khktmd 2015
Chủ Nhật, 18 tháng 1, 2015
"Miền ăn lì" - Tác Giả Trang Nguyên
Hẳn khi nghe cái tên “miền ăn lì”, chắc nhiều người bán tín bán nghi không biết địa danh lạ lùng ở đâu ra trên trái đất này. Chẳng cần vòng vo làm gì, “miền ăn lì” tức là mì ăn liền cho nhanh cũng như tính chất của nó là một thứ thực phẩm chế biến nhanh, gọn, lẹ. Và chẳng có gì khiêm tốn, hữu hiệu với một cái “dạ dày rỗng” hơn một gói mì ăn liền.
Mì gói có thể trở thành một bữa sáng ngon lành, trở thành món lót dạ bữa trưa hay thậm chí là một bữa tối bất đắc dĩ khi không còn lựa chọn nào khác. Trong lúc các ý thích về món ăn có khi thay đổi, nhưng gói mì ăn liền nhỏ bé vẫn tồn tại nhờ những ưu thế: Giá rẻ, tiện lợi và dễ hợp khẩu vị.
Trước năm 75, miền Nam không ai không từng ăn thưởng thức mì gói ăn liền có nhãn hiệu Mì Vị Hương do hãng Vị Hương Tố sản xuất, nhất là giới lao động, quân nhân, công chức. Gói mì có hình 2 con tôm, mà dân chúng thường gọi tắt là “mì tôm”.
Sau 75, có lúc ăn cơm độn, quầy lương thực chỉ bán bột mì hay bo bo. Thật ra thời đó, nhiều người nhớ tô mì gói mặc dù đó là mì vắt sợi khô giống cái tổ chim sẻ được nhà máy sản xuất với mục đích làm lương thực ăn độn, không có vị mặn, nhạt nhẽo. Và cũng chẳng có bao bì đa dạng như trước đó hay ngày nay.
Nhiều người vẫn cho rằng, mì gói chỉ dành cho người lao động nghèo chỉ với lý do nó đơn giản, rẻ tiền, phù hợp túi tiền của giới lao động. Thực ra nhận định như vậy theo tôi mới đúng có năm mươi phần trăm. Năm mươi phần trăm còn lại là do sự tiện lợi, giải nguy cái bao tử lúc cần thiết mà không tốn bao thời gian. Bằng chứng là tại các nước Châu Phi hay Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ hoặc Nhật Bản là những thị trường tiêu thụ mì gói mạnh nhất thế giới. Giàu nghèo gì cũng ăn mì gói vì nhiều lý do. Thử hỏi trong tủ bếp của người Việt khắp nơi trên nước Mỹ, có nhà nào không cất vài gói hay cả thùng mì ăn liền, phòng khi buồn miệng.
Mới đây tôi có đọc bài bình luận của ba nhà nhân chủng học nổi tiếng Deborah Gewertz của Đại học Amherst (Massachusetts), Frederick Errington của Đại học Trinity (Texas) và Tatsuro Fujikura từ Đại học Kyoto trên tờ Boston Globe, cho rằng mì gói là lương thực cứu thế giới. Kể từ khi ra đời, “mì tôm” đã len lỏi và duy trì sự hiện diện ở khắp mọi nơi trên thế giới với vai trò như một lực đẩy kinh tế và xã hội. Chính những yếu tố trên đã tạo ra cho các gói mì ăn liền một sức ảnh hưởng lớn đến hầu hết các cư dân ở mọi khu vực của thế giới. 3 nhà nhân chủng học - bị gây ấn tượng mạnh trước sự hiện diện của mì gói ở mọi nơi, từ những khu ký túc xá đại học đắt tiền cho đến những con hẻm nghèo của các nước đang phát triển - đã quyết định lần theo dấu vết “sự trỗi dậy” của loại lương thực thời công nghiệp này tại Nhật, Mỹ và Papua New Guinea.
Trong cuốn sách: “Hành trình của mì ăn liền: Sự trỗi dậy toàn cầu của một thực phẩm công nghiệp trong thế kỷ 21”, các tác giả kể trên đã chỉ ra sự phụ thuộc lớn của con người vào loại lương thực “dễ mang theo, dễ mua và dễ nấu” này. Không những thế, các nhà nhân chủng học còn phát hiện ra rằng các gói mì ăn liền nhỏ bé đã đảm trách một vai trò phức tạp và đa dạng hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu của người đã sáng chế ra chúng. Các gói mì, theo những nhà nghiên cứu này, đã trở thành một công cụ nhằm thông báo về định vị của mỗi người trong thế giới về mặt kinh tế.
Nhà nhân chủng Deborah Gewertz nói: “Tôi nghĩ tương lai của mì ăn liền không bao giờ ngừng lại. Chúng tôi đã gặp rất nhiều những người nghèo vô cùng cần đến một nguồn dinh dưỡng dù ít ỏi. Chúng tôi không cho rằng mì tôm có thể cứu thế giới theo bất cứ cách nào, song cùng đi đến kết luận, dù có chút miễn cưỡng, rằng chúng mang lại nhiều tác động tốt hơn là xấu trong việc giúp người nghèo có thể sống và vươn lên”.
Trong năm vừa qua, khoảng 100 tỉ mì gói và mì ly đã được tiêu thụ trên thị trường, theo Hiệp hội Mì Ăn Liền thế giới, với tỉ lệ trung bình mỗi người 14 gói. Hương vị của mì gói rất đa dạng để có thể thích ứng với bất kỳ đòi hỏi về hương vị ẩm thực nào của các khách hàng từ Châu Á cho đến Châu Phi. Trong nghiên cứu của một ngân hàng đối với các cư dân tại khu vực Tokyo (Nhật Bản), các gói mì ăn liền đã đánh bại máy tính, dàn máy karaoke và cả máy nghe nhạc lừng danh Walkman để giành vị trí sáng chế gây ảnh hưởng nhất tại Nhật Bản trong thế kỷ 20.
Cũng cần nhắc lại, mì ăn liền là một loại thực phẩm tiện lợi và rất quen thuộc với cuộc sống con người, nhưng không phải ai cũng biết tới lịch sử của nó. Nhân kỷ niệm 40 năm tô mì ăn liền đầu tiên ra đời, công ty thực phẩm Nhật Bản Nissin đã mở một bảo tàng chưa từng có trong lịch sử: Bảo tàng mì ăn liền. Bảo tàng này được đặt tại thành phố Yokohama và với diện tích lên đến mười ngàn mét vuông. Đây là một trong những hoạt động đặc biệt nhằm tôn vinh ngành công nghiệp mì ăn liền, đồng thời cũng nhằm tái hiện lịch sử và tưởng nhớ tới “ông vua mì ăn liền” Momofuku Ando, người có công “phát minh” ra loại thực phẩm tiện lợi và ngon miệng này. Tại bảo tàng, nhiều loại mì đã được trưng bày như mì ăn liền tô, mì gà Ramen… Ngoài ra, bảo tàng còn có những hàng phục vụ các món mì trên khắp thế giới như các loại mì của Trung Quốc, mì của Ý... cùng các khu chế biến. Trẻ em có thể cùng vào bếp, nhào bột, cán, sấy và đóng gói mì ăn liền… để tạo nên những gói mì của riêng mình.
Chuyện là, vào năm 1958, khi chứng kiến cảnh những người dân đứng xếp hàng trong đêm đông giá lạnh để chờ mua những vắt mì tươi tại một cửa hàng sau thế chiến thứ II, Momofuku Ando đã phát minh ra loại mì có tên “Chicken Ramen”. Mãi đến năm 1971, lần đầu tiên trên thị trường thực phẩm xuất hiện loại mì ăn liền tô – loại mì có sẵn trong các bát hoặc cốc xốp cách nhiệt và chống thấm nước để có thể đổ nước vào ăn ngay. Cho đến nay, mì ăn liền đã trở thành món ăn không thể thiếu đối với nhịp sống hiện đại. Momofuku Ando qua đời tại Osaka vào năm 2007 vì một cơn nhồi máu cơ tim, hưởng thọ 96 tuổi. Nghe nói cho tới hôm ấy ông hãy còn ăn món mì ăn liền Ramen của mình như thường lệ. Té ra ông Ando cứ tì tì xơi mì gói mỗi ngày vậy mà sống vẫn thọ bách niên, chứ không như tài liệu y khoa nghiên cứu ăn nhiều mì gói dễ bị đột tử.
Có một chi tiết thú vị gắn liền với ông vua mì ăn liền Ando là, hai năm trước khi cha đẻ ngành mì gói Momofuku Ando qua đời, ông đã kịp phát minh ra sản phẩm để đời mới là mì ăn liền trong không gian. Trong môi trường không trọng lực, mì gói được đặt trong các túi hút chân không, có thể được nấu chín mà không cần tới nước sôi. Sản phẩm này được đưa ra vũ trụ trên tàu con thoi Discovery và được nhà du hành Soichi Noguchi thưởng thức đầu tiên.
Gói mì ăn liền tuy nhỏ nhưng hiệu quả kinh tế và lợi nhuận rất cao, một vốn bốn lời từ khi sản xuất đến tay người tiêu thụ. Người ta tính chỉ cần bỏ ra 1 triệu đô là có thể xây dựng một nhà máy làm mì ăn liền. Cho nên ngành công nghiệp mì ăn liền “phát tài” tăng trưởng mỗi năm. Ngày nay, mì ăn liền tiến thêm bước nữa trong đa dạng các loại sản phẩm ăn liền như bún, hủ tiếu, hay phở ăn liền. Riêng tại Nhật Bản mỗi năm có thêm sáu trăm sản phẩm mới từ mì Ramen lên kệ siêu thị hấp dẫn người tiêu dùng.
Người ta nói ăn mì gói nhiều không tốt. Nhưng thôi tạm bỏ qua tất cả những cảnh báo vì sự nghèo giá trị dinh dưỡng nhưng lại giàu các chất phụ gia và chất bảo quản, dầu mỡ… của thứ mì ăn liền này. Thỉnh thoảng trong miền ký ức tôi vẫn nhớ về “miền ăn lì” của thời khốn khó và chợt mỉm cười ngu ngơ. Giờ đây, sống ở thời không khốn khó nhưng những khi đêm đông trời lạnh, ra bếp nấu một gói mì, cho nhúm hành ngò, miếng ớt cay cay thấy đã miệng làm sao!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét