khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Tánh Nói Xấu Người Khác -- Nguyễn Ninh Thuận







Hôm nay Tâm đi nghe một buổi thuyết trình về những tính xấu của con người, sau đó thuyết trình viên đi sâu vào: Tánh Nói Xấu Người Khác, Tâm xin chia sẻ cùng các bạn những đề tài đó. Qua đây chúng ta có một bài học cho chính mình, gia đình & xã hội…

“…Đã là con người không nhiều thì ít chúng ta cũng có những thói hư tật xấu đó là những tánh: Ganh tỵ-Giận hờn-Hay lẫy-Hay buồn-Hay mỉa mai người khác-Nói láo-Ghen-Nói xấu người khác (nghe tin đồn rồi kể lại cho người khác nghe, truyền miệng). Đó là bản tính của nhiều người có những tánh xấu trên, nhưng quan trọng là thề hiện những tính đó lộ ra nhiều hay ít và như thế nào mà thôi ! Vấn đề này còn tùy thuộc vào bản lĩnh của từng trường hợp, từng người! Theo Công giáo, tổ tiên loài người, ông Adam & bà Eva đã bị dụ dỗ đưa tới lầm lỗi, từ đó phát sinh ra nhiều tội lỗi và con người phải đời đời gánh chịu…“ Nhân bất thập toàn”. Nếu có người tự cho mình là hoàn hảo thì không phải là con người. Trong dân gian Việt Nam có những câu ca dao tục ngữ khuyên răn chúng ta bỏ thói hư tật xấu và tu sửa mình: -Ở ác gặp ác, ở hiền gặp lành-Gieo gió gặt bão-Có đức mặc sức mà ăn… Khi xã hội còn lạc hậu, ăn lông ở lỗ thì không có thói hư tật xấu nhiều vì không có sở hữu của tiền, đất đai, nhưng khi tiền bạc càng nhiều thì phát sinh ra nhiều tính xấu vì quyền tư hữu muốn làm của riêng nên nói xấu, giành giựt chê bai, bon chen… “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Xã hội càng phát triển, con người càng có nhiều tính xấu hơn! Tuy thế chúng ta không nên đổ thừa cho xã hội vật chất lôi cuốn… mà nên xét lại mình! Cũng vì cái tôi quá to, ham muốn vật chất quá nhiều, mà bất chấp thủ đoạn, đạo đức để lao vào thói hư tật xấu, mà quên đi, hay không nghĩ đến Bi-Trí-Dũng. Điều kiện vật chất là phương tiện phát triển tâm linh, nhưng đừng đi quá đà, lao vào mê muội làm tối mắt… Vật chất quá dư dật khiến người ta hư và chạy theo nhu cầu đòi hỏi thấp kém của con người là muốn hưởng lạc thú trên đời mà quên đi tánh đạo… Người ở quê ít tính xấu hơn người thành thị. Các tánh xấu được chia ra: -Bên trong từ cảm xúc, nội tâm: ganh tỵ, nói xấu, hận thù, giận hờn, trầm cảm u uất, ganh ghét..-Bên ngoài biểu hiện ra nói nhiều, nhăn nhó, càm ràm, hay đi nói xấu người khác, lan truyền tin đồn. Không ai là không có những tính xấu trên, nhưng khi biết tới tâm linh thì có lòng hướng thiện, hạn chế lại bằng hành động, việc làm, lời hứa, sửa mình, xin lỗi… Đừng bao giờ nghĩ một sớm một chiều mà sửa tất cả tính xấu cùng một lúc, mà từng bước khắc phục bản thân và từ từ sửa đổi từng tánh xấu một. Cũng không nên ra thời hạn nhất định vì nếu không làm được sẽ có tội là không giữ lời hứa… Nguyên nhân là vì sĩ diện, không muốn ai hơn mình mà sinh ra nói xấu nhau. Chẳng bao giờ người ta lại đi nói xấu một người kém mình cả. Với người kém mình, người Việt luôn có xu hướng giúp đỡ họ. Ngược lại, với những người ngang bằng mình mà đang có xu hướng vượt lên hoặc những người cao hơn mình ở một phương diện nào đó thì người Việt có khuynh hướng nói xấu nhằm cào bằng họ xuống ngang hàng với mình, dìm người ta xuống vì không muốn họ hơn mình. Như trường hợp trong một giỏ cua, không con nào muốn bạn mình trồi lên khỏi giỏ cua. Chúng mãi tranh giành níu kéo nhau đến sứt càng gãy cọng chờ chết với nhau… Con người cũng thế, cứ thấy ai hơn mình là tập trung vào “đánh hội đồng”. Chẳng thế mà Nguyễn Du đã thốt lên: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”.

Vì sao chỉ nói xấu sau lưng? Thừa nhận mọi người chúng ta không muốn người khác hơn mình nên nói xấu vì thế việc nói xấu ấy chỉ diễn ra sau lưng, nghĩa là người bị nói xấu không hề nghe được. Nói xấu trước mặt, xúc phạm trực tiếp đến thể diện người khác sẽ khiến người ta “mất mặt”, gây thù chuốc oán là điều người Việt luôn né tránh. Vì vậy, việc nói xấu luôn chỉ diễn ra sau lưng để người bị nói xấu không nghe thấy, thay vì nói thẳng. Thậm chí, nhiều khi dù ghét, dù không thích người nào đó, nhưng có người thường có xu hướng không thể hiện rõ mà còn khen, kể cả tâng bốc dù thực sự lời tâng bốc ấy là không có cơ sở, cao quá so với những gì người ta có. Nhiều khi, lời khen đó còn mang tính nịnh hót.

Tánh nói xấu người khác- Tánh này rất nguy hiểm cho xã hội, từ một người nói, rồi sang tai người thứ hai và cứ thế lan truyền ra thứ 3, 4 và tới số đông… cứ thế thêm mắm thêm muối để chuyện nhỏ xé ra to, sai lệch hoàn toàn tùy theo người kể…để rồi cuối cùng gây mâu thuẩn cho nhau! Nhiều người có thói quen ưa nói lỗi lầm của người khác. Và đôi khi chính họ không nhận thấy thói quen ấy và chỉ nhận diện được nó sau khi đã nói xong. Vậy thì động cơ ở đằng sau việc nói lỗi lầm của người khác, đằng sau xu hướng muốn hạ thấp người khác là gì? Chiến thuật hạ nhục người khác để tạo dựng lòng tự trọng của mình theo cách này rất khó có kết quả. Lúc chúng ta tức giận người khác cũng là lúc chúng ta thường nói xấu họ. Trong trường hợp này chúng ta có thể nói lỗi của người khác vì một vài nguyên do khác nhau. Đôi khi chúng ta nói xấu người khác để kéo mọi người đứng về phía mình. Chính vì ý nghĩ rằng: “Nếu mọi người nghĩ mình đúng thì chắc hẳn là mình đúng”. Việc tự nghĩ rằng mình đúng như thế ấy là một việc làm kém cỏi trong khi chúng ta không chịu dành thời gian để đánh giá một cách trung thực đối với những việc làm và động cơ của mình. Có khi chúng ta nói xấu người khác vì ganh ghét họ là vì chúng ta muốn được mọi người tôn trọng và đánh giá cao hơn người kia vậy. Từ trong sâu thẳm, chúng ta nghĩ rằng: “Nếu mọi người thấy những phẩm chất xấu của người mà mình nghĩ là tốt hơn mình thì thay vì tôn trọng và giúp đỡ người đó, họ sẽ khen ngợi và hỗ trợ mình”. Chiêu bài mà chúng ta dùng để giành lấy sự tôn trọng và đánh giá cao của người khác theo cách này rất khó mang lại hiệu quả. Nói xấu người khác đem đến những hậu quả gì? Trước hết, chúng ta sẽ được biết là gây ra sự bất hòa. Người ta sẽ không muốn tâm sự với chúng ta vì họ sợ chúng ta sẽ nói với người khác, thêm thắt những lời đánh giá của ta khiến cho họ bị xem là không tốt.

Theo kinh nghiệm, nếu thấy rằng người nào hay nói xấu người khác với ai thì chắc hẳn họ sẽ đi nói xấu mình với người khác. Hay nói cách khác không nên tin tưởng những ai thường hay phê bình người khác.

Thứ hai chúng ta phải đối mặt với người bị chúng ta nói xấu khi họ phát hiện ra những gì chúng ta đã nói và phiền phức hơn là lúc họ nghe được những gì chúng ta đã nói xấu về họ thì những điều đó đã bị phóng đại lên nhiều lần. Người đó có thể nói với người khác về lỗi của mình để trả đũa.

Thứ ba, một số người có thể sẽ bị kích động khi nghe nói về lỗi của người khác và có thể sẽ tức giận rồi công kích người đã bị nói xấu. Sự việc này có thể sẽ làm dấy lên việc nói xấu sau lưng người khác ở sở làm và gây ra tình trạng bè phái. Điều này gây tổn hại đến môi trường làm việc hòa hợp.

Thứ tư, chính bản thân ta cũng không có hạnh phúc khi mình luôn phanh phui lỗi của người khác. Khi chúng ta tập trung vào những điểm tiêu cực, hoặc là những sai lầm, chính tâm của chúng ta cũng không an vui. Những ý nghĩ rằng người này xấu, người kia không tốt,... thường không có lợi cho tinh thần của chúng ta.

Thứ năm, khi ta nói xấu người khác tức là chúng ta đã gây ra việc để cho người khác nói xấu mình. Điều này có thể xuất hiện ngay trong đời này nếu người mà ta phê bình muốn hạ nhục mình, hoặc có thể xuất hiện trong tương lai khi mình bị người khác buộc tội một cách vô lối hoặc là bị vu oan. từ hành động của chính chúng ta, chúng ta đã tạo ra nhân, nay đã đến lúc phải nhận quả. Chúng ta thường có thói quen nói lỗi của người khác. Để từ bỏ thói quen này, chúng ta phải bắt đầu từ việc điều chỉnh thói quen đánh giá người khác. Thay vì đánh giá, phê bình người khác, chúng ta hãy lưu tâm đến những phẩm chất tốt và sự tử tế của họ. Chúng ta cần phải rèn luyện tâm mình, chỉ nhìn những điểm tốt, những điều tích cực của người khác. Rèn luyện như thế thì sẽ tạo nên sự khác biệt giữa niềm hạnh phúc, cởi mở và thương yêu của ta với sự buồn khổ, khó gần và khắt khe. Nếu chúng ta để ý những thứ đó thì chúng ta sẽ không lưu tâm đến những lỗi lầm của họ. Thái độ vui vẻ và lời nói bao dung xuất phát từ việc này sẽ cải thiện những người xung quanh và sẽ nuôi lớn hạnh phúc, sự mãn nguyện và tình thương yêu ở trong ta. Khi chúng ta có thói quen săm soi lỗi của người khác, thì chúng ta cũng có xu hướng chỉ nhìn thấy những khuyết điểm, những lỗi lầm của bản thân. Điều này có thể đưa chúng ta đến việc làm giảm giá trị toàn bộ cuộc sống của mình. Thật bi thảm nếu chúng ta bỏ qua những điều quý giá và cơ hội trong cuộc sống của mình, không nhìn thấy khả năng hướng thiện trong bản thân mình.

Vì thế, chúng ta phải chấp nhận chính mình như những gì mình đang có trong hiện tại, đồng thời chúng ta cố gắng để trở nên những con người tốt hơn trong tương lai.. Từ bỏ thói quen nhìn thấy lỗi lầm sẽ giảm thiểu sự đau khổ cho mình và người. Vấn đề này nên được xem là trọng tâm trong lộ trình tâm linh của chúng ta. Đối lập với việc nói xấu người khác là nói với sự hiểu biết và thương yêu. Những ai đang đi trên lộ trình tâm linh và những ai muốn sống hòa hợp với người khác thì việc phát ngôn với sự hiểu biết và thương yêu là điều rất quan trọng.

Khi chúng ta nhìn vào những phẩm chất tốt của người khác, chúng ta cảm thấy hạnh phúc và tạo được bầu không khí hài hòa, đem đến cho người khác thông tin phản hồi hữu ích. Khen ngợi người khác là một việc mà chúng ta cần phải thực tập trong quá trình tu tập của mình. Nếu chúng ta thường nghĩ đến những tài năng, những phẩm chất tốt của người khác thì chúng ta cảm thấy hạnh phúc hơn và người khác cũng vậy.

Tóm lại nói xấu người khác là một thói quen xấu, gây ảnh hưởng đến tâm lý và cách nhìn nhận của mọi người về mình... Những kẻ thường hay nói xấu người khác có 2 kiểu: Nói xấu sau lưng và nói xấu trước mặt. Kiểu thứ nhất: chắc chắn là người xấu, vì người đó không dám thẳng thắn nói khuyết điểm của người khác ngay trước mặt họ, mà lén lút nói sau lưng chỉ có mục đích là chia rẽ mối quan hệ của người đó với người khác, nếu không thì cũng là vu vạ cho người khác nên phải nói sau lưng. Kiểu thứ hai nói xấu một người trước mặt nhiều người khác chứng tỏ thể hiện thái độ coi thường người bị nói xấu. Trong trường hợp này nếu người bị nói xấu có bản lĩnh thì dù có xấu cũng muốn nghe chuyện xấu của người khác.

Theo tâm lý thì thiên hạ thích nghe, thích biết những điều tiêu cực, xui xẻo, xấu xa của người khác hơn là muốn nghe, muốn biết những thành công, may mắn hay sự sung sướng của người ta. Mình càng kín đáo, càng giấu giếm chuyện riêng tư bao nhiêu thì thiên hạ càng cố gắng bươi móc để tìm hiểu bấy nhiêu. Chỉ vì ganh ghét đố kỵ nên mới nói xấu người ta thôi, con người nói xấu chả tốt lành gì, chỉ thuộc hạng tiểu nhân tầm thường trong xã hội. Nói xấu sau lưng thì rõ ràng là không tốt đẹp gì mới làm chuyện đâm lén sau lưng. Nói người ta xấu 1 thì bản thân người nói xấu cũng xấu 10. Đừng quan tâm đến dư luận, chỉ làm chúng ta mệt mỏi thêm mà thôi. Thỉnh thoảng mình cũng lắng nghe để điều chỉnh lại bản thân (nếu đúng).

Người nào hay nói xấu?

Những nhóm người âm tính dễ mắc tật nói xấu hơn những nhóm người dương tính. Xét về giới thì phụ nữ nói xấu nhau nhiều hơn nam giới. Xét về công việc thì người làm những công việc nhàn hạ, rảnh rỗi nói xấu nhau nhiều hơn người phải lao động chân tay vất vả. Nói xấu thì phải có người cùng tung hứng, nên người làm công việc tiếp xúc với nhau nhiều dễ mắc tật nói xấu hơn người làm những công việc đơn độc. Nhàn cư vi bất thiện, thời gian nhàn hạ nhiều, lại do quản lý lỏng lẻo nên họ có nhiều cơ hội để ngồi túm năm tụm ba buôn chuyện. Còn những người lao động chân tay, càng vất vả thì người ta càng ít nói xấu vì thời gian nghỉ ngơi còn hạn hẹp. Lan truyền tin sẽ bị mất công đức. Vậy đừng nên tung tin đồn làm quà! Tâm lý con người khi nghe môt tin đồn xấu gì thì nôn nóng loan tin ngay không kể thời gian đêm tối. Nói xấu liên quan đến khẩu nghiệp. Nếu có tâm linh chúng ta sẽ tìm cách đừng khẩu nghiệp vì khẩu nghiệp là chướng ngại lớn nhất trong đường tu tập.

Chữa nói xấu bằng cách nào?

Nói xấu là một tật xấu hoàn toàn có thể sửa được. Muốn vậy, người ta phải có lòng mong muốn trở thành những người trung thực, thẳng thắn, không ưa xu nịnh, tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật. Không gì khác hơn là phải đẩy mạnh công tác giáo dục. Giảm bớt tính nói xấu là việc làm “quá khó” hiện nay. Bởi do quản lý xã hội buông lỏng cùng với thời buổi kinh tế thị trường, con người chạy theo giá trị vật chất quá mức, đạo đức xã hội xuống cấp, nhiều quy định, đòi hỏi không phù hợp với thực tế nên nhiều khi bắt buộc người ta phải nói dối. Đó là lý do vì sao không dám nói thẳng khuyết điểm trước mặt mà chỉ nói sau lưng, rồi có thời gian để ngồi nói xấu nhau ngay trong giờ làm việc. Cũng vì cơ chế thị trường phải cạnh tranh nhau, nên không hiếm chuyện để hạ uy tín đối thủ của mình, người ta phao tin thất thiệt khiến cho đối thủ bị ảnh hưởng, thậm chí là phá sản… Vậy hạn chế khẩu nghiệp để thăng tiến tâm linh. Muốn thăng tiến tâm linh thì không phát tin đồn, không hờn ghen, không nghe, không thấy, không biết, không nhìn, không nói.

Loan truyền tin đồn

- Khi nghe một tin đồn có ảnh hưởng xấu đến bạn mình mà người kia mách lại thì phải kiểm tra thật kỷ để ba mặt một lời cho rõ ràng. Không nên tung tin- Im lặng- Tìm cách nói khéo cho bạn mình biết… Chuyện kể mẹ của Mạnh Tử (học trò Thầy Khổng tử) đang ngồi may áo quần trong nhà, một bà hàng xóm cho biết Mạnh Tử giết người ngoài ngõ. Nhưng mẹ Mạnh Tử biết tính con ngoan hiền nên không tin. Rồi bà thứ hai cũng cho tin như vậy, nhưng bà vẫn chưa tin. Cứ thế và liên tiếp thêm người thứ ba cũng tung tin “Mạnh Tử giết người ngoài ngõ!”. Tin xấu được lập đi lập lại mấy lần, lòng tin của bà chao đảo, bán tính bán nghi nên bà chạy ra xem thử. Sức mạnh của tuyên truyền, tin đồn có sức mạnh… Có hai kỷ năng: nghe & nói. Nếu trẻ không nghe, không nói thì đa số câm điếc. Khi nghe xong thì phản xạ tự nhiên bộc phát -nói! Đặc biệt trong nghệ thuật ca hát diễn xuất phim ảnh thì cần phát triển khai kỷ năng nghe nói này để nghệ thuật càng nâng cao thăng tiến và càng trao dồi nghề nghiệp để tới thượng thừa. Nghe nhạc hay để học hỏi hát hay hơn… Những điều đó là tâm linh tốt! Nhưng kỷ năng nghe tin xấu rồi tung tin loan truyền sẽ trở thành thói quen cực kỳ xấu, cần khắc phục không loan tin để được công đức. Nên chuyển hóa tâm linh nghe ai thành công thì mừng vui cho họ. Thành công hay thất bại đều do ơn trên sắp xếp. Sống chết cũng do thiêng liêng định đoạt, không qua khỏi số Trời an bài. Nếu chết liền là phúc lớn, trái lại đau bệnh nằm một chỗ dài ngày là trả nghiệp vương mang…Vậy loan truyền tin xấu là mất công đức…

Kết luận muốn được công đức thì không loan tin đồn, nói xấu vu vạ cho người khác. “Ngậm máu phun người thì dơ miệng mình (Hàm huyết phún nhơn tiên ô tự khẩu)”- “Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người! (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhơn)”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét