khktmd 2015
Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014
Nguyễn Đức Quang Già Cơ Viết Về Nguyễn Đức Quang Du Ca
Tôi và Nguyễn Đức Quang tình thân thì có, nhưng thông cảm, hiểu biết nhau thì không. Có nhiều lý do để tôi và Quang thân nhau. Thứ nhất là vì tôi và Quang là bạn học. Chúng tôi học với nhau bốn năm tại trường Chính Trị Kinh Doanh thuộc Viện Đại Học Đà Lạt. Thứ hai vì tôi và Quang cùng là sinh viên sĩ quan trừ bị khóa 9/68 Thủ Đức. Trong thời gian ở trường Võ Bị, tôi và Quang ở trong một nhóm 10 người được biệt phái 2 tuần về trường Trung Học Đệ Nhất Cấp Võ Khoa Thủ Đức. Tại trường này, chúng tôi có nhiệm vụ tổ chức cho trường có những đơn vị Thiếu Sinh Quân Đội và huấn luyện cho các em học sinh những kỹ năng của Hướng Đạo. Lý do thứ ba, tôi và Quang là khóa sinh của một khóa Cơ Bản Chiến Tranh Chính Trị của Trường Chiến Tranh Chính Trị thuộc Cục Chính Huấn trong ba tháng. Lý do thứ tư, tôi và Quang cùng làm việc tại phòng Hướng Dẫn Sinh Hoạt thuộc Cục Chính Huấn trong thời gian một năm. Lý do thứ năm là mỗi lần lên thăm Seattle, Quang đều ở lại nhà tôi mặc dầu Quang được rất nhiều người mời đến ở lại nhà của họ. Mặc dầu quen biết nhau một thời gian khá lâu, nhưng chúng tôi vẫn không trở thành đôi bạn thân thiết. Lý do không phải vì khác tính tình, khác chính kiến … Lý do chính có lẽ là chúng tôi ít có dịp làm việc chung với nhau và khả năng khác nhau. Chúng tôi là bạn nhưng không chung bè. Tôi không có bè, Quang thì có. Quang không những có bè mà còn chèo lái cái bè Du Ca to tướng. Trong suốt bốn năm trường tại Viện Đại Học Đà Lạt chúng tôi gập nhau rất ít. Năm 1964 đến năm 1968 là những năm hoạt động sôi nổi của các phong trào thanh niên. Quang là người sáng lập Phong Trào Du Ca thì làm gì có nhiều thời giờ để đến lớp. Trong bốn năm tôi và Quang ngồi cạnh nhau trong bốn kỳ thi cuối khóa của bốn năm học. Những lần gập nhau trong những kỳ thi thì chắc chắn chúng tôi không nói chuyện với nhau nhiều. Nói nhiều sợ quên hết chữ. Lúc chờ phát đề thi thì mặt ai cũng nghiêm và buồn, tâm chí đâu mà nói chuyện với nhau. Chúng tôi không cùng nộp bài thi một lần. Nộp bài thi xong thì mạnh ai nấy biến. Ngoài những lần gập nhau trong các kỳ thi có lẽ số lần chúng tôi gập nhau chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tôi chỉ nhớ trong bốn năm học tôi nghe Quang hát ba lần: Một lần tại Giảng Đường Spellman, một lần tại Giảng Đường Thụ Nhân và một lần tại quán T2 của Nguyễn Tường Cẩm và Nguyễn Lập Chí.
Trong thời gian thụ huấn tại quân trường Quang Trung và Thủ Đức chúng tôi không ở cùng đại đội. Trong hai tuần sinh hoạt tại trường trung học Võ Khoa, tôi chỉ nói chuyện với Quang hai lần. Một lần chúng tôi tụ họp để nghe anh Thiếu Tá Thùy, trưởng phòng CTCT trường Võ Bị Thủ Đức, chỉ thị về công tác của chúng tôi trong hai tuần tại trường Võ Khoa và một lần chúng tôi họp để bàn về buổi lễ bế giảng khóa huấn luyện. Buổi bế giảng khóa huấn luyện có những mục thi cắm lều nhanh, thi cứu thương, hợp ca và kết thúc bằng một màn vũ của người da đỏ nhảy múa quanh totem. Màn vũ này do Quang sáng tác và tập cho các em. Trong hai tuần công tác, tôi và Nguyễn Mạnh Phước phụ trách thành lập và huấn luyện một Thiếu đoàn. Quang làm việc trong ban chỉ đạo công tác cùng với anh Thùy và anh Nguyễn minh Triết.
Khóa học Căn Bản Chiến Tranh Chính Trị, tôi chỉ nói chuyện với Quang có một lần. Quang chỉ học có một tuần rồi biến mất, không một lời từ giã. Quang được cử đi Pháp và một số nước Âu Châu trong một phái đoàn văn nghệ do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tổ chức.
Thời gian tôi làm việc chung với Quang dài một năm tại Cục Chính Huấn từ năm 1970 đến năm 1971. Trong thời gian một năm đó, tôi và Quang cũng ít khi gặp nhau trong giờ làm việc vì chúng tôi phải đi công tác luôn. Tôi chưa bao giờ được đi công tác chung trong một toán công tác với Quang. Chỉ có hai lần, hai toán công tác của chúng tôi gập nhau: Một lần tại An Thới Phú Quốc, một lần tại Nha Trang. Ngoài giờ làm việc chúng tôi không đi chơi chung với nhau. Quang thì bận rộn với phong trào Du Ca. Vô công vô nghệ như Hồ Phán, Nguyễn Duy Linh, Đặng Đình Tiến và tôi thì thỉnh thoảng chúng tôi ra Pagoda, Mai Hương hay Grival, ngồi ngắm thiên hạ qua lại. Trước năm 1975, lần cuối cùng tôi gập Quang là lần Quang ở trong toán công tác của Cục Chính Huấn đến huấn luyện cho các trung đội Chính Huấn của đơn vị tôi, Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị tại Pleiku. Sau đó tôi nghe tin Quang được biệt phái về làm việc tại Ngân Hàng Phát Triển Nông Thôn. Tôi gập lại Quang vào năm 1995 nhân dịp Quang lên Seattle trình diễn vào dịp Tết Âm Lịch do lời mời của Hội HO Seattle.
Năm 2000 Quang tặng tôi tập nhạc Dưới Ánh Mặt Trời nhân dịp Quang lên Seattle để nhận cây đàn Guitar do anh Cao Hoàng tặng, với lời đề tặng:
Nguyễn Đức Quang
tặng
Nguyễn Đức Quang
Seattle 05. 28. 00
Nhiều người mới đọc lời đề tặng cho là lời tặng kỳ quái
Hôm nay tôi viết một câu truyện có đề tựa: ''Nguyễn Đức Quang Già Cơ viết về Nguyễn Đức Quang Du Ca''.
NHỮNG TRỚ TRÊU
Tôi thực sự gập nhiều sự trớ trêu vì trùng họ tên, trùng chừ lót, năm sinh, cùng lớp học, cùng trường học với một người nổi tiếng. Sau khóa huấn luyện cơ bản về CTCT, tôi được bổ nhiệm về Cục Chính Huấn. Tôi cầm sự vụ lệnh vào trình diện Đại Tá Cao Đăng Tường. Đại Tá Tường là một người cao lớn, hồng hào, đẹp trai, mặt mày phúc hậu. Ông ta vui vẻ mời tôi ngồi. Đít tôi chưa chạm ghế, tôi nghe ông hỏi:
- Anh đi Pháp có vui không ?
- Thưa không
Do phản ứng vội vàng nên câu trả lời của tôi không chính xác và vụng về. Thật ra tôi chỉ muốn nói tôi không phải là anh Nguyễn Đức Quang được chính phủ cử đi Pháp. Đại Tá Tường thân mật hỏi tiếp:
- Sao lại không vui? Đi Pháp mà lại không vui sao ?
- Không đại tá
Lại một câu trả lời không chính xác và ngớ ngẩn, nhưng lần này tôi đính chính ngay:
- Thưa đại tá tôi không phải là Nguyễn Đức Quang
Câu trả lời này đúng là câu trả lời ngớ ngẩn và ngu đần, khiến Đại Tá Tường nhìn tôi rồi nhìn tờ trình của phòng nhân viên để trên bàn :
- Anh không phải là Nguyễn Đức Quang ?
- Thưa đại tá tôi là Nguyễn Đức Quang, nhưng tôi không phải là anh Nguyễn Đức Quang nhạc sĩ
Lần này thì tôi đã trả lời chính xác. Đại Tá Tường nhìn tôi, nhìn vào tờ trình của phòng nhân viên rồi nói với tôi bằng giọng không mấy vui:
- Chuẩn úy cứ xuống trình diện tại phòng Hướng Dẫn Sinh Hoạt
Tôi đến gần phòng Hướng Dẫn Sinh Hoạt, tôi nghe vọng ra từ trong phòng tiếng hát của một ban đại hợp xướng. Khi tôi bước vào phòng thì phòng bỗng im phăng phắc. Hơn bốn mươi cô ca sĩ đang được một anh quân nhân tập hát (Trung Sĩ Nhất Nguyễn Văn Nụ) đưa mắt nhìn tôi. Lần đầu tiên trong đời tôi được một đám đông mỹ nhân chiêm ngưỡng khiến tôi bối rối. Tôi lúng túng bước theo chân Trung Úy Lê Minh Đức vào trình diện Thiếu Tá Phó Đức Toàn. Thiếu Tá Toàn giới thiệu tôi với sĩ quan trong phòng rồi đưa tôi ra phòng tập hát để giới thiệu tôi với các cô ca sĩ. Sau đó Thiếu Tá Toàn ra lệnh cho tôi tự giới thiệu với các sĩ quan và các cô ca sĩ. Tôi nói:
- Thưa thiếu tá trưởng phòng, thưa quý vị sĩ quan, thưa các cô. Thiếu tá trưởng phòng bảo tôi tự giới thiệu tôi với quý vị. Nhưng sự việc vừa xẩy ra cách đây nửa tiếng tại phòng đại tá Cục Trưởng khiến tôi nghi ngờ tên thật của tôi. Tại sao? Tôi xin kể cho quý vị nghe một câu truyện: Năm 1967 tôi đi từ Đà Nẵng ra Huế (tôi không kể chi tiết sau đây). Năm 1967 chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trần Minh Châu, Phạm Văn Răng và tôi đi công tác tại tỉnh Quảng Nam cho chương trình Kinh Tế Hậu Chiến của Giáo Sư Vũ Quốc Thúc. Sau khi hoàn thành công tác. Tôi đi Huế để thăm người con gái tôi yêu ở ga Huế. Phạm Văn Răng xin đi theo tôi để thăm xứ Huế mà anh chưa biết). Trên đường đi Huế phải vượt qua đèo Hải Vân. Trước đó vài ngày, Việt Cộng đã giật xập một cây cầu trên đèo và còn đóng một chốt trên đèo Hải Vân. Từ cái chốt này họ bắn vào các xe chạy qua đèo. Ai muốn đi qua đèo phải đi bộ vì cầu gẫy đang được một toán Công Binh Mỹ sửa chữa nhưng chưa xong. Họ phải đi bộ khoảng ba mươi lăm cây số từ chiếc cầu gẫy ra đến Lăng Cô mới có xe đi Huế. Xe của tôi đến nơi cầu gẫy từ sáng sớm và vẫn chờ với hy vọng cầu sửa xong và sẽ đi Huế được. Đến quá trưa có nhiều xe đã bỏ cuộc quay trở về Đà Nẵng. Hành khách trên xe kiên trì chờ cầu sửa xong, chỉ có vài người theo xe khác để trở về Đà Nẵng. (tôi bỏ qua chi tiết, xe tôi kiên trì chờ đợi vì bác tài xế và hành khách ba hôm nay không về nhà của họ ở Huế được. Còn tôi, nếu không có Phạm văn Răng, tôi đã theo một toán người đi bộ để đến Lăng Cô). Đến khoảng năm giờ chỉ còn một mình xe tôi, tất cả các xe khác đã trở lại Đà Nẵng. Bác tài xế là người thiếu kiên nhẫn hơn cả. Bác ta lên xe, xuống xe, mở máy xe, tắt máy xe không biết bao nhiêu lần. Bác tài chỉ tôi rồi nói như ra lệnh: ''Anh này biết tiếng Mỹ, anh lên hỏi xem có qua cầu được không?'' (ngồi bên cạnh tôi là Phạm Văn Răng đeo kiếng trắng, người cao to trông trí thức hơn tôi nhiều. Tại sao bác tài không sai Răng mà lại sai tôi. Tiếng tây tiếng u của tôi không ra gì nên tôi lưỡng lự. Bác tài bồi thêm một câu: ''Cậu đi hỏi giúp bà con một chút đi. Không biết sắp nhỏ của tôi ra răng?''. Một bà lên tiếng: ''Thằng con tôi bệnh mấy hôm nay. Hôm tôi đi đã thấy hắn biếng ăn''. Tôi rủ Răng đi với tôi. Răng từ chối, tôi đành phải xuống xe đi về phía cây cầu gẫy với dáng điệu không mấy tự tin). Khi đi đến cây cầu, tôi dõng dạc hỏi thằng Mỹ: ''Xe của chúng tôi qua cầu được không ?''. Tụi Mỹ không trả lời câu tôi hỏi. Một thằng Mỹ trắng to lớn đi về phía tôi. Nó lớn giọng nói với tôi: ''Con cóc ''. Tôi không hiểu nó nói gì. Tôi nói với nó: ''Tôi không hiểu''. Nó tiến đến gần tôi, nó lớn tiếng nhắc lại: ''Con cóc''. Tôi thật sự lúng túng. Lúc ấy tôi mới thấy dốt tiếng Anh thật tai hại. Bỗng nó chụp lấy vai tôi. Nó lôi tôi lên chỗ đất cao hơn. Mặt tôi tái đi. Tôi như một con nhái bị một con rắn lồng tha đi. Nó hất hàm nhìn tôi nói lớn: ''Con cóc ''. Bọn lính Mỹ ngừng công việc. Chúng nhìn xem thằng bạn chúng làm tình làm tội tôi. Chúng cười ha hả. Một vài thằng nói lớn: ''Con cóc ''. Bỗng thằng Mỹ rút cây súng colt. Một tay nó vẫn giữ vai tôi, một tay nó lên đạn. Nó chĩa súng vào đầu tôi. Bọn Mỹ đang cười bỗng im lặng. Cái im lặng để chờ đợi một điều bất hạnh xẩy ra. Lúc ấy tôi bình tĩnh lạ lùng. Tôi đưa mắt nhìn lên trời xanh và những cụm mây trắng, tôi đưa mắt nhìn xuống biển xanh thật êm ả, tôi đưa mắt nhìn về vịnh Thanh Bình xa xa, bờ biển ngày thơ ấu của tôi. Bỗng tôi đưa tay vào túi quần, tôi rút ví, lấy thẻ căn cước và đưa cho thằng Mỹ. Thằng Mỹ nhìn căn cước rồi nhìn tôi. Nó buông tôi ra, vỗ vai tôi và nói: ''Ok,Ok''. Bọn Mỹ cười ha hả, chúng trở lại với công việc của chúng. Tôi hỏi thằng Mỹ: ''Xe của chúng tôi có thể qua cầu được không ?'' Thằng Mỹ cười: ''Yes''. Tôi vẫy tay ra hiệu cho bác tài lái xe lên. Tối hôm đó chúng tôi có mặt tại Huế. Quý vị thấy, chỉ vì tôi hiểu lầm rằng thằng Mỹ nói tiếng Mỹ, nhưng thật ra nó lại nói tiếng Việt mà khiến suýt nữa tôi mất mạng trên đèo Hải Vân. Thằng Mỹ chỉ muốn xem thẻ căn cước của tôi. Vậy mà tôi tưởng hắn nói con cóc là một danh từ tiếng Mỹ mà tôi không biết nghĩa. Trước đây nửa tiếng đồng hồ Đại Tá Tường tưởng lầm tôi là nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang mà tôi có duyên được làm việc cùng quý vị tại phòng Hướng Dẫn Sinh Hoạt. Tôi tự giới thiệu tôi là Nguyễn Đức Quang nhưng không phải là nhạc sĩ danh tiếng Nguyễn Đức Quang.''
Trong phòng gọi tôi là Quang A vì tôi vào làm việc trước, còn gọi Quang là Quang B vì Quang vào làm việc sau. Các cô coi tôi như người anh và gọi tôi bằng anh Quang. Các cô thì coi Quang như bậc thầy và gọi Quang là Thầy Quang. Cách đối xử của các cô với Quang có phần cung kính và nể nang, trọng vọng hơn là đối với tôi. Thời gian phục vụ tại Cục Chính Huấn, tôi thường được các cô mời dự sinh nhật, các buổi họp mặt bạn bè, gia đình. Không khí làm việc tại Phòng Sinh Hoạt rất là thân tình và vui vẻ. Tôi làm việc tại Cục Chính Huấn, mẹ tôi rất lo lắng. Mẹ tôi sợ con dâu tương lai của bà sẽ là cô ca sĩ chính huấn. Thấy tôi gói quà để đi dự sinh nhật, hay dự tiệc gì đó của các cô ca sĩ chính huấn, mẹ tôi thường nhắc tôi: ’"Cẩn thận đấy nghe con, vướng phải ca sĩ thì khổ vào thân". Mẹ tôi là phụ nữ Việt Nam cổ nên vẫn còn quan niệm xướng ca vô loài. Nhưng theo tôi các cô cán bộ Chính Huấn này rất đàng hoàng và tình nghĩa. Tôi biết các cô có chồng và gia đình đều rất đàng hoàng vững vàng … Nếu có gia đình nào không ổn thì nguyên nhân là từ phía ông chồng gây ra cả. Phòng Hướng Dẫn Sinh Hoạt không lớn nhưng rất nhiều nhân viên, cả sĩ quan và cán bộ có tới trên năm mươi người. Là một một đơn vị nhỏ trong Cục Chính Huấn, nhưng công tác họ thực hiện đã nâng Cục Chính Huấn lên một mức rất hãnh diện thời đó. Tôi không ở lâu tại đây, tôi cũng không nghe Quang Du Ca khoe những thành tích đóng góp của hắn cho đơn vị Chiến Tranh Chính Trị này như thế nào. Tôi chỉ biết hắn rất đươc mọi người trong Cục Chính Huấn quý mến. Không những các cô cán bộ phục lăn cái tài sinh hoạt của hắn mà cả các sĩ quan từ trưởng phòng tới trưởng khối và cả cục trưởng đều “cưng” hắn ra mặt. Sau này một lần hắn có kể cho tôi nghe cái mức độ “cưng” đó như thế nào.Trở lại đơn vị lính đầu tiên của tôi là Cục Chính Huấn. Tôi không thể không đi xa ra đề tài đôi chút để nói về Cục Chính Huấn. Các cán bộ là thành phần khổ nhất vì họ không phải lính mà cũng không phải là sĩ quan. Họ chỉ là dân chính nên họ chẳng có quyền lợi gì, trong khi công tác thì rất cực nhọc, thường xuyên phải đi công tác xa Sài Gòn, theo chân các đơn vị tác chiến mỗi tháng chừng hai, ba tuần, sống không khác gì lính tác chiến. Khi di tản, phải nói là họ bị bỏ rơi vì chẳng có quyền lợi gì. Vậy mà sau 1975 tôi thấy họ đã làm được một việc hết sức ngoạn mục. Tại Mỹ nhân viên thuộc phòng Chính Huấn thỉnh thoảng tập họp vui chơi ăn uống là một việc tốt nhưng bình thường. Tại Việt Nam nhân viên phòng Chính Huấn còn liên lạc được với nhau để thăm hỏi, giúp đỡ nhau là một việc làm thật đáng quý và đáng phục. Chính Huấn, Chiến Tranh Chính Trị, An Ninh Tình Báo, Nhân Viên Biệt Phái là thứ ác ôn, tôi học được điều này ngay ở trong tù. Tôi là một trung úy, nhưng vì tôi là trung úy trung đội trưởng trung đội Tâm Lý Chiến nên phải ngồi tù hơn sáu năm… Vậy mà ngày nay các cán bộ Chính Huấn trong nước và ngoài nước đã liên lạc với nhau, thăm hỏi nhau và giúp đỡ nhau rất tận tình. Điều này làm chính tôi cũng kinh ngạc lẫn xúc động.
Cách đây vài tháng Quang điện thoại cho tôi. Quang hỏi tôi: ”Mày có biết tin thằng Hoài chết chưa?”. Hoài là đại úy chánh văn phòng Cục Trưởng Cục Chính Huấn. Quang kể cho tôi nghe về cái chết của Hoài. Hoài chết thật lạnh lùng, một cái chết mòn mỏi, kéo dài và cô đơn. Vợ con mệt mỏi nên bỏ bê chẳng ai còn sức đoái hoài. Trước ngày Hoài chết có ba người cùng đơn vị cũ thiếu tá Nguyễn kế Nghiêu, đại úy Lê minh Đức, đại úy Nguyễn văn Ruy đến thăm. Ba người nhìn Hoài nằm bất động, thân hình gầy đét trên chiếc giường trong phòng vắng vẻ, chờ ngày ra đi mà nước mắt chẩy dài. Đau khổ nhất là bà mẹ già của Hoài. Hoài được đi Mỹ chắc hẳn bà cụ hy vọng thằng con trai sau này nếu không bảo lãnh bà qua Mỹ để bà được sống bên con cháu thì cũng gởi ít tiền cho bà sống bớt khốn khó ở quê nhà. Vậy mà từ ngày Hoài đi cho đến lúc qua đời, có lẽ vì bất đắc chí với cuộc sống, Hoài đã không làm được điều gì ưng ý. Nhóm Chính Huấn ở ngoài hỏi địa chỉ của bà cụ thì chỉ biết bà cụ vẫn còn sống ở Nha Trang. Ở ngoài bèn liên lạc với trong nước. Lập tức có người lặn lội ra Nha Trang và tìm được bà cụ. Bà cụ cầm phong thư tiền nhưng không phải tiền của con trai. Niềm đau khổ nào lớn hơn ? Tôi nói với Quang: ’’Thằng này thật quá đáng, có mẹ già mà không chịu sống để nuôi bà mà lại chết đi. Thật là giận’’.
Năm 1995 tôi và vợ tôi đưa thằng con trai đi Cali. Mặc dù lúc bấy giờ chúng tôi còn khó khăn, nhưng chúng tôi cố gắng cho thằng con trai được hưởng cái mơ ước của tất cả các trẻ em Mỹ cùng tuổi với nó. Đó là đi xem Disney Land, Studio Hollywood, Sea World, San Diego Zoo. Chúng tôi nghĩ rằng vài ba năm nữa, nó đi Disney Land thì cái thú vị mà nó được hưởng sẽ không trọn vẹn bằng lúc mới mười hai tuổi. Chuyến đi đó, chúng tôi được Thiếu Tá Nguyễn kế Nghiêu mời tới ở nhà của ông ta. Trung Úy Nghiêu đến làm việc tại Phòng Sinh Hoạt sau tôi sáu tháng. Tôi chỉ làm việc với ông chỉ trong vòng có sáu tháng rồi tôi bị đưa ra Pleiku. Đến phi trường Los, chúng tôi đứng chờ hơn nửa tiếng mà cũng chưa thấy Thiếu Tá Nghiêu đến đón. Thằng con tôi hỏi: ”Bố còn nhớ mặt ông ấy không?”. Một tiếng sau anh Nghiêu chạy đến. Chúng tôi nhận ra nhau ngay. Anh Nghiêu nói: ’’Tôi chờ ông hơn một tiếng đồng hồ ở tầng trên’’. Nỗi lo của tôi tan biến. Anh Nghiêu không đến thì tôi làm sao tôi trả lời vợ con tôi về những điều tôi nói về tình nghĩa của nhân viên Cục Chính Huấn. Chúng tôi được vợ chồng anh Nghiêu tiếp đón rất thân tình. Anh Nghiêu còn tổ chức một buổi họp mặt cựu nhân viên Phòng Sinh Hoạt Cục Chính Huấn tại nhà Quang. Hôm đó tôi gập những anh em tôi biết mặt và cả những anh em tôi chưa biết mặt. Chúng tôi nói chuyện rất thân mật và chan hòa với người quen và những người mới quen.
Trớ trêu tôi vừa kể làm cuộc đời tôi lao đao thì trớ trêu sau đây khiến tôi suýt mất vợ. Năm 1970 tôi hứa hôn với một cô gái Huế. Người vợ chưa cưới của tôi học năm thứ nhất tại Đại Học Luật Khoa Huế. Một số rất ít người ở Huế không thích Quang đã có ý kiến với người vợ chưa cưới của tôi về việc định lấy tên Nguyễn Đức Quang. Vợ chưa cưới của tôi phải đính chính rằng tôi không phải là anh chàng Nguyễn Đức Quang nhạc sĩ. Số ít người này cho rằng phong trào Du Ca là của chính quyền. Nhưng thực sự không phải. Quang có nhiều bài hát tố cáo những thối nát của xã hội miền Nam còn mạnh hơn cả những Tôn Thất Lập, Trịnh Công Sơn như những bài Ruồi Và Kên Kên, Bọn Lái Buôn Ở Khắp Nơi, Chuyện Buồn Bé Năm, Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Chuyện Quê Ta… Sinh viên tranh đấu Huế đã dùng bài NỖI BUỒN NHƯỢC TIỂU để khích động lòng yêu nước của đồng bào Huế, Phât Giáo tranh đấu Huế đã bùng lên sau khi nghe Quang hát bài VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG NGẠO NGHỄ. Sau này đi tù cải tạo tôi mới biết rằng: ''Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa. Ai không yêu chủ nghĩa xã hội là không yêu nước.'' Một lý luận hết sức ngây ngô và độc đoán. Lời kể của nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu làm tôi hiểu rõ hơn tại sao người Cộng Sản không ưa Phong Trào Du Ca. Nhạc sĩ Ngô mạnh Thu là một nhân vật nòng cốt của phong trào Du Ca. Anh là người thay Quang giữ chức Trưởng Xưởng của phong trào Du Ca. Nhạc sĩ Ngô mạnh Thu kể :''…….Vào một đêm cuối năm 1975, tôi nhận được một thư mời đi dự một buổi hội thảo về đề tài Văn Nghệ Với Chế Độ Thực Dân Mới. Thư mời do ông Lưu Hữu Phước, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Âm Nhạc Việt Nam ký. Thuyết trình viên hôm đó là ông Tô Hải, phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu Âm Nhạc Việt Nam. Ông Tô Hải đã nói rằng: ’’Có bốn nhóm Văn Hóa Văn Nghệ là sản phẩm của chế độ thực dân mới. Bốn nhóm đó là :
1. Nhóm Tâm Lý Chiến: Nhóm này gồm tâm lý chiến quân đôi, tâm lý chiến dân sự, xây dựng nông thôn. Nhóm này nói dối nhân dân để lôi cuốn họ theo đế quốc Mỹ.
2. Nhóm Nhạc Trẻ: Nhóm này được dựng nên để tha hóa, sa đọa hóa thanh niên
3. Nhóm Dân Tộc Giả Hình: Gồm những nhóm văn nghệ phục hưng âm nhạc cổ truyền
4. Nhóm Du Ca
Ba nhóm Tâm Lý Chiến, Nhạc Trẻ, Dân Tộc Giả Hình không đáng kể. Riêng nhóm Du Ca rất nguy hiểm. Thứ nhất là bọn Du Ca đã dùng đúng chiến thuật của ta (Việt Cộng) là chiến thuật Đồng Khởi. Trong vòng từ năm 1965 đến 1967, chỉ hai năm từ một nhóm chỉ có sáu bẩy người đã phát triển thành gần ba mươi đơn vị khắp miền Nam. Thứ hai về kỹ thuật thì nhóm Du Ca không cần sân khấu. Chỗ nào nhóm này cũng dùng làm sân khấu được. Nhóm Du Ca không dùng đến dụng cụ âm nhạc cồng kềnh như trống, đàn điện. Họ chỉ dùng đàn guitar nhẹ nhàng. Thứ ba là đội ngũ sáng tác của nhóm này rất hùng hậu …’’
Nhưng theo tôi không phải những lý do mà ông Tô Hải đưa ra khiến cho Việt Cộng liệt nhóm Du Ca là sản phẩm văn hóa văn nghệ nguy hiểm của thực dân mới. Chỉ có lý do duy nhất mà Việt Cộng không ưa Du Ca là Du Ca không chịu xóa tên và nhập vào nhóm Cộng Đồng Thiên Tả của Tôn Thất Lập. Nghĩa là nhóm Du Ca không chịu theo Cộng Sản.
Đó là hai trục trặc lớn do sự trùng tên trùng họ với hắn gây ra, nhưng không phải chỉ có thế, những truyện hiểu lầm lặt vặt xẩy thì rất nhiều và miên man cho đến bây giờ vẫn chưa dứt, nên thỉnh thoảng tôi vẫn phải đính chính muốn đứt hơi. Tôi nhớ năm 1964 là niên khoá đầu tiên của chúng tôi tại trường CTKD. Lúc đó thì Quang chưa nổi tiếng. Để phân biệt tôi và Quang thì trong lớp gọi tôi là Quang Hà Nội còn hắn là Quang Sơn Tây. Lý do là tôi sinh tại Hà Nội, còn Quang sinh tại Sơn Tây. Tôi rất bằng lòng tên bạn bè đặt cho chúng tôi vì Hà Nội thì oai hơn Sơn Tây. Đến năm thứ hai bỗng Quang nổi tiếng. Hắn trình làng ban Trầm Ca rồi Du Ca tại giảng đường Spellman, giảng đường Thụ Nhân. Trong hai buổi trình làng có cả đại nhạc sĩ Phạm Duy đi hát với hắn. Bạn bè không gọi hắn là Quang Sơn Tây nữa mà gọi hắn là Quang Du Ca. Từ tỉnh Sơn Tây nhỏ bé hắn bước lên không gian to lớn là cả nước. Còn tôi thì ngược lại từ một Hà Nội thanh lịch, Paris của phương Đông, tôi bi đẩy xuống chốn của những tên cờ gian bạc lận. Bạn bè trong đại học xá đặt cho tôi tên mới: Quang Già Cơ. Từ đó bạn bè gọi hắn là Quang Du Ca nghĩa là hắn vẫn còn giữ được tên cha mẹ đặt cho: ''Quang.'' Còn tôi thì bạn bè quên hẳn tên Quang của tôi. Gọi tôi đi ăn cơm: ''Già Cơ đi ăn cơm'', gọi tôi đi chơi: ''Già Cơ đi ra phố không ?'' ; gập nhau ngoài phố: ''Ê Già Cơ '' …. Từ nay tôi là Già Cơ không còn là Quang nữa. Giống như thời thơ ấu tại xóm ga Đà Nẵng, tôi là thằng Cu Đen không còn là thằng Quang. Ai đến xóm ga Đà Nẵng hỏi nhà thằng Quang ở đâu thì có lẽ ít ai biết, nhưng nếu hỏi nhà thằng Cu Đen ở đâu thì mọi người chỉ được ngay, kể cả những người lớn.
Qua đến Mỹ, bạn bè quên hẳn trong lớp CTKD I có hai thằng Nguyễn Đức Quang. Mỗi khi điện thoại cho chúng, tôi lại phải nhắc cho chúng nhớ: ''Tao là Quang Già Cơ đây''. Khi gia nhập THUNHAT.NET tôi nhận được nhiều điện thư nồng nhiệt thăm hỏi hết sức thân tình. Có điện thư hỏi đang ở Cali sao lại bỏ đi lên xứ mưa dầm, mưa dề và đi khi nào? Có điện thư mong được nghe lại những bài hát ngày xưa như BÊN KIA SÔNG, NỖI BUỒN NHƯỢC TIỂU …, có điện thư viết ông đại nhạc sĩ sao ông lặn sâu thế, bây giờ ông mới chịu trồi lên … Tôi nghĩ mình phải làm sống lại cái tên Già Cơ trong nhóm cựu sinh viên Đà Lạt. Thế là tất cả điện thư tôi gửi đi, tôi đều ký tên Quang Già Cơ. Phương pháp này quả là rất hiệu nghiệm. Mọi người nay công nhận có một Nguyễn Đức Quang Già Cơ. Nhưng cũng có một điều không mấy tốt đẹp xẩy ra cho tôi từ cái tên Già Cơ ấy. Mặc dầu Châu Tấn Xuyên đã đưa ra một lý do tuy không đúng sự thật, nhưng cũng không kém hấp dẫn rằng: ''Mặt anh Quang này giống hình già cơ trong bộ bài tây, nên anh em đặt là Quang Già Cơ để phân biệt với anh Quang kia là Quang Du Ca'', Phần đông anh em vẫn cho tôi là tên cờ bạc gạo nên mới bị đặt tên là Già Cơ. Tôi nhận được điện thư của một anh khoá 8 viết rất là thách thức: ''Em sẽ lên Seattle gập anh với một bộ bài. Được đụng với cao thủ đàn anh là một mơ ước''. Phan Bá Phi trong một loạt bài viết để tâm tình với Cha Lập (Linh Mục Nguyễn Văn Lập, viện trưởng Viện Đại Học Đà Lạt thời chúng tôi) lúc ngài sắp qua đời có đoạn viết: ''Ở Seattle của chúng con có anh Quang Già Cơ. Sở dĩ anh em đặt anh là Già Cơ vì anh đánh phé nhiều hơn học bài. Xin cha tha tội cho anh ấy và xin cha tha tội cho mọi lỗi lầm của tất cả chúng con …''. Nhưng hai truyện sau đây còn cho thấy mọi người còn có những ý tưởng ghê ghớm hơn nữa: Người ta hình như không muốn ai có tên Nguyễn Đức Quang ngoài hắn. Truyện thứ nhất là vợ chồng tôi và vợ chồng ông Trần Văn Đức (ông Đức là bà con vai cậu của vợ tôi) đi PortLand dự đám cưới con trai chị Bùi Thị Ngọc Nga (bạn cùng lớp ở Viện Đại Học Đà Lạt). Buổi tiệc tan sớm nên chúng tôi nhận lời mời của vợ chồng người bạn với ông cậu vợ tôi là nhạc sĩ Từ Công Phụng đến chơi nhà ông ta. Nhạc sĩ Từ Công Phụng tặng chúng tôi hai CD nhạc của ông. Viết lời tặng cho cậu mợ tôi xong, ông Phụng hỏi tôi: ''Xin lỗi anh tên gì để tôi viết lời tặng''. Tôi trả lời: ''Tôi tên Nguyễn Đức Quang '' Ông cậu vợ tôi buột miệng xác định ngay: ''Nguyễn đức Quang giả hiệu ''. Câu truyện thứ hai: Năm 2002 vợ chồng tôi đi dự trại THẲNG TIẾN 7 ở Houston. Tại cổng trại có dựng một bảng chương trình lớn. Tôi nói với vợ tôi: ''Tối mai được nghe thằng Quang và Nguyệt Ánh hát ''. Chúng tôi vào văn phòng để làm thủ tục nhập trại. Trưởng Kim Thoa hỏi tôi: ''Tên họ của trưởng ?'' Tôi vừa trả lời: ''Nguyễn Đức Quang''. Mọi người chung quanh nhìn tôi. Một trưởng đưa tay trái ra cho tôi. Tôi bắt tay một cách rất miễn cưỡng. Trưởng ấy còn nói: ''Các em Thiếu đoàn tôi hát nhiều bài hát của Trưởng. Tôi sẽ nói với các em: Tối mai các em sẽ được nghe chính tác giả hát …'' Tôi nói: ''Thưa Trưởng tôi chỉ biết rống chứ không biết hát. Tôi không phải là Trưởng Quang nhạc sĩ. Tôi chỉ trùng tên họ với Trưởng Quang thôi ''. Hôm đó xui xẻo cho tôi và nhiều người khác là ban điều hành trại không tìm thấy đơn xin dự trại và check đóng trại phí của chúng tôi. Chúng tôi phải chờ nhân viên ban điều hành tìm trong đống hồ sơ không mấy ngăn nắp, trong căn phòng nhỏ và đầy người ra vào. Mỗi lần tôi được ban điều hành hỏi tên là hầu như mỗi lần tôi phải hô to tên mình lên và kèm theo một câu đính chính. Từ đó, trong phòng nhiều người được biết tôi là ''Nguyễn Đức Quang giả hiệu''. Rôì tôi được nhân viên trại hỏi tên. Lại có một trưởng mới tới vừa bước vào thế là lại hiểu lầm. Tôi chưa kịp đính chính thì một trưởng đứng gần nói: ''Biết rồi khổ lắm nói mãi''. Tôi nói với trưởng Kim Thoa: ''Trưởng cứ cho tôi nhập trại và nhận chỗ, chiều nay tôi sẽ trở lại '' Trưởng Kim Thoa bằng lòng cấp cho tôi giấy nhập trại tạm. Chúng tôi vào trại và tôi thoát được cảnh "Biết rồi khổ lắm nói mãi" vì cái miệng luôn phải trả lời.
Tôi gập nhiều cái trớ trêu đã đành. Hắn cũng gặp một trớ trêu chỉ vì trùng tên với tôi. Theo trí tưởng tượng của tôi nếu hắn không gập may mắn thì đời hắn đã tàn và có khi hiện nay hắn phải bị giam trong nhà thương tâm thần nào đó. Truyện này do chính hắn kể trước mặt tôi và bạn bè Đà Lạt. Hôm 16 tháng 8 năm 2003 tôi tổ chức một tiệc đón tiếp hắn tại nhà tôi. Hôm đó Hoàng Minh Châu khoá 10 CTKD nói :'' Em nghi lắm anh Quang à. Em nghi chỉ có một người đi thi thôi '' Quang nói liền: ''Thôi cha nội đừng có khơi lại nỗi đau khổ của thằng già này nữa”. Hắn nói tiếp: ”Thi xong cuối năm thứ ba, tôi điện thoại lên Đà Lạt hỏi kết quả. Mấy thằng bạn trả lời ngon lành: "Đậu rồi, đậu hạng hai, cứ vui chơi ca hát cho thỏa thích". Tuần sau nghĩ lại, mình làm bài kỳ này có gì xuất sắc lắm đâu mà đậu á khoa. Tốt nhất là điện thoại hỏi lại cho chắc ăn. Mấy thằng bạn trả lời :'' Hỏi hoài vậy cha nội. Chắc chắn rồi, tụi này coi đi coi lại. Nhân viên văn phòng cũng xác nhận mày đậu. Lo sáng tác đi ". Hơn một tháng sau, nhận điện thoại của ông bà già: ''Về Đà Lạt gấp. Tên trên bảng vàng là tên của thằng Quang khỉ gió nào, chứ không phải là mày đâu". Về đến Đà Lạt đúng là ngày chót hết hạn ghi danh thi kỳ hai. Vôi vàng then cài đóng cửa, thức đêm thức hôm, dùi kinh mài sử ". Tôi tưởng tượng rằng nếu ông bạn nào của tên Quang không phát hiện sự lầm lẫn đó kịp thời, rồi báo cho ông bà già hắn biết thì đời hắn có thể rất thê thảm. Hắn sẽ bị ở lại năm thứ ba. Người yêu hắn là Nguyễn Thị Minh Thông đương nhiên trở thành đàn chị hắn. Ở đời chỉ có đàn anh yêu đàn em, hiếm khi đàn chị yêu đàn em. Nên nàng sẽ cho chàng de. Hắn sẽ đi lang thang và làm những bài nhạc vàng khè để trách móc người tình phụ bạc. Những bài nhạc sến này làm sao hợp với phong trào Du Ca mà hắn là giáo chủ. Đại hội Du Ca sẽ đồng thanh truất phế hắn và tôn một tân giáo chủ mới cho phong trào. Dĩ nhiên tôi sẽ phải vào nhà thương Chợ Quán để tạ tội với thằng bạn trùng tên họ vì dù sao tôi cũng là một phần nguyên nhân gây nên thảm cảnh này. Nhưng may mắn cho hắn là điều tôi tưởng tượng không xẩy ra. Ngày nay con cái hắn đã công thành danh toại, gia thất ổn định. Tình duyên của hắn với Nguyễn Thị Minh Thông bền chặt, đằm thắm.
Đã mang cái nghiệp vào thân Nguyễn Du
Hắn mang nghiệp hát xướng vào thân từ ngày còn thơ ấu. Ông thân sinh của hắn làm hiệu trưởng một trường học ngoài đảo Côn Sơn, lúc hắn còn học tiểu học. Hai năm ngoài Côn Đảo, bạn của hắn là những người tù. Ông cụ tìm những người tù giỏi toán, sinh ngữ và âm nhạc để dạy dỗ hắn. Những ông thầy dạy nhạc chẳng có ai là nhạc sĩ nổi danh. Sau khi vào đất liền, hắn tự học nhạc. Thời học trò ở Đà Lạt, hắn ở trong ban phụ trách một chương trình phát thanh của Hướng Đạo trên Đài Phát Thanh Đà Lạt. Những tháng đầu ban nhạc của hắn chỉ hát những bài hát Hướng Đạo của Hoàng Quý, Lưu hữu Phước … Sau này ban phát thanh cho hát cả những bài nhạc hắn sáng tác. Những sáng tác trong thời gian học trò này đa phần đã bị tiêu hủy sau ngày 30 tháng Tư, năm 1975. Hắn chỉ tìm được một bài hát mà hắn sáng tác trong thời gian này là bài Gươm Thiêng Hào Kiệt năm 1961. Bài này viết về ông thánh bổn mạng của Hướng Đạo Saint Georges.
Hắn kể lại trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Khi ông cụ thân sinh trao cho tôi cây đàn guitar sau khi tôi đậu trung học đệ nhất cấp để gọi là mừng cho cậu con. Chắc chắn cụ không nghĩ rằng mình đã làm một điều tai hại: Tôi cứ thế nhảy vào trò chơi âm nhạc. Chỉ sau mùa hè ấy, tôi vào trường Trần Hưng Đạo, đang từ một học sinh xuất sắc của thành phố, tôi thành ông trưởng ban văn nghệ trường trung học này. Có nghĩa là tôi giảm thiểu tối đa việc học, dành tối đa cho việc đàn hát và còn lõm bõm viết nhạc. Chính trong hai năm trời ở đây, tôi viết mấy chục bản nhạc hầu hết là tình ca. Tiếc rằng tôi chỉ dấu dấu giếm giếm, lâu lâu mới có dịp hát chút đỉnh cho bạn bè nghe, nhất là khi có dịp qua trường nữ. Đáng tiếc hơn nữa là tập nhạc này đã mất biệt cùng với rất nhiều bản thảo của một loạt nhạc dịch và nhiều loạt bài khác”.
Sự nghiệp sáng tác và xướng ca của hắn bắt đầu từ ngày ấy.
I. Chuyến đi Khai Phá
Năm 1965 Quang thực hiện một chuyến đi đầy liều lĩnh từ Đà Lạt đến Sài Gòn bằng xe đạp. Một mình đạp xe trên đoạn đường 325 cây số nhiều đèo lắm dốc thì chắc chắn phải có một cái gì thôi thúc để hắn đủ ý chí thực hiện chuyến đi táo bạo này. Hắn kể rằng: Những nhọc nhằn, khó khăn trên đường đi đã không để lại cho hắn ấn tượng hay dấu ấn bằng một buổi tối tại Sài Gòn, một buổi sinh hoạt văn nghệ tại nhà một nữ huynh trưởng Hướng Đạo. Người tham dự được phát một tập nhạc quay roneo hai bản trường ca MẸ VIỆT NAM và CON ĐƯỜNG CÁI QUAN của Phạm Duy. Người thì ngồi, người thì nằm quanh một cái máy AKAI. Máy Akai quay đi quay lại những đoạn bài hát của hai trường ca. Mọi người hát theo một cách say mê như điên, như cuồng. Hắn đi ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Một hình thức ca nhạc mới lạ, khác hẳn với những buổi trình diễn đại nhạc hội, những buổi phụ diễn văn nghệ trong một xuất chiếu phim mà chúng ta thường được xem lúc bấy giờ. Hình thức này mở đầu cho những buổi hát cộng đồng sau này. Hình thức đã lạ mà nội dung các bài hát hỡi anh đi đường cái quan, dừng chân đứng lại ….. đã rung động, đã làm hắn say mê. Hắn đã tìm được đúng cái sở trường của hắn, đúng cái mơ ước của hắn. Về Đà Lạt, Quang làm một màn trình diễn thật táo bạo. Một buổi chiều cuối năm 1965, hắn xách cây đàn guitar ra bồn hoa trước chợ Đà Lạt. Hắn đứng dưới cây cột điện của bồn binh và cất tiếng hát. Hắn hát một mình, hết bài này đến bài khác của hai trường ca MẸ VIỆT NAM và CON ĐƯỜNG CÁI QUAN. Hơn một trăm người đứng nghe hắn hát. Hắn hát say mê và người nghe cũng mê say nghe hắn hát. Một buổi trình diễn thật là tuyệt vời theo như hắn kể. Đó là đêm LỬA QUÊ HƯƠNG năm 1965, lần đầu tiên hắn hát một mình trước công chúng.
Hiện nay mơ ước của hắn là thực hiện những buổi hát cộng đồng cho đồng bào người Việt ở Hải Ngoại. Hắn đã thực tập hát cộng đồng ngay tại phòng khách nhà tôi. Vào buổi chiều năm 2000 tôi mời bạn bè đến nhà tôi để tiếp đãi hắn nhân dịp hắn lên chơi Seattle. Đi cùng với hắn có cả ba đại kiện tướng của phong trào du ca là anh Ngô Mạnh Thu, anh Nguyễn Thiện Cơ và một người nữ, Bác Sĩ Nguyễn Thị Nhuận. Lúc đầu chúng tôi ngồi nghe ban Du Ca hát. Sau đó thì chúng tôi cùng nhau hát. Chúng tôi rụt rè ngượng nghịu vì không quen hát và cũng vì đã luống tuổi giọng rè, hơi ngắn. Sau khi máy đã nóng, mọi người hát to như sợ bị người khác át giọng. Tiếng hát vang vọng gợi lại hình ảnh của thời quá khứ trước năm 1975:
Trời sáng tươi đã lên rồi
Trời sáng luôn trong lòng tôi
Cập mắt khô sau đêm dài
Tìm quanh đây một ngày vui
……………………………………….
(DƯỚI ÁNH MẶT TRỜI)
II. CHUYẾN ĐI LÀM NÊN LỊCH SỬ
Tôi gọi chuyến đi sau đây của Quang là chuyến đi làm nên lịch sử vì tôi chắc chắn sau này tên Quang sẽ có trong sử sách. Trong lịch sử âm nhạc tên hắn sẽ được nhắc đến trong một chương. Số lượng sáng tác của hắn chỉ sau có Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Chất lượng sáng tác của hắn lại nổi bật về thanh niên ca đã làm tỉnh thức và xúc động được cả một thế hệ thanh niên. Còn trong cuốn Lịch Sử Việt Nam thì ít ra cũng có hai ba giòng để nhắc đến hắn. Hắn là người sáng lập ra phong trào Du Ca. Phong trào của hắn đã tác động vào xã hội miền Nam lúc bấy giờ khiến thế lực Cộng Sản cũng như Tư Bản phải quan tâm. Lúc đầu thì lôi kéo phong trào đi vào quỉ đạo của mình. Sau này thì theo dõi canh chừng.
Hoàng Kim Châu, một trong những người tham gia từ ngày đầu và là một thành phần của Ban Trầm Ca, sống chung với Nguyễn Đức Quang ở Sài Gòn suốt thời gian đầu, kể về chuyến đi đó: ”… Những chàng trai trẻ rời thành phố sương mù lạnh lẽo về thủ đô để tìm cho họ những hình thái sinh hoạt mới mà họ khao khát được tham gia. Mặc dầu ở Đà Lạt những chàng trai trẻ này đã tham gia các hoạt động thanh niên xã hội. Họ đều là những Hướng Đạo Sinh ở vào tuổi Tráng với đường dài trước mặt đầy chông gai và thử thách. Họ muốn thực hiện châm ngôn của người Tráng Sinh là "Giúp Ích" nên họ đã thực hiện một chuyến viễn hành liều lĩnh có tính toán và từ đó cho đến mãi về sau, tiếng hát của họ đã vang khắp mọi miền đất nước và đã đánh động được con tim và khối óc của hàng vạn bạn trẻ, để hăng hái lên đường phục vụ tha nhân, và tạo sinh khí khiến cho cuộc đời đáng yêu hơn, mặc dù chiến tranh đã trở thành khốc liệt, và bi thảm trên mảnh đất thân yêu của miền Nam Việt Nam…”
Quang kể rằng sáu tên (Nguyễn Đức Quang, Hoàng Kim Châu, Hoàng Thái Lĩnh, Trần Trọng Thảo, Nguyễn Quốc Văn, ….) về đến Sài Gòn vào chiều ba mươi Tết và đi đến quyết định là dồn về một căn nhà thuê để sống chung với nhau. Nhưng đi đến căn nhà thuê chờ cả buổi mà chẳng có ai mở cửa. Cả bọn phải thuê xe ba gác chở đồ đạc đến nhà một người khác, một người mà họ chưa quen, nhưng sau này là một người đóng góp quan trọng trong việc hình thành Phong Trào Du Ca: Anh Hoàng Ngọc Tuệ, nhà ở đường Sương Nguyêt Ánh. Anh Tuệ là một dược sĩ, anh cho sáu thằng ở trong phòng bào chế thuốc, đúng hơn là căn phòng Lab, nơi thực tập của các sinh viên dược. Căn phòng này nằm phía sau nhà anh Tuệ. Bọn Quang ở căn phòng đó một thời gian, sau này lại dọn ra mái lầu của garage nhà này đến tận năm 1971. Thời gian sau, trụ sở Phong Trào Du Ca dời ra đường Lê Lai là nhà của anh Nguyễn Thanh Hùng …
Cuộc hội ngộ của sáu Tráng Sinh này, ban đầu lập nên một Toán Hướng Đạo, toán Sóng Việt. Toán có một bài hát chính thức là bài Sóng Việt. Bài hát mạnh mẽ tuôn tràn như những lớp sóng. Sóng dữ vơi những cái xấu: Bạo tàn, nghèo đói ngu dốt. Sóng hiền với con dân nước Việt. Tôi ngạc nhiên ở độ tuổi hai mươi, hai mốt mà sáu tráng sinh đã có những ý tưởng đội đá vá trời.
Sóng Việt về
Sóng Việt về
Trôi từ lẻ loi non cao xa xôi trôi mãi
Trôi từ lạch kinh trôi ra sông con
Rồi từ sông con trôi đi xa hơn về tới bể khơi
Sóng trôi trên Bạch Đằng
Sóng reo trên Nhị Hà
Trôi bao giấc mộng cuồng xâm của ngoại bang
Hồng Hà, Cửu Long Giang
Về ruộng đồng quê hương
Để từng thỏi đất biến ra thỏi vàng
Triều dâng sóng Việt trôi đi điêu tàn
Trôi đi những mảnh đời nát tan
Nghèo đói cơ hàn dốt tối ngu hèn
Sẽ tan tành trước làn sóng Việt Nam
Lời nhạc nhiều chất thơ êm đềm và mạnh mẽ của sóng biển.
Sau Toán trở thành ban Trầm Ca rồi giữa năm 1966 thì ra đời Phong Trào Du Ca được cấp giấy phép ngày 19 tháng 12 năm 1966 của Bộ Thanh Niên
III. CUỘC HÔI NGỘ LỊCH SỬ
Tôi gọi cuộc gập gỡ của Quang và nhạc sĩ Phạm Duy vào năm 1965 tại trại CÔNG TRƯỜNG THANH NIÊN TỰ DO tổ chức ở Thạnh Lộc Thôn, Thủ Đức là một hội ngộ lịch sử vì nhờ cuộc gập gỡ này mà ban Trầm Ca mau chóng được thành hình một cách chính thức. Sở dĩ tôi nói được thành hình một cách chính thức là vì từ khi sáu chàng TRÁNG SINH từ rừng Lâm Viên đi xuống rừng Gia Định thì đã thành hình một toán Hướng Đạo mà bên trong nó đã có những bài TRẦM CA. Nhưng toán TRẦM CA đó chưa chính thức ra mắt quần chúng cho tới sau cuộc hội ngộ lịch sử ở Thạnh Lộc Thôn này. Rồi phong trào DU CA được thành lập và hiện nay mối thâm tình của Quang và nhạc sĩ Phạm Duy vẫn bền chặt. Không biết sẽ có một điều gì xẩy ra nữa không trước khi nhạc sĩ Phạm Duy qua đời hay là phải chờ một cuộc hội ngộ khác của Quang với ai đó, chúng ta mới lại có một phong trào ca nhạc khác ? Tôi nghĩ sẽ không có một may mắn nào cho Quang và Phạm Duy nữa. Cuộc hội ngộ đó không những là một may mắn cho Quang và cho Phạm Duy mà may mắn cho cả dân tộc nữa. Tôi không nói quá đáng. Đó là sự kết hợp tuyệt vời. Kết hợp của những con người nghệ sĩ tài hoa sẵn sàng hiến thân cho đất nước, cho nghệ thuật. Kết hợp của một người từng trải trong cuộc sống lịch sử của đất nước và những thanh niên đầy sức sống đang khao khát một lý tưởng vào giai đoạn đó. Kết hợp của Tâm Ca và Trầm Ca và Những Bài Ca Khai Phá. Quang kể về cuộc gặp gỡ với nhạc sĩ Phạm Duy như sau: Năm 1965 Quang dự trại Công Trường Thanh Niên Tự Do tại Thạnh Lộc Thôn Thủ Đức. Chiều hôm đó trên sân khấu được dựng lên giữa cánh đồng, Phạm Duy đến hát 10 bài Tâm Ca cho hơn ba trăm thanh niên sinh viên tham dự trại. Đó là lần đầu tiên hắn nhìn thấy tận mắt người nhạc sĩ vĩ đại. Theo Quang kể lúc đó Phạm Duy chỉ mới xong có 7 bài Tâm Ca, còn thiếu ba bài. Nhưng những lời của mấy bài tâm ca này làm hắn run lên, bởi vì chưa ai nói với hắn những lời như vậy: ''Sáng nay vừa thức dậy nghe tin em gục ngã nơi chiến trường nhưng trong vườn tôi, vô tình đóa Tường Vi vẫn nở thêm một đóa…. Bao giờ tôi mới nói được những điều tôi ước mơ ". Hắn chăm chú nghe Phạm Duy nói chầm chậm để giảng giải, giải thích những bài hát trước khi ông ta hát. Hát được ba bốn bài, Phạm Duy mời trại viên lên hát để ông nghỉ. Các bạn Quang đẩy Quang lên sân khấu. Quang hát những bài của mình sáng tác như Đường Vào Công Trường, Về Với Mẹ Cha… Đến lượt ông đại nhạc sĩ sửng sốt. Có lẽ lâu lắm ông không được nghe ai hát những lời hát mạnh như vũ bão như vậy : “ Cùng đi xoay Hoành Sơn, cùng đi lay Trường Sơn, cùng đi biến rừng hoang ra lúa thơm … Vượt khơi ra đảo xa, lướt ngàn nước sóng nhà ta đắp bồi cho mẹ cha “ Sau buổi hát, Phạm Duy kêu Quang :" Này cậu kia lại đây tôi bảo. Từ nay mỗi thứ sáu hàng tuần các cậu đến nhà tôi. Chúng ta cùng hát, các cậu cho ý kiến về những sáng tác của tôi. Chúng ta sẽ nói chuyện về âm nhạc, về văn nghệ”. Quang kể lại là hắn sướng run cả người, thật là trúng số cũng không bằng. Hắn được một đại nhạc sĩ mà hắn mến phục mời đến nhà để nghe ông hát, lại còn được ông ta hỏi ý kiến về các nhạc phẩm ông ta mới sáng tác, bàn chuyện văn nghệ… Thật đúng là nằm mơ. Mỗi chiều thứ sáu tại căn phòng, trên lầu ba nhà của nhạc sĩ Phạm Duy trên đường Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận, những chàng trai Đà Lạt và Phạm Duy cùng hát với nhau bên máy Akai. Họ nghe Phạm Duy nói về nghệ thuật sáng tác, nghệ thuật vì nghệ thuật, nghệ thuật vì nhân sinh.v.v… Phạm Duy đề nghị nhóm trẻ hát những bài hát họ sáng tác, dĩ nhiên là những bài của Quang. Hôm ấy Quang mạnh bạo hát bài Nỗi Buồn Nhược Tiểu, một bài hát phổ từ thơ của một người mà anh ta chẳng quen biết, Nguyễn Văn Hoàn. Bài thơ này đăng trên tập san Lửa Việt của Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn năm 1964. Mãi khoảng năm 1971, 1972 Quang mới nhận được một lá thư của tác giả bài thơ. Bức thư đưọc viết từ Quân Trường Đồng Đế, Nha Trang. Trong thư, anh Hoàn hỏi có phải Quang đã phổ nhạc bài thơ của anh ta không? Quang xác nhận là đúng, nhưng cũng từ đấy hai người không có dịp liên lạc với nhau nữa. Khi Quang hát xong. Nhạc sĩ Pham Duy đến gần Quang. Ông đưa bàn tay run run nắm lấy cánh tay Quang. Quang xúc động vì lần đầu tiên hắn mới nhận được phản ứng đầy xúc động của một người nghe nhạc phẩm này. Từ ngày viết nhạc phẩm này cho đến lúc đó hắn chưa có dịp hát bao giờ. Phạm Duy nói với hắn: "Cậu viết thế này hay hết chỗ nói rồi. Hãy bỏ hết mọi việc và viết nhạc rồi đi hát với anh ". Phạm Duy quay qua nói với nhóm của Quang :" Từ nay các cậu đi hát với tôi. Tôi đi đâu, các cậu đi đó". Suốt ba năm trời sau đó, họ đi hát chung với nhau trên khắp các nẻo đường đất nước. Có hai chuyến đi vòng từ Bắc (Huế) vào Nam. Đó là thời kỳ cực thịnh thành hình những bài ca yêu nước ở miền Nam. Phạm Duy có 10 bài Tâm Ca, nhóm Quang có 10 bài Trầm Ca. Sau đó Phạm Duy có thêm Tâm Phẫn Ca và Nguyễn Đức Quang đã chuyển sang Những Bài Ca Khai Phá …
RA MẮT BAN TRẦM CA
Ban Trầm Ca thực sự ra đời ngày nào thì đến chính Nguyễn Đức Quang cũng không trả lời cho chính xác được. Quang chỉ nhắc lại được rằng: Đi theo Pham Duy hát một khoảng thời gian không lâu, chừng vài tháng thì hắn thấy cần phải có một cái tên chung cho nhóm. Lúc đó Phạm Duy đã hoàn tất 10 bài Tâm Ca, và Quang cũng viết gần đầy đủ 10 bài Trầm Ca. Thời gian này vào khoảng cuối năm 1965. Lúc bấy giờ Quang và các bạn trong nhóm tự hỏi tại sao không lấy tên Trầm Ca làm tên nhóm. Như vậy khi đi đầu trình diễn Phạm Duy hát Tâm Ca, còn ban hát này mang tên Trầm Ca thế là rất chỉnh. Nhưng có một người nói rằng Ban Trầm Ca chính thức ra mắt tại giảng đường Đại Học Văn Khoa. Anh Phạm Quốc Bảo, chủ tịch ban đại diện Văn Khoa thời gian đó, kể lại buổi ra mắt như sau. Năm 1965 một phái đoàn đại diện sinh viên viện đại học Nhật sang thăm Việt Nam. Ông tổng trưởng bộ Quốc Gia Giáo Dục giao trách nhiệm đón tiếp phái đoàn sinh viên Nhật cho ban đại diện Đại Học Luật Khoa và Đại Học Văn Khoa đảm trách. Anh Tô Lai Chánh, đại diện sinh viên Luật, dẫn sinh viên Nhật đi thăm những cơ sở của Viện Đại Học Sài Gòn, những cơ sở văn hóa nghệ thuật, kinh kế kỹ thuật, những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử… Ban đại diện Văn Khoa tổ chức một buổi văn nghệ tại giảng đường Văn Khoa. Ban Trầm Ca được mời đảm trách buổi văn nghệ đó. Đêm đó mục đích chính là để đón tiếp phái đoàn sinh viên Nhật và đồng thời cũng là đêm ra mắt của ban Trầm Ca. Rủi thay trước giờ trình diễn điện lại bị cúp. Họ quyết định thắp đèn cầy để soi sáng cho căn phòng chật ních người. Trời thì nóng bức, không có sân khấu, chỉ có một dàn bục thấp nơi giữa phòng, không có micro. Mọi người ngồi bệt trên sàn nhà. Ban Trầm Ca gồm sáu chàng trai và Phạm Duy đều mặc quần áo nông dân mầu đen, thật là kinh khủng trong ánh sáng loe loét của đèn cầy. Ban tổ chức vừa lo, vừa ngượng, nhưng mọi người thì lại tán thưởng vì cứ tưởng rằng ban tổ chức cố ý thắp đèn cầy thay vì dùng điện. Trong khung cảnh đặc biệt này mọi người không những đi từ ngạc nhiên sững sờ đến xúc động, hào hứng, say sưa nghe ban Trầm Ca hát mà còn nhiệt tình hát với ban Trầm Ca, với Phạm Duy, với Phương Oanh (thiếu nữ đánh đàn tranh và hát dân ca này đã trở thành toán viên của ban Trầm Ca trước ngày ấy). Đêm văn nghệ đó kéo dài ba tiếng đồng hồ. Sinh viên Nhật không muốn về. Họ nghe dịch lõm bõm về mấy bài hát, nhưng họ nói rằng họ bị kích thích vì lời ca lạ lùng và những ý nghĩa của các bài hát trong chương trình Tâm Ca, Trầm Ca và Dân Ca. Họ nói với anh Phạm Quốc Bảo rằng buổi trình diễn cho họ thấy xã hội miền Nam là xã hội tự do, cởi mở đầy tính nhân bản. Buổi trình diễn hôm đó đã gây một ấn tượng tốt về miền Nam cho phái đoàn sinh viên Nhật.
Quang nói về sự ra đời của ban Trầm Ca: ’’Vào năm 1965 trong thời điểm mà các sinh hoạt của thanh niên tại miền Nam bùng lên như những cơn bão lớn. Các trường, các hội đoàn, các tổ chức thanh niên lúc bấy giờ họ xúm xít nhau lại để muốn làm một cái gì cho xã hội, cho quần chúng, cho đất nước. Anh em trẻ rủ nhau nào là hướng về nông thôn, nào là lập những chương trình cứu trợ hoặc tổ chức những phong trào giáo dục thanh niên hoặc đi về làng xã để làm công tác xã hôi hoặc tổ chức hội thảo từ chính trị văn hóa cho đến rất nhiều thứ. Tôi chưa bao giờ thấy trong sinh hoạt thanh niên Miền Nam mà có một cao trào nhập cuộc lớn lao và toàn diện như thế. Lúc bấy giờ chúng tôi chỉ là một nhóm thanh niên mới bước chân vào đại học. anh em chúng tôi khoảng 5, 6 anh em ở Đà Lạt kéo nhau đi về Sài Gòn gồm những người ban đầu như là anh Hoàng Kim Châu, Hoàng thái Lĩnh, Trần trọng Thảo, Nguyễn Quốc Văn. Đến Sài Gòn chúng tôi lại kết hợp thêm với một số anh em khác như chị Phương Oanh, giáo sư dân ca quốc nhạc ở trường Quốc Gia Âm Nhạc.
Chúng tôi được tiếp xúc với anh Phạm Duy năm 1965 tại trại Thành Lộc Thôn cách Sài Gòn khoảng 10 cây số. Phạm Duy lần đầu tiên đến với sinh viên qua một trại lớn toàn quốc……như đã kể trên ……… …. Sau lần gặp gỡ tại Thành Lộc Thôn và hát chung với nhau vào thứ sáu tại nhà anh Duy, anh Duy và chúng tôi quyết định bắt đầu đi hát chung với nhau. Chúng tôi bỗng nhiên trở thành một ban hát. Chúng tôi đặt tên cho ban hát là ban Trầm Ca để đi hát chung với anh Duy. Anh Duy hát Tâm Ca. Chúng tôi hát Trầm Ca, những bài hát đầy sự suy nghĩ, những trầm tư của tuổi trẻ Việt Nam. Buổi trình diễn đầu tiên của Phạm Duy và nhóm ca hát ngo ngheo, nhưng lại vô cùng lôi cuốn này là do lời mời của Ban Đại Diện Cư Xá Nữ Sinh Viên Thanh Quan trên đường Hồ Xuân Hương. Trên thảm cỏ xanh mướt trước cửa cư xá, hàng trăm nữ sinh viên ngồi nghe một ông nhạc sĩ vĩ đại cùng với một nhóm thanh niên chưa có tên tuổi hát những bài không giống ai. Nhưng tất cả mọi người đã tê dại thẫn thờ nghe các bài hát, để rồi cùng họ hát lên với xúc động mạnh sau từng bài hát …”
RA MẮT PHONG TRÀO DU CA
Quang kể về sự ra đời của phong trào Du Ca :’’ … không thễ tưởng tượng sự đón nhận của các bạn trẻ nồng nhiệt đến như thế nào khắp tất cả các nơi từ Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Mỹ Tho, Nha Trang, Đà Lạt đều rần rần tạo nên một trào lưu người ta say mê loại nhạc mới mang nhiều nôi dung, trong đó có thông tin về đời sống, về những suy tư trước tình hình đất nước, về thân phận con người Việt Nam trong chiến tranh, trong hy vọng, cũng như trong thất vọng. Trầm Ca đưa ra những thông điệp quá hấp dẫn đối với họ. Trong một cơ hội lạ lùng thời đó, anh Hoàng Ngọc Tuệ, chủ nhà của ban Trầm Ca làm việc tại Nha Kế Hoạch của Bộ Thanh Niên dưới thời ông Võ Long Triều. Anh em kéo nhau vào giúp cho anh Tuệ một tay, mặc dù chúng tôi không phải là nhân viên hay công chức của bộ này. Anh Tuệ nghĩ ra một chương trình huấn luyện cho các đoàn thể thanh niên ở khắp bốn vùng và khu vực Sài Gòn. Huấn luyện thanh niên thì phải huấn luyện những gì, huấn luyện thế nào? Anh em suy nghĩ và đồng ý là huấn luyện cách sinh hoạt, cách làm sống tinh thần sống chung với nhau, học hỏi được nơi nhau và làm cho đám đông trở nên yêu thương nhau, chia xẻ với nhau, tức là một nghệ thuật tác động. Ban Trầm Ca được nhờ giúp huấn luyện phần chính. Các khóa huấn luyện Thanh Ca Tác Động ra đời dành cho các bạn trẻ, các trưởng của các đoàn thể, các trường học, lần lượt thực hiện ở khắp nơi …Năm khóa học chấm dứt vào cuối hè 1966, lập tức ý kiến đến từ các nơi đã ra ngoài dự tính của chương trình. Mọi người gửi về Ban Trầm Ca lời yêu cầu giúp họ tiếp tục làm công việc như Ban Trầm Ca…
Quang nói :’’Tự nhiên họ nẩy ra nhu cầu, chúng tôi cũng muốn hát như vậy, các anh hãy giúp cho chúng tôi có thể hát được các anh, giúp chúng tôi thành lập những nhóm để cùng hát với các anh. Họ viết thơ về yêu cầu như vậy, và họ đề nghị coi Sài Gòn là trung ương. Các anh lập một cơ chế gì đó, một tổ chức gì đó để giúp chúng tôi làm được như các anh. Chúng tôi suy nghĩ và cuối cùng đi đến quyết định giúp các anh em bằng cách lập ra Phong Trào Du Ca. Năm 1966 phong trào du ca ra đời. Đây là lần đầu tiên một phong trào thanh niên dùng ca nhạc văn nghệ làm sinh hoạt chính, một phong trào tự phát, tự dưỡng. Ngay từ đầu đã có ba mươi ba tỉnh trên miền Nam tham gia...”
Hoàng Kim Châu kể lại đêm ra mắt phong trào Du Ca: " … Do các sinh viên của Viện Đại Học Đà Lạt khởi xướng, cho nên khi quyết định thành lập phong trào Du Ca , và làm lễ ra mắt phong trào, các chàng trai đã trở về xin phép linh mục viện trưởng để tổ chức đêm văn nghệ ra mắt phong trào Du Ca tại giảng đường Spellman. Ngày 19 tháng 12 năm 1996 là ngày thành lập phong trào Du Ca. Đêm hôm đó tại giảng đường Spellman, rất đông quan khách, giáo sư, sinh viên và một số đông đồng bào Đà Lạt đã đến để nghe những sinh viên của trường hát với một bầu không khí vui khoẻ, đầy ý thức và tình tự dân tộc. Trong cái lạnh cắt da của Giáng Sinh Đà Lạt, những ánh đuốc bập bùng kéo dài từ cổng Viện vào đến giảng đường do những anh sinh viên mặc đồ đen cầm đuốc soi đường. Ban tổ chức là một số anh chị em tự nguyện của trường Chính Trị Kinh Doanh Khóa I như Trần Văn Chang, Trần Văn Hùng, Trần Phú Hữu, Nguyễn Quang Tuyến, Trần Trọng Thức, Đoàn Công Chánh Phú Lộc, Trần Tiễn Tuấn, và các chị Trần Khánh Tuyết, Hoàng Lan Anh, Bùi Ngọc Nga … Ngoài các thành viên sáng lập phong trào, còn có sự hiện diện của các nhà thơ Đỗ quý Toàn, Trần dạ Từ, Nhã Ca, Viên Linh, Tú Kếu và nhà báo Nguyễn Ngu Ý cùng các anh Hoàng ngọc Tuệ, Đỗ Ngọc Yến, Hà Tường Cát trong giới sinh hoạt thanh niên đến dự … Ngoài sự yểm trợ tinh thần và vật chất của cha Viện Trưởng, còn có sự yểm trợ rất đắc lực của anh Phương Thảo, Đào Văn Hòa giám đốc cơ quan USIS Đà Lạt. Bẩy thành viên sáng lập trình diễn ca nhạc, kịch ngắn, thơ. Các nhà thơ Đỗ Quý Toàn, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Viên Linh, Tú Kếu đã diễn đọc những bài thơ "rất nóng" của chính họ cùng với tiếng đàn dương cầm của Thanh Thoại. Không khí ấm cúng, thân tình, chứa chan tình dân tộc qua các bài ca cổ, dân ca ba miền, và các sắc tộc, các bài nhận thức ca … khiến cho khán giả đa số là các anh chị em sinh viên nhận thấy rằng đang có một thứ văn nghệ lành mạnh, ý thức, mời gọi, thúc giục rất hợp với tâm tình của thanh niên lác ấy. Anh chị em sinh viên đã nhiệt tình cổ võ khích lệ. Cũng từ đêm hôm đó, những tiếng hát lời ca của sáu chàng trai Đà Lạt và các đoàn viên Du Ca mỗi ngày một lan rộng khắp mọi miền đất nước và không một bạn trẻ nào vào thời đó lại không một lần nghe đến hai tiếng Du Ca …"
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét