khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

Café Paris - Tác giả Sóng Việt Đàm Giang




Paris với từng vùng chia thành những quận (Q) đặt tên theo thứ sự số , cấu trúc xoắn hình chôn ốc, bắt đầu từ quận 1 và quận 2 (Q1+2) là vùng Opéra đến Les Halles, quận 3 và 4 gồm vùng Marais và bên phía đông của Q 1+2. Q 1,2,3 4 nằm hữu ngạn (bên phải/phía bắc) sông Seine. Quận 5 vùng Latin Quarter, quận 6 vùng St-Germain-des-Prés và Odeon, quận 7 là vùng phiá tây của trung tâm. Q 5,6,7 nằm tả ngạn (bên trái/ phía nam) của sông Seine, rồi quận 8 vùng Champs-Elysées, rối quận 9 là vùng Montmartre và Pigalle, rối cứ thế tiếp tục vòng xoắn đến quận 10, 11, v.v....

Những hình ảnh du lịch không nhất thiết chỉ giới hạn trong phạm vi một vùng mà liên tục với nhau vì di tích lịch sử nối liền từ quận này sang quận khác. Quận 1 và Quận 2 có Nhà thờ Madeleine, Les Halles, Vườn Tuileries, có nhiều Bảo tàng Viện nổi tiếng như Louvre, Orangerie, Art Decoratifs, có Place de La Concorde, Place Vendôme, Palais Royal, có Jeu de Paume, có phố nổi tiếng Rivoli, có đại lộ Haussmann, có quán Café de la Paix, Café de la Ville, có đại thương xá Galeries Lafayette, Printemps, và nhiều nữa. Quận 3 có Trung tâm Pompidou Quận 5 là Latin Quarter, có đại học Paris, có đại học Sorbonne, có Clony, có Pantheon, có nhà thờ St Severin, có công trường St Mitchel,và nhiều nữa. Quận 6 có nhà thờ St Germain-des-Prés, St Sulpice, có những quán café nổi tiếng, trường Beaux Arts, có vườn Luxembourg, có Musée d'Orsay, và nhiều nữa. Quận 7 có Ecole Militaire, Hotel des Invalides, Assemblée Nationale, Bảo tàng Rodin, có Champs De Mars, Eiffel Tower Quận 8 có Arc de Triomphe, đại lộ Champs Elysées, Petit Palais, Grand Palais, điện Chaillot, v.v... Quận 9 có Opera Garnier, có Sacré Ceur de Montmartre, có Moulin Rouge, có Pigalle, v.v...
Café Paris.
Trước khi nói đến những quán café nổi tiếng của quận 6, phải nói đến nhà thờ St Germain.
Nhà thờ Saint Germain Khu phố cổ Saint-Germain-des-Prés ở bên trái sông Seine, đã có từ thế kỷ thứ 9, với tu viện cao cấp dòng thánh Benoit nổi tiếng nhất của Pháp, nay là nơi có rất nhiều quán cà phê văn học, tiệm sách và các nhà trưng bày nghệ thuật. Ở giữa tu viện là nhà thờ Saint Germain. Đây là nhà thờ kiến trúc La mã và cổ nhất Paris. Nhà thờ Saint-Germain-des-Prés, nằm trên đường Saint Germain, đã được xây cất vào thế kỷ thứ XI trên nền tảng của một điện thờ đã được dựng lên vào năm 542. Nhà thờ được đặt tên theo vị giám mục Saint Germain (chết năm 576), và sau khi được đổi tên hai lần thì vì được xây dựng giữa một đồng cỏ nên được mang tên là Nhà Thờ Saint-Germain-des-Prés. Sau khi bị tàn phá bởi chiến tranh, vào năm 1000, nhà thờ được tái xây dựng theo kiểu La mã.Tháp chuông nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ XI là tháp chuông cổ nhất của thành phố Paris. Cuối thế kỷ 18, tu viện được biến thành nhà tù và nhà thờ trở thành nhà kho. Qua thế kỷ 19, tu viện được trả lại làm nơi thờ phụng. Nhà thờ được trùng tu với công lao chính của Victor Hugo đã cổ động mọi giới công tư chức đóng góp nhân lực và phí tổn. Trong nhà thờ có mộ của René Descarte, nhà tư tưởng, nhà toán học và ông tổ của nền triết học hiện đại. Ngoài mộ Descarte, còn có mộ của Jean-Casimir, vua của Ba Lan, thoái vị năm 1668 để trở thành tu viện trưởng của Nhà Thờ Saint-Germain-des-Prés vào năm 1669.
Đại lộ Saint Germain. Đại lộ Saint Germain đã được nam tước Haussmann tạo dựng vào thế kỷ XIX, dài 3 km, chạy xuyên qua 3 quận của Paris. từ khu phố Saint-Germain-des-Prés đến tận Quartier de L'Odéon. Một chút chi tiết hơn, đại lộ này chạy xuyên qua một phần của tả ngạn (phía trái) sông Seine, nằm gần sông Seine và nối liền Pont de La Concorde với Pont de Sully.
Quán Café Paris Ngay đối diện với ngôi nhà thờ là tiệm cà phê nổi tiếng Café de Flore và Les Deux-Magots. Quán Café de Flore, 172 đại lộ Saint Germain đã được mở cửa từ năm 1887. Vào khoảng năm 1913, Guillaume Apollinaire và André Salmon đầu tư vào quán café này và biến tầng một thành toà soạn cho tờ Tạp chí Les Soirées de Paris. Năm 1939, Paul Boubal mua lại và những năm sau đó Breton, J.P. Sartre, Simone de Beauvoir, Jacques Prévert, Salvador Dali thường hiện diện ở quán này, có người tới hàng ngày và viết thơ văn tại đó. Ngoài Café de Flore, còn Café Les Deux-Magots tại 9 Place St Germain-des-Prés.Verlaine, Rimbaud, Gide, Picasso, Hemingway, Saint-Exupéry, Oscar Wilde, André Bréton và nhiều nữa thường có mặt tại địa điểm này. Café Les Deux Magots cũng là nơi Picasso gặp gỡ và làm quen Dora Maar vào mùa đông năm 1935, khởi đầu cho một cuộc tình với nhiều tác phẩm Picasso vẽ Dora Maar với chân dung hai khuôn mặt trong nhiều bức họa. Năm 1983, quán café lại đổi chủ một lần nữa nhưng quán vẫn tiếp tục là điểm hẹn của những tên tuổi lớn, đặc biệt là giới văn nhân, điện ảnh của khắp thế giới. Vì những địa điểm như quán café, hay hộp đêm ở những con đuờng nhỏ bao quanh đại lộ Saint Germain có nhiều văn, sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ tụ họp mà Saint Germain des Prés đuợc xem như là biểu tượng cho đời sống trí thức của Paris.
Lịch sử quán Café de Flore Vào năm 1913, Apollinaire đầu tư vào quán. Cùng với Salmon, họ biến tầng thứ nhất thành văn phòng làm báo Les Soirées de Paris. Chiến tranh không thay đổi quán bao nhiêu, Apollinaire vẫn dung nơi đây làm văn phòng. Vào một ngày Xuân năm 1917, ông giới thiệu Philippe Soupault với André Breton, và qua một thời gian ngắn, họ đã phát triển phong trào dada (Dadaist movement) và siêu thực (surrealism) rộng rãi hơn. Dada là một trào lưu văn hoá bắt nguồn từ Zurich, Thuỵ sĩ,trong Đệ Nhất thế chiến (WW I) và lên tột đỉnh trong khoảng 1916-1922. Trào lưu dada trước tiên liên quan đến visual arts, văn , chương (thơ, lý thuyết về thơ,v.v..), kịch nghệ, graphic design, và chính trị phản đối chiến tranh qua nghệ thuật tranh ảnh, dada cũng chống lại trưởng giả. Dada sau đó có ảnh hưởng đến những trào lưu kế tiếp, đáng kể nhất phải nói đến siêu thực, Tân hiện thực, pop art. Apollinaire chết vào năm 1918. Thời kỳ 1930-1939 Trong thời kỳ kế tiếp những nhà trí thức, họa sĩ, nhà xuất bản, nhà làm phim ảnh thường dùng nơi này làm chỗ gặp gỡ. Ngay cả chính trị gia như Trotsky hay Chou En Lai cũng đã có mặt tại nơi này. Nếu nói về nhóm thi sĩ, nhạc sĩ thì phải kể nhóm của Jacques Prévert. Thời kỳ 1939-1945 Năm 1939, Paul Boubal mua lại Café de Flore. Đây là thời gian của Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir. Họ gặp nhau thường trực ở đó (và cả ở tại Les Deux Magots), và theo Sartre thì trong bốn năm đóng đô tại quán café, họ không hề gặp người Đức nào và Sartre gọi nơi này là con đường Tự do dẫn đến con đường Hòa bình. Sartre là cha đẻ của chủ nghĩa hiện sinh (existentialism). Thời kỳ này, quán giống như một câu lạc bộ của Anh, với khách hàng quen thuộc ngồi tụ từng nhóm cả chục người. Họ có thể thuộc nhóm khác nhau như nhóm Prévert, nhóm Paul Sartre, nhóm thân cộng sản, nhưng không làm phiền nhau. Nữ tài tử Pháp Simone Signoret cho biết trong cuốn hồi ký, bà được sinh ra vào một buổi tối tháng Ba năm 1941, trên một tấm ghế ngồi tại quán Café de Flore. Thời kỳ sau chiến tranh Sau chiến tranh nơi đây có nhiều khuôn mặt thuộc phái hiện thực. Thời kỳ những năm 1960s, coi như nổi bật nhất là những năm của phái làm phim ảnh Christian Vadim, Jane Fonda, Jane Seberg, Roman Polansky, Marcel Carné, Brigitte Bardot, Alain Delon, Losey, Belmondo, vv... Cũng là nơi tụ họp của những nhà vẽ kiểu quấn áo như Yves Saint-Laurent and Pierre Bergé, Rochas, Gunnar Larsen, Givenchy, Lagerfeld, Paco rabanne, Guy Laroche , vv... Những năm 1980s cho đến hiện tại thì quán Café de Flore vẫn là nơi gặp gỡ ưa thích của những văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ, tài tử màn ảnh, truyền hình v.v..kể cả một số chính trị gia. Phải đến quán Café de Flore, ngồi ăn sáng, đi thăm khắp quán, nhìn thấy những hình ảnh những nhân vật nổi tiếng đã có mặt ở quán qua các thời đại mới thấy đuợc quán Café de Flore đã đi sâu vào lịch sử và văn hóa Pháp đến mức nào.
Chén cà phê tiệm Flore. Không phải vì cà phê ngon có tiếng mà quán Flore nổi tiếng. Nó nổi tiếng vì địa điểm và thời thế đã tạo nên. Đi bộ trên đại lộ St Germain, ghé thăm nhà thờ St Germain, rồi ngồi uống café tại quán Flore, nhìn người qua lại hay đọc sách thật vô cùng thú vị. Những người hầu bàn là những người đàn ông mặc quần mầu đậm, mặc áo trắng, khoác tấm tablier dài màu trắng, mặc áo gilet đen, cổ thắt nơ đen, họ rất nghề nghiệp, rất quan tâm đến khách hàng, lấy order ghi cẩn thận, và sắp chén đĩa rất gọn gàng. Họ không niềm nở hay cười nói hay làm thân với khách nhưng họ làm việc rất nghiêm túc và chu đáo. Quán Flore có bàn phía trong tiệm, có bàn phía ngoài tiệm nhưng trong dãy hành lang có kính, và có bàn lộ thiên bày ngoài lề đường.

Bên kia đuờng từ Café de Flore và Les Deux Magots là quán Brasserie Lip, nơi mà nhà văn Hemingway đã viết cuốn tiểu thuyết "A Farewell to Arms".

Nói đến quán cà phê của Paris thì nhiều vô cùng, có sách ước lượng cỡ 12,000 tiệm. Quán Café Le Procope. Quán Procope do Francesco Procopio mở vào năm 1686 ở trên đường L'Ancienne-Comedie. Có thể nói đây là nhà hàng cũ nhất vẫn còn tiếp tục mở và là nơi đầu tiên của Ấu châu cho khách thưởng thức café nhập cảng từ văn hóa Hồi giáo. Vào những năm 1700s, Café Procope là điểm hẹn của Voltaire, của Rousseau, rồi một số nhà cách mạnh như Danton, Robespierre, Marat. Nay quán cà phê trở thành một tiệm ăn rất có tiếng. Quán Café de la Paix nằm ở góc đường giữa Place de l'Opera và Blvd des Capucines.

Với hơn 12 ngàn tiệm café tại Paris, nếu mỗi ngày uống ở một tiệm thì hơn một bốn chục năm chắc gì một người có thể đi thăm hết được ?

Câu chuyện café không thể nào chấm dứt trên một vài trang giấy. Uống café có bạn tâm đầu ý hiệp mới là điều đáng quý, đáng trân tàng. Và có một cặp danh tài văn chương triết học như Jean Paul Sartre cùng Simone de Beauvoir liên kết với Café de Flore và Les Deux Magots tại Paris, Pháp là độc nhất có một không hai của đầu thế kỷ thứ 20.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét