s current national flag.
San Jose ceremonially raises cultural flags on its flagpoles at City Hall throughout the year. Although no requests were made to fly the Vietnamese flag, city leaders aimed to curb the possibility. Nguyen said the Socialist Republic of Vietnam flag — red with a gold star — symbolizes oppression and bloodshed. Some compared it to raising the Nazi flag.
“We speak up on behalf of those who have lost their lives,” said San Jose resident Khanh V. Doan, a U.S. Army veteran. “Please do not allow that bloody flag to exist in this city. It is our nightmare.”
Daniel Nguyen, another San Jose resident, said Vietnamese people “lost our country, lost our husbands, our wives and children because of that communist flag.”
After hours of emotional testimony, the City Council approved Nguyen’s flag ban and reaffirmed the city’s recognition of the “Vietnamese Heritage and Freedom Flag” as the official flag of San Jose’s Vietnamese-American community. That’s the yellow flag with three horizontal red stripes that represented the former Republic of Vietnam, the “South Vietnam” the U.S. backed in its battles against communist insurgents before it fell in 1975.

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

Bánh tét nhà, bánh tét chợ - Tác giả Lê Đại Anh Kiệt



Mỗi bà má đã tạo ra hương vị riêng cho chiếc bánh gia đình. Bếp lửa đêm trừ tịch là ấn tượng khó phai, kết nối nhiều thế hệ. Bánh tét chợ đủ sắc màu nhưng thiếu hương vị riêng tư, bóng hình ký ức.

Dấu ấn từ con nít trở thành “đàn ông” của tôi là lần 30 Tết được bà nội tin cậy giao chuyện quan trọng: leo lên giàn treo trên chái bếp lấy cái trả đất nung. Cái trả lớn hơn cái thúng đổ giạ (40 lít) truyền lại từ đời bà cố, nội tôi gìn giữ như vật gia bảo, mỗi năm chỉ hạ xuống một lần để nấu bánh tét.

Trọng trách lấy chiếc trả đó nội chỉ giao cho người “đàn ông” trong nhà, trước đó là ba tôi, chú tôi. Tôi vẫn nhớ cảm giác hai tay nâng cái trả đưa từ trên giàn xuống đất sao run run, lâng lâng giống như lần đầu cầm tay con gái.

Nấu bánh: nghi lễ, hương vị truyền đời

Sau này ba tôi mua cái nồi nhôm cũng to mà nhẹ nhàng nhưng nội nhất định phải nấu bánh bằng trả đất mới có hương vị riêng. Nấu bánh tét với nội tôi không phải nấu món ăn mà là một nghi lễ quan trọng. Năm nào cũng vậy, không chờ đến Tết, nội chăm chút tỉ mỉ chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Từ rằm Tháng Chạp, nội đã đi xay nếp, sàng sảy bắt tắm, bắt thóc để chọn tuyền những hạt nếp no tròn đầy đặn.

Sau ngày đưa ông Táo, nội đi chợ chọn mua mỡ heo thật dày về sắt thành thỏi vuông, ướp với muối phèn chua và hành tỏi, phơi vài ba nắng cho màu mỡ trông óng ánh. Nội ra vườn chọn quày chuối xiêm no trái nhất, vừa chín tới để chuẩn bị làm nhân. Tôi chỉ được tham gia công đoạn đi cắt lát về cho nội chẻ, phơi làm dây buộc bánh. Ðêm 29, nội lục đục từ chiều đến khuya ngâm, giúc nếp, các loại đậu. Dưới ánh đèn dầu bóng, nội nghiêng nghiêng trên vách bếp như đoạn phim hoạt hình quay chậm.

Vào “chính lễ” chiều 30, nội như viên tư lệnh ngồi ở đầu bộ ván, làm công việc quan trọng nhất là xé, sắp lá chuối và chia nếp, nhân cho từng đòn bánh. Cái công việc tưởng chừng đơn giản đó lại quyết định hình thức của đòn bánh thật đều, thật khéo mới có thể đảm đương.

Má tôi là phó tướng gói bánh thành đòn, các cô thiếm như sĩ tốt chăm chú cột dây. Còn nửa đêm nữa mới rước ông Táo, nội vẫn cho mặc sức nói cười đùa giỡn nhưng ai cũng cắm cúi cắn dây siết chặt, ngoáy dây cho thật đều. Trước khi cho bánh vô nồi nấu, nội kiểm tra lại từng đòn bánh, từng nuộc dây. Ðòn bánh phải vuông, tất cả đều phải chặt, đều nhau tăm tắp vì nó tạo ra hình dáng và cả khẩu vị của bánh. Bánh thành phẩm phải thật dẽ, hạt nếp nở ra hết cỡ thành như bột nhưng nén chặt nên vẫn còn nguyên hình dạng. Buộc lỏng bánh không dẽ, mất đẹp lại mất ngon.

Nội pha đậu đen lẫn trong nếp vừa tạo ra sắc màu đa dạng vừa tạo ra vị bùi bùi. “Phò tá” nội hàng chục năm tưởng chừng như đã học hết bài bản nhưng đến khi nội qua đời, má tôi vẫn chới với về cách ướp nếp, ướp nhân, tạo ra khẩu vị đặc biệt cho bánh mà cả nhà ai cũng đều quen thuộc. Nếp vừa béo mà không ngậy, lại có thêm chút vị mặn. Năm đầu tiên tất cả yếu tố hình thức đều đạt: nhân mở trong, nhân chuối đỏ nhưng vị từng loại nhân không hoàn toàn giống như thời nội vẫn làm, phải mất vài ba năm trải nghiệm má tôi mới tái tạo lại khẩu vị ấy.

Chúng tôi lớn lên, có gia đình riêng, má tôi, già đi sức khỏe giảm dần, anh tôi nghĩ đến chuyện cải tiến thủ tục ngày Tết, giải phóng cho phụ nữ mà trước hết là giải tán nồi bánh tét.

“Tết là để nghỉ ngơi, vui chơi đoàn tụ, không mắc mớ gì lại cắm đầu vô bếp,” lý lẽ của anh hợp lý, thuyết phục được mọi người. Ðêm 30 Tết năm ấy đám trẻ được “giải phóng,” mấy cháu gái quây quần bên tivi xem táo quân, mấy cháu trai chặt heo tú lơ khơ. Riêng má tôi ngồi trong góc nhà, im như pho tượng, đôi mắt mở to nhưng như có khoảng trống sâu hun hút.

Ánh lửa kết nối tình thân

Sáng mồng Một Tết, anh tôi tự hào cắt những khoanh bánh tét Trà Cuôn đặt mua từ Trà Vinh. Bánh rất đẹp, sang trọng với nhân trứng vịt muối, thịt đùi heo, sắc màu vàng đỏ tươi tắn. Ðám trẻ lao nhao hưởng ứng trước hình ảnh mới lạ ấy.

Má tôi đứng ở góc nhà nhìn ra ánh mặt đượm buồn. Nhưng ăn xong khoanh bánh đầu tiên, không khí hào hứng chừng như lắng xuống. Thằng cháu đích tôn, con cả anh tôi buông câu chắc nịch, “Không ngon! Không giống bánh bà nội!” Chừng như chúng vừa gặp người bạn mới và nhận ra rằng đã đánh mất người bạn cũ quen thuộc là cái khẩu vị riêng tự truyền thống của gia đình đọng trong miếng bánh. Cái mất đi ấy mơ hồ nhưng vô giá! Cái trả nấu bánh gia bảo của nội tôi rồi cũng vỡ nát do sự vô tình của người thợ lúc sửa nhà.

Nhưng khẩu vị riêng chưa phải là tất cả giá trị của bánh tét nhà. Năm Ất Mùi, gia đình láng giềng rất dễ thương, bác Ðức của tôi có mấy người con đang định cư ở nước ngoài về ăn Tết. Muốn tạo đầy đủ cái Tết đoàn tụ Việt Nam, bác Ðức nấu bánh đón giao thừa ngay tại Sài Gòn. Riêng tiền đóng cái nồi đã trên hai triệu đồng nhưng không ai thấy đắt mà dành suốt cả ngày cùng tất bật gói bánh. Thằng con tôi cũng hào hứng tham gia tìm chỗ đặt nồi và hy sinh đường ống nước tưới hoa lan của tôi để chuyền nước cho nồi bánh.

Tết năm ấy trời se se lạnh, trời vừa sụp tối cả nhà bác Ðức và cả nhà tôi cùng xúm nhau bên nồi bánh mãi đến quá nửa đêm ngồi kể với nhau những chuyện không đầu không đũa nhưng ấm áp lạ lùng. Chuyện bác Ðức gác rừng ở Ðà Lạt hòa với chuyện tôi lội nước Ðồng Tháp Mười, chuyện làm ăn của cô Trang ở Na Uy pha vào chuyện học hành ở Singapore của con gái tôi.


Ðêm khuya, lửa còn leo lét nhưng không ai muốn ngủ. Cháu nội bác Ðức mang cây đàn guitar ra cạnh bên bếp lửa dạo đàn. Những nốt nhạc non nớt đầu đời của đứa trẻ trong đêm như được pha trong sắc lửa nên âm vang ấm cúng. Ngọn lửa như có sức mạnh kỳ diệu kết nối mọi người, trong từng con người nó kết nối quá khứ với hiện tại, tương lai. Sau nhiều năm tưởng đã quên, tôi chợt nhận ra mình đã lạc mất đi ánh lửa nồi bánh tét gia đình.

Bánh chợ: đẹp, sang nhưng lạ

Quả đúng như anh tôi đã nói, bánh tét chợ, bánh tét thị trường ngày càng nhiều, càng đẹp và càng sang trọng.