khktmd 2015
Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015
Tình Yêu, ..'Việt Kiều lộn xộn lắm, có vợ con đùm đề ở nước ngoài vẫn không quên đèo bòng thêm một vài bồ nhí tại quê nhà chứ gì.' - Tác giả Ngự Thuyết
Phòng tiếp tân rộng thênh thang, máy điều hoà không khí êm êm. Trên trần - đèn chùm thủy tinh lộng lẫy, nhiều kiểu khác nhau, treo lủng lẳng. Quanh tường - hình ảnh những thắng cảnh nội địa và thế giới, những mỹ nhân quốc nội quốc ngoại mắt đắm đuối gợi tình, hoặc miệng cười để lộ hàm răng đều đặn cắn nhẹ vào chót lưỡi hồng, hoặc phô bày làn da trắng nõn, đen dòn, bùng quân, bánh mật. Và sàn nhà lát đá cẩm thạch hoa văn dịu dàng, mát mắt. Nhiều bộ xa lông da đen bóng lộn xếp đặt nhịp nhàng, cân đối.
Lại có nhiều khu bày bán nhiều mặt hàng. Nào đồ cổ, đồ ngà, đồ thủy tinh, đồ sứ, đồ đá, đồ sừng. Nào các sản phẩm thủ công nghiệp, các nhạc cụ cổ điển như đàn tranh, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn gáo, đàn cò, đàn bầu, đàn tơ rưng. Rồi áo dài lụa tơ tằm thêu hoa, thêu chim, đặc biệt là chim phượng, khăn vành hoàng hậu màu vàng, khăn vành công nương màu xanh, đỏ, hổ phách, các loại áo tứ thân nay không còn ai dùng, chỉ thấy trên sân khấu, các loại y phục sặc sỡ màu sắc của người Mèo, mgười Dao, người Lô Lô, người Mán. Rồi ảnh lưu niệm, bản đồ, hình quảng cáo. Có cả những chồng nón lá bài thơ, nón Gò Găng, khăn đóng. Vân vân. Nhiều nhóm du khách người nước ngoài đứng nhìn trầm trồ, chỉ trỏ.
Khách Sạn bây giờ quả lắm chuyện, ông lẩm bẩm. Không những thế, còn kiêm cả Nhà Hàng bán đủ món ăn từ Việt Nam đến Thái Lan, Tàu; từ thức ăn Pháp, đến Ý, Ả Rập. Ông sực nhớ trong một phòng “rest room” của một khách sạn ở Las Vegas thấy có máy kéo cần: văn minh tiêu thụ đã hết sức chiều chuộng con người ngày nay, biết kết hợp một trong “tứ khoái” của thể chất với một trong “tứ khoái” của ăn chơi.
Ngồi ở một góc phòng, ông uể oải nhìn quanh, ngáp vặt. Giấc ngủ mê mệt đêm qua đầy mộng mị. Sáng dậy ông thấy cổ đắng nghét, mắt cay sè mở ra không nổi. Ông vật vờ ngủ tiếp. Nếu cô phụ tá quản lý khách sạn không gọi ông dậy, có lẽ ông sẽ nằm ngủ cho đến chiều, cho đến ngày hôm sau, không chừng.
Hôm qua đi Bến Tranh lần thứ hai, ông không gặp Thủy đã đành, mà những người thân, người quen của gia đình Thủy cũng không còn một ai. Cả ngôi nhà của ba Thủy ngày xưa cũng hoàn toàn khác lạ, giống như ngôi nhà từ đường của ông ở Huế, đã bị sửa đổi và do một cơ quan nhà nước quản lý. Hỏi thăm về ông Tính, ba của Thủy, không một ai biết. Cũng may ông còn giữ địa chỉ của cháu Thi, con gái của Thủy. Cứ tìm gặp đứa con gái ấy mình sẽ dần dà biết những chuyện khác, ông tự an ủi. Ông lo lắng không biết con bé Thi giống ai hơn. Giống mẹ hay giống tên hải tặc.
.
Sau chuyến đi đó, lúc trở về khách sạn, ông cảm thấy buồn lạ lùng, một thứ buồn chán dây dưa kéo dài. Tối hôm qua ông muốn tìm một cái gì khác lạ, làm một cái gì khác lạ, thử xem cái chán nản có vì thế mà tăng hay giảm. Tăng hay giảm đều tốt hơn cái tình trạng trì trệ hiện tại như thế này, ông tự nhủ.
Nghĩ mãi chả biết nên làm gì, ông đành phải đến quầy rượu gọi Rémy Martin uống nhâm nhi một mình. Mềm môi uống tiếp, uống nhiều. “Uống rượu tiêu sầu”, người xưa từng nói mà. Ông chốc chốc rót rượu vào ly, khỏi cần pha thêm nước soda cho giảm bớt nồng độ của rượu, nhưng cũng phải cho vài muỗng nước đá “tinh khiết” vào. Nước đá tinh khiết? Là cái gì? Lại có thứ nước đá không tinh khiết chăng, ông buồn cười.
Thoạt tiên cái mặt ông nóng lên rồi đỏ dần. Rồi đỏ gay như cua luộc, gân trán nổi lên như những con giun, nhìn vào gương ông ngờ ngợ tưởng một người nào khác đang muốn sửng cồ gây gổ với mình. Một chốc sau người ông như lên cơn sốt, ngứa ngáy, bực bội, trống ngực đánh muốn bể lồng ngực, lưỡi đớ ra lè nhè, tay chân bứt rứt quờ quạng, thân hình xiêu vẹo. Thế mà, càng về sau, lạ chưa, ngụm rượu từ từ biến chất, không còn cay gắt nữa, lại có vị ngọt dịu dàng, thơm tho. Nước cam lồ của nhà Phật liệu có ngon hơn không? Bàn tay ông bớt run khi cầm cái ly hắt hắt những giọt rượu vào cái miệng mở to để nó chạy vào tuốt trong cổ họng. Hết ly này đến ly khác. Cái mặt của ông đổi màu, không đỏ nữa, trái lại từ từ tái đi, xanh đi, cái tình trạng này mới xẩy ra lần đầu tiên cho ông. Sống lưng bỗng ớn lạnh, bụng cồn cào, cổ nôn nao, người bãi hoãi. Uống mấy ly rồi, không nhớ nổi, thôi, không uống nữa. Tay nhấc lên lấy ví tiền một cách khó khăn, một chân gác trên mặt ghế gần đấy muốn gãy làm hai. Đôi mắt lờ đờ thấy người đứng bán ở quầy hàng mờ mờ, lung linh. Ông cố quay người mở miệng mỉm một nụ cười vô duyên để làm duyên với bất cứ một bợm rượu nào ngồi gần đấy nhưng cảm thấy hai cái môi cứng đơ, cổ nghẹt, lưỡi muốn thè ra cạ vào hàm răng dưới ngo ngoe.
Trả tiền xong, không buồn ngó tới mớ tiền thối lại, lấy hết sức bình sinh, ông níu thành lan can kéo thân hình nặng nề lê từng bước một đi lên lầu. Rồi tay vịn vào tường, chân oặt ẹo, mò đến được trước cửa phòng, ông đưa tay sờ soạn lỗ khóa, lập cập rút được chìa khóa từ túi quần sau, may quá mở được cửa. Và khi đã đóng sầm cánh cửa lại thì bao nhiêu sức đề kháng đều tiêu tan, ông gục xuống sàn nhà lúc nào không hay.
“Em vẫn để đồng hồ của anh reo lúc 6 giờ sáng như anh dặn,” cô Phụ Tá Quản Lý Khách Sạn nhìn ông một cách lo âu. “Đến hơn 12 giờ trưa cửa phòng anh vẫn đóng ỉm im. Em chạy xuống phòng lễ tân không thấy chìa khóa phòng anh, nghĩ rằng anh đi chơi đâu đấy mà không cho em hay. Lại chạy lên phòng anh đánh liều mở cửa vào xem sao, thì thấy anh như thế đấy.”
Ông ngượng. Tuy vẫn còn chóng mặt và mệt rã rời, ông miễn cưỡng ngồi dậy tiếp chuyện với cô phụ tá:
“Cô nói gì tôi không hiểu, xin lỗi cô. Cô nói lại đi! Cái đầu của tôi nó mụ rồi. À, à ... cô bảo cô đi đâu rồi quay lên?”
“Em xuống phòng lễ tân ...”
“Ô, cô làm gì?” Ông ngắt lời, giọng nói còn lè nhè. “Cô muốn nói cô xuống phòng tiếp tân dưới kia có cái bảng treo chìa khóa?”
“Vâng, phòng ấy gọi là phòng lễ tân. Anh đang mệt, cái gối đây, nằm xuống đi anh. Em đi lấy khăn nóng cho anh nhé.”
Ông tỉnh người hẳn, định thần nhìn cô ta, ngẫm nghĩ. Cô này cũng khá xinh đẹp, duyên dáng, lại biết săn đón, chiều khách một cách thông minh. Mình hãy nói đùa thêm vài câu chơi:
“Khăn nóng thì không cần. Nhưng ... nhưng cô đã làm một việc sai trái.”
“Thế ư?” cô nhanh nhẹn đáp, tay vói lấy bình hoa. “Việc gì thế, anh nói đi.”
“Cô đã xâm nhập ... cô không tôn trọng cái tự do của tôi, cái riêng tư của tôi. Đột nhập vào đây mà không có sự đồng ý của tôi. Tôi sẽ... sẽ xu cô.”
Ông thỉnh thoảng bị líu lưỡi.
“Sẽ làm sao?”
“Sẽ xu cô, nghĩa là sẽ đưa cô ra tòa.”
Cô cười duyên:
“Anh nỡ lòng nào? Eo ôi, em sợ quá!”
“Thế à? Cô sợ thật sao? Thế thì, lần này tha. Nhưng bù lại tôi bắt đền cô nhé. Cô phải ‘Bù anh một tháng trời gần ‘”
Thủy, tên của cô, tay đang cầm một đóa hoa hồng thật tươi, màu vàng, to cánh, còn đọng nước trông như những giọt sương, dịu dàng nói:
“Anh vẫn còn say, nói bậy! Ráng điều độ đi. Chứ anh mà cứ thế sẽ có ngày...”
“...?”
“...Có người uống rượu nhiều quá ...”
“Uống nhiều quá,” ông cướp lời, “sẽ có ngày chết ngắt chứ gì?”
“Chứ sao. Em làm tại khách sạn này mới hơn hai năm mà đã chứng kiến ba người chết vì say rượu. Từ sáng đến trưa không thấy mở cửa phòng, như anh vậy, tới lúc người ta thử vào xem thì ôi thôi. Khổ cho em quá, tối hôm qua nếu có em ở quầy rượu thì đâu đến nỗi!”
A, cái cô này nói nghe như người yêu nói với người yêu. Như Thủy của anh ngày xưa. Từ khi biết cô phụ tá cũng tên Thủy, ông tìm cách trò chuyện, mua tặng vài món quà, và đóng vai si tình. Hình như mình muốn yêu ai cũng được yêu lại, không nhiều thì ít. Mà mình càng vờ yêu, càng có kết qủa tốt. Nói dối bao giờ cũng thành công hơn nói thật. Nhưng cô này có thật yêu tôi chút nào không, có bao nhiêu phần trăm sự thật, hay cả hai ta đều vờ vĩnh, ông nghĩ bụng.
“Cám ơn cô đã có lòng chiếu cố.”
“Hôm nay anh khách khí quá!”
Cô quay người đi đến cạnh chiếc đôn sứ hình hai con voi phục trên đó có một lọ thủy tinh trong suốt cắm một đóa hồng còn tươi màu tím nhung. Dưới lọ hoa là tấm vải lót trắng tinh hình trái tim với những đường ren cầu kỳ. Thủy vừa nhanh nhẹn thay nước, thay hoa, vừa nói bằng một giọng ngọt ngào, ấm áp:
“Đây không phải là công việc của em đâu, nhưng em muốn tự tay làm lấy cho anh, anh biết chứ. Hôm qua hoa hồng màu tím nhớ, hôm nay em thay cho anh hoa hồng màu vàng thương. Thật đấy, em không cải lương đâu. Em yêu hoa hồng lắm, thì chắc là anh cũng yêu. Nhưng bây giờ em phải đi đây một chốc. Ngồi chờ em nhé, em quay lại ngay.”
.
Ông nhìn theo Thủy. Đó là một người đàn bà khoảng 40 tuổi, xinh đẹp. Ông chú ý ngay đến mái tóc ngắn màu nâu đậm hoe vàng một vài nơi, cắt tỉa thật khéo, thật tự nhiên, trông như lá cỏ dài nhọn mọc hoang. Đôi mắt của cô to, đen, sâu, viền tô đậm, cặp lông mày sắc. Thủy hay mỉm cười nhưng là nụ cười lười biếng, lơ đễnh trên khuôn mặt thanh tú và hơi gầy. Dáng người cô dong dỏng cao, thường mặc những chiếc áo chẽn đến nách, phô bày hai cánh tay trần thuôn thả, nuột nà, lông măng mọc lơ thơ, và hai bàn tay ngón búp măng dài đeo mấy chiếc nhẫn kim cương. Cô nói giọng Bắc nghe êm đềm, du dương. Những câu nói vừa rồi cô nàng đã nói bao nhiêu lần rồi nhỉ, và cho bao nhiêu người nghe rồi nhỉ. Nói nhiều đến thuộc lòng chăng? Và lời nói thì có vẻ “tuồng” nhưng thái độ lại thành thật. Đóng kịch giỏi? Thì cũng tốt thôi. Còn mình cứ nghe như thể mình là người đầu tiên được nghe.
Tưởng tượng thêm một chút nhé, như vừa được nghe Thủy của mình ngày xưa trò chuyện. Hồi đó em của anh nhỏ tuổi hơn cô này bây giờ nhiều, hồn nhiên, trong sáng, trìu mến. Mà anh cũng còn trẻ, chỉ hơn em năm tuổi. Em đẹp không? Anh không muốn đặt câu hỏi đó từ khi anh bắt đầu yêu em, và cũng không bao giờ bận tâm so sánh em với người này, người nọ. Chỉ biết rằng em choán ngập cả hồn anh. Ngày xưa em cũng thích hoa hồng, em cũng biết nói nhiều lời tình tứ yêu đương. Nó đi thẳng từ trái tim em ra và đi vào tim anh. Nó như tiếng gió, như vạt nắng, như hạt mưa, như giọt sương. Anh ơi, bất cứ hoa gì cắt từ ngoài vườn đem vào cắm trong phòng đều bớt đẹp đi, trừ hoa hồng. Hoa hồng phải được chưng trong phòng, một chùm cũng đẹp, một cái riêng rẻ càng đẹp hơn, anh đồng ý không? Đồng ý hả anh? Nhưng đó không phải là ý kiến riêng của em đâu. Em đọc đâu đó trong sách. Thế mà em cứ nhớ nó mãi. Là vì ... là vì, khi chưa có anh, em cũng cảm thấy rằng hoa hồng mọc ngoài vườn trông lẻ loi, bơ vơ, ngơ ngác, như đang trông chờ một biến cố gì. Như em vậy đó, như em ở Bến Tranh, khi anh chưa tìm đến.
Ông bồi hồi.
Những năm chiến tranh kéo dài. Một số ngoại ô của quận lỵ, thị trấn nhỏ miền châu thổ sông Cửu Long thuộc vào vùng xôi đậu, nhất là về đêm. Ban ngày thỉnh thoảng cũng có tiếng súng, những toán quân lẻ tẻ bị phục kích, những đoàn quân xa bị gài mìn. Nhưng anh Khê, hồi đó còn trẻ lắm, cũng phải vào Bến Tranh một chuyến thử coi, anh nhủ thầm. Bến Tranh, một quận lỵ nhỏ bé nằm cách quốc lộ không xa lắm, giáp ranh với tỉnh Định Tường.
Ông Tính niềm nỡ mời:
“Chiều nay dạy học về anh ghé tôi chơi đi! Tôi ở Bến Tranh gần đây thôi. Để nhậu một bữa cho đã. Đồ nhậu ê hề. Nè, cá lóc nướng bẹ chuối hoặc bôi bùn đất sét nướng trui. Mà anh biết cách ăn cá lóc chớ? Phải biết ăn đầu, ăn lòng mới ngon, nhất là bộ lòng. Người Nam chúng tôi gọi là ruột cá lóc. Quấn với bánh ướt, rau thơm rau sống, chấm nước mắm chanh đường ớt tỏi. Rồi ốc gạo xào tỏi xúc bánh tráng, rồi giò heo giả cầy, gà trống thiến xối mỡ. Đặc biệt sẽ chiên thêm cho anh một con cá tai tượng đang nuôi trong chậu. Khách qúy mà.”
“Mới nghe anh nói thôi,” anh Khê vui vẻ đáp, “tôi đã thèm chảy nước miếng. Nhưng ...”
“Không nhưng nhị gì cả! Ghé tôi chơi đi! Toàn là các thứ cây nhà lá vườn cả mà. Đó là chiều nay. Hôm sau, cháo thịt trăn đặc biệt, mỡ trắng nổi lình bình thành những hình tròn như đồng xu nhỏ trên mặt cái nồi bự. Rồi lương xào lăng, ếch chiên bơ, gỏi thịt vịt. Nghe đã không? Còn uống thì rượu nếp than cũng nhà cất lấy. Không uống rượu hả? Thì tôi biểu đi mua lave.”
“Chiều nay ... Để tôi tính...”
“Không, tôi tính giùm cho, tôi tên là Tính mà. Ngày mai thứ bảy anh không bị kẹt cái gì ở Sài Gòn chớ? Ở lại với tôi tối nay nhậu một bữa thâu đêm, sáng dậy chèo xuồng đi thăm cù lao Rồng cho biết. Ở lại luôn Chủ Nhựt, dông xuống Cai Lậy, Cái Bè, Cái Thia chơi. Thứ hai hãy về Sài Gòn. Chắc chắn anh sẽ thích.”
Ông Tính là giám thị của một ngôi trường tư tại Mỹ Tho nơi anh Khê dạy môn toán mỗi tuần vào ngày thứ sáu. Trường học cách Bến Tranh khoảng mười mấy cây số. Anh dạy liền một hơi tám tiếng cho hai lớp đệ ngũ và đệ tứ, mỗi lớp bốn tiếng. Những ngày khác trong tuần anh đi dạy kèm thêm tại tư gia ở Sài Gòn và theo học tại một phân khoa đại học. Anh còn trẻ lắm, mới bước chân vào đời, nhỏ hơn ông Tính trên 20 tuổi. Không hiểu do một tình cờ nào ông Tính và anh vẫn gọi nhau là ‘anh’ và xưng ‘tôi’. Anh chưa có một liên hệ thân mật nào với ông Tính cho nên không khỏi ngạc nhiên trước lời mời sốt sắng đó. Tuy nhiên một phần vì tò mò muốn biết thêm nếp sống miền Nam mà anh đã bắt đầu yêu mến, và phần lớn do ở những món ăn nghe hấp dẫn quá, anh nhận lời.
Khăn bàn và vài thứ lặt vặt vừa được dọn lên, ông Tính đã gọi lớn:
“Thủy con! Lên đây ngồi ăn luôn thể.”
Cô gái mặc áo dài trắng, quần dài trắng, mái tóc rẽ nghiêng một bên, chân mang guốc cao gót, từ nhà dưới chậm rãi đi lên, nhìn thẳng đằng trước, tiến vào bàn. Không dám nhìn cô gái, nhưng anh vẫn thấy được cái bóng dáng yểu điệu đó. Dường như cô mang theo ánh sáng đến, và một chút hương mơ hồ, thầm kín. Anh nghĩ thầm trong bụng ở nhà ai lại ăn mặc kiểu cách như thế này, sao không quần dài đen áo bà ba có phải tự nhiên hơn không. Cô gái miền Nam này có lẽ đã bắt đầu bị lây cái lối khách sáo của miền Trung, miền Bắc, mỗi khi có khách đến nhà là phải ăn mặc như khi đi ra đường, anh tự nhủ. Mà mình không nhìn cô ta như thế có thất lễ không? Lỡ cô muốn chào mình lại tưởng mình cố lờ đi thì oan cho mình quá. Nhưng mình vẫn còn cái tật “nhát gái”chứ có dám coi thường ai đâu. Ừ mà cũng lạ, con gái yểu điệu, xinh đẹp, dịu dàng chứ có phải là chằn tinh chằn lửa đâu mà mình bối rối không dám nhìn, không dám bắt chuyện. Nhớ lại hồi ở trung học, mình còn nhút nhát hơn nhiều. Anh đang nghĩ ngợi lan man cố trấn tĩnh thì ông Tính lại nói oang oang:
“Xin giới thiệu với anh, đây là con gái lớn của tui. Thủy, chào thầy Khê đi. Thầy dạy cùng trường với ba. Thầy giỏi lắm đó con. Tuổi trẻ tài cao thứ thiệt đó con.”
Cô gái lúng túng nói lí nhí trong miệng những gì anh không nghe rõ, chỉ thoáng thấy cô hơi nghiêng đầu, gò má hình như phớt đỏ lên vì thẹn, đôi mắt nhìn xuống, mấy lọn tóc buông thõng che kín một bên mặt. Một người con gái vì anh mà thẹn, lạ chưa! Anh cảm thấy tự tin phần nào, và anh quay nhìn thẳng vào khuôn mặt thẹn thùng đó. Sau cái nhìn trộm thật nhanh, anh quay đầu nhìn vội ra ngoài sân. Trời đã tối nhưng có ánh trăng chiếu chênh chếch qua mấy tàu lá chuối to bảng, có con chó xù lông vàng nằm kê mỏ lên bậc thềm đôi mắt nhắm lim dim - không hiểu sao cảnh tượng đó anh biết rằng anh sẽ nhớ hoài trong đời. Anh ho khan vài tiếng, cảm thấy mang tai đỏ lên, tim đập loạn. Cô gái đẹp quá, không ngờ ông Tính lại có cô con gái đẹp như thế. Ông Tính tiếp lời:
“Má nó mất sớm cho nên nó dở lắm, không biết nấu nướng gì cả. Mấy món ăn này phải nhờ dì nó làm. Dì nó là em của mẹ nó chớ không phải là vợ kế của tôi đâu. Ngoài Trung có gọi là dì không, hay gọi là cô, là bác?”
“Cũng gọi là dì,” anh đáp lại thật nhỏ, nghe tiếng nói của mình mất tự nhiên.
“Tôi nói nhỏ cho anh nghe đây - ông chồm người qua cho gần anh hơn, nói ồm ồm - tôi cũng muốn như vậy, nghĩa là, nghĩa là ... mà dì nó chưa chịu cá cắn câu đó thôi. Ha ha! Dì nó ở Tân Hiệp, làm giùm xong mấy món rồi giả bộ có việc gấp nên đã dông tuốt mất rồi. Làm cho cao giá đó mà. Lần sau anh ghé đây nữa nghe, tôi sẽ giới thiệu dì của con Thủy cho anh quen biết thêm.”
Anh Khê bỗng thấy vui vui, có cảm tưởng như mình đã là một thành phần của gia đình ông Tính.
“Ba ... thiệt! Nhưng con cũng có làm món tráng miệng chớ bộ.”
Thủy nói nhỏ, đưa mắt nhìn những ngón tay mình đang vân vê một góc chiếc khăn bàn, những ngón tay dài, thon, trắng. Đến lúc đó anh mới nghe rõ giọng nói của Thủy. Anh thầm nghĩ giọng nói nghe sao hay đến thế, êm ái, ngọt ngào, ấm áp đến thế. Nghe như tiếng hát, tiếng ru, tiếng gió. Trong lòng người ta tất nhiên phải có điều gì vui lắm mới nói lên được cái giọng ấy. Lại tiếng nói rỗn rãng của ông Tính:
“Anh Khê biết không, con Thủy ngó vậy mà còn con nít lắm. Cách đây mấy năm, hồi còn học đệ ngũ đệ tứ gì đó, nó giống như thằng con trai, thiếu đường muốn ở truồng tắm sông.”
Anh đỏ mặt. Cô gái cúi gầm đầu nhìn vào chén cơm của mình. Ông Tính không để ý gì đến cô gái, vừa gắp món ăn cho ông và cho anh, vừa tiếp tục câu chuyện một cách sôi nổi:
“Hà hà, cái này tức cười lắm ... Tôi phải cho anh biết mới được ... Trước đó nữa, nghĩa là hồi nó còn học đệ lục, nó mét tụi nó sáu bảy đứa rủ nhau ra ngoài vàm tắm truồng. Má nó chết sớm nên cái gì nó cũng học lại với tui. Đang nghỉ hè mà. Chúng nó núp trong một lùm cây bên bờ sông, một đứa mặc quần đen lội xuống nước, rồi cổi quần ném lên lùm cây cho đứa khác mặc. Và cứ thế từng đứa một đi xuống sông. Cả lũ mà chỉ bị ướt một cái quần. Tắm xong khi đi lên bờ cũng làm cái kiểu ấy. Tưởng là tài khôn lắm...”
Thủy nhìn bố năn nỉ:
“Thôi ba, thôi ba. Đừng nói nữa!”
“... Thế mà cũng bị một thằng ranh quỷ đứng rình nhìn từ một lùm cây kế đó. May sao chú Tám hàng xóm đi qua bắt gặp ... giũa cho thằng quỷ đó một trận, thiếu đường cho nó mấy cù loi. Tụi con gái cũng bị chú giũa te tua. Chứ đâu có làm điệu, làm bộ như bây giờ, phải không Thủy? Học xong ở đây tôi đưa nó lên Sài Gòn. Nó loạng quạng thế mà thi vô được Gia Long. Học hành không biết ra sao nhưng đã tập tành nhiều chuyện rắc rối, nào áo dài, nào guốc cao gót, nào dù cánh dơi, nào khăn ren, nào bóp đầm, nào nhật ký viết bằng mực tím. Hết hè năm nay nó lên đệ nhất, láng cháng sang năm đã là cô tú rồi. Nhưng mà con gái học cho lắm làm được cái khỉ mốc gì cho tốn cơm, tốn gạo. Lo kiếm chồng đi là vừa nghen con!”
Lần này cô gái mặt đỏ như gấc, ngước mắt nhìn cha oán hận. Anh nghĩ rằng mình phải nói chen vào một câu gì đó cho cô gái đỡ ngượng, nhưng anh lại buột miệng - anh vẫn có cái tật ăn nói trật chìa, lãng xẹt:
“Bác nói thế chứ ... à anh, anh nói đùa cho vui vậy thôi, chứ con gái lớn như cô Thủy ai lại đi tắm truồng. Không biết xấu hổ sao!”
Thủy đứng phắc dậy nói lầm bầm gì đó với bố rồi quay ngoắt người đi một lèo xuống nhà dưới mặt nghiêm và lạnh như tiền không thèm ghé mắt nhìn anh một lần. Ông Tính cười xòa rồi gọi mãi Thủy cũng không chịu lên.
Mối tình của anh khởi đầu như thế.
Từ đó về sau, anh ghé nhà ông Tính thường xuyên hơn.
“Tuần sau ghé tui chơi nghe anh Khê.”
Ông Tính chỉ nói thế là anh biết có Thủy từ Sài Gòn về. Anh nhìn Thủy bạo dạn hơn, cô chớp mắt vờ như không biết. Dần dà, anh kín đáo hỏi thăm, và biết địa chỉ ký túc xá đường Trần Quý Cáp, Sài Gòn, dành cho nữ sinh nơi Thủy ở trọ. Rồi họ gặp nhau.
Họ yêu nhau sôi nổi, say sưa, cuống cuồng. Đó là mối tình đầu của hai người? Không hẹn mà cả Thủy lẫn anh đều không thích mấy chữ “mối tình đầu”. Tại sao lại tình đầu? Nghĩa là sẽ có tình thứ hai, thứ ba? Không! Họ không hứa hẹn gì với nhau, nhưng trong mắt nhau, trong từng lời nói vu vơ của nhau, trong từng cử chỉ nhỏ nhặt của nhau, họ đều nhận thức một cách thật đơn sơ và cũng thật sâu xa rằng họ sinh ra để yêu nhau, để lấy nhau, để suốt đời trao cho nhau số phận của nhau. Nếu có cuộc sống luân hồi, họ sẽ cùng tái sinh vào kiếp sau, lại gặp nhau, lại yêu nhau, cứ thế trong hằng hà sa số kiếp. Đó là ước nguyện tha thiết nhất của họ.
Họ chỉ muốn được yêu nhau, và cố quên tất cả mọi chuyện phiền phức khác, quên cả thực tế đang xẩy ra chung quanh. Họ oán ghét chiến tranh đang diễn ra dưới nhiều hình thức, họ không muốn nghe tiếng súng vọng tới, họ không muốn thấy những đoàn quân xa kéo đi, những đoàn xe cứu thương kéo về, họ không muốn quan tâm đến tình hình đang dầu sôi lửa bỏng của đất nước. Những chuyện đại sự đó, họ cho rằng nằm ngoài tầm tay của họ, và đã có người khác lo toan rồi. Ích kỷ? Vô trách nhiệm? Mặc kệ. Mà có thật vậy không, có vô trách nhiệm không? Tại sao họ không có quyền chọn lựa? Tại sao tình yêu lại không thể thoát ly ra khỏi mọi hệ lụy của cuộc sống, của những ràng buộc chồng chất và chằng chịt của xã hội? Tại sao tình yêu lại không thể bay bổng như đôi uyên ương trong huyền thoại, mãi mãi quấn quýt bên nhau trên trời cao đất rộng, không làm phiền ai và cũng không muốn bị ai quấy nhiễu? Và họ cũng không tin Miền Nam không khéo sẽ có ngày sụp đổ như một vài tiên đoán vu vơ trên báo chí, trên những trang bình luận thời cuộc, trên truyền thanh, truyền hình.
Thế mà chuyện đó đã xẩy ra. Trời đất quay cuồng, gió mưa u uất, miền Nam bỗng dưng không còn!
Những tai họa ngoài tất cả mọi dự liệu đã đổ xuống trùm lên thân phận của một nửa dân tộc, và cũng có thể của cả dân tộc từ Nam đến Bắc. Riêng anh, thêm vào đó, anh đánh mất Thủy. Anh bỗng nhận ra rằng ước nguyện tha thiết nhất của anh, của Thủy, của thân phận con người bé mọn chẳng qua chỉ là sợi khói trong bão tố. Từ ngày biết được đích xác Thủy không còn nữa, anh sống trong khủng hoảng, nhiều khi như người mất trí, hết năm này qua năm khác. Tuổi đời cứ thế chồng chất, bao nhiêu năm đã trôi qua, bọn thanh thiếu niên gọi anh là chú, là bác, người lạ gọi anh là ông. Vâng, đã là một người đàn ông đứng tuổi rồi. Thế nhưng ông vẫn không thể nào quên được Thủy, không thể nào tìm được sự yên vui trong tâm hồn dù đã hơn một lần gần gũi với những người đàn bà khác. Mình là người bất thường, nhiều lúc ông tự hỏi.
Ông chung sống với những người đàn bà ông không yêu, mau chán, mau thôi nhau. Hình bóng của Thủy vẫn đeo lấy ông như một ám ảnh không rời. Ông có một thói quen kỳ cục là khi gặp một người đàn bà nào mang tên Thủy, trạc tuổi của Thủy, không cần đẹp hay xấu, ông muốn làm quen ngay, muốn gần gũi ngay, và luôn luôn tìm thấy ở người đó có một vài nét của Thủy để yêu. Ông nhớ đã đọc ở đâu đó, của Shakespeare thì phải, rằng cái tên thì có gì là quan trọng. Ông nhớ lõm bõm vài câu: “What’s in a name? that which we call a rose/By any other name would smell as sweet.” Thế sao? Hoa hồng dù mang tên khác vẫn thơm tho như thường chăng? Nhưng riêng ông, cái tên Thủy luôn luôn gây ấn tượng mạnh, như một quá khứ lộn về, một ký ức trổi dậy, như tiếng chuông gọi hồn, như lời phù chú.
Lẽ dĩ nhiên cũng có người mang tên Thủy cự tuyệt ông, nhưng khi ông được chấp nhận, ông cũng chỉ ở với người ta trong một thời gian ngắn để cuối cùng nhận thấy rằng việc làm đó chẳng qua chỉ là gượng gạo để đánh lừa người, và tự đánh lừa. Thì lại phải xa nhau thôi.
“Anh nghĩ gì mà ngồi thừ người ra như thế? Anh đã khỏe hẳn rồi chứ, em lo quá. Này, sao anh không chịu khen em một tiếng xem nào?”
Ông đứng lên khỏi giường, đến ngồi trên chiếc ghế cạnh bàn, đối diện với cô phụ tá, cười đáp:
“Em hôm nay đẹp lắm!”
“Không phải! Em muốn nói khen tài em cắm hoa. Có đẹp không anh?”
Ông giả lả đáp:
“Đẹp. Dĩ nhiên là đẹp,” rồi bồi thêm một câu nghe đã sáo mòn, “nhưng không đẹp bằng hoa biết nói.”
Thủy không giấu được nụ cười kiêu hãnh:
“Em đẹp? Anh khéo khen phò mã tốt áo. Cho phép em khoe khoan một chút nhé. Khi còn học ở Đại Học Tổng Hợp khoa Ngoại Ngữ, em có thi Hoa Hậu Duyên Dáng Việt Nam, và đoạt giải Á hậu, nghĩa là giải nhì.”
“Thảo nào. Em xong Đại Học rồi à? Hà Nội hay trong này?”
“Trong này chứ! Em từ Hà Nội vào thành phố vào quãng năm 80. Lúc đó em học năm cuối trung học.”
“Thế là anh đoán được tuổi của em rồi. Năm đó em khoảng 19, 20 là cùng. Cộng thêm, xem nào, năm nay 2002, tức là 22 năm nữa, vậy ... năm nay em ... 30 tuổi.”
Thủy nhún vai theo lối con gái Tây phương và lắc đầu nhè nhẹ làm cho đôi bông tai đu đưa trông thật vui mắt, trả lời:
“Tính cộng của anh thế là nhất! Thôi, ta hãy dẹp cái chuyện tuổi tác qua một bên, để em kể cái chuyện vui vui này. Hồi đó em học lớp 12 trường Nguyễn Trãi, anh biết trường Nguyễn Trãi chứ?”
“Biết. Anh cũng coi như là dân Sài Gòn trước 75, nên biết nhiều ngõ ngách của Sài Gòn lắm. Trường Nguyễn Trãi ở Khánh Hội chứ gì.”
“Vâng, đúng thế. Em muốn vào trường Nguyễn thị Minh Khai oai hơn, nhưng vào đó khó quá, phải vào Nguyễn Trải vậy. Một hôm, vào giờ nghỉ trưa, ông thày môn Văn phê học bạ - dường như ông ấy có đi học tập cải tạo mấy năm thì phải, thành phần gia đình liệt sĩ nên được cho dậy lại - thì em lân la đến xem ...”
Ông ngắt lời:
“Ông thầy nào mà lại cho học trò xem ông phê học bạ?”
Cô nhí nhảnh:
“Anh nói đúng, thày bảo đi chỗ khác chơi, nhưng em vốn là cô nữ sinh rắn mặt mà. Vả lại thày trông hiền khô, giọng nói nhỏ nhẹ, còn em thì lúc ấy... em cũng đã xinh lắm rồi đấy nhé. Cho nên em đáp em thích đứng đây xem thày làm việc cơ. Thày nhìn em im lặng ...”
Bỗng ông cảm thấy muốn đùa nghịch:
“Thế là ông thầy đó cũng hơi ...”
“Hơi thế nào?”
“Hơi dê.”
“Bậy nào.” Cô lại nhún vai. “Để em kể nốt. Tình cờ em thấy cuốn học bạ của em nằm ngay trên bàn của thày. Em đánh bạo cầm lên giở ra xem thày phê em ra sao. Em mới giở qua trang bìa, thày ... chặn ... tay em lại. Thì thôi vậy. Nhưng trước khi bỏ đi, em chỉ vào tấm ảnh của em trong cuốn học bạ và nói, thày thày, thày xem em đẹp như Ngụy phải không thày.”
Nói xong, Thủy cười rũ cả người. Ông tò mò:
“Rồi sao nữa?”
“Chả làm sao cả. Thấy ông ấy mở to mắt ngạc nhiên và khẽ quát ‘Hả?’ là em đã chạy vụt ra khỏi lớp.”
“Ông thầy đó dở quá, nếu gặp anh thì cái kết thúc đã khác.”
“Khác như thế nào?”
“Anh đóng kín các cửa lại không cho em chạy thoát đi đâu được, rồi rút roi ra tẩm cho em một trận tơi bời hoa lá.”
“Anh nói cái gì kỳ lạ vậy? Giáo dục hiện đại của ta không cho phép thày đánh học trò, nhất là khi cô học sinh ấy đã là một thiếu nữ như em. Mà roi đâu có sẵn để rút ra liền như thế được. A, cái anh quái quỷ này! Anh mà làm thày giáo thì có mà đốt trường! Thôi, em không thèm nói chuyện với anh nữa đâu.”
“Xin người đẹp bớt giận, anh xin rút lời nói đó lại. Với lại anh biết tính của anh như thế cho nên có bao giờ dám làm thầy giáo đâu. Anh chỉ muốn làm học trò của em thôi nhé. Cô giáo ơi, tôi thật có phúc ... được quen biết em.”
“Thế thì hỏng!”
“Lại hỏng! Sao vậy?”
Thủy lườm ông:
“Ai lại học trò gọi cô giáo là em?”
“Thế hả. Nhưng mà này, người đẹp lãng phí lắm. Cái hoa tím đang còn tươi như thế sao em đã vội vứt nó đi.”
“Nó còn tươi là nhờ máy lạnh chạy suốt ngày đêm. Tươi nhưng mất hết hương thơm rồi, phải thay hoa khác. Thử để nó ngoài trời xem, dưới bóng râm nhé, nó cũng héo ngay. Bên ngoài nóng như thiêu như đốt thế mà trong này mình đang hưởng bầu không khí của Sa Pa, của Bạch Mã, của Đà Lạt. Anh nhất trí chứ.”
“Rất đồng ý, rất nhất trí. Khách sạn này cũng thuộc hạng khá.”
Thủy mở to đôi mắt tỏ vẻ ngạc nhiên:
“Khá thôi à? Anh quên là anh đang ở khách sạn hạng sang sao. Khách sạn bốn sao của thành phố này chắc chắn là hơn năm sao ở khắp nơi trên thế giới.”
Ông hơi khó chịu:
“Sao em biết? Em đã xuất ngoại nhiều lần chắc?”
“Chưa, nhưng cần gì. Nghe kể lại, xem sách báo, học hỏi, là thừa biết. Không lẽ phải tự mình đấu sức với voi mới biết voi khỏe! Cứ học, học, học, là biết hết. Người ta khi sắp lìa đời mà cũng còn phải học nữa là! Anh biết ai nói câu đó không”
Ông cười:
“Thưa không, cô giáo ạ! Có lẽ vua Lê Lợi nói thế.”
“Anh nói gì vậy? Lênin chứ.”
“Ngoài Khoa Ngoại Ngữ, cô giáo còn theo học Trường Lý Luận Mác-Lênin chứ gì. Cô giáo giỏi quá. Nhưng còn điều này anh nghĩ rằng anh có thể đúng hơn em. Em bảo rằng mới hai năm mà em đã thấy có ba người chết vì rượu? Sai rồi! Có bao giờ người ta chết ngay vì rượu đâu. Họ chết vì em thì có. Cũng như anh vậy, sớm muộn gì anh cũng sẽ chết vì em.”
Thủy bỗng như một sợi dây đàn đang căng bị đứt giữa chừng, buông hai tay xuống để lên mặt bàn, buồn bã đáp:
“Anh nỡ coi thường em đến thế sao! Anh cho rằng đối với ai em cũng ... cũng dễ dàng lắm thì phải.”
Ông lúng túng. Thật ra trong cái đà đối đáp, ông muốn nói đùa thôi. Ông đáp lại bằng một giọng chân thành:
“Anh vui miệng nói bậy rồi, xin lỗi em trăm nghìn lần.”
Thủy vẫn còn hờn dỗi:
“Không dám ạ.”
“Vậy thì thưa cô giáo, em đã biết lỗi. Xin cô giáo tha lỗi cho em một lần này nữa thôi.”
Thủy bật cười:
“Biết lỗi như thế là đủ, ông học trò của tôi ạ. Ta qua đề tài khác nhé. Trước hết, để em bảo mang đồ ăn sáng... Ô mà đã quá trưa, không ăn sáng nữa, gọi món ăn trưa vậy.”
“Gọi hai phần để em cùng ăn với anh nhé,” ông vồn vã mời.
“Cũng được. Anh muốn dùng thứ gì nào? Thứ gì đây cũng có, xin anh dùng tạm. Rồi nay mai em còn có nhiều mục đặc biệt khác dành riêng cho anh. Anh gặp hên mà anh đâu biết. Khách sạn ta sắp tổ chức Lễ Hội Ẩm Thực Hoa Kỳ, An American Food Fare từ 24 tháng 6 đến 7 tháng 7. Anh còn ở đây lâu mà. Đó là một lễ hội ẩm thực nổi bật và hoành tráng nhất trong năm. Em xin phép múa rìu qua mắt thợ, dịch ra tiếng Mỹ anh xem có đúng không: Absolutely the most spectacular food extravaganza of the year. Hãy đến để tận hưởng sự độc đáo của các món ăn hảo hạng trong một khung cảnh đầy tính cách Mỹ. Đừng bỏ qua chuyến thám hiểm tuyệt vời này... tức là Come on over and experience the tastes and sights of America, an adventure not to be missed.”
Thủy nói một thôi không vấp váp. Ông cười ngất. Thủy làm bộ bẽn lẽn:
“Anh chế nhạo em hả? Em nói tiếng Anh có accent? Không đâu, đúng giọng British English đấy, chứ không phải American English như anh đâu. Này anh, đừng cười em nữa, thú thật với anh là em đọc lui đọc tới tờ quảng cáo nhiều lần nên thuộc lòng luôn đấy thôi. Đùa với anh một chốc thế mà đã hơn hai giờ chiều rồi...”
Ông giật mình:
“Đã trễ đến thế à? Chết, anh có việc cần phải làm ngay bây giờ. Thôi, thôi, xin lỗi em, anh không có thì giờ ...Để anh ăn uống qua loa gì dọc đường cũng được.”
“Em gọi là sẽ có ngay mà!”
Ông năn nỉ:
“Nhưng trễ lắm rồi, khỏi phiền em. Anh có chuyện rất quan trọng và gấp lắm, phải đi ngay. Muốn đến đường Nguyễn Chí Thanh thì phải đi làm sao? Có xa đây lắm không em?”
Cô phụ tá lắc đầu:
“Ông anh của tôi đổi ý như chong chóng. Vâng, cũng không gần đâu. Cứ đến Ngã Bẩy hỏi thì biết ngay. Để em gọi tắc xi cho anh đến ngã Bẩy. À mà ... anh đi tới đó làm gì vậy?”
Ông buột miệng:
“Đi tìm Thủy.”
Cô nở một nụ cười thật đẹp, đưa bàn tay cho ông cầm:
“Tìm em? Em đây này! Anh lơ đãng thế!”
Ông nhìn Thủy im lặng, chưa biết phải trả lời như thế nào. Thủy vội tiếp:
“Không, em hỏi thật đấy mà. Anh đi tìm ai?”
“Anh đi tìm người quen.”
Thủy cau mày:
“Em đoán già đoán non xem có đúng không nhé. Các ông Việt Kiều lộn xộn lắm, có vợ con đùm đề ở nước ngoài vẫn không quên đèo bòng thêm một vài bồ nhí tại quê nhà chứ gì. Mong rằng anh không thuộc hạng người đó. Nhưng anh tìm ai, cứ nói thật đi!”
Ông trả lời lặng lẽ:
“Anh đi tìm Thủy. Người đó cũng tên Thủy. Nói đúng ra, anh đi tìm đứa con gái của người ta. Còn người ta thì đã chết trên đường vượt biển rồi.”
Cô phụ tá quản lý hơi khựng người lại, quay đầu nhìn mông ra ngoài cửa sổ. Sau một phút ngập ngừng, cô mỉm cười và dịu dàng nói:
“Buổi chiều Sài Gòn tình tứ lắm đấy. Anh đi chơi vui nhé, chóng về, em chờ. Tối nay anh hãy kể chuyện cũ xẩy ra trên biển cho em nghe.”
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét