Do làm nghề dạy học, lại khá chuyên cần đọc người khác nên tôi có nhiều cơ hội tiếp thu và sử dụng tiếng nước tôi một cách …khá vất vả!. Phần nhỏ nào đó của tinh hoa ngôn ngữ qua một số nhà thơ VN đang nằm trong tôi, tôi cám ơn họ cũng như không quên những người thầy đã dạy tôi tiếng Việt trong nhà trường. Cám ơn cả những thế hệ học trò đã vô hình trung bổ sung cho cái vốn này của tôi. Và tôi có những người bạn 4 miền Trung-Nam-Bắc-Hải ngoại, tất nhiên có những người tình, xin cám ơn những trái tim đến với tôi khi rung khi đứng đã để lại trong tôi, chao ôi , tính đa cảm của tiếng Việt.
Những gì có được về tiếng Việt đã cho tôi thấy đây là một thứ tiếng hết sức khó học, bởi vì nó quá tinh tế, nhạy bén, phức tạp, tổng hòa của công cụ giao tiếp với khả năng hàm chứa tự thân lòng nhân ái, mềm mại của tâm hồn người Việt.
NS Phạm Duy viết “ Tiếng nước tôi bốn ngàn năm ròng rã buồn vui”. Học giả kiệt hiệt Phạm Quỳnh ở thế kỷ trước có nhắc “…tiếng ta còn, nước ta còn”- còn cả hai , thưa tiền bối!
1. Những người Thầy khai tâm
Quê tôi là một làng có nền địa chất là cát tân bồi vùng biển tỉnh Nam Định. Khó lòng không nhớ làng thật thanh bình với chùa một nơi, đình một chỗ sạch sẽ khang trang và đầm ấm xanh rờn bóng nước của cây, của ao chùa ao làng sạch sẽ như có ai lau. Làng còn có nhà nghỉ của viên công sứ Tây, một nhà Đoan theo kiểu biệt thự bốn mái ngói với những cây bàng không biết tuổi đã bao lăm mà trèo lên muốn hụt cả hơi. Nhưng dù trầy trật tay chân, vẫn quyết trèo vì sự quyến rũ chịu không thể nào nổi của những trái bàng vàng rụm và thơm trầm hăng hắc mà ngọt dễ chịu. Lượm dưới gốc ăn thì quá dễ nhưng ăn những quả bàng rụng thấy mất ngon vì ăn mà cứ nghĩ là ăn cái nhút nhát, óc trẻ con nghĩ như thế.
Gia đình giàu có nhất làng nhất huyện. Ngôi đất giờ ước lại có lẽ cả chục ngàn thước, vuông vức bốn bề tre trúc, hai cổng vào cánh nặng như cánh cổng làng. Nhà làm thành 4 dãy theo hình chữ U vuông, hai cạnh chữ U được nối liền bằng một dãy làm theo kiểu khác, quanh năm cửa đóng then cài trừ ngày tết giỗ vì đó là nhà thờ. Nhà có 3 sân, sân tiền rất lớn để kéo đá lúa khi mùa màng tới, hai sân sau dùng trong sinh hoạt gia đình. Những dãy nhà đều lợp ngói vững chắc đủ sức chống bão, có chiều dài thiếu chiều ngang, không chia thành từng phòng mà thông thống hàng vài chục mét mới có tường ngăn, vừa để chứa lúa vừa làm chỗ cho người nhà sinh sống.
Người trong nhà, ngoài vợ chồng con cái chủ nhà, gồm một chú canh điền không vợ con ở với cha tôi là anh họ; là một bà cô họ không chồng ở với anh chị làm việc nấu nướng cho tất cả mấy chục con người. Người nhà là vợ chồng người con nuôi được dành chỗ ở riêng, vợ làm việc đồng áng còn người chồng như một tạp vụ trong nhà. Và người nhà còn là những chị vú em chuyên mang bầu sữa ra nuôi con chủ; bế em là vài thiếu nữ trong họ hàng đến ở như con nuôi…Người nhà mà tôi không thể quên là một ông cụ râu tóc bạc phơ chắc cũng xấp xỉ lục tuần, em út của bà nội tôi. Ông hay đọc Tam Quốc chí, Sấm Trạng Trình… bằng giọng sang sảng và bắt tôi nhổ tóc ngứa. Nhờ vậy tôi biết rất sớm chuyện Đào viên kết nghĩa, Chu Du hộc máu, Lục xuất Kỳ Sơn/ Thất kỳ cầm Mạnh Hoạch- một kiểu học về tình nghĩa ở đời cũng như lẽ thành bại cuả con người khá hấp dẫn. Một đêm thanh vắng, chợt thức giấc nhìn qua cửa sổ thấy ngoài vườn chập chờn những bóng ma, đang chết đi vì sợ hãi thì tôi thấy chị vú ở trong giường ông, bé con nhưng tôi run lên bần bật mường tượng có chuyện gì đó giữa hai người thầy, sợ ăn đòn tôi không dám nói ra.
Mười hai tuổi mới bỏ quê lên thành phố cho nên trong ký ức vẫn còn nguyên một gia đình mấy chục người, giàu và nghèo khác nhau dựa vào nhau mà sống, không khi nào to tiếng với ai, không bóng dáng cái ác, thậm chí sự cay nghiệt cũng không. Tuy nhiên, đó là nhà địa chủ, cha không làm gì ác, làng xóm sau này nói lại ai cũng mến thương nhưng đận giảm tô năm 1952 gì đó cha không nhanh chân lên thành phố thì chắc cái giàu đã bị biên chế vào cái ác mất rồi, còn đâu mà sống tới 97 và ra đi chỉ sau một ngày bệnh!
Người vú, ông cụ bạc đầu, thiếu nữ bồng em, vợ chồng người anh nuôi, anh chăn trâu, người cô họ trầm lặng mẫn cán…là những người thầy dạy cho tôi những tiếng Việt ngoại khóa nhưng tràn đầy êm ái đầu tiên. Người thanh niên chăn trâu kiêm liên lạc ở trong nhà tên Hưởng sau đi bộ đội lên Điện Biên Phủ còn lén đến thăm chủ cũ ngay vào dịp cải cách ruộng đất cũng là một người thầy nữa vì những năm trước đó, khi tôi mới bắt đầu là đứa thích rong chơi, thích ăn chung, ngủ chung với người làm, tôi hay theo anh đi chăn trâu để bắt cào cào nướng ăn, đi bắt chim, hái trái cây hoang ngòai bờ biển. Anh là người thầy dạy cho tôi sự nhân nghĩa, tôi rất thân với anh, học anh nhiều tiếng, có điều anh rất khéo tay còn học trò anh vụng về lóng ngóng như một con cù lần, thậm chí là cù lần…biển!
Tôi bắt đầu học tiếng Việt từ những con người chất phác, thân thiện này, những tiếng Việt tôi được dạy cho đó là tiếng của yêu thương, nhân ái. Một chị vú kể rằng, cô gái bồng em cho em ăn bột nhưng em - là tôi - chả ngày nào quên hai cữ sữa của chị dù lên 1 tôi đã có em. “ Mầm bú tí ”, là câu tôi hay léo nhéo trong ngày, tiếng “Mầm” tôi học một cách vô thức từ cách xưng hô của chị. Tên tôi hồi ấy là “ Mầm”, chị gọi như thế thay vì gọi “cậu” là tiếng người làm gọi con chủ nhà .
Người nhũ mẫu trẻ gọi tôi như gọi một đứa con và tôi xưng mình như thế, giống chuyện một anh nước ngòai đến Hà Nội thời mở cửa. Bà nội của bạn anh Mỹ hỏi “ Anh khỏe không?”, Mỹ đáp “Anh khoe lam, con …em?”, ấy là do trước đó anh được bạn gái dạy cách xưng hô với cô như thế. Tiếng Anh chỉ có I và You thôi, còn tiếng nước tôi thì nhiều vô kể tiếng để xưng hô.
Dân làng tôi hiền lành và có văn vật một miền quê, đủ trí khôn tôi nhận ra họ ăn nói với nhau không kiểu cách nhưng thật thân tình như chỉ sợ làm mất lòng nhau và sợ mang tiếng hàm hồ khổ cho con cháu và mang tiếng cha mẹ ông bà. Thuở đầu đời tôi học được thứ tiếng Việt có gói lễ nghĩa trong đấy. Tiếng nói không phải để khơi hận thù, hủy diệt mà là để đi tới hòa hợp. Trời ơi, "Đêm qua tát nước đầu đình / Để quên cái áo trên cành hoa sen...", có ở nước nào trai tỏ tình với gái mà tinh tế tình tứ như trai quê nước tôi? Cành hoa sen làm sao mang nổi cái áo nhưng thây kệ, chỉ là lung khởi cho người ta hiểu ý mình thôi mà! Và cũng chẳng đâu trên trái đất này nghe được cái não lòng của kiếp người "Trời mưa bong bóng phập phồng/ Mẹ đi lấy chồng con ở với ai", không biết đó là tiếng than của thiếu phụ hay của đứa con thơ dại?
Quá trình học tiếng Việt kiểu tự nhiên chủ nghĩa đó của tôi nếu xét theo “lịch sử dân tộc” thì có thể gồm mấy thời kỳ. Từ bập bẹ - 1945 ngấm từ những lời ru truyền thống không phải của bà, của mẹ mà là của chị vú, chị nuôi em; 1945-1950 là thời Việt Minh, những tiếng thằng Tây, Việt gian, dân quân, phụ nữ… con nít không hiểu gì nhưng nghe miết rồi cứ thế mà hót như…chim! Tiếp theo, 1950- 1952 là lúc Tây quay trở lại chiếm vùng quê tôi. Nghe và phải chào ảnh một cái ông mặt bụ bẫm phương phi no đủ mặc đồ Tây tóc chải bóng lộn treo trong lớp là…Đức Quốc trưởng- cũng chỉ chào như máy, nói như sáo mà chẳng thấy ông Bảo Đại là một người gần gũi với làng mình.
Trước thì học được những tiếng dân quân, du kích, đồng chí, chủ tịch…sau là tiếng hương dũng, xã trưởng…Đứa bé là tôi mới chút xíu tuổi trời đã trải qua những bài học từ vựng chọi nhau. Lớn lên chút nữa thấy sự chọi nhau của một số tiếng Việt đã mở ra số phận của dân tộc mình mà tôi lênh đênh theo nó…
2. Đường phố là trường dạy tiếng
Năm 1951 bỏ quê lên thành phố Nam Định ở trọ nhà thông gia của bố. Đó là một thành phố đẹp, nhỏ nhắn và văn hiến hao hao như Mỹ Tho ở Nam bộ, vào mùa hè thành phố nhiều hoa phượng cùng tiếng ve ran như một dàn đồng ca một giọng. Sang thu, phảng phất một mùa thu Paris mà cậu bé học được qua những bài lecture trong giờ Pháp văn, ẩn hiện đâu đó trong hồn những chiếc lá vàng và hơi thu vườn Luxembourg . Thành phố không quá nhỏ cho những bước lang thang hết sức tự do của một đứa bé xa nhà không bị câu thúc. Tất nhiên thành phố có bố cục thành những con đường, nhà có số và không biết đó là nhà của ai, khác với dưới làng vốn đã in đậm trong lòng đứa bé. Phố thay cho xóm!
Lên đây những ngày đầu tiên tôi hơi ngơ ngác vì là ở nhà thông gia của bố, không có ai quen, không còn được nói, được nghe, được học cách nói năng của dân làng tôi nữa. Tuổi 12 may mà lên thành, bằng không thì gia đình đã hỏi vợ cho tôi rồi, nếu chuyện ấy xảy ra lúc đấy chắc tôi cũng…không từ chối, vì sợ gia đình cũng có mà vì đã thấy con gái làng đang từ hiền lành bỗng hóa… hay hay! Tôi dậy thì sớm lắm.
Quen dần với những tiếng Paul Bert- tên đường phố, Camp Carreau- phố Cửa Nam, phố Hàng Đồng là thân thiết đáng yêu nhất vì ở đó có tiệm phở ngon số một…Thành phố lúc đó rất nhiều lính Tây, những tấm bảng hiệu bằng chữ Tây và nhận ra ngay là không còn tiếng gà gáy, tiếng chó tru trong đêm thanh vắng nữa. Chiều ra Bến đò Quan nhìn sang bờ bên kia thấy xóm làng của người ta và bỗng nhiên thấy mình đang khóc, không hu hu nhưng đẫm lệ. Một lần nhìn con tàu hai tầng đưa mũi tách bờ lòng tôi buồn như chết chỉ muốn bỏ mà về nhà ngay nhưng đường xa xôi quá mà từ thành phố về phải qua một lằn ranh có tốp lính Bảo Chính đoàn đứng canh gọi là vành đai trắng.
Cái mà tôi nhanh chóng nhận ra đó là quà rong tràn ngập phố xá, cổng trường, quà sang trọng lạ lẫm như kem, bánh Tây, nước đá, những lọai bánh nướng thay dần bánh gói lá ở quê. Chúng mới “phá” bao tử làm sao! Nghe những tiếng rao của người đàn ông Tầu P h á x a, L ụ c t à o xá, Dầu chắc quẩy …thấy tên ông toàn quyền Đông Dương khó thân hơn là tiếng rao của người bán hàng rong, nó vừa gần gũi vừa giúp thỏa cơn thèm ăn và đau khổ khi túi không có một xu, nhất là vào những ngày mùa đông. Quà ngon lại lạ mắt cũng giúp nguôi dần chuyện nhớ nhà. Là đứa trẻ suốt đời ham ăn ngon, tên của món ăn rất dễ thuộc và hiểu rõ được tiếng ấy chỉ định cái gì, gợi lên hương vị gì và, dần dần nhận ra tính tinh tế gợi cảm của tiếng Việt. Phở tái nghe thì có vẻ bổ nhưng bổ chưa hẳn đã ngon, ai mê ngon thì học được tiếng nạm, gầu, sách trong họ hàng nhà phở, mỗi tiếng gợi cho tôi một cảm giác riêng điều mà tiếng Pháp ở VN thuở đó chỉ có một từ Soupe chinois để gọi phở, mà dịch sát nghĩa ra thì đó là…súp Tầu hoặc cháo Tầu, là một sự nghèo nàn của tiếng Pháp, nó xúc phạm đến phở, món ăn tinh tế, tổng hòa động thực vật nhiều tính văn hóa và theo thời gian đã chiến thắng vinh quang trước nhiều món ăn quốc túy khác của thế giới!
Lên thành phố, học trường đạo thế là muốn hay không cũng phải học lấy những từ Phêro, Gioan, Maria…sau tên mỗi ông thầy là linh mục. Buổi chiều cùng hai thằng bạn cùng lớp trốn nhà ra bờ hồ rửa xe mướn cho lính Tây và đó lại là những người thầy dạy tiếng Pháp thân tình. Vừa học nói, học tiếng lại vừa được trả công bằng bánh kẹo thì quá sướng còn gì. Đồ hộp của Tây không ngon (sau này so với đồ hộp Mỹ mới biết) nhưng ra hồ giành giật mối xe mới là thú vị. Nhờ nói tiếng Pháp kha khá nên luôn có xe để rửa, và ở đây chen chúc giữa những đứa trẻ bụi nên học được tiếng mới là tiếng lóng. Gạch mặt là người Sénégalais ngay khi sinh ra đã bị gạch 6 vạch trên hai má theo phong tục bản xứ, họ là lính trong quân đội Tây, những người không quê hương chính hiệu. Gặp những người này bọn chúng tôi được hậu đãi hơn vì hình như họ hào phóng hơn dù đó là “lính lọai 2” trong qưân đội chiếm đóng, trông họ dữ dằn nhưng thật dễ chịu; cột nhà cháy thì khỏi nói , một tút là 10 gói thuốc Gaulois lính Tây trả công…
Đời lang thang mới biết đường phố là trường học tiếng thật trứ danh, học nhanh, đa đạng và thực hành cấp kỳ tốt. Quỷnh = nhà quê, tẩn =nện, kê tủ đứng = chặn họng, chớt = ăn hàng, Marie Sến phông ten = người ở gái (vốn gọi là con Sen, ban đêm thường tụ tập quanh vòi nước công cộng [fontaine] gánh nước cho chủ)…gần đây có người giải thích Ma ri Sến xuất hiện khi một cuốn phim trình chiếu ở Sài Gòn năm 60 có diễn viên Maria Shell đóng, rất có lý nhưng Mari Sến như nêu trên, tôi đã nghe và nói từ trước đó cả mười năm. Và tất nhiên học lười hay bát phố thì phải quay phim khi làm bài trong lớp.
Một chút éo le, trong lớp toàn con trai nên không khí nghịch có phần lấn át, thế mà mỗi sáng vào lớp có đạo hay không cũng đều phải đứng lên đọc kinh với đầu cúi xuống mà kinh thì toàn những tiếng người ta viết từ thời nảo thời nào, lủng củng vừa làm sao ấy.
Một lần đang đọc kinh, ông cha mắt thì lim dim, đầu cúi xuống trang nghiêm, nhìn xuống sàn lớp tôi thấy chân ông đang nhịp nhịp rất quấy thế là tôi phì cười. Theo nội quy, ông cha trao cho tôi một mảnh giấy ghi “2 consignes + 30 roi”, trong giờ ra chơi kẻ “ báng bổ đấng chăn chiên” phải lên phòng giám thị nằm úp mặt xuống giường thọ phạt, đau chết người mà còn phải khoanh tay nói thưa cha con biết lỗi khi lòng thấy mình chẳng làm gì nên tội.
Một lần có ông cậu ruột bị Tây đi càn bắt đem về thành phố, người nhà lên nói Tây thấy ông thì nó bắt chẳng cần biết cậu tôi có là Việt Minh hay không vì hình như dưới mắt Tây cứ ở vùng quê thì ai cũng là Việt Minh cả. Lớn thêm chút nữa tôi hiểu điều đó là có lý! Cậu bị giam ở Nhà Máy chai và gia đình giao cho tôi công việc tiếp tế hàng tháng, đó là nơi kín cổng cao tường và nhiều dây thép gai, chẳng thấy chiếc chai nào như tên gọi, nhà máy thành nhà tù, chiến tranh mà!. Qua chiếc cổng có hai lính canh, tôi hỏi và một lính gạch mặt chỉ cho tôi khu cậu tôi bị giam.
Tấm bảng “Tù mãn chiến tranh” gợi trong tôi rất nhiều thương cảm, vào khu này là những người mà Tây không chứng minh được là du kích nhưng thả ra thì ngại bèn nhốt luôn. Quân viễn chinh trên đất nước người ta làm sao chứng minh được điều này khi hồi còn ở dưới làng tôi đã nghe ai đó bảo Tây thường nói Ma Việt Minh vì có đó rồi biến lúc nào…Tây chẳng rõ! Họ xác xơ và những người đi tiếp tế còn xơ xác hơn.
Ra vào khu này vài lần tôi chợt nghĩ những người vào đây không phải Việt Minh cũng sẽ thành người của Việt Minh và cuộc chiến tranh, theo suy nghĩ của tôi lúc ấy, sẽ không bao giờ kết thúc. Tôi bắt đầu nhận ra trong lòng mình có cái gì thật buồn, mỗi lần mang quà bánh vào cho ông cậu càng thấy buồn hơn. Một lần tôi thấy mình bùi ngùi muốn khóc khi mường tượng sẽ không bao giờ còn được bước chân trở lại khu nhà giàu có, xóm làng thanh bình thân thiện nữa. Không giải thích được, chỉ là nghĩ chênh chao vậy thôi. Mấy chữ “Tù mãn chiến tranh” ám ảnh tôi hoài về việc về lại quê nhà, nhất là mỗi khi rửa xe cho lính Tây.
Thành phố thành nơi xa lạ, xa lạ mỗi ngày một thêm…Mỗi tối đi qua những con đường có ánh đèn xanh đỏ của các Bar buvette tôi biết thêm tiếng nhà thổ, một thứ làng quê tôi không có, jamais de la vie!
3. Học trên đường thiên lý!
Trong cả tuần lễ liên tục vào đầu tháng 7-1954, có những đám khói bốc lên ở chỗ này chỗ kia trong thành phố Nam Định, nó vẫn yên tĩnh ít ra là cho lứa tuổi tôi, không có không khí lửa bỏng nước sôi nhộn nhạo thất thần như một cuộc “tháo chạy tán loạn” tại Sài Gòn những ngày tháng Tư 1975 sau này.
Một buổi sáng ra đường sớm tôi thấy ngoài phố có vẻ gì bất thường, một vài người cảnh binh hớt hải chạy theo những chiếc cam nhông, khói cao hơn và mù mịt khi tôi dừng chân trước tòa tỉnh trưởng; qua vườn hoa chỉ có vài chiếc lá trên lưng con hổ tượng mà tôi hay cỡi và bị người coi vuờn chỉ tay quát ê ê, những ông già hay ra đấy khi rạng đông sáng nay thưa thớt lắm.
Buổi chiều, trong cái ngơ ngác không hiểu gì của tôi, những chiếc xe mà tôi chưa hề thấy bao giờ và những người lính cũng chưa hề quen mắt tiến vào thành phố. Việt Minh vào, thì ra lính Tây bỏ thành phố rút đi, không có đánh nhau. Cờ đỏ sao vàng lác đác trên đường, thông báo của Ủy ban Tiếp quản đọc nơi này nơi kia, thành phố Nam Định thay đổi chủ. Trong lòng tôi không một chút hoang mang, cũng không có chút gì hoảng sợ nhưng nhận ra một cái gì đã thay đổi và mơ hồ thấy mình bị cuốn theo nó. Tôi nhớ nhà.
Một ít ngày sau, thấy không còn có thể ở lại nhà thông gia, tin tức của gia đình cũng mất biệt, không biết phải làm gì, xin được ít tiền tôi mua vé ô tô đi Hà Nội theo với người hàng xóm là công chức bị Tây bỏ rơi. Như một cuộc đi trốn, nhìn vẻ mặt của những người trên xe tôi hiểu ra như vậy. Đến Hà Nội vào buổi chiều, đang tháng Bảy thành phố nóng hầm hập vẫn lính Tây đi pa-tui và nhộn nhịp, không ai để tâm đến một đứa bé đang hoang mang không hiểu vì sao lại lên đây, nhất là rồi sẽ đi đâu từ bến xe này.
Đi Hải Phòng mấy tháng sau đó. Hải Phòng đặc nghẹt người, trường học, vườn hoa, nhà hát..không còn chỗ cho người tứ xứ đổ về, tạm trú chờ xuống tàu di cư vào Nam . Mười lăm tuổi, tôi đi theo gia đình ông thầy cũ của bố! Quê nhà cùng những người thầy khai tâm cho tôi vĩnh viễn ở lại sau lưng!
Đặt chân lên Sài Gòn, chưa biết phải làm gì đã gặp ngay những tiếng Việt lạ cả về chữ cả về cách phát âm, mỗi ngày gặp một nhiều. Lớn dần theo thời gian, hiểu ra cái chiều dài của nước Việt như một trang sách của những phương ngữ, và từ đây phương ngữ Nam bộ là thực phẩm nuôi tôi lớn lên.
Tiếng Việt khi vào tới Nam bộ đã trở nên phong phú hơn rất nhiều so với khi còn ở cái gốc của nó. Người miền Nam ít nói những câu nhiều mệnh đề, mà câu thường ngắn, gọn và khi phát âm phải thật thoải mái. Ở đây hiếm có những câu khúc khủyu lắt léo giống tiền đạo đi bóng, như “Nồi đồng nấu ốc, nồi đất nấu ếch” ấy là tại cái tính người Nam bộ không ưa câu thúc, tự do phải có, ngay cả trong cách nói thường ngày, trong mọi bối cảnh.
Nhưng không hiểu vì sao, khi chỉ tính cách, hành vi, tình cảnh…của một ai đó, người ta thường có những tiếng đôi, trong đó có một hư từ dùng trong nhiều trường hợp. “Cà” và “Ba” là một ví dụ. Cà rịch cà tàng như chiếc xe, cái máy cũ kỹ trông ọp ẹp thiểu não làm sao! Cà chớn, thì chính là một người lông bông, tính tình không nghiêm túc, khó lòng tin tưởng giao phó một việc gì, giao con gái cho thì càng không. Cà giựt cũng một dạng ấy nhưng nhẹ nhàng hơn, chỉ một tính tình hay thay đổi sáng nắng chiều mưa, nhẹ hơn nhưng cũng khó tin tưởng trong công việc cũng như mọi giao dịch khác. Cà rỡn là người hay bông đùa khó biết lúc nào là thật khi nào là dỡn. Người Cà nhõng không chí thú làm việc gì, đi rông là chủ yếu, lang thang chuyện nào cũng ghé, không cái gì ổn định.
Ba xạo là một tính cách nặng, thích bốc phét sai sự thật, hay thất hẹn nhưng hình như không có ý lừa gạt ai? Người Ba lơn là người hay bông đùa, có phần vui vẻ quá mà không được đặt nhiều tin tưởng. Ba hồi hình như hơi tưng tửng, lúc vầy lúc khác, như anh chàng chồng khi hay đánh vợ có lúc lại rất ư tử tế. Lai rai ba sợi, Ăn ba hột cơm, Ba cái chuyện lẻ tẻ…cũng lại phải ghép với “Ba” mới thành, nhưng “Ba”, "Cà" có nghĩa là gì? Thật dễ thương nhưng không dễ giải thích. Ngày nọ ra tiệm chạp phô đầu đường mua một ít đồ tôi gặp một người quen, người này hỏi “Ủa, chớ bộ nhà anh ở khu này hả?” Tôi còn chưa kịp mở miệng thì chị chủ quán đã nhanh nhảu nói thay “Thẩy d z ớ i tôi đâu đít d z ớ i... n h a o ”! .Thì ra là gần gũi thân thiết đến vậy, không thân làm sao "đâu đít" được với nhau! Mà chỉ đâu hậu cái nhà chứ cái kia hồn ai nấy giữ, có được "đâu" bao giờ! Có một từ chỉ Nam bộ mới nói mà phải là phụ nữ nói nghe mới "đả" : Nè! Mắc dịch nè! Coi nè! Ngộ chưa nè!...Có khi nhiều lần nè làm thành một lần thương!
Thời đi học ở Sài Gòn lại càng “một chân trong nhà, một chân ngoài đường” nên tôi thuộc nhanh một thứ tiếng rất Sài Gòn là Tiếng lóng vốn là tiếng “chợ búa”, mỗi giới một thứ tiếng lóng riêng và có lẽ chỉ các bậc tu hành mới không có tiếng lóng chuyên dùng (chứ không phải không dùng).
Sài Gòn là đất trẻ, nhiều dân tứ xứ (Trung Nam Bắc chen vai thích cánh với Hoa, Ấn, Tây, Mỹ v.v). Chủ yếu là thành phố công thương nghiệp tạo thành lớp cư dân linh họat, nhiều sắc thái, cá tính hơi “bốc”, trọng nghĩa khí mang tính giang hồ, thích sống thoáng, ăn chơi, khoái hoạt. Hơn nhiều nơi khác, sức ma sát ở đây rất mạnh, càng mạnh càng bén nhạy trở thành đắc địa của tiếng lóng.
Dân chơi rủ nhau xuống xóm phải có dụng cụ ngay cả lúc nắng đổ lửa là áo mưa. Và rồi vào năm 1963, khi vị tân đại sứ nước ngoài cạnh chính quyền Sài Gòn là Cabot Lodge thì ngay lập tức áo mưa chuyển thành…ông đại sứ! Là vì Cabot hao hao tiếng Pháp capote, cái áo mưa thực! Ông chủ quán cà phê La Pagode nếu giờ còn sống liệu còn thắc mắc vì sao có mấy chàng trai ngày nào cũng kéo đến kêu cà phê lát rồi bỏ đi, chỉ có một người ngồi lại…đọc sách cả tiếng đồng hồ.? Không đâu, ngồi làm va li chờ bạn đi kiếm tiền đến …chuộc đó!
Trên đường thiên lý Bắc Nam , tấm bánh chưng đã cách tân thành đòn bánh tét cho dễ mang rồi chăng? Không có câu trả lời làm hài lòng mọi người nhưng lợn thành heo thì đã rõ, lại…nhưng, vì sao người phương Nam kêu là con heo mà lại làm ra bánh da lợn và trong khi người miền Bắc nuôi con lợn mà lại “nói toạc móng heo”?
Là hỏi thế, cũng trên đường thiên lý ấy tôi dừng một trạm ở Huế. Thì ra tiếng Việt thật lạ lùng, xuyên qua những dấu giọng rất khác nhau tiếng vẫn là tiếng, có khi rất lạ tai nghe vui vui mà chẳng hề ngơ ngác. Ông Giôn, nghe tưởng một Mỹ nào nhưng hóa ra đấy là ông… chồng! Anh thanh niên Huế chỉ tay về phía một thanh niên đang đi vào quán mà chúng tôi đã hẹn, nói: “Eng nớ đó tề, dân mệ đó…”, hỡi trời Mệ không già chút nào, mệ lại là một đực rựa, chính xác là một nhà thơ, dòng hoàng tộc! Tôi còn nghe một người nọ vào nhà một người kia bị chó của người kia xông ra tiến công, người nọ sợ hết hồn ( đồng bệnh tương lân, tôi rất hiểu những phút hồn xiêu phách tán đó) nhưng người kia không cứu anh ta, chỉ nói “Chó sủa không răng mô!”
Khi miền Nam có chủ mới , thành điểm đến của một dòng người từ ngoài vào, Sài Gòn làm quen - dĩ nhiên rất nhanh- tiếng lóng mà những đánh quả, con phe, vé , chai, bôi trơn, mắt thứ hai tai thứ bảy, phao v.v. theo đoàn tàu mới chạy vào đã trở nên quen thuộc. Có hai thứ không phải ngôn ngữ nhưng rất… biểu cảm : Cục gạch cắm miếng giấy lác đác có mặt trên hè phố để tiếp thị xăng lậu và cái..Phong bì, có nên coi đó cũng là tiếng lóng ?
Chỉ biết, sau ngày 30-4 khi “gió đưa cây cải về trời/ rau răm ở lại chịu đời đắng cay”, tôi học được hai tiếng dành ngay cho mình - học tập và nơi ấy không phải vỉa hè, không là đường phố mà là trại cải tạo, một tiếng rất lạ mà tôi “học” suốt 3 năm với một học phí sòng phẳng như một sự trả món nợ mà tôi không vay, không vay nhưng đòi thì trả! Và với một tâm trạng không thù không hận- lịch sử có cách làm riêng của nó, tôi có cách nghĩ của riêng tôi!
4. Từ “Sổ” hóa đến “Số” hóa
Liếc sang chiếc đồng hồ thấy mới 5 giờ sáng, thế mà đã lọ mọ trên mạng hơn một tiếng và bỗng nhiên nhớ tới bài thơ của 20 năm trước, bài thơ viết trên giấy hẩm trong một tâm trạng nửa muốn sinh ra nó nửa bảo không. Lúc đấy đã 15 năm không có hứng làm thơ và cũng không buồn cầm bút lên, là hết một thời gian đời Kiều bị mang ra làm thí điểm, thấy nhà văn cũng không dễ chịu là bao…
Ra khỏi trại cải tạo bước ngay vào một thời “Sổ” hóa. Đầu tiên hết thảy là cuốn sổ hộ khẩu, trong đó thấy không có tên mình và người chủ hộ là bà mẹ của các con. Khái niệm hộ thay thế gia đình! Cảm giác bâng khuâng thôi thế từ nay là hết đời cái cột nhà! Cầm tờ giấy ra trại thấy họ đóng sẵn khung chữ nhật trong có dòng chữ “Khi về không được cư trú tại các thành phố thị trấn thị xã biên giới” bâng khuâng hỏi…vậy sống ở đâu? Nhưng rồi nghe liền là mình được tạm trú (tại nhà mình!) trong tình cảnh bị quản chế. Trước mắt là quen với cách viết lòng thòng không chấm không phết. Một lần đọc báo thấy người ta diễu ông quan chức về bài phát biểu (đánh máy) của ông: “Bọn Pôn Pốt giết đàn bà có thai ông già…”. Trong nhà, người thuộc nhất những tiếng sổ gạo, sổ nhu yếu phẩm, sổ cám là tôi- chồng chủ hộ và là người tạm trú, một chuyên viên tháng tháng mang những thứ sổ ấy đi chầu chực xin mua. Có lúc nhìn những người cùng cảnh trong ánh điện lờ mờ của bóng đêm, sau đó vào lúc trưa khi nhìn lại họ tôi thấy “ khi xếp hàng còn là cô gái, mua xong hóa…bà già”.
Tới khi đi dạy lại là vô số những cuốn sổ vây quanh, sổ giáo án, sổ chủ nhiệm, sổ điểm, sổ hội họp…Bắt tay trở lại với nghề, trong chương trình Văn lớp 11 có trích hai câu trong thơ Nguyễn Công Trứ rằng “Nhân sinh tự cổ thùy vô nghệ/ Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh (đúng : tử, thay vì nghệ), biết thật nhanh rằng rồi đây còn phải “nói hai thứ tiếng” như vậy nữa.
Bể học quả thực mênh mông, càng học càng thấy mình chưa biết gì nhiều. Là cách…làm nghèo tiếng Việt bằng sự “tập trung hóa” một số tiếng. Tranh thủ, xưa vẫn là tiếng chính trị ( Phong trào tranh thủ tự do…) bây giờ bao nhiêu thứ “tập trung” vào nó : tranh thủ cảm tình của sếp, tranh thủ điểm với người khác phái, tranh thủ lúc nghỉ để hút thuốc, đi chợ…Tiếng Việt vốn có khả năng đi sâu vào ngóc ngách tâm tư của con người, mỗi ngách có một phương tiện riêng đặc dụng, sự giàu có của tiếng nước tôi là ở chỗ đó, nhưng nay thì khác.
Một lần đã khá lâu, đi Vũng Tàu đọc được tấm bảng “Trung tâm thu mua giết mổ gia súc gia cầm”. Nghĩ đến sự tốn tiền của tấm bảng! Chi mà “trung tâm” cho lớn lối? Thu mà không mua chẳng lẽ lấy không của người ta? ; giết con bò con heo có lẽ nào không mổ cứ để nguyên con mà bán? Bệnh trùng hai tiếng cùng công dụng, lãng phí thay! Lắp ghép là một ví dụ. Cũng thế, tiệm may một thời là “Cửa hàng may đo”, chao ôi, muốn may áo quần thì đương nhiên phải đo rồi, không đo mà cứ may tràn thì nó thành cái áo choàng tùm hụp của phụ nữ Ả rập! Nếu như thế phải đề là “Cửa hàng may đo cắt khâu vắt xổ...” may ra mới có chỗ cho mọi công đoạn cùng có mặt trong việc làm ra áo quần cho công bằng!
Từng ấy năm là một quãng thời gian đi rất nhanh, rất nhanh ứng với quá trình học-mà-không-hỏi cách sử dụng tiếng “chính trị” cho các lĩnh vực khác. Từ khi về nhà chồng cô gái luôn cố gắng làm tròn vai trò người vợ người mẹ người con trong gia đình…, giả định đó là một đọan trích thư của một cô vợ gửi đức anh chồng, nhưng có thời “sổ hóa” nó đi thành “ Kể từ quá trình bắt tay nhau xây dựng gia đình, em luôn phấn đấu hoàn thành chức năng nhiệm vụ người vợ, người mẹ và người con trong gia đình để anh yên tâm công tác hòan thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao…”. Tình cảm đời thường một khi “chính trị hóa” nghe khô khốc làm sao! Tât nhiên lá thư không có mấy chữ “hôn anh” vì e có phần…hủ hóa!
Chuyện có thật .Một lần đâu khoảng năm 80 gì đó, đi dự một đám cưới của anh bạn đồng nghiệp, người trưởng họ nhà gái mặc đồ cán bộ tóc có phần muôi tiêu đứng lên tuyên bố lý do..rồi bất thần ông hô “Nghiêm” để mọi người nhìn lên lá cờ! Lễ tuyên hôn thay vì lễ cưới truyền thống, mới thì có mới nhưng đâu phải cứ mới là không dị ứng.
Trong cái tật dài dòng khi nói khi viết dường như có ẩn chứa một sự kỹ lưỡng sợ người nghe không nắm (xưa là nắm một vật hữu hình nay nắm cả cái vô hình) hết ý mình, nên mới có chuyện truyền nhau như vầy. Một cửa hàng bán cá ở mặt tiền một hôm có tấm bảng ghi chữ lớn (may là ghi bằng phấn): Hôm nay cửa hàng có bán cá tươi. Một khách mua nói chẳng lẽ hôm qua? Chủ tiệm nghe có lý bèn xóa hai chữ hôm nay. Lại bảo cửa hàng này rành rành chẳng lẽ là…chỗ khác? Chủ ngớ ra bèn xóa thêm hai chữ cửa hàng! Khách không sợ chậm về cá bị ươn, nói cá để bán không lẽ để biếu không? Bẽn lẽn một chút, chủ bôi thêm hai chữ có bán, tưởng mọi sự đã xong. Nhưng khách là một người ham học tiếng Việt nên trước khi đạp xe đi còn bảo, từ xa đã ngửi mùi tanh, đã nhìn thấy cá trên sạp không lẽ khách lầm với thịt chó? Tấm bảng sạch trơn, chủ định mang vào nhà thì khách ngăn lại nói: Anh quên một thứ rất quan trọng là…bảng giá! Thừa và thiếu là như vậy! Tiếng Việt xem ra cũng khá “nghiệt”, người Việt học nó đâu có dễ!
Hội nhập với thế giới ắt là sẽ tiếp nhận nhiều khái niệm, tri thức, khả năng đào sâu vào những cõi xa thẳm của đời, của cộng đồng, của biển học và của những góc khuất, những nỗi éo le, những chuyện tình đẫm lệ, cả khoảng tối dưới chân đèn của con người. Những thứ ấy đến từ thế giới bằng ngôn ngữ vào Việt Nam . Tiếp thu phải giải quyết ổn thỏa, hợp lý và mang tính cách Việt Nam trong một chừng mực có thể. Người Tầu đi trước cho nên một số từ phương Tây du nhập vào đây qua con đường của họ và do các cụ nhà mình vốn thâm nho tiếp nhận. Do thế, London mới thành Luân Đôn, Italie thành Ý Đại Lợi, Montesquieu thành Mạnh Đức Tư Cưu, và một cách vui vui Inspiration thành...Yên Sĩ Phi Lý Thuần hoặc ai đó dịch Laboratoire thành Lã Bố Ra Tòa bị Tản Đà (hay Ngô Tất Tố) chửi cho là...đồ vô lại v.v. Sau một thời kỳ tồn tại , nhiều tiếng nước ngoài đã được điều chỉnh, Montesquieu đọc theo nguyên ngữ mà không theo Tầu nữa.Nhưng rồi có lẽ vì muốn “quần chúng hóa” cao nên lại có kiểu mới phiên âm cả tiếng nước ngoài chỉ tên riêng. Cap Vert ( tên đất, có nghĩa Mũi (đất) Xanh) đem phiên thành Cáp Ve thì vừa mù tịt nếu tìm trên bản đồ vừa dị hợm làm sao ấy. Cap de Bonne Espérance nghe là hiểu liền đất ấy có nghĩa gì và vì sao người ta gọi nó như thế, đem phiên âm thành Cáp Đơ Bon Ets Pê Răng Xơ nghe lủng củng, mù tịt mà cũng không kém phần khôi hài…Sao không dịch là Mũi Hảo Vọng?
Muốn cho quần chúng đọc được sao không nâng quần chúng lên mà lại hạ tri thức xuống? Hạ tri thức xuống khác nào gọt chân cho vừa giày? Trước đây nghe đồn nhà bảo sanh nọ gắn tấm bảng “Xưởng đẻ” thay cho “Phòng sanh”, lời đồn mà đúng thì quá tội nghiệp cho tiếng nước tôi vốn là thứ tiếng sang cả thanh lịch chứ đâu có hạ cấp như vậy?
Sang thời “Số hóa” phải nói báo chí giữ vai người thầy khá hiệu quả. Đặc biệt là báo trào phúng. Ở đây có lối “Từ điển tra ngược” khá phong phú làm cho nhiều sự việc được gọi đúng tên hoặc đúng bản chất của nó. Trong một bài phản ảnh kỉểu nói cho xong chuyện của “quan”, nhà báo hạ hai tiếng “Nô tế bồ” (no table = miễn bàn !) là đủ thay một lời bình luận dài dòng mà dễ mếch lòng! Chìm xuồng là hai tiếng có tuổi thọ rất cao, có khi đạt tuổi ông Bành Tổ không chừng. Nói dài nói dai nói thừa nói thiếu là những khuyết tật của “ông thầy” mà người Việt Nam chính cống học tiếng Việt thời nay phải nên lưu ý để…tránh vết xe đổ của…thầy! Và thời “số hóa” còn kiểu…phịa ra tiếng Việt. Một nhà văn viết rằng: Một tin nhắn (chị mua bánh mì cho em nhé) được chuyển thể sang ngôn ngữ 8x như sau: “Chj mua bah' mj cho em nak” hoặc “C by bak' mj 4e nk”. Nghe đâu người nhận tin phải điện hỏi người nhắn muốn làm gì!
Sử dụng tiếng Việt trong văn nói và văn viết đang ngày càng biến tướng thành một ngôn ngữ tiếng Việt không phải, tiếng Anh cũng chẳng giống mà gọi là ký tự thì cũng không đành. Trên thế giới chắc chỉ có Việt Nam mới có kiểu pha tạp ngôn ngữ như thế này : “Chị có khỏe không? Bao giờ chị được nghỉ hè thì về nhé. Bố mẹ nhớ chị lắm đấy. Đừng quên mua quà cho em nữa”. Và bản được “mật mã hóa” là “Cj c0' koe? 0? Ba0 gj0 Cj du0c ngj hE, b0^' mE. nk0' Cj lEm' dey'. don't 4get by quA` 4e nUk.”. Đây là đỉnh cao của tiếng Việt thời “số hóa”? Nô tế-bồ!
Tuổi đời đã hơi nhiều nhưng có “ăn” của trời tất phải ra công để “học”, mà tiếng nói là báu vật trời cho. Học đến chừng này chưa nói là biết được gì nhiều về tiếng nước tôi, nhưng hiểu vào thời điểm hiện nay, tiếng Việt vừa bị “ lạm phát” lại vừa “ thiểu phát”. Lạm phát ở cấp độ 1 thì có tiếng “chỉ đạo” bởi hễ có chút quyền là ai cũng dùng nó được mà nhiều khi chỉ là…trống rỗng. Một ông hiệu trưởng giao việc cho thầy cũ của mình cũng bảo “Thầy làm đi có gì khó khăn báo cáo để BGH chỉ đạo tiếp”. Sao khi giao không chỉ đạo hết mọi tình huống đi? Lạm phát cấp độ 2 có lẽ là cụm từ nghe quá quen thuộc nhận khuyết điểm, vì từ một cậu học trò gian lận đến các quan chức làm sai pháp luật nghiêm trọng cũng đặt mấy tiếng này trên môi (chứ không phải trong lòng) thể hiện một thứ pháp luật bao che.
Còn ở cấp độ lạm phát phi mã phải chăng là hai tiếng…chìm xuồng? Bởi biết bao người oan ức trong đó có cả người có công với đất nước đã mất nhiều năm khiếu kiện mà cuối cùng hồ sơ nằm yên giấc ngàn thu trong hộc của Phủ Khai Phong! Trong những thứ mà tiếng Việt bị “thiểu phát” tức botay.com, nôm na là “hút hàng” thiết nghĩ nên nhớ làm lòng hai tiếng “trách nhiệm” !
* Vĩ thanh
Tôi rất mê ăn ngon, mê người tình, mê làm thơ và mê tiếng nước tôi, đó là những thứ mê cho đến hơi thở cuối cùng! Và một đời tôi bao lần thấy tiếng nước mình như bờ lau bên sông trước cơn gió xa tới. Tôi tin là khi gió đi qua những ngọn lau sẽ trở lại như nó có, và tôi cũng tin người ta có thể vừa đón gió mới vừa giữ được bờ lau. Có điều, là người nóng nảy, tôi không muốn đây sẽ là chuyện để dành cho đời con cháu mình!
5-2010