khktmd 2015
Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022
Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022
Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022
Chuyện Quê Ngoại - Tác giả Thận Nhiên
Năm trước, trước lúc dịch COVID lan tràn ở Việt Nam, tôi ra Quảng Bình thăm quê ngoại.
Từ làng của nhà ngoại, đi chừng 3 cây số là đến nhà của đại tướng Võ Nguyên Giáp, cách đó cũng không xa, là nhà của tổng thống Ngô Đình Diệm. Tôi đến viếng nhà ông Giáp, nhưng thấy tôi cầm máy ảnh thì người bảo vệ làm khó, tôi trở ra, không vào. Chừng vài trăm mét, tôi gặp một người đàn bà lặn hụp mò ốc dưới ao.
Từ năm 1954, bên ngoại của tôi chia làm hai theo sự đẩy đưa của thời cuộc, một phần kẹt lại Quảng Bình và một phần vào Nam. Ông ngoại, và bà cố, và ba người con vượt vĩ tuyến 17 vào Nam. Ông và bà cố vừa kịp thoát chết vì đấu tố trong vụ cải cách ruộng đất. Mẹ tôi là một trong ba người con ấy, ngoài ra còn một ông cậu và một bà dì. Lúc đó, ông ngoại lấy hai vợ, hai bà là hai chị em ruột, bà ngoại ruột là bà lớn, là chị. Hai bà ngoại kẹt lại với một đàn con còn nhỏ, và chịu mọi thống khổ thay cho chồng. Mãi hai mươi năm sau, 1975, ba người mới gặp lại nhau, thì ông ngoại đã có thêm một bà vợ khác ở trong Nam. Mọi chuyện lỡ làng và đau buồn, nhưng rồi mọi người đều hiểu cho nhau, và đều đã già, họ thương quý nhau cho tới khi qua đời. Thỉnh thoảng, ông ra thăm hai bà, và hai bà cũng vào Nam chơi với con cháu.
Tôi không có cơ hội để gặp hai mệ ngoại nhiều. Ra Quảng Bình một lần trước khi đi Mỹ, chỉ thấy làng quê vừa nghèo vừa buồn quá đỗi. Mấy năm sau, khi có dịp trở lại Việt Nam, thì ông ngoại và hai mệ ngoại đều đã qua đời. Mộ ông ở Long Khánh, mẹ tôi qua đời cũng nằm ở kề bên, còn hai bà thì chôn ở ngoài quê.
Lần này, mấy đứa em họ dẫn tôi đi thăm mộ. Mộ bà ngoại lớn nằm trên đồi cát, người ngoài ấy gọi đồi cát là độn cát. Buổi chiều chạng vạng, trong gió, những que hương ngún cháy rồi bùng lên thành lửa ngọn, hắt hiu.
Giờ tôi mới biết rằng ngoài tình trạng đói khổ, thì những người kẹt lại còn bị chính quyền địa phương đối xử rất tàn tệ, vì chẳng những gia đình thuộc thành phần địa chủ, mà ông ngoại còn bỏ trốn, vượt tuyến vào Nam, chúng gọi là theo giặc. Dì kể, mệ ngoại tôi định thắt cổ tự tử ba lần nhưng đổi ý vì thương con còn quá nhỏ. Dì Huyền nhỏ nhất, lúc đó chỉ mới ba tháng tuổi.
Năm 1968, cậu Tấn 21 tuổi, chết vì đạn đại liên 12.7 ly bắn từ máy bay, cậu là dân quân đang làm ruộng, trúng đạn nằm gục trên bờ ruộng bên kia đường, bây giờ chỗ đó là trạm xăng. Tôi đứng đổ xăng cho xe gắn máy, không khỏi nghĩ rằng dưới chân mình là nơi máu của cậu đọng thành vũng. Cậu không được cấp bằng liệt sĩ, mệ ngoại nói, “Con trai chết thì chết rồi, rứa thôi, tau nỏ thèm, quẹt vô cái bằng được mấy ký gạo!”
Cả nhà ngoài ấy không có ai vào Đảng, họ sống trong sự kỳ thị một thời gian dài.
Năm người vào Nam giờ chỉ còn một người. Bà cố mất trước, rồi tới ông ngoại, rồi mẹ tôi, rồi ông cậu, giờ chỉ còn một bà dì, cũng đã gần tám mươi.
Lịch sử chia cắt của đất nước hình thành từ chia cắt của mỗi gia đình. Không mấy khi chúng ta hiểu được, hiểu đúng, mọi chuyện nếu không cúi xuống, tận mắt nhìn vào từng vết thương trên thân thể, trong tâm hồn, của từng người. Mà không phải mọi vết thương đều được chữa lành. Thành sẹo.
Thứ Tư, 21 tháng 9, 2022
Vladimir Putin Bị Hóc Tại Ukraine! - Tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa
Gần bảy tháng sau khi tấn công Ukraine, Liên bang Nga chưa đạt được mục tiêu nên hôm Thứ Tư 21/9 Vladimir Putin lên đài truyền hình ra lệnh động viên thêm 300 ngàn lính trừ bị và dọa sẽ sử dụng võ khí hạch tâm!
Việc động viên là điều chưa từng thấy kể từ Thế Chiến II nhưng sẽ chẳng đi tới đâu vì chỉ bằng 1% của lực lượng quân sự Nga. Còn việc sử dụng võ khí hạch tâm sẽ khiến ba cường quốc có loại võ khí đó (Hoa Kỳ, Anh và Pháp) chẳng ngồi yên mà phải chuẩn bị trước! Thật ra, Putin đã nhiều lần nói đến võ khí ấy nhưng có thể chỉ là chiến thuật (cho một trận đánh) chứ không thể là chiến lược vì toàn cõi Âu Châu sẽ lâm chiến!
Hóa ra chính Putin lại là người bị ngạc nhiên... Chúng ta hãy cùng nhìn lại sự thể để xem tình hình sẽ biến chuyển ra sao.
1/ Vladimir Putin tưởng việc thôn tính Ukraine sẽ hoàn tất trong vài ngày nếu so sánh tương quan lực lượng quân sự của đôi bên. Chẳng xứ nào lại khởi sự một cuộc chiến mà nghĩ mình sẽ thua. Nên Putin cho là tấn công ào ạt rồi binh lính sẽ trở về trước mùa Đông để ăn mừng Giáng Sinh. Thiếu gì cường quốc đã lao vào một cuộc chiến kéo dài trong gian khổ, rồi lui quân! Hoa Kỳ có bài học đó tại Việt Nam, Nga có bài học đó tại Afghanistan.
2/ Chiến dịch xâm lược của Nga đã thảm bại trong đợt đầu. Một phần vì quân lực Ukraine chống trả đầy can trường và lãnh đạo không chịu thua. Phần kia là nhược điểm chiến lược của Nga làm binh lính thiếu tiếp vận và bộ chỉ huy lúng túng. Lý do thứ ba là võ khí và tình báo của Ukraine lại tối tân hơn của Nga vì được Tây phương yểm trợ dồi dào mà Âu Châu lại không nản.
3/ Đáng ngạc nhiên hơn cả là Chính quyền Mỹ lại quyết liệt yểm trợ và mua thời giờ cho quân đội Ukraine cải tiến từ một lực lượng khinh binh thành một cường quốc quân sự! Hệ thống phòng không và trọng pháo của Ukraine làm quân Nga chột dạ. Putin bèn hiểu ra và phát biểu rằng đây không chiến tranh với Ukraine mà là trận chiến... Nga chống Mỹ! Đằng sau lý luận tuyên truyền cho dân Nga thì có một phần sự thật...
4/ Nhưng dù sao cuộc chiến Ukraine chưa kết thúc và Ukraine chưa thắng. Nga cũng chưa chịu thua dù phải trả giá quá nặng. Nga chưa bị đối thủ tàn phá như 80 năm trước, và Putin còn ôm hy vọng mở ra nhiều trận chiến khác, nhưng, thực lực của Nga - một quốc gia rộng lớn nhất thế giới mà còn có nhiều lạc hậu. Tự ái và danh dự của một bạo chúa là điều thiên hạ chưa biết, nếu quên... số phận của Hitler!
5/ Với một đối thủ như Ukraine, Putin cho là binh lính Nga rốt cuộc sẽ phải hy sinh để thắng. Muốn vậy thì từ nay đến mùa Đông buốt giá, Nga phải tìm ra một thế quân bình khác để Âu Châu nản chí. Putin không thể bị thua vì có khi sẽ mất mạng. Các viên chức quân sự Nga cũng nghĩ vậy. À há! Cuộc chiến này là lẽ sống còn của họ!
6/ Putin đã nghĩ tới sự hỗ trợ của Trung Cộng nhằm đổi thế cờ. Nhưng Bắc Kinh không làm gì hơn vài hành động đãi bôi vì họ biết giới hạn thật của Nga. Vả lại, Tập Cận Bình có lắm ưu tiên khác và không muốn bị Tây phương trừng phạt như Nga. Mắc mớ gì mà tự gieo họa vì chuyện Ukraine xa lắc của Nga? Đài Loan, hay các đảo Kim Môn, Mã Tổ, là gần Phúc Kiến hơn!
7/ Putin còn một giải pháp thứ tư là đàm phán! Nhưng đấy chỉ là tự sát vì quân Nga không thể rút về với xác chết các binh sĩ cho dân Nga chiêm ngưỡng hay vái lạy! Mà lãnh đạo Ukraine cũng biết mọi thỏa hiệp như cắt đất cầu hòa đều chỉ là giai đoạn thôi. Cả hai đều biết rằng thương thuyết là chịu thua!
8/ Giới tình báo quốc tế và cả Hoa Kỳ có nói tới một giải pháp của Putin là dùng quân số áp đảo của mình, đưa từ Viễn Đông qua Ukraine. Nhưng đấy là một món quà cho Trung Cộng! Và sự chọn lựa cuối cùng của Putin là dốc toàn lực để chấm dứt vụ phiêu lưu tại Ukraine. Hay là đành thua trận. Trên đại thể thì giải pháp thứ nhì này lại có vẻ ít tốn kém nhất. Để tránh số phận của Hitler...
Chúng ta kết luận thế nào về vụ Vladimir Putin bị hóc xương?
- Hoa Kỳ đang có quá nhiều vấn đề nội bộ, chưa kể các vụ bầu cử! Vì vậy, Mỹ không muốn trực tiếp đụng trận với Nga, bằng võ khí cổ điển hay hạch tâm. Đôi bên đều sợ chiến tranh. Chi bằng giải quyết qua cuộc chiến ủy nhiệm, với võ khí Tây phương và xương máu Ukraine.
- Ngày nào Putin còn lãnh đạo nước Nga, ngày đó chiến cuộc Ukraine còn tiếp tục: Putin cũng biết sợ chết.
- Chúng ta khó biết sự thể sẽ xoay chuyển ra sao cho tới mùa Đông này.
- Chẳng cường quốc nào muốn tự sát với võ khí hạch tâm!'
- Hóa ra Putin tính lầm!...