khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Tưởng Tiếc Bác Sĩ HOÀNG CƠ TRƯỜNG - Tác giả Hành Tư






Một buổi chiều tháng Năm 1982, Tưởng Năng Tiến về nhà với nét mặt vui - hiếm có: "Hôm nay, tao gặp một ông bác sĩ bảnh-choẹ". Hỏi: "Ai vậy"". Tiến nói: "Bác sĩ Hoàng Cơ Trường".

Nỗi vui mừng không đơn giản sau hơn 10 năm biền biệt vắng tin anh Hoàng Cơ Trường, mà còn mang nhiều kỷ niệm xúc động khác. Nói đến anh, bạn bè, chiến hữu của anh đã nói khá nhiều trên những bài viết. Với quan niệm "sống" phải làm những điều có ích lợi cho người, cho xã hội, cho quê hương đất nước, anh đã được nhiều bạn bè biết đến qua các sinh hoạt từ mái trường Y Khoa Sài Gòn. Từ môi trường sinh hoạt đặc biệt của đoàn Nguồn Sống trước năm 1975, như hầu hết các Trưởng đoàn khác, bác sĩ Hoàng Cơ Trường đã mang tâm huyết phụng sự xã hội đến thế hệ thanh niên cùng thời. Với tấm lòng nhân hậu và tận tụy ấy, bác sĩ Hoàng Cơ Trường là một trong vài người trẻ có khả năng được đề cử trách vụ Thứ trưởng Thanh Niên, nhưng anh đã chọn con đường phụ vụ khác. Sau đó, Thuỷ Quân Lục Chiến, một binh chủng nổi tiếng của quân đi Việt Nam Cộng Hòa, đã có thêm một vị bác sĩ quân y nổi tiếng gan dạ, tận tụy, thương anh em binh sĩ và rất nghệ sĩ tính.

Bác sĩ Phạm Anh Dũng kể về Y Sĩ Trưởng Hoàng Cơ Trường của Tiểu Đoàn 8 Thuỷ Quân Lục Chiến Ó Biển "đã chiến đấu khắp bốn vùng chiến thuật...; trải qua nhiều trận đánh dữ di như cuộc hành quân Lam Sơn ở Hạ Lào, Mùa Hè Đỏ Lửa ở Quảng Trị...; nổi tiếng là một bác sĩ quân y can đảm ở ngoài mặt trận. Anh lúc nào cũng sẵn sàng lên tuyến đầu để săn sóc thương binh". Bác sĩ Thuỷ Quân Lục Chiến Đỗ Mỹ Ánh đã kể lại câu chuyện lý thú: ngoài mặt trận, nhiều lúc bắt được tín hiệu truyền tin của quân Việt cộng, bác sĩ Hoàng Cơ Trường đã "lớn tiếng tranh luận về chủ nghĩa Quốc Gia và Cộng sản với họ qua máy truyền tin"....
 
Nhìn hình anh Trường đi nón rằn vải, đeo kính đen, để râu, khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến thăm đơn vị đang hành quân, người ta dễ nghĩ đến một chàng "tài tử xi-nê" hơn là một bác sĩ Thuỷ Quân Lục Chiến nổi tiếng. Với cách sống "anh em làm sao, mình vậy" như anh vẫn nói, mà nhiều lần nơi trận mạc, Tướng Hoàng Cơ Minh đã phải gọi nhắc nhở cậu em: "này ông bác sĩ, nhớ đi nón sắt đấy!".
 
Điều xúc động khi biết tin anh Trường ở Hoa Kỳ còn mang một ý nghĩa lớn lao khác. Tờ báo Kháng Chiến số 1, xuất bản tháng Tư năm 1982, đã làm rúng động tâm tư của đồng bào Việt Nam khắp nơi trên thế giới. Tin chính thức tường thuật ngày Công Bố Cương Lĩnh Chính Trị - 8/3/1982 - ở rừng núi chiến khu - kêu gọi người Việt trong và ngoài nước đứng lên cứu nước. Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh, người anh cả lãnh đạo đoàn quân Kháng Chiến của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam - chính thức kêu gọi đồng bào quốc nội ngừng vượt biên vượt biển, để dựng lại ngọn cờ chính nghĩa ngay trên quê hương, đánh đuổi quân ngoại xâm và chấm dứt chế độ độc tài cộng sản ở Việt Nam. "Anh kháng chiến, em xin theo". Bác sĩ Hoàng Cơ Trường, từ đó, lại đem tâm huyết trải trên con đường đấu tranh cứu nước. Là người trách nhiệm công tác kiều vận đầu tiên của tổ chức ở hải ngoại, anh Hoàng Cơ Trường đã thiết lập ngay nhiều Đoàn Văn Nghệ Kháng Chiến hùng hậu, quy tụ tập thể thanh niên đầy lòng yêu nước. Chuyện thì giờ ư" Để xem, từ việc giảm bớt thì giờ ở phòng mạc tư đến đóng cửa hẳn; rồi đến những giờ hành nghề ở nhà thương bớt dần theo những công tác mà anh, cùng với các chiến hữu của Mặt Trận, ngược xuôi trăm hướng. Phía sau của những công tác chung ấy, ít ai biết có người vợ nhỏ bé hết lòng chăm sóc hai con thơ, trọn việc nhà, để chồng lo toan việc nước. Đó là chị Hoàng Cơ Trường...
 
Khi nói đến "nhân vô thập toàn", đúng, anh Hoàng Cơ Trường cũng thế. Một điều duy nhất mà anh không thể vượt qua được, đó là căn bệnh ung thư thời kỳ cuối chỉ được khám phá vào đầu năm 1983. Khi nghe tin này, nhiều chiến hữu, bạn bè thân của anh đã nghĩ đến sự hiện hữu của các đấng thiêng liêng - có lẽ - là điều không có thật! Ai cũng nghĩ anh không thể "ra đi" trong lúc đất nước, tổ chức, gia đình, chiến hữu... rất thương qúy, rất cần đến anh. Chính anh, cũng không nghĩ mình có thể "ăn quỵt" anh em, như các kháng chiến quân hay nói đùa về sự "ra đi" miên viễn đó, và chính vì thế, người bác sĩ Thủy Quân Lục Chiến một thời ra vào lửa đạn đó đã đi đến tận cùng của nghị lực. Sự can trường đó, như tinh thần của một đại văn chống độc tài cộng sản ở Nga viết, anh đã "đẩy đến tận cùng cái mà người khác chỉ dám làm có một nửa".

Anh tiếp tục đi sinh hoạt. Anh em ái ngại, khuyên can, nước mắt dàn dụa. Cơn đau lên dần, anh ở nhà, vẫn liên lạc, vẫn họp hành, vẫn cười lạc quan. Lại đau nhiều hơn, anh xin lỗi anh em lấy gối chận lưng đau, nằm mà họp. Ung thư lấn dần, anh không viết và nói được nữa, vậy mà vẫn nhờ anh em viết đôi dòng thăm hỏi, hồi âm chiến hữu, bạn bè.... Mới thấu, chỉ có tâm bồ tát, chị Hoàng Cơ Trường mới có thể chia xẻ tận cùng nỗi đau của chồng trong những ngày tháng kinh hoàng đó.

Tháng 10, mùa Thu năm 1983, anh Hoàng Cơ Trường về với hồn thiêng sông núi. Những gì tâm huyết nhất anh để lại rất đơn giản với những dòng chữ trên mộ bia nhỏ bé: "Nơi nào có bóng Quốc Kỳ, nơi đó có linh hồn tôi hiện diện để sát cánh cùng các chiến hữu trong công cuộc đấu tranh giải phóng Tổ Quốc và xây dựng quê hương"....
 
 
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét