khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Cảnh Chùa Quê Tôi, Chùa Xưa và Nay -- Tác giả: Nguyễn Hữu Thời


Từ ngày tỵ nạn Cộng sản ở hải ngoại, tôi đã có dịp đi viếng nhiều cảnh chùa ở Mỹ, và các nước trong thế giớ tự do như Úc, Pháp, Canada. Bây giờ chùa ở các nước tự do, dân Việt tỵ nạn xây lên nhiều lắm. Mái chùa ngói đỏ và các góc mái thì cong vút lên như cung điện vua chúa thời phong kiến xa xưa ở bên Tàu, phía trước và phía sau chùa là “parking lot” rộng thênh thang, dành cho xe hơi khách thập phương, bổn đạo đậu, lại có những chậu lớn sắp thẳng hàng, giá cả ngàn đô-la, trong trồng những cây thông, cây hoa đắt tiền mua tại Mỹ hay gởi từ Việt nam sang.

Ngày rằm, ngày Tết, ngày lễ Phật Đản thiện nam, tín nữ đủ các lứa tuổi từ các nơi về rất đông. Áo lam, áo nâu xen lẫn những tà áo dài kiểu cọ, hoa hoè màu sắc rực rỡ, Tóc đen, tóc bạc hoà lẫn vào những đầu tóc nhuộm màu vàng, bạch kim giống như người da trắng Âu Mỹ; nhưng nét mặt là người Á châu. Họ ăn mặc thật sang trọng, tươm tất, kiểu cọ. Ngoài bãi đậu toàn là những xe hơi đắt tiền còn mới. Những buổi lễ lớn, càc Hòa Thượng từ các nơi về dự hơn cá trăm, ngồi thành nhiều hàng ghế phía trước danh dự, nét mặt các vị đạo hạnh nầy phương phi, nghiêm túc, đầy đặn, thỏai mái, thân hình nặng nề, khác hẳn với thầy Giải An năm xưa của tôi, khắc khổ, ốm o, gầy gò; nhưng thầy Giải An rất cởi mỡ, vui vẻ, nhanh nhẹn trong khi nói chuyện với bổn đạo, và sẵn sàng hướng dẫn đạo pháp cho mọi người đến chùa tìm hiểu.

Ở đây, những ngày lễ lớn, tôi thấy có nhiều vị dân cử, chức sắc được mời đến tham dự. Trước khi hành lễ có chào cờ Việt Mỹ, mặc niệm, và giới thiệu quan khách. Những ông quan khách nầy tươi cười đứng lên giơ tay chào mọi người. Có nhiều chùa còn tổ chức xổ số, ca nhạc thật sôi nổi, mời nhiều ca sĩ thời danh đến giúp vui, ca hát những bản tình ca ướt át, uỷ mị. Tiếng nhạc, lời ca vang lên lấn áp hẳn tiếng chuông chùa, tiếng mõ. Còn đâu những thanh tịnh, êm ả, nghiêm trang giống như chùa Qui Sơn quê tôi năm xưa.

Bên cạnh chùa có gian hàng bán các thức ăn chay. Món ăn là chay, nhưng người nấu họ chế ra bún riêu, bún bò giò heo, thịt kho, cá chiên, cá kho, lẫu cá v…v…Họ chỉ giả dụ như vậy để kích thích mắt người dùng nhưng cốt lõi thực phẩm vẫn là đồ chay. Hình ảnh đập vào mắt thường biến thành ý tưởng trong đầu óc người nhìn, có khi trở thành hành động của con người. Đã là ăn chay đâu cần phải chế giả ra con cá, khúc thịt. Những món ăn đó bổn đạo phải bỏ tiền ra mua. Bây giờ cụm từ “cơm Chùa, của Chùa” không còn ý nghĩa nữa. Tôi cũng không tìm thấy có cảnh chùa, và các thầy trụ trì giống như chùa Qui sơn, và thầy Giải An xa xưa ở quê tôi.

*

Nhớ lại hồi tôi mới lên mười tuổi, và đang học tiểu học ở trường làng Chánh Lộ, vừa hết niên học được nghỉ hè ba tháng, cha tôi liền gởi tôi lên ở chùa Qui Sơn, cạnh núi Thiên bút làm chú Điệu (chú Tiểu), để được học chữ Nho, học Phật pháp với thầy trụ trì là Hoà Thượng Giải An. Cứ mỗi năm như vậy, hễ đến hè là tôi lên ở chùa tới năm mười bốn tuổi, cha tôi mới bỏ hẳn thông lệ ấy.

Tôi nhớ rất rõ thường những đêm tối, khoảng chín giờ, trước khi thầy Giải An tụng kinh tịnh độ, tôi có bổn phận trải chiếc chiếu trước bàn thờ Phật, xong xuống bếp nấu ấm nước sôi, chế bình trà rồi rót ra những cái tách nhỏ, xong thận trọng, kính cẩn mang đặt lên trên bàn thờ Phật. Sau đó, chờ Thầy mặc áo thụng màu vàng xong, tay cầm tràng hạt, tôi vào trong phòng rước Thầy ra tụng kinh tịnh độ. Những giờ Thầy tụng kinh, tôi nghiêm chỉnh chắp tay ngồi bên trái Thầy, nghe tụng. Đoạn kinh nào tôi thuộc thì ê-a tụng theo, còn không thì ngồi im phăng phắc lắng nghe. Tiếng gõ mõ và chuông chùa cùng giọng điệu trầm trầm. bổng bỗng của Thầy như dẫn tôi vào cỏi hư vô, mông lung, xa vời, nhiều khi tôi tưởng như tiếng ru của mẹ đưa tôi vào giấc ngủ lúc nào không biết khi còn thơ ấu. Khi mở mắt ra, Thầy vẫn ngồi đó, và tiếng tung kinh, gỏ mõ vẫn đều đều. Tôi quên hẳn mình là người thường tục, và cảm thấy tâm trí như đang phiêu diêu vào cõi vô hình.

Những ngày rằm và mồng một, Thầy tụng thêm một xuất vào sáng sớm, và cả buổi trưa nữa. Những ngày đó, tôi bận rộn nhiều hơn vì phải dậy sớm hơn thường lệ, và chuẩn bị trà nước cho khách đến viếng chùa. Khách đến không nhiều chỉ năm bảy người thôi. Họ mang theo hoa quả lên cúng chùa. Họ là những người dân quê quanh chùa hoặc ở các làng lân cận hay từ ngoài phố thị đến.

Những giờ còn lại trong ngày, thầy Giải An cởi áo cà-sa màu vàng thay bộ đồ nâu rồi ra vườn sau cuốc đất trồng khoai lang, khoai mì, rau cải, nhổ cỏ. Có khi Thầy xuống ruộng làm cỏ lúa hay cùng với nông dân tát nước vào ruộng. Có những buổi trưa hè, gió mát hiu hiu thổi qua chùa, tôi ra vườn sau, khi đi ngang qua hàng hiên, thỉnh thoảng tôi thấy Thầy ngồi nơi cái ghế dựa xem quyển kinh Phật bằng chữ Nho trông vẻ kính cẩn, nghiêm túc. Thầy ăn uống rất đạm bạc, đơn sơ. Tới giờ cơm trưa. Thầy xuống bếp tự nấu cơm trong cái nồi bằng đất nung. Tôi phụ lặt vặt cho Thầy như rửa rau, múc nước, vo gạo, lấy củi. Món ăn thương là rau muống luộc, bông bí, cải, xà lách v…v… trồng sau vườn chùa, chấm với tương hoặc xì dầu. Thỉnh thoảng, Thầy nhờ bổn đạo mua thêm chao và đậu phụ từ ngoài chợ tỉnh.

Tôi theo cách ăn uống của Thầy nên sút cân thấy rõ. Vì vậy, tôi thường xuống xóm mua bánh bèo chiụ của ông Mẹo. Tôi ở chùa đến năm thứ hai, thấy Thầy Giải An nhận thêm anh Điệu Thư, người ở xã Nghĩa trang xin lên chùa học đạo và chữ Nho. Anh ấy lớn hơn tôi chừng bốn tuổi, nhưng người thấp, nhỏ con, khi chạy chiếc xe đạp, anh thường ngồi thụp xuống, nhiều khi nhìn xa không thấy anh, chỉ thấy chiếc xe đạp như không người lái chạy đến, khi đến gần, anh ngẩng đầu lên, tôi mới nhận ra. Mỗi lần anh cởi xe, anh nhảy thót lên như người ta nhảy lên yên ngựa. Anh thường chia bớt công việc lặt vặt với tôi, nên tôi có chút thời giờ rảnh xuống đồi, băng qua ruộng lúa, đến bên triền núi Bút chơi đánh trổng với đám chăn bò trong xóm hoặc trèo lên những cây trâm hái trái trâm hay đi dần lên tới gần đỉnh núi hái trái gắm hoặc thơ thẩn đứng nhìn xuống làng, xuống biển.

Biển xa chỉ thấy lờ mờ. Từ núi Thiên Bút tới biển, đường dài cỡ mười ba, mười bốn cây số chim bay. Có khi tôi ra vườn tưới nước mấy luống xà-lách, cải, cà chua hoặc quyét dọn, lau bàn ghế trong chùa v…v… hay ôn bài học chữ Nho. Tôi không thấy thầy Giải An đi đâu xa, những khi rảnh rỗi, thầy ngồi xem kinh hay ra sau vườn làm những công việc lặt vặt hoặc đi dạo xuống ruộng lúa.

Chùa Qui sơn cách tỉnh lỵ Quảng ngãi chừng hai cây số. Chùa nằm trên một cái đồi nhỏ, phía nam núi Thiên Bút, cách núi năm ba đám ruộng lúa. Bên phải chùa có cái miếu thờ thần, tôi nghe các người lớn nói, miếu nầy linh thiêng lắm. Thường nhừng đêm tối trời có ánh lửa trên trời xẹt vào trong miếu. Những bô lão thường bảo đó là thần giáng hạ vào miếu. Tôi có để ý theo dõi thì thấy có sao xẹt qua lại trên nền trời cao vời vợi, người ta gọi là sao băng chứ không thấy sao xẹt vào miếu. Mặt trước chùa xây hướng tây nhìn ra quốc lộ 1.

Nghe cha tôi kể lại, chùa nầy là của ông cố nội tôi dựng lên khi ông về trí sĩ, sau những năm dài làm thượng thư bộ hình ở triều đình Huế. Khi hưu trí, ông lên ở chùa một thời gian rồi mất. Trừ ra những ruộng công điền quanh đó, những thửa ruộng còn lại là của ông cúng cho chùa để làm kế sinh nhai cho các thầy trù trì. Chùa có giếng nước dưới chân đồi, tôi và điệu Thư thường xuống dưới đồi khiêng nước lên đổ đầy vào ảng. Khi chưa có điệu Thư thì một mình tôi gánh nước lên nhưng dùng thùng nhỏ hơn, và thời gian đổ đầy ảng lâu hơn.

Dưới đồi, sát quốc lộ 1 có quán bánh bèo của ông Mẹo. ông dáng người cục mịch, thô lỗ, cở năm mươi tuổi, đầu tóc bạc trắng, ông ăn nói chát chúa, rổn rảng nhưng tâm địa thật tốt. Tôi thường xuống mua chịu bánh bèo, ông vui vẻ bán, và thường có lời hỏi thăm sức khỏe cha mẹ tôi. Ông có cô con gái tên Tép; cỡ mười sáu tuổi. đầu tóc kẹp lại dài gần tới mông, thỉnh thoảng đến phụ việc cho cha, chảnh không chịu được. Những hôm nào cô ấy có mặt ở quán thì tôi như khỏi ăn bánh bèo chịu của ông Mẹo. Tôi phải về nhà xin tiền chị tôi để mua bánh bèo. Khi nhận mấy tờ bạc lẻ, cô Tép săm soi, xét nét, chê bai, bĩu môi, nói là tiền quá cũ, sờn góc, nhàu nát, rồi mới đưa bánh bèo cho tôi. Hôm nào tôi mua bánh bèo tiền mới thì cô phán một câu xanh dờn làm tôi giận tím người; nhưng ngậm tăm để lấy bánh bèo:

“Mầy lấy cắp tiền nầy ở đâu vậy?”.

Trong vườn chùa có trồng những cây ăn quả như cây vả, cây xoài, cây mít; đến muà cành trái sum sê. Những trưa hè, tôi thường ra vườn chùa, ngôi trên tảng đá dưới bóng cây nghe chim cu đất gáy rù rù hay tiếng ve kêu rộn rã. Có nhiếu lúc gíó mát hiu hiu thổi, tôi dựa vào gốc cây ngủ quên lúc nào không biết. Bên cạnh cổng chùa có cây bông ngọc lan, chừng vài chục năm tuổi, cành lá sum sê, hoa nở bốn mùa thơm ngát. Cảnh chùa thật rất tĩnh mịch, vắng lặng làm tâm trí con người như đi vào một cảnh huyền ảo, xa vời, mông lung, mênh mang, như dẫn ta vào một thế giới khác, không xô bồ, hổn độn đời thường. Ở đây, tôi không bao giờ nghe một tiếng động mạnh. Tất cà đều im lìm, lặng lẽ, tĩnh mịch. Thời gian như ngừng lại. Theo ý nghĩ thô thiển, đơn sơ của tôi, nếu những ai dưới xóm có điều gì phải tranh đấu, lo âu, khó khăn, khúc mắc thì nên lên chùa đứng tịnh lặng nhìn cảnh trí của chùa hay vào chánh điện thắp cây nhang cầu nguyện. Những điều ấy sẽ giúp mình giải tỏa đi phần nào phiền muộn, lo âu, không khác chi ngồi thiền.

*

Ở Việt nam bây giờ, cộng sản có tổ chức các sư gọi là “Sư Quốc Doanh” để lòe bịp thế giới và dân chúng cả tin là có tự do tôn giáo. Chúng gài độ cho những ông sư nầy xuất ngoại qua các nước Âu Mỹ, chỗ nhiều dân Việt tỵ nạn cộng sản định cư, quyên góp tiền bạc về xây chùa to hơn, và đầy đủ tiện nghi hơn.

Cộng sản cũng tổ chức những lớp học giáo lý nhà Phật, tuyển những ông sư trẻ tuổi, tròn trỉnh, và “good looking”. Những sư trẻ loại nầy phần lớn là những đoàn viên hay đảng viên cộng sản. Tốt nghiệp, cộng sản tìm mọi cách đưa sang Mỹ và các nước tự do Tây phương, nơi có nhiều người Việt định cư. Các ông sư nầy nằm trầm trong các chùa. Ban đầu, họ cũng hô hào chống cộng, hoan hô cờ vàng nhưng thời gian họ rỉ rả tuyên truyền có lợi cho cọng sản. Đó là “ Khổ Nhục Kế” của cộng sản thường dung, người dân quê chúng tôi thường gọi đó là “bọn Nằm Vùng”.

Tôi cũng có xem những đoạn phim ngắn (youtube) từ Việt Nam gởi sang thấy thật lạ lùng! Các thầy chùa “Quốc Doanh” mặc áo cà sa đi chân đất, hai tay bưng bình bát khất thực; phật tử cung kính bỏ thức ăn hay tiền bạc vào bình bát; nhưng tối về họ cởi áo cà sa treo lên vách tường, mình trần trùng trục ngồi với nhau nhậu rượu thịt, trao đổi với nhau những ngôn từ như dân giang hồ thứ thiệt, không giống như người tu hành chân chính.

Một đọan phim khác cho thấy có ông sư thật trẻ, mặc áo cà sa màu vàng đứng hát nhạc chế khôi hài, nghe thật lố bịch, bổn đạo ngồi sắp hàng ở dưới đất vỗ tay hoan hô.

Năm vừa qua, tại một tiểu bang kia ở Hoa Kỳ có một ông thầy tu từ Việt nam mới sang, ông mua một căn nhà, có sân trước vườn sau, lập ra cảnh chùa, và hằng ngày có bổn đạo từ mọi nơi đến lễ Phật. Thấy công việc thuận lợi, ông liền kêu gọi phật tử đóng góp tiền bạc để khuếch trương chùa lớn hơn, và đẹp hơn. Công việc đang tiến hành thì trong số Phật tử có cô ký giả tỏ ý nghi ngờ sự hoạt động có vẽ ám muội của vị sư nầy. Cô để ý theo dõi và được biết rằng Hòa thượng nầy có vợ con hiện ở một nơi gần chùa. Cô quay phim được cảnh ông thầy về nhà dùng cơm tối với vợ con, trên bàn có chai rượu Martel, và thầy đang nhậu, tay phải câm ly rượu, tay trái cầm đùi gà ăn uống ngon lành. Đoạn phim được đưa lên youtube, và đài truyề hình địa phương, bổn đạo biểu tình phản đối, thầy trốn trở về lại VN, không rõ vợ con thầy bây giờ ra sao.

Mới hôm qua đây, tôi cũng vừa đọc một thư phổ biến trên mạng của một nhóm Phật tử thuộc vùng Cali tố cáo lối sống khác thường của vị viện chủ một ngôi chùa. Trong thư có đoạn viết: “Ông chủ chùa nầy đã thông dâm với nhiều nữ giới… ông vừa chứa gái H. trong chùa để quan hệ tình dục. Vậy mà còn lén lút ăn nằm với Phật tử tên N,”. Thấy chuyện lạ, tôi liền “search” trên Google mới biết là ông sư này qua Mỹ theo diện du lịch năm 2003, sau đó ở lại lập chùa từ năm 2007. Sự thật không rõ như thế nào, có oan ức gì không.

Hồi thân phụ tôi còn sanh tiền, ông thường nói thế kỷ 21 sẽ là thời kỳ mạt pháp, và ông khuyên tôi, con cố gắng tu hành, ăn chay niệm Phật thường xuyên để tránh tai họa, làm điều thiện, tránh điều ác, tu nhân, tích đức, đừng đua đòi tranh dành danh lợi, mới mong tránh được tội lỗi, và tâm trí mới được thảnh thơi, thỉnh thoảng tôi nghe ông ngâm hai câu thơ:

“- Cái vòng danh lợi cong cong
Kẻ hòng ra khỏi, người mong chen vào”

Ngồi viết lại những dòng nầy một mình trong căn nhà vắng lặng, đêm xuống đã lâu, yên tĩnh lạ thường, tôi đang nghĩ đến Thầy Giải An năm xưa, và nghe văng vẳng đâu đây tiếng tụng kinh, gõ mõ của Thầy, nay Thầy đã ra người thiên cổ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét