1
Biến cố Ba mươi tháng Tư 1975 là một cuộc trần ai, Lật bánh tráng. Một này lật úp trọn vẹn. Một kia lật ngửa, trần trụi, phô bày toàn thể cái Không-thể-giấu-giếm, của nó.
Có người nói rằng, “Cuộc chiến Bắc Nam chấm dứt, kẻ thắng người thua đều là kẻ bại trận.” Nói vậy e không đúng lúc, ra cái điều ngụy quân tử; nhất là câu phát ngôn ấy của người bên “Hốt hết nhà cửa tiền vàng của người thua trận; đốt trụi sách vở; lùa người đưa vào trại tù; triệt tiêu cái tình huynh đệ Bắc-Nam; không một tỏ ra cao thượng nào tìm thấy, nơi kẻ gọi rằng chiến thắng.”
Một cuộc thắng thông qua thuần vũ lực, không có lương tri nhân nghĩa nào có quyền chen vô can ngăn được; chỉ bằng áp đảo, xua cả thiếu niên ra trận, lót đường trùng trùng xương cốt xuôi dãy Trường Sơn; không thể ngay tức thì, ngày hôm trước xưng anh hùng, cờ xí mừng đại chiến thắng, chiều hôm sau nhún mình, trở bộ quân tử tàu, nói ngược lại mình cũng là kẻ bại trận; dù là câu nói ví von, hay ẩn dụ.
Một cuộc xương máu hai mươi năm, “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn / vùi con đỏ xuống hầm sâu tai vạ” không thể phán một câu là xong nợ, huề trất. Như cá độ bóng đá, tao với mày bắt tay, ra quán nhậu mần vài chai bia corona.
Ngay đó, chỗ “Tình nghĩa Bắc Nam”, lại một cuộc thua trận. Cũng chẳng thể nói càn, “Đù má, Tao thua hồi nào?” Nhận mình bại trận, cũng là một sòng phẳng, lương thiện; để rồi, sau đó, càng thương yêu nhau hơn, đùm bọc nhau, cùng chung chia nỗi đau định mệnh, cùng nhau tìm con đường Phục quốc.
Bất cứ một sự biện hộ nào, khi một vị Tổng thống đương nhiệm tuyên bố đầu hàng, bàn giao chính quyền cho kẻ thù địch, bằng văn bản, qua lệnh truyền trên đài phát thanh quốc gia rõ ràng, là thua.
Một trận sống mái đã minh định.
Chỉ duy một điều: Thời gian là quan tòa phán xét, Cái-này-sẽ-còn, Cái-kia-phải-mất-đi.
2
Sau khi chiếm gọn Miền Nam, khi đã xếp một phần vũ khi vào kho, xe tăng không còn phải ra trận; nhìn lên trời xanh thấy con cò bay thay máy bay Mỹ, thấy bờ giậu quê có cái hoa đỏ thắm tươi, không phải máu vết thương người, là lúc thần hồn đã tỉnh tại đôi khi. Thể thái bão hòa này là một báo hiệu mới. Nó xua đuổi một tổng thể đến chỗ rùng mình, cần thiết một Thành-tâm-Nhìn-lại. Khi bước đi giữa Sàigòn, thấy rõ Miền Nam trước mắt, mới chợt tỉnh. Ngồi cùng nhau Đo-Đếm lại đời mình.
“Đếm, là diệu tưởng; đo, là nghi tâm.”
Cuộc Đo Đếm này không ngắn ngủi. Nó dài suốt nhiều thập kỷ về sau, khi tương tàn tạm nguôi ngoai. Dài, cái hữu hình, đo đếm được bằng gang tay, tấc thước, số lượng; cả đến cái dài thăm thẳm, của tấc lòng, cái bi kịch làm một con người, một thời.
Cầm cái chân gỗ tra vào chỗ đầu gối, cầm con mắt nhựa ấn vào chỗ cái lỗ mắt trống hoác con mắt thịt nay không còn, mới là lúc ngậm ngùi. Ngậm ngùi nhìn lại. Thổn thức biết ra. Hòn bom trái đạn không là “món” duy nhất giải quyết mọi sự đời. Hãy còn những giải pháp nhân nghĩa, hòa bình, để thống nhất đất nước. Một ít “nhân dân” khác, sâu sắc hơn, đã chạm một thức tỉnh, một tâm linh nhắc nhở, “Chừng bao nhiêu năm qua, mình đã giết lầm một con người. Người đó e là chính mình.”
Những “quả tim thép” đã bắt đầu nhũn ra. Những “cá thể” vô danh trong một tập thể bấy nay, bỗng tự tách riêng/mỗi, để hiểu rằng, “Dù muộn màng, trễ nãi, mình phải cố, “Sống sao cho ra kiếp sống một con người.”
Bằng lòng một con người tầm thường, như cỏ lau trong bờ lau, như lá trong triệu lá của rừng. Là, sống cùng vợ con. Lo sao cho gia đình nhỏ bé đủ cơm ăn áo mặc, con cái được giáo dục đầy đủ, cái thường nhật là hạnh phúc, niềm vui, sự an toàn; tôn trọng, thương yêu lẫn nhau. Mỗi con người phải hiểu trách nhiệm và quyền lợi của giới hạn riêng/ mỗi.
Bấy nay chúng ta “say” bởi một loại thuốc an-thần-tư-tưởng. Bị đẩy tới chỗ mù lòa trong tư thế chọn lựa.
Trong một thực tế hối hả, đần độn, có không ít chúng ta, mỗi con người, một thời, đã trỗi dậy những giấc mơ. Mơ, và Mong. Mơ làm anh hùng, và mong được chết anh hùng. Muốn được tôn vinh, ta phải là một khối gỗ lấp cái lỗ châu mai, là một khối đá nằm chặn khẩu pháo không bị trượt ngược xuống sườn đồi; mơ nóng sốt, cao trào, mơ cực kỳ “phấn khởi.” Xương máu cha mẹ cho ta tựa gỗ rừng, xăng nhớt.
3
Ra đi từ một thôn làng Xứ Bắc quạnh quẽ, đường quê bụi mù, buồn hiu vì cây cành trơ trụi què quặt bởi bom đạn Mỹ; mái tranh quê chỉ còn những mẹ già, những người vợ vắng chồng, những con thơ năm năm, mười năm mong ngóng cha từ chiến trường Miền Nam trở lại; biết bao thương yêu; biết bao nước mắt không ranh giới giữa tạm biệt với vĩnh biệt, buổi tiễn đưa.
Hôm nay bước đi trên đất Miền Nam. Đúng là, “Bước đi một bước day day lại dừng.”
Lạ lùng, bước đi trên đất quân thù, mà luôn khắc khoải. Một ánh lửa từ đường hầm lương tri soi tỏ. Cần thiết phải bình tâm so sánh Cái-Đang-nhìn-thấy-thực-tế trên đất quân thù Miền-Nam-hôm-nay, và/với, Cái-chân-dung-Miền-Nam đã được vẽ ra, được truyền bá, trước đây, trên xứ Bắc.
Mối hận thù ngút ngàn khói lửa đã dần dà chuyển sang một tâm thức rõ/khác. Tạ ơn đời, đây là lúc cho tôi xa khuất một quá-khứ-nhiễm-độc, để cần thiết hòa mình với Những-tháng-ngày-sẽ-tới. Chạm mặt Miền Nam là chạm mặt một đầu đời. Một bình minh mới cho cuộc Phục sinh, Tái dựng.
Một nhà văn trẻ [4] trong đoàn quân xâm lược Miền Nam, năm 1975 anh vừa ngoài hai mươi tuổi, đã nói thật lòng qua một bài viết có tựa đề, “Sàigòn đã giải phóng tôi.” Chỗ tài tình của anh là anh viết về những sự việc nhỏ nhoi, cây viết bút bi, chuyến xe đò từ miền Nam lần đầu tiên chạy ra xứ Bắc, cái cảm giác đầu tiên, cực là bỡ ngỡ khi nhìn thấy Sàigòn, lúc gặp gỡ con người Miền Nam ấm áp tình người.
Một nhà văn nữ [5], trong đoàn quân thắng trận, đã ngồi gục xuống ngay lề đường Sàigòn, và, bật khóc. Một buổi sáng của 1975. Một buổi sáng của Sàigòn rực màu đỏ, đỏ khắp phố phường cờ. Sàigòn hóa đỏ phều phào, như đang bị cắt tiết.
Chị nức nở khóc. Trái tim chị tan nát, vì bị đánh lừa, bàng hoàng nhận ra một sự thật, “Miền Nam không là cái hình hài tan nát khốn cùng dưới gót dày quân xâm lược. Sàigòn không đói ăn, người Miền Bắc phải mang theo từng lon gạo vào Nam tiếp cứu. Miền Nam không là nơi chốn chán đời sa đọa; trai trẻ mười thằng chín thằng xì ke ma túy; gái tơ mười đứa, may ra còn một đứa không mần đĩ. Cái biểu trưng cao khiết nhất của Sàigòn, là chị nhìn thấy những sách vở, những văn minh văn hóa, tư tưởng nhân loại được tự do in ấn, tự do phổ biến.”
Đi qua những ngày hòa bình đầy trắc ẩn, qua một bài viết, chị nhắc lại hoàn cảnh Trường Sơn. Đoàn nữ binh của chị, không kể đến những thiếu thốn khổ đau, cái ác độc là nhiều ngày liền không nước tắm, thậm chí không giọt nước rửa ráy. “Cả một núi rừng thối mùi máu kinh nguyệt.”
Tôi nghe tôi hiểu. Chị đã đi chung nắng với Sàigòn.
Tôi nghe vi vu cái Lẽ Thường, nó báo rằng:
Máu nào cũng là máu thôi.
Máu của người.
Máu cờ.
Máu của lịch sử kinh qua.
Nhất thiết phải cần một cuộc tắm gội.
4
Vì dồn toàn lực, nhân tài vật, cho cuộc chiến. Xua đi. Và, xua tất cả. Ta-cùng-đi. Miền Bắc đã trở nên một khoảng trống số phận. Cảnh vật tiêu sơ, xã hội con người bần cùng cạn kiệt nguồn sống; tranh nhau từng một nửa bước trước cửa hàng lương thực; không còn ai có thể mang an ủi tới cùng ai.
Hạnh phúc xiết bao khi cha vào Nam trở về, cho con cái một cây viết bút bi, một tập vở giấy trắng tinh, từ bao nhiêu năm chúng chưa hề thấy. Tặng cho mẹ một chiếc áo ấm, tặng vợ một nồi cơm điện. Vui xiết bao khi cả nhà ngồi quanh nhau một chiếc quạt máy hiệu Sony, quay vù vù êm dịu.
Những vật dụng tầm thường ấy, buổi đầu rải rác xuất hiện đôi nơi trên xứ Bắc, đã mở ra một cuộc Trở-giấc. Một thức tỉnh mờ sương, còn phảng phất, chen lấn những gì không có thật trong giấc mơ vừa tàn, đêm qua.
Tiếng xe gắn máy, từ-Sàigòn-vừa-ra-tới, ai-đã-mang-về, vừa thoáng qua trên quãng phố khuya lạnh căm, nơi bấy nay chỉ thỉnh thoảng một chiếc Volga của một vị ủy viên lạnh lùng chạy vút qua. Đêm Thủ đô, cuộc chiến đã ngừng nhưng ám ảnh của tang thương hoạn nạn còn dài dặc, mông lung trong tiếng gió khuya. Lịch sử chuyển mình, từ ánh lửa hồng đêm đầu tiên khởi chiến chống Pháp; từ những chiều hoang tàn một khu phố nằm dưới làn bom B52 Mỹ, tro khói chiều, lửa cháy qua đêm. Đêm nay, 1975, một đêm mùa đông Hà Nội, bỗng ai đó mở nghe một bài nhạc của một nhạc sĩ Miền Nam Cộng Hòa. Tiếng hát ngọt ngào tha thiết, lời ca lạ lẫm, nhưng tâm sự chan hòa; rộng trải tự do, thăm thẳm tình người; chừng bao la một thổn thức cháy lòng.
Những động tĩnh đầu tiên ấy, bỗng trở nên những tín hiệu nhiệm mầu, báo tin rằng “Ở đâu đó có một Miền Cứu rỗi!”
Lần lượt một người, rồi người người vào Nam. Thấy tận mắt, sờ tận tay. Của cải mang về. Người có bà con trong Nam thì được nhiều quà biếu, những đồng hồ, radio, cassette, áo quần, giày dép, thức ăn đồ hộp, mền mùng, cả xe gắn máy, tủ lạnh, ti vi. Món gì ngoài ấy chúng tôi cũng thiếu cả.
Người Miền Nam, cái thần hồn thì nát tan vì cú knock out bại trận, nhưng cái tình người thì mở rộng chia sẻ giúp người. Bác Tám hưu trí, anh Sáu cán bộ giờ đây khòm lưng chống gậy chờ hui nhị tì, hẳn còn nhớ những ngày Miền Nam sau tháng Tư, 1975 năm ấy.
Sàigòn, và khắp các phố thị Miền Nam, là tràn ngập chợ trời. Hè phố, hàng hiên, bãi cỏ công viên đều biến ra chợ trời. Để Ông Trời chứng giám. Bày bán hàng vạn thứ, giá rẻ mạt. Bán tống tháo. Bỏ của chạy lấy người. Bán vét sạch trong nhà, từ bộ áo vét tới bộ lư đồng trên bàn thờ, kiếm chút tiền mua khoai gạo sống qua ngày. Chợ trời, có mặt đủ thứ/loại hàng, thượng vàng hạ cám; từ cái máy xay tiêu, cái lò nướng thịt chỗ bếp, đến những dàn máy hát tân tiến nhất vừa mới nhập nội đầu năm 1975; vô vàn những món quý giá, từ lâu vốn nằm trong những gia đình quyền quý, nay ra hè phố công viên; những bộ trường kỷ danh mộc cẩn xa cừ Nhị thập tứ hiếu; những món đồ cổ đời nhà Tống nhà Thanh, hàng Nội phủ; cả những tác phẩm nghệ thuật, những vật dụng, kỷ niệm, có từ thời Tây thuộc thế kỷ thứ mười chín trên đất Nam Kỳ…
Tha hồ lấy không. Tha hồ mua sắm.
5
Nếp sống văn minh văn hóa, đời sống giàu sang thân thiện của người Miền Nam, ắt phải có một tầm ảnh hưởng đối với những ai đang trong những số phận đen tối, không may.
Con đường “dẫn độ” một người từ buổi nan nguy nghèo khó tới chỗ được “ngự” an toàn trong một ngôi biệt thự sang trọng, cũng lắm điều thú vị, đáng tỉ tê. Đây là cái tiến trình cần phải có của nhu cầu sống, nhưng xem ra khá hài hước.
Khi đói cơm, chỉ cần ăn để sao cho đầy bụng. Có khi đứng, khi bò lom khom, bốc mà ăn. Khi đã no, thì ăn làm sao cho Đủ. Bột, đạm, đường, rau xanh, vitamin, sao cho đề huề âm dương. Đủ rồi, ăn sao cho Sang. Chén đũa nĩa, khăn bàn, phòng ăn, sao là thẩm mỹ, bình hoa trên bàn, bức tranh trên bờ tường, nhạc trám cái lỗ tai.
Sang rồi, phải ăn sao cho Đẹp. Ngồi chùm hum mà “tranh thủ đớp” là không được. Ngồi vào bàn, đôi mắt cứ chăm chăm món thịt cá, để “cải thiện” thì quê lắm. Sang, đẹp, là biết cách cụng ly, biết nhắm loại rượu nào, nụ cười trên môi nhiều hơn tay “triển khai gắp.” Mồm nhai ít hơn, để lưỡi thanh thản những câu chuyện trò thi vị. Rồi thì phải kiếm chác chút đỉnh kiến thức, để nói về nhạc Beethoven, triết lý Jean Paul Sartre.
Dần dà những gì có hơi hám Sàigòn, cửa tiệm, quán ăn, mang tên Sàigòn, các đoàn hát từ Sàigòn ra, là ăn khách. Những hàng hóa từ trong Nam mang về, là sắc màu, “hoành tráng”, “chất lượng cao”, tiêu biểu cho văn minh, hiện đại. Bánh mì, áo dài, cà phê, tranh ảnh. tiểu thuyết, ca nhạc, cách đi, dáng đứng, mốt thời trang, màu sơn, cách thiết trí trong nhà, phòng ngủ có chân dung các nghệ sĩ “tư bản”, cách chơi hoa kiểng, chim chóc, vv và vv…
Có những cái xem như lỗi thời tại Miền Nam, nay nó vì thời thế, được mang “ra ngoải”, bỗng trở nên là một thứ mới mẻ, thời thượng.
Ngay dòng nhạc boléro, nó được sáng tác từ những nhạc sĩ tài hoa, tiêu biểu là Trần Thiện Thanh, nhưng tại Miền Nam nó đã trót mang cái tên “nhạc máy nước”, “nhạc sến.” Hôm nay nó sống lại mãnh liệt, là tiếng nói tâm tình thật lòng, là ngôn ngữ thời đại, nó được đón nhận, rất mực hân hoan thưởng ngoạn khắp Miền Bắc.
Những ca sĩ Miền Nam, rất đáng yêu quý, thuộc hàng lão ông lão bà; nay đã “yêu kiều”, từ hải ngoại trở về cất tiếng hát. Giá vé cao ngất lưng trời; “người xem tớ cũng xem”, dù ca sĩ Chế Linh thân yêu đứng tít mù xa trên sân khấu, như …chai coca cola.
Tiến trình này là một đảo ngược, mang tính hài hước, tiêu phí sự truy tìm quá khứ. Những cái đáng “khuất mặt” hôm nay trở ra sáng trưng, có đầy đủ yếu tính để chinh phục các thành phần cần thiết “mong được đồng hóa.”
6
“Bị Miền Nam đồng hóa ngược!” Đây là cuộc dâu bể tự phát; rất đương nhiên phải xảy ra. Sự tự thân thay đổi, tự thấy ra cái nhu cầu mình cần thiết phải đi theo, ấy thôi. Cũng là một hảo ý, tỏ rõ tiến bộ đi tìm một đời sống hạnh phúc, thân thiện, văn minh hơn.
Biết làm sao được, những gì, dù tối thiểu, về vật chất lẫn tinh thần, chúng tôi cần, Miền Nam đều có cả. Lại mới mẻ, gọn nhẹ, hiện đại, hữu dụng, ngoài cả ước mơ chúng tôi cần có. Nguồn cung cấp từ Miền Nam cho chúng tôi lại cái giá quá hời, vì chúng tôi “Kẻ Bề trên.”
Về chỗ văn hóa văn minh, chỗ tâm linh tín ngưỡng, cái đạo lý làm người, chúng tôi cũng thấy ngay. Trong gia đình “bọn ngụy quân ngụy quyền”, con trẻ rất hiền hòa lễ phép dễ dạy, ông bà được kính trọng nuôi dưỡng tận tình; đường phố “bị đế quốc Mỹ chiếm đóng ấy” người người nhường nhau từng lối đi, dừng xe mình để xe tang ưu tiên đi qua; làm những điều rất ư “phí phạm” như dừng lại, gỡ nón, nghiêng người chào vĩnh biệt kẻ nằm trong áo quan. Xã hội của bọn “bại trận” ấy có một nền tự do rộng rãi, một nền giáo dục rất nhân bản, một nền công lý phân minh giữa tư pháp và hành pháp.
Thiệt là rồi đời. Tự thuở nào không biết, nhìn lại nhà cửa, phương tiện đi lại, mọi sinh hoạt xã hội, từ cách trang trí trong nhà, quần áo mặc trên người, đường phố, quán xá, tới bữa ni, tức là bây chừ, chúng tôi y chang Miền Nam. Hà Nội hôm nay lột xác phần nào, để sao cho giống một Sàigòn trước 1975. Tới nay, Sàigòn vẫn Sàigòn. Sàigòn bị Hà-Nội-hóa là chuyện chưa hề xảy ra.
Bốn mươi lăm năm trôi qua, cuộc Miền-Nam-hóa, tự-đồng-hóa đang là một lan rộng, toàn thể, không thể kiểm soát được. Không thể đảo ngược, vì nó là một nhu cầu “sống còn” của đời sống mỗi con người. Đây là một diễn biến có thực tế minh biện.
Nền kinh tế chỉ huy đã sụp đổ, thay là kinh tế thị trường Miền Nam vốn có từ trước. Hệ thống Hợp tác xã tan rã, trả quyền sinh hoạt, làm ăn cho tư nhân. Văn hóa Miền Nam được dần dà phục hồi. Những gì bị đả phá đánh đổ trước kia nay được truy phục, tôn vinh. Những danh nhân văn hóa, nhà yêu nước, trước kia bị bôi vôi hạ nhục, gọi là bán nước hại dân, nay được trân trọng phục hồi danh dự. Phần lớn tác phẩm trước kia được liệt vào danh sách tiêu hủy, nay được lần lượt trân trọng in lại. Người đọc đã buông bỏ, xa lìa những “loài” văn chương nghệ thuật minh họa, nịnh bợ. Tiếng hát át tiếng bom đã là những tiếng-thét-một-thời, nay đã có dòng suối mát âm nhạc lời ca, từ Miền Nam phong tỏa. Nữ sinh đi học bận áo dài, ta nhớ thuở nữ sinh Đồng Khánh, Trưng Vương một thời Cộng Hòa. Học trò biết vòng tay kính trọng thầy cô, không xưng “tôi” gọi thầy cô là “anh chị.” Trong nhà có cái bàn thờ ông bà tổ tiên, không phải dẹp đi, thòi ra cái chân-dung-râu-ria. Đám cưới, đôi nam nữ biết lạy bái tạ ơn ông bà [Lễ gia tiên], không phải tuyên thệ chỗ “hôn trường”, rồi ôm nhau cà rỡn…. Nói túm cái vành đai, tất cả lề thói, tập tục, phong hóa, tương tác xã hội, sinh hoạt đời thường, có từ thời Cộng Hòa, nay được tôn trọng, và lưu giữ; cả Miền Bắc đã phục hồi mọi sự.
7
Rõ ràng là như thế, hơn bốn thập kỷ trôi qua, có sự thể trái cựa, Kẻ chiếm đóng bị bên bị trị đồng hóa ngược một cách triệt để.
Một kết luận đã có bấy nay, “1975 Miền Bắc thắng Miền Nam bằng súng đạn, hôm nay Miền Nam thắng ngược lại một cách toàn diện, qua con đường văn hóa, đạo lý.”
Tôi tôn trọng mọi nhận định, phát biểu.
Riêng tôi, tôi không nghĩ như thế. Ngoài cái cách tiếp cận Miền Nam thô bạo, ăn cướp cạn theo cái thế của bọn chiến thắng, hãy còn một đại bộ phận khác, chúng ta phải có một cái nhìn công bình hơn.
Đó là một đại bộ phận quần chúng Miền Bắc, rất đáng trân trọng và thương yêu, họ là nhân danh chiến thắng, nhưng cũng chính là nạn nhân. Chính họ, sau 1975, đã mau chóng và sòng phẳng, chuyển đổi tâm thức, một thái độ trực diện với hiện tình Miền Nam, để tự nâng cao đời sống của mình; tự thoát ra nghèo khó kiệt quệ, tự bức thoát khỏi những lạc hậu, tối tăm, lừa mị bấy nay, để đến chỗ hạnh phúc hơn, tiếp cận cái văn hóa văn minh, trở về với nguồn đạo lý, phẩm giá giống nòi vốn có; tiến trình ấy là một Con-Đường-ánh-sáng.
Nếu cứ cho rằng sự đồng hóa ngược này là một trận thắng, theo tôi, Miền Nam không cần Cuộc thắng trận này. Miền Nam, tấm gương soi. Soi cái mặt của mình. Thấy chỗ nào không sạch thì mau chóng rửa. Cái mũi cong queo thì đi Mỹ viện. Cái da thâm đen thì cần mỹ phẩm. Chuyện của người, không phải nhiệm vụ của gương.
Miền Nam không ra công đổ mồ hôi, mưu cầu Cuộc thắng trận này. Đó là một diễn trình tự nhiên, ai đó muốn hướng thượng thì bước chân vào. Lòng người rộng thoáng. Mừng, khi một ai đó có một đời sống hạnh phúc, khi cả nước đã quân bình, nhịp điệu hài hòa Bắc Nam.
Chuyện ác quỷ còn chờn vờn, chỗ thượng tầng của Hôm nay, là việc của tương lai, lịch sử sẽ tính sổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét