khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

MĂNG ĐẦU MÙA - Truyện của Võ Hoàng





Có lẽ con bé nghĩ rằng từ đây tới nhà, hết lối mòn này thế nào cũng bắt được một chú chuồn chuồn nên vừa bước qua cây cầu ván đã móc vội chiếc lọ cầm sẵn ở tay, chiếc lọ bé vừa nhặt được ở cổng trường. Sáng nay, trời có chút nắng ấm như chia cùng bé một chút niềm vui.
 
Sao con đường mòn đẹp lạ lùng! Cho tới những hòn đá cuội thường ngày dơ bẩn, đáng ghét đến độ bé phải tránh né và đi trên lề cỏ bất chấp phân bò, hôm nay bỗng dưng được nhuộm ướt đẫm sương và chiếu ngời dưới nắng sớm. Bé nhặt vội một mẩu đá tròn dẹp và vàng như chiếc kẹo cam cho vào lọ, “để chút nữa chuồn chuồn đậu…”
 
“Thầy mầy cũng nghỉ hả Hiền?”
 
Con bé thoáng giật mình, thằng Tề từ đàng sau sấn đến ôm chầm lấy vai bé, nó thở hổn hển rồi tiếp:
“Cô tao cũng nghỉ, thầy hiệu phó biểu chiều nay mỗi đứa đem vô một cái bao để xuống bãi lấy cát về đổ sân trường. Tao thấy thầy mầy dắt xe đạp, cột tới ba cây cuốc.”
 
Con bé vùng khỏi tay thằng Tề:
 
“Đừng! Mầy đi sau tao, để tao bắt một con chuồn chuồn,” bé vừa nói vừa cho chiếc lọ vào túi.
 
“Để làm gì? Mầy về đào trùng, chút nữa tao với mầy chun rào qua trường chệt câu cá. Bữa qua thằng Hợi câu được một con cá trê bự lắm, với hai con cá rô nhỏ.”
 
“Nội tao hỏng cho đâu!”
 
Thằng Tề đứng sựng lại, cụt hứng. Lâu lắm nó mới chầm chậm bước theo sau con bé. Vài con chuồn chuồn kim bay nhởn nhơ nhưng không con nào chịu đậu thành ra con bé có vẻ chán và đi hơi nhanh. Những đám mưa từ tuần trước vẫn còn làm đọng nước từng khoảng dưới con mương chạy dài theo lối mòn. Con bé biết mình cũng sẽ chỉ đứng nhìn thôi khi có chú chuồn chuồn nào đậu trong khoảng đó. Đột nhiên, con bé cảm thấy rõ ràng thằng Tề tới làm phiền mình quá và không giúp gì được, bé quay phắt lại:
 
“Mày trả lại tao cái nút ve bữa trước mượn.”
 
Đi được thêm mấy bước, thằng Tề lại giựt mình, trợn trừng đôi mắt. Nó nhận ra con bé hôm nay hơi lạ lạ nên không nói mà chỉ kịp đứng ngơ mắt nhìn, dáng dấp thiểu não. Con bé hối hận ngay, nhỏ giọng:
 
“Chiều đi vô trường, mầy ghé qua nhà tao, kêu tao đi với nghe.” Xong, bé nhìn thẳng vào mắt thằng Tề.
 
“Tao kiếm nút ve hoài, hổng có. Tao đền cho mầy hai cái lon sữa, vài bữa làm bo bo qua trường chệt thả.”
 
Con bé lại quay đi. “Trường chệt, trường chệt hoài, đã biểu Nội hỏng cho qua đó!” Lúc trước một lần, mon men dọc hàng rào trường câu cá dẫm phải kẽm gai, vết thương làm độc cả tháng mới hết. Bé khóc vì đau, rồi Nội khóc vì thương bé, thằng Tề đâu có biết chuyện đó!
 
Con đường mòn như dài thêm ra, hai đứa không nói gì thêm nữa. Thỉnh thoảng thì hay có chuyện “không lành” với nhau như vậy. Thường thì mỗi buổi sáng, con bé thức dậy và ra đường sớm hơn. Bé phải đợi một lát thằng Tề mới lù lù tới rồi y như, nó kiếm đủ chuyện nói để mong con bé quên rằng nó tới trễ. Bé thật sự không dám giận thằng Tề nữa, vì nhiều lần rồi, con đường dài nửa tiếng đồng hồ đến trường mà không được nói chuyện với ai, bé buồn cả ngày hôm đó. Vậy mà hôm nay, bé thấy ghét nó quá.
 
Tới ngã rẽ, thằng Tề vụt chạy nhanh lướt qua con bé, nó quay vòng một cánh tay:
 
“Chút nữa tao qua mầy.”
 
Con bé không thèm lên tiếng, đi nhanh hơn. Tới cổng rào, con bé móc chiếc lọ đặt lên cây trụ xi măng với vẻ hằn học, tháo trút. “Thằng Tề này, làm người ta không bắt được con chuồn chuồn nào hết. Chiều nay thế nào cũng… hỏng thèm nói chuyện.” Bé dùng chân đạp cửa cổng sắt rỉ sét trong một điệu bộ nghịch ngợm và bước thẳng về phía hàng chùm ruột, khòm người nhặt những trái còn tốt nhất cho vào túi rồi lửng thửng bước.
 
Ngang qua cây mận, bé đưa tay đập phành phạch vào những nhánh lá ve ra cạnh đường. Bao nhiêu bực bội lúc nãy tan biến, con bé cảm thấy cây lá xôn xao. Từ bụi hoàng điệp tới hàng tứ quý, rồi đám mẫu đơn, tất cả như vẫy tay chào bé.
 
“Nội ơi! Nội thức chưa Nội?”
 
Con bé đang mở bung cánh cửa chợt ngưng tay. “Cửa bếp mở mà Nội không có trong nhà.” Con bé gọi lớn hơn:
 
“Nội ơi, Nội!”
 
“Ngoài này nè, Hiền. Con trốn học hay thầy nghỉ?”
 
“Nội ở đám bù ngọt mà nãy giờ không thấy.” Con bé lôi ra một trái chùm ruột đưa lên miệng thổi vài hơi cho sạch cát bụi, bỏ vào miệng.
 
“Thầy nghỉ, Nội!”
 
Bé sà xuống cạnh ông cụ, hớn hở và không nhìn thắy ông cụ thoáng cau mày. Ông lầm bầm:
 
“Tuần này nghỉ hết ba ngày.”
 
“Mà chiều nay con cũng vô trường. Thầy biểu đi lấy cát. Nội đổ khoai ra cho con lấy cái bao, nghe.”
 
Ông cụ im lặng một chốc, thở nhẹ:
 
“Hiền nè, con còn nhớ đường đi qua nhà ông bác Tư không? Nội nhớ đã dắt con đi hai ba lần rồi.”
 
“Nhớ, Nội,” con bé nhanh nhẩu. “Đường đi qua chợ cá, tới cầu ngang quẹo mặt, đi dọc theo mé sông, đi khỏi mấy đám cây, gần cái lạch. Nhà ông Bác có nhiều dừa, con biết.”
 
“Ờ! Nhưng mà ăn cơm xong hãy đi, không có con đói. Đây qua nhà ông bác Tư xa lắm đó. Con vô bằm khoai trộn nửa chén gạo bắc lên bếp, ông đi bẻ đậu bắp chút nữa hấp.”
 
“Ăn với tương nữa, hả Nội?”
 
Không cần chờ nghe trả lời, con bé đứng dậy đi liền. Được vài bước, bé co một chân, nhảy cò cò lên những chiếc lá khô vương vãi khắp mặt đất. Ông cụ ngoái nhìn theo cố nén một tiếng thở dài.
 
Tội nghiệp con bé, mười một tuổi đầu đã phải cáng đáng nhiều thứ việc. Ông thương cháu nhưng không làm sao khác hơn được. Những ngày mùa nắng, còn có thể đi làm kiếm thêm ít tiền, ông ra đi từ sớm khi con bé hãy còn ngủ, để lại nhà trăm thứ việc như một kiểu buông xuôi, con bé đi học về thì lần lượt làm hết. Đêm về nghe con bé tự khoe, nào là “con giặt hết hai bộ đồ của Nội,” nào là “con chùi cái ấm nước bóng như mới mua,” nào là “lúc này con gánh mỗi đầu được hơn nửa thùng nước.” Con bé tưới cây không sót một gốc, không bỏ một buổi suốt mùa nắng. “Nội thấy hông, mấy chậu lan của Nội trưa nắng mà không héo lá, còn đâm đọt thêm nữa.”
 
Bằng cái sức lực đã quá tuổi lao động, ông cụ làm đủ thứ công việc suốt hai ba năm nay mà chưa lần nào dám nghĩ sẽ mua cho con bé một món đồ chơi. Con bé cũng biết “nội Nội mua gạo không, cũng đã hết tiền rồi.” Con bé cũng biết “có dư, Nội trả dần dần cho bà Dì Tư, để thiếu hoài kỳ lắm.” Con bé biết gần hết những thứ mà thỉnh thoảng vui miệng, ông cụ thố lộ một cách cởi mở, không dè dặt đối với một đứa bé về những khó khăn đang gặp. Ông cụ chỉ nghĩ một điều, ít ra con bé cũng là người để ông tâm sự và độc nhất trong nhà này.
 
Nhưng con bé không thể biết được một điều, bắt đầu từ mùa mưa này, ông cụ sẽ không còn đủ sức làm thêm bất cứ công việc gì để kiếm ra tiền. Ông lo nghĩ mãi một chuyện và ân hận trước đây đã không đánh liều mua cho con bé “hoặc là một con búp bê, hoặc là một đôi guốc bông” như con bé thường ao ước, mỗi món giá bằng bốn ngày công đi làm.
 
Trong một trường hợp nào đó, khi mà tâm tư vừa trải qua một sự giày vò, xao động, ông mới chợt nghĩ đến thằng con và hai đứa cháu trai ở một nơi xa lắc, ông không mường tượng ra được nó nằm từ hướng nào trong căn nhà buồn thảm – theo ông nghĩ – này. Gần ba năm, con bé lớn lên với cái chăm sóc vá víu của ông sau những công việc mệt nhọc và những cơn bệnh theo hạn kỳ hành hạ. Nhiều lần, ông chịu không thể giải thích thế nào cho con bé hiểu được sự vắng mặt của cha mẹ và hai em nó. “Hai em còn nhỏ phải theo cha mẹ, con lớn ở nhà với Nội, nấu ăn cho Nội ăn chớ!” Con bé không quen thắc mắc nên không hỏi tiếp. Đôi lúc nó thở mạnh, “Ở chỗ hai em Kha chắc nhiều đồ chơi lắm…” Xong nó đâm ra bực mình với thằng Tề thỉnh thoảng sang chơi, nó giữ gìn thật kỹ các món đồ, từ cái cân tay bằng nhựa đến mấy món dùng nấu bếp bằng nhôm đã xám xịt, dơ bẩn. Thằng Tề bỏ lạc mất của nó một món, nó biết ngay.
 
Ông cụ thở dài chống hai tay vào gối uể oải đứng gượng dậy. Sự mệt mỏi của một ngày mới giờ này đã bắt đầu lấn vào người ông.
 
“Cơm bắt đầu sôi rồi, Nội ơi. Nội đem đậu bắp vô đi.”
 
“Con đậy nắp lại đi. Nội thấy đậu còn non quá, bẻ uổng lắm, nên thôi.”
 
Con bé bỗng phác giác ra ông cụ đang bị chứng mệt đuối lâu nay vẫn thường hành hạ. Mặt ông tái xanh và hai tay buông thõng xuống, con bé hốt hoảng:
 
“Nội vịn vô con, Nội vô nhà nằm đi.”
 
Vịn làm sao được, để hai ông cháu lăn đùng ra đó à? Ông cụ nhếch môi như muốn nói điều gì lại thôi. Con bé chạy bay vào nhà, dọn thật nhanh chiếc ghế bố xếp ở một chỗ thoáng nhất. Ông cụ ôm chầm lấy bé và ngồi phịch xuống ghế.
 
“Con ăn cơm xong nhanh, đi ngay qua nhà ông bác Tư nói với ông kiếm cây thuốc cho Nội, nói vậy là ông bác biết.”
 
“Dạ. Nhưng mà chưa có gì… ăn hết, Nội.”
 
Ông cụ nín bặt, ông quên phắt đi điều đó. Dù sao thì con bé cũng để ý và nghĩ tới những món ăn thường ngày, vì hình như hồi này con bé ngán ngẩm các món lá cây, đậu trái luộc chín… Nhưng biết làm sao hơn?
 
Còn bụi măng tre sau nhà! Ông cụ nhắm nghiền đôi mắt lại. Đã một mùa mưa qua, ông không đủ can đảm chừa lại một mụt măng nào để kéo dài đời sống cho bụi tre. Từ lúc thức ăn trở thành một thứ nhu yếu phẩm độc nhất, mỗi mụn măng tre bán đi được giá bằng nhiều ngày làm việc và những ngày ông phải nằm bệnh, ông đem nó thế vào khoảng thiếu hụt đó. Bụi tre qua một năm bị đẽo gọt hết mầm sống, già đi trông thấy. Mùa này thì ông cụ nhất định “ít nhất cũng chừa cho nó ba mụt lên cây, không có nó chết, nhất là mụt măng đầu mùa…”
 
“Con đi hén, Nội. Chút nữa thằng Tề qua, Nội nói nó chờ con về rồi vô trường luôn, nghe Nội. Con lấy dép Nội mang nghe, trưa nắng nóng chân lắm.”
 
Con bé không biết vô tình hay cố tình, không nhắc lại món ăn cho buổi trưa này. Thật ra là buổi cơm của bé, vì Nội bệnh, không ăn được cho đến chiều. Bé biết thế.
 
Ông cụ bất chợt thở dài:
 
“Hiền nè, khỏi đi ông bác Tư con, mai mốt cũng được.”
 
Con bé hơi chút ngạc nhiên:
 
“Sao vậy, Nội?”
 
“Con ra lấy cây dao găm Nội để cạnh thùng củi, lên bụi tre cắt cái đọt măng non, cái măng lớn nhất. Đừng sắn dưới gốc, nghe con, chỗ đó già cứng lắm con sắn không nổi đâu, ở trên đọt thôi, mai mốt Nội mạnh, Nội cắt phần còn lại.”
 
“Xào ăn hả Nội?” Con bé hí hửng. “Măng đầu mùa, chắc ngon hả Nội?”
 
Con bé quay đi, không thấy ông cụ cố ngồi gượng dậy nhìn theo bóng dáng gầy guộc của con bé, tay lăm lăm chiếc lưỡi lê, kỷ vật của thằng con để lại đi nhanh về phía sau nhà. Ông chép miệng:
 
“Đã đến lúc không làm sao khác hơn được, đành vậy!”
 
Ông hết muốn nghĩ gì thêm và nhắm nghiền đôi mắt mệt mỏi lại, vẫn không cảm thấy lòng thư thái.
 
 

Cuộc trò chuyện cuối cùng với GS Nguyễn Ngọc Bích







Trần Mạnh Hảo nói về nhà văn Nguyễn Khải và nhà thơ Chế Lan Viên







Nguyễn Quốc Trụ nhận xét về những nhận xét về thơ Thanh Tâm Tuyền của Nguyễn Đăng Thường



1.

Có hai tay, viết truyện trinh thám mà cứ như làm thơ, hoặc ít ra, thật khó mà sửa 1 câu văn của họ, theo GCC.

Đó là Raymond Chandler và Ian Fleming.

Còn mấy tay nữa, không chỉ hai tay này. Thí dụ, Len Deighton.

Mít, viết câu nào là phải sửa câu đó, chán thế, "nhất là" mấy đấng có tên tuổi, có đấng có cả chục đầu sách.


Nếu không sửa văn, thì sửa lỗi chính tả.

Sến phán, đọc vài dòng, là vứt thùng rác, chắc là do đó?

Thí dụ, Nguyễn Đăng Thường(NDT), hay Nguyễn Văn Lục, chẳng hạn?

NDT đã từng chê bài thơ Dạ Khúc thần sầu của TTT, trong có câu thần sầu, “ôm em trong tay mà đã nhớ em những ngày sắp tới”, Gấu cũng đã từng chỉ ra, 1 bài thơ như vậy mà không đọc được [tính kiếm lại mà không sao tìm ra], (2) làm sao đọc Beckett, nhưng bây giờ, nghĩ lại, có thể do anh ta…  quê một cục, tại sao chúng chỉ đọc, chỉ khen thơ TTT, mà không tên nào khen thơ của…  ta?


TTT cũng như thằng em của ông, cả hai đều bị chúng ghét, và chúng, ở đây, đa số đều là bạn quí cả!

Mai Thảo thì nghĩ bạn mình ngỏm ở trong tù VC rồi, nên nhớ lại lần đầu gặp bạn, thì tưởng là, 1 tên thợ sắp chữ nhà in báo Dân Chủ, và thằng khốn còn dám ngửa tay xin Công Tử Hà Nội, 1 điếu thuốc lá.

Bạn Viên Linh, trong bài mới viết, tưởng niệm 10 năm, thì lôi cái chuyện đã từng bỏ ra 10 ngàn đồng, giúp TTT thanh toán 1 vụ tiền tạm ứng, hồi còn Sài Gòn, vậy mà khi ra hải ngoại, phôn, không thèm trả lời!

Em Thụy Khê, trùm 1 diễn đàn của Tẩy, phôn, đếch thèm bắt phôn, gần như phát điên!


Thi sĩ Phố Văn thì bệ những lá thư viết cho “đảo xa” về blog của chàng, ra ý, tưởng là đạo đức thế nào, hóa ra cũng có bồ nhí!

NDT cả 1 đời làm thơ, đâu có cuốn thơ nào?

Mãi đến cuối đời, được nhà xb Mở Miệng (?) thương hại in cho 1 tuyển tập.

Đọc bài trường thiên phỏng vấn, trên Gió O, thấy tinh thần có vẻ loạng quạng rồi!


In, dối già, hay chạy tang?

Ông cho biết, không có ý định in, dù đã từng là 1 trong những trụ cột của nhà xb Trình Bày.

Lý do theo Gấu, NDT chưa kiếm ra được giọng thơ của ông, và mỗi lần làm thơ là nhại giọng của 1 nhà thơ nào đó. Anh đã từng nhại giọng thơ TTT, như chính anh thú nhận.


Sống chẳng làm cho chúng vui, khi chết làm sao bắt chúng buồn cho được.

TTT đã từng căn dặn gia đình, như vậy, khi biết mình sắp đi xa.


2.

Cũng mới đọc bài của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường, chê thơ TTT, trên Gió O. Bài thơ “Sợ Cái Cột Đèn” thần sầu như thế, mà ông này chê.

Tếu thế!


V/v Nguyễn Đăng Thường. Ông này, thời còn trẻ, mê thơ Tẩy, Rimbaud, thí dụ. Vào thời gian đó, Gấu đếch biết gì về thơ, tiếng Tẩy thì cũng quá tệ, so với đám của ông, thành ra không quen, chưa từng gặp 1 lần. Nhưng bạn của ông, là Hoàng Ngọc Biên, tức Mít Butor, viết văn y chang Butor, ở cái vỏ, tức văn phong - được coi là thuộc trường phái của cái nhìn - thì do quen biết Huỳnh Phan Anh, nên cũng hay la cà Quán Chùa, và có thời Gấu cũng tin ông là 1 bạn quí của Gấu, như những HPA, NXH. Chỉ đến khi ra được hải ngoại, thì mới vỡ ra, đếch phải bạn quí.

Trở lại với NDT. Ông quả là 1 nhà thơ, theo 1 nghĩa nào đó, nhưng cũng như những người trong nhóm Trình Bày, cuộc chiến, “một cách nào đó”, không liên quan tới họ. Chỉ đến khi ra được hải ngoại, thì NDT mới để ý đến hậu quả của cuộc chiến. Thơ của ông sau này, là nhắm nhà nước VC mà đả kích, nhưng những bài thơ của ông có tính nhại, nhại nhạc TCS, nhại ca dao, nhại thơ người khác. Gấu chưa từng được đọc 1 bài thơ của NDT, theo nghĩa thơ của ông.

Thành ra những lời giới thiệu đao to búa lớn của bà Huệ, Gấu đọc không hiểu được, thí dụ, những dòng này:

Là một người đọc, có khi tôi tìm đọc những tác giả khó. Những tác giả mà khi đọc cái đầu ta phải làm việc theo tác phẩm của họ. Nguyễn Đăng Thường là tác giả thuộc khuynh hướng này. Mới thoạt đọc, thấy ông viết hơi xâm lăng tấn công, và ông va chạm vào đủ các thứ mạch ẩn nấp. Nhưng bên dưới các bản viết ký tên Nguyễn Đăng Thường là các tiêu hóa kiến thức, trí thức, cảm tính, và văn chương, ở mức độ cực kỳ cao. Điều này gây nên sự chú ý của tôi. Tôi xem anh như là một trong những nhà thơ gây ảnh hưởng trên lớp tác giả trí thức cùng thời tôi, vì các vận động viết có tính trí tuệ, đối xoáy, và tấn công thẳng thắn của cõi viết Nguyễn Đăng Thường.
 http://www.gio-o.com/NguyenDangThuong/NguyenDangThuongPhongVan5.htm

Khen, gì cũng được, nhưng phải có chứng minh, bằng thí dụ, bằng sự kiện.

NDT có cái gì ghê gớm đến như thế?


Ngay cả cái cần nhất, là 1 giọng cho riêng mình, cũng chưa có được. Như tất cả đám Trình Bày, bỏ ra cái phản chiến, chỉ nói cái văn học, và chỉ nói phần dịch thuật của họ, thì cũng hỏng.

Hỏng ở đây, là do quá dốt tiếng Mít.

Chứng cớ rõ ràng nhất, khi NDT trình bản dịch Linda Lê cho Sến, nhờ Sến duyệt, em phán, vứt ngay vô thùng rác cho ta!

Diễm Châu, một ngày có thể làm thịt cỡ chừng một chục nhà thơ ngoại, như không. Đưa bất cứ nhà thơ mũi lõ, là ông có liền bản dịch!

Gấu nghĩ, NDT không đọc được thơ TTT.

Không chỉ mình ông. Bà Huệ, theo Gấu, cũng không đọc được thơ TTT, khi đòi thứ thơ đời thường [Lê Thị Huệ: "Ngôn ngữ thơ Thanh Tâm Tuyền được công nhận là ngôn ngữ thơ. Ngôn ngữ thơ tôi là ngôn ngữ đời thường". Thưa anh, tôi gần với anh ở điểm này đa].

Cùng lúc đó, bà Huệ khen NDT [Là một người đọc, có khi tôi tìm đọc những tác giả khó. Những tác giả mà khi đọc cái đầu ta phải làm việc theo tác phẩm của họ. Nguyễn Đăng Thường là tác giả thuộc khuynh hướng này.]

Theo GCC, ngôn ngữ đời thường không thể “bắt cái đầu phải làm việc”, và, khó mà là ngôn ngữ thơ.

Thơ, 1 cách nào đó, là “ngôn ngữ của ngôn ngữ”.

Gấu sợ thứ ngôn ngữ bèo nhèo, nhạo, nhại của NDT không thể nào tới được cõi thơ.

Cái chuyện không đọc được thơ của 1 tác giả nào đó, là chuyện rất thường. Nhưng đâu vì không đọc được, rồi chê thơ họ.

GCC đọc thơ Emily Dickinson, không nổi, nhưng chưa bao giờ dám coi thường thơ của bà. NDT thích thơ Tô Thuỳ Yên hơn thơ TTT. Nhiều người cũng nghĩ như ông, trong khi Gấu nghĩ ngược hẳn lại. Đó là do khiếu thưởng ngoạn khác nhau, chứ không thể vin vào đó, mà nói  thơ TTY hơn thơ TTT.

Chiều ngồi quán Chùa (La Pagode) Sài Gòn, nhưng làm thơ thì phải có "một chút Paris, hay nửa đêm Hanoi". Chúa ơi !
NDT

Ăn qua Loa



Người ta có thể vẽ lên giấy những chiếc bánh giống y như thật, điểm khác biệt ở đây là nó không thể làm lương thực để nuôi sống con người. Vì không ăn được, cho nên bánh vẽ chỉ có chức năng đánh lừa thị giác, trong khi cái bụng rỗng của chúng ta vẫn bị đói như thường.


Nhiều người dân Việt Nam được “ăn” món bánh vẽ qua những cái loa phường này. (Hình: Getty Images)

Chế độ độc tài chỉ biết dối trá và mị dân. Điều đó được thực hiện thông qua bộ máy nhà nước toàn trị và hệ thống truyền thông độc quyền. Những giá trị mà nó mang lại cho xã hội chỉ là ảo, không có hoặc có rất ít phần trăm sự thật trong đó. Họ biến những điều dối trá trở thành chân lý, coi đó là thứ thông tin chính thống để điều hướng xã hội. Do vậy mà nảy sinh một nghịch lý: Sự thật bị đàn áp bởi sự dối trá.

Trong một môi trường như vậy, người ta tha hồ hứa hão và vẽ vời này nọ mà không cần phải thực hiện, vì phần còn lại đã có bộ máy tuyên truyền hoàn thành một cách xuất sắc. Nhà nước đưa ra các chủ trương, chính sách trên giấy tờ, rồi tuyên truyền rộng rãi. Thực tế họ chỉ biết tham nhũng, làm bậy bạ để tiêu tốn ngân sách, nhưng kết quả thì bao giờ cũng thành công tốt đẹp nhờ tuyên truyền láo. Căn bệnh mà dân ta đã bắt mạch là “Làm thì láo, báo cáo thì hay.” Người dân được ăn món bánh vẽ như vậy quanh năm, hỏi làm sao mà không đói khổ?

Sau mỗi lần như vậy, guồng máy nhà nước độc tài lại truyên truyền rằng, chủ trương đó thật sáng suốt tài tình, còn nhân dân thì đã được hưởng thụ cơ man nào là lợi ích về vật chất và tinh thần, vì vậy mà họ đang nhảy múa ca hát vì hạnh phúc vô biên. Dân biết mình bị lừa, bị người ta đưa ra để làm con ngáo đá mà đành chịu, vì có muốn cãi cũng không được, tất cả các phương tiện truyền thông đều do nhà nước kiểm soát. Họ định hướng thông tin, truyên truyền bịa đặt những gì có lợi cho họ.

Không có thông tin đa chiều, người dân nghiễm nhiên bị tước đi cái quyền tự do ngôn luận. Khi có ai đó vạch trần những sự dối trá kia, lập tức sẽ bị công an đến đọc lệnh và còng tay bắt đi, vì nhà nước cho rằng họ làm như vậy là chống lại chủ trương chính sách, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Như vậy đấy! Người ta đường đường chính chính đàn áp những ai đấu tranh cho sự thật và quyền lợi của người dân.

Điển hình nhất của món bánh vẽ là cái anh Loa Phường. Anh này trực tiếp đi đầu trong việc tuyên truyền nhồi sọ, vì nó cưỡng bức người ta phải nghe. Một ngày có vài bận như vậy, thường thì vào buổi sáng và buổi chiều.

Vì thế mới có câu chuyện tiếu lâm như thế này:

“Có đoàn cán bộ trung ương nọ về công tác ở địa phương, rồi vì muốn chứng tỏ ta đây là quan tâm tới dân, họ liền rồng rắn nhau đi xuống khảo sát ở một thôn được cho là ‘điển hình.’ Đến đầu thôn, thấy có mấy dân làng đang đứng túm tụm.

Đám cán bộ liền giơ tay vẫy vẫy:

- Chào bà con!

Dân làng đáp lại:

- Không dám! Chào cán bộ!

Một tay trong đoàn tiến đến chỗ bà con đang đứng, giơ bàn tay múp míp bắt tay từng người, rồi nói:

- Giới thiệu với bà con, chúng tôi là đoàn khảo sát trung ương. Mong bà con cho biết đời sống thế nào, ăn uống có được đầy đủ dinh dưỡng không?

Nghe hỏi vậy, không ai bảo ai, dân làng đồng thanh:

- Thưa cán bộ! Dân chúng tôi hằng ngày chỉ ăn uống qua loa thôi!

Tay cán bộ sốt sắng hỏi lại:

- Ăn qua loa là ăn như thế nào? Mong bà con cho biết cụ thể hơn để trung ương còn có kế hoạch mà lên chính sách!

Bấy giờ có một cụ ông móm mém, người gầy trơ xương, chỉ tay lên cái loa phường đang ra rả trên cột điện, giải thích rằng:

- Ăn qua loa là ăn qua cái này này!”

Chừng nào mà vị thần tự do còn bị còng tay và thần sự thật bị bịt miệng, thì bánh vẽ vẫn là món chủ đạo trong thực đơn “phục vụ nhân dân” của nhà nước độc tài vậy.

Chết/ qua đời/ quá vãng/ mất... - Tác giả Bùi Bảo Trúc



Tối Thứ Tư (2/3/2016) rạng ngày thứ năm khoảng gần 2 giờ sáng tôi còn thức, đang ngồi một mình với một chai Châteauneuf du Pape, không biết làm gì, bèn mở email ra, thì đọc được lời nhắn của một người bạn vỏn vẹn mấy chữ: “NNBích chết rồi, trên chuyến bay đi Manila.”

Chỉ có thế. Phải đợi tới hôm sau tôi mới có được những chi tiết khác về sự ra đi của Bích.

Tôi hơi ngạc nhiên nghĩ tại sao người nhắn lại cộc lốc thế. Một cái tin về một người mà cả hai chúng tôi đều rất thân và yêu mến, mà chỉ mấy chữ như vậy thôi sao. Ít ra thì cũng vài ba chi tiết khác cho cái tin khủng khiếp và quá đột ngột ấy nhẹ đi phần nào chứ. Chẳng hạn cũng phải cho biết nguyên do làm Bích qua đời, bên cạnh có ai không, sự ra đi có yên lành, thanh thản, nhẹ nhàng không... Nhưng thực ra, điều làm cho tôi “sốc” nhiều hơn hết, là chữ “chết” trong cái tin nhắn. Tôi nghĩ chữ “chết” nặng quá, vô tình quá, lạnh nhạt, dữ dội quá. Tại sao lại không là một chữ khác? Không là những chữ dành cho vua chúa ngày trước như “thăng hà” hay “băng hà” đã đành. Nhưng thiếu gì những cách nói, những chữ khác hơn là chữ “chết” để có thể dùng cho sự ra đi của một người mà chúng tôi rất thân như Nguyễn Ngọc Bích, một người chúng tôi yêu quí từ gần nửa thế kỷ nay?

Tại sao không là “mãn phần,” “ra đi,” “quá vãng,”... và hàng chục chữ khác để nói về chuyện Bích không còn ở với chúng tôi nữa. Nhưng khi tôi thử dùng những chữ ấy thay thế cho chữ “chết” trong câu nhắn qua email của bạn tôi để thông báo về chuyện Bích không còn ở với chúng tôi nữa thì tôi thấy... “không được” như cách nói của Mai Thảo khi ông còn sống.

Đúng vậy, không thể dùng những chữ nghĩa lạnh tanh đó để nói về sự vắng mặt rồi sẽ là mãi mãi của Nguyễn Ngọc Bích.

Người đàn ông luôn luôn với với một nụ cười, một ánh mắt lạc quan suốt bằng ấy năm mà tôi biết ông, từ năm 1972 cho đến nay, ở Sài Gòn rồi qua Virginia, và cuối cùng trong những năm một người ở Virginia, một người ở California... lúc nào cũng nhiệt tình, trẻ trung, vui vẻ như hồi còn ở Princeton, Columbia, Georgetown, George Mason... nơi chàng đi học trong những năm 50, 60, 70.

Nói Nguyễn Ngọc Bích “quá vãng,” “mãn phần,”... nghe không ổn chút nào. Nghe không... thân tình chút nào. Ai lại nói Bích “quá vãng” trên máy bay. Cũng không ai nói Bích “qua đời” trên chuyến bay đi Manila. Nghe không được. Đó là những sự ra đi hình như không nhanh chóng. Sự từ giã không nhanh chóng và thanh thản, nhẹ nhàng như sự ra đi của Bích, bạn tôi.

Lẩm nhẩm đọc lại email của người bạn trong Internet bỗng nhiên tôi thấy chính bạn tôi mới đúng khi dùng chữ “chết” trong thông báo về Bích. Lời nhắn ngắn ngủi và hơi cộc lốc của chàng mới hay nhất và đúng nhất, đúng với tâm trạng của chúng tôi trước sự ra đi vĩnh viễn của Bích.

Phải thân lắm, phải gần gũi lắm mới dùng chữ ấy.

Nguyên Sa, một người không thiếu gì chữ nghĩa, trong một bài thơ viết nhân đám tang của một người bạn mà tôi nghĩ là rất thân của ông, Nguyễn Duy Diễn, đã mở đầu như thế này :
 
Diễn đã chết, Diễn đã chết
Chúng tôi nhẩy múa hò reo...
(Đám tang Nguyễn Duy Diễn)
 
Vậy thì lạnh nhạt, vô tình... ở chỗ nào? Phải thân tình, gần gũi... lắm đấy chứ!

Bỗng tôi chợt nhớ chính tôi cũng đã có vài ba lần chữ nghĩa như thế. Có một vài lần tôi hỏi ông chú tôi về ông bà nội của tôi, hai bà cô, hai ông chú của tôi, những người không còn ở với chúng tôi nữa, tôi luôn luôn dùng chữ “mất.” Thí dụ “ông mất hồi ấy chú mấy tuổi?”... Tôi không dùng những chữ như “qua đời,” “thất lộc,” “quá vãng,”... những chữ nghe sách vở, không gần gũi, thân mật, gia đình chút nào. Chữ tôi dùng trong những câu hỏi là chữ “mất,” nghe có sự kính trọng ở trong, nhưng thân tình và gần gũi thì không có. Những người ấy đều đã ra đi từ lâu, tôi không biết gì về “họ” cả. Vẫn có những xa cách mà tôi thì không làm sao cho gần gũi hơn được.

Nhưng khi ông bà cụ của tôi qua đời, thì khi ngồi nhớ lại, tôi thấy sau những xúc động ban đầu, tôi đã nói về cái chết của hai người một cách rất bình thản và tự nhiên. Không phải chữ nghĩa cao siêu, văn học nghệ thuật, sách vở... gì hết.

Này đây là Đinh Hùng:

Khi anh chết các em về đây nhé...

Vậy thì cứ thoải mái nói Nguyễn Ngọc Bích đã chết. Nhưng lòng thương mến dành cho người bạn này thì to lớn vô cùng,

Bích đã chết. Bích ơi là Bích!

Tôi nhớ và tiếc bạn.

Top ten universities in US in the year 2016 (Source: US News & World Report)



Dưới đây là bảng xếp hạng các đại học tốt nhất Hoa Kỳ:

1. Princeton University ở Princeton, New Jersey
2. Harvard University ở Cambridge, Massachusett
3. Yale University ở New Haven, Connecticut
4. Columbia University ở New York City, New York
4. Stanford University ở Stanford, California
7. Massachusetts Institute of Technology (MIT) ở Cambridge, Massachusetts
8. Duke University ở Durham, North Carolina
9. University of Pennsylvania ở Philadelphia, Pennsylvania
10. California Institute of Technology ở Pasadena, California
10. Johns Hopkins University ở Baltimore, Maryland





Nguyễn xuân Nghĩa: Sức mạnh Hoa Kỳ và Bầu cử Tổng Thống Mỹ







Nguyễn xuân Nghĩa: Israel và Hoa Kỳ







Hình thượng tọa Thích Quảng Đức bị thiêu sống bởi những người khác (Source: MALCOLM BROWNE)




Sư ông nằm vạ giữa đường làm vật cản

Sư ông tưới dầu và châm quẹt lửa để hỏa thiêu hòa thượng Thích Quảng Đức

Hòa thượng Thích Quảng Đức đang bí đốt cháy

Thi thể Hòa thượng Thích Quảng Đức sau khi bị đốt cháy

Các sư ông còn sống đang chuẩn bị mang thi thể bị đốt chaý về để chùa tẩn liệm


Ngọc Lan, 15 năm tiếng hát về trời







Thái độ chính trị của nghệ sĩ Vượng Râu







Tường thuật phiên tòa phúc thẩm em Nguyễn Mai Trung Tuấn, dân oan, tại quận Thạnh Hóa, tỉnh Long An, Việt Nam







Lương và cuộc sống của giai cấp công nhân dưới chế độ CSVN




                                                  


Hợp Ca NỔI LỬA ĐẤU TRANH của Anh Bằng






AI BẠN AI THÙ?, tác giả SƠN HÀ (Điện Cơ, Khóa 4)