khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2019

"If we burn, you burn with us!" - Tác giả Mạnh Kim



Chừng ba tiếng sau khi Carrie Lam rời lễ đài kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc, những phát đạn thật đã nổ ra ở Hong Kong. Đó không chỉ là phát đạn bắn gục một thanh niên 18 tuổi mà là phát đạn bắn thủng vào mô hình quyển Hiến pháp khổng lồ mà Trung Cộng trưng ra diễu hành tại Quảng trường Thiên An Môn trước đó chỉ vài giờ.

1-10-2019 là một trong những ngày kinh khủng nhất ở Hong Kong kể từ khi cuộc biểu tình nổ ra. Các cuộc trấn áp cảnh sát là cực kỳ bạo lực và phe biểu tình cũng đáp trả bằng tất cả những gì họ có thể. Hơn 180 người bị bắt, 25 cảnh sát bị thương và 74 người phải nhập viện cấp cứu – theo tin từ cảnh sát. Cũng theo cảnh sát, 6 phát đạn thật đã bắn ra vào ngày 1-10. Một ở Tai Ho Road (bắn vào nạn nhân 18 tuổi, khoảng 4g15 chiều); hai phát bắn chỉ thiên tại Mong Kok; hai bắn ở Sha Tsui Road và một bắn ở Sha Tin Pass Road. Ít nhất 6.000 cảnh sát đã được huy động khắp Hong Kong.

Đụng độ dữ dội đã xảy ra tại 13 địa điểm khác nhau. Lửa và máu là hai thứ in đậm nhất trên những hình ảnh và video vào ngày mà Hong Kong chìm trong hỏa ngục.

Điều gì xảy ra tiếp theo? Chắc chắn bạo lực leo thang và đổ máu nhiều hơn, thậm chí chết người. Đã qua rồi thời của phong trào Dù Vàng 2014 khi tinh thần phản kháng còn giới hạn ở khái niệm “hòa-lý-phi” (“woh-leih-fei” – ôn hòa, phi bạo động và có lý lẽ). Từ khi cuộc biểu tình lần này nổ ra vào ngày 16-6-2019, tinh thần của nó đã là “If we burn, you burn with us!” – một thông điệp mà người biểu tình rút ra từ phim The Hunger Games. Nếu muốn chơi thì chơi đến cùng. Nếu muốn leo thang bạo lực thì đáp trả bằng bạo lực. Nếu muốn chết thì cùng chết! Cho đến thời điểm này, trừ việc xua lực lượng “ái quốc” từ Đại lục sang Hong Kong để phá rối người biểu tình, Bắc Kinh vẫn “tôn trọng” chính sách “nhất quốc, lưỡng chế” bằng việc để cho chính quyền Hong Kong trực tiếp ra mặt xử lý. Carrie Lam hoàn toàn là con rối được giật dây từ phía sau. Bắc Kinh tin rằng, bằng việc kéo dài thời gian, người biểu tình sẽ cạn sức và bỏ cuộc. Chính quyền thừa tiền và nguồn nhân lực lẫn vật lực để “vật lộn” với người biểu tình. Trung Cộng cũng tin rằng, giới giàu có Hong Kong sẽ dùng ảnh hưởng để kêu gọi người biểu tình hạ màn.


Trong diễn văn tại Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh đầu tháng 9-2019, Tập Cận Bình đã khước từ đề xuất tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đưa quân đội vào Hong Kong để “dẹp loạn” (Foreign Affairs 30-9-2019). “Cuộc biểu tình sẽ đi đến một con đường chính trị không lối thoát” – Tập nói – “Chính phủ trung ương sẽ cố gắng hết sức kiên nhẫn cũng như kiềm chế và để chính quyền (đặc khu) lẫn lực lượng cảnh sát địa phương giải quyết cuộc khủng hoảng”. Tập nói thêm: “Yếu tố phát triển kinh tế là chiếc chìa khóa vàng để xử lý tất cả vấn đề mà Hong Kong đối mặt hôm nay” – hàm ý rằng một khi người Hong Kong nói chung nhận thức được rằng sẽ chẳng đến đâu, ngoài thiệt hại kinh tế ngày càng nghiêm trọng, thì họ buộc phải tự “giải giáp”. Giữa tháng 9-2019, tờ Nhân Dân nhật báo đăng một bài bình luận dài nhấn mạnh đề xuất tịch thu đất tư ở Hong Kong để xây nhà giá rẻ cho người Hong Kong. Chính phủ Hoa lục đến nay vẫn nghĩ và tin rằng nguồn gốc cuộc biểu tình nằm ở yếu tố bất công xã hội trong đó vấn đề khủng hoảng nhà ở vốn là câu chuyện muôn thuở đối với đa số người Hong Kong.

Tuy nhiên, “tư duy chính trị” của Bắc Kinh, lấy thước đo vật chất cũng như “thước đo” lòng người Hoa lục, để làm “đấu pháp” đối với người Hong Kong, xem ra là sai lầm. Người Hong Kong, dù chen chúc trong những căn hộ chung cư nhỏ bằng cái “lỗ mũi”, vẫn không cần nhà. Họ chẳng cần ngôi nhà nào khác trừ ngôi nhà mà họ đã có – ngôi nhà của tự do và độc lập. “Quang phục Hương Cảng-Thời đại cách mạng” là điều họ cần. “Ngũ đại tố cầu, khuyết nhất bất khả” (tất cả 5 yêu cầu phải được thỏa mãn, thiếu một cũng không được) là điều họ đòi. Cho đến thời điểm này, những chiếc dù vẫn giương lên. Cuộc biểu tình không hề mang chút dáng dấp cái gọi là “phong trào” nhất thời từ những “bức xúc” đòi hỏi vật chất. Nó đã trở thành một cuộc chiến. Một cuộc đọ sức đến cùng để giành độc lập và tự do.

Bất luận thế nào, viễn cảnh một chiến dịch trấn áp tàn bạo và khốc liệt không thể loại trừ. Đã “nhịn” để cho qua ngày quốc khánh, giờ thì Bắc Kinh sẽ thẳng tay đàn áp bằng những phiên bản Thiên An Môn nhỏ hơn? Giữa tháng 9-2019, một cách âm thầm, Bắc Kinh đã chỉ định Bộ trưởng Công an Triệu Khắc Chí kiêm nhiệm chức phó chủ tịch Ủy ban liên lạc Macau-Hong Kong (cơ quan quyền lực nhất chịu trách nhiệm hoạch định chính sách về các vấn đề liên quan Hong Kong và Macau). Cuối tháng 8-2019, trong chuyến kinh lý Quảng Đông, Triệu Khắc Chí đã yêu cầu cảnh sát Hong Kong dập tắt “những hoạt động khủng bố và bạo lực” để bảo vệ an ninh chính trị trước ngày quốc khánh. Từ tháng 1-2019, Triệu cũng đã nói rằng Trung Quốc phải bằng mọi giá ngăn chặn và tiêu diệt các “cuộc cách mạng màu” đe dọa chế độ.

Người Hong Kong luôn đi trước Bắc Kinh một bước với nhiều động thái thông minh, đặc biệt trong việc “quốc tế hóa” vấn đề. Họ không hề bày ra trước mắt thế giới mình là nạn nhân. Họ cho thế giới thấy họ là những chiến binh đang giành lấy những giá trị và nhân phẩm đáng có. Họ không thể kêu gọi thế giới cứu họ trong khi họ chẳng làm gì để cứu bản thân. Tháng 6-2019, họ đã thành công trong việc kêu gọi đóng góp hàng trăm ngàn đôla để mở chiến dịch quảng cáo trên hơn 10 tờ báo quốc tế, thúc giục lãnh đạo thế giới dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka quan tâm đến Hong Kong. Các chiến dịch vận động quốc tế của họ đã không vô ích. Cả hai ủy ban đối ngoại của Thượng lẫn Hạ viện Hoa Kỳ đều vừa chuẩn thuận Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong 2019.

Trên trang Facebook của Nathan Law (La Quán Thông) ngày 30-9-2019, có một video clip ngắn chỉ người nước ngoài cách phát âm những khẩu hiệu khi tham gia biểu tình ủng hộ Hong Kong. “Heung Gong yan, gaa yau” (Hương Cảng nhân, cố lên); “Mm dai sou kau, kuet yut bud hor” (5 yêu cầu, không thiếu một); “Gwong fuk Heung Gong, si doi gaap ming” (Quang phục Hương Cảng, Thời đại cách mạng). Đây cũng là một cách thông minh để lôi kéo sự kề vai của cộng đồng giới trẻ thế giới để cùng tạo ra làn sóng ủng hộ chính nghĩa của người Hong Kong trong cuộc chiến đương đầu tên khổng lồ Trung Cộng.

Thật khó có thể bẻ gãy tinh thần người Hong Kong vào lúc này. Đến giờ họ vẫn duy trì tinh thần đoàn kết không thể nào có thể bị khuất phục. Càng trấn áp bằng bạo lực càng sẽ được đáp trả bằng bạo lực.

“If we burn, you burn with us!”.


Tuyển Tập Văn Chương Tự Do Năm 2017





"Bốc Phéc" - Tác giả Đoàn xuân Thu



Thằng bạn thời Trung học của tui mới vừa đậu xong cái Tú Tài 2 là Bố nó tìm cách cho nó đi Mỹ du học! Trước là vì tương lai của dòng tộc gia đình; sau là để ‘né’, trốn lính một cách hợp pháp; vì cuộc chiến tranh lúc đó đang hồi ác liệt.
Sau 5 năm lang thang trong trường Đại học Mỹ, cuối cùng nó cũng lấy được cái bằng Kỷ sư Điện.

Mà thằng nầy ngộ, ở Mỹ hơn nửa thế kỷ mà làm kỷ sư nữa mà sao không nghe nó nổ ‘bùm bùm’ gì ráo? Lạ quá! Làm trong bụng tui nghĩ đi lâu quá nên nó bị mất gốc ‘Mít’, ít xít ra nhiều rồi hè!

Ai dè nó nói: “Sao không?” Tao đã từng nổ giống như dân đẻ ở Trảng Bom đó chớ! Nhưng có cái chuyện nầy xảy ra hồi tao mới ra trường nên từ đấy trong tao bừng nắng hạ, hổng dám nổ sảng nữa đấy thôi.

Chẳng qua tao hồi mới tốt nghiệp, được NASA, một đế chế về không gian Hoa Kỳ nhận vào thực tập.

Ngày đầu tiên tại Sở, mới đặt đít ngồi xuống ghế, là tao vẻ ta đây, bốc điện thoại lên gọi ngay cho ‘căng-tin’ (canteen) của Trung tâm Không gian!

“Ê! Đứa nào mang cho tao một tách cappuccino, (cà phê kiểu Ý) coi! Nhớ rắc nhiều ‘chocolate’ nhe! Lẹ lẹ lên!”

Giọng nói từ đầu dây, phía bên kia: “Bấm lộn số rồi! Chú mầy có biết đang nói chuyện với ai không hả thằng ngu!?”

“Không!”

“Tao là Chief Engineer (Kỷ sư trưởng) của Lyndon B. Johnson Space Center (JSC) ở Houston, Texas nè!”

Tao đổ mồ hôi hột, ngừng một lát, suy nghĩ tìm cách thoát ra khỏi hoàn cảnh ‘oái ăm’ nầy.

Ê! Chief Engineer. Chú mầy có biết đang nói chuyện với ai không hả thằng ngốc?”

“Không,” Viên Kỷ sư trưởng phẫn nộ trả lời.

“Vậy là tốt!” Tao bèn đặt điện thoại xuống. Hú hồn nhe!


                    ***

Rồi sau nầy, ăn ‘Hot dog’ của Mỹ cũng khá là lâu, tao nghe nhà văn nổi tiếng toàn nước Mỹ lan ra tới toàn cầu là Mark Twain có nói:“It’s better to keep your mouth shut and appear stupid than open it and remove all doubt!”

(Tốt hơn là câm miệng lại và ra vẻ mình ngu còn hơn là mở mồm ra để thiên hạ không còn hồ nghi nữa!)

Rồi Mark Twain cũng dạy tao là: “Never argue with stupid people, they will drag you down to their level and then beat you with experience.”

(Đừng tranh cãi với mấy thằng ngu vì chúng sẽ lôi mình xuống ngang tầm với nó; rồi sau đó sẽ hạ đo ván mình vì nó có nhiều kinh nghiệm hơn?)

Chính vì vậy nên tao đành phải khiêm tốn đó; chớ đâu có mất gốc gì đâu hè?

Phần tao trộm nghĩ nổi tiếng cỡ nhà văn Mark Twain còn khiêm tốn; lèng èn cỡ kỷ sư quèn như tao nổ sảng mà lỡ gặp con cháu ổng là bà Nội cũng đội chuối khô, xấu hổ lắm tụi mầy ạ!

Kỵ nhứt là nổ trước mặt một nhà văn. Mấy thằng chả chuyên về chữ nghĩa; lỡ dại chọc quê nó, một nó đớp lại một phát đau gấp mười lần mình chơi nó; thì dù mình vắt hết cái óc thông mình ra mà hổng biết phải trả lời sao cho đừng mất mặt bầu cua mới chết.

Vì có chuyện một thằng nhóc hổn hào, dám vuốt râu cọp bằng cách xỏ xiên Mark Twain là: “Tui nghe nói: ăn cá sẽ thông minh, sẽ đầy trí tuệ để sáng tác ra những tác phẩm xuất sắc. Có phải vậy hay không và phải ăn bao nhiêu con cá mới đủ?”

Thì nhà văn Mark Twain trả lời: “Chắc chú em nói đúng. Tui cũng thích ăn cá lắm nhưng không nhớ đã ăn hết bao nhiêu con. Nhưng dựa câu hỏi của chú em, tui cho rằng: Chú em chỉ cần ăn cỡ hai con cá Voi chắc sẽ đủ mà!”

Đối với mấy thằng ‘Cu’ cà chớn là vậy; đối với mấy em, nhà văn cũng ‘bụp’ luôn không tiếc ngọc thương hương gì ráo mới báo.

Vì có chuyện là: Một hôm Mark Twain đi thăm Sở thú. Tới đảo khỉ, một em đứng cạnh ông, ỏng ẹo hỏi trống không, chẳng thèm bận tâm thưa gởi cha căng chú kiết nào; nên có vẻ xấc xược là: “Hôm nay lũ khỉ đi đâu hết rồi nhỉ?”

“Chúng vào hang hết rồi, bởi bây giờ đang là mùa… giao phối mà!”

“Thế tôi ném vào vài quả chuối, chúng có ra không?”

“Thế nếu hoàn cảnh của bà y như thế bà có ra không?”

Sau rốt, thằng bạn Kỷ sư điện của tui cạch mặt không những các nhà văn mà toàn thể thiên hạ: “Thôi ngừng nổ đi! Khiêm tốn cho nó lành!”


***

Tuy nhiên, không phải Chú Sam nào cũng học được bài học cay đắng như thằng bạn tui đâu để thủ cẳng, để dè chừng; mà vẫn ‘phom phom’ trên con đường Trảng Bom; nhỏ lớn giờ vẫn thế!

Đó là: Donald Trump đương kim Tổng thống Huê Kỳ. Năm 2016, Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ; nhân dân toàn thế giới kinh ngạc. Nhưng người ngạc nhiên gấp bội thiên hạ lại chính là Donald Trump đấy ạ!

Chính vì trong cơn say quyền lực nên Tổng thống Mỹ, Donald Trump, nghĩ mình là con ông Trời, muốn làm gì là làm hè. Cận thần đứa nào bất đồng ý kiến với Thiên tử là: “You’re fired” (Chú mấy bị đuổi) về nhà đuổi gà cho vợ!
Mới đây nè, Donald Trump gợi ý cho mấy lãnh tụ khối G7 năm tới đến họp thì chánh phủ Mỹ nên mướn cái trung tâm nghỉ dưởng, đẹp hết biết vì cái ‘view’ của nó nhìn ra biển Bắc Đại Tây Dương, ở Nam Florida của đương kim Tổng thống Huê Kỳ.

Tụi đài NBC chơi xỏ, hỏi khó ngài Tổng thống: “Bộ làm vậy để vớt vác chút nào hay chút đó hay chăng?”

Donald Trump tỉnh bơ mà rằng: “Làm Tổng thống tốn tiền tui hết từ 3 tỉ đến 5 tỉ đô đó chớ! Nhưng tiền bạc tui chẳng quan tâm lắm đâu; nếu quan tâm tui đâu ra tranh cử Tổng thống làm gì hè? Tui thương dân Mỹ số một; tiền bạc là số hai nhe!”


***

Ngoài ra, còn cái vụ Thủ tướng Úc, Scott Morrison, (lãnh đạo có 24 triệu dân, nước Úc diện tích gần bằng nước Mỹ mà dân số chỉ gấp 3 lần thành phố New York!) qua chơi được trải thảm đỏ, kèn ‘tè le tí le’ và 19 phát đại bác đón tiếp cực kỳ nồng nhiệt, đãi luôn quốc yến. Mặc áo đuôi tôm, có thắt nơ cùng họp báo, Trump tán dương Morrison là: ‘a Man of titanium’ tại Phòng Bầu dục của Tòa Bạch ốc.

Sợ đám phóng viên trong ngoài nước, hồi nhỏ đi học vô giờ môn Hóa ngủ gục hết ráo nên không biết ‘titanium’ là cái giống gì nên Tổng thống Mỹ cắt nghĩa thêm là: ‘Titanium cứng hơn thép nhiều nhe!’

(Sỡ dĩ Trump phụ đề Mỹ ngữ, là vì muốn chơi trèo cựu Tổng thống George W. Bush đã từng áo thụng vái nhau, tán dương Thủ tướng Úc thuở đó là: John Howard là: ‘a Man of steel’ (Người Thép).


 ***

Nói nào ngay, hổng ai đánh tui cũng khai là trên Facebook, tui có lập cái ‘Group conversations’ để vài thằng bạn đồng song năm cũ bữa nào bị vợ chữi, lên mà tán dóc cho đỡ cái buồn rầu.

Thì thằng bạn vốn là thương binh trước 75, nên không được đi Mỹ theo diện HO, đành kẹt lại quê nhà cười khà khà’ phán rằng: “Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Úc của tui bây nổ bùm bùm như vậy cũng tạm được vì mấy giả có quyền lực, thiệt tột đỉnh nhân gian, làm Trùm Đế quốc Mỹ, Trùm thực dân Úc thì đâu còn ai ngon hơn”

Bên xứ mình nè! Hổng có quyền lực gì ráo, hoặc mặt trời bé con, cỡ Chủ tịch Xã là nổ gấp bội rồi hè.

Ê đừng nghe Lý Toét, Xã Xệ mà chê nhe! Đứa nào cũng có bằng Tiến sĩ hết ráo đó. Hai thằng bây có bay về Việt Nam thăm tao, nếu lỡ có gặp ai lần đầu thì cứ: “Xin chào Tiến sĩ!” là trúng hết 90% rồi. Đừng có lỡ dại chào ‘Phó Tiến sĩ’ nhe vì quan chức nhà nước chúng nó ngày nay không thằng nào muốn làm Phó hết!

Chào xong mà cán bộ có đưa cho một tờ giấy dài ngoằng; đừng tưởng đó là cái thực đơn của nhà hàng mà thực sự nó là cái danh thiếp, cái ‘cạc vi-zít’ (carte de visite), nói kiểu hồi xưa; còn nói kiểu bây giờ, theo tiếng Mỹ, là cái ‘business card’.

Trên đó chừng chục cái bằng cấp (chớ không phải bằng cắp) và hàng chục chức vụ khác nhau từ thấp tới cao. Thấp là chăn trâu ba đời; còn cao nhứt là Bí thơ Tỉnh ủy.

Và khi hai đứa bây được mấy quan chức hỏi biết ‘Bác Hồ’ không? Thì đừng có ngây thơ mà móc ‘Iphone’ ra, tìm trên Wikipedia chỉ mất công. Ngay cả người hỏi cũng không biết ‘Bác’ là ai và cũng không cần biết.

Cái mấy chả cần là mấy tờ giấy có in hình Bác là đã đủ. Nghe vậy, tui bây chỉ cần móc xỉa; khỏi cần nói lôi thôi chi cho nó phiền phức nhé.

Chính vì vậy mà đi qua một dinh thự tầm tầm cỡ tư thất của Bill Gates, chủ Microsoft, thì đừng nhầm với dinh cơ của Hắc Công tử (Bạc Liêu) hay Bạch Công tử (Mỹ Tho). Đó là điền trang của Bí thư Huyện ủy huyện nhà do con vợ bé đứng tên đó thôi.

Lỡ có ngồi chung bàn nhậu với mấy quan, nhớ im như thóc, đừng có rượu vô lời ra, hứng sảng lên đố vui để học:

“Gandhi hoặc Mandela là ai?” Thì mấy ‘giả’ tưởng na ná như đồng hồ ‘Longines, Rolex’ rồi hỏi chừng nào nhập qua Việt Nam để mấy chả sắp hàng mua về vài cái thì khốn!

Điều cần ghi tâm khắc cốt cho người đi xa mới về như tụi bây là: “Đừng bao giờ tranh luận với quan chức trong nước. Vì trong tự điển của cả đời làm quan chúng nó. vần kh(ờ) không có chữ ‘khiêm tốn’. Mà chỉ có chữ quỳ gối, khom lưng, ninh bợ, đút lót; và bốc phét mà thôi!”

Đi nhậu với quan chức nhớ mang tiền theo; vì quan chức ít khi xài tiền mặt chỉ xài ‘phong bì’ không hè. Phong bì để phòng nhậu say, ủi hay cán vài cái xe gắn máy thì đưa cho cảnh sát giao thông nó thu xếp êm đẹp dùm anh của mầy!


***

Ờ! Tốt nhứt là nên dấu biệt cái mác ‘Việt kiều’ đi nhe hai thằng bây! Giấu bằng cách mua quần áo ‘Sida’ bán ngoài Chợ Dân sinh mà mặc. Mang dép đi lẹp xẹp là được rồi.
Đừng hở cái là ‘cám ơn, cám ơn’. Chữ ‘cám ơn’ chỉ dành cho những người yếu đuối, thế cô phải cầu cạnh mà thôi. Thấy đứa nào nhỏ yếu như em bé đánh giày, hoặc bán vé số thì phải xưng là ‘Chúng ông’ từ Trung ương vào mới ‘hách xì xằng’. Còn xui mà gặp thằng đầu gấu Hải Phòng; nhớ đừng xưng chúng ông với nó là không còn cái răng mà ăn cháo.
Bao lời tâm huyết tao tuôn ra hết ráo. Không nhớ để làm theo thì tao nghĩ tốt hơn hai thằng bây đừng về kẻo mà mang họa đó!


Cù lao Dung đi chơi tám sự - Tác giả Thích Ăn Ngon



Không nổi tiếng như quần thể bốn cái cồn Long-Lân-Quy-Phụng ở Bến Tre (nhưng cũng vì vậy mà đôi chỗ đã bị thương mại hóa khá nhiều), ở Sóc Trăng có cù lao Dung vẫn còn hoang sơ lắm. Ngoài mấy cái nhà nghỉ trước giờ hầu hết phục vụ cho dân môi giới bán cá tôm và các dịch vụ cho việc nuôi tôm cá, cù lao Dung hầu như chẳng có cái gì riêng cho khách vãng lai. Nhưng chính vì vậy mà cái cồn xanh ngắt nằm giữa sông Hậu này rất đáng để dân ưa khám phá thiên nhiên tìm tới, trước khi bị những công ty du lịch phá nát như đã phá nát rất nhiều nơi đẹp đẽ của Việt Nam trước đó.

Cồng cộc bắt cá dưới bàu


Cù lao Dung bề dài tới 40 cây số, bề ngang bao nhiêu tui không biết, lục google hoài không thấy. Chỉ thấy nói nó gồm ba cái cồn hợp lại, gồm cù lao Tròn, cù lao Dung và cù lao Cồng Cộc; nằm giữa một bên là cửa Định An, một bên là cửa Trần Đề. Cồng Cộc (tên tiếng Anh là Little Cormorant, tên khoa học là Phalacrocorax niger) là một loài chim nước lớn, lông màu đen, xám, chân có màng và bắt cá rất giỏi.
Thơ ca dân gian miền Tây Nam Bộ có câu:


Cồng cộc bắt cá dưới bàu,

Cha mẹ mày giàu, đám giỗ đầu heo.
Cồng cộc bắt cá dưới sông,
Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ


Nghe buồn quá!

Nhưng đó là hồi xưa thôi. Thời nay cồng cộc chàng bè gì cũng đã thành của hiếm, chẳng còn ai thấy nó lặn lội bắt cá dưới sông, vật đổi sao dời rồi cho nên ông ngoại cũng đừng lo chi chuyện cháu ngoại không giỗ. Khi mình sống nó yêu thương là may mắn lắm rồi.

Quay lại cù lao Dung. Nó nằm thoi loi giữa sông Hậu, một bên sông là Trà Vinh, bên kia sông là Sóc Trăng. Đi từ Trà Vinh qua Sóc Trăng hay ngược lại mà theo quốc lộ thì vòng thêm xa mấy chục cây số, nên cù lao Dung thành cái bến trung chuyển giữa hai tỉnh này. Bắt phà Đại Ngãi (xưa gọi là bắc) từ Trà Vinh (hay Sóc Trăng) tới cù lao Dung, bắt tiếp chuyến phà nữa từ cù lao qua bến đối diện là tới chỗ, được thêm mấy chục phút ngắm sông nước mênh mông êm đềm. Mấy năm nay có dự án cầu Đại Ngãi bắc từ Sóc Trăng tới cù lao Dung, nhưng nghe vậy thôi, thấy thì chưa thấy.


Bởi vậy, cù lao Dung với bãi bồi 16.000 ha non mượt phù sa, với rừng bần ngập nước lớn nhất miền Tây Nam Bộ khoảng 1.500 ha, dù lâu lâu lại được báo chí Việt Nam viết bài từng đợt để quảng bá du lịch theo cố gắng kêu gọi đầu tư của tỉnh, nhưng tới nay vẫn là cô gái bận bà ba ngủ trong rừng bần.

Với dân thành thị, lội bãi bồi rừng bần lúc triều xuống là cái thú vừa sợ hãi vừa kích thích. Khi chân ngập xuống tới đùi trong lớp phù sa và bùn non mát lạnh, lâu lâu té cái ạch, phóng mắt bốn bề chỉ có trời nước mênh mông và rừng bần xanh ngắt, xa xa mấy con cá bống sao chạy thoăn thoắt trên bùn, ba cái lo âu sự đời cũng bay biến hết.

Dân cù lao chưa bị du lịch làm hư, vẫn còn thuần phác. Đặc biệt, ăn ngon.

Hổm, tui lò dò đi ăn trưa. Tui ở mé cuối cù lao nên hàng quán không nhiều lắm. Trưa nắng, tui thèm  món gì có rau và nước nhưng chỉ thấy mấy quán nhỏ nhỏ và bán mấy món khô khô như  bánh mì. Chỗ ngồi cũng tùy tiện, sát đường. Thả bộ tới một ngã tư, dân cù lao chỉ cho cái quán ngay góc, bán đủ món nước như bún, cháo… ngó rộng rãi và nằm dưới tán mấy cây cổ thụ mát rượi. Nhưng lạ cái địa thế đẹp vậy mà khách rất thưa thớt.

Ngó sang xéo một chút thì thấy cái quán nhỏ xíu, mà xe đậu thiệt đông. Đoán là quán mát chắc chỉ dành cho khách vãng lai, còn khách địa phương đông mới là quán ngon tại chỗ, tui đi tới. Kiếm một chỗ ăn của dân địa phương mới hiểu thêm đôi chút xứ này.

Cơm thảo cù lao


Quán đông nhưng chỉ có hai cô gái xoay trở. Một cô làm thức ăn, một cô bưng, tính tiền. Mùi thịt nướng bốc lên thơm phức, cái mùi thơm lâu lắm rồi ở Sài Gòn tui không thấy trong những quán bình dân lề đường. Nó là mùi thơm chân chất của thịt tươi không qua đông lạnh nhiều ngày và ướp ít gia vị, có lẽ có chút mật ong. Miếng thịt nhìn muốn chảy nước miếng vì nó mềm, mọng nước, các hạt thịt cũng như phồng lên, lại còn nửa nạc nửa mỡ đúng điệu, chớ không toàn nạc khô ngắc xảm xì như… như “thịt Sài Gòn”.

Lại có thịt kho hột vịt. Duyệt. Cá hú kho tộ. Duyệt tiếp.
Ủa nhưng không có bún hay cháo gì, mặc dù trên xe thức ăn biên đủ ba món, chữ to chành quành. Cô chủ quán trả lời gọn bâng: “Bán cơm hông hà!” (vậy mấy chữ kia để dụ khách hay gì?).

Thì thôi ăn cơm. Tức nhiên là thịt nướng rồi. Hai miếng sườn nướng (bề ngang chừng hai ngón tay rưỡi của tui, chắc độ 4 phân). Thêm ít đậu phộng rang. Cái này mới lạ nè nha vì ngay quán ở Sài Gòn chớ chưa nói tới miền Tây cũng thường ít bán đậu phộng rang muối để ăn cơm như vầy. Chỉ những quán Bắc, ở ngoài Bắc mới hay có. Một chén “xúp”, nước trong phi hành mỡ nấu sôi lên, rắc hành thơm phức làm canh. Ủa không có miếng rau nào hết vậy cà?

-Có canh nào khác không cô chủ ơi?

-Hổng có.

-Có rau gì không cô chủ ơi?

-Hông có.

Cổ nói gọn lỏn.


Kỳ. Xứ cù lao cái cọc tre khô cắm xuống cũng đâm cây mơn mởn mà quán cơm này không có miếng rau xào, rau luộc nào cho khách.

Thắc mắc nữa sợ bị rầy rà, tui đành một mực ăn cơm với thịt, ăn “ên”, khô họng quá thì húp nước xúp. Ông bà ơi giá mà có miếng giá hẹ muối chua, rắc mấy lát ớt đỏ tươi…
Cơm cù lao Dung là cơm “thảo”. Hồi nhỏ mỗi lần tui nấu cơm khô, hay nhão, tới bữa ăn má tui lại ngân nga:

Cơm khô là cơm thảo
 

Cơm nhão là cơm hà tiện

Quán lề đường mà sao nấu gạo ngon vậy, dẻo và thơm.

Chắc tại thứ gì cũng mới: gạo mới, tôm mới, cá mới. Nhưng mà hơi thảo quá, nên ăn 1/3 thì chén nước xúp của tui cạn sạch. Ngó qua bàn bên, ớ, người ta có nguyên dĩa rau xà lách và giá sống mát mắt vậy. Qua một lần kêu thêm thức ăn nữa tui mới rút ra bí kíp: chủ quán không “cơi nới”, bạn muốn ăn gì phải  nói chính xác thứ đó. Dĩa rau kia mặc định chỉ ăn với tô mì, nên nếu bạn ăn cơm mà hỏi rau là sai quy trình, bởi  vậy không được duyệt. Nhưng nếu biết lách luật, ví dụ “Cô ơi trụng cho tui một dĩa giá, kèm với xà lách” thì chắc cũng OK.
 

Cuối cùng, tui ăn một dĩa cơm, 2 miếng sườn non nướng bá cháy, một cái hột vịt + một miếng thịt ba rọi kho nước dừa, một chai nước ngọt Number One… (loại này giờ hầu như thấy bán ở trung tâm Sài Gòn, vì bao bì xấu và thuộc loại truyền thống). No nóc, chuẩn như cơm mẹ nấu. Tổng thiệt hại chỉ có 60 ngàn đồng.

À quên, chưa tính khúc dây nilon dùng để cột miếng thịt cho chắc nữa. Cái vi hạt nhựa này đã theo nước dừa vào cơ thể tui mất rồi trời ơi, nên nếu tính cho cho công bằng chắc tui phải quày lại đòi tiền cô chủ.


Mới đâu hơn chục năm nay dân Việt Nam sanh tánh làm biếng, lấy dây nilon để cột bánh chưng, bánh tét, thịt kho, khổ qua hầm, gà luộc, vịt luộc… Bất cần biết các nhà khoa học rã họng cảnh báo ô nhiễm nhựa vào cơ thể gây bệnh hoạn. Mớ dây lạt, dây chuối chân chất chặt một cái sau vườn xài tám năm chưa hết, và an toàn (hơn dây nilon) tréo ngoe thay giờ chỉ có ở những siêu thị lớn, các chợ lớn trên Sài Gòn, nơi người dân khó tánh hơn về sức khỏe. Miếng lá chuối đặt thức ăn trở thành thứ sang trọng để người ta nhứt quyết phải chụp hình, check in facebook một cái trước khi ăn, vì như vậy nó mới healthy, mới sành điệu, bắt trend (giá mắc lắm nha). Ở quê, chuối mọc đầy đồng thì lại sính dùng đồ melamine, nhẹ, rẻ, rửa xíu là sạch.

Gần quán cơm là một quán cháo, gỏi vịt. Không tên, không địa chỉ, không số điện thoại. Cù lao mà. Nhưng vịt thì bá cháy: thịt mềm, da mỏng và giòn, không ngấy mỡ. Gỏi đặc biệt hơn Sài Gòn vì toàn là đu đủ bào, rắc thêm chút rau thơm, vị chua ngọt rất vừa. Cái này khá lạ vì thường dân miền Tây ăn ngọt như chè đó à!

Cù lao này đu đủ ê hề, mọc luôn ven đường, lùn lùn mà trái đeo óc nhóc.

Nước mắm chấm thịt vịt cũng lạ vì gừng không đâm nát ra mà xắt miếng mỏng dài. Chị chủ quán nói dân cù lao thích ăn gừng vậy đó, để cắn miếng nào biết miếng nấy. Hay!
Một ngày, chị bán hai ba chục con vịt. Tính ra với lượng khách du lịch cực ít ỏi của cù lao + địa thế thiếu thuận lợi của quán, con số này là một bảo chứng cao cho chất lượng.

Canh chua bần ngon nuốt lưỡi


Ở thị trấn cù lao Dung thì đầy những quán ăn và nhậu ngon hết hồn khác. Lẩu chua cá bông lau không lấy vị chua bằng me hay thơm mà bằng trái bần đặc sản, cá tươi, thịt dẽ, nước bột trái bần chua thanh đặc biệt. Dĩa rau có ngọn điểm những bông điên điển vàng tươi mập mạp, bông so đũa trắng ngát. Cá mò ó chiên giòn với sả ăn nóng thơm phức nuốt cả lưỡi. Thố kho quẹt chấm với rau luộc bốc khói. Cơm gạo chỗ nào cũng dẻo, nắm chim chim ăn không cũng hết tô.

Đất cù lao phù sa đắp bồi nên cây, hoa gì cũng thắm sắc.

Những cây mồng gà người ta trồng sơ sịa ven đường đất mà kết cụm to bằng hai bàn tay xòe, cứng chắc, đỏ rừng rực. Lá thì xanh ngăn ngắt. Sao nhái cao hơn đầu người. Râm bụt mọc thành bụi rậm, bông to bằng cái tô, vàng óng, đỏ tươi, hồng phấn, màu nào cũng có.

Chỉ có điều tôm cá tự  nhiên giờ hầu như chẳng còn. Cá thòi lòi giờ hầu hết nhỏ bằng ngón chân cái, chưa  kịp lớn đã bị ăn, ăn lấy vị chứ chẳng ngon vì đâu đã có thịt. Còn đâu ra những con to bằng cườm tay như trước kia nữa. Ba khía cũng thuộc loại nhi đồng. Tôm nuôi trong vuông thì rất nhiều, rất bự, nhảy tanh tách. Nhưng dân ở đây chê tôm nuôi, chuộng tôm cá tự  nhiên nên ngoài sông trong rạch, con tôm mới bằng cái mút đũa cũng bị tóm sống.

***
 

Mà thôi, kể chuyện thiên nhiên bị tận diệt thì kể tới hết đêm sao. Cù lao còn ăn ngon, còn không khí trong lành, còn dân bản địa mộc mạc và rừng ngập mặn hiếm hoi. Ai còn đi được thì đi đi thôi, kẻo mai mốt du lịch ập tới một cái lại chỉ còn biết mấy cái bãi bồi giả cầy thì buồn lắm.


Chưa có bằng đại học vẫn được học thạc sĩ, nên hay không?



Một số trường đại học cho phép sinh viên những năm cuối được học thẳng lên chương trình thạc sĩ mà không cần đợi có bằng tốt nghiệp đại học (ĐH).

Cải cách giáo dục đại học

Mục tiêu của chương trình là rút ngắn thời gian học đại học và thạc sĩ của người học. Sinh viên đáp ứng đủ điều kiện sẽ được nhận cả bằng đại học và thạc sĩ trong khoảng từ 4 năm rưỡi đến 5 năm rưỡi.

Đây là chuyện rất mới ở Việt Nam, vì từ xưa đến nay, nếu muốn học lên đại học thì học sinh phải có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học; muốn học lên thạc sĩ thì sinh viên phải có bằng tốt nghiệp đại học.

Hiện có hai trường đại học chuẩn bị áp dụng chương trình này là ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Theo quy chế tạm thời mà ĐH Quốc gia TP.HCM thì chương trình học liên thông này sẽ gồm 2 phần: trình độ ĐH và thạc sĩ. Người học cần đảm bảo tích lũy đủ 180 tín chỉ của chương trình liên thông.

Với trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thì khóa luận tốt nghiệp ĐH sẽ được tích hợp vào luận văn tốt nghiệp thạc sĩ. Người học khi bảo vệ thành công luận văn tích hợp này sẽ được xét tốt nghiệp cả hai trình độ ĐH và thạc sĩ.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng từng tham gia giảng dạy tại Đại học bách khoa TPHCM, nói với RFA từ Pháp:

“Chuyện chưa có bằng đại học vẫn có thể học thạc sĩ thì bên Pháp cũng có vài trường hợp với những điều kiện sinh viên phải hoàn tất hầu như 90% đến 95% học kỳ (hoặc tín chỉ) đại học; sinh viên phải cam đoan, sau khi học xong chương trình thạc sĩ, phải cung cấp 5% hay 10% tín chỉ đại học còn thiếu. Nếu không sẽ không được cấp bằng thạc sĩ.

Tuy nhiên việc miễn trừ này còn tùy thuộc vào nội quy đào tạo cũng như sĩ số của chương trình thạc sĩ (có những khóa học không tuyển đủ học viên thạc sĩ, nhà trường cũng chấp nhận việc chưa có đủ 100% đại học, chứ họ có đủ rồi thì sẽ không có trường hợp này).”

Theo Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì điều kiện đầu tiên để học lên thạc sĩ là: Đã tốt nghiệp đại học đúng chuyên ngành hoặc những chuyên ngành phù hợp với ngành mà bản thân đăng ký dự thi. Đây là điều kiện bắt buộc không ngoại trừ một ngành nào.

Còn trên cổng Thông Tin Đào Tạo Sau Đại Học - Đại Học Bách Khoa TP. HCM, điều kiện dự thi thạc sĩ năm 2019 cũng nêu rõ, sinh viên phải tốt nghiệp đại học chính quy từ các chương trình đào tạo đã được công nhận kiểm định quốc tế hoặc khu vực được Đại học Quốc gia - HCM công nhận còn trong thời gian hiệu lực.

Như vậy, việc cho phép sinh viên chưa chính thức tốt nghiệp đại học vẫn được học chuyển tiếp lên chương trình cao học là một hướng đi hoàn toàn mới ở Việt Nam.

Chất lượng quan trọng hơn bằng cấp

Thạc sĩ Đinh Gia Hưng cho rằng mô hình này không lạ ở các nước có nền giáo dục phát triển, còn ở Việt Nam thì chưa phải lúc bởi nó sẽ làm rối loạn thêm nền giáo dục đang có quá nhiều vấn đề như hiện nay, tuy nhiên về nguyên tắc thì Việt Nam vẫn có thể làm. Ông nói thêm:

“Ở Hoa Kỳ có chương trình cho phép học liên thông từ đại học lên tới tiến sĩ. Những chương trình đó là trọn gói. Nó dài hơn chương trình đại học thông thường, giúp người học không cần lấy bằng đại học rồi mới lấy được thạc sĩ, tiến sĩ.
Với nền giáo dục Việt Nam chưa rõ ràng, chưa định hình như hiện nay sẽ dẫn đến những cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường. Tôi e rằng các trường sẽ bị lợi dụng thành ‘công xưởng’ cung cấp bằng cấp.”

Ở một góc nhìn khác, Thạc sĩ Công nghệ Thông tin Nguyễn Tiến Trung cho rằng Việt Nam khác hẳn với Pháp hay Mỹ vì chất lượng giáo dục thấp hơn, những vụ chạy điểm, nâng điểm, thậm chí đổi tình lấy điểm ở các trường đại học không hiếm. Số lượng sinh viên ra trường không tìm được việc làm cho dù có bằng đại học hoặc cao học rất cao.

Ông Trung cũng phân tích rằng, chất lượng quan trọng hơn bằng cấp trong tình hình giáo dục hiện nay. Ông nêu quan điểm của mình:

“Quan điểm của tôi là chú trọng chất lượng cho sinh viên đại học trước. Đó là lực lượng lao động chính để đưa đất nước tiến lên.

Nếu muốn trở thành nhà khoa học hay nghiên cứu thì hãy học lên thạc sĩ hay tiến sĩ. Đừng lấy bằng chỉ để khoe với người đời thì rất phí thời gian, công sức của sinh viên và phí nguồn lực xã hội, lãng phí tiền thuế của dân.”

Báo trong nước trích lời PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM rằng, kế hoạch đào tạo này hiện đã được bàn tại hội đồng khoa học đào tạo, sắp tới sau khi hội đồng trường phê duyệt sẽ gửi công văn cho Bộ GD-ĐT xin đào tạo thí điểm. Sau 2 năm triển khai sẽ tổng kết lại, nếu hiệu quả mới ban hành quy định chính thức.

Việc chưa có bằng đại học vẫn được học lên thạc sĩ được cho là sẽ mở ra một hướng mới trong tuyển sinh cao học, một hình thức cải cách trong giáo dục.

Trong một lần trao đổi với RFA về những cải cách của Bộ GD&ĐT Việt Nam vẫn đang làm, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng không kỳ vọng có một sự thay đổi nào trừ khi họ có sự thay đổi căn bản là thay đổi triết lý giáo dục, triết lý về nhà trường, triết lý về truyền bá hiểu biết cho người dân, cho sinh viên, cho tuổi trẻ. Ông khẳng định giáo dục Việt Nam đang đi lạc đường:

“Vấn đề là phải quay đầu lại và đi con đường khác. Mà quan trọng là vấn đề con người, vấn đề nhân sự. Nền giáo dục VN không thể gọi là sai lầm, vì nếu sai lầm còn có thể sửa được, đằng này cái khổ là nó đi lạc đường. Nghĩa là giáo dục VN đang đi vào đường rừng, có chặt cây, rẽ cành thì cũng chỉ loanh quanh trong điểm lạc mà thôi."


Quốc dân Việt Nam muốn biết, vì sao? - Tác giả Thiện Ý



I - TỪ NHỮNG SỰ KIỆN THỰC TẾ

Những sự kiện thực tế đó là, trong nhiều năm qua, nhà cầm quyền Trung Quốc đã nhiều lần ra những quyết định pháp lý, hành chánh và bằng hành động quân sự bạo lực xâm chiếm nhiều vùng lãnh thổ và lãnh hải, biển đảo của Việt Nam, vi phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ lãnh hải biển đảo Việt Nam và vi phạm công ước quốc tế cũng như các hiệp định song phương về biên giới lãnh thổ và lãnh hải giữa hai nước Việt - Trung đã ổn cố và được tôn trọng từ hàng thế kỷ qua.

Thực tế là Trung Quốc đã dùng bạo lực tấn công, chiếm đoạt một phần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, lúc đó thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ở Nam Việt Nam trong bối cảnh đất nước chia đôi, cuộc chiến tranh Quốc-Cộng Nam và Bắc Việt Nam; và năm 1988 tấn công, chiếm đoạt đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam sau khi Việt Nam thống nhất dưới chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Đặc biệt nghiêm trọng và gần nhất là vụ Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu khảo sát và các tàu hộ tống vào khu vực Bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa và khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, lưu lại ở đây trong nhiều tháng qua, vào ra như vùng “ao nhà” của họ; tiến hành thăm dò dầu khí bất hợp pháp trong vùng biển thuộc thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm 18-9-2019 còn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền sai trái tại vùng này và đòi Việt Nam phải tôn trọng; cũng như trước đó đơn phương tuyên bố chủ quyền “9 đoạn” chiếm hầu hết Biển Đông, theo kiểu quân cướp nước “vừa ăn cướp vừa la làng”.

Hành động xâm phạm chủ quyền lãnh hải, hải đảo của Việt Nam mới nhất này, nhưng vẫn chưa phải là hành động cuối cùng, Trung Quốc đã ỷ mạnh hiếp yếu, vi phạm trắng trợn quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế Công ước Liên Hiệp Quốc 1982 về Luật Biển, mà Trung Quốc đã ký và cam kết thi hành. Đồng thời Trung Quốc cũng vi phạm các quy định của Tuyên bố chung về ứng xử của các bên đang có tranh chấp trong biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã cùng ASEAN ký kết năm 2002. Theo đó, DOC quy định tạm thời các bên phải tự kiềm chế, duy trì nguyên trạng, không làm phức tạp thêm tình hình, không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp.

II - QUỐC DÂN VIỆT NAM MUỐN BIẾT VÌ SAO?

Đứng trước các sự kiện thực tế trên, quốc dân Việt Nam (những công dân của Tổ quốc Việt Nam) trong cũng như ngoài nước muốn biết:

1 - Vì sao trong bài phát biểu hôm 28/9 tại phiên họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Phó Thủ tường kiêm Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã không chỉ đích danh Trung Quốc, như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam dưới quyền ông trong những tháng qua đã nhiều lần cáo buộc đích danh Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam?

Vì tại phiên họp này, ông Minh chỉ nói "Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông bao gồm những vụ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền tài phán ở vùng biển Việt Nam" và rằng "các nước liên quan nên kiềm chế, tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp hoặc làm tăng thêm căng thẳng trên biển."

Quốc dân Việt Nam quan tâm đều cảm thấy thất vọng trước cách hành xử này của nhà đương quyền Việt Nam thể hiện qua bài phát biểu của người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam, trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc; là đã đánh mất một cơ hội cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền biển đảo của mình để tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế trong tranh chấp Biển Đông.Trong khi Việt Nam đã và đang đi tìm kiếm sự hậu thuẫn quốc tế để có thế lực đương đầu, ngăn chặn tham vọng xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải biển đảo Việt Nam của Trung Quốc, luôn ỷ thế mạnh “bắt nạt Việt Nam” và các nước nhỏ yếu khác trong vùng.

2 - Vì sao, cũng trong bài phát biểu dài 16 phút, Phó Thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có đề cập đến chủ trương chính sách giải quyết tranh chấp lãnh thổ lãnh hải biển đảo một cách hòa bình theo tinh thần Hiến chương Liên Hiệp Quốc và căn cứ trên luật pháp quốc tế như Công ước Liên Hiệp Quốc 1982 về Luật Biển; lại không vận dụng ngay vào việc giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam khi cả hai nước Việt –Trung đều là hội viên Liên Hiệp Quốc?

Nói cách khác, tại sao Việt Nam không “quốc tế hóa việc tranh chấp” trên Biển Đông với Trung Quốc” như nhận định của Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales. ?

Ông Phạm Bình Minh nói Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – ‘Hiến chương của Biển và Đại dương’,

Thế tại sao giờ này Việt Nam vẫn rụt rè như “gà phải cáo”, hay “vừa tố cáo vừa run”, vẫn không dám đưa vụ tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ra trước Liên Hiệp Quốc hay trước các tòa án quốc tế có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế?

3 - Vì sao đến giờ này Quốc hội Việt Nam mệnh danh là cơ quan quyền lực tối cao của nhân dân, đẻ ra chính phủ, nhất là Ông Tổng Trọng người lãnh đạo tối cao Đảng, Quốc Hội và chính phủ thì vẫn im hơi lặng tiếng, không dám lên tiếng; lại chỉ để cho người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng gần đây mới lên tiếng tố cáo đích danh Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo của Việt Nam; còn người đứng đầu Bộ ngoại giao Phạm Bình Mình thì trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc lại tránh né không dám gọi đích danh “Ông Trung Quốc” vì sợ “phạm húy” chăng?

Trong bài viết trước “Đến Non Nước Này Quốc Hội Việt Nam cần và phải lên tiếng” chúng tôi có đề nghị đôi điều Quốc hội cần làm ngay, thiết nghĩa không cần nhắc lại ở đây.

III - THAY LỜI KẾT

Với trách nhiệm bảo vệ đất nước, quốc dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước đòi hỏi Đảng, Quốc hội, chính phủ đương quyền phải:

- Một là thực hiện khẩn cấp mọi đối sách chính trị, ngoại giao, pháp lý, quân sự kiên quyết, để tranh thủ sự hậu thuẩn mạnh mẽ của quốc tế, tạo thế lực chặn đứng các hành động xâm lăng trắng trợn ngày càng gia tăng của nhà cầm quyền Trung Quốc.

- Hai là, nhà cầm quyền Việt Nam cần cấp thời đưa những vi phạm chủ quyền lãnh thổ lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc ra trước Liên Hiệp Quốc. Vì cả Trung Quốc và Việt Nam đều là hội viên Liên Hiệp Quốc.Đồng thời, đưa vụ việc tranh chấp chủ quyền ra trước các cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền, để giải quyết tranh chấp một cách hoà bình theo tinh thần Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, căn cứ trên Công ước Liên Hiệp Quốc 1982 về Luật Biển, và bản Tuyên bố chung về ứng xử của các bên đang có tranh chấp trong biển Đông (DOC) năm 2002.

- Ba là, nhà cầm quyền Việt Nam cần phải thay đổi đường lối cai trị, mở rộng tự do, dân chủ, thả hết các tù nhân chính trị, tôn giáo, bất đồng chính kiến đang bị cầm tù và chấm dứt đàn áp, bắt bớ giam cầm những người đấu tranh ôn hòa cho mục tiêu dân chủ hóa đất nước, để đoàn kết toàn dân, huy động toàn lực quốc gia vào công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.


Những "bởi vì" khiến Việt Nam đơn độc - Tác giả Mặc Lâm



Hình ảnh Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Mình đứng cô đơn trong nghị trường đọc bài diễn văn tại phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc phản ánh hiện trạng tình thế của Việt Nam trước dư luận quốc tế một cách sinh động. Nó cho thấy Việt Nam dù muốn làm gì, nói gì cũng không thuyết phục được bất cứ nước nào chịu nghe lời minh chứng trước việc Trung Quốc không dừng bước trong âm mưu thôn tính biển Đông qua đường chín đoạn mà nước này áp đặt.

Trước sự lấn lướt, uy hiếp của Trung Quốc tại bãi Tư Chính thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam giới quan sát chính trị quốc tế nêu ra trong những ngày gần đây cho thấy đã đến lúc Hà Nội cần nhìn lại chính sách đối ngoại mà họ từng theo đuổi trong nhiều năm qua nhằm thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh của đất nước hiện nay trước nguy cơ xâm lược của Trung Quốc ngày một rõ ràng và không cần che dấu.

Trong một bài báo trên tờ Diploma Tiến sĩ Rajeswari Pillai Rajagopalan, Học giả và Chủ tịch Sáng kiến Chính sách Hạt nhân và Không gian thuộc Quỹ Observer Research Foundation (ORF) ở New Delhi, Ấn Độ cho rằng mặc dù Việt Nam và Trung Quốc đang lao vào một cuộc đối đầu dữ dội tại Biển Đông nhưng sự việc lại không thu hút được sự quan tâm đầy đủ của thế giới. Theo trích dẫn của VOA, sau khi nêu hàng hoạt các phản ứng của Việt Nam sau vụ nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng EEZ của Việt Nam, Tiến sĩ Rajeswari viết: “Trong tình hình này, chính phủ Việt Nam tìm cách tác động đến các nước Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Úc và nhiều nước khác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đáp lại lời kêu gọi này là gì? Một sự im lặng và những lời phát biểu “sáo rỗng.”

Câu hỏi đặt ra: Tại sao quốc tế quay lưng với Việt Nam về vấn đề Biển Đông trong khi vẫn làm ăn, mua bán giao hảo và thậm chí còn giúp đỡ Việt Nam trong các dự án xã hội?
Bởi vì giao thương và giao chiến là hai việc hoàn toàn khác nhau. Việt Nam và Trung Quốc có giao tranh cách nào đi nữa thì các nước thuộc khối tư bản sẽ không bao giờ tham gia vì ý thức hệ đã phân chia hai khối từ những năm đầu của thập kỷ 50 của thế kỷ trước, khi cộng sản và tự do chia cắt rạch ròi với nhau gây nên nhiều cuộc chiến tranh quốc cộng mà chiến tranh Việt Nam là một bài học lịch sử còn tươi vết máu của cả hai miền Việt Nam và các nước khác như Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, Nam Hàn, Philippines, và nhất là Mỹ.
Bởi vì Việt Nam vẫn là nước kiên trì theo chủ nghĩa cộng sản trong số 5 nước cuối cùng còn sót lại trên thế giới bao gồm Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Lào, Cu Ba và Việt Nam. Câu chuyện tranh chấp Biển Đông, đặc biệt là Bãi Tư Chính đang xảy ra giữa hai đất nước có cùng ý thức hệ, cùng lý tưởng và cùng chung mục đích chính trị sẽ không được bất cứ nước nào trong thế giới tự do có thể tham gia vào việc hòa giải, can thiệp hay bênh vực một cách tích cực.

Bởi vì thái độ của Việt Nam không nhất quán và luôn luôn gây cho quốc tế những dấu hỏi về tính đi giây trong quan hệ ngoại giao. Việt Nam cho rằng các nước lớn có quyền lợi tại Việt Nam phải bảo vệ quyền lợi của họ bằng cách ủng hộ lập trường của Việt Nam nhưng Hà Nội quên rằng Trung Quốc mới chính là nguồn lợi vô tận đối với nhiều nước hiện nay.
Bởi vì ngay chính Hoa Kỳ cũng không hoàn toàn thoải mái khi quan hệ ngoại giao trở lại với Việt Nam sau nhiều chục năm đứt đoạn. Một mặt Hà Nội tay bắt mặt mừng với Mỹ nhưng sau lưng lại cho phép báo chí của Đảng tiếp tục hạ nhục Mỹ bằng các bài viết nhắc lại cuộc chiến tranh thần thánh chống mỹ gần 50 năm về trước.

Bởi vì mục tiêu là nhắm tới sự góp sức của Mỹ nhưng Hà Nội công khai cho phép bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tiếp xúc với đại diện của Tổng thống Murado của Venezuela khi nước này trên bờ vực sụp đổ vì sự phong tỏa của Mỹ và nhiều nước phương Tây. Việc làm phi chính trị này chắc chắn sẽ được các chính khách Mỹ ghi vào sổ tay của họ để cảnh báo chính quyền Washington nếu có ý định tiến thêm một bước với Việt Nam.

Bởi vì các nước EU cũng như Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Philippines, Hàn Quốc chia sẻ lý tưởng tự do dân chủ với Mỹ trong khi Việt Nam cho rằng mỗi nước có cách nhìn dân chủ nhân quyền khác nhau và vì vậy Việt Nam từng nhiều lần bị quốc tế chỉ trích về vấn đề này, một vấn đề cốt lõi mà Việt Nam không bao giờ tuân thủ.

Bởi vì Việt Nam theo sự chỉ đạo rất khôn khéo của Trung Quốc không chấp nhận đứng chung với nước này mà chống lại nước khác nên mọi lời kêu gọi thế giới lên tiếng trước hành vi xâm lấn của Trung Quốc đều vô ích. Không nước nào chấp nhận làm công việc hồ đồ giúp cho kẻ đã từ chối nhận mình làm bạn.

Bởi vì Trung Quốc cật lực ngăn cản Việt Nam liên minh với Mỹ hay bất cứ nước nào trong thế giới tự do vì Bắc Kinh biết rằng khi chấp nhận giải pháp liên minh Việt Nam sẽ bị buộc phải từ bỏ thể chế Cộng sản vì thế giới tự do và cộng sản không thể liên minh.

Bởi vì Việt Nam biết chắc rằng ngay cả chấp nhận liên minh với Hoa Kỳ thì Quốc hội Mỹ sẽ ràng buộc Hà Nội vào nhiều yêu cầu mà nước Mỹ vẫn theo đuổi trong đó có vấn đề nhân quyền, một cục xương khó gặm cho chính thể Việt Nam. Bởi vì nước Mỹ không thể hy sinh xương máu của công dân nước mình để liên minh, bảo vệ cho một đất nước xem nhân quyền là kẻ thù của chế độ.

Tất cả những “bởi vì” ấy đang cản trở Việt Nam tiến gần với thế giới để bảo vệ mình. Trung Quốc biêt rõ điều ấy và thản nhiên tiếp tục đưa tàu vào khu vực Bãi Tư Chính để cảnh cáo Việt Nam rằng họ sẽ có thể cho Việt Nam một bài học thứ hai vì Hà Nội chơi ván cờ cộng sản lại nhìn chừng sang phía kẻ thù là thế lực thù địch.


Việt Nam Tuần Qua, 5/10/2019






Á Châu Ngày Nay, 6/10/2019






Cánh Đại Bàng Đã Qua Bờ Sinh Tử






Singapore Strategy: "The poisonous shrimp"






Sự kiện nhóm tàu thăm dò địa chất và tàu hải cảnh của Trung Quốc hộ vệ tiến vào vùng biển của Việt Nam (bãi Tư Chính) làm khuấy lên nỗi lo ngại về hòa bình ổn định ở biển Đông cũng như an ninh khu vực và quốc tế.
Sống bên cạnh những hàng xóm "khổng lồ" cả về diện tích lẫn kinh tế, các nước nhỏ hơn nên kiên trì đường lối đối ngoại cân bằng, linh hoạt, thực dụng như của Cộng hòa Singapore để có thể bảo vệ vững chắc chủ quyền và độc lập dân tộc.

Ít ai biết rằng có một "nick name" - xú danh khác của đất nước Singapore, ngoài những cái tên mỹ miều được nhiều người biết đến như "Sư tử biển- The Merlion", " Chấm đỏ- The Little Red Dot", "Con hổ Châu Á - Asian Tiger".
Đó là "Con tôm độc - The poisonous shrimp". Xú danh này không ai khác mà do chính Thủ tướng Lý Quang Diệu đặt ra, nó phản ánh chính sách đối ngọai của nước cộng hòa này một cách rất chân thực, rất sinh động.

Sự kiện nhóm tàu thăm dò địa chất và tàu hải cảnh của Trung Quốc hộ vệ tiến vào vùng biển của Việt Nam (bãi Tư Chính) làm khuấy lên nỗi lo ngại về hòa bình ổn định ở biển Đông cũng như an ninh khu vực và quốc tế.
Sống bên cạnh những hàng xóm "khổng lồ" cả về diện tích lẫn kinh tế, các nước nhỏ hơn nên kiên trì đường lối đối ngoại cân bằng, linh hoạt, thực dụng như của Cộng hòa Singapore để có thể bảo vệ vững chắc chủ quyền và độc lập dân tộc.

Ít ai biết rằng có một "nick name" - xú danh khác của đất nước Singapore, ngoài những cái tên mỹ miều được nhiều người biết đến như "Sư tử biển- The Merlion", " Chấm đỏ- The Little Red Dot", "Con hổ Châu Á - Asian Tiger".
Đó là "Con tôm độc - The poisonous shrimp". Xú danh này không ai khác mà do chính Thủ tướng Lý Quang Diệu đặt ra, nó phản ánh chính sách đối ngọai của nước cộng hòa này một cách rất chân thực, rất sinh động.

Thứ hai, là chính sách tự cường, tự lực cánh sinh. Hơn 3% GDP hàng năm của đảo quốc này, gần 20% chi tiêu của chính phủ (khoảng 12 tỷ USD) được dành cho chi tiêu quân sự.

Thực túc thì binh cường, binh cường thì quốc an. Trang bị quân đội của Singapore hiện nay được các tạp chí và chuyên gia quân sự có uy tín (Janes Defense) đánh giá là hiện đại nhất và là lực lượng vũ trang mạnh trong khu vực.
 
Điều đặc biệt là quân đội nước này đóng rải rác ở các vùng lãnh thổ khác nhau. Lực lượng hải quân Singapore có căn cứ ở Úc, Đài Loan, không quân đồn trú ở Mỹ, Úc, tạo ra một lực lượng răn đe bên ngoài lãnh thổ cho bất cứ kẻ xâm lược nào.

Quân đội Singapore không làm kinh tế. Quân đội không có những công ty thương mại, công ty bình phong. Không trực tiếp thực hiện những hợp đồng kinh tế. Không có quyền giao đất giao cảng. Nhiệm vụ duy nhất của nó là bảo vệ tổ quốc.
Ngay từ 1968 khi xây dựng lực lượng vũ trang từ con số không, Lý Quang Diệu tuyên bố: "Chúng ta sẽ tự bảo vệ tổ quốc. Bất cứ nước nào muốn giúp chúng ta, chúng ta sẽ nói lời cám ơn họ, nhưng xin quý vị hãy nhớ rằng chúng tôi sẽ tự bảo vệ được mình và rất rành mạch về điều này".

Thứ ba, quan trọng nhất, là chính sách thực dụng. Tổ quốc trên hết. Nước cộng hòa này không hề ảo tưởng bởi bất cứ một "mối quan hệ viển vông, lệ thuộc nào" với bất cứ cường quốc dù là Mỹ hay TQ.

Khi lợi ích quốc gia có thể bị tổn hại, Singapore không ngần ngại phê phán đích danh Trung Quốc tại các diễn đàn an ninh khu vực về Biển Đông và an ninh hàng hải.

Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long tuyên bố tại Trường Đảng Trung Ương Trung Quốc (là nơi đào tạo các quan chức cấp cao của ĐCS Trung Quốc) vào năm 2012 rằng: "Singapore tin rằng sự hiện diện tiếp tục của Mỹ đem lại an ninh và thịnh vượng trong khu vực. Mỹ có lợi ích hợp pháp và lâu dài tại Châu Á mà không quốc gia nào có được. Đó là lý do tại sao nhiều nước Châu Á - Thái Bình Dương hy vọng Mỹ tiếp tục cống hiến cho hòa bình và ổn định trong khu vực".

Tháng 4/2016 tại diễn đàn Shangrila, Singapore lại thẳng thắn chỉ trích Trung Quốc can thiệp vào công việc nội bộ của các nước ASEAN, lôi kéo một số thành viên đi ngược lại đồng thuận chung của cả khối.

Năm 1967, trong chuyến thăm chính thức tới Mỹ, khi được hỏi về việc liệu Singapore có cử quân đội đến giúp Mỹ trong chiến tranh Việt Nam không, Thủ tướng Lý Quang Diệu trả lời dứt khoát: "Singapore không phải là nước chư hầu của Mỹ, không nhận viện trợ gì của Mỹ, tôi không thấy có nghĩa vụ phải đưa nước tôi vào một cuộc chiến mà sẽ kết thúc một cách thảm họa".

Cũng trong những ngày đầu lập quốc, Singapore đã bắt giữ nhân viên CIA của Mỹ, đòi tiền "chuộc" 100 triệu USD vì hoạt động gián điệp tại nước này. Năm 1990, mặc dù có đơn xin ân xá của Tổng thống Mỹ, chính quyền Singapore vẫn bắt giữ và phạt đòn một công dân Mỹ do vi phạm pháp luật Singapore.

Điều này khiến quan hệ hợp tác Mỹ- Singapore bị đóng băng mất một thời gian dài, nhưng cuối cùng lập trường kiên định về chủ quyền và luật pháp quốc gia của Singapore càng được tăng thêm uy tín. Bạn bè hôm nay có thể là kẻ thù ngày mai, chỉ có quyền lợi quốc gia là vĩnh viễn.

Con tôm Singapore vừa thực dụng, vừa có nọc độc, vừa tồn tại cộng sinh với các con cá lớn, có thể là một tấm gương nho nhỏ cho một vài quốc gia trong khu vực trong những xung đột chủ quyền biển đảo.

Làm một con tôm nhỏ không khó. Làm một con tôm độc cũng không khó.

Đừng xin phép lũ cá !!!