khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam đối diện với Năm Chữ Chính - Tác giả Nguyễn Khắc Mai



Năm chữ Chính đó là:

Một: Chính Danh.

Hai: Chính Thống.

Ba: Chính Nghĩa.

Bốn: Chính Học.

Năm: Chính Mi.

Tôi tin rằng đa số các đại biểu được cử đi dự Đại hội này phải quan tâm tới năm chữ Chính có tầm quan trọng này. Năm chữ Chính này, dẫu họ không nghĩ tới, nó vẫn luôn tồn tại, thường xuyên có mặt, chi phối mọi hành vi của Đảng, của từng đảng viên trong chức phận, trong hành xử… của họ.
Chữ Chính Thứ Nhất: Chính Danh

Nguyễn Công Trứ từng có câu nổi tiếng: “Đã mang tiếng ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông”. Câu hỏi này không chỉ cho một cá thể Người, mà nó chung cho cả những cộng đồng Người. Đảng cũng thế, luôn luôn phải đối diện với câu hỏi này và tùy từng thời phải có câu trả lời cho đúng, nghĩa là trả lời cho “thuận thiên thời, thuận địa lợi, thuận nhân hòa”. Và đây là chữ Chính đầu tiên mà Đại hội XII đối diện. Họp Đại hội XII để làm gì, nếu không phải là để trả lời cho đúng những cái “danh” mà Đảng đã và đang đánh mất. Không trả lời rõ vấn đề này, những nội dung của Báo cáo chính trị sẽ không có linh hồn.

Vậy, xin nói về thế nào là chính danh. Trong học thuyết của nho gia có mấy quan niệm chính danh rất hay. Một là của Khổng tử và hai là của Lã thị Xuân Thu. Ba là của Lưu Dực.
Trong sách Luận ngữ, thiên Tử Lộ có câu nói nổi tiếng của Khổng tử. ”Danh không chính thì lời nói [tư tưởng, chính sách…] không thuận. Lời không thuận thì công việc không thành. Việc không thành ắt lễ nhạc [trật tự, kỷ cương…] không chấn hưng được. Lễ nhạc không hưng thì hình phạt [luật lệ] không trúng. Hình phạt không trúng, thì dân chúng không biết đặt tay chân vào đâu [không biết làm gì cho phải, làm gì là trái]. Cho nên người quân tử [kẻ lãnh đạo] phải nói cho rõ cái danh, đã nói thì làm cho được. Kẻ quân tử không được nói tùy tiện.”

Sách Lã thị Xuân Thu, thiên Chính Danh có câu: “Danh chính thì trị, danh mất thì loạn. Kẻ làm cho mất danh, là kẻ nói, chủ trương quá mức. Nói, chủ trương quá mức độ tức là biến cái có thể thành cái không có thể, cái không cho phép. Nên cái phải biến thành cái không phải; biến cái đúng thành cái không đúng; nên cái sai thành cai không sai… Phàm mọi sự loạn, là do chính danh không đúng vậy!”. Lưu Dực (thời Hán-Ngụy) cũng viết “Phàm danh không ngay thẳng, chính đáng thì mọi việc sẽ sai lầm… Cho nên bậc vương giả phải chính danh để giám sát cái thực của nó”. Có thể nói đây là trí khôn Trung Hoa, nhưng cả mấy ngàn năm qua ít ai hiểu và làm đúng, ngày nay cả những người cộng sản Trung hoa cũng như Việt đều đang đối diện với vấn đề “Chính Danh”.

I. -Có rất nhiều sự rối loạn về chính danh của Đảng Cộng sản. Thứ nhất là danh xưng “Cộng sản” không phản ảnh đúng cái tên Communisme. Thuật ngữ này trong tiếng Đức, Anh, Pháp, Nga… đều được hiểu là chủ nghĩa cộng đồng. Chữ cộng sản, nhiều người cho là người Nhật dịch đầu tiên rồi truyền sang Tàu, vào Việt Nam khoảng đầu thế kỷ 20. Tôi đồ rằng cái tâm thức nông dân phong kiến với quan niệm “thiên hạ vi công” và “ở đời muôn sự của chung”, tâm lý chung chạ đã khiến những người dịch ban đầu chỉ tìm tới cái ước muốn “cộng sản” mà đã bỏ qua cái ý thức về “một cộng đồng kiểu mới” của K. Marx.

Thứ hai là cái gọi là chủ nghĩa xã hội và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là những tư duy đại lộn xộn. Lớp đảng viên đầu tiên hiểu và nói chủ nghĩa cộng sản là “tam vô nhị các”. Tam vô là vô tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo. Nhị các là các tận sở năng, các tận sở nhu, nghĩa là mọi người làm hết năng lực của mình và hưởng hết nhu cầu của minh (sướng quá, ai mà không thích!). Hiểu tôn giáo đến mức cực đoan như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng nói với trí thức các trường Đại học ở Hà Nội tại hội trường C2 Đại học Bách khoa, rằng “tôn giáo là thuốc độc của nhân dân”. Chú ý thuốc độc, chứ không phải thuốc phiện như Marx quan niệm.

Còn xóa bỏ xã hội cũ thì “Trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”. Sau này thấy ấu trĩ quá nên không tuyên truyền nữa. Sau năm 1950 khi khai thông biên giới với Trung Quốc, đảng đổi tên là đảng Lao động lấy tư tưởng Mao Trạch Đông đưa vào điều lệ làm kim chỉ nam cho hành động. Tư tưởng gian khổ ba năm xây dựng chủ nghĩa xã hội hình thành với những khẩu hiệu được coi là “tổng lộ tuyến” sau mới đổi thành “đường lối chung”: bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, với những chủ trương cải cách ruộng đất, cải tạo công thương, công tư hợp doanh…, tiến hành cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng văn hóa tư tưởng, coi cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt… Nhưng như người xưa nhận xét, do không chính danh nên nói và làm lộn xộn “biến cái có thể thành cái không có thể, cái phải biến thành cái không phải, cái sai thành cái không sai…”. Hậu quả là ngày nay, Đảng không còn là tiên phong cách mạng, cũng không còn người đại diện cho lợi ích của Dân tộc. Chính quyền không còn là của Dân, do Dân, vì Dân mà đã có những hành động phản bội lại lợi ích của Dân, của Nước, đã biến thành những nhóm lợi ích tham nhũng, mua quan bán tước, lệ thuộc Trung Quốc.

Ngay như Điều 4 trong Hiến Pháp cũng hiểu, nói và làm lộn xộn, không rành mạch rõ ràng. Những câu chữ trong Điều 4 không có một văn bản có tính luật nào giải thích cho rõ ràng, chính xác. Thế nào là vai trò nhà nước của Đảng? Thế nào là Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội? Đưa vào Hiến pháp một nội dung không có một điều luật nào đi kèm để hiểu đúng làm đúng, tính chính danh của Đảng bị vi phạm một cách tùy tiện. Nói như người xưa đó chính là đầu mối của mọi sự suy đồi, rối loạn. Một Nhà nước “loạn” thì không tham nhũng, suy đồi, trì trệ, lạc hậu và tụt hậu ngày một xa mới là lạ.
Đại hội XII phải phân tich mổ xẻ, cân lại cho ngay ngắn chữ Chính đầu tiên là “Chính danh". Nếu thật sự có trách nhiệm các đại biểu của Đại hội phải đưa vấn đề này vào nội dung của Đại hội.

2-Có ba điều có thể làm nên tính chính danh cho đảng hôm nay:

Một là là phải từ bỏ cái gọi là chủ nghĩa Marx - Lênin. Vì sao vậy? Vì học thuyết này cung cấp một lối tư duy giáo điều, đầy mâu thuẫn, làm rối loạn chuẩn mực. Phàm con người mà tư duy rối loạn chuẩn mực thì như người xưa nói sẵn sàng biến cái sai thành đúng, cái không có thể thành có thể. Sự rối loạn tư duy trên tổng thể của xã hội ta đã nhìn thấy rõ. Cứ nhìn vào thực trạng xã hội chúng ta hôm nay, những người trung thực không khỏi không đau lòng. Lẽ nào các đại biểu Đại hội nỡ nhắm mắt làm ngơ?!

Hai là, từ bỏ mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu xô viết đã phá sản trên thực tế, đã gây nên thảm họa, khiến cả châu Âu bất bình lên án là chế độ này đã gây nên những tội ác chống nhân loại ở ngay những quốc gia do những đảng cộng sản cầm quyền. Ở Việt Nam chúng ta, không thể chứng minh được về lý thuyết cũng như thực tiễn là chủ nghĩa xã hội thực sự có chân thiện mỹ, trái lại nó đã gây ra vô vàn đau thương cho con người và xã hội. Có thể nói tất cả nhũng cải cách xã hội theo đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản đều thất bại thảm hại, từ cải cách ruộng đất đến hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương… Cho đến khi cùng đường thì phải “đổi mới”, thực chất là thực hiện dè dặt nhũng hình thức và phương thức của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên do thực hiện những hình thức tư bản chủ nghĩa mà vẫn duy trì Marx - Lenin nên về cơ bản không thể thực hiện phương thức tư bản chủ nghĩa hiện đại, thành ra đã sản sinh một thứ chủ nghĩa tư bản vừa hoang dã vừa quái dị với những quan hệ xã hội rất phong kiến. Điều ấy khiến đất nước tiêu hao nhiều nguồn lực của dân tộc, bóc lột tận cùng tài nguyên thiên nhiên cũng như lao động, chấp nhận công nghệ lạc hậu, phương thức gia công lệ thuộc, lạc hậu và trì trệ, tham nhũng triền miên, bị các nước trong khu vực bỏ xa mà với thể chế và những thiết chế xã hội, chính trị như hiện nay không thể nào rút ngắn khoảng cách được. Kinh tế thị trường có đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa đã tỏ ra vô vọng và vô nghĩa.

Như thế Đảng chỉ còn một lựa chọn tối ưu là đi theo đường lối xã hội - dân chủ, chấp nhận đa nguyên, hợp tác với tất cả mọi lực lượng dân tộc, dân chủ của đất nước, tôn trọng xã hội dân sự. Bài học của các đảng xã hội dân chủ rất sáng giá, nếu đảng học theo có thể lột xác biến mình thành một thực thể khác, văn minh, tiến bộ, vẫn theo đuổi những tư tưởng xã hội chủ nghĩa (xin lưu ý tư tưởng xã hội chủ nghĩa khác xa với cái gọi là chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng đang áp đặt tại Việt Nam), lại phù hợp với tiến trình lịch sử đương đại, làm nên tính chính danh đích thực cho đảng. Nếu để chậm trễ có khả năng Đảng bị Dân tộc cho vào cái spam lịch sử. (Nhân đây tôi cũng xin thưa, theo chỗ tôi biết, nhiều cán bộ cao cấp khi còn học ở Liên Xô và Đông Âu đã từng phê phán đường lối Stalinnien và Maoist của Đảng và từng công khai bày tỏ sự ủng hộ đường lối xã hội dân chủ. Nhưng khi về nước, họ lại tỏ ra cơ hội tả khuynh để leo được vào Trung ương!).

Thứ ba, không thể chính danh, nếu vẫn đi theo đường lối sai lầm trở thành chư hầu lệ thuộc chính sách bá quyền đại Hán của Trung Quốc. Xoay trục về Dân tộc, từ bỏ đường lối đối nội, đối ngoại lệ thuộc Trung Quốc, bắt chước Myanmar, vì lợi ích dân tộc, sẵn sàng “thoát Trung”, sẵn sàng hòa hợp, hợp tác với nhũng lực lượng dân tộc, dân chủ của Đất Nước.

Làm được ba điều ấy, bỏ Marx - Lenin, đi theo khuynh hướng xã hội - dân chủ, xoay trục về Dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ lột xác, cải tạo mình để có Chính Danh.

Vì sao những khẩu hiệu “Xây dựng một nước Việt Nam Hòa bình - Thống nhất - Độc lập - Dân chủ - Giàu mạnh”, hoặc như “Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Văn minh”, “Nhà nước của Dân do Dân vì Dân”, “Đảng là đạo đức, là văn minh”… lại khó thực hiện đến vậy? Vì sao Đất nước ta, xã hội ta lại đang diễn tiến chính xác như dự báo của K. Marx vậy? Có hai dự báo quan trọng. Một là: “Chính phủ [ở Việt Nam là Đảng, hệ thống cầm quyền] chỉ nghe thấy tiếng nói của chính mình, duy trì sự lừa dối, và cũng đòi hỏi dân chúng phải ủng hộ sự lừa dối đó. Còn dân chúng hoặc sẽ rơi vào tình trạng mê tín chính trị, hoặc hoàn toàn quay lại với cuộc sống quốc gia biến thành đám người chỉ sống với cuộc đời riêng tư” (Mác - Ăng ghen Toàn tập, Tập 1, nxb Chính trị Quốc gia, 1995, tr105). Dự báo thứ hai, “Chính quyền của giai cấp công nhân sẽ được thúc đẩy bằng một chế độ ủy trị. Người ta sẽ phó thác cho một nhóm người tự ứng cử để đại diện và cai trị họ. Điều đó khiến họ lập tức rơi tõm ngay vào mọi sự lừa dối và lệ thuộc. Sau một hồi ngắn ngủi được tự do và hưng phấn cách mạng làm công dân của một nhà nước kiểu mới, họ sẽ bừng tỉnh thấy mình là nô lệ, con rối, con mồi của những tham vọng mới” (K. Mác Cuộc đời và tác phẩm. J. Eleinstein, nxb Fayard). Với dự báo rất trúng với thực trạng hiện nay, cái danh xưng “Nhà nước Công Nông đầu tiên ở Châu Á” nó khôi hài biết bao!
Điều gì khiến hiện thực xã hội của Đất nước đã trở nên “loạn”, đúng sai lẫn lộn, đem cái sai để thi hành, biến cái sai thành tư duy chính thống, đem cái ảo tưởng, cái không chính xác thành đường lối hành động? Chính vì Đảng đánh mất “Chính Danh”.

Chữ Chính thứ hai: Chính thống

Tính chính thống của lực lượng cầm quyền của một quốc gia dân tộc là vô cùng trọng đại và thiêng liêng.

Ngày xưa khi còn trong chế độ bộ tộc, người thủ lĩnh chính thống là một người già có kinh nghiệm, hiểu biết, có sức mạnh thể chất và trí tuệ để có thể dẫn dắt bộ tộc đi săn, chiếm giữ địa bàn sinh tụ, chống lại bộ tộc thù địch, có trí khôn để biết phân xử phải trái, giữ gìn luật tục của bộ tộc…
Thời phong kiến, một gia tộc nào đó tập hợp được lực lượng xã hội dùng sức mạnh vũ trang cướp được ngôi báu, dùng thuyết thiên mệnh để lên ngôi lập ra một triều đại. Phần lớn các triều đại phong kiến Trung hoa đều như thế. Ở Việt Nam có khác. Phần lớn các triều đại đều có võ công oanh liệt chống giặc phương Bắc nên có ơn ích với Dân Nước mà lên ngôi chính thống, tuy cũng áp dụng thuyết thiên mệnh.

Đấy là một thời. Nay vào thời đại dân chủ phổ biến toàn cầu, thuyết thiên mệnh không thể dùng nữa. Một lực lượng chính trị nào muốn ở ngôi chính thống lãnh đạo quốc gia đều phải hội đủ hai điều kiện cần và đủ: Phải có công tích ơn ích đối với Dân Nước, đó chỉ là điều kiện cần. Nhưng còn một điều kiện đủ nữa mới có thể trở thành chính thống. Đó là sự phúc quyết của nhân dân, theo những thể thức dân chủ.

Thật ra công tích của Đảng Cộng sản, thì như nhận định của học giả, nhà chính trị Trần Trọng Kim mới đúng. Vào năm 1947 cụ Trần viết thư cho Hoàng Xuân Hãn đã nói rõ: Việt minh do Đảng Cộng sản lãnh đạo là lực lượng chính trị to lớn và có tổ chức, họ “Công chi thủ. Tội chi khôi”. Nghĩa là công ở hàng đầu, mà tội cũng lớn nhất. Đó là nói công tích, vừa công to mà tội cũng lớn. Điều kiện cần này cũng thật chưa trọn vẹn.

Còn điều kiện đủ là gì? Trong thời đại Dân chủ vấn đề dân có phúc quyết hay không mới là tối quan trọng và đầy đủ. Về vấn đề này, câu chuyện có ý nghĩa và thú vị nhất là trường hợp Đảng Tập hợp dân chúng của Pháp do tướng De Gaulle lãnh đạo. Sau khi cùng quân Đồng minh đánh bại phát xít Đức, họ đã không như cách Trung Quốc “lập chính quyền trên đầu súng”, mà thông qua bầu cử, Đảng Tập hợp dân chúng mới được cầm quyền và De Gaulle mới được cử làm Tổng thống nước Pháp.

Còn ở Việt Nam hiện nay, tuy có bầu cử, nhưng Ủy ban bầu cử do Đảng chi phối (lãnh đạo), người ứng cử do Đảng chỉ định, kể cả một vài người gọi là ứng cử tự do cũng đều do Đảng có cho phép hay không.

Trong Hiến pháp dẫu có Điều 4 quy định về sự lãnh đạo của Đảng, nhưng lại không có một đạo luật nào nói rõ về điều đó. Hiện nay trong xã hội ta, những thiết chế chính trị đều được điều tiết bằng hiến định và luật định. Chính phủ và hệ thống chính quyền địa phương đều có hiến định và luật định. Quốc hội có hiến định và luật định. Hệ thống tư pháp (tòa án) có hiến định và luật định. Chỉ mỗi mình Đảng là đang hoạt động không có luật định. Vì thế tính chính thống của Đảng hiện nay là nửa vời. Công cũng chỉ nửa vời mà Luật cũng chỉ nửa vời.

Thật sự Đảng đang bị thách thức tính chính thống từ cả hai phía công và luật. Đại hội XII không thể để cho Đảng tiếp tục cầm quyền mà mất đi tính chính thống toàn vẹn.

Để có tính chính thống hôm nay:

-Đảng phải lập công, từ bỏ đường lối hư hỏng cũ kỹ như đã nói ở trên, để cùng những lực lượng dân chủ tiến bộ phục hưng dân tộc trong giai đọan mới.

-Kiên quyết bỏ Điều 4 Hiến pháp, xây dựng một đạo luật văn minh và dân chủ về Tổ chức và hoạt động của các đảng chính trị Việt Nam.

-Tôn trọng đa nguyên, vì độc nguyên là độc tài hư hỏng cũ kỹ. Tổ chức bầu cử tự do văn minh, minh bạch. Chỉ trong điều kiện ấy, Đảng Cộng sản mới được đặt mình trong xã hội, đua tranh để lành mạnh, kiếm tìm nhân cách mới của Đảng và của từng đảng viên mới mong lấy lại niềm tin, sự tín nhiệm của nhân dân, mới mong lập được công tích, mới thật thà phục vụ dân nước.

Ngay như việc nhân sự mà Hội nghị Trung ương 13 đang họp bàn cũng phải lý đến tính chính thống. Ban Chấp hành Trung ương mặc nhiên là ban lãnh đạo quốc gia. Nhưng ai quy định điều này, không có bất cứ một điều luật nào quy định cả. Vì không quan tâm đến tính chính thống, nên phương thức và phương pháp chọn, bầu một Ban Chấp hành Trung ương – ban lãnh đạo quốc gia – cho đến nay vẫn là tùy tiện, và cách thức rất cổ hủ.

Đúng ra sự lựa chọn nhân sự, đặc biệt là với bốn chức danh “tứ trụ triều đình”, ít ra là phải diễn ra theo hai quy trình. Một là sự lựa chọn trong nội bộ của Đảng, và hai là quy trình phúc quyết của quốc dân. Cả hai quy trình ấy đều phải có tranh cử. Những ứng cử viên phải có nhân thân được tín nhiệm, phải có ý tưởng và chương trình tranh cử. Cuộc tranh cử để được lựa chọn ấy phải diễn ra công khai, minh bạch, có sự giám sát của xã hội. Hội nghị Trung ương 13 cũng đang làm việc theo phương thức của mô hình xô viết đã “hư hỏng cũ kỹ”! Vì thế, đối với toàn Đảng, cũng như với xã hội, nó có sự bất minh, mờ ám, nó chỉ là việc làm của một nhóm người, mà tư cách pháp nhân nhà nước không rõ ràng, cứ đọc những mẩu tin về cuộc họp này đủ thấy rõ.

Với những cách làm đã “cũ kỹ, hư hỏng”, ban lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là Tổng Bí thư đang đặt Đảng trước một thử thách về tính chính thống.

Chữ Chính thứ ba: Chính Nghĩa

Một chính đảng có chính nghĩa phải theo và phục vụ cho chính nghĩa của dân tộc.

Tính chính nghĩa của dân tộc phải phù hợp với Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đương đại đã có những nội hàm mới:

Thiên thời: là quy luật vận động xã hội trong dòng lịch sử đương đại, nó là tiến trình hình thành văn minh và văn hiến mới của nhân loại. Nó là tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, là kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, tin học hóa, tri thức hóa và ưu thế hóa từng dân tộc từng khu vực. Là tiến trình nói như F. Engel là sự hòa giải của nhân loại với thiên nhiên và với chính mình.

Địa lợi: sự phát triển độc lập, tự chủ của các quốc gia dân tộc trong những quan hệ địa chính trị mới văn minh, nhân văn, tiến bộ, hợp tác chống lệ thuộc, phi thực dân hóa, đế quốc chủ nghĩa bá quyền. Khi nhân loại bước vào văn minh tin học, sự cải thiện số phận của các quốc gia dân tộc là rất lớn. Ví dụ là các nước nhỏ Tây Âu sau thế chiến thứ II, nhũng nước NICs ở châu Á và Mỹ La tinh…

Nhân hòa: sự chăm lo cho con người, phát triển và tôn trọng nhân quyền, dân quyền, hài hòa lợi ích cá nhân và xã hội, thu hẹp chênh lệch giàu-nghèo. Hưng dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh (phát triển khoa học, giáo dục, tôn trọng và đề cao dân quyền, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân). Người dân, các công dân được sống trong môi trường xã hội dân chủ, văn hóa, ba thiết chế xã hội hài hòa. Một chính quyền dân chủ, trong sạch, trách nhiệm và hiệu quả. Một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, không bị làm méo mó biến dạng với những định hướng sai lầm duy ý chí, độc quyền. Một xã hội dân sự văn minh phát triển.

Hiện nay tính chính nghĩa của Đảng đang bị thử thách, vì đường lối chính trị của Đảng không tương thích với dòng chảy của lịch sử nhân loại đương đại, khiến cho Dân tộc rơi vào cảnh lệ thuộc về chính trị vào đường lối bá quyền đại Hán của Trung Quốc, về kinh tế, thì ngày một tụt hậu xa so với những nước trong khu vực, mà trước đây ta cùng với họ là ngang một trình độ. Vì đường lối sai lầm, khiến cho phương thức quản lý và công nghệ lạc hậu, đang trở thành nước gia công lệ thuộc, về xã hội, văn hóa, giáo dục vừa suy đồi vừa yếu kém, đời sống cùa đa số người dân lương thiện, công nhân, nông dân, người lao động, công chức thấp, đang là nỗi nhục, nỗi xấu hổ của chế độ!

Đường lối đối nội, đối ngoại sai lầm của ban lãnh đạo Đảng, đang đặt Dân tộc trước những hiểm họa, chủ quyền biên cương và Biển đảo bị bá quyền Trung quốc cưỡng chiếm lâu dài, hòa bình và an ninh quốc gia thường trực bị uy hiếp, công cuộc làm ăn sinh sống của nhân dân trên biển bị khống chế…

Tính chính nghĩa của đảng đang bị thử thách nghiêm trọng trên cả mấy vấn đề cơ bản:

Một là, có sớm cải cách để Dân chủ hóa, kiên quyết từ bỏ thể chế và những thiết chế đã hư hỏng cũ kỹ, thực hiện đa nguyên chính trị, hòa giải dân tộc, nhằm phát triển tối đa, tối ưu nội lực của Dân Nước, đưa Đất Nước sớm thoát khỏi tình trạng lac hậu, tụt hậu xa, ra khỏi tình trạng suy đồi thoái hóa đang diễn ra, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của Dân. (Thật kỳ lạ, nói nhà nước công nông, mà đời sống của công nông hiện tình rất thê thảm, thua xa các nước trong khu vực!).
Đây là thử thách của mọi lực lượng chính trị của Dân tộc, nó là hòn đá thử tính chính nghĩa có thật lòng vì Dân vì Nước hay chỉ vì quyền lợi ích kỷ của nhóm cầm quyền, chỉ nhăm nhăm lợi ích của chủ nghĩa, của phe nhóm. Một xã hội có dân chủ dân quyền (chứ không phải quan chủ, đảng quyền), một Đất nước có tự do, hạnh phúc thật sự chứ không chỉ trên câu chữ đầu lưỡi, dân trí được nâng cao, dân quyền được thực hiện, dân sinh được chăm lo cải thiện, là những lý do để tồn tại của tất cả mọi đảng phái, mọi lực lượng chính trị của Dân Nước. Ngót thế kỷ qua với những điều kiện hiện thực như của Việt Nam, những nước trong khu vực đã làm được, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đã duy trì quá nhiều sai lầm khiến cho chính nghĩa ấy đã không thực hiện trọn vẹn, mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại nói một cách vô trách nhiệm là trăm năm nữa cũng không chắc có chủ nghĩa xã hội!

Hai là, độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ và biển đảo, an ninh của quốc gia có được bảo vệ vững chắc và trọn vẹn, hay để bị uy hiếp lâu dài, bằng những hành động kiên quyết, khôn ngoan, hay cả tư duy chính trị, cả lời nói, việc làm đều lệ thuộc bá quyền đại Hán. Hành xử của Đảng từ 1958 đến nay đều từng bước lộ rõ sự cam tâm lệ thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, hữu ý hơn là vô tình buộc số phận của Dân tộc vào sự lệ thuộc Trung Quốc. Phải “thoát Trung”. Không có nghĩa là cắt đứt mọi quan hệ với Trung Quốc nhưng phải tự chủ, tự lập, liên kết với bất kỳ ai để gia tăng thế và lực chống lại dã tâm của Trung Quốc đang hưng phát và đi theo con đường đế quốc chủ nghĩa theo màu sắc đại Hán, đang tìm mọi cách để ngăn chặn sự phát triển tự nhiên, lành mạnh, bức ra khỏi mô hình lạc hậu, trì trệ của Việt Nam.

Một chính sách “đối Trung” lành mạnh, hữu hiệu, tự tôn dân tộc, là thử thách nghiêm trọng tính chính nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc.

Chữ Chính thứ tư: Chính học

Người đầu tiên sử dụng chữ “chính học” là cụ Ngô Đức Kế, trong cuộc tranh biện về Truyện Kiều với nhà văn hóa Phạm Quỳnh: “Chính học và Tà thuyết”. Khái niệm chính học được nêu lên để phân biệt, đối lập với tà thuyết.

Chính học nói giản dị là “học thuyết chân chính”. Vậy có thể lấy những chuẩn mực nào để khẳng định một học thuyết là chính học? Nếu không thì nó sẽ là tà thuyết!

Có ba tiêu chí.

Một là tính đúng dắn, chính xác, lô gích nội tại (của học thuyết) không mâu thuẫn, có thể dùng tư duy khoa học để kiểm chứng. Nó được phản ảnh đến tối đa “tính chân” của nhận thức luận, vì thế nó có tính khiêm tốn để biết rằng nó chỉ là một bước tiệm cận đến chân lý. (Nó không huênh hoang một tấc đến trời như cho mình là chân lý tột cùng, là đỉnh cao muôn trượng, là độc tôn duy nhất…!).

Tính đúng đắn này không chỉ được kiểm chứng bằng tư duy khoa học, mà quan trọng là được chứng minh, kiểm định trong thực tế cuộc sống. Ví dụ cái câu của Lenin huênh hoang là dân chủ xã hội chủ nghĩa cao gấp triệu lần so với dân chủ tư sản. Thực tế của Liên Xô, Trung Cộng, Việt Cộng… đã bác bỏ cái luận điểm tuyên truyền chính trị lừa đảo đó của Lenin! Thực tiễn Việt Nam ngót nửa thế kỷ qua hoàn toàn bác bỏ rằng sự lựa chọn của Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản, theo chủ nghĩa xã hội là đúng đắn duy nhất.

Hai là, tính thiện, nó góp phần làm cho cuộc đời, cho con người, cho xã hội, cho dân tộc thật sự có tiến hóa, phát triển, không tạo ra áp bức xã hội. Nó thật sự là nhân văn, nhân ái, nhân đạo. Không tạo ra thế tranh đoạt, ăn cướp khiến đẩy xã hội vào suy đồi, tha hóa. Nó giúp con người phát triển “tận kỳ tính” (tính người phát triển đến độ cao), giúp xã hội đạt tới hài hòa, văn hóa, giúp dân tộc thăng hoa phát triển, giúp nhân loại đạt tới minh triết.

Ba là, nó mở ra nguồn mỹ cảm để cho con người, xã hội, quê hương và cả nhân loại đẹp đẽ lên, trong sạch lên, nhân từ, hòa ái, bao dung. Nó sẽ là nét nhạc như Nguyễn Trãi từng mơ ước: “Sinh đời thái bình ai cũng được ở yên, gặp thuở thánh minh ai cũng được thỏa sống”, và “làm sao cho trong thôn cùng xóm vắng không còn lời hờn giận, oán sầu”.

Nhân loại cho đó là ba chuẩn mực: Chân-Thiện-Mỹ của cuộc đời.

Cái mà đảng tôn xưng là học thuyết, chủ nghĩa Marx - Lenin đã vi phạm cả ba chuẩn mực kể trên. Chủ nghĩa Marx - Lenin thật sự đã thất bại, phá sản. Đảng buộc phải chấp nhận hình thức tư bản chủ nghĩa và mô hình toàn trị do Đảng Cộng sản độc tài lãnh đạo, tức là một thể chế chính trị siêu phong kiến!

Sự tụt hậu toàn diện của đất nước, chính trị lệ thuộc, kinh tế lạc hậu, văn hóa suy đồi, giáo dục khủng hoảng, nhân cách thoái hóa… đang chứng minh sự tà vạy của học thuyết Marx - Lenin và con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đảng phải đi tìm cái Chính học đích thực làm tư duy chiến lược, làm triết lý hành động, đổi mới toàn diện và triệt để đường lối, về phương thức hành xử sao cho văn minh, đạo đức, cho thật dân chủ, cả về nhân thân tức là nhân cách mới của đảng viên, của cán bộ . Hãy vứt bỏ tà thuyết Marx - Lenin, kiếm tìm những giá trị minh triết của dân tộc và nhân loại cùng kiến thức mới của thế giới, làm cho tư duy và đường lối thật sự là chính học. K. Marx từng nói:”Bản chất con người là tổng hòa của các quan hệ xã hội”. Nhân cách của cán bộ, đảng viên thường đều đang hình thành và thể hiện ra trong những mối quan hệ xã hôi mang màu sắc phong kiến lạc hậu, tham lam, ăn trên ngồi trốc, nói như nhà Phật là tham-sân-si, diễn tả như Lenin là vừa tham, vừa cậy quyền vừa dốt. Không có chính học không thể chuyển hóa nhân cách thành văn minh dân chủ được.

Để khẳng định được tính chính học trong tư duy chính trị, trong đường lối, trong phương thức hành xử, Đảng phải kiếm tìm tính chân - thiện - mỹ trong học thuyết của mình. Phải từ bỏ tà thuyết Marx - Lenin, từ bỏ thể chế xã hội chủ nghĩa, từ bỏ nhũng đánh tráo khái niệm đang như là phương thức hành xử chính thống. Phải khẳng định được chính học may ra mới biển đổi được nhân cách, thành con người vừa văn minh, đạo đức, dân chủ. Thế mà vì không có chính học, nên đảng đã duy trì cơ bản là những quan hệ xã hội suy đồi, lạc hậu, vừa siêu phong kiến, vừa tư bản hoang dã, vừa xã thôn cát cứ lạc hậu. Làm sao mà có nhân thân mới văn minh, đạo đức của Đảng cho được.

Đi tìm chính học là một nhiệm vụ hàng đầu của Đại hội XII này!

Chữ Chính thứ năm: Chính Mi

“Chính mi” là chữ nói lái của dân Quỳnh Lưu, dân xứ Nghệ hài hước để khẳng định rằng Chính Mi là Chí Minh.

Vấn đề Chính mi có hai nội dung. Một là vấn đề nhân thân Hồ Chí Minh. Và hai là nhân cách của cán bộ đảng viên, có “chính mi” hay không. Tức là có thật là cách mạng, có thật là văn minh, dân chủ hay vẫn chỉ là quan chủ phong kiến, có thật là sạch sẽ, lành mạnh hay chỉ là phường giá áo túi cơm, có thật là công bộc, người phục vụ chung hay là nhóm ăn trên ngồi trốc, v.v. Cả hai vấn đề này đều có tầm quan trọng của sự mất còn của Đảng và còn liên quan cả đến vận mệnh đất nước!

Về vấn đề thứ nhất, Hồ Chí Minh là ai? Từ nhỏ sau khởi nghĩa Tháng Tám, tôi đã nghe câu hỏi cụ Hồ là ai, có phải là Nguyễn Ái Quốc hay không. Có lẽ vì thế mà Chủ tịch Hồ chí Minh phải tự mình viết ra cuốn Cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, cuốn này có một dị bản in bằng tiếng hoa xuất bản ở Hồng Công. Trong cả hai cuốn, cụ Hồ gián tiếp nhận mình là Nguyễn Ái Quốc.

Dăm năm trở lại đây, trong xã hội lại râm ran dư luận về một cuốn sách nhan đề Hồ Chí Minh sinh bình khảo (khảo cứu cuộc đời của Hồ Chí Minh) của tác giả Hồ Tuấn Hùng, xưng là cháu nội của nhân vật trong sách. Sách cố chứng minh rằng sau khi Nguyễn Ái Quốc vì bệnh lao mà mất ở Trung Hoa vào 1932, thì Quốc tế cộng sản đã đem Hồ Tập Chương huấn luyện để đóng thế Nguyễn Ái Quốc. Hồ Tập Chương là người dân tộc Hẹ, sinh ở Đài Loan, vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, cán bộ của Quốc tế cộng sản, đã cùng với Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở sân banh Hương Cảng.

Về Nguyễn Ái Quốc đã chết năm 1932, thì chính Hà Huy Tập một Tổng Bí thư của Đảng đã khẳng định trong một tài liệu hiện đang là tư liệu chính thức của Đảng, được lưu trữ tại Cục Lưu trữ của Trung ương. Không thấy ai nghiên cứu, khẳng định đúng sai của vấn đề này. Nếu tư liệu này của Hà Huy Tập là chính xác, thì nhân thân của Hồ chí Minh có vấn đề.

Còn Hồ Chí Minh trong một bài báo nhan đề Đảng ta, đăng ở trang 547, tập 5, Hồ Chí Minh Toàn tập có câu: “Cuối năm 1929, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở lại Tàu, cùng với đại biểu các nhóm khai hội ở Hương Cảng.

Trong 7, 8 đại biểu ngoài, ngoài đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tôi…”.

Như thế là “Bác Hồ” đã thừa nhận Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh là hai người.

Chi tiết này rõ ràng là chứng minh cho lập luận của Hồ Tuấn Hùng khi khẳng định rằng Hồ Tập Chương chính là nhân vật Hồ Chí Minh của Việt Nam. Điều lạ lùng là trong giới nghiên cứu ở Viện Hồ Chí Minh và Ban Chấp hành của Đảng cũng không thấy lên tiếng phản bác đúng sai.

Còn một tư liệu nữa cần nghiên cứu. Đó là nhân vật Hồ Quang, thiếu tá Bát lộ quân, nghe nói dã từng trong một đại đội với Diệp Kiếm Anh. Nghe nói nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã cho ấn hành cuốn sách về nhân vật Hồ Quang và được coi là Hồ Chí Minh. Tôi chưa được tiếp cận tài liệu, nên chỉ giới thiệu để nghiên cứu.

Như vậy nghi án Hồ Chí Minh là ai, thật sự là có cơ sở.

Vấn đề này trở thành nghiêm trọng, vì không nghiên cứu và tiến hành những khảo sát một cách khoa học để bác bó những luận cứ kể trên, vô hình trung là đã mặc nhiên thừa nhận Hồ Chí Minh là người ngoại quốc (Trung Hoa).

Nếu không khẳng định rõ Hồ Chí Minh là ai, có thật “chính mi” là người Quỳnh Lưu hay Nam Đàn Nghệ An, hay lại là một người Tàu thì chúng ta đang đứng trước một vấn đề pháp lý nghiêm trọng. Vì luật pháp không cho phép một người nước ngoài không tuyên bố chuyển quốc tich Việt Nam lại được là Chủ tịch nhà nước hay Chính phủ!

Vì tính nghiêm trọng của vấn đề mà Đại hội XII phải quyết định thành lập một tiểu ban độc lập nghiên cứu nghi án này.

Vấn đề này đúng là liên quan đế tính chính danh, chính thống của Đảng và nhà nước hiện nay.
Thứ hai là vấn đề “chính mi” của nhân cách của đảng viên và cán bộ, của đảng, cố nhiên là với cả bộ máy nhà nước (đa số công chức cán bộ nhà nước cả quân đội, công an là đảng viên).

Chúng ta hãy đặt một câu hỏi: Cớ sao đội ngũ cán bộ, công chức… đã trở nên ngày một suy thoái trầm trọng, đến nỗi như vô phương cứu chữa? Tham nhũng tràn lan, hoạt động kém hữu hiệu kéo dài.
Phải giải quyết vấn đề “chính mi”. “Chính mi” có là người đàng hoàng, tử tế văn minh, tiến bộ hay là phường giá áo túi cơm, khi có chức vụ thì lập tức ăn trên ngồi trốc, khi có quyền lực thì lập tức trở thành “vua chúa”, thành lãnh chúa phong kiến mà không thể nào ngăn chặn được.

Đây là vấn đề lớn, rõ là một thách đố của chế độ. Nếu không xây dựng được những quan hệ xã hội văn minh, lành mạnh, tiến bộ, nhân văn, cứ càng vận động thi đua, phong trào gia đình, phường xã văn hóa mới, càng hình thức chủ nghĩa… sẽ chỉ là may tấm áo đẹp để che ung nhọt trong cơ thể mà thôi.

Kết luận ngắn gọn: Đại hội XII không nghiên cứu những vấn đề then chốt, cốt lõi của năm chữ chính, sẽ lặp lại con đường cũ, sẽ lại một chu kỳ lịch sử tắc tị và trì trệ nối tiếp.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét