khktmd 2015
Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021
Đời là vậy!- Tác giả Vương Hồng Sển
Nói chuyện với cõi âm: Màu của linh hồn - Tác giả Tuấn Khanh
Vô tình xem được một buổi trò chuyện của thầy Thích Pháp Hòa, vào cuối năm 2020, có một người đưa lên câu hỏi rằng chuyện nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng nói chuyện được với hồn ma, và đã từng giúp tìm được hàng ngàn hài cốt, vậy chuyện ấy là như thế nào. Sau đó, mọi người được một tràng cười.
Mọi thứ ngỡ là quá khứ xa lắm, phút chốc dội về với bao nhiêu thứ.
Chuyện một phụ nữ tuyên bố mình có khả năng nhìn thấy một cõi khác, có thể can thiệp và cứu giúp sự tồn tại trong hai thế giới cùng lúc, có thể là chuyện thú vị trà nước, nhưng cũng được nhìn thấy như một sự thao túng tiến trình sống thực tế của con người bằng những điều huyễn hoặc. Nó giống như việc các nhà triết học viễn mơ đưa ra lý thuyết đi về một xã hội cộng sản ở một cảnh giới nào đó, xa lắm nhưng lại thao túng con người ở xã hội đương thời với từng ngày, từng giờ, buộc phải đi đến.
Bà Hằng từng là nhân vật showbiz hạng nhất của xã hội Việt Nam từ giai đoạn 2009 đến 2013, đỉnh cao là những chương trình truyền hình theo chân bà, gọi là tìm hài cốt liệt sĩ. Hàng triệu người đã khóc cười, ngã nghiêng theo các điều được ca ngợi là kỳ diệu của bà, cho đến khi show truyền hình của đài VTV, có tên “Trở về từ ký ức” bất ngờ nói ngược lại mọi thứ, nói tất cả là một trò lường gạt của bà Hằng. Thậm chí các mẫu xương cốt tìm được, có sự xác nhận của Viện Pháp y Quân đội là toàn xương chó, mèo, heo.
Có vẻ như show truyền hình ấy đã theo chỉ đạo, kết thúc giai đoạn tôn vinh và sử dụng bà Hằng vì lý do nào đó, đặc biệt vào thời điểm có tin các nhóm sinh hoạt thờ ông Hồ Chí Minh có ước muốn bà trò chuyện với ông ở cõi âm. Và dù là bị tố là lừa gạt, và xúc phạm đến hài cốt bậc lão thành cách mạng như Phùng Chí Kiên, lại không thấy bà bị khởi tố, thậm chí bà cũng chẳng đưa ra lời giải thích nào. Thật lạ.
Một lần trả lời phỏng vấn vào năm 2010, bà Hằng khi được hỏi là ngoài việc thấy các linh hồn liệt sĩ, bà còn thấy gì khác không, bà nói là thấy mọi thứ, kể cả thấy nhiều linh hồn lính Ngụy chết, sợ sệt và mặc cảm vì mình là kẻ có tội. Vào năm tháng đọc được phần trả lời ấy, tôi nhớ rõ mình bật cười khan, vứt tờ báo sang một bên, từ chối nghe mọi sự thao túng của bà ta từ các câu chuyện huyền diệu được xưng tụng. Ối Hằng ơi là Hằng!
Trong bài “Chuyện chưa kể về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng”, xuất hiện ở nhiều báo nhà nước, có đoạn nghe mà buồn nôn. Bà Hằng kể là khi đi tìm mộ liệt sĩ ở công viên Lê Thị Riêng, Sài Gòn, bà thấy một linh hồn lính Ngụy muốn nhờ bà nhắn giùm với gia đình, nhưng không dám vì luôn e sợ các liệt sĩ bộ đội chôn ở gần đó.
Trong một đoạn khác mô tả đi tìm mộ ở Bình Định, bà Hằng dành hẳn một đoạn kể là bọn Mỹ Ngụy ngày xưa ác lắm, mổ bụng moi gan một người trong làng và đóng đinh treo lên cây. Và còn mô tả là bà nhân đức nên thắp hương cho lính Ngụy nhưng “người trong làng xô ra không cho thắp”.
Lời mô tả rập khuôn sách giáo khoa dạy căm thù. Thậm chí mô tả là dân làng nhắc đến Mỹ Ngụy là giận đến mức muốn lấy đá, búa… dần xương cốt của chúng được tìm thấy, may mà bà can ngăn.
Cuối cùng, linh hồn một anh lính Ngụy dắt bà đến chỉ chỗ một hài cốt bộ đội, và trong bài ghi chép ấy kể như sau: Hằng bảo với dân làng: “Vậy là anh ta đã lấy công chuộc tội rồi, mọi người không nên căm thù nữa nhé!”.
Trong cảnh giới tâm linh của bà Hằng, rõ ràng linh hồn có màu: Màu cách mạng, màu Mỹ Ngụy và màu nhân ái cao cả của tinh thần chủ nghĩa cộng sản.
Có thể bà Hằng rất giỏi chuyện tâm linh, có thể bà nhìn thấy được cõi âm, nhưng khả năng ấy cúc cung phục vụ cho định kiến, cho chính trị, nên mọi thứ của bà đọng lại, cũng chỉ là một loại tà quyền, hay tệ hơn, là tay sai của tà quyền. Có thể nhờ những công lao tạo dựng rõ cảnh trí “địch-ta” đó ở khung cảnh đại vĩ tuyến, mà bà Hằng bình an vô sự, thậm chí hôm nay vẫn nhận lời đi tìm hài cốt và diễn thuyết tự tin ở chùa Hoằng Pháp.
Một ngày cuối tháng 4, gợi nhớ giờ phút kết thúc một cuộc chiến nhưng không phải là thôi những cái chết oan khiên trên đất nước Việt Nam. Rồi nhớ đến chuyện của nhà ngoại cảm quốc doanh Phan Thị Bích Hằng, nên tự hỏi, có bao giờ bà lắng nghe những linh hồn thanh niên miền Bắc chết vô danh trên những chiếc võng ở dãy núi Trường Sơn, chết ngậm ngùi ở đồi Charlie, hay bà có nghe thấy lời của cô gái Đặng Thùy Trâm, chết mang theo một giấc mơ hòa bình thiếu nữ, vùi thân trong một cuộc chiến tranh khốc liệt mà không thể hiểu được, phía sau tiếng súng cuối cùng ấy, là gì?
Bức tường đá đen: Đài tưởng niệm cho hiện tại sâu thẳm - Tác giả Trần Tiến Dũng
Tôi đến Quảng Trường Quốc Gia (National Mall) ở thủ đô Washington, nơi có đài tưởng niệm những người lính Mỹ chết trận ở Việt nam. Tôi quen gọi nơi này là bức tường đen. Đi cùng tôi có anh Trịnh Cung và anh Trương Vũ (Trương Hồng Sơn). Chính anh Trương Vũ đã lái xe đưa chúng tôi đến đây vào một sáng mùa xuân.
Chúng tôi đi bộ xuyên qua những khoảng xanh công viên. Trên lối đi bộ, nhiều lần chúng tôi phải bước lên cỏ để tránh đường cho những chiếc xe tỉa cây; và những lần như vậy khiến tôi nhớ mỗi khi đi đường phải ngó lung tung để né xe ở Việt Nam.
Tôi không nhớ rõ anh Trịnh Cung và anh Trương Vũ nói những gì trong lúc cùng tôi đi bộ. Tôi chỉ nhớ là tôi đã nói huyên thuyên với các anh ấy cảm nhận của tôi về cây cỏ nước Mỹ. Mọi giống thực vật ở đây đều lạ lùng. Lạ lùng hơn nữa là chuyện sinh lực tràn trề của màu xanh lục xứ ôn đới.
Lúc đi qua cái hồ nước nhỏ ở công viên, tôi nhìn thấy những con thiên nga đen cùng một bầy vịt. Tôi chỉ chú ý vào những con vịt và không muốn phân biệt chúng là vịt trời, vịt Mỹ hay vịt Ta. Tôi vốn ưa loài vịt, nhưng những con vịt ở đây lại không có gì đáng gần gũi thương cảm như vịt ở quê tôi. Ở đây, từ vịt mẹ cho đến mấy con vịt con chỉ nhỏ bằng nắm tay đều có vẻ xa lạ. Tôi đọc thấy sự xa lạ này là do cái phong cách chúng tự nhiên kiếm ăn, rỉa lông và sống không lo sợ giữa thế giới con người.
Đi qua hồ nước một chút, tới chỗ bán đồ ăn nhanh và restroom, chúng tôi bước vào hàng cây liễu đang giăng cành lá thành một tấm rèm xanh mượt. Những chùm bông đỏ nở rất dày buông xuống mạnh mẽ như một cách chọn lựa không đắn đo cho chuyến đi trở về với đất.
Ký ức không thể sắp đặt
Tôi mong tới công viên này, tới bức tường đen vì bị thôi thúc bởi ký ức tuổi thơ. Tôi nói với anh Trương Vũ như vậy. Các anh có ký ức trần trụi hơn tôi về những người Mỹ đã đến miền Nam Việt Nam trước đây, ký ức của những người vào thời điểm ấy đã trưởng thành. Trong khi ký ức của tôi về người Mỹ là của một cậu bé. Người Mỹ của tôi thuộc về những năm tháng thập niên sáu mươi, thuộc về nơi chốn ghi trong khai sinh của tôi: Ấp Long Thuận, xã Long Chánh, tỉnh Gò Công. Trong cái hẻm số 3 thuộc thị xã, dưới dốc cầu Long Chánh. Cái hẻm là nơi sống của nhiều gia đình chạy nạn chiến tranh từ thời Việt Minh nổi dậy.
Trong tôi có hình ảnh những người lính Mỹ da đen và da trắng. Những năm tháng ấy, ngày nào họ cũng lùng sục từng gia đình để tìm những đứa con nít có bệnh, có ghẻ, có răng sâu… Những người lính Mỹ đầu tiên có trong ký ức của tôi là những người có thân hình hộ pháp và không cầm súng. Tôi không hiểu vì sao những người lính quân y này bỏ nhiều công sức đến vậy để chỉ tìm những đứa con nít. Tôi nhớ lúc đó gần cườm chân phải của tôi có mụt ghẻ mà dân gian gọi là ghẻ hòm; cái mụt ghẻ này là do lúc tôi đá banh bị trầy da. Một vết trầy da đối với thằng nhóc xóm lao động thì đâu có nhằm nhò gì, dù vết thương chỉ được xức thuốc đỏ sơ sơ và cộng với tật ở dơ nên lâu ngày thành ghẻ hòm.
Tôi không bao giờ quên được một ông Mỹ trắng đã dùng bàn tay to bè phất phới lông vàng nắm lấy chân tôi, tay còn lại cầm kéo kẹp miếng gạc rửa ráy, xức thuốc mụt ghẻ mấy ngày liền, mỗi lần như vậy tôi đau đái ra quần. Mụt ghẻ trên còn để lại vết thẹo trên chân tôi, còn ông Mỹ trằng với tóc vàng mắt xanh, lờ mờ trong ký ức ấy không biết bây giờ ở đâu!
Tại sao một cậu bé phải nhìn người lính Mỹ theo cách mà hai phe trong cuộc chiến tuyên truyền? Tôi có quyền nhìn nhận người lính Mỹ xức ghẻ cho tôi là một phần trong sáng của ký ức tôi.
Chúng tôi đến bức tường đen từ một phương hướng tôi không định hình được, vì hôm ấy mặt trời bị khuất trong mây. Khi bức tường đen lọt vào tầm mắt, tôi bắt gặp một con sóc ngồi chồm hổm dưới một gốc cây cạnh lối đi. Đôi mắt đẹp của con sóc làm tôi muốn chụp hình nó. Ý tưởng của tôi là chụp đôi mắt đẹp ngây thơ của con sóc và bức tường đen phía sau. Nhưng rốt cuộc tôi chỉ có bức hình con sóc với gốc cây. Toàn bộ không gian của công viên này hiển hiện tự do, không để cho bất kỳ ý tưởng nào có thể sắp đặt.
Tôi nhớ hình ảnh một chiếc trực thăng rơi ngoài ấp chiến lược ở quê tôi. Bốn, năm ông lính Mỹ nằm cạnh tứ phía của chiếc trực thăng đó, thì bọn con nít chúng tôi bên bờ ấp chiến lược cũng tò mò ngồi mấy tiếng đồng hồ chờ coi mấy ông lính Mỹ làm gì. Lúc ấy tôi nghĩ mấy ông Mỹ này sao khờ quá. Nơi trực thăng rơi cách thị xã Gò Công chưa đầy hai cây số, vậy mà sợ nỗi gì! Lính đầy! Ai ăn cắp được chiếc trực thăng mà sợ mất!
Chiến tranh của người lớn lúc ấy giống như chuyện tụi con nít khác xóm với chúng tôi chơi trò chia phe đánh nhau. Nghĩ lại tức cười thiệt! Chiến tranh của người lớn trong cái nhìn non nớt của tụi tôi cũng tức cười không kém. Đơn cử như chuyện sơn mấy gốc cây: Buổi tối mấy ông Cộng Sản ra sơn cờ giải phóng; buổi sáng thì lính quốc gia lại bôi đi, rồi sơn cờ Việt Nam Cộng Hoà; cứ làm đi làm lại mỗi ngày như vậy, giống như một trò chơi đã được sắp đặt trước.
Tôi không biết mấy người lính Mỹ giữ chiếc trực thăng rơi ngày ấy bây giờ ra sao. Nhưng bây giờ thì tôi biết: Trong toàn cảnh chiến tranh người ta không thể sắp đặt cho chuyện còn mất của mỗi số phận.
Hiện tại nghiệt ngã và cay đắng
Lúc tôi đến, thủ đô nước Mỹ chưa khánh thành bia tưởng niệm những nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản trên toàn thế giới. Và nghị viện châu Âu chưa thông qua nghị quyết về tội ác chống nhân loại của chủ nghĩa Cộng Sản. Trong khi tôi có mặt ở nước Mỹ, thì đứa con trai tuổi thiếu niên của tôi trong trường trung học phổ thông ở Việt Nam vẫn phải học bài “Chủ nghĩa tư bản đang giẫy chết”. Con tôi thuộc thế hệ 9x. Đối với tất cả học trò ở Việt Nam thuộc các thế hệ sinh sau 1975, bài học về “tội ác của đế quốc Mỹ” là bài học bị bắt buộc phải ghi nhớ.
Đài tưởng niệm “The Vietnam Veterans Memorial” được dựng bằng đá đen thành một bức tường màu huyền, trên đó khắc tên bằng chữ màu trắng của hơn 58.000 người lính Mỹ tử trận. Chiều sâu bên trong của chất đá ấy, bắt đầu từ phía thấp nhất của bức tường, vạch ra riêng một đường chân trời, mở ra riêng bầu trời đen huyền. Chúng tôi và những người đã đến đây, dù muốn hay không vẫn thấy bóng mình trong bầu trời đó. Bầu trời của hôm nay, một thời đại khác sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Từ hướng chúng tôi đi tới, bức tường đá đen nhô lên. Chỗ bức tường bắt đầu nhô lên ấy chỉ cao bằng bàn chân người. Đỉnh cao và vực thẳm của số phận con người, cuối cùng chỉ là ngần ấy.
Tôi đứng đó, lúc ấy, chỉ muốn nói với con trai tôi, để cho nó hiểu mà bước vào tuổi trưởng thành, rằng: Trong cảm xúc ký ức của tôi luôn có hình ảnh người lính Mỹ tốt. Bất kể những người lính Mỹ khác ra sao, tôi vẫn tựa vào cảm xúc trong sáng ấy để không cực đoan, để luôn tin trong hoàn cảnh cay đắng và nghiệt ngã đến mấy, dù họ có là lính của bất cứ phe nào, dân tộc nào thì vẫn luôn có người tốt. Người lính tốt không bao giờ là thiểu số. Người lính tốt có thể vô danh nhưng việc làm của họ dù nhỏ, vẫn âm thầm tử tế trong lòng người đã nhận.
Anh Trương Vũ và có lẽ cả anh Trịnh Cung đã đến đây nhiều hơn một lần. Còn tôi, lúc ấy, trong không gian tưởng niệm những người lính Mỹ chết ở Việt Nam, tôi thấy tôi Việt-Nam-hơn. Tôi biết tôi Việt-Nam-hơn chính là khi tôi nói ra điều tôi nhận thức: Những cuộc đời của những người lính Mỹ đã vĩnh viễn mất đi này, linh hồn họ cùng linh hồn những người lính Việt Nam không phân biệt màu quân phục, tất cả đồng hành trong lịch sử cá nhân tôi và mỗi người ở đất nước tôi trong hiện tại và tương lai.
Anh Trịnh Cung đi trước tôi, chăm chú nhìn từng kỷ vật do các thân nhân và những người đến viếng để lại dưới chân bức tường tưởng niệm: những chú gấu bông, nhiều tờ giấy ghi vội cảm tưởng, những bài thơ và nhiều tấm ảnh thời trẻ thơ, thời thanh niên của những người lính đã khuất. Những người lính ấy, trước khi chết, vào cái lúc mà phần sâu thẳm trong lòng họ mong được sống sót để về với gia đình, trong khoảng sáng cuối cùng ấy — tôi ước ao họ vượt qua được nỗi giày vò rằng: Tương lai dân chủ tự do cho dân tộc Việt Nam tại sao lại chính là nỗi tuyệt vọng của họ?
Trong lúc nhờ một người phụ nữ Mỹ trung niên chụp giùm chúng tôi một tấm hình, anh Trịnh Cung nói với bà rằng anh là người miền Nam. Anh giải thích thêm với bà rằng anh cũng từng là lính Việt Nam Cộng Hoà, và anh xin được cám ơn sự hy sinh của những người lính Mỹ này. Chúng tôi cùng nói cám ơn bà vì bà đã giúp chúng tôi chụp tấm hình kỷ niệm. Đoán rằng tôi không nói được tiếng Anh, bà quay sang anh Trịnh Cung và hỏi có phải tôi cũng đến từ nước Việt Nam Cộng Sản không. Anh Trịnh Cung xác nhận là đúng. Tự nhiên bà cười rất tươi với chúng tôi và nói: “Cám ơn!” Cách nói cám ơn của bà nhẹ nhõm như của một người vừa trút khỏi mình một gánh nặng.
Đọc hồi ký của một tác giả nghiên cứu Việt học L. Cadiere
Tên tuổi L. Cadiere rất quen thuộc đối với giới nghiên cứu Việt Nam ở nhiều quốc gia, bởi ông là chủ bút tập san Bulletin des amis du Vieux Hue (B.A.V.H) có tuổi thọ 30 năm (1914-1944) - nguồn cung cấp nhiều tư liệu gốc về Huế và miền Trung cho giới nghiên cứu.
Tuy vậy, thiên hạ sử dụng di sản tinh thần L. Cadiere để lại nhưng chưa có điều kiện hiểu biết đầy đủ cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Bộ sách Hồi ký của một ông già Việt học không chỉ giúp chúng ta hiểu toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp L. Cadiere mà còn giúp hiểu sâu hơn lịch sử, văn hóa của Việt Nam.
Với phần đầu cuốn sách - Thân thế và sự nghiệp của L. Cadiere, bạn đọc sẽ nắm được những điều cốt yếu nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của chủ bút tập san Bulletin des amis du Vieux Hue - một "cuộc đời dài 86 năm nhưng đã để ra hết 63 năm phục vụ ở Việt Nam".
Hơn 250 ấn phẩm của L. Cadiere cũng được thống kê, phân loại trong phần 2 - Ấn phẩm của L. Cadiere.
Đỗ Trinh Huệ dành phần 3 cuốn sách cho tiểu luận dài 60 trang mang tên "Tâm thức tiếp cận của L. Cadiere với văn hóa, ngôn ngữ, tín ngưỡng và gia đình Việt Nam".
Qua tiểu luận này, độc giả thêm khâm phục công phu và cả sự quả cảm của "ông già Việt học" đã luôn trung thành với nguyên tắc "mắt thấy tai nghe", đến tận những nơi xa xôi hẻo lánh nhất, thậm chí đe dọa tính mạng mình chỉ để hiểu một từ địa phương, để biết vì sao con chim này, chim kia lại có tên như thế...
L. Cadiere thổ lộ: "Vì đã nghiên cứu và hiểu người Việt nên thật tình tôi yêu mến họ. Tôi yêu mến họ vì trí thông minh, nhạy bén trong suy nghĩ... vì những đức hạnh tinh thần".
Cũng chính vì thế, khi bàn về tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, ông đã bày tỏ "một ước nguyện là đừng làm suy yếu gia đình tại xứ Việt Nam này, mà trái lại hãy củng cố bằng mọi cách. Than ôi, liệu có được chăng! Liệu có chống chọi nổi những biến đổi với bao là mãnh lực". L. Cadiere viết điều này hơn trăm năm trước!
Trong phần Hồi ký của một ông già Việt học chiếm 2/3 cuốn sách, L. Cadiere chủ yếu ghi lại quá trình học và nghiên cứu tiếng Việt của ông từ lúc lên tàu sang Việt Nam. L. Cadiere "dẫn" chúng ta đi khắp hang cùng ngõ hẻm từ Đà Nẵng đến Huế, Quảng Trị, Đồng Hới, Phong Nha... thời mà Đà Nẵng cũng như Đồng Hới còn toàn cát với cát, từ Đà Nẵng ra Huế chưa có đường quốc lộ.
Cũng qua cuốn sách, chúng ta mới biết ông từng "rất hân hạnh đã được dạy vài bài tiếng Việt cho bác sĩ Yersin" - một "người Tây" cũng yêu Việt Nam đến mức xin được chết trên đất Việt...
Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam: Khổ đau và sung sướng- Tác giả Cameron Shingleton
Người nước ngoài học tiếng Việt ở Việt Nam vì nhiều lý do: một số người chắc vì tìm công việc ở đây, một số người vì đã đến thăm vài lần và muốn quay lại ở lâu hơn, một số người khác nữa vì tình yêu. Lý do sau cùng này cũng là lý do tôi bắt đầu học tiếng Việt ở Úc rồi qua Việt Nam học tiếp 8 năm trước.
Học tiếng Việt 2 - 3 tháng ở Việt Nam, tôi thấy tiếng Việt khó - khó hơn mấy tiếng châu Âu tôi từng học rất nhiều. Nhưng tôi vẫn học được là nhờ sự kiên nhẫn và khéo léo trong việc thôi thúc học trò thực hành và giao tiếp của thầy cô.
Công nhận phương pháp dạy ở khoa Việt Nam học (chương trình học tiếng Việt dành cho người nước ngoài) ở trường nhân văn những năm ấy không tân tiến lắm. Được cái tôi chẳng màng, thậm chí bài tập càng khô khan thì càng thấy thích thú. Thầy cô có óc hài hước, là người hiểu biết, với tôi là đủ.
Tôi học được tiếng Việt, bởi vậy, là nhờ các thầy cô ở trường nhân văn hiểu học trò nước ngoài muốn nói gì, mặc dù bọn tôi nói sai bét 6 dấu thanh tiếng Việt (về sau tôi mới biết khả năng đó hiếm thế nào). Một yếu tố quan trọng nữa có lẽ là vì tôi sống ở Việt Nam thì bắt buộc phải nói chuyện với người Việt mỗi ngày. Phần lớn những người tôi tiếp xúc không hướng dẫn tôi hay bán đồ ăn cho tôi bằng tiếng Anh được, nên tiếng Việt của tôi tiến bộ khá là nhanh. Nhiều lúc trong ngôn ngữ, khó cũng sinh khéo.
Nhưng học tiếng Việt ở Việt Nam cũng nhiều vất vả, ngay cả không tính tới 6 dấu thanh quỷ quái kia. Một vấn đề lớn là môi trường sống ở Việt Nam ồn ào, nên chuyện học nghe với người nước ngoài như tôi là một thử thách lớn.
Tôi ở Việt Nam càng lâu thì càng nhận ra rất nhiều người Việt không nghe ra được người nước ngoài nói gì bằng tiếng Việt, thậm chí cả khi chúng tôi nói đúng dấu. Hình như khả năng nghe của họ tùy thuộc một phần vào việc “chuẩn bị tinh thần” để nghe.
Thứ ba có vấn đề liên quan đến cả văn hóa lẫn ngôn ngữ. Khá nhiều người Việt có vẻ ngại nói chuyện với người ngoại quốc, thậm chí khi đã biết người ngoại quốc đó đủ rành tiếng Việt để hiểu và tự nói. Bao nhiêu lần câu hỏi duy nhất người Việt nghĩ ra để hỏi tôi là “Bạn ở Việt Nam bao lâu rồi?”, sau đó im thin thít?! Nhiều đến độ có người đặt câu hỏi hay hơn khiến tôi bối rối. “Biết nói tiếng Việt em có thấy… sướng không?”, một cô thu ngân ở siêu thị hỏi tôi gần đây. Vì bận nín cười nên tôi chỉ có hai từ nhạt nhẽo để trả lời là “Có chị”, dù câu đáp thành thật hơn lẽ ra là “Có chị, nhưng vẫn có lúc phải loay hoay nên lâu lâu vẫn thấy khổ chút”.
Tôi vẫn nghĩ học tiếng Việt bằng cách đến và ở Việt Nam, học tập trung những năm đầu, là phương án hiệu quả nhất. Chỉ có chút luyến tiếc: sau khi ra trường nhân văn, tôi không kiếm được đúng người địa phương để “trao đổi ngôn ngữ”, điều lẽ ra đã giúp tôi nói tiếng Việt tự nhiên hơn. Ở trường thì học “xa thực tế” là không tránh khỏi, nên sau khi có trình độ kha khá thì phần lớn người nước ngoài cần học thêm: họ cần biết người Việt sử dụng từ ngữ nào, đặt câu ra sao cho hay trên thực tế. Tôi không có người hướng dẫn chuyện này nên luôn có cảm giác tiếng Việt của mình còn hơi “cứng”.
Vậy về ưu điểm của việc học tiếng Việt, cơ hội tôi nắm bắt được thì sao? Câu trả lời là tôi có nhiều bạn Việt Nam khá thân thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Tôi có cơ hội nói chuyện với nhiều người Việt bằng tiếng mẹ đẻ của họ.
Nhưng ưu điểm lớn nhất của việc học tiếng Việt ở Việt Nam là có công việc mới. Nhờ học tiếng Việt đến trình độ cao, ngày nay tôi viết sách nói về Việt Nam từ góc nhìn một người Tây và viết bằng tiếng Việt. Đó là một công việc xuyên văn hóa mà tôi thấy không thể thú vị hơn, cả khía cạnh ngôn ngữ, tri thức và tâm lý.
Tôi đến Việt Nam 8 năm trước, và cũng giống như mọi nơi khác trên thế giới, nhiều người ở đây coi công việc đơn thuần chỉ là sinh kế; họ hài lòng ít nhiều với khoản tiền kiếm được bằng công việc mình làm, nhưng đam mê với nó thì ít ai có. Còn tôi thì biết tiếng Việt và “làm việc với nó”: Tôi không coi nó chỉ là công cụ kiếm tiền, mà như phương tiện để biểu đạt suy nghĩ, bày tỏ ý kiến, gần như một góc nhìn khác để ghi lại những ấn tượng đời sống phong phú.
Có lúc tôi vẫn thấy hơi… khổ chút vì không biết biểu đạt điều muốn nói một cách đẹp, đầy đủ, tự nhiên, nhưng những niềm vui vượt qua trở ngại đó cũng có gần như mỗi ngày. Như bài này, tôi viết hoàn toàn bằng tiếng Việt, kể cũng đáng tự hào chút chút nhỉ.
Thôi thì cứ nói sống bằng cách viết tiếng Việt thì lúc vui, lúc khó. Hay có lẽ tốt hơn là nói nó khổ đau một cách sung sướng đi.
Cà Phê Vớ
Hồi xửa hồi xưa . . . có một dạo, ở Sài Gòn người ta gọi cà phê là “cà phe”, đi uống cà phê là đi uống “cà phe” với giọng điệu rất là ngộ nghĩnh. .Tiếng Tây gọi cà phê là Café, tiếng Anh là Coffee nhưng mấy ông bà người Tàu Chợ Lớn thì gọi là “cá phé”. Vậy thì café, coffee, cà phê, cà phe hay là cá phé muốn gọi sao thì gọi nhưng ai cũng hiểu đó là món thức uống màu đen có hương vị thơm ngon, uống vào có thể tỉnh người nếu uống quá đậm có thể thức ba ngày không nhắm mắt .
Năm 1900, hồi đó người Sài Gòn chưa ai biết kinh doanh với nghề bán cà phê cả. “Xếp sòng” của ngành kinh doanh có khói này là do các xếnh xáng tên nghe rất Chệt: A Hoành, A Coón, chú Xường, chú Cảo. Họ là chủ các tiệm hủ tiếu, bánh bao, há cảo, xíu mại. Vô bất cứ tiệm hủ tíu nào vào buổi sáng cũng có bán món, cà phê, cà phe đi kèm để khách có thể ngồi đó hàng giờ nhâm nhi bàn chuyện trên trời dưới đất.
Hồi đó chẳng ai biết món cà phê phin là gì đâu? Các chú Xường, chú Cảo, A Xứng, A Hía chỉ pha độc một loại cà phê vớ. Một chiếc túi vải hình phễu được may cặp với một cọng kẽm làm vành túi và cán. Cà phê bột đổ vào túi vải (gọi là bít tất, hay vớ đều được). Vì chiếc dợt cà phê này hơi giống như chiếc vớ dùng để mang giày nên “dân chơi” gọi đại là cà phê vớ cho vui. Chiếc vớ chứa cà phê này sau đó được nhúng vào siêu nước đang sôi, lấy đũa khuấy khuấy vài dạo xong đậy nắp siêu lại rồi. Tiếng lóng bình dân gọi là Kho Cà Phê. ”Kho” độ năm mười phút mới có thể rót ra ly mang ra cho khách. Chính cách pha chế rất độc đáo không nước nào quốc gia nào trên thế giới có được.Duy chỉ có ở Saigon và Lục tỉnh miền Nam mà thôi. Dân ghiền cà phê còn gọi nó là cà phê kho bởi chỉ ngon lúc mới vừa “kho nước đầu”. Nếu ai đến chậm bị kho một hồi cà phê sẽ đắng như thuốc Bắc.
Có mấy khu vực có những con đường quy tụ rất nhiều tiệm cà phê hủ tíu. Ở Chợ Cũ có đường MacMahon (đọc là đường Mạc Má Hồng, nay là đường Nguyễn Công Trứ) có rất nhiều tiệm cà phê kho từ sáng đến khuya. Khu Verdun – Chợ Đuổi (nay là Cách Mạng Tháng cũng đáng nể bởi cà phê cà pháo huyên náo suốt ngày.
Ở bùng binh Ngã Bảy (góc Phan Thanh Giản và Minh Mạng) có một tiệm cà phê hủ tíu đỏ lửa từ 4 giờ sáng cho đến tận 12 giờ đêm. Còn nếu ai đi lạc vào khu Chợ lớn còn “đã” hơn nhiều bởi giữa khuya vẫn còn có thể ngồi nhâm nhi cà phê, bánh bao, bánh tiêu, dò-chả-quải đến tận sáng hôm sau.
Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2021
Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021
Vui Buồn Làm Căn Cước Công Dân Gắn Chíp - Tác giả Vinh Râu
Hôm qua tôi đi làm căn cước công dân (cccd) gắn chíp, mất 3 tiếng đồng hồ của đời người vì nó. Đó là có đăng ký trước cho tổ trưởng dân phố, lấy số đàng hoàng. Tổ trưởng báo giờ làm cccd cho số 38, 39 của vợ chồng tôi là lúc 8h 05 sáng, nhưng đúng 11h05, tôi mới được xách đít về nhà.
1) Vì mất 3 tiếng nên công dân có thể ngồi trên ghế nhựa màu đỏ mà suy nghĩ vẩn vơ đủ thứ, từ chính trị xã hội đến cơm áo gạo tiền hay những vấn đề tình yêu và triết học.
Cái tui nghĩ đầu tiên là cái từ căn cước công dân. Mất 46 năm sau khi chiếm miền Nam, chế độ này mới dám lấy lại từ căn cước của VNCH. Căn bệnh bảo thủ của mấy anh cộng sản quả là cố đế thâm căn.
Nó giống như từ tiểu học, trung học. Hai từ ngắn gọn như thế mấy ảnh ko chịu, nhất quyết phải là phổ thông cấp 1, phổ thông cấp 2 cấp 3 dài thòng cơ. Giờ thì ta thấy sao rồi, chữ tiểu học và trung học đã được dùng lại sau nhiều năm cố tình chối bỏ.
Muốn học lấy văn minh, có cần phải tốn quá nhiều thời gian như thế không?
Không những bảo thủ, mấy ảnh còn thích lê thê lòng thòng nữa cơ. Chứng minh nhân dân 4 từ 17 ký tự đang bị bỏ, thì thôi ta dùng lại 2 từ căn cước ngắn gọn với 7 ký tự như VNCH đi, đàng này mấy ảnh phải thêm 2 từ công dân đằng sau mới chịu, thế là thành 4 từ 14 ký tự nằm chình ình trên cái thẻ.
Tui đâu có cần phải có hai chữ công dân trên tấm thẻ căn cước thì thiên hạ mới biết tui là công dân của nước chxhcnVN? In thêm 2 từ với 7 ký từ trên hàng chục triệu tấm thẻ, bạn có thể thấy mấy ảnh mất thêm bao nhiêu là mực màu và thời gian rồi chớ hả?
Càng nghĩ tôi càng thấy ghét cái tên ngôi trường hiện giờ mà ngày xưa tôi theo học. Nó tốn âm tiết cho người muốn nhắc đến nó, tốn thêm tiền sơn và diện tích tấm bảng viết tên trường.
Thay vì là (đại học) Văn khoa đơn giản ngắn gọn như thời VNCH, đủ ý với 2 từ 7 ký tự, nay mấy ảnh gọi là (đại học) Khoa học xã hội và nhân văn. Chời ơi nó dài đến 7 chữ 21 ký tự. Đọc muốn mỏi cái miệng luôn á.
2) Giờ đến chuyện làm căn cước. Sở dĩ công dân phải mất 3 giờ cũng... nhờ quy trình tiên tiến của mấy anh công an.
Quy trình này có nhiều công đoạn. Chụp ảnh, giải quyết sự cố phát sinh về mặt giấy tờ của công dân, lăn tay, chờ ra hồ sơ, lấy biên nhận.
Cứ mỗi công đoạn thì...chờ. Ban đầu thì chờ cho đã để được gọi lên chụp ảnh. Chụp xong tiếp tục xuống ngồi chờ...xem những người khác chụp. Sau một thời gian chờ miên man, mới được gọi lên lăn tay nếu giâý tờ nhân thân ko có vấn đề. Lăn tay xong lại xuống chờ... miên man để được gọi lên đưa hồ sơ đã xong để công dân kiểm tra lại có sai sót không. Sai thì sửa, không sai thì đem ra nộp tại bàn cấp giấy chứng nhận, lấy giấy hẹn sau khi đóng 15 nghìn đồng.
Có vậy thôi mà mất 3 tiếng đấy quý vị.
Thay vì mỗi công dân chỉ lên một lần, làm đủ các công đọan thì về chỗ chờ kêu tên lấy giấy hẹn, đàng này, do quan tâm quá mức đến tên tuổi công dân nên mấy anh kêu lên kêu xuống ít nhất 3 lần.
Phần tôi thì bị sự cố như sau:
Anh tổ trưởng dân phố vận động công dân trong tổ đi làm cccd. Tôi hỏi anh, là công dân quận 1 tphcm, nhưng tạm trú nhà vợ ở Thủ Đức, tôi làm cccd ở tp Thủ Đức được không? Anh bảo ok. Vì thế tôi mới đăng ký.
Khi đến chỗ làm cccd, một anh công an bảo tôi điền vào tờ khai của người tạm trú (người thường trú không cần). Tôi lầm lũi điền, tốn thêm một ít thời gian. Điền xong được mấy ảnh tiếp nhận.
Sau một thời gian chờ đợi dài hơn nữa thế kỷ bị phỏng dái, tôi được gọi tên, nhưng không phải lên chụp ảnh mà lên để cật vấn, tại sao hộ khẩu quận 1 không về quận 1 làm mà làm ở đây. Tôi bảo đã hỏi chính quyền rồi, việc đó là hợp pháp, tôi ở đây nên làm ở đây cho tiện, có vợ có chồng. Nếu mấy anh không muốn làm thì ban nãy bắt tôi điền tờ khai tạm trú làm gì cho mất thời gian, rồi thêm ngồi chờ lâu lắc nãy giờ nữa?
Cãi cọ một hồi, mấy anh công an mới chịu làm cccd cho tôi sau khi anh cảnh sát khu vực của tổ tôi có ý kiến. Thế rồi mấy anh lại hăm dọa, nếu làm ở đây, chú là người tạm trú nên rất lâu mới nhận được thẻ. Tôi hỏi bao giờ. Trả lời, người thường trú là 2 tháng còn chú thì không biết bao giờ.
Tôi hỏi vì sao lâu thế, mấy anh bảo, do khác quận nên thời gian thẩm tra hồ sơ của tôi lâu hơn. mấy anh khuyên, nếu muốn nhanh, tôi nên về quận 1 mà làm.
Mẹ kiếp, tôi bắt đầu nóng, sáng giờ mất bao nhiêu là thời gian, chả nhẽ giờ về quận 1 làm để mất thêm một mớ thời gian nữa?
Tôi hỏi, giấy tờ cũ trưng ra để làm cccd có đủ, từ hộ khẩu đến CMND, giờ mấy anh còn thẩm tra cái gì nữa. Nếu thẩm tra, vậy là mấy anh không tin vào chính giấy tờ mà chế độ này cấp cho tôi à? Thứ nữa, Thủ Đức với quận 1 cùng thành phố, muốn thẩm tra mấy anh cứ mở hệ thống quản lý công dân của mấy anh lên, check cái rẹc thì tên tuổi tôi hiện ra chứ cần gì phải mất thời gian?
Mấy anh chống chế, "hệ thống đó chúng tôi đang củng cố nên giờ không thể check được".
À ra vậy, vậy thì 4.0, số hóa, chuyển đổi số gì gì đó mấy anh hay la làng cho dân nghe chỉ là để cho vui thôi phải hơm?
Cuối cùng, tôi phẩy tay ok, nói với mấy anh công an rằng, mãi mãi không biết bao giờ được giao cccd cũng được, vì tôi vẫn còn cmnd cũ để dùng.
Khi nhận hồ sơ đã xong, kiểm tra, tôi thấy trình độ học vấn của mình là 9/12 dù tôi chưa bao giờ khai cái mục như vậy. Lại phải mất thời gian mang vô yêu cầu các anh công an thần thánh sửa chữa.
Đấy, hành trình làm căn cước công dân của tôi là như thế đấy. Ko biết người mất quyền công dân sẽ làm căn cước công dân gắn chíp như thế nào?
3) Zui nhất là, ngồi cạnh tôi có ông già khoảng 70 tuổi chân bị tật nên đi phải chống nạng. Ông ngồi chờ lâu y như tôi. Tôi nghe ông nói:" Tui sắp chết rồi mà chúng nó còn bắt đi làm cccd gắn chíp".
Quýt Làm Cam Chịu - Tác giả Ls Đặng Đình Mạnh
"Ai làm nấy chịu" như là một nguyên tắc ứng xử trong quan hệ giữa cá nhân với xã hội.
Một Cái Chết Bất Tử - Tác giả Nguyễn An Vinh