khktmd 2015
Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018
Suy nghĩ của một du học sinh Việt Nam sau khi lấn đầu nghe nhạc Trần Thiện Thanh - Tác giả Phan Nguyên
Là một người khách bất chợt, vô tình xem được chương trình Asia 50 “Anh Không Chết Ðâu Anh”/Nhật Trường-Trần Thiện Thanh. Có những điều chợt nghĩ tràn về, cũng như có những điều muốn nói chợt phủ tuôn trên mặt giấy, mà tôi cũng không ngờ.’
Chìm đắm trong không gian âm nhạc với 25 bài hát của tác giả Trần Thiện Thanh, có lẽ đâu đó, những khán giả đầu tiên của bộ DVD này đều có những tâm trạng khác nhau. Người thì im lặng về quá khứ xuân xanh của đời mình, người thì ứa nước mắt với những kỷ niệm riêng vẫn còn lẩn khuất dày vò mình cho đến tận giờ… và với ai thưởng thức âm nhạc thì vẫn ngộp thở bởi sự bất ngờ mới mẻ đến từ điều hết sức quen thuộc: Không ai nghĩ rằng một tác giả đầy chất bình dị, đại chúng như Trần Thiện Thanh lại đồ sộ, sâu sắc và nhân bản như vậy.
Thế giới đã đổi thay lắm rồi. Bên ngoài không còn súng nổ. Không còn những tiếng trực thăng vội vã trên đầu và những lần gói ghém hành trang để ra đi… nhưng quá khứ vẫn làm người ta nhói tim trước những điều còn dở dang của cuộc đời riêng, của lịch sử chung mỗi khi chạm đến.
Và khi đó là sự thật. Sự thật đó là bên ngoài lý thuyết của một cuộc chiến, được đánh giá là một trong những cuộc chiến đẫm máu và khốc liệt nhất của thời cận đại, là những thân phận bị nghịch cảnh biến họ thành những người hùng, những thân phận chỉ muốn sống bình thường, yêu thương đột nhiên trở thành huyền thoại đau thương của một dân tộc. Và đôi khi, nhìn lại, những giọt nước mắt giờ đây rơi xuống dường như không chỉ vì số phận một ai đó mà là những giọt nước mắt dành cho tổ quốc đã quá đỗi điêu linh.
Là một người sinh ra ở cuối thập niên 70, cuộc chiến tranh Việt Nam với tôi là một điều xa lạ. Nhưng âm nhạc của Trần Thiện Thanh thì lại rất quen thuộc. Mỗi ngày, giữa thời khốn khó sau chiến cuộc, âm nhạc Trần Thiện Thanh vẫn vang lên ở mọi nhà. Trong những con hẻm sâu khúc khuỷu, chú xích lô nghỉ trưa úp chiếc nón trên mặt nằm nghe “Lâu Ðài Tình Ái” bên chiếc máy cassette con con. Rồi đêm về, giữa canh khuya, trong căn nhà ọp ẹp, đâu đó văng vẳng buồn buồn nghe tiếng nhạc “Rừng Lá Thấp” thấp thoáng trong giấc mộng đêm hè. Một Trần Thiện Thanh, một Nhật Trường vẫn có sức sống bền bỉ, len lỏi ngụ cư trong dòng đời, không hề bị lãng quên theo năm tháng.
Người ta có thể nói Nhật Trường-Trần Thiện Thanh là kẻ cơ hội khi biết lợi dụng những câu chuyện vô danh để biến nó thành những tượng đài của thời cuộc. Rất có thể như vậy. Nào là Mộng Thường, nào là chuyện người đại úy tên Ðương… nhưng nếu không có những bài hát của ông, có lẽ những người đó cũng lặng lẽ ở cõi riêng của mình như hơn 58,000 cái tên người lính Mỹ lặng câm trên bức tường đá hoa cương tại Washington DC.
Thế nhưng họ đã trở thành những điều mà hàng triệu người Việt thuộc lòng, ghi nhớ qua nhiều thế hệ – và ở đây sự phản biện chỉ có thể bắt nguồn từ trái tim: Nếu Trần Thiện Thanh không thật sự cảm tác nên, thì đó chỉ là những bài hát tâm lý chiến chống Cộng thô thiển, chỉ đủ sức rên rỉ qua một lần xuất hiện. Và giờ đây, nhiều năm nữa, người yêu âm nhạc Việt Nam vẫn tiếp tục lắng nghe những bài hát của ông về cuộc đời, về tình yêu, về thân phận. Chiến tranh đã bộc phát nên những tài năng lớn. Nếu Trịnh Công Sơn đau thương và tượng hình qua tập Ca khúc Da Vàng, Phạm Duy khắc khoải và huyền ảo với những tình ca chiến trường, thì Nhật Trường dịu dàng và mộc mạc chia sẻ qua những nhạc khúc về chiến tranh thông qua những gương mặt người, có thể là một anh lính chiến, có thể đó là một cô gái, có thể đó là chuyện một giấc mộng…
Ông chú của bạn tôi, là một chiến binh Bắc Việt, từng nhiều tháng liền tập kích, nằm trong rừng miền Nam có lần kể rằng những đêm nghe trực thăng hay đồn trú của lính Nam Việt phát những bài như “Rừng Lá Thấp” hay “Anh Không Chết Ðâu Anh”… ông đã ứa nước mắt, giấu mặt khóc vì những bài hát ấy dường như không viết cho riêng ai, mà cho tất cả những người đang đối diện vào một cuộc chiến kỳ quặc, xé nát trái tim một dân tộc. Ai lại không có một người mẹ già? Ai lại không có một miền quê chờ ngày trở về, và ai lại không mơ một cuộc sống thanh bình như Nhật Trường-Trần Thiện Thanh đã hát?
Tôi không muốn nói nhiều về các bài hát. Vì nó đã quá quen thuộc như tiếng chuông nhà thờ mỗi buổi chiều nhưng mỗi khi gióng lên, vẫn làm người nghe xao xuyến. Ở đây, điều tôi nhìn thấy là Trung Tâm Asia đã làm được ước mơ của âm nhạc người Việt Nam: Vinh danh, làm huy hoàng và hoàn thiện những gì của một sân khấu ca nhạc mà hơn 20 năm ngay tại quê nhà Việt Nam, trước khi tôi rời khỏi nước du học, vẫn không sao làm được.
Tôi không biết mình chống Cộng hay không nhưng tôi hãnh diện vì những gì có được. Thật tráng lệ cho một nhạc sĩ, cho những nhạc khúc của người Việt được vinh danh như vậy. Bên cạnh đó, có lẽ dù không muốn, nhưng Trần Thiện Thanh lại vô tình trở thành một người chép sử đô thị nghiệp dư. Tất cả những người ông viết nên, được chú dẫn một cách cụ thể từ ý nghĩa đến sự kiện. Tôi lắng nghe những gì MC Nam Lộc, Việt Dũng kể lại, thậm chí cả những điều mà nhà văn Phan Nhật Nam nói như chực khóc trong ấn phẩm này. Tôi chia sẻ với quá khứ và kỷ niệm của mỗi người.
Như đã nói ở phần trên, cuộc chiến VN với tôi vẫn xa lạ lắm, nhưng tôi trân trọng lịch sử và ký ức của riêng mỗi người, bất luận ở chiến tuyến nào. Như nhà văn Nga Abutaliv có nói: “Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác…” Tôi chợt nhận ra rằng đã mấy chục năm rồi, bất chợt từ một chương trình ca nhạc của người Việt hải ngoại, rằng dù không còn chiến tranh, nhưng đất nước tôi, dân tộc tôi vẫn chất chứa một nỗi buồn sâu thẳm của một quá khứ đổ vỡ, phân chia.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét