khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Châu Hà hát Mưa - Văn Phụng sáng tác và hòa âm







Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn về Đoàn Chuẩn và Từ Linh







Thái Thanh Hát Nhạc Văn Cao







HAPPY EASTER 2016 TO KHOA và DŨNG





Di chúc Bắc Kỳ tự do- Tác giả Tuấn Khanh(Saigon)






Câu chuyện kỷ niệm 60 năm về hành trình đến miền Nam của hơn một triệu người trôi qua lặng lẽ. 20 tháng 7, 1954 trở thành lịch sử thế giới, nhưng chưa bao giờ đủ với những câu chuyện kể về số phận và suy nghĩ của riêng người Việt. Tôi chờ đọc một áng văn nào đó, nói về suy nghĩ của những người miền Nam khi nhìn thấy dòng người Bắc Kỳ này, khi họ đến đồng bằng, chảy về thành phố, nhưng không thấy. Tràn ngập những bài viết chỉ là nỗi nhớ tha hương, là ký ức và lòng kiêu hãnh của những người tìm tự do từ phía Bắc. Vì vậy, tôi muốn ghi ra chút ít ở đây, về cái nhìn của một người miền Nam, về cha mẹ, ông bà của bạn bè Bắc Kỳ, dù họ còn hay đã mất.

Hai tiếng “Bắc Kỳ” xuất hiện trên miệng trẻ con miền Nam, và cả của tôi, suốt một thời gian dài, chỉ là sự trêu chọc ban bè cùng lứa, vì một kiểu ngữ âm rất khác mình. “Bắc Kỳ” trong ký ức từng là một tâm cảm bị ám thị, thiếu thiện cảm hơn cả khi so sánh với “Ba Tàu”. Chỉ khi tạm đủ chữ trong đầu, biết thêm về đất nước này, hai chữ “Bắc Kỳ” trong tôi mới thật sự thay đổi. Có lẽ cũng giống như tôi, nhiều người miền Nam hời hợt kỳ thị đã tự làm cho mình bớt xấu hổ bằng cách lập ra những hạng mục khác như Bắc kỳ 9 nút (54), Bắc kỳ 2 nút (75)… để bày tỏ rõ hơn trong nhìn nhận.

Nhưng không đủ.

Phải mất đến hơn nửa đời người, tôi mới nhận ra rằng không hề có một giai cấp nào trong đồng bào miền Bắc của đất nước mình, mà chỉ có một cuộc sống không được chọn lựa nào đó đã phủ chụp lên từng miền, từng vùng đã ảnh hưởng cùng cực đến họ, tạo ra những điều khó tả nhưng vậy. Ở mọi miền, Nam hay Trung hay Bắc, người ta cũng đều có thể nhìn thấy kẻ vô lại trong giống nòi, nhưng sự khó khăn nhìn nhận luôn thường dành cho phía Bắc, như một ám chỉ về một vùng đất phải chịu sự khác biệt về chính trị trong nhiều năm, như đã ám toán mọi sinh lực sống bình thường của con người.
Tôi nhận ra điều đó, ở một ngày khi thấy chung quanh mình có rất nhiều bạn, kể cả thầy cô, là những người Bắc mà tôi tin cậy. Họ đại diện cho những người “Bắc kỳ” mạnh mẽ, vượt qua số phận và hoàn cảnh của mình để không bị đè bẹp, không hèn hạ hoặc chết, như F. Nietzsche đã viết “những gì không giết được chúng ta, sẽ làm chúng ta lớn mạnh hơn” (That which does not kill us makes us stronger).

60 năm của những người Bắc di cư vào Nam, cho tôi và thế hệ của mình được nhìn rõ họ hơn, nhắc tôi phải nói về một bản di chúc lớn, một bản di chúc vĩ đại mà hơn một triệu người từ bến tàu Hà Nội, Hải Phòng… mang đến cho cả đất nước. Bản di chúc cũng được lưu giữ trong mắt, trong lời nói của từng người Việt tha hương khắp thế giới: bản di chúc về tự do.

Cả miền Nam sau 1954 cần phải có một lời cám ơn văn chương Bắc Kỳ, âm nhạc Bắc Kỳ, báo chí Bắc Kỳ… đã góp tay dựng lên một nền văn hóa của cả đệ nhất và đệ nhị cộng hòa của miền Nam. Nền văn hóa ngắn ngủi nhưng đủ trường tồn và mạnh mẽ vượt qua một chướng ngại, tồn tại trong lòng người từ sau 1975 đến nay, ở Việt Nam và trên cả thế giới. Cùng với những người anh em từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau, những người Bắc đó đã làm tất cả để bù đắp, để dựng xây… cho thỏa sức, việc họ phải rời bỏ rất xa quê nhà, thậm chí trơ trọi, chỉ để đổi lại hai chữ tự do.

Rất nhiều năm sau đó, con cháu của những người Bắc 54 cũng lớn lên ở miền Nam hay vượt đại dương đến nơi nào đó, không ít người trong họ vẫn âm thầm mang theo một bản di chúc có thể sống mãi đến nhiều thế hệ sau về tự do, và chọn lựa vì tự do. Trong một lần ở Mỹ, tôi nghe phát thanh viên của một đài radio người Việt bình luận về một nỗi nhớ quê nhà Hà Nội. Nhớ con đường quanh Hồ Gươm, nhớ con hẻm có bán canh bún nhỏ… Giọng Bắc của anh ta trầm buồn như mới ngày hôm qua còn nhìn thấy những thứ đó, trong khi tôi biết rõ anh chưa về Việt Nam một ngày nào, kể từ tháng 4/1975. Sau lần phát thanh đó, gặp anh, tôi trêu là sao anh nói cứ như là cứ vừa ở Việt Nam về. Đột nhiên giọng anh trầm lại “Phải cố gắng nhớ dù chỉ là tưởng tượng lại. Phải nhớ như nhớ lời của ông bà mình xua mình xuống tàu, trối dặn mình phải sống với tự do”. Tim tôi như thoáng ngừng đập trong tíc tắc. Dòng người mờ ảo trong những cuốn phim tài liệu trắng đen về số phận Việt Nam chia cắt ập về. Tôi cũng nhận ra rằng bản di chúc tự do đó, không phải những người Bắc Kỳ chia cho nhau, mà còn chia lại cho tôi, cho bạn, cho cả dân tộc này. Từng người chúng ta đã được nhận. Chọn lựa mình hôm nay khốn nạn hay tử tế, là do mình đã không chịu nhìn thấy di sản của cha ông gửi lại, qua bản di chúc không thành văn này.

Tôi nhìn thấy người bạn trẻ của tôi, con một người Bắc di cư, nay sống ở Biên Hòa. Anh đưa lên facebook một tấm ảnh kỷ niệm 60 năm người Bắc xuống tàu vào Nam. Khi bên ngoài người ta nói về những điều lớn lao như hiệp định Genève và các chính quyền, thì cũng có một dòng người không nhỏ đưa lại những hình ảnh thuộc về con người như vậy. Có những tấm ảnh khiến mình phải lặng đi khi thấy cụ già bước gấp vào Nam, hành lý trên tay quý nhất chỉ là tấm hình Đức Mẹ. Người bạn trẻ của tôi đưa lên tấm ảnh người ta chen chúc chia tay nhau ở một bến tàu. Khó mà biết được ông bà hay cha mẹ của anh đã có mặt ở đó hay không, trong những chấm li ti như cát bụi. Bản thân người bạn trẻ đó thì giờ cũng là phần li ti trong hàng triệu người Bắc 54 đã lớn lên, đã thành đạt ở miền Nam này hôm nay.




Và tôi nhận ra rằng, bản di chúc tự do đó cũng vẫn đang âm thầm trong anh, như bao phần li ti khác đang trỗi lên, trên đất nước này.



TRƯỜNG HỢP NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN- Tác giả Nguyễn Mâu là một cựu đại-tá, Trưởng Ngành Cảnh-Sát Đặc-Biệt của Tổng-Nha (sau này là Bộ Tư-Lệnh) Cảnh-Sát Quốc-Gia.



Chúng tôi xin phép anh linh Trịnh Công Sơn được gọi anh bằng anh như thuở nào. Chúng tôi nói thẳng ở đây rằng giữa chúng tôi không có tình thâm giao nhưng rất hiểu nhau và kính trọng nhau. Thật dễ hiểu: làm sao là bạn thân được khi một người là nhân viên công an rình rập dòm ngó anh và anh lại là một nghệ sĩ có tâm hồn đang đau nhức với cái đau nhức của dân tộc và sáng tác vì cái đau nhức ấy.

Một hôm vào cuối năm 1969, một đơn vị cảnh sát theo lệnh của một thượng cấp không tiện nêu danh đã bắt anh Trịnh Công Sơn và giải giao về Ngành Đặc Biệt  (tại Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, Saigon). Chúng tôi gọi Trung Tâm Thẩm Vấn đưa anh ấy lên gặp chúng tôi. Anh chị em D6  (Trung Tâm Thẩm Vấn Trung Ương) ngạc nhiên không ít vì nội vụ chẳng có gì đáng để bận tâm trưởng ngành.


Anh Sơn ngồi đối diện với chúng tôi bên kia bàn viết. Chúng tôi mời anh tách trà và xin lỗi vì trà đã nguội. Anh ấy nhìn chúng tôi như dè dặt không hiểu chúng tôi sẽ giở trò gian ác hay tiểu xảo gì chăng. Tôi vội phân minh:

- Anh chớ nghĩ ngợi. Chúng tôi chẳng có ý định ranh mãnh gì hết.


Chúng tôi thêm:

- Anh viết nhạc phản chiến.


Anh ta vẫn ngồi yên, mặt như bọc sáp không một nét thay đổi nào cho ta đọc được cảm tưởng hay ý nghĩ của anh ấy.


Không phải để trấn an nhưng để cho anh ấy biết một sự thật khá hiển nhiên nhưng có thể anh ấy không nghĩ đến và cũng để đo đạt tinh thần thân Cộng của anh ta, tôi chậm rãi mở lời:

- Anh biết đó nhân dân miền Nam, những người quốc gia, chính phủ quốc gia không hiếu chiến; tất cả cũng biết rõ chiến tranh tàn phá quê hương xứ sở; tất cả mọi người không ai thích chiến tranh. Chúng tôi không sợ nhạc phản chiến và các phong trào phản chiến.


Anh Sơn ngước nhìn tôi, khẽ nhếch môi như muốn nói điều gì nhưng lại im lặng.


Chúng tôi nói tiếp:


- Nhân dân miền Nam không hiếu chiến. Chính quyền miền Nam không gồm những đồ tể chuyên nghiệp. Chúng tôi không sợ nhạc phản chiến của anh. Chính Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản là những kẻ sợ nhạc phản chiến của anh. Chính họ lo âu nhân dân miền Bắc vùng dậy phản chiến vì đã quá cơ cực lầm than. Đó là theo những tài liệu tối mật đối với họ mà thích thú đối với chúng ta. Chúng tôi đã tịch thu tài liệu này trong một cuộc hành quân.

Anh Sơn như muốn nhân dịp phân bua:

- Như vậy, tôi sẽ được đi về.


Chúng tôi lập tức có nhận định rằng anh Sơn yêu nhạc nhưng không thích chính trị. Anh ấy dùng chữ “được đi về” thay vì trả tự do. Đa số cán bộ Cộng Sản ở mọi cấp bị bắt và được chúng tôi tiếp xúc trên đầu môi họ lúc nào cũng “tự do, độc lập, hoà bình, tranh đấu” rất công thức như bị nhồi sọ.

Chúng tôi nói thêm:

- Các không ảnh chụp từ một cao độ cho thấy ở phía Bắc vĩ tuyến 17 chỉ có đàn bà trên đồng ruộng và không thấy bóng đàn ông. Các cán binh Cộng Sản từ Bắc vào Nam hồi chánh hay bị bắt đều cho biết tang tóc kinh hoàng phủ trùm đất Bắc và thật khó gặp được một nam thanh niên 17 tuổi từ Bắc Quảng Trị cho đến tận Lạng Sơn, Cao Bằng. Kinh hãi vì chiến tranh là nhân dân miền Bắc. Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản sợ nhạc phản chiến tác động lòng bộ đội và nhân dân rồi phản loạn sẽ xảy ra.

Anh Sơn đổi hẳn thái độ. Anh ấy không còn im lặng và lầm lì nữa mà nói chuyện rất cởi mở:


- Tôi chẳng phản chiến và cũng chẳng hiếu chiến. Tôi sáng tác để nói lên một thực trạng đau thương của quê hương. Và duy chỉ có thế; không chính trị; không thiên hữu hay thiên tả.
Chúng tôi tỏ ra chăm chú nghe để khuyến khích anh nói. Chúng tôi nghĩ có thể chăng đây dịp để hiểu biết một tâm hồn nghệ sĩ vốn được xem như khó hiểu đối với nhiều nhân vật trong hàng sĩ phu quốc gia có trách nhiệm vẫn hay nói chuyện với nhau “tại sao Trịnh Công Sơn hắn thế này lúc này và thế khác lúc khác, v.v...”

Anh ấy tiếp tục:

- Có người bảo tôi rằng tôi đã có những lời nhạc làm tổn thương Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam như “đại bác đêm đêm dội về thành phố”. Đạn rót vào thành phố không thể là đạn của quân đội Việt Nam Cộng Hoà mà chỉ là đạn của Giải Phóng đã gây nhiều tang thương và đổ nát.

Chúng tôi biết anh ấy nói không phải để lấy điểm hay kể công. Chúng tôi cũng biết rằng nếu hỏi anh ai đã chỉ trích anh làm hại cho Mặt Trận Giải Phóng anh sẽ không nói và chỉ làm cho anh trở thành câm lặng. Để dò phản ứng, chúng tôi hỏi thẳng:


- Anh có hoạt động cho trí vận Cộng Sản? Cho Hội Văn Nghệ Sĩ Yêu Nước Cộng Sản? Anh viết nhạc phản chiến theo chỉ thị của Cộng Sản? Có hay không?

- Không.

Anh ấy trả lời gọn ghẽ.


Chúng tôi lật hẳn con bài tẩy:

- Có thể anh đã nói đúng. Chúng tôi không tìm thấy được một bằng chứng nào về việc anh hoạt động hay tham gia một tổ chức Cộng Sản.

Có thể vì quá ngạc nhiên, anh trố mắt nhìn chúng tôi như muốn thôi miên chúng tôi hay đang bị chúng tôi thôi miên.


Chúng tôi đẩy sát anh vào chân tường:

- Anh nghĩ sao nếu nhạc phản chiến của anh và giọng hát trầm ấm tuyệt vời của cô Khánh Ly được một tuần dương hạm phát thanh thẳng vào Bắc Việt bằng ăng ten định hướng  (directional antenna) và dọc đường mòn Hồ Chí Minh bằng phi cơ trên cao độ. Ban Tuyên Huấn Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản sợ nhạc phản chiến của anh, cụ thể bản Gia Tài Của Mẹ với lời than oán “Hai mươi năm nội chiến từng ngày... gia tài của mẹ để lại cho con là nước Việt buồn... gia tài của mẹ... một rửng xương khô... gia tài của mẹ một núi đầy mồ...” 


Anh Sơn không trả lời thẳng câu hỏi nhưng nét mặt sáng rỡ, niềm vui không giấu giếm, mắt long lanh hàm chứa sự thích thú và hài lòng đến cùng độ. Chúng tôi không nghĩ rằng anh vui mừng vì có tinh thần chống Cộng cao độ. Chúng tôi cũng không nghĩ rằng anh giả vờ vui để tỏ ý chống Cộng trước một viên chức thuộc ngành công an. Anh đã vui vì tâm tư và ý tưởng đối với quê hương tang tóc, về một cuộc chiến tương tàn cần phải chấm dứt đã được gửi gấm đi xa, qua làn sóng điện đến với những người có trách nhiệm.

Nhìn nét mặt của anh, chúng tôi chắc chắn đã hiểu anh hơn bao giờ và lòng không tránh khỏi xúc động. Để cho niềm vui của anh trở thành một chút gì cho anh nhớ và ghi lòng, chúng tôi cho anh biết thêm rằng việc phát thanh dường như đã đuợc thực hiện từ hơn năm qua.


Anh tâm sự dạn dĩ hơn:


- Tôi không kêu gọi họ buông súng hay mang súng trở về như Bộ Chiêu Hồi nhưng tôi đã làm việc ấy một cách tế nhị và rất thâm trầm như bài Lại Gần Với Nhau với lời nhạc  “...đừng bỏ tôi... đừng bỏ tôi... đi hai mươi năm qua... còn gì cho anh... còn gì cho tôi... không còn gì... không còn gì... còn lại chiến tranh... hai mươi năm chinh chiến mẹ ngủ không yên...” Và còn nhiều nữa, tôi đã nói thẳng với họ hãy vượt mọi trấn áp, từ bỏ rừng núi... mà trở về cùng với dân tộc đang chịu quá nhiều đoạ đày thống khổ như bài Nối Vòng Tay Lớn với câu kết luận  “Vượt thác cheo leo... hay ta vượt đèo... từ quê nghèo lên phố lớn... nắm tay nối liền biển xanh sông gấm... nối vòng tay lớn...” Tôi đã nói chuyện với họ như bằng hữu, như anh em chứ không phải như ông Bộ Trưởng Chiêu Hồi. Phương cách của tôi theo tôi nghĩ có thể thích hợp và được họ vui vẻ chấp nhận và lãnh hội hơn. Tôi thương yêu và kính trọng họ thật, với tình người thật, với tinh thần ruột thịt thật và muốn trải với họ chút tâm sự thật. Tôi có thể bị công an, bị chính ông kết tội nhưng đó là sự thật tôi không giấu giếm. Cũng bằng cách này, tôi đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho những giới chức chỉ đạo chiến tranh của bên này và cả bên kia.

Nhưng, vẫn chữ “nhưng” quái ác, chính Cộng Sản tháng 4, 1975 khi vào Sài Gòn lại phát thanh, phổ biến cả bằng tranh với chim bồ câu hoà bình bản Nối Vòng Tay Lớn cùng với các bản nhạc khác của họ. Điều này trái với ý kiến của anh Sơn được trình bày tự trên. Khó hiểu? Phải chăng họ muốn nương dựa vào ảnh hưởng của Trịnh Công Sơn trong lòng dân miền Nam để phát huy nhạc nặng căm hờn và tanh tưởi xương máu của họ. Dù sao, bản Nối Vòng Tay Lớn đã có ý khác khi anh Sơn vừa sáng tác hơn bảy năm trước và được họ muốn hiểu trệch đi hơn bảy năm sau. Đây chỉ là vấn đề diễn dịch và ý nghĩa thay đổi theo cảnh huống và thời gian. Hơn nữa, bọn chạy hiệu Ba Mươi Tháng Tư, đeo băng đỏ, lại hò hét phát thanh nhạc Trịnh Công Sơn mà họ tưởng được Cộng Sản những người chủ mới thích thú.


Chúng tôi ít nhiều cảm khái và tin rằng anh Sơn vô tư trong chính trị, với lập trường không thiên vị, không theo những người quốc gia triệt để mà cũng chẳng theo bọn Cộng Sản. Qua những lời tâm sự, có thể anh đã phải tránh qua, né lại, lúc chường, lúc trốn, dù là bạn nhưng vẫn phải đối phó với Hoàng Phủ Ngọc Tường và vài người khác vốn là cơ sở trí vận Cộng Sản. Thi hành thiên chức của một nghệ sĩ, anh đã dùng lời ca và ý nhạc nói lên tình trạng quê hương rách nát, dân chúng lầm than, máu và xác người khắp nơi khắp chốn và sinh mệnh người rụng ngã mỗi ngày. Qua tài liệu, chúng tôi được biết do phản ứng tất yếu, dân chúng miền Bắc quá khốn khổ vì bọn đồ tể hiếu chiến Cộng Sản đã tiếp nhận nhạc Trịnh Công Sơn với tất cả thích thú và đam mê. Quả như thế, sau 1975, chúng tôi có dịp đọc Văn Cao viết về Trịnh Công Sơn  “bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của tố quốc mẹ hiền... Tôi muốn nhắc đến ở đây một kỷ niệm không thể quên ở nhà một người bạn trẻ. “Đêm ấy, lần đầu tiên, tôi nghe Trịnh Công Sơn. Những bạn trẻ hát cho tôi nghe gần như suốt đêm hàng loạt ca khúc Trịnh Công Sơn   (không biết họ học ở đâu)   hát say sưa đến nỗi đứt cả dây của cây đàn ghi ta duy nhất có trong nhà.” Chúng ta hẳn ai cũng biết Văn Cao không bao giờ là đảng viên Cộng Sản mà còn là một nghệ sĩ hữu công với những sáng tác quí giá để đời nhưng bị Cộng Sản đày đoạ thiếu ăn thiếu mặc, cho đến ngày qua đời cũng hẩm hiu.


Trong lúc toàn thể quân chính Việt Nam Cộng Hoà dốc toàn lực trong chiến tranh chống xâm lăng Cộng Sản, nhạc phản chiến hẳn nhiên bị lên án và Trịnh Công Sơn được nhìn như kẻ thân Cộng. Cộng Sản lại cổ võ hoà bình để che giấu dã tâm xâm lăng hiếu chiến. Không ít, số người nghĩ rằng Cộng Sản cổ võ hoà bình mà Trịnh Công Sơn lại phản chiến đúng anh ấy thân Cộng nếu không là Cộng Sản chính tông. Lối buộc tội này tuy quá đơn giản nhưng lại rất thông thường.

Đã thế, sau tháng Tư năm 1975, Trịnh Công Sơn lại chịu ngón đòn thù độc ác của Trần Bạch Đằng, chính Uỷ Ban Quân Quản Sài Gòn Chợ Lớn, quyền uy nhất thống lúc bấy giờ. Trong lúc vài trăm nghìn người vừa chạy ra khỏi nước vẫn ngóng trông về quê mẹ theo dõi mọi diễn tiến, ông Đằng lại phong cho anh Sơn chức Thiếu Tá quân đội nhân dân  (Cộng Sản) làm như anh ấy đã là tay chân hữu công của họ từ bao giờ. Anh Sơn còn bị phải mang trên áo quân hàm thiếu tá Cộng Sản. Với thành kiến sẵn có, đồng bào hải ngoại lại ghét bỏ và chê bai anh ấy bằng những thậm từ mà chúng tôi, với tất cả lương tâm, phải giải toả. Âu đây cũng là một trách nhiệm tinh thần đối với anh ấy đã nằm xuống cũng như đối với các văn nghệ sĩ chân chính khác.

Mãi đến tháng 5 năm 2004, trên Nguồn số 2 và những số kế tiếp, Giáo Sư Nguyễn Thanh Ty đã viết rất trung thực và rất chi tiết về anh Sơn vì chẳng những là đồng khoá sư phạm, đồng liêu trong ngành giáo dục, cùng nhà trọ trong 5 năm liền và rút gọn là bạn vong niên không cùng sở đắc nhưng rất hiểu biết nhau. Tác giả Về Một Quãng Đời của Trịnh Công Sơn không hề biết anh ấy “có hay không là Cộng Sản hay thiên Cộng hoặc đi giữa... suốt những năm sống chung với Sơn, tôi không thấy Sơn có một hành động cụ thể nào khả dĩ gọi là có vẻ Việt Cộng...” Cũng trong loạt bài này, đoạn cuối “Giã Từ”, Giáo Sư Ty không nói rõ nhưng chúng ta thấy rất hiển nhiên là Trịnh Công Sơn bị “bảo vệ” bao vây gìn giữ chặt chẽ, bạn thân và bà con không đến gần thăm viếng được. Một câu hỏi nghiêm chỉnh và xác đáng: Là nhân vật quan yếu như thế nào để anh Sơn có “bảo vệ”??? Phải chăng anh Sơn đang chịu tù lỏng gọi là quản thúc, một biện pháp công an không còn là khó hiểu và đã trở thành khá phổ thông. Có thể, bề ngoài, trước mắt dân chúng anh ấy vẫn được Cộng Sản biệt đãi. Một cách công bằng, chúng tôi ghi nhận, cũng trong loạt bài này, Giáo Sư Ty đã nêu lên nghi vấn  “trừ khoảng năm 1965, Sơn nhận được rất nhiều thư của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường và tiếp theo là những cuộc tiếp xúc bí mật tại một trang trại ở Phi Nôm gần Tùng Nghĩa, Đà Lạt.” Những cuộc tiếp xúc như thế nào không hề được chứng minh nhưng dù sao cũng đã xảy ra từ hơn bốn năm trước (1965-1969).


Chúng tôi xin trở lại với buổi gặp gỡ anh Sơn tại văn phòng Ngành Đặc Biệt. Chúng tôi có thể xác định rằng anh Trịnh Công Sơn không tha thiết với chính trị, không tham muốn quyền chức. Anh ấy viết nhạc với tất cả tim và óc nhưng không đi tìm cho mình một chỗ đứng hay vị trí bản thân trong văn học sử, bộ môn nhạc. Anh ấy viết vì thiên chức nhằm truyền cảm, nhằm diêu phô những dòng tư tưởng đang đỏ rực hay đốt cháy tâm hồn của chính anh. Có thể, chúng tôi đã nhầm và đã huyền thoại hoá cuộc đời và sinh hoạt tư tưởng của anh ấy chăng?


Cuộc đàm luận chính sự đã là quá dài đối với anh ấy. Để đổi không khí, chúng tôi quay qua nói chuyện về các chủ đề văn nghệ, các xu hướng văn nghệ có tính thời đại và các văn nghệ sĩ tiêu biểu.


Chúng tôi điện thoại cho Thiếu Tướng  (Trần Văn) Hai, tư lệnh để lãnh hội ý kiến và quyết định. Chúng tôi hỏi D6 các dữ kiện pháp lý có thể nêu ra trước toà án.


Chúng tôi vui vẻ đùa với anh rằng “anh sẽ được đi về nhà” đúng như lời anh nói, ý anh muốn lúc bắt đầu nói chuyện. Anh ấy cười nửa miệng và quên cám ơn theo công thức và sáo ngữ.

 
Chúng tôi ngỏ ý muốn gặp anh dăm ba tuần một lần để thăm viếng, nói chuyện, uống trà hay nhậu. Anh đã đến mỗi lần hẹn. Chúng tôi gặp nhau không bí mật nhưng kín đáo.
 
Chúng tôi gặp nhau như hai người bạn dù có sự chênh lệch tuổi tác. Chúng tôi thường nghe anh ấy nói chuyện về xu thế văn học nghệ thuật. Chúng tôi không xem anh ấy như một cộng sự viên tình báo mà là người em khó tính cần được chiều đãi. Linh diệu vẫn mãi mãi là phương châm trong các hoạt động tình báo. Linh động để đạt diệu ứng: anh chị em trong Ngành Đặc Biệt chưa dễ đã ai quên. Chúng tôi đã tiếp xúc với Trịnh Công Sơn vì nghiệp vụ. Chúng tôi đã quí mến anh ấy vì sự nghiệp văn học  (bộ môn nhạc) do anh ấy để lại cho đời. Chẳng kém Phạm Duy, anh ấy đã có hơn 150 tác phẩm với tình tự dân tộc thâm thuý, với tình yêu đôi lứa gắn liền với đồng lúa chín với mẹ già, không chút lãng mạn, nếu chúng ta hiểu từ lãng mạn một cách thông thường như một thành ngữ bình dân. Cho đến hôm nay, ở Mỹ hay các nơi khác trên thế giới, nhạc Trịnh Công Sơn vẫn được ái mộ. Chúng ta với quốc gia chủ nghĩa dù cực đoan đến thế nào vẫn không hiếu chiến, vẫn không muốn thấy khăn tang trên đầu trẻ thơ. Nhan nhản ở miền Bắc, trong chế độ Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa và cũng nhan nhản ở miền Nam trong chế độ Việt Nam Cộng Hoà không thiếu giống ký sinh trùng phát triển trong chiến tranh, tạo dựng gia tài kếch xù nhờ chiến tranh và lừng lững ôm gọn nào bổng nào lộc, tiền rừng bạc biển do chiến tranh. Không có chiến tranh, họ chỉ là một lũ chuột hay bọn vô tài giương mắt ếch nhìn đời. Và chỉ bọn họ mù loà không nhìn thấy tất cả tang tóc đau thương chưa từng có từ thời lập quốc Hồng Bàng: hàng triệu gia đình mất ngưòi thân yêu, hàng triệu trẻ con mồ côi, hàng triệu thiếu phụ goá bụa, hàng triệu kẻ cụt tay chân, bò lê hay bò lết giữa phố chợ, làng mạc ruộng vườn thành tro thành khói. Chống chiến tranh là đúng, là không sai miễn là không dưới danh nghĩa và chỉ đạo của phong trào “hoà bình” xảo trá Cộng Sản.

Trịnh Công Sơn sinh năm 1939 đã nằm xuống ở tuổi ngoài 62 dường như vào năm 2001.


Chúng tôi nghe và chưa phối kiểm được rằng trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh ấy đã tỏ ý từ chối không muốn được chôn cất trong Nghĩa Trang Liệt Sĩ của Cộng Sản. Nếu Cộng Sản chủ xướng cho anh một đám tang phù hoa, điều đó chẳng làm chúng ta ngạc nhiên. Tiểu xảo vẫn là sở trường của họ.


Viết đến đây, chúng tôi được nói chuyện qua điện thoại với Giáo Sư Nhan T H... vừa đến Mỹ định cư ở quận Cam theo diện bảo lãnh. Giáo Sư H. cho biết chính giáo sư bị Cọng Sản trù vì niệm Phật trong giờ học tập sinh hoạt và chính Trịnh Công Sơn cũng bị kiểm thảo gay gằt và “trù’ nặng vì những ca khúc sáng tác sau 1975 ví dụ như bài “Những Con Mắt Trần Gian với lời hát  “Những con mắt tình nhân nuôi ta biết nồng nàn. Những con mắt thù hận cho ta đời lặng câm. Những mắt biếc cỏ non xanh cây trái địa đàng. Những con mắt bạc tình cháy tan ngày thần tiên. Ngày ra đi với gió ta nghe tình đổi mùa. Rừng đông rơi chiếc lá, ta cười với âm u. Trên quê hương còn lại ta đi qua nửa đời, chưa thấy được ngày vui...” Cộng Sản đã nặng lời với anh Sơn rằng cách mạng vô sản thành công, tất cả đều huy hoàng tại sao Trịnh Công Sơn lại bảo “nửa đời chưa thấy ngày vui... ai bạc tình để cháy tan ngày thần tiên... để ta cười với âm u... cho ta đời lặng câm.”

Dù sao, không ít người được hả dạ khi bằng hữu/thân nhân của anh ấy đã thực hiện được một ngôi mộ khang trang cho một tài năng đã đoạn tuyệt ra đi. Một ánh sao băng sáng rực nhưng vừa chợt tắt.

Anh ấy đã ra đi nhưng bao vấn nạn còn để lại. Chúng tôi đã thực lòng viết ra đây về anh ấy, nhân danh một cựu nhân viên tình báo đã từng bới xới tìm hết tì vết của anh để truy tố. Anh ấy đã nằm xuống và trở thành vô hiệu hoá toà án, công tố, bị can, biện hộ. Tất cả nay trong quyền xét đoán vì văn học sử của mỗi độc giả.


Chúng tôi giang tay và cúi đầu thật thấp cầu nguyện chỉ mong linh hồn anh tìm được sự an nghỉ chốn vĩnh hằng.

(Trích từ cuốn N.D.B. NGÀNH ĐẶC BIỆT [The Special Branch] của Nguyễn Mâu, xuất bản tại San Jose, năm 2007, trang 215-33)
 


 

Hiện Tượng Lý Chánh Trung - Tác giả Nguyễn Quang



Miền Nam tự do trước đây có những nhân vật xuất hiện không phải là biểu tượng của sinh viên, trí thức, nhưng là hiện tượng nổi lên vào thời đó như Phạm Công Thiện và ở đây xin ghi lại vài hành vi trong sinh hoạt chính trị của giáo sư Lý Chánh Trung, nếu nói theo duy vật biện chứng, qua hiện tượng để hiểu bản chất, hy vọng với các dấu chỉ nầy có thể hiểu được phần nào bản chất con người thật của Ông Trung.

Tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn, giáo sư Lý Chánh Trung phụ trách môn đạo đức học thuộc Khoa Triết, tôi là sinh viên ban triết học nên thường xuyên gặp giáo sư tại giảng đường. 

Những bài giảng của Ông không có gì đặc biệt, ngoài trừ trong lối diễn giải của ông khi chiếc ống tẩu thuốc lá từng hơi, nhíu môi, nhịp nhàng với những lời châm biếm về những bạo chúa sau luôn hơn hẳn các bạo chúa trước. Hình ảnh còn lại của Ông với sinh viên, đó là chiếc tẩu luôn trên tay như giúp che lấp phần nào cái mũi hểnh, trống trải của ông.

Bên sau sự trống trải bề ngoài đó ẩn sâu một con người đăm chiêu với nhiều toan tính mà mắt thường chúng ta không mấy ai nhận ra, ông đang có những âm mưu gì, ngoài sự nhận xét chung trong những năm tháng tại Văn Khoa Sài Gòn: Ông chỉ là cái bóng của Giáo sư Nguyễn Văn Trung.

Thời gian Ông Lý xuất hiện tại Phong trào Pax Romana, trụ sở tại Tân Định, Lm Nicôla Huỳnh Văn Nghi làm Cha sở về sau là Giám mục, giáo sư có những phát biểu bênh vực người nghèo, vấn đề Tôn giáo và Dân tộc được đặt lên qua nhiều lần phát biểu của Ông tại đây, nhưng để ý một chút ai cũng nhận ra, sau những bài phát biểu của Ông là cần phải dẹp ngay cái chế độ Miền Nam, thối nát tham nhũng, tay sai của Đế quốc Mỹ.

Thật vậy, cho đến khi cái ngày gọi là “Báo chí đi ăn mày”, Ông Lý xuất hiện nhào ra phía trước như giới văn nghệ sĩ sắp chết đói đến nơi, khi nhìn lại thực tế người dân miền Nam có mấy ai chết đói, nhất là tại các vùng Quốc gia, khiến mọi người suy nghĩ về những âm mưu chính trị của những trí thức như Ông, nhằm lật đổ chế độ tự do miền Nam với sự xuất hiện của thành phần thứ ba mà sau đó Ông rất hãnh diện, nếu tôi không nhầm, đã từng nghe trực tiếp về sự tự nhận của ông ở thành phần thứ ba này.

Sinh viên chúng tôi đọc sách của Ông, đều cảm nhận rất nóng, nhưng chỉ đọc đến lần thứ hai, thế là không muốn đọc thêm nữa vì nó mang tính nhất thời không có các giá trị phổ quát như sách của giáo sư Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Duy Cần.

Những khát vọng tìm về dân tộc của Ông như nét đặc thù của Lý Chánh Trung được trả lời sau ngày cộng sản chiếm miền Nam, nó lộ hẳn bản chất dân tộc này, khi Ông là một trong số các nhân vật trí thức miền Nam được tuyển chọn đưa ra miền Bắc đầu tiên và sau chuyến đi khi trở về Ông tường thuật: “Chúng tôi đã ôm nhau thắm thiết khi gặp trí thức miền Bắc và cùng nhau trong nổi vui mừng, nhảy múa đồng ca bài ‘Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…’ Chúng tôi cũng được tặng các bộ sách quý như Mác Lê Nin toàn tập….”

Sinh viên khoa Triết khi nghe lại tường thuật đều rất ngạc nhiên về hình ảnh những vị giáo sư triết học khả kính, mô phạm của mình nay cũng nhảy nhót và hát như khỉ nhại lời. Văn phòng khoa Triết cũng vắng dần từ đây khi các hình ảnh giáo sư, giảng viên của mình phải khệ nệ bưng bê từng thùng mì tôm, thịt, cá…nhu yếu phẩm chia nhau tại phòng Khoa Triết. Tôi còn nhớ hình ảnh Giáo sư Lê Tôn Nghiêm mang thùng mì từ lầu một lên lầu ba và thở hổn hển, thật tội nghiệp và thay vì đi xe hơi như trước kia nay đều dùng xe đạp mi ni.

Một sự kiện khác với giáo sư Lý Chánh Trung, đó là không lâu sau biến cố 1975, trước sự hoang mang của sinh viên miền Nam, Lm Hoàng Sỹ Quý, Dòng Tên, đã mời Ông Lý đến trung tâm Đắc Lộ để nói chuyện, tại đường Yên Đổ, sau đó bị chiếm đoạt thành tòa soạn báo Tuổi trẻ, phần tôi với tư cách là Chủ tịch sinh viên Công Giáo Cư xá Đắc Lộ đã tổ chức cho sinh viên Sài Gòn tham dự. Theo dự định buổi thuyết trình sẽ kéo dài hai giờ, khoảng một ngàn sinh viên tham dự, nội dung nói về chế độ mới và vai trò của giới trẻ. Tất cả mọi người tham dự đều quan tâm, theo dõi một cách nghiêm túc và căng thẳng. Sự kiên nhẫn của sinh viên vì ai cũng kính trọng các Cha Dòng Tên và cố gắng giữ im lặng dù bắt đầu đã có phản ứng khó chịu từ khách tham dự.

Đến phần đặt câu hỏi, sinh viên đã nêu những câu hỏi mà Ông Lý không trả lời được, những câu hỏi tôi còn nhớ, đó hình ảnh thực tế khi việt cộng vào chiếm miền Nam, về lời hứa đi học tập mười ngày sẽ trở về, sinh viên được tiếp tục học hành nhưng chỉ đến ca hát nghe tuyên tryền rồi trở về, cuộc sống vô cùng khó khăn và những người miền Nam bị tước đoạt nhà cửa, bị xô đuổi lên vùng kinh tế mới…. Những câu hỏi như những tiếng nói khiến người trí thức có lương tri phải động lòng. Thế nhưng, giáo sư Lý Chánh Trung như đã leo lưng cọp, Ông ta đỏ mặt, nổi cáu, vì không trả lời được câu hỏi nào dù là biện hộ, Ông đã nổi nóng và dứng dậy đưa tay hô to như các lãnh tụ cộng sản hay làm, Ông nói: “ Bây giờ chỉ có hai con đường, một là theo Cách mạng, hai là sẽ bị nghiền nát…”. Đến đây cũng là lúc những vật gì có thể ném, liền tới tấp bay vào người Ông, khiến tôi và Lm Quý mỗi bên kè Ông ta, quần áo tả tơi, đưa nhanh vào phòng riêng. Sinh viên vẫn chạy theo với những lời nguyền rủa không tả xiết về sự vạch mặt một trí thức luôn luôn nói về dân tộc nhưng nay theo cộng sản vô thần, vô tổ quốc….
Dòng Tên Sài Gòn có lẽ bị bao vây cô lập từ ngày ấy, cho đến khi toàn bộ chúng tôi bị chụp mũ, bị bắt về tôi tuyên truyền chống phá cách mạng. Cho đến hôm nay, Dòng Tên Việt Nam vẫn hãnh diện vào thuở đó, không một linh mục, tu sĩ nào thân cộng, cũng không có một sinh viên Dòng Tên nào là nội ứng cho cộng sản. Chúng tôi tự hào vì sống dưới chế độ tự do và cuộc chiến chỉ là một sự tự vệ chính đáng để bảo vệ nền dân chủ còn non trẻ ấy, mới nảy sinh những hiện tượng như Lý Chánh Trung.

Bên dòng lịch sử, khi đất nước thống nhất, Ông Lý trở thành đại biểu, phó chủ tịch quốc hội cộng sản. Tại Ba Đình, ông đã đọc bài diễn văn nói về khoa học kỹ thuật như tiền đề phát triển chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn mới. Tiếng nói của Họ Lý, như lý thuyết gia của chế độ, được nghị trường dưới sự chứng kiến của Lê Duẩn, bí thư trong số các bí thư, ông vua trong các vua cộng sản, tán thưởng nhiệt liệt. Nhưng cũng sớm như tiếng kêu trên đồng vắng, một nền giáo dục Ki tô giáo mà ông đã được thụ hưởng, được ưu đãi để thành danh và nay lọt vào trong đám vô sản lưu manh.

Tôi biết Ông có nhiều dằn vặt ưu tư vào cuối đời, tuy vậy trong một hoàn cảnh nào đó, cách nay gần chục năm, tôi vẫn còn thấy một lần Ông xuất hiện cùng Trần Văn Giàu trên tivi và ca tụng đạo đức của Hồ Chí Minh. Điều này quả thật là lạ với một giáo sư phụ trách môn đạo đức học vì ngày nay với các con trẻ khi gõ vào Google đều biết ông Hồ dâm dật, giết vợ, từ con và hãm hại bao nhiêu phụ nữ…là kẻ sát nhân nhất nhì của thế kỷ hai mươi. Ông Lý Chánh Trung ca tụng một cách ngọt ngào: Hãy sống và nói gương theo Hồ Chủ Tịch…!

Giáo sư Lý Chánh Trung có gia đình, và theo S. Freud, để hiểu con người, phần ý thức chỉ có ba, bảy phần còn nằm ở tiềm thức. Ông vẫn sống đến cuối đời trong căn biệt thự, trên mảnh đất do nền Đệ Nhất Cộng Hòa cấp cho các giáo sư Đại học miền Nam, gọi là làng đại học Thủ Đức. Ông có người con là đại úy việt công, vợ ông là em ruột bà Bùi Thị Mè, một thứ trưởng trong chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, tất nhiên là đảng viên cộng sản, có lẽ chỉ có vợ con Ông, nữ anh hùng cách mệnh Thị Mè là hiểu Ông nhiều nhất.
 
 

Tân Định Của Tôi - Tác giả Bích Vân






Chả hiểu tại sao, nhưng hễ cứ nghe ai nhắc hoặc nói đến hai chữ Tân Định là tôi lại thấy lòng nao nao, xúc động một cách kỳ lạ. Không kềm được. Chỉ mới nghe đến hai chữ Tân Định không thôi là đã thấy cả một quãng đời thơ ấu thần tiên như hiện ra trước mắt với biết bao kỷ niệm vui buồn thân yêu, cả một thời mới lớn vô tư đầy mơ với mộng, và cũng cả... một thời “đổi đời” khốn đốn chật vật lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cái ăn, cái mặc...

Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa đó.
Đầy ắp trong tôi dìm hơi thở.
Sắp xếp làm sao những mến thương.
Cho tròn nỗi nhớ khung trời cũ .


Đã ở Saigon, ai mà chả biết hoặc chưa từng đi ngang qua nhà thờ Tân Định ? Qua Hai Bà Trưng, con đường chính nối liền Phú Nhuận và... cứ thế đi thẳng tắp lên phố ? Đi thẳng ra chỗ tượng đức Trần Hưng Đạo ở bến Bạch Đằng, giang sơn của Hải Quân, thì có lẽ chính xác hơn, nhưng phố Catinat và Bonard cũng đã nằm lẩn quẩn gần đâu đấy, chỉ cách có vài bước.

Cái đất Tân Định của tôi có nhiều... thứ nổi tiếng lắm nhé. Rất rất nhiều thứ. Những nhân vật trứ danh của vùng quận nhất Tân Định nói chung, và khu Nhà Thờ (của tôi) nói riêng, thì... ối thôi hằng hà vô số, nhớ sao cho hết, và kể sao cho xuể ? Một thí dụ nôm na thôi, tầm thường thôi, nhưng chắc chắn sẽ còn rất nhiều người vào lứa tuổi sồn sồn như tôi khó mà quên cho được... Chú Hòa (còn được gọi một cách thân mật là Chí Hòa) có cái xe đẩy bán sirop đá bào ở đầu cái hẻm đối diện với nhà thờ Tân Định. Những buổi trưa nắng gắt mà được sà vào dầm dầm khuấy khuấy một ly “đá nhận” thoang thoảng chút mùi chanh muối rồi nhấm nháp từng muỗng đá bào có xịt xịt tí sirop mầu xanh mầu đỏ, thì cứ gọi là…coi ông mặt trời như... ne pas, đã khát và mát ruột gì đâu !!! Lại nhớ hồi tôi còn đầu tắt mặt tối với cái quán café cóc (sau 75 ấy mà, buôn bán nhì nhằng chỉ mong kiếm đủ tiền đi chợ hằng ngày thôi, có mấy ai mà chẳng phải thế, như tôi, nhỉ ? ) cũng ở ngay đầu hẻm, đã biết bao lần chú Hòa thương hại “giải vây” cho tôi vay tạm từng cục nước đá BGI để tôi phục vụ bán café “sữa đá” hay “đen đá” cho những người vừa tan lễ nhà thờ ùa vào hàng loạt… khiến tôi lính quýnh tíu tít pha pha chế chế luôn tay không kịp thở…và cái thứ hàng gì tôi bày bán cũng hết sạch nhẵn, chỉ trong nhấp nháy, sau những giờ tan lễ ngày Chủ nhật.

Cái quán café cóc của tôi thật ra thì…chả có mấy người còn nhớ đến, nhưng nức tiếng lắm lắm cả Saigon lẫn Chợ Lớn là (quán đàng hoàng) Café Thu Hương nằm gần ngã tư đèn xanh đèn đỏ Hiền Vương ( Mayer cũ và bây giờ hình như là Võ thị Sáu thì phải). Ngày xưa, lúc đang còn trong thời kỳ nhắng nhố... sắp sửa thành người lớn, bọn ghiền ngồi café chúng tôi cứ phân vân không biết phải chọn café Văn Hoa Dakao hay Thu Hương Tân Định để được nghe những bài nhạc ngoại quốc “mới ra lò”, thịnh hành nhất, romantique nhất… Văn Hoa thì nhạc hay, âm thanh hay và có mấy cô caissières yé yé xinh xẻo nhưng café lại chỉ tàm tạm thôi, nên chúng tôi đóng đô Thu Hương thường hơn, vả lại những hôm lười đi xa, tôi chỉ việc băng qua đường là đã tới, gần xịt.

Gần xịt hơn nữa là cái quán bánh xèo Đinh Công Tráng, rộn rịp từ xế xế chiều cho đến tối khuya, lúc nào cũng tấp nập người và xe (nghe nói sau gần 40 năm rồi mà đến bây giờ vẫn còn tấp nập xe và người, cả ngày lẫn đêm nữa cơ đấy !). Đi quá thêm vài ba bước nữa là tới cái ngõ hẻm của Nghệ sĩ Tùng Lâm, danh tiếng thì... cả nước biết. Tôi thường đi băng tắt ngang cái hẻm này mỗi ngày để ra chợ, cái hẻm đâm thẳng vào hông chợ, đầu hẻm có xe nước mía (pha lẫn với dâu Đà lạt) của chị Tám, trời thần ơi là ngon, nhất là được uống vào những buổi tối cúp điện. Có lẽ chưa có loại nước uống nào trên thế giới, theo tôi nghĩ, mà vừa rẻ, vưà đã khát, vừa ngon lại vừa bổ như nước miá, nêú đừng để ý đến cái đám nhặng xanh bay vần vũ trên những xác mía đã được ép lâý nước rồi, cũng như những đẵn miá chưa ép…

Cứ gì phải ra tận ngoài Hà Nội để mò đến Chả Cá Lã Vọng mới thưởng thức cho được cái món chả cá thì là chấm mắm tôm ? Chả cá Sơn Hải ở ngay ngã ba Lý Trần Quán và Đinh Công Tráng (còn gọi là Calmette) mà không ngon ư ? Cứ gọi là lịm cả người đi ấy chứ ! Và trong cái ngõ hẻm sát kế bên còn có một nhân vật, lúc còn sinh thời, đã từng làm mưa làm gió trong giới điện ảnh hồi đó : tài tử Đoàn Châu Mậu, bố của Tuyền, cô bạn học cùng lớp với tôi ở M.C. và cùng học Violon với ông xã nhà tôi ở trường Quốc Gia âm nhạc. Một cô bạn tính tình hiền hậu, lành như cục đất, ai nói gì cũng chỉ ngỏn ngoẻn cười... Cô bạn này của tôi đã có dạo, trước 75 một chút, cùng với Đức Huy là một Duo khá nổi tiếng trong làng ca nhạc Saigon.

Cha Tr. của giáo xứ Tân Định những năm 70 cũng là một nhân vật được nhắc đến... khá nhiều, nhất là trong giới trẻ. Một thần tượng, một hiện tượng... lạ thì đúng hơn, đáp ứng được cái “máu hippie” của bọn choai choai chúng tôi lúc bấy giờ. Những buổi lễ của Cha, dành riêng cho giới trẻ, lúc nào cũng đông nghẹt !

Bọn con gái chúng tôi mê nhất là bộ râu quai nón của Cha, giọng nói từ tốn “lịm cả hồn” và những bài giảng rất là giản dị và cởi mở, những bài Thánh ca soạn theo thể loại mới, nghe mà cứ “ngơ ngẩn cả người”... vì hay ! Tôi biết, đã có khối con chiên ghẻ bỗng dưng trở thành... ngoan đạo, chăm chỉ sốt sắng đi lễ nhà thờ không bỏ sót chủ nhật nào, cũng chỉ vì … Cha. Và trong số những con chiên ghẻ đó có tôi.

Sát bên nhà thờ Tân Định là trường Thiên Phước. Ngôi trường đạo này là của các Sơ, chỉ nhận toàn con gái và có một đặc điểm rất dễ thương là bắt các nữ sinh phải mặc đồng phục váy mầu hồng thay vì mặc váy màu xanh nước biển đậm và blouse trắng như các trường đạo khác (Couvent des Oiseaux, Régina Pacis và Régina Mundi…chẳng hạn ). Cứ đến giờ tan học là cả khu Tân Định nhộn nhịp hẳn lên với một đàn bướm mầu hồng khổng lồ ríu rít túa ra xúm đông xúm đỏ các gánh hàng rong túc trực sẵn trước cổng trường, trông vui mắt đáo để. Quà vặt của vùng Tân Định là có tiếng đấy. Có tiếng là ngon ! Mà cũng có tiếng là đắt ! Chả thế mà người ta vẫn thường kháo với nhau là “Chợ Tân Định chỉ dành riêng cho những dân nhà giàu, bán toàn hàng “tuyển” nên mắc như quỷ (?), mà cũng đúng thôi, tiền nào của nấy !” Chả ngoa tí nào sất, thật, dân vùng Tân Định, phần lớn là “có máu mặt” cả mà ! Những ngôi nhà lịch sự xinh xắn trong các con hẻm tương đối rộng rãi nêú so với những con hẻm của các vùng khác, và những cửa tiệm khang trang buôn bán sầm uất ngoài mặt đường… đã nói lên rằng thì là…Quận Nhất không phải khi khổng khi không mà được gọi là Quận Nhất, nghĩa là nhất trong các quận của Saigon ! Và những lý do để dẫn chứng thì kể đến... mai, mốt cũng chưa hết.

Trước tiên phải kể đến lý do... yên ổn : năm 68 trong trận Mậu Thân, cái đất Tân Định chả suy xuyển một mảy may nào, ở đâu nhốn nháo chứ quanh vùng tôi ở vẫn cứ êm ru bà rù. Và kiểm lại trong ký ức, tôi rất ít khi nghe nói tới các băng đảng anh chị xuất thân hay những hành vi phạm pháp xuất phát từ cái xứ Tân Định. Chỉ cần nhiêu đó thôi, thế đã đủ là lý do chính đáng hàng đầu để chán vạn dân Saigon…ôm ấp giấc mơ có được “hộ khẩu” trong vùng này chưa nhỉ ?

Thế thì văn hóa nhé ? Yểm Yểm thư quán trên đường Trần văn Thạch chắc nhiều người trong giới chữ nghĩa vẫn chưa quên. Còn nữa, đối diện với chợ Tân Định, ngay đầu cái xóm sát với nhà thuốc bắc Kim Khuê ( có trưng một ông hổ to thật to, và thật, đứng chình ình trong tiệm) là chỗ cho mướn sách với một kho truyện phong phú... không thể tả được ! Trên thì giời dưới thì sách, thôi thì không thiêú một thể loại hay tác giả danh tiếng nào. Những Văn Bình Z.28, “Lửa cháy Thành Phiên Ngung”, “Thủy Hử” hay Kim Dung hay Duyên Anh hay Ian Fleming. v.v... đã góp cái vốn kiến thức cho biết bao già trẻ lớn bé không chỉ vùng Tân Định. Còn giới văn nghệ sĩ tụ tập trong vùng này thì đông vô số kể. Nào là nữ ca sĩ Bạch Quyên và Tuyết Mai của những năm “hồi đó lâu lắm rồi”, nào là nữ diễn viên kịch Mỹ Chi, nào là nữ sĩ Nguyệt Hồ nổi tiếng như cồn nhờ tài bói bài tây... Nói chi đâu xa, cũng vào đầu những năm 60, ngay trong cái ngõ trước cửa Nhà Thờ của tôi, ông hàng xóm Soạn giả Hoàng Khâm là…số dzách trong làng cải lương. Mỗi tối khuya mà thấy ông bách bộ đi tới rồi lại đi lui, phía bên kia đường nhà thờ, để vắt tim nặn óc viết kịch bản dựng tuồng cho các gánh hát (hạng nhất thôi đấy nhé) là thiên hạ xung quanh nhìn bằng con mắt ngưỡng mộ ghê lắm.

Hiệu uốn tóc Mô-Đéc (dâú sắc) sát bên nách hiệu thuốc tây của nhà tôi cũng được các tài tử giai nhân của cả Saigon tận tình chiếu cố. Cô em Lìn Dí làm chủ tiệm này còn bà chị Lìn Chế có thêm một tiệm nữa, cũng tên Mô-Đéc nhưng nằm trên phố, đường Lê Lợi. Hai tiệm này lúc nào cũng đông nghẹt, nhất là vào những mùa Noel hay Tết, dễ thường khách đến “làm đầu” phải chờ đến cả tiếng đồng hồ mới được phục vụ. Chú Cóong, chú Cai... có những bàn tay bằng vàng, được các bà các cô “tán tiu” nhiều nhất. Cứ vào đây là khắc biết hết tuốt tuồn tuột những chuyện “trong nhà ngoài phố” của... cả nước, bảo đảm !

Chỉ cách nhau chưa đâỳ ba phút đi bộ, mà cái phố của tôi có đến hai rạp Ciné. Bên hông chợ là rạp Mô-Đẹc (dấu nặng), và mặt trước của chợ là rạp Kinh Thành. Hai rạp này thay phiên nhau chiếu những phim Ấn Độ và cao bồi hay ra phết, thỉnh thoảng để thay đổi không khí lại mời các gánh Cải Lương hay Hồ Quảng về trình diễn, làm nghẽn cứng cả xe cộ lưu thông vào những giờ sắp mở màn hay vãn tuồng.

Đấy là những dẫn chứng (mê ly chưa ?), liên quan đến “cái đầu”, mà tôi chỉ đại khái sơ qua thôi.

Còn “cái bụng” ư ? Hai con đường Hiền Vương và Pasteur với một dãy các hàng phở, món Quốc hồn Quốc túy vang danh khắp năm châu bốn biển, chả là cái nôi của nền văn hóa ẩm thực của nước Việt Nam đó sao ? Dân sành sõi chỉ ăn phở thịt bò ở Pasteur và phở gà trên đường Hiền Vương. Và Phở Pasteur đã trở thành bảng hiệu của vô số tiệm Phở, điển hình là ở Boston bên Mỹ, của Mr. Lê D. Tiệm bán giò chả Bạch Ngọc và Phú Hương, cũng trên đường Hiền Vương thì... lọ là phải ngôn, nổi tiếng quá xá trời là ngon không đâu bằng.

Gì nữa ? À, cái quán điểm tâm cơm tấm bì, gần bên trường dạy lái xe hơi của ông nghị sĩ Huyền, cũng vẫn trên đường Hiền Vương, không thể không góp phần vào “nghệ thuật ăn uống” của vùng Tân Định. Cô Mỹ Trinh của quán này bây giờ lại góp phần vào nền kịch nghệ hải ngoại bên Mỹ nữa đấy.

Và nhắc đến tiệm hòm Tobia thì không ai là không biết. Không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà thôi, tôi đã thấy bảng hiệu Tobia ở miền Nam Cali nữa cơ. Hình như bây giờ nằm trên đường Newland street của thành phố Westminster, gần nhà hàng Sea Food Cove thì phải (trước đó thì trên đường Edinger ?) Không biết tiệm bán hòm này có liên hệ gì với vợ chồng Bùi và Cathy Tobia Tân Định, những người vẫn hay ngồi cùng... chiếu với vợ chồng tôi vào những ngày cuối tuần, hồi còn ở bên nhà ?

Những “tai to mặt lớn” cũng không thiếu, khét tiếng nhất phải kể đến ngài “Th. đen” với chiếc Ca-ma-rô độc nhất vô nhị, luých vô cùng, nhất xứ, vào những năm đầu 70. Đối diện với tư dinh (bên trong cũng luých không kém, sau 75 trở thành trường Mẫu giáo) của ông vua điện lạnh này là tiệm Trinh´shoes. Một biệt danh lẫy lừng trong giới ăn mặc thời trang của Saigon, Hảo Trinh´ shoes, giới trẻ “xịn” thời đó ai mà chẳng biết ?

Sở dĩ nói vòng vo, nhắc nhở tùm lum là tại vì... nhớ quá đấy mà. Chả là đêm qua nằm mơ, tôi thấy tôi đang đi chợ hoa, những ngày giáp Tết, ở bên nhà, ở Tân Định, ở trước cái cửa hàng Pharmacie nhà tôi. Tự dưng thấy quặn ruột nhớ nhà, nhớ Tân Định, nhớ cái không khí tấp nập không có chỗ len chân trên những ngã đường xung quanh nhà thờ vào những đêm Noel, nhớ cái tíu tít rộn rịp mua sắm của những ngày sắp Tết, nhớ lung tung, nhớ đủ thứ, nhớ ơi là nhớ, nhớ quay nhớ quắt, nhớ chín ruột chín gan... nhớ quá lắm, Tân Định của tôi ơi !!!

Trong chuyến Mỹ du mới đây, gần hai tháng trước, tôi như tìm thấy lại được một phần nào cái hồn của Quê hương tôi trên xứ người. Đứng giữa khu Phước Lộc Thọ, bên tai nghe ríu rít đủ các thứ tiếng miền Trung Nam Bắc, trước mặt và xung quanh chỉ toàn những khuôn mặt của người cùng xứ sở, tôi thấy nỗi buồn tha hương vơi đi rất rất nhiều. Và dường như tôi hít thở được mùi vị của quê hương tôi đâu đây, trên những bảng hiệu đề chữ Việt, qua những món ăn thức uống thuần túy của Dân tộc tôi, và có đôi lúc tôi đã thoáng gặp lại cái khu Tân Định ngày xưa của tôi, ẩn hiện, bàng bạc, ngay trong khu Thương xá này, cách nửa vòng trái đất chứ không phải ở trong lòng nước Việt Nam.

Tôi đi để lại đường xưa.
Cùng bao kỷ niệm nắng mưa bên đời.
Ai về Tân Định xóm tôi.
Cho tôi nhắn nhủ đôi lời nhớ thương.
Xa rồi những sáng mù sương.
Hoàng hôn nhạt nắng giáo đường thánh ca.
Tôi quỳ hồn bỗng mưa sa.
Nhìn lên tượng Chúa, xót xa phận mình.





Sư ông Thích Nhất Hạnh nói dối






"Tại Kiến Hòa, quân CS đột nhập vào thành phố Bến Tre rạng sáng mồng 3 Tết (1-2-1968), bao vây các khu quân sự và chiếm các khu dân sự. Sau đó, khoảng 4G. sáng, CS pháo kích vào Tòa hành chánh tỉnh, Bộ chỉ huy Trung đoàn 10/SĐ 7 BB và vị trí pháo binh ở Sân vận động. Trong ngày mồng 3, các cứ điểm quân sự đã đẩy lui CS nhanh chóng. Do việc CS chiếm nhà dân để chiến đấu, tử thủ trong khu dân sự, nên khi liên quân Việt Mỹ tảo thanh CS, 90 thường dân bị chết, và 50% nhà cửa dân chúng bị hư hại nặng.(Cuộc tổng công kích…, tr. 344.)

Cộng sản trốn trong khu dân sự, vì vậy việc đánh nhau diễn ra trong khu dân sự. Đáng lẽ phải kết án hành động của CS cố tình lấy dân làm bia đỡ đạn, trong buổi thuyết giảng ngày 25-9-2001 tại nhà thờ Riverside Church, New York, trước một cử tọa đông đảo cả ngàn người Mỹ, sư Nhất Hạnh lại nói rằng Không quân Hoa Kỳ đã thả bom tiêu diệt 300,000 ngôi nhà tại Bến Tre. (Nguyên văn: “When we learned of the bombing of the Bentre village in Vietnam, where 300,000 homes were destroyed …”) (Nhật báo Người Việt, Orange County, California, ngày 16-10-2001.) Lúc đó, dân số thành phố Bến Tre khoảng 80,000 người. Không biết thầy Nhất Hạnh lấy ở đâu ra con số 300,000 ngôi nhà? Việc thầy Nhất Hạnh nói không đúng sự thật ảnh hưởng rất tai hại với người Tây phương. Ví dụ: Báo Maclean’s, Canada, số ngày 24-9-2012, tr. 28, đăng bài “Trudeau’s Big Leap”, tác giả Peter Newman viết rằng để cứu tỉnh Bến Tre, Mỹ đã phải “destroyed it to save it”. Đây là kết quả nguồn tin sai lạc từ thầy Nhất Hạnh."

Trích bài :"Cuộc chiến Mậu Thân trên toàn lãnh thổ VNCH" của Trần Gia Phụng
 


Nguyễn Xuân Nghĩa giải ảo về: Tết Mậu Thân 68 & Giải khăn sô cho Huế







Song Ca Ngày Ây Đất Nươc Hồi Sinh của Trần Đình Quân







Hợp Ca Sẽ Có Ngày Chung Cuộc của Trương Xuân Mẫn







Hợp Ca Về Với Mẹ Cha cũa Nguyễn Đức Quang







Giải ảo về huyền thoại tướng Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh







Sử gia Tạ Chí Đại Trường vừa qua đời ngày 24 tháng 3 năm 2016 tại Saigon, VN







Mắm tôm, ‘sát thủ’ dễ thương - Tac giả Mặc Lâm






Đi xa, ghé vào một quán nhỏ xứ người lại gặp người Việt mình giúp việc trong quán, ai lại không vui?

Niềm vui ấy chúng tôi cùng chia sẻ với nhau trong những ngày trôi dạt. Mấy anh em tứ xứ người từ Mỹ sang, kẻ từ Việt Nam bỏ chạy, bạn Sài Gòn, anh Hà Nội, em Nghệ An, đủ cả... lại có cả văn thi sĩ bọt bèo muôn nơi tụ lại, con mắt nheo nheo nhìn nắng xứ Thái như muốn thu cả cái nóng tương tự Sài Gòn cho đỡ nhớ. Tiếng gì thì tiếng khi giọng nói đậm chất Nghệ cất lên thì ôi thôi ai trong chúng tôi cũng trố mắt. Ba cô gái từ Thanh Hóa sang đây làm công kéo chúng tôi ra khỏi giấc mơ Hà Nội lẫn Sài Gòn. Giọng nói như chim non chưa cứng lưỡi, vừa nhanh vừa líu ríu như sợ người nghe không kịp... nghe. Vừa lạ bởi không thể hiểu hết, vừa quen bởi biết đích xác trên thế giới này không nơi nào có cái ngữ âm thân thương đến thế.

Ba cô Thanh Hóa cùng làm công trong một quán ăn tương đối sạch sẽ, ngăn nắp tại vùng ngoại ô Bangkok. Bàn được dọn ra, món ăn Thái được trình bày trên một tờ menu đầy chữ... Thái. Dĩ nhiên có thêm hình ảnh cho biết nó là món gì, nhưng nhìn hoài cũng chịu, không biết mùi vị nó ra sao, thôi thì các cô cứ giới thiệu đi cho lành.

Các chú các anh thử món này món kia không món nào vừa ý, chỉ tới khi mấy con mực tươi hấp lên chấm nước mắm ớt thì bàn tiệc mới lao xao sinh động hẳn lên. Mùi mực tươi xốc vào tận mũi làm người ăn nhớ tới vỉa hè Sài Gòn với những chú khô mực chấm tương ớt bên ly xây chừng Bình Chánh hay Hóc Môn. Con mực tươi có phần hấp dẫn hơn bởi cái thân hình trắng trơn của nó. Sang trọng hơn hẳn mấy con ốc miệt vườn và nhất là cái sừng sựt khi ăn vào làm cho miệng ai cũng cảm thấy lâng lâng sảng khoái.

Chưa. Bài viết này sẽ không được viết nếu hôm ấy không xuất hiện thêm một “kỷ vật” đi kèm với chú mực tươi chong nuột nà của xứ Thái.

Đang ngon trớn, một chú em trong bàn len lén đề nghị, vợ em vừa mang sang một hũ mắm, các anh có “hứng thú” không?

Sét đánh không bằng! Chú mày chơi ác cũng vừa thôi, thử hỏi trong cả cái bàn này từ Nam ra Bắc ai lại không ưa mắm? Cái hồn cốt làm cho ẩm thực Việt Nam đậm đà lại đang ở xứ người thì tại sao lại không mang ra?

Cậu em lăng xăng mượn bàn của chủ quán, pha pha chế chế như một tín đồ trung thành với món mắm. À quên hỏi chú mắm gì thế? Mắm tôm anh à...

Lặng xuống một chút rồi cả bàn nhao nhao. Mắm tôm Bắc à, hết biết. Ngon nhé, nước miếng tươm ra đầu lưỡi rồi này! Nhanh lên chấm với mực tươi hấp gừng thì còn gì bằng. Cô gái Thanh Hóa “ăn rau má phá đường tàu” nhanh nhanh làm món mực hấp gừng đi nào...

Một tiếng mắm tôm Bắc thôi mà cả bàn như ngồi không yên đủ biết sức mạnh của nó đến cỡ nào.

Đấy. Người Thái cũng là vua về mắm. Ra chợ Thái bất cứ lớn nhỏ gì cũng thấy mắm đủ loại bày bán. Mắm từ cá, tôm hay các loài bò sát khác khi trở thành mắm đều có hương vị đặc biệt nhưng thú thật mắm của Thái không thể cạnh tranh với mắm Việt, nhất là mắm tôm vì cái mùi ngang tàng của nó. Mắm gì mà nồng nàn đến làm cho người ta sợ hãi. Sợ rồi lại tò mò ghé lại, lấy ngón tay chấm thử một chút, từ từ đưa lưỡi ra chạm cái màu “tím cả chiều hoang” ấy và... mê. Ôi, cái mê man khó cưỡng của chị nhà quê một lần ra phố, như anh lái đò có dịp chở cô tiểu thơ đài các con ông bá hộ dọc một khoảng sông dài thật dài.

Chị nhà quê về nhà kể lại cho chồng những thi vị phố xá làm sao thì mức quyến rũ của mắm tôm đối với khẩu vị người ta cũng y như thế. Chị có thể nói huyên thuyên về con người, về độ sầm uất của chợ búa cũng như mắm tôm với độ “thơm” quái lạ và cái vị ngọt khó phân tích bằng lưỡi chỉ biết nó ngon bằng sự suy ngẫm hết sức vô lý của cảm quan từng người. Anh chèo đò sẽ nhớ chiếc lưng mềm oặt của cô tiểu thư còn người thưởng thức món mắm tôm sẽ không ngần ngại nhớ hoài lớp bọt sôi lên trong chén mắm khi được đánh lên với chanh, với ớt, với đường cùng một tí bột ngọt, nước dùng...
Và hôm ấy cả bàn chúng tôi kẻ làm anh lái đò người mơ về nơi đô hội qua chén mắm tôm mang từ Nghệ An sang xứ Thái.

Ôi, giữa đất Thái, nếm mắm tôm, nhớ... Sài Gòn quá thể.

Ba người phụ nữ khốn khó xứ Thanh nhìn chúng tôi trố mắt. Họ không thể hiểu tại sao một chén mắm tôm lại có thể làm cho cả bàn vừa ăn vừa hít hà quá khứ. Người này kể về thịt chó, người kia lại nói tới vị đậm của mắm tôm khi bỏ vào món giả cầy. Người khác cho rằng bữa cơm đơn sơ nhưng có mắm tôm và cà pháo thì không khác gì trái cóc được uống với Chivas 23, người nữa thì lặng lẽ kể kỷ niệm của mắm tôm và đậu phụ!

Mắm tôm, xứng đáng được đối xử như thế bởi nó được sinh ra từ bàn tay của các bà mẹ quê xứ Bắc, nơi mà sự thiếu thốn lương thực gần như nỗi ám ảnh của người dân. Mắm tôm đồng hành cùng miền Bắc như thứ gia vị chữa cháy trong những mùa đông dằng dặc rét. Mắm tôm giúp chống lại những cơn rét đậm rét hại, chỉ cần nó và một ít cơm nguội thì người cha có thể ra đồng cắm người xuống ruộng...

Lạ lắm. Hôm ấy chính mắm tôm làm cho con mực Thái Lan đậm đà không thể tả bởi hương vị đậm đặc của nó kiểm soát hầu như toàn bộ vị giác người ta. Chưa nói tới mùi mắm khi tiếp xúc với hải sản phần nào tiết giảm mùi tanh của chúng và có thể không cần phải có chiếc mũi thật thính người ta cũng nhận ra hương vị mắm tôm bay thoang thoảng khắp bàn. Nó làm chủ và hoàn toàn kéo người ăn về một phía: Phía của quê nhà.

Đấy! đừng nghe tới mắm mà chê. Một lúc nào đó đang lang thang nước ngoài chợt trong không khí thoảng qua một hương vị nào đó của mắm, bất cứ loại mắm gì, cũng đủ làm người xa nhà bâng khuâng tự hỏi: Không biết giờ này con mắm thân thương ngày xưa có nhận ra mình hay không?





Five tourists jailed for S$17,000 stealing spree over 2 days (Source: Channel NewsAsia)



The quintet went on a stealing spree at ION Orchard shopping mall, armed with specially lined bags that did not set off security alarm systems.

SINGAPORE: Four Vietnamese tourists have been jailed 28 months each for stealing over S$17,000 worth of clothes from H&M and Zara in less than 48 hours. A fifth man, the mastermind, was jailed 31 months.

The quintet arrived in Singapore via Malaysia on Jan 27 this year, and went on their stealing spree at the ION Orchard shopping mall the next day.

Mastermind Dinh Ngoc Luan, 27, had intended to sell the stolen clothing in Vietnam, and gave the rest of the gang, aged between 25 and 28, instructions on which items they ought to steal.

In the shopping mall, Hoang Ding Cong would stand in a pre-arranged spot with a piece of luggage, while Nguyen Quoc Hung, Nguyen Thi Luong and Dang Bich Thao would enter a store together with Dinh, armed with brown paper bags to contain the stolen clothing.

The paper bags were later found to have been lined with other materials, which is believed to be the reason why security alarm systems failed to detect the unpaid items.
After each haul, the thieves would transfer the stolen clothing from the paper bags into the waiting luggage, before targeting another store.
Three of them were caught red-handed by police officers patrolling the shopping mall, and were subsequently arrested. The remaining two fled, but were caught while attempting to leave Singapore via the Woodlands Checkpoint.
Deputy Public Prosecutor Sivabalan Thanabal said the group, having come to Singapore “specifically with the intent to commit shoplifting”, had clearly abused the hospitality of the country. He urged the court to impose jail terms sufficient to “deter like-minded groups from targeting Singapore”.

The DPP also said the stealing spree was well-planned, noting that the the group managed to steal items of clothing worth S$17,380 in less than 48 hours after arriving in Singapore.

For theft, the five could have been jailed up to seven years and fined. 

Kỹ Sư Điên Cơ (Khóa 1) Lê Văn Sinh đi mua đá quí năm 2013 ?







Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Mystery Of The Maya







Văn chương phản kháng, viết từ Bắc Hàn - Tác giả Từ Thức



Lần đầu tiên, một cuốn sách mô tả và tố cáo xã hội Bắc Hàn, do một tác giả hiện sống tại chỗ, tới tay độc giả Tây Phương. Tác phẩm La Dénonciation ( Báo Cáo ) của Bandi là một tập truyện ngắn tường thuật đời sống gian nan, đầy tai hoạ, bất trắc của người dân trong một chế độ độc tài tàn bạo nhất thế giới, một vùng đất đóng kín trong đó lãnh chúa họ Kim có toàn quyền sinh sát.

Những năm vừa qua, nhờ Internet và du lịch, sách viết về xã hội VN, Trung Hoa, Cuba , đã được xuất bản nhiều ở nước ngoài, nhưng đây là lần đầu một nhà xuất bản Pháp, Philippe Pickier ở Paris, dịch và ấn hành một tác phẩm Bắc Hàn. Trước đây, một tập truyện Bắc Hàn, Des Amis ( Những Người Bạn) đã đưọc nhà xuất bản Acte Sud dịch và ấn hành, nhưng tác giả là một nhà văn ‘’chính thức’’ của chế độ. Sau bản tiếng Pháp, những bản dịch ra chữ Anh, Đức, Tây Ban Nha, Nhật tác phẩm của Bandi sẽ được in ở nhiều nước khác. Nhà xuất bản cho hay cuốn sách đã được một người bạn của tác giả dấu trong một mớ sách tuyên truyền  , mang tới Nam Hàn và xuất bản ở Hán Thành từ 2014. Gia đình đã tỵ nạn ở Nam Hàn nhưng tác giả, khoảng 60 tuổi, không ai biết mặt, là một thành viên của Hội nhà văn nhà nước, viết dưới bút hiệu Bandi ( Con Đom Đóm ) vẫn sống ở Bắc Hàn.


1540-1


La Dénonciation là một tuyển tập gồm 7 truyện ngắn, mô tả xã hội Bắc Hàn những năm 90 thời Kim Jong Il (1), cha đẻ của chế độ quái dị Bắc Hàn, ông nội của Lãnh Tụ Kính yêu hiện thời, Kim Jong Un. Đó là một xã hội đói khát, hãi hùng, mạng người treo đầu sợi chỉ, trong đó con người vờ vịt, rình mò, tố cáo, hành hạ nhau để được sống như con vật, một xã hội trong đó thở khí trời cũng là một ân huệ của lãnh tụ.

Cả nước đóng kịch

Xã hội Bắc Hàn là một xã hội đẳng cấp. Trên cùng là lãnh tụ được toàn dân sùng bái, dưới là cán bộ lớn, cán bộ nhỏ có quyền sinh sát, dưới nữa là dân đen, chia ra làm hai loại, những người được coi là trung thành với chế độ và những người bị coi là kẻ thù của cách mạng  , như bị bệnh hủi, không ai dám lai vãng. Nhưng ngay cả những người được coi là trung thành, tai họa vẫn có thể giáng xuống bất cứ giờ nào, vì những lý do rất kỳ quái.

Truyện ngắn La Ville des Spectres ( Thành phố của ma quỉ ) nói về tai họa của Kyeong-hui trong tuần lễ quốc khánh. Cả thành phố ‘’ tự nguyện ‘’ tập họp ở công trường Kim Jong Il để bày tỏ lòng nhiệt thành trong việc chuẩn bị đại lễ vinh danh công đức trời biển của lãnh tụ kính yêu. Mặc dù gió bão, Kyeong-hui vác cả thằng con trai hai tuổi đang bệnh đi biểu tình, không biết rằng tai họa sắp giáng xuống gia đình mình. Công an phường báo cáo  : mỗi ngày từ 6 giờ chiều tới sáng hôm sau, giờ mọi người đi làm, cửa sổ nhà số 3, lầu 5, dẫy 5 đều che kín màn cửa xanh, dầy. Tôi thấy chuyện khả nghi. Chắc đây là mật hiệu ra dấu cho gián điệp. Được gọi lên làm việc, Kyeong-hui, một công dân gương mẫu, vui cười giải thích với cán bộ khu phố đó là một chuyện rất trẻ con. Con trai anh ta có cái tật rất sợ cái hình Karl Marx khổng lồ treo bên kia đường. Để thằng nhỏ ngủ yên, anh ta kéo màn, che cửa sổ. Cán bộ chất vấn tại sao che cả cửa sổ tường bên kia. Kyeong-hui nói bởi vì phía bên kia cũng có chân dung của Kim Chủ tịch. Và nói thêm, dí dỏm  : cán bộ hẳn biết câu tục ngữ  : một đứa nhỏ sợ con rùa, sợ cả cái vung đạy nồi. Đêm hôm sau, hai vợ chồng anh ta và đứa bị công an đến, tống lên mộ chiếc xe, đưa đi biệt tích trước con mắt hãi hùng của dân hai bên đường. Ngoài tội gián điệp, anh ta còn bị kết án không biết giáo dục con cái để nó kính yêu lãnh tụ, tội chế diễu chân dung bác Marx, tội ví chân dung Kim Chủ tịch với cái vung nồi.

Trong Si près, si loin ( Xa, gần ) , anh thợ mỏ Myeong-cheol xin xỏ, lạy van đủ cách vẫn không xin được giấy phép về thăm mẹ hấp hối trên giường bệnh ( di chuyển từ khu này sang khu khác phải có giấy phép ). Thương mẹ, anh ta làm ẩu, trèo lên xe lửa đi thăm mẹ. Bị kiểm soát, bắt giam, hành hạ 2o ngày  ; khi được thả, mò về nhà, vợ không nhận ra người đàn ông già sụm, tiều tụy trước mặt là người chồng 30 tuổi.

Người ta , nhất là người Tây Phương, vẫn ngỡ ngàng trước cảnh người dân vật vã, than khóc khi được tin lãnh tụ Bắc Hàn qua đời, như dân Nga trước cái chết của đồ tể Staline. Truyện La Scène ( Màn Kịch ) mô tả không khí xã hội những ngày dân Hàn để tang Kim lãnh tụ. Trong buổi họp phường khóm, công an phường  cảnh cáo  : ‘’Ngay trong hàng ngũ cán bộ cũng có những tên đáng bắn bỏ ( vì không bày tỏ đủ lòng thương tiếc Đại lãnh tụ kính yêu )…Chúng ta phải khuyến cáo cán bộ cảnh giác hơn nữa  : hàng ngàn con mắt, hàng ngàn lỗ tai, hàng ngàn nắm tay vũ bão phải tích cực canh chừng hơn nữa, phải như vậy mới bảo đảm sẽ không có tên nào dám lầm lỗi ‘’. Mọi người thi đua tới bàn thờ tưởng niệm lãnh tụ . Người ta biết công an đứng ghi tên từng người. ‘’ Dân chúng tới than khóc ít nhất một lần mỗi ngày. Dần dần trở thành một thông lệ được mọi người tuân theo, và con số những người tới sáng, trưa, chiều, tối càng ngày càng đông. ‘’ Cả nước vật vã khóc, kể cả những người bị chế độ hành hạ thân tàn ma dại. Tác giả viết mỗi người đóng một vai kịch, sống trong da thịt vai kịch ( se glisser dans la peau du personnage ) đến nỗi trở thành nhân vật  , những giọt nước mắt trào ra, tự nhiên. Mỗi người mang tới bàn thờ lãnh tụ một bông hoa. Hậu quả là hoa trong vườn, trong công viên bị hái sạch, thiên hạ, kể cả học sinh nhỏ tuổi phải leo lên núi kiếm hoa, nhiều người rơi xuống hang núi chết, nhiều người bị rắn độc cắn bỏ mạng. Cán bộ phường  : ‘’Các người tưởng rằng như vậy là đủ trung thành à? Tưởng rằng hái tất cả hoa trong thành phố để kính dâng hương hồn Đại Lãnh Tụ, tưởng rằng leo lên núi hái hoa có thể rớt xuống hang hay bị rắn độc cắn là đủ à?  …Trong giai đoạn bi thảm này, dù chúng ta có than khóc đến chết  , vẫn không đủ để bày tỏ nỗi đau buồn đã mất người cha chung của dân tộc.’’

Một Soljenitsyne Bắc Hàn?

Tập truyện của Bandi được giới thiệu trong Hội chợ Sách ( Salon du Livre ) tại Paris, tháng Ba, 2016. Salon du Livre được tổ chức mỗi năm một lần để các nhà xuất bản, các tác giả gặp gỡ độc giả, ký tặng sách và trao đổi , thảo luận với người đọc. Chủ đề năm nay của Salon là văn chương Đại Hàn. Tác phẩm của Bandi là cuốn sách duy nhất của Bắc Hàn bên cạnh con số đông đảo, cả lượng lẫn phẩm của văn chương Nam Hàn.

Người ta đón nhận Bandi như thế nào? Một điều đáng ngạc nhiên là cuốn sách, in từ 2014  ở Hán Thành, gây ít tiếng vang và ít người đọc. Phải giải thích thế nào về sự thờ ơ đó? Phải chăng người Nam Hàn không muốn nhìn vết thương nhức nhối của dân tộc mình?

Ở hải ngoại, hai thái độ tương phản. Những người khen, coi Bandi là một Soljenitsyne Bắc Hàn. Pierre Rigoulot, người viết tựa cuốn sách, cho rằng giống như Soljenitsyne đã tố cáo xã hội giả dối và địa ngục goulag, Bandi đã tố cáo xã hội Bắc Hàn cũng xây dựng xã hội trên sự giả dối và tàn bạo. Bandi không thể làm như Soljenitsyne, nếu không sẽ mất mạng  : chỉ trích công khai nhà cầm quyền và đòi chấm dứt kiểm duyệt, nhưng Bandi đã cho thế giới thấy bộ mặt thực của Bắc Hàn. Lim Yeong-hee, dịch giả cuốn sách, ca ngợi nghệ thuật của Bandi, nhấn mạnh cái nhìn quan sát đôi khi châm biếm của tác giả

Cộng đồng người Bắc Hàn ở New York còn hăng hơn nữa: họ vận động trao giải Nobel văn chương cho tác giả Báo Cáo.

Những người chê cuốn sách của Bandi cũng không ít, đa số là trí thức thiên tả ở Pháp, những người trước kia đã chỉ trích Soljenitsyne, cho tác giả Archipel du Goulag đã bôi nhọ xã hội chủ nghĩa, và không ngần ngại quả quyết Soljenitsyne không phải là một nhà văn lớn. Có người nghi ngờ Bandi chỉ là một người Nam Hàn, viết cuốn sách vì lý do chính trị, vì nhà xuất bản in cuốn sách, Cho Gap-je ở Hán Thành, nổi tiếng là một cơ sở xuất bản chống Cộng cực đoan. Nhưng một nhà biên khảo chuyên môn về Bắc Hàn, ông B.R Mayer, cho rằng lối hành văn vụng về, ngôn ngữ trong Báo Cáo đúng là ngôn ngữ người Bắc Hàn, không thể là tác phẩm của một người miền Nam bắt chước giọng miền Bắc. Lim Yeong-hee quả quyết Bandi có thực, vẫn sống ở Bắc Hàn, vẫn tiếp tục viết và đã tiếp xúc với một tổ chức về nhân quyền.

Người đọc có thể nghĩ gì về cuốn sách? Thứ nhất, những chi tiết viết trong sách phải là người trong cuộc. Cũng như một người Việt sống ở miền Nam trước 75, dù óc tưởng tượng phong phú tới đâu, cũng không thể viết về những cuộc đấu tố ghê rợn ở miền Bắc. Những chế độ độc tài, từ Phát xít Đức tới Cộng Sản  , đã vượt khỏi cái ranh giới của sự tàn nhẫn, man rợ. Thực tế đã qua mặt trí tưởng tượng của con người. Thứ hai  , so sánh Bandi với Soljenitsyne là một chuyện quá đáng. Tác phẩm của nhà văn Nga, từ Archipel du Goulag tới Le Pavillon des Cancéreux, Le Premier Cercle, Une Journée d’Ivan Denissovitch là một tác phẩm đồ sộ cuả một nhà văn lớn . Bandi chỉ là tác giả một tập truyện ngắn, viết một cách rất vụng về, đôi khi lôi thôi, với những lời kể lể dài dòng, những câu bình phẩm không cần thiết chỉ làm trang sách nặng nề thêm. Một lối viết văn cổ điển của một người không được tiếp xúc với những trào lưu văn hóa mới bên ngoài, khác hẳn văn phong hoàn toàn mới, khởi sắc, rất cá nhân, rất độc đáo của những nhà văn Nam Hàn được dịch và trình bày tại Salon du Livre. Soljenitsyne cũng sống trong một xã hội đóng kín, nhưng ông thuộc truyền thống những văn hào Nga, tầm cỡ Dostoïevski, Tolstoï, Gogol, Gorki, Tourgeniev …Đó không phải là trường hợp Bắc Hàn. Bandi bên cạnh các tác giả Nam Hàn, cũng quê mùa như những cuốn phim ngây ngô của Bắc Hàn bên cạnh phim ảnh Nam Hàn, tiến bộ vượt bực, không thua gì điện ảnh Tây Phương.

Mở một dấu ngoặc: mỗi năm Salon du Livre giới thiệu một quốc gia. Chưa bao giờ người ta thấy một lực lượng những nhà xuất bản, nhà văn hùng hậu như phái đoàn Nam Hàn. Tại hội chợ sách cũng như tại bất cứ cuộc họp mặt văn hóa quốc tế nào, Nam Hàn cũng tham dự tích cực, không mặc cảm, chứng tỏ một dân tộc ý thức được vai trò quyết định của văn hoá trong vận mạng, tương lai của một dân tộc.

So sánh Bandi với Soljenitsyne, một văn hào và một trong những nhân vật lịch sử quan trọng nhất của thế kỷ 20, người đã làm rung chuyển chế độ CS , là một điều quá lố. Nhưng có một điểm khiến độc giả của Bandi nghĩ tới tác giả của   Quần Đảo Địa Ngục: với Soljenitsyne, cũng như với Bandi, dù trong hỏa ngục, cái chất người vẫn còn. Soljenitsyne được người ta nhắc tới như một nhân chứng can đảm đã tố cáo tội ác, đã đưa tới sự sụp đổ của Cộng Sản Nga, nhưng tác phẩm của ông trước hết là một suy nghĩ về bản chất con người  , một trường ca về cái thấp hèn cũng như cái cao cả của con người.

Trong tác phẩm của Soljenitsyne, dù trong địa ngục, bên cạnh những phản trắc, những tra tấn dã man, những đói rách, trong bối cảnh con người bị đối xử như con vật, cư xử với nhau như con vật vì bản năng sống còn, vẫn có những người giữ được nhân tính. Trong truyện của Bandi, cả nước đóng kịch để sống, đạp lên nhau để tranh cướp một mẩu bánh mì, vẫn còn những người tình nghĩa. Chế độ dùng mọi phương tiện để biến con người thành một con vật vô tri giác, vô tình cảm, chỉ biết tôn thờ lãnh tụ, vẫn còn một thanh niên bất chấp hiểm nguy, leo lên xe lửa về thăm mẹ hấp hối, vẫn còn những người đàn bà ăn thức ăn của chó để dành cơm cho chồng, cho con, vẫn còn những người chồng giả vờ no để nhường mẩu bánh mì vừa dành dựt mang về cho vợ, vẫn còn những cặp trai gái yêu nhau, nắm tay nhau đi đường trong những ngày đại tang lãnh tụ , mặc dù đó là một tội nặng có thể mất mạng. Một chế độ tàn bạo tới đâu cũng không thể tiêu diệt hoàn toàn nhân tính. Bên cạnh cái hèn hạ, tha hóa luôn luôn vẫn còn cái cao cả của con người. Đó là một bài học quý báu, một nguồn lạc quan, một tia hy vọng cho độc giả của Soljenitsyne, cũng như của Bandi. Nhất là độc giả Việt Nam, những người tuyệt vọng thấy xã hội, đất nước mình đã và đang bị đẩy vào một tình trạng sa đọa, tưởng như không còn nhân tính.

Báo Cáo không phải là một tác phẩm lớn, Bandi không có tầm cỡ một Soljenitsyne, nhưng tác giả Bắc Hàn là một nhân chứng hiếm hoi của một xã hội đóng kín  , một người cầm bút trung thực, can đảm. Một con chim én không làm được mùa Xuân, nhưng một con đom đóm đủ mang lại một chút ánh sáng .