khktmd 2015
Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015
Trí Thức và Mặt Trận (Việt Tân) - Tác giả Bs Trần văn Tích
Chữ “trí thức“ trong bài viết này được hiểu rất rộng rãi và nhằm chỉ các cá nhân hoặc có trình độ đại học hoặc có trình độ tương đương đại học, bao gồm cả các thanh niên thanh nữ người Mỹ gốc Việt.
Giới y sĩ và Mặt Trận/Việt Tân
Dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà, người thầy thuốc quốc gia thường tham gia chính trường. Trong cuộc sống lưu vong, giới áo trắng cũng hiện diện trong rất nhiều tổ chức. Gần đây nhất là sự hình thành Ban Liên lạc và Phối hợp Vận động Liên kết Người Việt Hải ngoại trong buổi gặp mặt của một số hội đoàn và cá nhân tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào hai ngày 11 và 12.10.2015. Ban Liên lạc gồm năm người thì ba người là đồng nghiệp của kẻ viết những dòng này : Bác sĩ Nguyễn Quyền Tài, Bác sĩ Đỗ Văn Hội và Bác sĩ Nguyễn Thể Bình.
Đối với Mặt Trận/Việt Tân cũng vậy. Đọc các bài tường thuật trên báo chí Việt ngữ tại Hoa Kỳ liên quan đến sự ra đời của Mặt Trận, thấy hình ảnh cố Y sĩ Thiếu tướng Vũ Ngọc Hoàn, cựu Cục trưởng Cục Quân Y. Trong số các cán bộ nòng cốt của Mặt Trận, thấy có các bác sĩ Trần Đức Tường, Trần Xuân Ninh, Đặng Vũ Chấn. Điều khích lệ đối với bản thân kẻ viết bài này là ghi nhận rằng các đồng nghiệp không hề mang tai tiếng về tiền bạc. Hai người trong khối lãnh đạo Mặt Trận gây dư luận tiêu cực vốn không theo học Y khoa. Cũng phần nào khích lệ nữa là xuất thân, gia phả, phổ hệ của các đồng nghiệp rất rõ ràng phân minh, không vướng chút bụi mờ ám nào về liên hệ gia đình với đám đầu sỏ Việt cộng.
Tôi gặp Trần Đức Tường hai ba lần. Anh là quân y hiện dịch như tôi. Sau 75, Anh cũng từng tù tội với tôi. Tường kể rằng từ ngày sang được Pháp, Anh không mưu sinh qua hành nghề chuyên môn mà “do anh em người ta nuôi“. Anh vẫn duy trì nguyên vẹn khí thế và khí phách của binh chủng Mũ Đỏ. Tôi gặp Trần Xuân Ninh trong Đại hội Y Nha Dược toàn thế giới tại Paris. Vẫn con người nhỏ bé về cơ thể - chúng tôi gọi Anh là Ninh con, để phân biệt với Giáo sư Trần Ngọc Ninh - mà cao lớn về nhận thức. Viết cho đặc phẩm của ngành Quân y Quân lực Việt Nam Cộng hoà, Anh gợi ý cần nghiên cứu về chính sách cải tạo tập trung của Việt cộng. Bài viết dài có kèm theo hình chụp khổ chủ trong bộ quần áo từng mặc trong thời ở tù cộng sản vá đụp vá chằng bằng những miếng bao cát.
Tôi chưa gặp Đặng Vũ Chấn nên không biết nhiều về Anh; tôi chỉ có dịp bàn sơ qua với Anh trên internet về vụ truy tố tội ác cộng sản trước nền công lý nhân loại. Mấy hôm nay, trên diễn đàn y giới của anh chị em chúng tôi, Anh Đặng Vũ Chấn có ký thác chút tâm tình từ những ngày đầu tham gia Mặt Trận cho đến mãi hôm nay. Tôi cũng chưa gặp Bác sĩ Hoàng Cơ Trường, em ruột cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh nhưng tôi rất “quen“ với Anh qua nhà báo Trần Huy Quyền ở Úc. Ký giả Trần Huy Quyền thiết lập tại tư gia một bàn thờ với ba linh vị trong số có linh vị của cố Y sĩ Trung úy Hoàng Cơ Trường, mặc dầu đối với Bác sĩ Trường, Ông chỉ là bạn tâm giao.
Vào thuở Mặt Trận còn hoạt động mạnh mẽ, Khối Chuyên gia thống thuộc Mặt Trận chủ trương dịch thuật tài liệu chuyên môn từ các ngoại ngữ Tây phương sang Việt ngữ. Trưởng Tiểu ban Dịch thuật của Mặt Trận là một bác sĩ tên Nguyễn Văn Nam. Anh không may đã từ trần. Tôi không biết gì hơn về vị đồng nghiệp này. Cũng lần đầu tôi được biết là trong giới y khoa Việt Nam có một bác sĩ tên Nguyễn Văn Nhiều và theo hearsay thì vị bác sĩ này đã mệnh một trong chiến dịch Đông Tiến của Mặt Trận.
Cuối cùng, tôi biết có đồng nghiệp đã tham gia Mặt Trận một thời gian nhưng rồi lại rời khỏi Mặt Trận. Tôi muốn đề cập đến cựu Y sĩ Đại úy Binh chủng Nhảy Dù Tôn Thất Sơn. Anh ở Na Uy và từng gặp gỡ trực tiếp hay trao đổi ý kiến qua internet với tôi. Anh là người tôi giao thiệp nhiều nhất dẫu rằng chúng tôi có lập trường khác hẳn nhau đối với Mặt Trận/Việt Tân. Tất nhiên là tham gia Mặt Trận có thể còn có những người thuộc giới áo trắng khác mà danh sách nằm ngoài khả năng sưu tập của tôi.
Giới trẻ và Mặt Trận/Việt Tân
Tôi ở Đức nên không biết nhiều về sự hiện diện của giới trẻ - đặc biệt là ở Hoa Kỳ - trong Mặt Trận/Việt Tân. Tôi chỉ xin ghi lại hai tình huống, do hai người kể cho tôi nghe.
Người thứ nhất hiện ở Đức kể rằng một lần sang Cali, Anh thấy một nhóm thanh niên thanh nữ đồng hương đứng phát tài liệu về Việt Tân tại Khu Phước Lộc Thọ. Khách qua đường có người nhận một cách bình thường, có người phản ứng với vẻ bất bình và ném tài liệu xuống đất rồi lấy chân chà đạp lên trên. Nhóm phát tài liệu vẫn bình tĩnh điềm đạm tiếp tục công việc được ủy thác. Người thứ hai hiện ở Hoa Kỳ kể rằng trong một buổi biểu tình do một tổ chức chống cộng điều động, nhóm người trẻ do Việt Tân hướng dẫn tham gia rất kỷ luật.
Giải thích hiện tượng này một cách dễ dãi thì chỉ cần chia động từ hay dùng tính từ “lậm“, dẫu rằng hợp chứng bệnh lý “lậm“ không hề được chư vị chẩn đoán trình bày rõ ràng triệu chứng và hệ quả. Ngoài ra cũng nên kể thêm những tổ chức ngoại vi của Mặt Trận/Việt Tân mà thành phần chủ yếu là giới trẻ, theo như tôi biết (không chắc chắn 100%); đó là Đoàn Thanh niên Cờ vàng và Đoàn Thanh niên Phan Bội Châu. Nền giáo dục nhân bản và khai phóng mà các cháu thụ hưởng không lẽ không tạo đủ sức đề kháng cho các cháu chống lại căn bệnh “lậm“?
Thay đổi chiến lược và chiến thuật tranh đấu
Trong lịch sử đấu tranh của các tổ chức chính trị, sự thay đổi hình thức đấu tranh thường vẫn xảy ra.
Năm 1961, với CIA đứng đằng sau lưng, một nhóm người Cuba lưu vong tổ chức lực lượng vũ trang đổ bộ lên Vịnh Con Heo. Vụ đổ bộ thất bại. Từ đó đến nay, không nghe người Cuba chống Castro bằng cách gây chiến.
Irish Republican Army (IRA) là lực lượng bán quân sự thành lập năm 1919 nhằm mưu cầu độc lập cho Ái nhĩ lan, chống lại người Anh. Nhưng từ năm 1994, sau khi tuyên bố ngưng bắn và qua tổ chức Sinn Féin, IRA tham gia thương thuyết với chính phủ Anh quốc.
Giải Nobel Hoà bình năm nay được trao cho bốn tổ chức chính trị-xã hội Tunisie : UGTT, LTDH, UTICA và Luật sư đoàn Tunisie. Bốn tổ chức lãnh giải chủ trương lấy đối thoại thay cho bạo lực và Tunisie quyết định sẽ tiếp tục con đường này trong tương lai vì đây là một toa thuốc cải tổ chính trị được xem là hữu hiệu. “Đó là sinh lộ thoả thuận“, theo lời Tổng Thống tại chức Béji Caid Essebi khi tiếp nhận tin mừng về Giải Nobel Hoà bình.
Trong quá khứ, lịch sử chống Pháp của Việt Nam cũng từng chứng kiến sự song hành của đường lối bạo động được các đảng phái chính trị áp dụng bên cạnh chủ trương “Ỷ Pháp cầu tiến bộ và cải cách bất bạo động“ của Phan Chu Trinh.
Từ nhận định của Francois Guillemot (CNRS)...
Francois Guillemot là một nhà nghiên cứu chính trị-xã hội-lịch sử người Pháp, nói thông viết thạo tiếng Việt, hiện trú ngụ tai Lyon. Nhân vụ Terror in Little Saigon, đài BBC phỏng vấn Ông. Bên cạnh những nhận xét nặng phần chê bai cuốn phim, Francois Guillemot cho rằng Mặt Trận/Việt Tân đã thay đổi nội bộ từ một tổ chức quân sự thành một đảng mới thân dân chủ. Người Việt chúng ta thì đều thấy rõ là khởi đi từ những vụ Đông Tiến I, II, III, Mặt Trận/Việt Tân hiện đang chủ xướng “đối đầu bất bạo động“.
Cục diện hiện thời của Mặt Trận/Việt Tân khiến tôi liên tưởng đến cục diện quá khứ của nước Đức. Tôi xin cố gắng bố trí song song hai cục diện :
SED là đảng cộng sản Đông Đức cũ. MT là Mặt Trận Hoàng Cơ Minh.
SED lừa dối quá chừng đến nỗi Bà Thủ tướng Đức Angela Merkel bảo là chế độ cộng sản biến con người thành gian dối và Đông Đức cũ không hề là một quốc gia hợp hiến (Rechtsstaat). MT từng lừa dối đồng bào về thời điểm cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh tự sát tại Lào, từng loan tin thất thiệt về các thành tích quân sự.
Đảng cộng sản Đông Đức cũ giết hại 257 công dân xã hội chủ nghĩa tìm cách vượt tường Berlin, đó là một sự kiện lịch sử; Mặt Trận bị tình nghi giết 6 đồng hương nhưng FBI không tìm được thủ phạm.
Sau ngày nước Đức thống nhất năm 1990, SED hoá thân thành PDS. Tại Đại Hội Berlin năm 2004, MT chuyển thành VT.
Hậu thân của PDS hiện có một số dân biểu trong Quốc hội Liên bang Đức. Đức có mười sáu tiểu bang thì một tiểu bang hiện có vị thủ hiến là một đảng viên thuộc tổ chức hậu thân của PDS.
Còn VT? Hiện nay một số thành viên cộng đồng vẫn thù ghét VT. Trong điện thư riêng gửi cho tôi hôm qua, Francois Guillemot cho biết Ông muốn tìm hiểu lịch sử của VT cũng như của các tổ chức đấu tranh khác vào cùng thời kỳ. Ông cũng muốn biết các mục tiêu của VT và còn muốn tìm hiểu vì sao có một số người Việt Nam ghét VT đến thế. (Pour moi, l'enjeu est de tenter de mieux connaitre l'histoire de cette organisation (tout comme celle d'autres organisations de résistance de la même époque), de ses objectifs et de comprendre aussi pourquoi elle suscite tant de haine de la part de certains Vietnamiens.)
.
..đến nguyên tắc thực tế của Bà Võ thị Trúc Giang Lúa 9
Bà Võ thị Trúc Giang Lúa 9 và gia đình hiện đang sinh sống tại Nam Đức, vùng giáp giới nước Pháp. Bà là người tham gia rất tích cực các hoạt động xã hội, văn hoá, chính trị cùng với tập thể người Việt tỵ nạn cộng sản tại địa phương Bà cư ngụ cũng như ở khắp nước Đức.
Nhận định về vai trò của Việt Tân tại Đức, Bà đưa ra nguyên tắc thực tế vô cùng đơn giản như sau :
“Bao giờ đảng VT còn đấu tranh chống CSVN, thì tui còn cần họ, dù họ chẳng ưa tui đâu.“ Nguyên tắc này có giá trị thực dụng đối với những người phụ trách tổ chức sinh hoạt cộng đồng; trong khi những chuyên viên ngồi gõ máy computer thì coi đây là chuyện...theo Việt cộng.
Kể ra tính sổ như vậy cũng tiện.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét