khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2019

Ngọc Lễ và Phương Thảo song ca Cà Phê Một Mình






24 Tình Khúc Chọn Lọc Của Nhạc Sĩ Vũ Thành






Đậu Phụ Nướng - Tác giả Quyên Di






Rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận!- Tác giả Đoàn Xuân Thu






Saxophone - The Sound of Romance






Quang Tuấn hát Nhặt Cánh Sao Rơi, nhạc Vũ Thành






Anh Ngọc hát Tạ Từ, nhạc Tô Vũ





Ngàn Khơi hợp ca Nhớ Người Thương Binh, nhạc Phạm Duy






Duy Khánh hát Vẫn Huế Ngày Xưa, nhạc Châu Kỳ






Phạm Kim Ngọc, một kinh tế gia can đảm



BBC: Đâu là những đóng góp quan trọng, có y' nghĩa nhất của ông Pham Kim Ngọc cho Việt Nam Cộng Hòa và nền kinh tế của VNCH, thưa các ông?
Ông Nguyễn Đức Cường:Đóng góp quan trọng nhất của ông Phạm Kim Ngọc là khai trương kỷ nguyên dầu hỏa cho đất nước. Ông Ngọc đã gặp được ba cái may mắn như sau:
Thứ nhất, ông được trợ giúp kỹ thuật một cách tận tình và tài giỏi của ba chuyên viên Ba Tư (Iran) do chính phủ dưới thời vua Shah Pahlavi viện trợ miễn phí vì ông Ngọc là bạn cùng trường với ông Tổng Trưởng Tài Chánh của chánh phủ Ba Tư khi du học tại Đại học Kinh tế Luân Đôn (London School of Economics).
Nếu không có viện trợ kỹ thuật của Ba Tư mà phải dùng trợ giúp kỹ thuật của các công ty Hoa kỳ thì chúng ta sẽ gặp phải sự chống đối của các dân biểu phản chiến trong Quốc Hội Hoa Kỳ. Những người này cho rằng tìm được mỏ dầu sẽ tạo ra cớ cho chính phủ Nixon tiếp tục giúp đỡ Việt Nam Cộng Hòa để bảo vệ các mỏ dầu. Nếu Quốc Hội Mỹ làm khó dễ thì các công ty Mỹ sẽ không tham gia hoặc chấm dứt trợ giúp kỹ thuật, như vậy công cuộc tìm kiếm dầu hỏa của chúng ta sẽ bị chậm lại rất nhiều
Thứ hai, chúng ta đã tìm thấy vết dầu sau khi đào hai giếng. Theo các thống kê về tìm kiếm dầu hỏa, có khi phải đào tới mấy chục giếng mới tìm thấy dầu hỏa, và nhiều giếng nữa mới được biết mỏ dầu đủ lớn để có thể khai thác thương mại. Giếng Bạch Hổ là giếng thương mại đầu tiên khám phá dưới thời Việt-Nam Cộng Hòa mà sau này cho biết thuộc về mỏ dầu khổng lồ, có tầm vóc quốc tế, trị gía nhiều tỷ Mỹ Kim.
Thứ ba, Việt-Nam Cộng Hòa được sự hưởng ứng và tham gia mạnh mẽ của các công ty dầu hỏa lớn nhất nhì thế giới như là Esso, Shell vào cuộc gọi thầu khai thác dầu hỏa ngoài khơi vì họ có tài chánh mạnh, khả năng kỹ thuật cao và tổ chức lớn để khai thác dầu hỏa ngoài khơi. Trong hai lần gọi thầu chúng ta thâu được gần 50 triệu Mỹ Kim. Nếu ông Ngọc nghĩ tới việc thành lập một công ty quốc doanh để tìm và khai thác dầu như nhiều quốc gia khác đã làm, thì chương trình này sẽ không đem lại những kết quả khả quan như đã thấy.
Giáo sư Vũ Tường: Đóng góp của ông Phạm Kim Ngọc không chỉ giới hạn ở việc khai thác dầu mỏ. Giai đoạn khi ông Ngọc làm Tổng trưởng Kinh tế là giai đoạn đặc biệt khó khăn về kinh tế của Việt nam Cộng hoà khi chính phủ Mỹ bắt đầu rút quân. Vấn đề không chỉ là sự giảm dần chi tiêu và viện trợ của Mỹ ở miền Nam Việt nam, mà còn là vấn đề phải gấp rút tăng quân số của Quân lực Việt nam Cộng hoà để tự đảm trách việc chiến đấu thay quân Mỹ trong bối cảnh chiến tranh mở rộng.
Trong thời gian trước đó, khả năng thu thuế của nhà nước Việt nam Cộng hoà rất hạn chế, mà tăng thuế không phải dễ dàng. Đã vậy từ năm 1964 Việt nam Cộng hoà chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của xã hội dân sự và tự do báo chí, và từ năm 1967 có Quốc hội được bầu cử khá dân chủ. Không phải chính phủ Nguyễn Văn Thiệu muốn gì là có thể làm nấy mà những quyết sách phải được Quốc hội phê chuẩn và chịu búa rìu dư luận.
Nhờ những chính sách và biện pháp kinh tế quyết liệt do Bộ Kinh tế ban hành, nhà nước và kinh tế Việt nam Cộng hoà đã không sụp đổ trong tình hình khó khăn đó. Dĩ nhiên kinh tế miền Nam Việt nam vẫn không thoát khỏi sự lệ thuộc nặng nề vào viện trợ Mỹ, nhưng nếu chúng ta biết miền Bắc Việt nam đang nhận viện trợ từ khối Cộng sản tương đương hàng tỷ đô la hàng năm để dốc toàn lực vào chiếm cho được miền Nam, nếu Việt nam Cộng hoà có thể tồn tại mà không lệ thuộc Mỹ mới là chuyện lạ.

Để lại bài học gì?

BBC: Đằng sau những đóng góp trên, ông Phạm Kim Ngọc có thể hiện tư tưởng nào quan trọng nhất, kể cả về mặt tư duy kinh tế, lãnh đạo và quản trị mà có thể coi là bài học?
Ông Nguyễn Đức Cường: Tôi có thể khẳng định rằng ông Ngọc là cha đẻ của hệ thống kinh tế tiến bộ và hiện đại cho đất nước, dựa trên những căn bản cốt lõi sau đây: (i) Thả lỏng giá cả để thị trường định đoạt trong lãnh vực hối xuất, lãi xuất và hàng hóa, (ii) Xóa bỏ hoặc giảm bớt các kiểm soát để hàng hóa và dịch vụ được di chuyển dễ dàng và bớt phí tổn.
(iii) Khuyến khích lãnh vực tư nhân đầu tư, không đầu tư thêm vào các công ty nhà nước, (iv) Tạo một nền pháp lý vững chắc và rõ ràng để người đầu tư tin tưởng, thí dụ Luật Đầu Tư, Luật Dầu Hỏa, Luật Khung cho phép Hành Pháp uyển chuyển thay đổi hối xuất và lãi xuất.
(v) Thành lập những định chế cần thiết để thi hành luật lệ, như là Uỷ Ban Quốc Gia Dầu Hỏa, Ngân Hàng Phát Triển Kỹ Nghệ, Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp, Uỷ Ban Đầu Tư, Trung Tâm Dịch Vụ Đầu Tư, Viện Định Chuẩn, Khu Chế Xuất, Tổng Cuộc Dầu Hỏa, Tổng Cuộc Thực Phẩm Quốc Gia, phát triển khu Kỹ Nghệ Biên Hòa (thường gọi là SONADEZI); và
(vi) Quản trị kinh tế bằng các biện pháp vĩ mô ban hành tại trung ương, được áp dụng đúng mức, hợp thời và minh bạch.
Một số biện pháp trên đã được thi hành đầy đủ trong những năm 1971-1973, nhiều năm trước khi các quốc gia yếu kém về kinh tế buộc phải áp dụng do sự đòi hỏi của tổ chức tín dụng hay thương mại quốc tế như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) hay Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO).
GS Vũ Tường: Những chính sách do ông Phạm Kim Ngọc và đồng sự cùng thời với ông thể hiện tinh thần kỹ trị và tư tưởng tôn trọng cơ chế thị trường, quyền sở hữu tư nhân, và định chế xã hội dân chủ. Cụ thể là: quản trị kinh tế vĩ mô bằng các chỉ tiêu và phương pháp kỹ thuật; sử dụng cơ chế thị trường để điều tiết hành vi cá nhân và phát triển kinh tế ở cấp vi mô; tôn trọng và phát huy quyền sở hữu tài sản tư nhân như một động lực phát triển kinh tế; và chấp nhận trách nhiệm giải trình chính sách đối với dư luận, các cơ quan dân cử, và các tổ chức quốc tế.
Về cốt lõi đây là các nguyên tắc căn bản của việc điều hành kinh tế tư bản hiện đại trong đó Nhà nước đóng vai trò tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế không phải để phục vụ quyền lực và lợi ích Nhà nước, đảng phái, hay quan chức mà để phục vụ xã hội và phát triển nguồn lực xã hội.

Điều gì còn phù hợp?


BBC:Nhìn lại đóng góp, vai trò và di sản của ông Phạm Kim Ngọc, có điều gì để lại cho Việt Nam và kinh tế Việt Nam ngày nay mà vẫn còn phù hợp?
Ông Nguyễn Đức Cường: Trước hết, kỷ nguyên dầu hỏa do ông Ngọc để lại là một di sản khổng lồ để lại cho đất nước, tri giá nhiều tỷ Mỹ Kim, không thể chối cãi được. Kế đến, các biện pháp kinh tế tài chánh đã giải thích trong câu hỏi số 2 đều thích nghi trong mọi giai đoạn, kể cả giai đoạn hiện tại vì đó là căn bản cốt lõi của nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó.
GS Vũ Tường: Việt Nam đã cải tổ nửa vời để thoát khỏi khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội bao cấp kiểu Stalin-Mao dưới thời Lê Duẩn. Sau đó đường lối kinh tế chung trong hơn 3 thập niên qua là cải tổ vừa đủ với mục tiêu không phải để hoá rồng mà là để cho Đảng Cộng sản tiếp tục giữ được vai trò lãnh đạo. Với đường lối đó, chính sách kinh tế hướng vào mở rộng thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài để bóc lột lao động chất lượng thấp; tận thu từ xã hội để nuôi bộ máy chính trị cồng kềnh tham nhũng; và tập trung nguồn lực nhà nước vào nuôi doanh nghiệp quốc doanh là sân sau của quan chức. Theo cách làm này, Nhà nước và các quan chức được hưởng lợi chính, sau đó mới đến xã hội.
Để hoá rồng, Việt Nam cần từ bỏ đường lối cải cách nửa vời với mục tiêu phục vụ Đảng cầm quyền như hiện nay. Mục tiêu tối hậu của chính sách kinh tế phải là tăng cường phục vụ xã hội và nguồn lực xã hội. Thay vì sợ dân giàu, phải nghĩ là dân giàu (giàu nhờ sản xuất ra của cải dịch vụ xã hội, không phải giàu nhờ bán buôn chụp giựt và khai thác quan hệ với quan chức để tham nhũng bất chính) thì nguồn lực Nhà nước mới dồi dào, và kinh tế mới tiếp tục tăng trưởng bền vững.
Thay vì dùng chính sách kinh tế để phục vụ lợi ích của đảng cầm quyền và quan chức, cần đề cao lợi ích quốc gia. Nan đề chính của toàn xã hội Việt Nam là đảng cầm quyền đang hưởng lợi trực tiếp từ đường lối cải cách nửa vời nói trên nên không có quyết tâm chính trị để giải quyết tận gốc di sản của chế độ công hữu đất đai, thu hẹp việc can thiệp vào quản lý kinh tế và điều hành doanh nghiệp, cũng như chấp trách nhiệm giải trình trước xã hội qua các đại biểu thực sự của dân chúng.

Thế ứng xử sau 30/4


BBC: Cuối cùng về mặt nhân cách, nhân thân, con người, quý vị có thể nhận xét hay chia sẻ gì về ông Phạm Kim Ngọc, nhất là lựa chọn thế ứng xử của ông với thời cuộc liên quan đến Việt Nam, trong đó có cả những thay đổi trong quản lí, quản trị vĩ mô nền kinh tế - xã hội ở Việt Nam, từ sau 30/4/1975 đến khi ông qua đời?
Ông Nguyễn Đức Cường:Tôi được biết ông Phạm Kim Ngọc trên nửa thế kỷ, khoảng 52 năm. Ông Ngọc là một người can đảm, dứt khoát trong đường lối và tư tưởng về kinh tế tài chánh đồng thời cũng rất uyển chuyển trong việc áp dụng, sẵn sàng nhận trách nhiệm và các rủi ro của chức vụ. Ông Ngọc đã làm Tổng Trưởng Kinh Tế nhiều năm nhất trong thời Việt-Nam Cộng Hòa.
Tôi làm việc dưới quyền ông Ngọc gần năm năm, từ lúc ông tham gia nội các Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ với chức vụ Uỷ Viên Kinh Tế được bảy tháng, và sau này tham gia nội các Đại Tướng Trần Thiện Khiêm với chức vụ Tổng Trưởng Kinh Tế bốn năm, trong một giai đọan rất khó khăn của đất nước: lạm phát phi mã, ngân sách thiếu hụt trầm trọng, viện trợ giảm sút, ngoại tệ dự trữ gần cạn, dân tị nạn tràn ngập các thành thị để tránh bom đạn, quân đội đồng minh rút đi để lại thất nghiệp và tình trạng kinh tế sút giảm. Tôi thiết nghĩ ông Ngọc đã làm trọn nhiệm vụ một cách khả quan.
Sau tháng 4 năm 1975, ông Ngọc sống một cách ẩn dật tại bang Virginia. Tuy nhiên, trong bốn năm gần đây ông Ngọc bắt đầu tham gia vào các buổi hội thảo để ông trình bầy về đường lối chính sách kinh tế của ông thời Việt-Nam Cộng Hòa, như buổi hội thảo tại Đại học Berkeley tại California tháng 10 năm 2016, hội thảo tại Đại học Texas Tech tại Lubbock, Texas tháng 4 năm 2019, và hội thảo tại Đại học Oregon tại Eugene, Oregon tháng 10 năm 2019.
Những công trình và thành quả của ông Ngọc đã được đăng ở chương 3 trong cuốn sách tựa đề "The Republic of Vietnam 1955-1975: Vietnamese Perspectives on Nation Building", do Cornell University Press phát hành tháng giêng năm 2020. Cuốn sách này đăng lại tất cả các bài đã được trình bày tại buổi hội thảo ở Đại học Berkeley.
GS Vũ Tường: Tôi không có ý kiến gì về câu hỏi này.


LINE IN THE WATERS , The South China Sea Disputes and its Implication for Asia






Phạm kim Ngọc - Tác giả Nguyễn Đức Cường



Ông Phạm Kim Ngọc, vị tổng trưởng kinh tế lâu dài nhất của Việt Nam Cộng hòa trong giai đoạn cực kỳ khó khăn của cái gọi là Việt Nam Hóa chiến tranh từ 1969 đến 1973, qua đời ngày 14 tháng 12 năm 2019, đại thọ 91 tuổi.
Ông là người chồng tận tụy chăm sóc vợ trong suốt thời gian bà lâm bịnh ung thư và đã qua đời.
Nhiều người bạn của ông nói rằng ông Ngọc là người kể chuyện rất hay, lôi cuốn thính giả, và là một người đầy nhựa sống. Những người nghịch với ông – và cũng có khá nhiều – nói ông là “Tổng Thằn Lằn”, một loại thằn lằn lúc nào cũng bám vào vách tường được và không bao giờ rớt xuống đất. Những người ủng hộ ông, tuy không nhiều nhưng lại có quyền hành và uy thế đáng kể, nói ông Ngọc là chuyên gia kinh tế có nhiều khả năng, một con người thực tế, sẵn sàng lấy những biện pháp không được quần chúng tán đồng, sẵn sàng dùng những phương cách mới và xông vào những lãnh vực mà ông ta chưa hiểu biết nhiều. Những người đó nể ông Ngọc vì cá tính, năng lực, tinh thần uyển chuyển, hiểu biết chuyên môn và không ngần ngại thực hiện những quyết định đầy rủi ro.
Đối với tôi, người bạn lâu năm và cộng sự viên của ông, câu văn trên mộ bia của ông Phạm Kim Ngọc sẽ là: “Nơi đây an nghỉ người may mắn nhất trần gian”.
Phạm Kim Ngọc sanh tại Hà Nội trong một gia đình khá giả. Ông được gia đình cho đi học trung học tại Hong Kong, rồi tại Anh quốc khi ông được nhận vào học về ngân hàng thương mại tại đại học Southampton và sau đó đại học London School of Economics.
Khi ông tập sự tại ngân hàng Standard Chartered Bank thì ông được tin miền Nam Việt Nam giành độc lập khỏi Pháp. Đồng thời ông cũng được biết rằng Giáo sư Vũ Quốc Thúc, tân Thống Đốc Ngân hàng Quốc gia, muốn thành lập một ngân hàng thương tín tại Sài Gòn. Ông Ngọc liền giã từ cuộc sống thoải mái tại Luân Đôn, và rời thủ đô này mà không thông báo cho bạn hữu. Ông về đến Sài Gòn, xin yết kiến Giáo sư Vũ Quốc Thúc mà ông chưa hề biết. Giáo sư Thúc rất vui khi gặp ông Ngọc và tuyển dụng ngay vì ông thông thạo Anh ngữ và hiểu biết nhiều về dịch vụ ngân hàng thương mại tân thời so với chế độ của Pháp trước đây.
Ông Ngọc đến đúng lúc để tổ chức cơ quan đặc trách viện trợ Hoa Kỳ cho Việt Nam ngày càng gia tăng nhiều. Theo lối nói bình dân của chúng ta thì có thể nói ông Ngọc là “con chuột sa hũ gạo”!
Ông Phạm Kim Ngọc phục vụ một thời gian ngắn trong Nội các Nguyễn Cao Kỳ vào đầu năm 1967 với chức vụ Ủy viên Kinh tế, dưới quyền của ông Trương Thái Tôn, Tổng Ủy viên Kinh tế Tài chánh.
Tôi gặp ông Ngọc khi ông giữ chức vụ đó. Thời ấy tôi là chuyên viên hạng thấp đang tìm hiểu công việc tại Bộ Kinh tế. Lợi thế của tôi là khả năng viết và nói Anh ngữ vì tôi học tại đại học Hoa Kỳ trong sáu năm. Ông Ngọc và tôi dần dần hiểu được hoạt động của guồng máy tại Bộ Kinh tế, và chúng tôi cộng tác chặt chẽ suốt bảy năm trời. Chính ông đã xin Bộ Quốc phòng biệt phái tôi về Bộ Kinh tế vào tháng 10 năm 1969. Ông bổ nhiệm tôi vào làm việc tại văn phòng của ông. Sau bảy tháng ông thăng chức tôi làm phụ tá cho ông khi Thứ trưởng Thương mại từ chức.Tôi làm việc với ông Ngọc đến tháng 8 năm 1973 khi ông được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Kế hoạch và tôi làm Tổng trưởng Thương mại và Kỹ nghệ.
Trách nhiệm Ủy viên Kinh tế của ông Ngọc chấm dứt khi nền Đệ nhị VNCH ra đời vào tháng 10 năm 1967. Lúc đó ông rời chánh phủ và làm việc trong lãnh vực ngân hàng đầu tư được hai năm. Ông Ngọc trở lại chánh phủ vào tháng 9 năm 1969 khi Đại tướng Trần Thiện Khiêm được bổ nhiệm Thủ tướng Chánh phủ, vị Thủ tướng lâu dài nhất của VNCH, và bổ nhiệm ông làm Tổng trưởng Kinh tế. Thật ra, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm mời ông Nguyễn Hữu Hanh, cựu Thống đốc Ngân hàng Quốc gia, giữ chức vụ đó. Nhưng ông Hanh từ chối và vì muốn giữ chức vụ Chánh Đại diện của VNCH tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Hoa Thịnh Đốn, cho nên đề nghị Thủ tướng Khiêm chọn ông Phạm Kim Ngọc.
Trong suốt thời gian làm Tổng trưởng Kinh tế, ông Ngọc đối đầu từ cam go này đến cam go khác, phát xuất từ việc gia tăng thuế nhập cảng, lạm phát phi mã, thiếu hụt ngân sách trầm trọng vì nhu cầu chi tiêu cho an ninh quốc phòng, tình trạng vừa lạm phát vừa suy giảm tăng trưởng kinh tế vì Hoa Kỳ dần dần rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, mức độ thất nghiệp rất cao tại thành thị vì làn sóng tỵ nạn chiến tranh từ thôn quê về, thiếu hụt ngoại tệ Mỹ Kim vì sự giảm thiểu viện trợ Hoa Kỳ.
Ông Ngọc còn bị lên án vì cho phép nhiều thương gia làm giàu quá mức lúc họ tích trữ hàng hóa đợi cho lúc giá tăng vọt mới bán ra thị trường. Ngoài ra, khá nhiều chính giới cao cấp Hoa Kỳ như ông George Schultz, John Connolly, ngay cả Phó Tổng thống Spiro Agnew và Tiến sĩ Henry Kissinger cũng đến gặp ông Ngọc. Những viên chức này muốn ông Ngọc cam kết rằng những chánh sách và kế hoạch kinh tế của VNCH sẽ không cản trở việc Hoa Kỳ rút quân lính khỏi miền Nam Việt Nam.
Chánh phủ VNCH nhận thức sự khẩn trương về nhu cầu có thêm ngoại tệ để bù đấp giảm thiểu viện trợ Hoa Kỳ. Ông Ngọc nhớ đến một hồ sơ nghiên cứu tại Bộ Kinh tế liên quan đến việc khai thác dầu ngoài khơi miền Nam mà lâu nay ông chưa cứu xét vì nhiều ưu tiên khác. Chỉ trong vòng hai năm sau khi trình lên Tổng thống Thiệu đề nghị khai thác dầu và Quốc hội chấp thuận Đạo luật Dầu hỏa, và với sự giúp đỡ kỹ thuật của chuyên viên dầu hỏa Ba Tư, ông Ngọc thiết kế một mô hình và ấn định điều kiện khai thác dầu hỏa rất hấp dẫn. Ông tổ chức cuộc đấu thầu nhượng quyền khai thác mỏ dầu ngoài khơi miền Nam Việt Nam. Công ty dầu Shell trúng thầu này, và vỏn vẹn một năm sau đó tìm thấy dầu tại giếng dầu thứ nhì họ đào. Đây là thành công ngoạn mục vì giới khai thác dầu biết rằng cần nhiều năm mới tìm ra dầu và nhiều năm nữa mới xác nhận có thể khai thác giếng dầu ở mức thương mại hay không.
Ông Ngọc còn may mắn hơn nữa khi được sự giúp đỡ kỹ thuật của chuyên viên dầu hỏa Ba Tư. Trong một chuyến công tác hải ngoại ông tình cờ gặp lại một đồng môn tại đại học London School of Economics lúc bấy giờ là Tổng trưởng Tài chánh của Thủ tướng Hoveida trong thời vua Pahlavi của Ba Tư. Người đồng môn này giới thiệu ông Ngọc với nhiều giới chức cao cấp trong lãnh vực khai thác dầu của Ba Tư. Ông Tổng trưởng Dầu hỏa Ba Tư chấp thuận viện trợ kỹ thuật cho VNCH và gởi ba chuyên viên dầu hỏa đến Sài Gòn. Ba chuyên viên này giúp ông Ngọc và Bộ Kinh tế xúc tiến việc khai thác dầu hỏa, soạn thảo một mô hình và điều kiện đấu thầu nhượng quyền khai thác rất minh bạch và hợp lý nhằn mục đích thu hút các công ty dầu hỏa quốc tế .
Ít ai hiểu được tầm quan trọng của sự giúp đỡ của ba chuyên viên Ba Tư này cho đến khi một bà Dân biểu của đơn vị Manhattan, Nữu Ước, thuộc đảng Dân Chủ, yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận rằng VNCH không có sự giúp đỡ của Hoa Kỳ trong việc khai thác dầu ngoài khơi. Bà dân biểu này nêu lên lập luận của giới chống chiến tranh Việt Nam rằng chánh phủ Hoa Kỳ đưa con em qua Việt Nam chiến đấu để bảo vệ các mỏ dầu của VNCH. Nếu quả thật Hoa Kỳ có giúp đỡ VNCH trong việc tìm kiếm và khai thác dầu thì công cuộc khai thác dầu ở mức thương mại tại miền Nam Việt Nam sẽ bị đình trệ rất lâu cho đến khi chúng ta có được sự giúp đỡ kỹ thuật của các quốc gia khác.
Những thành công xuất sắc của ông Phạm Kim Ngọc được ghi lại trong bài ông trình bày tại cuộc hội thảo về VNCH tại đại học California, Berkeley vào tháng 10 năm 2016 và được Cơ quan Ấn loát của đại học Cornell phổ biến, cùng với những bài trình bày khác, trong cuốn sách nhan đề The Republic of Vietnam 1955-1975 – Vietnamese Perspectives on Nation Building (Việt Nam Cộng Hòa 1955-1975 – Những Quan Điểm Của VNCH Về Xây Dựng Đất Nước) sẽ phát hành vào giữa tháng Giêng năm 2020.

Ngôn ngữ Sài Gòn trong mắt một người con đất Bắc



Sài Gòn mới hình thành từ thế kỷ 17, so với Hà Nội ngàn năm văn hiến thì ngắn hơn, nhưng Sài Gòn lại có những nét văn hóa thật dễ thương. Qua những cuộc di vào Nam suốt mấy trăm năm nay, đến vùng “Đất lành chim đậu”, có những điều không bị mai một đi mà con người còn làm đẹp hơn lên. Rồi “Đất phương Nam” an bình, phì nhiêu lại có thêm người Hoa, người Ấn đến sinh sống, tạo nên một miền đất đa sắc tộc sống chan hòa bên nhau.
Tết vừa rồi tôi có dịp trở lại Hà Nội, bạn bè anh em lâu ngày gặp nhau, câu đầu tiên “tay bắt, mặt mừng” là: “Hi, xin chào anh Hai Sài Gòn”, rồi những người đến sau cũng lại chào tôi là: “Anh Hai Sài Gòn mới ra hả”. Có chuyện gì muốn kết luận lại “anh Hai Sài Gòn cho ý kiến”, và tất nhiên cuối buổi nhậu nhiệm vụ của anh Hai Sài Gòn là… thanh toán. Phải chi tiền mà cũng thấy sướng cái bụng, bởi thấy cái tên “anh Hai Sài Gòn” mà bạn bè gọi tôi, tôi cũng thấy hay hay và có chút tự hào nữa.
Có người hỏi:
– Tại sao có “anh Hai Sài Gòn” mà không có “anh Hai Hà Nội” nhỉ?
Tôi sực nhớ lại một thời đã có nhiều người đưa ra những giả thiết về cái tên gọi “anh Hai, chị Hai”, trong đó tôi nhớ có một giả thiết khá hợp lý và mang tính nhân văn cao.
Tôi kể họ nghe:
– Ngày xưa phương Nam của đất nước mình đất rộng người thưa, cò bay thẳng cánh, nên dân tứ xứ kéo vào sinh sống, làm ăn. Mà các cụ xưa người Bắc thì rất “tôn ti trật tự”, có nghĩa là trong nhà, ai có đi đâu thì đi nhưng chỉ những đứa con thứ! Người con cả (anh Cả) phải ở lại chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ già, trông coi đất đai, thờ phụng tổ tiên… Những người con thứ vào Nam, họ làm ăn phát đạt, sinh con đẻ cái, cháu con đề huề nhưng họ luôn nhớ về tổ tiên, cha mẹ và nhớ tới người anh cả của dòng họ ở lại ngoài Bắc. Vậy nên khi sinh ra những đứa con đầu lòng, họ không gọi là “anh Cả” mà gọi là “anh Hai” để tránh “phạm húy”. Rồi từ “anh Hai, chị Hai” gọi riết từ đời này sang đời khác thì người ta hiểu đó chính là “anh Cả, chị Cả” trong nhà. Thật là nhân văn, đúng hông?
Cả đám bạn bè vỗ tay tâm đắc: “Các cụ nhà mình trong đó quá hay”. Tôi được thể nói luôn: “Ở trỏng người ta vậy cả mà”.
Có anh bạn trẻ cuối bàn hình như lần đầu nghe câu chuyện “anh Hai, chị Hai” thấy thú vị quá, cầm ly bia to tướng đi lại bắt tay và kêu: “Trăm phần trăm đi anh Hai Sài Gòn!”, tôi “chơi luôn”, nhưng rồi cậu lại hứng lên: “Xin mời anh Hai Sài Gòn cốc nữa”. Tôi buột miệng: “Bình tĩnh đã cưng”. Một tiếng xuýt xoa phía góc bàn: “Lại một từ cưng, nghe hay nhất trong ngày rồi anh Hai Sài Gòn ơi, dzô đi”.
Vô Nam sinh sống lâu năm rồi, những từ “dễ thương” ấy cứ nhập vào gia đình tôi từ lúc nào không hay. Các con tôi nhiều khi gọi nhau bằng “cưng ơi, cưng à”, mẹ nó cũng gọi các con “cưng à, cưng ơi”. Tôi còn nhớ có lần cậu con trai nhỏ của tôi có chuyện nghịch ngợm gì đó, bị mẹ rầy la, chị gái nó lại vỗ vỗ nhẹ vai em: “Chị Hai bảo cưng của chị nè, lần sau đừng vậy nữa nghe cưng, cưng hổng sợ ba mẹ buồn sao?” Rồi một tiếng “Dạ” nhè nhẹ trong tiếng sụt sùi. Nói như vậy thì làm sao thằng em không nghe cho được, tôi nghe mà cũng thấy mát lạnh trong lòng.
Ngày xưa lúc còn sống ở Hà Nội tôi cũng đã được nghe từ “cưng” này, nhưng trong những hoàn cảnh hình như khác, như “Bà ấy cưng con chó quá” hoặc “Cậu ấm ấy là con cưng của nhà đại gia”… chứ không phải người ta dùng từ “Cưng” để gọi nhau như ở Sài Gòn. Tiếng “cưng” ở đây nghe nó tự nhiên, đằm thắm và dễ thương làm sao.
Tất nhiên, đã là xã hội thì sẽ có người này người nọ, lúc này lúc nọ nhưng những câu xã giao thân tình với cái giọng của người Sài Gòn dễ thương thật. Vào các cửa hàng thấy cách đón tiếp chào mời trong mua bán giữa khách và cô bán hàng: “Hàng này đồ thiệt hôn cưng?”; “Thiệt mà, thưa cô”… Người nghe cũng thấy nhẹ lòng. Đi ngoài đường, nếu vô tình ta quên gạt chân chống xe máy, ta sẽ được một cô, cậu thanh niên nhắc rất nhẹ, đủ nghe: “Cô/chú ơi, gạt chân chống” và một lời đáp lại: “Cảm ơn nha”. Nghe mà thấy vui.
Cuộc sống muôn vẻ, cuộc sống còn nhiều bộn bề, lo toan, nhưng cuộc sống cũng rất cần cái hương vị dịu dàng tưởng chừng như thường tình, vô vị, nhưng không phải vậy. Bởi vì từ những đứa trẻ mới lọt lòng cũng đã thích nghe những lời ru nhẹ nhàng êm ái của bà, của mẹ để đi vào giấc ngủ, cho đến khi tuổi cao sức yếu, gần đất xa trời, con người vẫn mong nhận được những lời nói dịu ngọt của con cái, người thân và bạn bè. Ngôn ngữ của người Sài Gòn nghe đã thiệt


Giáo viên 'Tây ba lô' - Tác giả Marko Nikolic



Có một cộng đồng giáo viên "Tây ba lô" tại Việt Nam - những người trẻ đến từ các nước phương Tây không phải là giáo viên chuyên môn, được thuê dạy tiếng Anh.
Với chiêu quảng cáo ''đội ngũ giáo viên 100% nước ngoài'' nhiều trung tâm Anh ngữ tại Việt Nam đẩy mức học phí "lên trời". Làm ăn phát đạt, thị trường phát triển mạnh, những trung tâm Anh ngữ mới mọc như nấm.
Tôi hay nghe người ta nói muốn học tiếng Anh chuẩn một cách hiệu quả thì phải học với giáo viên bản ngữ. Bởi theo họ, đa phần giáo viên Việt Nam phát âm không chuẩn, phương pháp dạy lạc hậu, chú trọng ngữ pháp nặng nề trong khi ngày nay người ta có nhu cầu học kỹ năng giao tiếp. Nhiều phụ huynh không ngại bỏ thêm tiền để con học với giáo viên bản xứ: hay gọi cho đúng hơn, giáo viên nước ngoài đến từ phương Tây.
Dĩ nhiên, chúng ta không thể bàn cãi rằng giáo viên bản ngữ có một số lợi thế vượt trội. Thứ nhất, họ có kiến thức ngôn ngữ bản địa sâu rộng hơn và cho người đọc cơ hội tiếp thu tiếng Anh chuẩn, đặc biệt về mặt phát âm. Thứ hai, họ thường dạy theo phương pháp giao tiếp vui nhộn, chú trọng phát triển kỹ năng nói thay vì tập trung vào ngữ pháp và làm bài tập dài dòng. Thứ ba, họ thông thạo văn hoá các nuớc nói tiếng Anh (hay gọi là văn hóa phương Tây) và có thể giúp học sinh Việt tìm hiểu về phong tục tập quán và cuộc sống hàng ngày của phương Tây.
Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng yếu tố ''bản xứ'' không đủ để một giáo viên có khả năng dạy tốt. Bên cạnh đó còn nhiều yếu tố quan trọng nữa như kinh nghiệm giảng dạy, trình độ chuyên môn, tính cách của giáo viên, khả năng hiểu những nhu cầu và khó khăn của người Việt, khả năng thông cảm và truyền cảm hứng... Dù đến từ đâu, một giáo viên tốt phải sở hữu nhiều năng lực nhất định.
Do nhu cầu học với giáo viên bản xứ ngày càng cao, nhiều trung tâm Anh ngữ muốn lợi dụng tình hình thị trường để kiếm tiền và họ sẵn sàng tuyển bất kỳ giáo viên nước ngoài nào mà không thực sự thắc mắc chất lượng giảng dạy của họ. Biết nói tiếng Anh và có ngoại hình Tây (ưa nhìn) là được rồi (tóc vàng, da sáng, mắt xanh thì càng tốt). Họ sẽ chạy theo lợi nhuận và quản lý lỏng lẻo, hứa nhăng hứa cuội với phụ huynh. Nhưng chẳng sao, quan trọng là con vui! Và họ sẽ đẩy mạnh quảng cáo ''đội ngũ giáo viên 100% nước ngoài'' như liều thuốc thần kỳ cho bệnh tật tiếng Anh của người Việt.
Hiện tượng này đã tạo ra cả một cộng đồng giáo viên "Tây ba lô" với lương trung bình hai mươi đô-la một giờ. Họ không chỉ dạy ở các trung tâm Anh ngữ mà ở cả nhiều trường học công. Họ vừa muốn kiếm tiền một cách dễ dàng vừa muốn tận hưởng lối sống thoải mái ở Việt Nam. Hơn nữa, họ được gọi là ''thầy'' và được cả xã hội quý trọng dù nhiều trong số họ không hề làm nghề này trước khi đến Việt Nam.
Họ thích nghi khá nhanh với lối sống Việt Nam, thường đi xe máy và thích đi phượt trong ngày lễ. Nhiều khi họ chỉ làm giáo viên ở Việt Nam một thời gian ngắn (6-12 tháng), tiết kiệm một số tiền rồi sang nước khác.
Trong hơn năm năm qua, tôi đã gặp không ít "giáo viên" như vậy. Và dù người Việt thường không thích nói về vấn đề này, tôi cảm thấy cần thiết phải làm sáng tỏ một vài điều.
Thứ nhất, nhiều giáo viên ''Tây ba lô'' thiếu bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn nên họ không được xin giấy phép lao động. Do vậy, họ làm việc chui, lao động bất hợp pháp và không đóng thuế. Để che đậy tình hình, nhiều chủ trung tâm phải đút lót những viên chức nhà nước để họ ngoảnh mặt làm ngơ, điều góp phần làm gia tăng tệ nạn tham nhũng trong nước.
Thứ hai, có một số phụ huynh bị bất ngờ khi đến trường, thấy giáo viên của con mình trông không hẳn như họ tưởng, ăn mặc một cách tùy tiện, không thực sự chuyên nghiệp. Những trường hợp như vậy bôi nhọ uy tín của những giáo viên đích thực như tôi. Bởi bên cạnh những giáo viên ''Tây ba lô'' như đã nói ở trên, ở Việt Nam cũng có rất nhiều giáo viên nước ngoài có chứng chỉ chuyên môn, có thái độ làm việc tận tụy và có trách nghiệm với nghề nhà giáo. Ở phương Tây cũng như ở Việt Nam, có người tốt và người xấu, có giáo viên tốt và giáo viên không tốt. Tôi mong rằng người Việt sẽ luôn biết cách phân biệt hai loại đó.
Thứ ba, chúng ta phải công nhận rằng bất chấp những nỗ lực và hy sinh về tài chính của nhiều phụ huynh, trình độ tiếng Anh của người Việt chưa tiến bộ như mong đợi. Ví dụ cách đây không lâu chúng ta được biết rằng năm nay Việt Nam tụt xuống 52 trong bảng xếp hạng năng lực Anh ngữ lớn nhất thế giới. Chúng ta phải tiếp cận vấn đề tiếng Anh một cách phản biện hơn, hiểu rằng không có một phương thuốc thần diệu nào và sự hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giáo trình, phương pháp dạy học, động lực và thái độ của học sinh chứ không chỉ vào quốc tịch của giáo viên. Bên cạnh đó, các trung tâm và trường học Việt Nam phải tuyển giáo viên nước ngoài dựa trên những tiêu chí nghiêm ngặt và khách quan, lưu ý đến các kỹ năng giảng dạy thay vì ưu tiên ngoại hình hay quốc tịch.
Đồng thời, phụ huynh phải tìm hiểu rõ hơn về các tiêu chuẩn chuyên nghiệp của trung tâm trước khi quyết định bỏ tiền đầu tư. Thay vì đặt mọi kỳ vọng vào giáo viên, phụ huynh phải hiểu rằng thái độ, động lực và thói quen học tập của con luôn luôn sẽ yếu tố quyết định.
Cuối cùng, theo những gì tôi biết, một số trung tâm Anh ngữ lớn ở Việt Nam kỳ thị giáo viên Việt Nam dưới một hình thức nào đó: ví dụ, họ có thể không xem xét những đơn xin việc của giáo viên trong nước và chỉ thuê giáo viên ngoại quốc. Tôi quen không ít giáo viên Việt đã có đủ trình dộ, nói tiếng Anh rất chuẩn và thậm chí đã từng du học ở Nước Anh, và họ vẫn cảm thấy mình bị kỳ thị do quốc tịch của mình. Đây là một vấn đề khó xử vì những trung tâm biện minh rằng lý do là do phụ huynh yêu cầu giáo viên nước ngoài.
Dù sao, tôi có cảm giác nhiều người Việt vẫn có xu hướng tự cảm thấy thấp kém và lép vế đến mức họ có thể tự kỳ thị chính mình. Tại sao nhiều người Việt vẫn có xu hướng sính ngoại, coi cái gì đến từ nước ngoài cũng tốt hơn mình?

Tiệm Chạp Phô- Tác giả Lê Văn Nghĩa



Những thằng nhỏ Chợ Lớn như tôi, kiếp “mưu sinh” của nó gắn liền với cái tiệm chạp phô. Nói “mưu sinh” cho có vẻ người làm ăn khổ cực chứ thực ra kiếp mưu sinh của tụi tui là giơ tay ra xin tiền ba má. Còn ngon lắm, có lao động thực sự là đi kiếm ve chai ở nhà, cất vào góc; hay ngon hơn nữa là xin được cái tĩn nước mắm bán cho ông chệt ve chai là có tiền đến…tiệm chạp phô . Thật sướng phà phà.
Tôi không biết những xóm nhỏ ở Sài Gòn, Gia Định ngoài khu vực Chợ Lớn có tiệm chạp phô hay không vì chủ những tiệm chạp phô thường là người Hoa. Mà người Hoa thường ở Chợ Lớn. Đa số họ cũng là những người giàu hơn những người nghèo Việt Nam một chút. Không có vốn buôn bán lớn, những người Hoa ở trong những con xóm nhỏ của những con đường nhỏ mở một tiệm chạp phô cũng chẳng lớn bán cho bà con sống lân cận.


Mà nghĩ đi, nghĩ lại chủ tiệm chạp phô cần người mua thì người mua cũng cần tiệm chạp phô. Muốn mua sợi chỉ, cây kim, cái chén, đôi đủa, cuốn tập, giấy ca rô viết đơn , viên đá lửa cho “hộp quẹt”(bật lửa mở nắp-bây giờ coi như là đồ thời tiền sử, chỉ dành cho các nhà sưu tâp)  những vật nhỏ xíu xìu xiu, viên thuốc cảm …không lẽ phải đạp xe hay cuốc bộ ra chợ. Ấy, cái tiệm chạp phô như cái túi ảo thuật thần kỳ, cứ bỏ tiền vào tay chủ tiệm thì có thể có ngay món hàng mình đang cần.
Đọc vở kịch “Hồn tôi ở tận miền Sơn Cước” của Wiliam Saroyan tôi luôn nhớ đến cảnh thằng con trai của nhà thơ chưa gặp thời luôn phải đến cửa hàng bánh mì, thịt và rượu ở một thị trấn nhỏ để mua chịu- một con nợ triền miên mút mùa lệ thủy chi vương. Và sau cuộc mua bán, cằn nhằn thì giữa ông chủ và thằng nhỏ là một mối quan hệ tình thương mến thương.  Hình ảnh ông chủ cửa hàng nầy làm tôi nhớ đến hình ảnh chủ tiệm chạp phô của xóm nghèo nhà tôi. Đó là bà Sẩm tiệm. Một tên gọi rất thân thương như vừng ơi, mở cửa ra. Còn đàng này là “đến bà Sẩm tiệm mua hai đồng nước mắm”. Thế là tôi cầm chén, cầm tiền chạy ngay đến tiệm chạp phô của bà Sẩm tiệm. Sẩm là á sẩm-người phụ nữ- bà là một phụ nữ người Hoa khỏng 50 tuổi, người ụt ịt vì mập. Nước mắm, có ngay nước mắm. Mỡ, có ngay mỡ. Người xóm nghèo, nhiều khi không có đủ tiền mua một tĩn nước mắm nên  bà Sẩm tiệm khui tĩn nước mắm ra bán từng vá nhỏ như chia sớt cái nghèo cho nhau để vượt qua kiếp sống chật vật. Bà thắng một ký mở nước rồi cất trong hũ sành, múc ra từng muỗng bán cho nhiều thằng nhỏ trong xóm nghèo về chiên cơm, chiên hột vịt. Thằng nhỏ nào? Nhiều khi là cả gia đình nó chan mỡ vào chén cơm nóng, rồi chan miếng nước mắm-cũng của bà Sẩm tiệm. Sang hơn có thể mua con khô treo tòn teng, miếng thịt lạp trong túi ni long treo lủng lẳng cái thèm. Bà Sẩm tiệm và tiệm chạp phô của bà đi vào từng gia đình xóm nhỏ, nuôi những thằng nhỏ trở thành thằng lớn đi học trung học. Những thằng nhỏ, nhiều khi cầm hai đồng đi mua nước mắm chỉ mua đồng rưỡi, ăn lời năm cắc mua cà rem. Đó là khi má nó có tiền. Nhưng cũng rất nhiều lúc  nó mở cuốn sổ nợ ghi bằng miệng và trí nhớ “lần nầy cho má con thiếu ba đồng mua xà bông”, “bà cho má con thiếu bốn đồng mua nhang nhe, cuối tháng má con trả” “ hai mươi lăm “tồng” dzồi nha”, “à quên, thêm một đồng bánh men nữa”. Đồng bánh men nầy là tôi mượn danh má tôi để trám vào cái lổ miệng đang thèm ngọt vì chơi nhiều mất sức.
 Tiệm của bà Sẩm bán đủ thứ tha hồ cho má tôi thiếu, đúng là chạp phô. Chạp phô là đọc theo giọng Quảng Đông có nghĩa là tạp hóa. Như những những ngôi nhà của người Hoa nghèo, tiệm chạp phô của bà Sẩm tiệm hơi tối và luộm thuộm. Trong góc nhà là những tĩn nước mắm đặt cạnh những thùng thiếc dầu hôi. Tôi không biết có khi nào bà nhầm lẫn khi bán đầu hôi thay vì nước mắm cho khách hàng không? Rồi nào là những khạp đựng tương hột, những hủ đựng đường trắng, đường vàng nằm trên kệ cạnh những hũ đựng cà phê bột, những hũ bánh men, bánh tây. Đó là những món hàng tôi thường mua nên đễ ý biết chứ còn những món “lạ lùng” nằm phía trong những cái tủ kiếng. Có thể đó là những gói thuốc cảm, những gói thuốc ho, những viên Aspirin …những loại thuốc tiện dụng mà các tiệm chạp phô được chính phủ cho phép bán.  Một mình bà thu tiền, bán hàng coi sóc tiệm còn ông chồng A Quẩy thì chạy đi lấy hàng. Vì gặp khách hàng, từ người lớn cho đến trẻ nhỏ hàng ngày nên bà trở thành người  biết chuyện nhà của từng gia đình trong xóm. Có nhiều người lớn, khi đến tiêm chạp phô không chỉ đến mua hàng, mà còn được nghe bà giới thiệu hàng mới, hay ngược lại, họ tâm sự về những chuyện trong gia đình. Nhiều thằng nhỏ như tôi, thỉnh thoảng được bà hỏi “ Nị học tới mấy rồi, xỉu học hay tài học?” rồi lấy cho cục kẹo ngậm chơi. Cái chiêu nầy rất ác đạn, nó làm những thằng nhỏ gì thì gì cũng phải đến mua hàng bà Sẩm tiệm. Mấy thằng bạn thường chọc nhau “thằng đó nó vô tiệm bà Sẩm tiệm mua dấm sủ đó.” Rồi cả đám cười vang khi biết dấm sủ nói lái lại là dú sẩm.
Bẳng đi một thời gian, sau khi bôn ba, quay trở về xóm cũ ngày xưa khi công chưa thành danh chưa toại thì thấy tiệm chạp phô ngày xưa đã trở thành tiệm tạp hóa. Của hàng trông sạch sẽ hơn, sáng sủa hơn, cô gái bán hàng thì đẹp hơn bà Sẩm tiệm, bán một số hàng hóa thiết yếu nhưng nước mắm, bịch muối, bịch tiêu, mỡ , tương cà cho bữa ăn hàng ngày người mua phải đi vào chợ. Đã chuyên biệt hóa rồi, người mua phải đi tìm đúng chỗ nhe. Và rồi nhiều năm sau nữa, khi thằng nhỏ đã trở thành ông già về hưu thì tiệm tạp hóa đó đã trở thành một cửa hàng tiện lợi. Nằm trong sự tiện lợi của đời sống công nghiệp thành phố ta góc đường nào cũng có những cửa hàng… tiện lợi, với nhiều hàng hóa thiết yếu, đèn đuốc sáng choang. Thời kỳ đánh dấu sự tiến bộ và phát triển của xã hội. Nhân viên lịch sự, khách hàng phải sắp hàng, tiền bỏ vào két nghe cái keng, cái hóa dơn chạy tòi ra từ máy tính tiền thì hết phương mở sổ nợ. Khách hàng đến, khách hàng đi. Nhân viên đến, nhân viên đi…chẳng buồn có một cái vẫy tay chứ ở đó mà tâm sự đời tôi cô đơn, nghèo khó nhà chỉ có ba tầng lầu. Sau khi mua bán, ta chỉ có hàng và tiền thối lại. Tôi thấy bóng hình thằng nhỏ trong tiệm chạp phô đứng nhìn hủ bánh, gói me ngào đường. Bây giờ nó đi lanh quanh trong cửa hàng tiện lợi để tìm lại tuổi thơ không tìm lại. “ Há cái lầy, lại mua thiếu chịu nữa hả? 32 “tồng” năm cắc . “lói” má nị mau trả tiền ngọ “li” mua hàng chớ”. Tôi tự hỏi cái gì đã trôi qua ở đây? Thời gian đã mất chăng?
Còn ai nhớ ngày xưa, Chợ Lớn từng có những tiệm chạp phô !

Tìm Hiểu Những Ý Tưởng Của Học Giả Cao Xuân Hạo Qua Bài “Chữ Tây Hay Chữ Hán, Thứ Chữ Nào Hơn?”- Tác giả Trương Quang Đệ


Mấy ngày qua, khi chữ quốc ngữ trở thành đề tài bàn luận trên các mạng xã hội, các vị Anh Vũ và Lại Nguyên Ân đăng lại bài viết của học giả Cao Xuân Hạo xuất hiện đã lâu trên số 14, tạp chí Kiến Thức Ngày Nay năm 1994.
Học giả Cao Xuân Hạo khá nổi tiếng trong và ngoài nước, đã đào tạo nhiều thế hệ các nhà ngôn ngữ học, có rất nhiều công trình tầm cỡ về ngữ âm, ngữ pháp tiếng Việt. Công trình của ông cũng như những điều ông giảng dạy là những điều do suy nghĩ cá nhân mà ra, không sao chép của ai. Đặc biệt ông nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt chỉ dựa vào cấu trúc nội tại của tiếng Việt, không dựa vào bất kỳ khuôn mẫu nào của ngữ pháp nước ngoài, như ngữ pháp tiếng Pháp chẳng hạn.
Ông là một nhà ngôn ngữ học sâu sắc và độc đáo, do vậy mà hiểu được những ý tưởng của ông không phải chuyện dễ dàng. Bản thân tôi ngưỡng mộ ông đồng thời có nhiều băn khoăn về những ý tưởng của ông. Chẳng hạn trong tác phẩm “Phonologie et linéarité” (Âm vị học và sự tuyến tính- 320 trang) viết bằng tiếng Pháp, ông cho rằng khó mà định ra được âm vị trong tiếng Việt khi tổ hợp âm trong mỗi âm tiết quyện vào nhau, không thể tách rời. Từ “đèn” chẳng hạn, các âm đờ, e, nờ và thanh huyền quyện vào nhau, âm này gắn với âm kia trong một sự cố kết chặt chẽ. Trong bài viết đăng ở Kiến thức ngày nay, ông cho rằng người Việt không tư duy ngôn ngữ qua các âm vị mà là theo kiểu “nhận diện mạo tổng thể” với khái niệm Gestalt trong tâm lí học hiện đại. Nói cách khác, ngời Việt không đánh vần hay xướng âm khi nói mà phát ra tức khắc những âm tiết có nghĩa. Cũng y như người Hoa chỉ thấy và suy nghĩ trên chữ viết chứ không nghĩ về âm. Tôi băn khoăn nhận thấy thực tế trong đời sống thường ngày ta vẫn cảm nhận các phụ âm rõ nét khi ta dùng từ láy: phụ âm “lờ” trong lạ lùng, lấp lánh, phụ âm “đờ” trong đu đưa, đùn đẩy, phụ âm “tờ” trong tử tế, to tát…Trong khi chơi chữ bằng nói lái : tiền đâu/đầu tiên hoán đổi vị trí phụ âm)…Trong cách “iếc hóa” : anh Đa anh điếc, đi chợ đi chiếc, bà Nhan bà Nhiếc….Về nguyên âm ta cảm nhận rõ cặp ê/a gây cảm giác về một sự việc dai dẳng : ê-a, lê-la, bê-tha, rề rà, xuê-xoa. Trong tiếng Việt các từ tượng thanh khá nhiều và khi phát âm những từ này, người nói nhất định phải tư duy về âm: lanh canh, đùng đoàng, lách cách, lao xao, cúc-cu, rung rinh, lụp bụp , meo meo, ro ro, khò khò…
Trong bài “Chữ Tây hay chữ Hán, thứ chữ nào hơn” học giả Cao Xuân Hạo cho rằng việc nước ta bỏ chữ Hán mà dùng chữ quốc ngữ theo kiểu ABC là điều cần thiết về mặt lịch sử nhưng không hay về mặt văn hóa. Theo ông, hiện nay tình hình đó không sửa chữa được nữa nhưng có thể vớt vát bằng cách dạy lại chữ Hán trong nhà trường. Cũng theo cách nhìn của học giả Cao Xuân Hạo, chữ viết kiểu ABC chỉ thích hợp cho các ngôn ngữ Châu Âu, khi các âm tố riêng lẻ vẫn có tư cách hình vị, tức là mang nghĩa. Chẳng hạn từ một âm tiết “shla” tiếng Nga, ta có ‘sh” nghĩa là “đi”,   “l” chỉ thì quá khứ, “a” chỉ guống cái (Cô ta. Bà ấy đã ra đi). Vậy là người Châu Âu, với ngôn ngữ biến hình của họ, tư duy đến từng âm vị có chức năng hình vị.  Còn ngưởi Việt, người Hoa, với ngôn ngữ đơn lập cũng như người Nhật với ngôn ngữ chắp dính, tư duy cho từng âm tiết theo kiiểu Gestalt, do đó cách viết kiểu ABC không phù hợp. Học giả đề xuất việc sử dụng chữ Hán thay cho ABC không phải qua cải biến thành chữ Nôm như cha ông ta đã làm, mà theo kiểu Nhật kanji (hán tự). Ta sẽ viết câu chữ Hán nhưng ta đọc theo kiểu Việt. Thí dụ cụm từ “trên núi cao” tiếng Việt sẽ được ghi thành “thượng sơn cao”. Nếu trong văn bản ghi “cao sơn thượng” thì đó là văn bản Hán chứ không phải Việt. Học giả dẫn lời một nhà ngữ học uy tín nước ngoài cho rằng không riêng gì các nước Châu Á mà toàn thế giới sẽ dùng chữ Hán làm văn tự toàn cầu trong tương lai không xa, khoảng hai ba mươi năm nữa,  nhưng nước nào sẽ đọc theo cách nước ấy.  Cụm từ “trên núi cao” tiếng Việt được ghi bằng hán tự “thượng sơn cao”, người Anh sẽ ghi “on a high mountain”  bằng “thượng cao sơn”, người Pháp ghi ”sur une haute montagne “ bằng “thượng cao sơn” như ngươi Anh. Học giả cho rằng chữ Hán là động lực giúp các nước Châu Á thành “rồng” như Đài Loan, Nhật, Singapore, Hồng Kông. Tôi tin rằng các nhà kinh tế học sẽ nghĩ khác đi. Singapore dùng tiếng Anh làm tiếng chính thức quốc gia và Lý quang Diệu đã có lần khuyên Đặng Tểu Bình cũng làm như vậy với Trung Quốc nếu muốn phát triển. Nhật, Đài Loan phát triển đâu phải do chữ Hán mà do Mỹ bảo trợ. Trung Quốc nếu không “đi đêm” với Mỹ từ sau 1971 và bình thường hóa quan hệ với tên đế quốc này năm 1978 thì làm sao lớn mạnh như ngày nay. Hãy hình dung sau Thế chiến II nếu Nhật thuộc vùng kiểm soát của Liên xô hay Trung Quốc thì họ chỉ như Bắc Triều Tiên hiện nay mà thôi. Quan điểm cá nhân của tôi là chử viết kiểu ABC là hệ quả của tư duy phân tích Hy-La, tư duy nền tảng của nghiên cứu khoa học. Ai cũng thấy Trung Quốc, Nhật phát triển sau khi tiếp xúc với Phương Tây và nếu không có sự tếp xúc này, Trung Quốc vẫn lấy thời Nghiêu Thuấn làm chuẩn mực.
Một điểm cần lưu ý nữa là các nước dùng chữ Hán vẫn phải học hệ thống ABC
để học các môn toán, vật lý, hóa học sinh vật. Trong công nghệ thông tin, ngoài việc biết các từ tiếng Anh cần thiết, người Trung Quốc phả dùng hệ chữ viết la tinh hóa.
Những điều băn khoăn trên đây xuất phát từ cảm xúc cá nhân, không rõ có cơ sở hay không. Tôi bỗng thấy cần tha thiết đề nghị các khoa ngôn ngữ đại học, Viện ngôn ngữ học…làm những thí nghiệm nghiêm túc để xér xem ý tưởng của học giả Cao Xuân Hạo có cơ sở khoa học và thực tiễn hay không. Học giả Cao Xuân Hạo cho biết ở Mỹ người ta đã làm thí nghiệm rất thành công trong việc dạy các em khuyết tật về khả năng đọc học tiếng Anh bằng văn tự Hán. Còn ở ta, cần làm thí nghiệm trên một lớp bình thường nào đó cách học tiếng Việt bằng chữ Hán. Cuối cùng tôi nhất trí với học giả Cao Xuân Hạo là nhà trương phổ thông nên có một vài tiết chữ Hán cổ, nhằm cho văn hóa giữa các thế hệ không bị đứt gãy.Các khoa Văn, Sử ở các đại học cũng nên dành thời gian cho sinh viên học chữ Hán, coi như công cụ cần thiết trong việc tiếp cận kho tàng văn hóa truyền thống nước nhà qua hơn hai ngàn năm lịch sử. 

Bản sắc Sài Gòn



Một phóng viên người Anh đi một vòng châu Á để viết loạt bài về sự phai lạt bản sắc của các siêu đô thị. Anh đến nhà chúng tôi ở Sài Gòn.
Giống như nhiều khách trọ, Nick Van Mead ngồi bên cửa sổ, nheo mắt nhìn sông Sài Gòn trong nắng sớm. Người biên tập viên của The Guardian chỉ những tòa nhà cao nhất thành phố: "80% Sài Gòn được xây theo kiến trúc hiện đại và trông như bất cứ nơi nào của châu Á".
So với Sài Gòn của hơn 10 năm trước anh tới, đang có rất nhiều thứ biến đô thị này trở nên bình thường đến nỗi người ta thậm chí sẽ đi khỏi mà không nghĩ gì về nó. Cá tính của thành phố đang mất đi cùng với hàng trăm tòa nhà cổ bị phá hủy cho các dự án bất động sản hiện đại.
Gần chỗ chúng tôi ngồi, chiếc tủ lạnh dán đầy magnet tôi tha ở các nơi về. Một mặt nạ thổ dân Bali, đĩa cơm cà ri nước dừa Malaysia, chiếc mở bia của Tiệp Khắc, mô hình xe tuk tuk trên đường phố Bangkok, vại bia đầy bọt của thành phố Munich ở Đức, tất nhiên Paris nhất định phải là tháp Eiffel hay Việt Nam là hai cô gái mặc áo dài.
Vị biên tập viên nhìn cái tủ lạnh và hỏi "điều đặc biệt nhất của Sài Gòn là gì? "À, thì dinh Độc Lập, Củ Chi, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Nhà thờ Lớn, Bưu điện, đừng quên ăn phở, bánh mỳ, hủ tiếu, bún bò, cà phê sữa". Rồi tôi dẫn Nick ra đường Tôn Đản, đoạn phố đẫm đầy mùi đủ loại món ăn.
Khi Nick đang cắm cúi với bát mỳ vịt tiềm sát lòng đường, tôi thao thao về "món ăn đường phố của nước tao". Hai thanh niên đi xe máy rà sát quán. Người ngồi sau nhảy xuống, xán đến định cầm lấy quai ba lô của Nick đang để dưới chân bàn. Bỗng con gái bà chủ quán la lớn: "Mày, cút ngay, cút". Chiếc muôi nhôm dài nửa mét múc nước lèo vung lên, đập túi bụi vào vai thằng cướp. "A", tiếng la khác, bà mẹ tròn trịa đang bế cháu cách đó mấy bước lao đến.
Thấy tình hình không ổn, gã trai leo lên xe chạy mất. Nick há hốc mồm, mồ hôi lã chã nhỏ xuống bát mỳ còn mấy cọng rau cải. Tay anh vẫn cầm cái xương vịt. Bà già xé cái khăn ướt đưa cho anh, hất hàm: "Ăn đi, ăn đi", cười như chưa từng có chuyện gì.
"Điều đặc biệt nhất của thành phố này là con người. Đó là bản sắc của Việt Nam", Nick sau đó vẫn khen. Tôi cật vấn bản sắc theo ý anh là gì, "là điều để người nơi khác phân biệt người Sài Gòn với người Trung Quốc hay Bangkok, Singapore, với mọi thành phố khác trên trái đất này".
Tính cách cư dân là một loại di sản không nhìn thấy. Người miền Nam theo Nick rất cởi mở, chân tình, tốt bụng. Họ lạc quan và tử tế, dễ chấp nhận thực tại chứ "không có nhiều đòi hỏi như ở nước tao".
Tính cách cư dân chính là "bộ gene" của thành phố, làm nên bản sắc một đô thị, lôi kéo người ta đến đây hoặc nhớ về nó, nói đến nó. Anh ví dụ, người Mỹ thì xã giao giỏi, lúc nào cũng tươi cười, giả lả, giống ở Bangkok; người Anh đĩnh đạc, hơi lạnh nhưng thẳng; dân Pháp lúc nào cũng thân thiết như họ hàng, nhưng bắt tay vào việc thì không được thế. Tôi cảm thấy được an ủi vì trong cơn lốc kim tiền đang biến TP HCM thành Singapre hay Seoul, một thứ còn chưa mất, đó là tính cách người bản địa.
Một thành phố thực ra không khác một con người. Những ai xẹt qua một nơi để du lịch, check-in bằng con mắt "người xa lạ" khó mà nhận biết được cá tính thật của nó nếu không đào qua những tầng lớp sâu hơn dưới bề mặt cuộc sống. Đô thị nào cũng thế, với những căn nhà, ngõ hẻm, hàng cây, song cái hồn chính là chất sống thấm đẫm qua mỗi bước chân con người trong các ngõ ngách, hẻm mẹ, hẻm con, hẻm cháu hẻm chắt, hẻm "chút chít".
Có biết bao tầng tầng lớp lớp những con sóng tư tưởng, niềm tin, khát vọng, mong muốn trong lòng một xã hội mà mùi vị, màu sắc của nó tinh vi đến nỗi, những người hời hợt mãi không bao giờ chạm tới. Ta sống ở đây, mưu sinh ở đây, suy tư, quan sát và lựa chọn. Ta biết cái hố ở góc đường, nếu trời mưa nhớ tránh ra kẻo ngã, buổi tối nhớ đóng cửa sổ để tránh tiếng karaoke và mùi khói nướng thịt bên kia đường.
Nhưng trong bài báo của Nick, xuất bản trên một trong những tờ báo tiếng Anh lớn nhất thế giới, đường Đồng Khởi - trái tim và thương hiệu văn hóa toàn cầu của Sài Gòn được mô tả là "đang trải qua một cuộc phục hưng của các cửa hàng Gucci, Dior và Louis Vuitton"; điểm nhấn bên sông Sài Gòn là "một showroom với một siêu xe Lamborghini Huracan màu vàng tươi và 3 mẫu Bentley khác nhau"; "trung tâm lịch sử của thành phố đang được lấp đầy bởi những kiến trúc có thể nhìn thấy ở bất kỳ đâu tại châu Á".
Tôi không thể hỏi Nick rằng có bao nhiêu người đã đọc bài viết đó. Nhưng có lẽ khá đông, đó dẫu sao cũng là The Guardian. Nó đã trở thành một biên bản quảng cáo du lịch tai tiếng.
Bản sắc cộng đồng dân cư tại các điểm đến được coi là một phần của tài nguyên du lịch, hay còn gọi là nhóm người làm dịch vụ gián tiếp. Những ấn tượng sâu sắc trong tâm trí khách về sự hiếu khách, về đặc tính văn hóa, hành vi và phong tục tập quán địa phương trở thành hàng hóa đặc biệt và có giá trị trong ngành kinh tế này. Nó thỏa mãn các nhu cầu về tinh thần của du khách: tìm hiểu, mở rộng nhận thức, tăng cường giao lưu, được tôn trọng, giao tiếp và thưởng thức. Hơn 90% các quyết định chi tiêu đến từ vùng Hạ đồi của não, nơi quyết định cảm xúc của con người.
Bạn chẳng khó khăn gì để tìm ra một bài báo nước ngoài ca ngợi tính cách người Việt Nam là điểm cộng của ngành du lịch. Trang Hubpages bầu chọn Việt Nam thuộc 10 quốc gia thân thiện nhất thế giới năm 2013 bởi du khách đến đây "luôn phải ngỡ ngàng trước sự nhiệt tình hào phóng của người địa phương".
Nhưng không khó để nhận ra rằng bản sắc đó - trong tư cách một loại tài nguyên - không nằm trong bản đồ quy hoạch nào. Các không gian sống "kiểu Sài Gòn" hay "kiểu Hà Nội" không được định nghĩa bởi ngành văn hóa, không được bảo tồn bởi ngành phát triển đô thị. Nó đang vật lộn với "cuộc phục hưng của các cửa hàng Gucci, Dior và Louis Vuitton". Chúng tôi đã nêu lên điều này tại chuyên mục Góc nhìn nhiều lần.
Khi những đường biên giới nhân tạo gần như mất hẳn trong ý niệm của con người, thế giới càng hiện đại, các quốc gia càng có nhu cầu khẳng định nét riêng của mình. Kinh tế ngày càng toàn cầu hóa, nhưng văn hóa thì phải bản địa quyết liệt hơn nếu muốn tồn tại không lẫn lộn với loài người. Nếu không có bản sắc, văn hóa, cá tính cộng đồng như một "mã gene" riêng? Một thành phố, một quốc gia còn lại gì? 
Trong mọi sự đánh giá và đề án phát triển, tính cách hào sảng, chân phương của người miền Nam; màu sắc, mùi vị, cá tính của nhịp sống trong lòng những đô thị phải là ưu tiên mềm của quốc gia và chính quyền thành phố ấy.
Một thành phố nên tự hào nếu có một showroom bày đến 3 mẫu Bentley khác nhau. Nhưng có một thứ cần tự hào hơn tất thảy, là cách sống của những cư dân. Liệu tính cách đó có cần một bản đồ quy hoạch riêng, hay sẽ tự phát huy được trong một thành phố "đồng phục" nhôm kính bê tông và điều hòa nhiệt độ?

Ngẩn ngơ với ‘dạ thưa’ kiểu Sài Gòn…



Một người bạn đồng môn của "sư phụ", GS Nguyễn Kim Phi Phụng bên Khoa học tự nhiên, cựu nữ sinh trung học Nguyễn Bá Tòng, khi nói chuyện cũng vậy, cũng thường dùng những tiếng dạ, thưa. Không chỉ dạ, thưa khi nói chuyện với người lớn tuổi hay bạn bè cùng trang lứa, mà khi nói chuyện với những người nhỏ tuổi hơn, mình vẫn nghe những tiếng dạ, thưa như vậy của thầy.
Ở Bách khoa, ngoài những giảng viên ngày cũ, mình vẫn thấy phong cách này ở những nhân viên. Chỗ phòng đào tạo, có chị Như Hằng, mỗi lần nói chuyện đều "thưa có", "thưa không", "dạ", dù các thầy cô đang nói chuyện đều nhỏ tuổi hơn chị.
Phòng KHCN còn có chị Mai Loan, cũng một dạ hai thưa với các thầy cô, dù người nói chuyện nhỏ tuổi hơn chị. Có một chị lao công thường quét lá ở gần thư viện, sáng nào cũng gặp, mình chào chị trước, lúc nào cũng nhận lại câu chào bắt đầu bằng tiếng "dạ", trong khi mình nhỏ tuổi hơn chị và chào chị… cộc lốc.
Trong giới văn nghệ sĩ miền Nam, một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất của sân khấu cải lương là "sầu nữ" Út Bạch Lan, xem các chương trình trò chuyện trên truyền hình, vẫn thấy bà dùng những tiếng "dạ, thưa" rất lịch sự, dù có khi người phỏng vấn chỉ đáng tuổi con cháu của bà.
Không chỉ trên truyền hình, ở ngoài đời thật, có lần mình cũng nghe bà dạ, thưa như vậy khi nói chuyện. Một nghệ sĩ nổi tiếng khác là ca sĩ Hoàng Oanh, cựu nữ sinh Gia Long, khi trả lời phỏng vấn báo chí, bà vẫn "dạ thưa chị" hay "dạ thưa anh"…
Mà cũng không chỉ trong trường đại học, giữa Sài Gòn, mình vẫn có dịp nghe những người bình dân dạ, thưa theo phong cách lịch sự như vậy. Có lần ghé vào một tiệm tạp hóa ở quận 1, cái tiệm cũ còn hơn cả người yêu cũ nữa. Chị chủ quán có lẽ cũng đã U60, nhưng vẫn một dạ hai thưa với khách hàng.
Cũng phải nói thêm cho rõ, người ta dạ, thưa theo kiểu rất tự nhiên, chứ không phải dạ, thưa theo kiểu khúm núm xun xoe để cố lấy lòng người đối diện hay khi nhờ vả chuyện gì đó…
Ngẩn ngơ với những tiếng dạ, thưa kiểu Sài Gòn dễ thương như vậy…