khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

TS Nguyễn Thiện Tống: Tôi tìm sự cân bằng

TT - TS Nguyễn Thiện Tống, khoa kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, năm nay 66 tuổi. Đi nhiều, làm việc nhiều nhưng trông ông vẫn thư thái và khỏe mạnh, nụ cười luôn trên môi. Ông chia sẻ:


TS Nguyễn Thiện Tống (phải) thực hiện kỹ thuật ném của aikido với huấn luyện viên Trần Minh Dũng

- Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Quảng Trị. Do ăn uống thiếu thốn, mẹ sinh ra tôi bé choắt. Đi học, tôi luôn được ngồi bàn đầu vì nhỏ con. Ngày ấy các bạn đặt cho tôi biệt danh Tống “lùn”. Chơi với các bạn luôn bị bắt nạt, do vậy tôi luôn tìm cách ăn nhiều cho khỏe và học cho giỏi để tự bảo vệ mình.


Tôi nhớ trong nhà tôi lúc ấy có bốn cuốn sách dạy võ do các anh mua: Hầu quyền, Liên hoa quyền, Mai hoa quyền và Tấn nội công. Không có thầy dạy, tôi nghiền ngẫm tự học và luyện, may mà không bị “tẩu hỏa”. Bây giờ nghĩ lại thấy mình rất liều (cười)...


Huấn luyện viên huyền đai tam đẳng Trần Minh Dũng (họa sĩ Nhốp): Hiện nay trông ông vạm vỡ và rắn chắc, phải chăng ông luyện luôn các môn võ ấy cho đến bây giờ?


- Không. Đó là cái háo thắng và muốn tránh bị các bạn bắt nạt thôi. Lớn lên một chút tôi tập trung vào học văn hóa, nhưng ý thức phải rèn luyện để mình có sức khỏe vẫn luôn hiện diện trong tôi.


Trong một lần tham gia bãi khóa chống chế độ Ngô Đình Diệm của Trường Quốc học Huế, tôi bị bắt. Trong nhà giam tôi tình cờ đọc được cuốn sách tự luyện yoga. Thế là tôi lại bắt đầu tập những bài tập trong sách ấy (cũng với ý thức rèn luyện sức khỏe từ lúc nhỏ để không bị bắt nạt) cho đến sau khi được thả một thời gian nữa...

* Và...?


- Sau đó tôi đi du học ở Úc để lấy tiến sĩ chuyên ngành về kỹ thuật hàng không. Ở Úc, tôi đã mua đủ loại sách về võ thuật và cũng tự luyện những lúc rỗi rảnh. Đó là một cách giải trí có ích sau những giờ học tập căng thẳng...


Về nước, đi dạy học, tôi tập thêm judo một thời gian khoảng hai năm, chưa lên tới đai nâu tôi lại dừng bước vì bận rộn chuyện công việc và gia đình...


Khi con gái 12 tuổi, tôi muốn trang bị cho con một môn võ nào đó để có thể tự bảo vệ mình. Lúc ấy tôi thấy hiệp khí đạo (aikido) là phù hợp với cháu nhất. Nhưng cháu không chịu đi học nếu không có tôi cùng học. Thương con tôi đành đi tập với con. Đấy là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với môn võ “tình thương và hòa hợp” này.

* Hết võ Thiếu Lâm sang yoga, judo rồi tới aikido, có lẽ ông “tham” quá chăng?


- Có lẽ mình chưa tìm thấy môn thể thao phù hợp với mình đó thôi. Với môn aikido tôi “trụ” lại lâu nhất và đạt cấp đai cao nhất (đai đen) trong các môn thể thao tự học. Cho đến bây giờ tôi vẫn dành thời gian cho môn võ này. Có lúc sắp xếp được công việc thì lên sân tập với anh em, còn không thì tự tập các bài tập “aiki taiso” (thể dục hiệp khí) ở nhà mỗi ngày.


* Ông tìm thấy gì ở môn aikido và nó giúp ông ra sao trong cuộc sống?


- Chính nguyên lý “bất tương tranh” của aikido đã giúp tôi “hóa giải và làm chủ” cảm xúc của mình trong đời sống hằng ngày. Tôi bị ảnh hưởng tính thẳng thắn và không ngại va chạm của phương Tây nên trong môi trường làm việc và sinh hoạt, thấy điều gì không đúng tôi thường hay nói thẳng và đấu tranh không khoan nhượng. Không ít lần tôi làm mất lòng nhiều người vì sự thẳng thừng ấy. 


Từ khi “ngấm” aikido, tôi luyện tập mỗi ngày, có khi liên tiếp hai ca (mỗi ca tập 90 phút), tôi dần nghiệm ra nguyên lý bất đối kháng và kết nối đã giúp tôi tự điều chỉnh, tránh được va chạm mà vẫn bảo lưu được sự thẳng tính của mình. Nó giúp tôi cân bằng cảm xúc, giải tỏa sự căng thẳng không cần thiết trong cuộc sống, nói chung là tìm thấy sự cân bằng của thể chất và tinh thần...

 * Ông thấy có sự tương quan nào trong triết lý của aikido và nguyên lý bay của khoa học hàng không mà ông đang giảng dạy?

 - Ồ, có sự tương đồng. Đó là “vượt qua những biến động để bay ổn định” (nếu không, máy bay sẽ rơi) và “vượt qua đối kháng để hòa hợp” (trong aikido).

 * Trong tình hình bạo lực học đường diễn ra thời gian gần đây, ông có dịp nào trao đổi với sinh viên về các nguyên lý của aikido giúp họ cân bằng và làm chủ cảm xúc, tránh xung đột trong môi trường giáo dục chưa?

- Có chứ. Tôi đã hỗ trợ một số đồng môn thành lập CLB aikido ký túc xá Bách khoa từ năm 2005 tại khuôn viên Trường ĐH Bách khoa. Hiện CLB này vẫn đang hoạt động mạnh. Tiếc là diện tích sân tập còn quá nhỏ, chưa có điều kiện nhận thêm nhiều học viên để phổ biến môn võ thuật có ích này.

Từ sự trải nghiệm của mình, tôi quan niệm rằng “Tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”. 

Muốn làm việc được lâu dài cống hiến cho xã hội cần phải có sức khỏe. Mỗi người nên chọn bất cứ môn thể thao nào phù hợp để tập cũng được, miễn là phải tập cho “đổ mồ hôi” và chuyên cần. Từ đó tạo sự cân bằng cho bản thân. Những cá thể cân bằng tạo nên một tập thể cân bằng và một xã hội cân bằng.



                                                           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét