khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

Ba nén tâm hương - Tác giả Phan Kim Nhựt

 

Tháng tư đen, kỷ niệm quốc nạn của Việt Nam Cộng Hòa, xin thắp lên ba nén hương lòng cầu nguyện:

  1. Vẹn lòng trung kiên với tổ quốc Việt Nam và lá Quốc Kỳ hồn thiêng sông núi.
  2. Cảm kích, vinh danh đồng đội, chiến sĩ vẹn lòng sắt son chiến đấu đến cùng.
  3. Chia sẻ nỗi đau của thương binh bên lề xã hội và đồng bào bị áp bức khốn khổ lầm than.

Khói hương trầm tỏa ra sưởi ấm những câu chuyện thật ấp ủ đè nặng trong tim.

Hơn bốn mươi năm đất nước đổi màu, dân tình khốn đốn cùng cực phải bỏ mạng, tù đày hoặc lưu lạc tha phương, buồn tủi. Dù đã sống ly hương, tôi vẫn luôn dằn vặt ấp ủ biết bao kỷ niệm xót xa từ người lính vong quốc, trải tấm thân tù đày đáp trọn nợ núi sông đến những ngày ly hương viễn xứ, tị nạn lưu vong.

***

Ba mươi tháng Tư năm 1975, tôi đang điều động không lưu tại phi trường Cần Thơ, căn cứ Vùng 4 Chiến thuật, đến giờ phút cuối thì có lịnh buông súng đầu hàng của chánh phủ “hòa hợp ba ngày”. Tư lịnh Vùng 4 đã tuẫn tiết, đáp trọn nợ núi sông; còn chúng tôi vẫn trọn lòng trung kiên trong lao tù của kẻ cướp nước. Trong cảnh đọa đày hống hách của đối phương, chúng tôi vẫn giữ vẹn lời thề sắt son với hồn thiêng sông núi, mặc dù đã mất trọn màu cờ sắc áo. Trong cảnh khổ sai, đọa đày, bất nhân của kẻ cướp nước, tôi thật mừng thầm vì đã kịp đưa tiễn vợ và con thơ mới một tháng rưỡi “di tản chiến thuật” theo kế hoạch cấp tốc của đơn vị, nên chúng tôi an tâm phục vụ tổ quốc cho tới giờ phút cuối.

Biết bao nhiêu kỷ niệm suốt đời không quên, chẳng hạn trong cảnh tù đày phải tẩm liệm và kín đáo nghiêm chào vĩnh biệt bạn bè bỏ mạng trong lao tù khốn nạn. Thêm một kỷ niệm điển hình không quên: trong lúc lao động khổ sai, chợt thấy một vệ binh chở một bao gạo trên xe đạp, hấp tấp dừng lại lui cui hốt lên một lằn dài gạo lủng bao rớt xuống trải dài trên mặt đất. Anh ta thấy tôi đứng gần liền bảo bước ra hốt tiếp, xong, tôi hỏi xin lại vài nắm về rửa sạch nấu cháo ăn đỡ đói, tên vệ binh không cho nói “gạo này tao hốt để nuôi heo, không cho mày đâu”!!!

Qua năm năm khổ sai trả nợ núi sông, cơ thể suy sụp lại có bệnh sạn thận nặng đi tiểu ra máu được chuyển vào bệnh xá nằm chờ thời. Một hôm có trưởng trạm xá là cô y tá trưởng (chỉ huy cả những bác sĩ quân y bị đi cải tạo) gọi tôi lên trình diện. Thấy cơ thể ốm yếu xanh xao, cô hỏi nhỏ “mặt anh xanh quá, bộ anh sợ tôi hả?”. Tôi trả lời “Dạ không phải, tại trưa nắng đi bộ từ trại lên đây hơi xa nên mệt đấy thôi”. Cô Hường mỉm cười ghi hồ sơ, hỏi hai ba điều rồi bảo tôi về trại. Khoảng một tháng rưỡi sau thì được thả về theo diện “bệnh”. Sau này các bạn cải tạo khác có vào bệnh viện Chợ Rẫy gặp lại cô Hường đang làm việc ở đó với tư cách y tá. Cô không làm công an nữa vì lập gia đình với một sĩ quan cải tạo nên phải ra khỏi ngành công an (chẳng biết ra thật hay giả).

Thêm một kỷ niệm khó quên tại bệnh xá cải tạo Suối Máu, Biên Hòa: Tôi được nằm chung với anh Nguyễn Văn Đông, nhạc sĩ Đại tá “nặng ký”. Một buổi sáng chúng tôi vừa thức dậy chưa kịp làm vệ sinh thì đã nghe lệnh “biên chế”, tức là chuyển chỗ ở. Anh Đông được khiêng lên văn phòng (vì anh bị thấp khớp nặng, tay chân đều sưng, cử động rất đau). Anh Đông được khiêng lên để nằm dài trên cáng chờ “di tản” khỏi trại, chẳng rõ đi đâu vì không có lệnh tha. Thấy anh nằm dài trên cáng cả hai tiếng đồng hồ, thiểu não, lo âu, tôi mon men tới hỏi thăm. Anh Đông rơi lệ nhờ tôi kiếm chút gì cho anh ăn uống đỡ đói, đỡ khát. Tôi chưa kịp quay đi thì tên trưởng trại bước thẳng tới chỉ mặt bảo tôi dang ra ngay lập tức không được tới gần. Hai hôm sau tôi bị gọi lên trình diện trưởng trại, hắn mắng nhiếc tôi, hăm dọa đủ điều rồi cuối cùng hỏi tôi có biết tư tưởng anh Đông thế nào không. Tôi đáp anh Đông bệnh hoạn di chuyển khó khăn, nhưng lúc nào cũng vui vẻ, ân cần với anh em và an ủi khuyên chúng tôi an tâm cải tạo tốt rồi sẽ được sớm tha về. Sau này mới biết tin anh Đông không phải được về nhà mà được dời từ Suối Máu về Chí Hòa tiếp tục nằm “gỡ lịch”; phần tôi thì không được nằm bệnh xá nữa mà phải về trại tiếp tục lao động.

Sau năm năm “cải tạo” tôi mới được thả về theo diện bịnh. Ở nhà ba bữa thì các chị vội xếp đặt cho tôi đi “xuất ngoại”, tức là vượt biên, thay vì phải trình diện quản chế với công an phường.

Lý do chính tôi phải đi vượt biên ngay là vì vợ con tôi đã di tản sang Mỹ cả rồi, và bản thân mình cũng đã được thụ huấn chuyên môn ở Mỹ. Nếu vượt biên thành công, chắc chắn tôi sẽ được Mỹ nhận. Nhưng rủi thay, đường dây vượt biên của tôi cứ bể hoài nên đã 12 lần rồi vẫn thất bại, sạch túi.

Một buổi sáng chị tôi đang ngồi trước sân, bất chợt kêu tôi lại nói: “Mày đi cả mười hai lần rồi đều thất bại cả mười hai, chắc ba má còn nắm nuối muốn mày đem ba má vô chùa cho được yên ổn rồi mới cho mày đi. Vậy phải lo lấy cốt ba má đem gởi vô chùa Phật Bửu Tự, xong rồi xin ba má giúp cho mày đi lần thứ 13, chắc sẽ được. Tôi đáp lấy cốt ba má thì được thôi, nhưng còn tiền đâu để em lo cho được? Chị bảo không sao, các chị sẽ lo tiền bạc cho em.

Thế là tôi bắt tay vào việc ngay: lấy cốt cha mẹ, làm lễ gởi vô chùa Phật Bửu Tự; xong tôi lại tiếp tục chuyến hải hành thứ 13. Tàu đi suốt bảy ngày tám đêm, vượt qua hai cơn giông bão và một lần chết máy vì tài công phụ đổ lộn bình nước uống dự trữ vô bình chứa dầu; may là thợ máy cứu chữa kịp thời trước khi tàu bể máy. Đêm thứ bảy tàu chúng tôi thấy được ánh đèn của một giàn khoan nên lê lết tới nhờ cứu giúp.

Chỉ huy giàn khoan là một sĩ quan hải quân Mỹ hồi hưu tên là Charles Broom đã tiếp xúc và cung cấp cho chúng tôi thêm dầu, nước và thực phẩm rồi chỉ hướng chính xác cho chúng tôi đi tiếp, hết đêm nay đến đêm mai là sẽ tới trại tỵ nạn, Ông không cứu vớt vì ghe còn tốt, đủ sức hải hành an toàn. Hôm sau 46 người chúng tôi tới trại Kuku và vài tuần sau có tàu lớn tới rước về trại Galang, bắt đầu cuộc sống tỵ nạn.

***

Tôi nôn nóng tới nước Mỹ là để nhìn mặt đứa con gái duy nhất của mình đã di tản cùng mẹ lúc mới một tháng rưỡi, nay con đã mười tuổi rồi. Anh tôi đã thực tế khuyên ngăn, bảo hãy lo lập thân trước rồi mới tìm con sau, nôn nóng sẽ thất bại.

Nhưng tôi không chờ đợi được và đã… thoát ly, nhất định đi tìm thăm đứa con duy nhất của mình. Đúng như lời tiên đoán của anh tôi, tôi đã sớm gặp được con, và cũng đã… thất bại thê lương. Bỗng dưng thấy một người gầy ốm xa lạ tới trước mặt mình thổn thức xưng là cha,và gọi mình là con, đứa bé cũng bất ngờ thổn thức, không phải vì thương cha mà vì lo âu, thắc mắc tại sao nó lại có thêm người cha, và tại sao ông này lại gọi mình là con? Con tôi đã đáp lại sự chân tình, xúc động, ân cần của tôi bằng sự hững hờ, xa lạ, bất mãn của nó! Dù sao tôi cũng mãn nguyện vì được thấy mặt con mình. Bạn bè, thân quyến đều nhận xét là nó có nhiều nét giống cha, nhưng nó không hề thích như vậy.

Dù sao tôi cũng mãn nguyện đã thấy được đứa con duy nhất mình đã hết lòng thương yêu, và tôi cũng đã sớm từ giã San Antonio, trôi dạt tới Westminster ngồi nếm những giọt cà phê đắng tan trong cổ và nhấm cạn tách trà vong quốc, tìm an ủi qua những lời di chúc của thượng cấp: “Đất nước mất là mất tất cả!”

***

Năm tháng dài trôi qua, tôi được làm một “low income employee”, đủ tiền mướn nhà, chứ không mua nhà… và làm swing shift nên về tới nhà lúc nửa đêm. Một hôm tôi đi làm về, lặng lẽ mở hộp thơ đem vô phòng một xấp quảng cáo và một lá thơ nét chữ xa lạ. Bao thơ ghi rõ tên mình và đúng zipcode, nhưng không có địa chỉ, số nhà, chẳng biết sao bưu điện cũng chuyển được tới cho mình. Mở ra, tôi lại ngạc nhiên thêm vì đó là bức thơ đầu tiên của con gái mình. Con tôi cho biết đã lập gia đình hơn hai năm và có một cháu trai đầu lòng. Con muốn gởi lời xin lỗi cha vì những cử chỉ bất mãn, từ chối tình thương sâu đậm của cha, và phân trần là nó không được dạy dỗ đúng đắn để hiểu được những sự hy sinh to lớn của cha cho cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ của nó ngày hôm nay. Nó rất hối hận vì thái độ khước từ đầy tội lỗi đã làm gia tăng nỗi mất mát, khổ đau của cha. Cuối cùng con gái giải thích rằng nó viết thơ này là do lời khuyên, giải thích và sự sốt sắng giúp đỡ của chồng, chính chồng nó lên mạng tìm tông tích và nhờ vả sự giúp đỡ đặc biệt của bưu điện đem giúp lá thơ đầu tiên của con gái đến tận tay cha.

Hôm nay, ngồi dưới ánh nắng ấm của Cali, sắp tới ngày kỷ niệm nỗi đau chung của người dân Việt, trầm luân, khốn khổ bởi bao nhiêu tranh chấp, bất nhân, bạo quyền, bạo lực, tham lam, hèn với giặc, ác với dân, tôi xin trải tấm chân tình chia sẻ với những mảnh đời khổ đau cùng cực của các chiến hữu và đồng bào đang lê thân khổ nhục, mất gia đình, xa người thân, sinh ly tử biệt ở cố hương và ngay cả ở quê hương thứ hai này. Xin gởi tới quý bạn, đồng bào thân thiết hai bài thi ca (thơ phổ nhạc) nói lên tất cả tâm tình yêu mến quê hương, đồng đội, đồng bào, chiến hữu thân thiết; hai bài thi ca tôi đã soạn ra để “cởi mở tâm tình”. Trong khuôn khổ bài viết này, nó chỉ là hai bài thơ, không có tiếng hát (có cơ hội thuận tiện chúng tôi sẽ cống hiến cả thơ lẫn nhạc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét