khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Chuyện ông nhạc sĩ Thanh Tùng suýt chết vì VIP tại bịnh viện Việt Pháp, Hà Nội - Tác giả Văn Quang





Chắc bạn thừa biết ở đâu cũng có những loại BV hạng sang dành cho giới nhà giàu mà người ta quen gọi là Bệnh viện VIP. Cụ thể như ở VN có BV Việt Pháp. Các quý ông quý bà, quý công tử, quý cô nương trước khi bước vào đó thì cứ sắp sẵn một mớ đô la ra đi (khoảng vài trăm triệu tiền VN, chứ mấy). Chẳng thú thật thì các bạn cũng biết, tôi chưa dám bước chân vào đó bao giờ, chỉ nghe nói là sang lắm, lịch sự lắm, các BS giỏi lắm… vào đó cứ như “cha thiên hạ”. Thế nhưng “nói vậy mà không phải vậy”. Đã có nhiều đại gia la làng vì mấy cái BV VIP này.

Đây là một chứng minh cụ thể nhất.

Chuyện ông nhạc sĩ Thanh Tùng suýt chết vì VIP

Hầu như một số các vị nghệ sĩ “lớn” ở VN có tiếng tăm đều giàu và quen biết nhiều vị “tai to mặt lớn”, cho nên nhạc sĩ Thanh Tùng có giàu cũng không là chuyện lạ. Ông Thanh Tùng có vài bản nhạc trữ tình được gọi là nổi bật trong giới ca nhạc ở VN như “Lối cũ ta về”, “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Một mình”...


 Bệnh viện Việt-Pháp Hà Nội rất 'hoành tráng” nhưng chữa bệnh thì còn phải xét lại

Ông Thanh Tùng chỉ bị sốt nhẹ cũng được gia đình đưa vào Bệnh viện Quốc tế Việt Pháp (Hà Nội) khám. Sau khi xét nghiệm, chụp chiếu phim, gia đình được thông báo sức khỏe ông không đáng ngại, nhưng nên ở lại bệnh viện theo dõi thêm. 

 Với thẻ thành viên ưu tiên (VIP), nhạc sĩ Thanh Tùng được nằm phòng riêng, có y tá chăm sóc, người nhà không cần ở lại. Đã nằm BVVIP lại có thẻ VIP là thứ “VIP gộc”, tất nhiên được chăm sóc như “của hiếm quý” thì sướng là cái chắc, phải không các cụ?
Nhưng sáng hôm sau, anh Nguyễn Thanh Thông - con trai nhạc sĩ Thanh Tùng tới BV thăm, bất ngờ được thông báo bố đang nguy kịch phải chuyển đến Khoa Chăm sóc tích cực và thở máy. Sau đây là lời kể của anh Nguyễn Thanh Thông với phóng viên báo chí:
“Khi đó, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thọ, Trưởng khoa Chăm sóc tích cực, nói bố tôi tình trạng rất xấu, khó qua khỏi, gia đình về chuẩn bị lo hậu sự là vừa. Tôi không hiểu bố mình bị làm sao nữa, mới hôm trước nhập viện, bác sĩ bảo không có gì đáng ngại. Sau một đêm đã phải thở máy”.

Khi anh Thông hỏi bệnh tình thì được bác sĩ Thọ liệt kê đủ các lý do: Gãy xương, đột quỵ, viêm phổi nặng… Anh Thọ băn khoăn: “Nếu viêm phổi thì phải phát hiện ra ngay hôm đưa vào, sao sau một đêm đã nguy kịch?”

Gia đình nhạc sĩ Thanh Tùng khẳng định không tiếc tiền để ông được sử dụng liệu pháp chữa trị tốt nhất, thậm chí đưa ra nước ngoài nếu bác sĩ hướng dẫn. 

Khi nhận tin “về lo hậu sự đi”, anh Thông bàng hoàng, gọi ngay các anh chị từ trong Nam, từ nước ngoài về tể tựu bên bố. Anh kể tiếp: “Tôi xin gặp bác sĩ nhưng phải chờ gần hết buổi sáng vẫn không được ai tiếp. Lo lắng, tôi gõ cửa gặp bác sĩ Thọ một lần nữa hỏi, nhưng vị này không đưa ra được biện pháp chữa trị xác đáng và chỉ nhăm nhe giữ bệnh nhân ở lại thở máy từ 1 tuần tới 1 tháng để theo dõi”.

Thái độ kỳ lạ của bác sĩ BV VIP

Trước tình cảnh này, con trai nhạc sỹ Thanh Tùng quyết định xin chuyển bố sang Bệnh viện Bạch Mai cạnh đó với hy vọng “còn nước, còn tát”. Tuy nhiên, bác sĩ Thọ không đồng ý, dẫn tới hai bên xảy ra to tiếng. Theo anh Thông, lúc gia đình đang bối rối, bác sĩ Thọ đáng ra phải có thái độ đúng mực để gia đình yên tâm. Đổi lại, bác sĩ Thọ to tiếng thách thức. Anh Thông kể lại:

“Ông ấy cởi kính, đập tay xuống bàn, rút máy ghi âm rồi tuyên bố: Anh nói đi, tôi sẽ ghi lại hết. Lúc đó, tôi chỉ muốn khóc vì bất lực. Chả lẽ muốn cứu bố mà cũng không được sao. Tôi đã tin tưởng đây là bệnh viện tư quốc tế nên không tiếc tiền đưa bố tới đây”.

Sau một hồi cãi cọ , van xin, thậm chí nhờ cả những người có vai vế trong xã hội tác động xin chuyển sang BV khác (trong khi bệnh nhân mỗi lúc càng nguy kịch), bác sĩ Thọ miễn cưỡng đồng ý cho gia đình đưa ông Thanh Tùng sang Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, phía Bệnh viện Việt Pháp không bố trí bất cứ phương tiện nào hỗ trợ.

Khi ông Thanh Tùng được đưa sang Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai), căn cứ vào kết quả chụp chiếu, bác sĩ kết luận khác hẳn, chỉ có dị vật trong phổi và có thể chữa được. Anh Thông kể tiếp:
“Các bác sĩ nghi dị vật là cháo, nếu đúng vậy thì chỉ có thể xảy ra trong thời gian y tá Bệnh viện Việt Pháp cho ăn tối hôm trước làm bố tôi bị sặc. Vì khi nhập viện, ông chỉ bị sốt nhẹ, Bệnh viện Việt Pháp cũng đã làm đủ các xét nghiệm, chụp chiếu, không phát hiện bất thường ở phổi”. Sau hơn một tuần chữa trị tại Bệnh viện Bạch Mai, nhạc sĩ Thanh Tùng khỏe lại, được về nhà.

Muốn giữ bệnh nhân để kiếm tiền? 

 Bất bình với thái độ và chuyên môn của bác sĩ Bệnh viện Việt Pháp, ít tuần sau khi nhạc sĩ Thanh Tùng khỏe lại, anh Thông quay lại nói chuyện với ban giám đốc bệnh viện. Phó Tổng giám đốc Võ Văn Bản tiếp chuyện và khẳng định: Bệnh viện luôn có xe để bệnh nhân chuyển viện khi cần và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nếu gia đình muốn. Ông Bản nói: “Không hiểu sao bác sĩ Thọ lại nói như vậy”.
Khi nghe anh Thông thuật lại sự việc, ông Bản tỏ ra bất ngờ trước thái độ bác sĩ Thọ và khẳng định hành vi như vậy là sai; không đúng tôn chỉ làm việc của bệnh viện. Ông này cũng hứa sẽ có biện pháp “xử lý thích đáng”. Lại “bài ca muôn đời” của những vị có trách nhiệm. Thật vậy, tới nay Bệnh viện Việt Pháp vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho gia đình ông Thanh Tùng.

Một bác sĩ Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Những trường hợp như nhạc sĩ Thanh Tùng không phải hiếm, khoa đã tiếp nhận nhiều trường hợp chuyển từ bệnh viện tư sang cấp cứu. Ông nói: “Bệnh viện tư nhiều khi vì sức ép thu hút bệnh nhân và thu viện phí nên cố giữ bệnh nhân; khi chuyển sang cho chúng tôi bệnh tình đã khá nặng”.

Đến đây bạn đọc đã hiểu thế nào là cách “làm tiền” của BV VIP tại VN. 

 Nhìn rộng hơn, bạn hãy thử so sánh kiểu níu chân khách để kiếm tiền có khác gì mấy cái tiệm cắt tóc, massage trá hình đâu. Một bên là trí thức “hạng nặng” một bên là “hạng bình dân”, có thế thôi. Ôi cái VIPVN là thế chăng?! Đừng tưởng VIP là “bở”.

Tuy nhiên các ông VIP nằm BV VIP có đau đầu một tí cũng chỉ như kiến cắn so với nỗi khổ triền miên của người bình dân chúng tôi thôi. Ông nhạc sĩ này may mắn và quen biết các vị có thế lực nên được trở về nhà chứ không như người dân bị chết oan. Chuyện đó xảy ra như cơm bữa. 

 Không ít trường hợp các nạn nhân bị chết oan uổng. Không ít lần người nhà, người thân bao vây bệnh viện, đòi đánh BS và nhân viên BV. Người nhà bệnh nhân đã bị bắt giữ, giam cầm vì vi phạm pháp luật. Đã có hàng ngàn tỷ đồng rót vào xây dựng Bệnh viện, mua máy móc hiện đại... nhưng một số lại là hàng đã phế thải hoặc các BV nước ngoài đã sử dụng lâu ngày khiến bệnh nhân chết oan.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét