khktmd 2015
Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015
Ba Trái Lựu Đạn Trong Tù Cải Tạo CSVN- Tác giả Nguyễn Mạnh Tiến và Vũ Mộng Giao
Sau Tết năm 1977, trại tù lao cải L9T5 của chúng tôi trải qua một cuộc thay đổi lớn. Bản chất của Cộng sản là luôn luôn nghi ngờ những thành phần phản động mà chúng đang giam giữ, mà đặc biệt nguy hiểm là thành phần “ngụy quân ngụy quyền”, nếu để cho ở chung càng lâu thì cơ hội họ kết thân, rồi cấu kết nổi loạn hoặc trốn trại sẽ càng cao. Cho nên, rập khuôn theo kiểu các gulag bên Liên Xô và trại tù lao cải của Trung Cộng mà bọn VC đã học tập rất kỹ, ở trại tù nào cũng thế, cứ độ 1, 2 năm chúng lại phân tán tù - bắt đầu ngay từ từng tổ, đội - ra thành nhiều nhóm, chuyển đến những trại khác nhau để trừ hậu họa. Chúng gọi thủ đoạn đó là "biên chế".
Trại L9T5 lúc trước có hơn 1000 tù, bị chẻ ra làm 4, 5 nhóm. Cứ vài ngày lại một nhóm, lần lượt bị lên xe chuyển trại, không ai biết là sẽ chuyển đi đâu. Tháng 3 năm 1977, tôi nằm trong nhóm chót còn lại gồm khoảng hơn 100 anh em, giờ suốt ngày lang thang trong trại chờ đến phiên mình di chuyển vì bọn cán bộ cũng chẳng buồn cắt công tác lao động. Trại khi xưa đông đảo, những ngày nghỉ anh em tù lúc nhúc khắp nơi, nấu nướng, chơi cờ tướng, đánh bóng chuyền hoặc làm các việc linh tinh lỉnh kỉnh. Nay vắng ngắt, đám tù còn lại tụ vào ở chung trong một lán cuối trại, ai nấy trông ngơ ngác, thất thần vì không biết tương lai mình sẽ ra sao.
Những bạn thân cũ của tôi như Khánh Râu, Giáo Ngạn, Vân Xích Lô... đều đã đi hết trong các nhóm trước. Tôi ráp vào sinh hoạt chung với Giao, vốn trước kia là đối thủ cá độ trong những trận bóng chuyền ngày nghỉ, nay trở thành thân thiết. Giao là sĩ quan an ninh thuộc binh chủng không quân, và là Đội trưởng đội của tôi, người cao lớn và có sức khỏe.
Một buổi chiều, bỗng có một đoàn xe Molotova chở đầy tù, không biết từ đâu chạy vào trong trại. Bọn tù cũ chúng tôi tò mò túa ra xem, hy vọng tìm được người quen trong đám tù mới được đổ xuống . Tôi chợt ngẩn người, trố mắt nhìn kỹ. Trong đám tù gầy gò nhơm nhếch vừa nhẩy xuống xe, có một tay trông giống như thằng em ruột của tôi. Tôi buột miệng kêu to: “Thắng!”. Tay đó quay đầu lại ngó: đúng là Thắng thật, nay gầy gò hốc hác hơn khi trước! Tuy nhiên, thay vì tỏ vẻ vui mừng, chú lấm lét nhìn quanh quất, rồi đưa ngón tay trỏ lên môi, ra hiệu. Tôi hiểu ngay là bọn tù này có lẽ bị tụi quản giáo kềm kẹp kỹ, cấm “quan hệ linh tinh”. Tôi để ý theo dõi và biết được cái lán nơi nhóm của Thắng được phân công ở tạm. Chờ đến tối, tôi chạy sang, nháy Thắng ra ngoài nói chuyện. Thì ra nhóm tù này ở Kà Tum, cũng biên chế và chuyển trại như chúng tôi, nay tắp vào đây nhưng cũng không biết là sẽ ở đây luôn hay không. Bọn quản giáo trại của Thắng rất hắc ám, cấm ngặt tù Đội này không được liên lạc với tù ở Đội khác, lại thêm lũ ăng-ten hoạt động rất mạnh, thường xuyên báo cáo những anh em vi phạm nội quy lên "khung" để lấy điểm, nên đời sống khổ sở và tù túng lắm. Tôi chỉ cho Thắng chỗ tôi và Giao ở, và dặn chú sáng sớm mai qua ăn sang
Hai anh em tôi có cái duyên gặp nhau trong những tình huống thật kỳ lạ và ở những nơi không mấy gì vui vẻ, mà xác suất xẩy ra cũng khó ngang với trường hợp hai đường thẳng bất kỳ trong không gian tình cờ gặp nhau! Trong những ngày chót của cuộc chiến, tháng 3 năm 1975 Liên đoàn Biệt Động Quân của tôi, sau khi mở đường máu di tản khỏi An Lộc, lập tức di chuyển lên đóng ở Gò Dầu Hạ, hành quân đụng giặc tại mặt trận Tây Ninh. Dân chúng quận Gò Dầu Hạ đã di tản hết, cả quận chỉ toàn là quân nhân, và còn duy nhất một quán cóc bán cà phê bít tất. Một buổi sáng, tôi và anh tài xế xách xe díp chạy ra ngoài chợ định uống cà phê. Xe đang chạy trên đường thì Việt Cộng pháo, tài xế bèn tắp xe vào một Thánh Thất Cao Đài gần đó để hai thầy trò vào núp tránh pháo. Vào đến nơi thì thấy một số quân nhân đã chạy vào đó trước, trong đám đó tôi thấy chú Thắng! Tôi ngạc nhiên vì biết chú là Tùy viên của Đại Tá Tư Lệnh Phó SĐ25, và làm việc tại hậu cứ SĐ tại Hậu Nghĩa, giờ sao lại ở đây?
Thắng giải thích vì chú nhớ nhà, vù về Saigon vài bữa, nên ông xếp giận, bắt xách ba-lô lên hành quân ở Gò Dầu Hạ với ổng. Xe đò vừa lên tới thì gặp pháo nên chú chạy vào núp ở đây. Bộ Tư Lệnh Hành Quân của SĐ25 chỉ cách đơn vị tôi một quãng đường ngắn nên anh em tôi vẫn thường qua lại. Ít ngày sau đường Quốc Lộ bị cắt, mất liên lạc với Sài gòn. Rồi đến khi không còn tiếp tế, cũng chẳng nhận được lệnh lạc gì từ cấp trên, ngày 28/4 các đơn vị quyết định di tản khỏi Gò Dầu Hạ. Thắng chạy chung với tôi và cùng bị VC bắt sống ngày 29/4/1975, cùng bị giam chung và cùng được thả về sau đó. Nay mỗi đứa ở tù mỗi nơi, lại tình cờ gặp nhau trên đường tù trôi nổi, ai nghe cũng cho là hi hữu! Vì cái duyên quá đặc biệt đó mà hai anh em tôi rất thân với nhau. Năm 2007, khi hay Thắng phải vào bệnh viện vì bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, tôi đã qua thăm chú ở Montreal, Canada và trong suốt hơn một tuần lễ đã túc trực bên giường bệnh để trò chuyện an ủi chú. Vài tuần sau khi về thì được tin chú qua đời, tôi buồn bã vô cùng vì mất đứa em gần gũi với mình nhất.
Bọn quản giáo trại L9T5 tương đối dễ dãi, cho phép người nhà được đem gà lên trong những đợt thăm nuội để tù nuôi lấy trứng ăn. Giao có 2 con gà mái đẻ trứng thường xuyên, nên chúng tôi ăn uống tương đối thoải mái. Thời ấy gạo khan hiếm, trại phát bột mì cho tù. Anh em tù gò tôn thành những lò nướng đốt bằng củi, nhồi bột làm bánh mì, cũng bảnh như tiệm! Sáng sớm hôm sau, chú Thắng đến chỗ chúng tôi thì trên bàn đã bày tiệc linh đình: bánh mì ăn với oeuf plat, uống cà phê sữa đặc! Thắng sững sờ ngạc nhiên, vì suốt đời tù của chú toàn ở những trại hắc ám, chưa bao giờ chú được ăn uống sung sướng như vậy!
Chỉ vài ngày sau, nhóm của tôi được lệnh sắp xếp đồ đạc, chuẩn bị chuyển trại. Giao mặt mũi nghiêm trọng, lôi tôi ra một góc khuất và tiết lộ một chuyện động trời! Hắn thú thật là mấy tháng trước, trong khi đi lao động bên ngoài trại, hắn đã lượm được ba quả lựu đạn, hai quả MK3 và một quả mini còn mới toanh, và đã dấu kín từ đó đến nay, không một ai hay biết.
Chuyện về ngày hắn lượm được ba quả lựu đạn này cũng hết sức ly kỳ. Sau đây là lời kể của chính đương sự:
"...Vào tháng 8/1975, chúng tôi từ Tây Ninh chuyển trại lên Long Khánh. Ba bốn tháng sau vẫn không thấy nhúc nhích gì. Mọi người đều hiểu rằng việc đi học 10 ngày rồi về coi như không bao giờ xẩy ra. Ngày về không có, ý định trốn trại ngày càng mạnh.
Tại Long Khánh thời gian đầu, tôi và Tiến không cùng đội, mà chỉ gặp nhau qua các trận volley cuối tuần hoặc những buổi tối nghe hắn và NN Ngạn lén lút hát nhạc vàng.
Sau nhiều lần biên chế, hai tay bác sĩ Tiến và Vân được chuyển về đội tôi. Đội này có lẽ có nhiều bác sĩ nhất trại. Trước đó đã có các bác sĩ Tước, Hiệp và Dũng, nay có thêm hai, tổng cộng là năm.
Tôi và Tiến tuy ở cùng phòng, nhưng vẫn không thân nhau lắm, vì mỗi người đều có một nhóm bạn riêng.
Một buổi sáng khoảng đầu tháng 9, đội tôi và một vài đội khác được quản giáo và một số vệ binh dắt ra ngoài trại để dọn dẹp và đánh chuối con mang về trại trồng.
Trong lúc dọn dẹp, tôi tình cờ tìm thấy hai quả lựu đạn MK3. Sau đó tôi còn nhặt thêm được một trái mini. Ngay lập tức, tôi nghĩ đến việc cất dấu mấy vũ khí này để sau này nếu có cơ hội trốn thì có thứ để mà tự vệ. Đến trưa khi có lệnh về trại, tôi bỏ mấy quả lựu đạn vào bao cát xách về, định bụng tối sẽ mang chôn.
Vừa về đến trại, tôi thấy vệ binh khắp nơi, và có lệnh phải tập trung lên hội trường lập tức. Không biết việc gì xẩy ra, tôi chỉ kịp dấu bao cát đựng mấy quả lựu đạn dưới gầm giường, rồi dắt đội lên hội trường trình diện.
Đến nơi đã thấy trên bục có mặt tên đại úy an ninh từ Trung Đoàn xuống. Tên này được bọn tù chúng tôi đặt hỗn danh là "Diệt Trừ Sốt Rét", vì hắn gầy đét, người xanh như tàu lá có lẽ do bệnh sốt rét kinh niên. Theo kinh nghiệm, mỗi lần "Diệt Trừ Sốt Rét" xuất hiện là có việc rắc rối, không chuyển trại thì cũng kiểm nghiệm (có nghĩa là mang tất cả đồ đạc cá nhân bầy ra sân để cán bộ kiểm soát).
Bên cạnh tên "Diệt Trừ Sốt Rét" có một người lạ mặt mặc thường phục. Tôi đoán rất nhanh rằng tên đó là dân 30/4, có lẽ đã thấy tôi dấu lựu đạn nên tố cáo với bọn vệ binh và giờ đây được đưa vào đây để nhận diện thủ phạm.
Vì là đội trưởng nên tôi ngồi ngay hàng đầu. Sau vài phút ổn định, tên đại úy kêu đích danh tôi: "Anh Giao, Đội trưởng Đội 2, đứng dậy!". Thú thật trong đời tôi chưa bao giờ sợ đến thế. Tôi cố giữ bình tĩnh, đứng lên mà trong lòng ngổn ngang trăm mối. Nếu suy đoán của tôi là đúng, chắc chắn bọn nó sẽ mang tôi ra bắn liền.
Có lẽ khoảng cách giữa tôi và tên "Diệt Trừ Sốt Rét" khá xa nên nó không thấy mặt tôi cắt không còn hột máu. Sau một khoảnh khắc mà đối với tôi dài hàng thế kỷ, tên đại úy mới kêu người mặc đồ dân sự đứng cạnh y đứng dậy. Tôi nhắm mắt, toàn thân căng cứng tê dại, chờ đợi những gì khủng khiếp nhất sắp xẩy ra cho mình.
Tên "Diệt Trừ Sốt Rét" cao giọng: "Anh này là Lê Văn Thanh thuộc L4T3, đã trốn trại và bị chúng tôi bắt lại. Đây là cái gương cho tất cả các anh! Các anh phải biết rằng cách mạng có mặt khắp nơi, đừng mong trốn thoát! Sau khi bị cùm biệt giam, anh Thanh đã hối lỗi. Cách mạng cũng khoan hồng cho anh cơ hội ăn năn và học tập tốt. Nay giao cho Đội 2 là Đội lao động tiên tiến của L4T5 quản lý anh Thanh để giúp đỡ cho anh ta học tập lao động tốt."
Tôi như người trút được ngàn cân, mấy phút trước tưởng chết đến nơi, nay lại an toàn mà còn được "biểu dương" là thành phần gương mẫu...
Đêm hôm đó đợi anh em say ngủ, tôi bọc kỹ ba quả lựu đạn trong bao vải, ngoài bọc thêm vài lớp ny-lông nữa cho khỏi bị sét rồi chôn ngay dưới gầm giường. Tôi không thố lộ chuyện này với bất cứ ai trong trại.
Gần cuối năm, sau khi học xong 10 bài chính trị, họ tuyên bố bắt đầu phân tán tù cải tạo thành nhiều nhóm, chuyển trại đi lao động. Đây là lần chuyển trại lớn nhất, tất cả mọi người được phân loại và lần lượt đưa đi chỗ khác.
Đội tôi còn lại một số ít, trại trước đây gần ngàn mạng nay phân tán đi khắp nơi, chỉ còn lại một hơn trăm mạng trong đó có tôi và Tiến.
Sau một thời gian sống chung cùng đội tôi nhận xét Tiến là người tin được nên quyết định cho Tiến biết mình hiện đang có ba quả lựu đạn và hỏi có nên mang theo khi chuyển trại không?
Tôi lấy làm ngạc nhiên vì không thấy hắn có phản ứng gì cả, mà lại đồng ý ngay với tôi là mang đi.
Chúng tôi chia nhau, tôi to con mang hai, Tiến nhỏ con mang một. Thế là ba quả lựu đạn theo chúng tôi lên đường đi Phước Long..."
Trở lại chuyện sắp chuyển trại, Giao nói rằng từ khi ráp chung với tôi, hắn nghĩ rằng cùng chia ngọt sẻ bùi thì cũng cùng chia sẻ mọi trách nhiệm, vì thế hắn muốn hỏi ý kiến tôi xem có nên mang theo mấy món quốc cấm này hay tìm cách quăng bỏ. Đây là một quyết định rất quan trọng, vì nếu bọn VC bắt được ai dấu vũ khí trong đồ đạc cá nhân, có nghĩa là rõ ràng có ý đồ phản động không thể chối cãi, thì chúng sẽ bắn bỏ tại chỗ mà khỏi cần xét xử gì cả. Chuyện này đã từng nghe xẩy ra trước đây. Sau khi bàn bạc, hai thằng đồng ý là sẽ chia nhau mang cả 3 quả theo, vì không biết sẽ bị chuyển đi đâu, và nếu điều kiện thuận lợi thì sẽ tìm cách trốn trại, và biết đâu sẽ cần đến mấy quả lựu đạn này để tự vệ.
Quyết định như vậy rồi, tụi tôi chia nhau, tôi giữ một và Giao giữ hai quả, bọc trong mấy lần bao ny-lông rồi dấu dưới đáy lon Guigoz, trên che phủ bằng thức ăn như thịt chà bông, cà phê, đường..., rồi bỏ vào túi xách chung với những vật dụng cá nhân lỉnh kỉnh khác.
Tối hôm sau, tụi tôi lên xe Molotova, bốn năm chục nhân mạng cùng đồ đạc lỉnh kỉnh chồng chất lên nhau trong chiếc xe tải kéo mui bít bùng, không có đứa nào chết ngạt cũng là chuyện lạ. Đường xấu đầy ổ gà, xóc lên xóc xuống, bọn tù có cảm tưởng như những con xúc xắc trong sòng xóc đĩa, có đứa chịu không nổi nôn oẹ tùm lum, làm mấy đứa bên cạnh la oai oái. Xe chạy từ chập tối, mãi đến khuya mới ngừng lại. Khi chúng tôi được lệnh xuống xe, bấy giờ chắc cũng phải quá nửa đêm. Trời tối thui, nhưng ánh sáng lờ mờ của con trăng non cho chúng tôi thấy mình đang ở giữa một cánh rừng. Đứa nào cũng mệt rã rời, mắt nặng trĩu, tay chân nhắc lên không nổi. Bọn quản giáo chia toán và chỉ định chỗ ngủ tạm đêm nay cho từng nhóm, rồi kéo nhau lên ngủ trên xe. Chỉ trong vòng mươi phút, bọn tù kiệt sức này đã vật ra ngay trên đám cỏ lá, ngủ như chết. Tôi và Giao cũng nằm trên cỏ, mệt lử như mọi người, nhưng ráng bấm nhau cố giữ tỉnh táo vì còn có một việc quan trọng phải làm: dấu mấy quả lựu đạn. Đợi một lát, yên trí là tất cả đã say ngủ, hai thằng len lén mò dậy, lấy mấy quả lựu đạn ra khỏi lon Guigoz, bò đến một cây cổ thụ to cao nhất gần đó, dễ nhận để sau này còn nhớ mà trở lại. Tôi có nhiệm vụ canh chừng để Giao dùng cành khô đào vội một cái lỗ gần gốc cây, bỏ mấy trái lựu đạn xuống rồi lấp đất, không quên kéo cỏ lá phủ lên để không ai biết là có cái lỗ mới đào. Xong xuôi, chúng tôi bò về chỗ cũ và lúc đó mới yên trí lăn ra ngủ.
Sáng sớm hôm sau, bọn tù giật mình, hoảng hốt thức dậy vì những tiếng quát tháo: bọn quản giáo và vệ binh đã vây chặt nơi chúng tôi ngủ. Một tên ra lệnh: "Tất cả các anh bỏ đồ đạc tại chỗ, đi tay không, bước ra tập trung ở bìa rừng cho chúng tôi kiểm tra!". Sau đó, chúng nó chia nhau lôi đồ đạc của từng người tù ra, soi mói kiểm soát kỹ lưỡng từng món một. Ca cóng, lon Guigoz đều bị lục tung, không có gì qua khỏi được những cặp mắt cú vọ của bọn cai tù. Tôi và Giao liếc nhau, tóc gáy dựng đứng! Nếu đêm qua mà chúng tôi không cưỡng nổi cơn mệt và buồn ngủ, không chịu khó chôn dấu ba quả lựu đạn, thì giờ này chắc chắn bọn Việt cộng đã tìm ra chúng trong hành lý của chúng tôi, và cuộc đời của chúng tôi coi như chấm dứt!
Ngay lập tức, bọn quản giáo chia lại các Tổ, Đội, và ra lệnh cho đám tù phải "khẩn trương xây cất lán trại, ổn định chỗ ăn chỗ ở để tạo điều kiện học tập tốt". Lúc bấy giờ chúng mới cho chúng tôi biết là mình đang ở Bù Gia Mập, và sau này khi đi rừng gặp nhiều tù khác trại, mới hiểu ra rằng khu vực này là một gulag thứ thiệt, có hàng chục trại tù lao cải như trại chúng tôi.
Trong vài tháng đầu, công tác chính của chúng tôi là khai hoang một khoảnh rừng để dựng các lán, vào rừng đốn những cây thẳng có kích cỡ thích hợp khiêng về làm cột, làm rui mè, đánh cỏ tranh, hái lá trung quân về để lợp mái... Một công tác khác "triển khai song song" với chuyện xây dựng lán trại là đào bỏ các gốc cây rừng, cuốc lật đất để sửa soạn trồng rau, "đi vào sản xuất".
Giao là Đội trưởng ở trại cũ, nay đến chỗ mới chỉ là một tổ viên thường. Đội trưởng của Đội chúng tôi tên là Thành, trước đây hình như là sĩ quan Địa phương quân. Tay này rất hắc ám, luôn luôn kiếm điểm với "khung" (danh từ bọn VC dùng để gọi ban chỉ huy trại) bằng cách hành hạ anh em, bắt làm "vượt chỉ tiêu", tức là làm nhiều hơn số lượng công việc mà quản giáo qui định. Thí dụ Quản giáo giao mỗi người phải đốn và mang về 4 cây thẳng chu vi 40cm, dài 3 mét chẳng hạn, thì nó bắt mỗi người phải mang về 5 cây, để đạt cho được danh hiệu "Đội tiên tiến"! Mặt Thành đen xỉn, lúc nào cũng hầm hầm ra oai quát nạt anh em, nên tôi và Giao đặt cho nó cái biệt danh là "Black Label", tên một loại bia Mỹ thông dụng thời trước.
Thấy anh em kể cả mình vất vả quá dưới ách kềm kẹp của thằng "Black Label" khốn nạn này, tôi và Giao bàn với nhau một kế hoạch "đảo chánh" bí mật. Trong đội, vì quá trình làm bác sĩ "ngụy", tôi được quản giáo chỉ định làm"Vệ sinh viên", tức là ngoài việc đi lao động như mọi người, mỗi sáng tôi phải báo cáo với "khung" khi có anh em nào đau ốm, để nếu cần thì đưa lên bệnh xá khám bệnh và có thể được quản giáo cho miễn lao động ngày hôm đó. Giao thì như đã nói ở trên, rất có sức khỏe. Trong mấy tuần liên tiếp, Giao ngày nào cũng làm vượt xa chỉ tiêu, và nhiều lần được bình bầu là "Lao động tiên tiến" của Đội. Quản giáo Đội tôi tên Tư Thắng cũng rất để ý đến Giao vì thành tích lao động nổi bật của hắn.
Một buổi sáng, Giao khai bị cảm, mệt, nằm liệt trên giường. Tôi báo cáo lên "khung", và Tư Thắng ra lệnh cho hắn nghỉ ngày hôm đó. Nhưng dù được phép nghỉ bệnh, do "tinh thần lao động quá cao", Giao vẫn vác cuốc đi làm cùng anh em. Đến trưa, khi đang cuốc đất lên luống thì Giao lăn đùng ra xỉu. Dĩ nhiên, Vệ sinh viên là tôi la lên báo động. Tư Thắng vội chạy đến cho anh em khiêng Giao về lán nằm nghỉ, lát sau hắn mới tỉnh lại. Chuyện này đồn lan khắp trại, ai cũng thán phục tinh thần lao động của hắn. Ngày hôm sau, Tư Thắng triệu tập một buổi họp toàn Đội, và trong buổi họp đó, chỉ định Giao làm Đội trưởng, thay thằng "Black Label"! Màn đạo diễn của chúng tôi như thế là thành công mỹ mãn. Và từ ngày đó, anh em trong Đội cũng dễ thở hơn trước, vì không còn bị ép lao động vượt chỉ tiêu như dưới thời của "Black Label"!
Hơn hai tháng sau, lán trại được xây dựng xong. Nay Giao là Đội trưởng, nên sau khi cắt đặt chia công tác cho các Tổ, hắn chỉ đi tới đi lui đôn đốc anh em, nên có thời giờ kiếm thêm nắm rau tàu bay, mấy quả sung rừng... cải thiện bữa ăn của hai đứa. Nhân trên "khung" khuyến khích các Đội, Tổ làm đẹp lán trại để thêm "an tâm cải tạo", vào ngày nghỉ hai thằng vào rừng đốn nứa, cưa cây làm cột, cắt cỏ tranh... mang về dựng một cái chòi nhỏ ngay phía trước lán, có lát sàn bằng nứa đập dẹt đàng hoàng, từ đó có chỗ để chiều chiều khi lao động về ra ngồi nhìn trời hiu quạnh.
Hai thằng thì thầm bàn nhau về mấy quả lựu đạn chôn dưới gốc cây cổ thụ ở bìa rừng, và quyết định đào lên, mang dấu vào một nơi dễ lấy hơn, phòng khi dùng đến. Chúng tôi vào rừng tìm cưa hai lóng tre gai lớn, cao độ 1m, đường kính hơn gang tay, dựng ở hai bên cửa vào chòi, và đổ đất vào trồng vạn thọ. Tư Thắng đi ngang dừng lại ngắm nghía, gật gù có vẻ hài lòng!
Thời gian trôi nhanh. Thấm thoắt chúng tôi đã ở Bù Gia Mập hơn sáu tháng. Trong rất nhiều lần vào rừng công tác lao động, chúng tôi để ý thấy mạng lưới kiểm tra an ninh của bọn cán bộ, vệ binh ở đây khá chặt chẽ, có khi đi thật sâu vào rừng rậm cũng gặp bọn nó đi tuần tra. Doanh trại của quân VC cũng thấy đóng rải rác ở những nơi hiểm yếu. Có nghĩa là nếu trốn trại sẽ rất dễ dàng bị chúng bắt, ấy là chưa kể đến việc mình mù tịt về địa lý của vùng rừng núi này. Thêm nữa, gặp anh em ở trại khác khi đi rừng, nghe được rằng lẻ tẻ đã có một số đáng kể được thả về, và quản giáo nói tới đây sẽ có đợt ân xá lớn, chúng tôi bàn nhau và kết luận là không cần phải trốn trại, mà có muốn trốn cũng rất nguy hiểm: ở trại khác nghe đồn đã có anh em trốn bị bộ đội bắn chết hoặc bị bắt lại, khó ai đi thoát.
Ba quả lựu đạn nằm ngay trước lán trại bây giờ đâm thành một mối lo: ai cũng biết cái chòi ngồi chơi này do hai đứa tôi dựng lên, rủi vì lý do gì mà quản giáo phát hiện mấy quả lựu đạn dấu dưới đáy 2 "chậu hoa" đặt trước chòi thì chúng tôi không chối vào đâu được! Thế rồi, một đêm kia, chờ cho cả trại say ngủ, hai thằng lại moi ba quả lựu đạn từ hai lóng tre gai ra, lại đổ đất vào, trồng hoa lại như cũ! Xong xuôi, chúng tôi mang ba cái của nợ đó quăng xuống suối. Từ đó mới thực sự yên trí!
Tháng 12 năm 1977, quả nhiên có một đợt thả tù lớn nhất từ trước cho đến lúc ấy. Trại tôi có lẽ đến 60, 70 phần trăm anh em được về, trong đó có chúng tôi. Từ nhà tù nhỏ bước ra nhà tù lớn, mức độ tự do có hơn chút ít, nhưng lại có rất nhiều vấn đề khác khiến tôi cũng như rất nhiều cựu tù cải tạo cảm thấy mình không thể tiếp tục sống trong cái môi trường ngạt thở dưới chế độ Cộng sản này. Con đường duy nhất là phải nỗ lực tìm đường vượt biên bằng mọi giá, chấp nhận hiểm nguy kể cả cái chết để tìm tự do.
Tôi may mắn vượt thoát và được định cư tại Sydney. Mấy tháng sau, tôi được tin Giao cũng đã vượt biên thành công và định cư tại Perth. Một thời gian sau, Giao đưa gia đình về Sydney, và chúng tôi gặp lại nhau. Nhắc lại chuyện ba quả lựu đạn, chúng tôi thấy đúng là "tuổi trẻ điên rồ", đã làm những chuyện khá nông nổi dại dột, dễ dàng mất mạng như chơi mà chẳng mang lại kết quả nào. Xét cho cùng, hành động liều lĩnh đó của chúng tôi chẳng qua chỉ phản ảnh tâm trạng tuyệt vọng của những người tù trẻ tội nghiệp không trông thấy ngày về.
Nhưng đó cũng là một kỷ niệm khá độc đáo, nên tôi kể ra đây cho quí vị xem chơi, mong rằng "mua vui cũng được một vài trống canh".
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét