khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Gặp gỡ Nguyễn Đức Quang: kỷ niệm không quên - Tác giả Trọng & Tuyến

 

Nói là gặp gỡ cho oai, chứ gặp gỡ Nguyễn Đức Quang bằng xương thịt là Trọng, còn Tuyến, chỉ "biết" anh Quang qua ngày xưa nhờ Nhuận kể chuyện khi bọn mình vào trung học. "Khoe" là biết anh, xin được gọi anh là "anh" vì thuộc rất sớm các bài hát của anh, nghêu ngao trong nhà với em và với bạn trong những năm đầu du học xa nhà. Và vì bây giờ càng biết rõ thân thế càng thêm nghe anh quen thuộc.


Nhờ đọc bài Nhuận, và các tài liệu do các bạn Nguyễn Đức Quang biết thêm về người nhạc sĩ tài ba của giới thanh niên thành phố Sài Gòn thuở ấy và cả những hoạt động của anh sau khi sang Mỹ nên bọn mình xin mạn phép nhắc lại chuyện riêng tư, một cách để tưởng niệm và ghi nhớ ơn anh. Xin cám ơn lần nữa nhóm thân hữu thực hiện Tuyển tập "Việt Nam quê hương ngạo nghễTưởng Niệm người du ca muôn thuở. 2011,với hình bìa tranh Tạ Tỵ vẽ Nguyễn Đức Quang, EE Printing, Kent, WA (USA)


Nguyễn Quang Trọng


Hè năm 1969, vào tháng 8, tôi may mắn được nghe anh Quang hát. Dù chỉ "sống" với anh trong ba giờ, tôi vẫn nhớ mãi cái đêm gặp gỡ duy nhất này, cách nay 52 năm 6 tháng, trong lần anh đi lưu diễn rất xa, tận trời Nam nước Pháp, ở Montpellier.


Chúng tôi, ba đứa con trai trường Việt, mới ngơ ngác bước chân vào trong một nước văn minh, đã bị gởi đi học tại một thành phố nhỏ miền trung nước Pháp, tỉnh Limoges, nơi chưa từng có người Việt nào đến sống, để khỏi dễ tụ tập ăn chơi, bỏ bê việc học.


Chúng tôi thân nhau trong lúc chờ làm thủ tục hành chánh tại Paris. Khi đến nơi thì đại học đã tựu trường gần ba tháng, nên cả bọn chỉ biết cắm đầu học suốt lục cá nguyệt, mong thi đậu cuối năm để không phụ lòng cha mẹ đất nước. Trời đãi kẻ có lòng, cả ba đều đậu ngay khoá một. Lần đầu trong đời được nghỉ hè ba tháng, mà lại được trả tiền (học bổng), chúng tôi quyết định cùng đi Montpellier để vừa học thêm tiếng Pháp, vừa có thể nghỉ hè gần biển xanh, côte d’Azur.


Một hôm, một anh bạn mừng rỡ đến cho hay có một đoàn nghệ sĩ từ Việt Nam đến trình diễn miễn phí cho đồng bào, và giục chúng tôi gấp rút đến xem. Sinh viên Việt có học bổng hầu hết đều con nhà nghèo nên ít có phương tiện giải trí, lại phải cố gắng học. Khi ra đi tôi chỉ biết ca sĩ qua radio mà không biết người thật vì chưa bao giờ đi phòng trà, và rất hiếm khi xem Đại Nhạc Hội. Dù tôi cũng rất thích ca hát và cũng tự học đàn mandoline, từ biểu đồ note trên cán đàn thầy Hoàng Lang dạy nhạc ở Petrus Ký. May mắn cho tôi là đã thi đậu vào ban cán sự của Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ năm 16 tuổi, được học chung với các anh lớn nhiều kinh nghiệm. Trong những năm 1965-68, sinh hoạt học đường phát triển nhanh ở miền Nam, tạo nên một không khí sống động lôi cuốn rộng rãi và... đa nguyên vì các sinh viên thuộc nhiều tầng lớp (trung lưu khá giả hay không) cũng lập các ban nhạc theo trào lưu Tây phương với hai ba tay guitars điện, trống và ca sĩ, chuyên hát nhạc ngoại quốc, ban đầu phổ biến trong các party sinh nhật, boums rồi về sau lan nhanh ra các sân khấu Việt, Mỹ (căn cứ quân sự). Nhờ các sinh hoạt sinh viên này, giới trẻ có ý thức về cuộc sống lành mạnh và có nghĩa cho xã hội, chúng tôi cùng đồng ca và làm công tác xã hội. Nhờ đó, tôi có dịp hát những bài cổ vũ ý chí tích cực, tình dân tộc, trong đó tôi thấy Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ là bài làm sôi nóng tập thể nhất. Cho nên lúc ấy ở Pháp gần một năm, tôi rất nôn nóng đi, để nghe và nhất là thấy mặt, các ca sĩ thật.


Đến nơi trình diễn mới biết đó chỉ là phòng khách nhà riêng của một người Việt tại Montpellier. Phái đoàn thì chỉ có ba nghệ sĩ, là anh Nguyễn Đức Quang cùng hai cô Khánh Ly và Thanh Lan. Buổi trình diễn thật ra chỉ là một đêm văn nghệ bỏ túi khoảng hai mươi người.


Lần đó đi theo chương trình của Bộ Thông Tin VNCH chỉ vỏn vẹn có anh Quang và hai nữ ca sĩ nổi tiếng (qua năm 1969 còn có một đoàn lớn hơn qua Pháp). Có lẽ đó là lần đầu anh đi lưu diễn xa như thế, và mỗi lần chỉ diễn trước một số ít ỏi khán giả, những kiều bào và SV VN sống rải rác trong những thành phố Pháp. Đây phải là một chuyến đi quan trọng dưới mắt Bộ Thông Tin, vì mục đích để giải trí... và "giải độc" kiều bào và SV bị ảnh hưởng tuyên truyền của cánh tả.


Tôi sang Pháp lúc VN vừa trải qua hai cuộc tấn công kinh hoàng Mậu Thân đợt 1 và 2, gây chết chóc tàn phá nhiều nơi. Sau khi tham gia cứu trợ, cất nhà lại cho đồng bào tị nạn, tôi đến Pháp lúc đất nước này cũng vừa sống qua những trận biểu tình lớn kéo dài của sinh viên thợ thuyền thiên tả Pháp trong mùa "Mai 68" (tháng 5 năm 68). Phe tả thắng lớn trong các kỳ bầu cử nên tổng thống Pháp De Gaulle, thuộc phe hữu, tuy vốn là lãnh tụ anh hùng giải phóng nước Pháp khỏi quân phát xít, đã phải từ chức. Cũng vào tháng năm 68, thủ đô Paris được Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc U Thant đề nghị tổ chức cuộc hoà đàm Paris nhằm giải quyết cuộc chiến ở VN. Cuộc hoà đàm nhì nhằng (bàn tròn hay vuông, hai ba phe, bốn phía...) kéo dài 5 năm với 201 phiên họp chính thức, 45 lần Kissenger đi đêm với Trung Cộng và Bắc Việt.


Ngay từ lúc đó, hai bên tham chiến Bắc Nam tranh giành ảnh hưởng nơi tư bản và cộng sản tại Pháp, đặc biệt trong cộng đồng người Việt đại đa số đến từ miền Nam. Sinh viên cả hai bên đều có phân/chi hội của mình (Tổng Hội Sinh Viên và Liên Hiệp Việt Kiều) ở khắp các tỉnh lớn.


Trở lại Montpellier tối ngày hôm ấy, không gian nhỏ ấm cúng, không ban nhạc, không micro, không chương trình, ca sĩ tự do hát bài mình muốn. Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn, cũng có người yêu cầu cô hát bài mình thích. Anh Quang, người Du Ca nhiều kinh nghiệm sinh hoạt giữ vai trò đầu đàn, giới thiệu đoàn và đệm guitar cho các bài hát. Từ các bài tiếng Pháp -và Việt-hit parade thập niên 60s, Thanh Lan hát (Bang Bang, Quand le film est triste, La plus belle pour aller danser…). Đến Ca Khúc Da Vàng than thở thân phận, đau đớn tủi nhục chiến tranh của Trịnh Công Sơn qua giọng hát của ca sĩ Khánh Ly nổi tiếng ở quán Văn. Và dĩ nhiên những Bài Ca Khai Phá, Trầm Ca của NĐQ.

Thanh Lan xinh tươi, với giọng ca trẻ trung chắc chắn đã thu hút SV trẻ học trường Tây. Tôi thì thích nhạc Trịnh và giọng ca Khánh Ly hơn, và cũng đã từng đồng ca "Gia tài của mẹ" với bạn bè, cũng như vài Bài Ca Khai Phá phổ biến. Nhưng đêm đó tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi dáng dấp và phong cách của anh N Đ Quang. Anh cao gầy nhưng rắn rỏi, ăn mặc giản dị kiểu sinh viên. Nhất là giọng hát, say mê, diễn tả sâu sắc nhạc của mình, đánh động người nghe đến tận đáy lòng.

N Đ Quang không hát bài tình ca nào, Khánh Ly hát các bài nổi tiếng của Trịnh Công Sơn, tang tóc, thê lương một ngục tù trên quê hương, từng đêm bom đạn phá, với claymore lựu đạn, với hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành từng vùng thịt xương cháy đỏ...

Ngược lại, N Đ Quang tả rõ ràng trường hợp của một "Người anh Vĩnh Bình" tay cong sau lưng, quỳ trước dăm người nữarồi mã tấu chớp loáng, anh rướn lên gục người, máu bắn xuống dưới và tưới lên mặt tôi, bên trong lao ra, chị thét lên rụng rời. Khi anh hát đến đó, mắt tôi nhoà đi, hình ảnh ông chú ruột hiện trước mắt, một nông dân hiền từ, không phải chết vì chống chúng ta, mà chỉ vì... có một chức nhỏ trong Hội Đồng xã, nên rơi vào sách lược đe doạ dân quê. Tại logic chiến tranh ư? Trong lúc chiếm đóng Pháp, quân phát xít Đức cũng xử tử mười dân lành Pháp mỗi khi có một binh sĩ Đức bị giết! Trong "Người con gái Việt Nam da vàng" Khánh Ly hát: em chỉ có con tim căm hờn. Còn anh Quang thì chấm dứt bài "Người anh Vĩnh Bình" bằng "mong được thấy đàn bé, sống hạnh phúc lâu dài". Anh không hề dạy căm thù!


Cả hai nhạc sĩ đều có nói về "da vàng", nhất là TCS, từ người con gái VN, qua người nô lệ, đến đứa con da vàng, của mẹ… N Đ Quang thì viết trong bài Đường Việt Nam, Giống da vàng nầy là vua đấu tranh, khi đi dựng lấy quê hương nhà.... Người ta cảm thấy TCS như than thở mà cam chịu số phần VN da vàng Việt Nam, như trong bài "Xin cho tôi" (...chỉ mong hòa bình, sau đêm tăm tối, chờ mong một ngày…). Trong khi N Đ Quang muốn cưỡng chống lại số phận qua đấu tranh xây dựng.


Khác nhau chính của hai nhạc sĩ lớn đối với giới trẻ VNCH là thái độ trước hoàn cảnh khó khăn. Một đằng, TCS đợi giờ sông núi thiêng, đằng kia không yếm thế mà tích cực Chờ chi không vùng lên, ...Cứ co ro ngồi sao đành (bài Về với mẹ cha), Mình chậm chân theo sau người ta (mà) còn ngồi đây nghĩ lo viễn vong...(Không Phải Là Lúc).


Dĩ nhiên N Đ Quang cũng có những bài hay về tình yêu, nhưng anh không hát trong đêm xa xứ đó. Anh đã đưa chúng tôi về đất trời Tuy Hoà:


...Cầu xưa xơ xác sau cơn bão tố, người dân tan tác bên đường ngẩn ngơ
Ôi, bước buồn theo mãi không gian buồn
Một đêm qua biết bao sầu thương! mình tu chưa chín nên nào hay!



****


… Nhạc đã ngưng nhưng chúng tôi không muốn chia tay, người hát kẻ nghe quây quần, tiếp tục vui đùa. Thanh Lan, người trẻ nhất, hát ít nhưng hay cười, được cô Khánh Ly tặng danh hiệu... "Con Bò Cười". Nhưng danh hiệu này lại khiến tôi khi đó liên tưởng đến sự vui sướng tột cùng của bà mẹ nuôi cậu bé du ca Pháp Rémi, khi cậu đem một con bò về tặng bà mẹ sau nhiều năm lưu diễn tại các chợ trên toàn nước Pháp cuối thế kỷ 19 trong quyển sách thời đó đám học sinh chúng tôi đều đọc do Hà Mai Anh dịch từ truyện Sans famille của Hector Malot.


Nguyễn Đức Quang đã chuyển ngọn lửa hy vọng cho sinh viên du học chúng tôi trong vòng vài giờ. Nhưng ngọn đuốc có được đưa đúng hướng hay không cũng còn tuỳ theo duyên phận của mỗi người, trên con đường trong xã hội đảo điên. Hè năm sau đó, hai người bạn tôi bị làn sóng "Dậy mà đi, hát cho dân tôi nghe" cuốn đi "xuống đường"…đến khi vỡ mộng trước sự thật thì tuổi xuân đã tàn. Các bài hát này được truyền bá tại Sài Gòn, hô hào sinh viên lật đổ chính quyền VNCH, thì tại Pháp, Liên Hiệp Sinh Viên theo miền Bắc và Mặt trận Giải phóng, cũng khai thác và tuyên truyền lôi kéo kiều bào và sinh viên trong các buổi Tết hay trại hè trong các năm 1970 đến 1974 và cả sau này, bạn tôi.


Kỷ niệm về anh Quang theo tôi lưu vong khắp nơi suốt nửa thế kỷ, trong đầu vẫn còn vang vang:


Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống trỗi dậy hùng cường đi lên!



Tuyến

 

Từ giã Sài Gòn, chúng tôi 40 đứa cô cậu tú tài mới tinh khôi, đa số đến từ các trường trung học Việt của Sài Gòn và các tỉnh miền Nam VNCH, đáp xuống Orly Paris ngày quốc khánh cũ thời đệ nhất cộng hoà 26 tháng 10 năm 1969.


Nghĩa là đến Pháp khi phái đoàn văn nghệ nói trên đã về lại Sài Gòn.


Khi chúng tôi đến nơi học, nhờ các anh chị sinh viên sang trước đó và Tổ chức c.r.o.u.s (Centre Régional des Oeuvres Universitaires), tổ chức hành chính nhà nước Pháp, có từ thời Mặt trận Bình Dân, trực thuộc bộ Giáo dục Đào tạo, Nghiên cứu... với chức năng: tổ chức, hướng dẫn và hỗ trợ sinh viên (về học bổng, chỗ ở, y tế vân vân) giúp chúng tôi làm tất cả thủ tục. Từ cư xá, vì cuối tuần hầu hết sinh viên Pháp về nhà cha mẹ, trường và quán ăn đóng cửa, nên đám sinh viên còn lại, đa số gốc ngoại quốc như chúng tôi, ở rải rác khắp tỉnh, phải đón xe buýt nếu muốn đi ngắm phố, ăn uống ở quán ăn trực và nhất là thoả mãn nhu cầu tụ tập!


Lúc đầu bận (tra tự điển) học và lười ăn khoai tây, lại thêm sợ lạnh và sợ đi lạc, tôi ít khi dám ra khỏi cư xá. Phải đợi một hai năm sau, khi dạn dĩ và nỗi nhớ nhà lớn hơn bệnh sợ lại thêm vài anh sang trước chúng tôi - vào các đợt đi 1962-1964, đã tốt nghiệp, có việc làm nên sắm xe hơi- các anh làm thiên thần đưa đón, chúng tôi thường gọi nhau đi ăn chung rồi ghé qua phòng trọ đứa nào gần nhất. Tâm sự, mưu toan làm một tờ báo, một buổi văn nghệ lấy tiền vô cửa vào Noël, Tết, rủ nhau quyên góp, rút rỉa trong mớ tiền học bổng, giúp nạn nhân lụt lội và đồng bào chiến nạn bên nhà. Và sau cùng là xúm nhau ca hát. Dạo đó, 1968- 1969 cho đến 1975, học bổng sinh viên đại học mỗi tháng là 500 quan mới, francs lourds (tương đương vào năm 2020 là khoảng 625 euros), học bổng cao học 750 quan, tiền phòng một tháng khoảng 80 -120 frs, ticket trả cho mỗi bữa ăn là 0,65frs. Dù mỗi năm vào lúc khai trường, các bạn Pháp đều biểu tình phản đối sự tăng giá (tiền phòng và thẻ ăn) vì học bổng vẫn y nguyên, nhưng đa số chúng tôi đều còn dư tiền, có đứa giúp đỡ được gia đình bên nhà, bán/đổi lại cho bạn đi tự túc (vì tiền chuyển ngân giới hạn theo luật định và không theo tỉ giá leo thang), đôi bên cha mẹ thanh toán ở VN.


Đám tú tài trường Việt khi đó, biết hát nhạc Phạm Duy và Nguyễn Đức Quang và về sau thêm Trịnh Công Sơn. Chuyền nhau các bài chép tay, quay roneo hoặc photocopy. Lúc nào cũng hát, người mê hát và không mê hát, solo hay đồng ca, chỉ cần một lời đề nghị hay thách thức, có tay guitare dạo đầu. Vậy mà hiệu quả dễ sợ, ai cũng tham gia, ít ra những năm đầu tiên. Tạm quên mọi thứ và thuộc lòng nhiều đoạn, cho tới bây giờ.


Ta như nước dâng dâng tràn

Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống trỗi dậy hùng cường đi lên!...

Chuyện Việt Nam ta đã mấy mươi năm. Mấy mươi năm hay đã hơn ngàn năm.

...Trên đường đi vẫn đầy bóng tối tăm.

.Xin chọn nơi này làm quê hương, dẫu cho khó thương.

Khi mùa mưa về cùng lem nhem bước trên ngõ trơn
Khi giặc lan tràn cùng lo âu trắng đôi mắt đen...
Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu đang chiến tranh

(Tất cả các câu in chữ nghiêng không chú thích tên tác giả đều trích từ các bài hát của Nguyễn Đức Quang)


Ngay những tháng đầu, tôi được các anh chị (phe quốc gia) xuýt xoa kể/khoe/nhắc chuyện nghe văn nghệ sĩ từ Sài Gòn qua gặp gỡ đồng bào và sinh viên. Nỗi nhớ nhà được xoa dịu vào tháng 9 năm 1969 với đoàn công tác Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hoà. Dĩ nhiên nhà nước VNCH ngày ấy không chỉ xoa dịu nỗi nhớ mà còn vì muốn nhắc nhở chúng tôi ra đi từ đâu, đừng ăn cơm... tây nghe tuyên truyền theo phe miền Bắc và Việt Cộng.


Các kỷ niệm cất giữ nâng niu ấy được nhắc nhở như những mốc tình cảm quan trọng mỗi lần chúng tôi gặp lại nhau hay tìm thấy chi tiết trên mạng, khiến các nhớ quên mơ hồ bỗng hoá rõ ràng, liền lạc. Các ban AVT, Khánh Ly, Hoàng Oanh, Hà Thanh, Nguyễn Đức Quang, các nghệ sĩ diễn viên cải lương...ít nhiều ngày nay đều nhắc đến các chuyến lưu diễn này.

 

Thuở "ban đầu lưu luyến ấy" tuy chúng tôi gặp nhau hoài mà tâm sự cứ vẫn còn đầy nhóc. Đi học dưới bầu trời xám xịt không có mây bàng bạc, ngơ ngẩn tủi thân giờ thực tập về lý hoá hay sinh vật học, mông đùi còn ê ẩm bởi té lên té xuống trên con đường dốc trơn tuyết, chân đau vì giày nghiến, bàn tay lóng cóng ngu ngơ: Một đời 7 năm trung học ở mái trường nhỏ và nghèo tại Gia Định đã mất tên là nữ trung học tỉnh lỵ Lê Văn Duyệt, tôi chưa hề chạm tay hoặc nhìn thấy một ống nghiệm hay circuit dây điện hoặc thấy kính hiển vi. Nơi đây, như vịt nghe sấm khi giảng viên dặn đi dặn lại phần kỹ thuật, mà tôi vẫn cứ hỏi để chợt nghe mình muốn độn thổ khi nhìn thấy bạn học thoáng ngẩng đầu liếc mình rồi liếc nhau. Như thể con nhỏ này sao mà điếc lác hay ngu độn, có thật nó đã qua kỳ thi tú tài cơ bản?


Bạn tôi, các em tôi sau này nhắc nhở, kể lại, tôi đã thư từ than thở về những ngày tháng đầu đi học đen tối với trái tim nát như tương tàu! Con nhà giàu đứt tay nên không biết ngoài cổng nhà nghèo đang đổ ruột. Ở bên kia đại dương, cha mẹ, gia đình, bạn bè chúng tôi sau đó trải qua những tình huống triệu lần thê thảm, oan nghiệt hơn!

 

Nhưng thuở ấy, kể lể cho nhau xong thì cõi lòng nhẹ nhõm vì những ánh mắt và lời lẽ thông cảm tương tự. Hát đến khan cổ, nhạc điệu lời lẽ thường lê thê nhưng trái tim phơi phới. Thế là như xe nằm gục lại được đổ xăng nhớt, nhà buôn khánh tận tái tạo vốn liếng.


Việt Nam Việt Nam nghe tự vào đời ... Hỡi anh đi trên đường cái quan, dừng chân đứng lại cho tôi than đôi lời / Đố ai biết cây mấy lá (( Phạm Duy).

Tình bằng có cái trống cơm...khen ai khéo vỗ...Khớp con ngựa ngựa ô...Trèo lên quán dốc, ngồi gốc cây đa (Dân ca)

Này em hỡi con đường em đi đó ...(Vũ Thành An)

Thi hỏng mất rồi, anh đợi ngày đi (Phạm Duy). Anh khách lạ đi lên đi xuống, may mà có em, đời còn dễ thương...(Vũ Hữu Định - Phạm Duy)

Người con gái Việt Nam chợt ôm tim mình, trên da thơm, vết máu loang dần...

Đêm ta nằm nghe tiếng trăm năm...Ta nghe đời như có như không.Còn lại gì...(TCS).

 

Nhưng ấn tượng nhất, thích nhất, nghe hợp nhất với con tim và tâm tình vào những thời điểm đầu tiên xa nhà ấy vẫn là những bài hát Nguyễn Đức Quang. Sau đau đớn và hoang mang, bế tắc, là hiện tại hy vọng và quyết tâm hướng tới tương lai. Không có cách nào khác hơn. Vì lời kêu gọi này thiết thực, nhắc nhở, khuyên can và vô cùng lạc quan.

 

Không phải là lúc ngồi đó mà đặt vấn đề...

Hy vọng đã vươn lên trong nhục nhằn tràn nước mắt ...

Hy vọng đã vươn lên trong lòng thuyền còn xa bến...

 

Vì tôi là linh mục giảng lời tình nhân gian
Nên không còn tiếng khóc, nên không còn tiếng trách
Nên không biết kêu than
Nên tôi rất bơ vơ, nên tôi rất dại khờ
 …

 

... Xin nhận nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương.

...


Vào hè đi chơi trong Âu châu, hay nơi khác, khi gặp gỡ tình cờ sinh viên Việt khác, đến từ Mỹ ( California), Canada, và (Tây) Đức, Bỉ, Thuỵ Sĩ, Tân Tây Lan, Úc, Nhật... cùng nghe, cùng hát những tình khúc đã thuộc trước khi đi du học (mà bây giờ, người ta gọi là nhạc vàng, Bolero). Riêng các bài hát của Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, được gọi là dòng nhạc phản kháng của sinh viên trí thức đô thị, ít phổ thông hơn và chỉ được hát nhiều sau 1975 với "Quảng Bình quê ta ơi ,Tiếng chày trên sóc Bom Bo" mà nhiều người đã mỉa mai là giống nhạc Tàu hay plagiat một bài hát ngày trước.


Một thời say sưa nghe/hát với đam mê, thổn thức. Mỗi chúng tôi, thời ấy rời Việt Nam với từng mảng lịch sử gia đình riêng lẻ nhỏ bé, nhưng gắn bó hiểu nhau, nhận ra nhau chỉ qua những bài hát ấy. Các khoảnh khắc gặp gỡ như mẫu số chung cho các cuộc đời (lưu vong, lưu lạc hay không), nhìn thấy quê hương và cả tâm hồn mình qua những lời ca điệu nhạc quen thuộc. Nghe như được giải toả cõi lòng. Những biên giới và cách biệt nếu có đều bay đi.


Đi đâu về đâu mà lúc gặp nhau cũng cùng hát được những lời hát này,trái đất nhỏ hay vì chúng tôi đủ đông đảo vào buổi ấy - tuổi dậy thì với trái tim và trí óc khát khao lý tưởng- hội điều kiện cần và đủ khiến cho hiện tại nối liền quá khứ ?Gần gũi sự thật hơn có lẽ vì thời ấy, miền Nam được viện trợ (trong đó có văn hoá từ nhiều nguồn) đồng thời cùng phát triển song song với thế giới tư bản chạy đua trong cuộc chiến tranh lạnh, thêm nhu cầu mở mang và kế hoạch hậu chiến nên có rất nhiều trường công / tư (tiểu học, trung học) và các viện đại học công/ tư (Huế, Sài Gòn, Đà Lạt có trước 1957) các trường kỹ nghệ, các viện đại học công/tư Quốc Gia, Vạn Hạnh, Minh Đức, Phương Nam, Cao Đài (Tây Ninh), Hoà Hảo (An Giang) khai giảng tháng 10 -1970. Các sinh viên học sinh đô thị này chắc chắn là đông đảo và từng sinh hoạt với nhau. Nên nghe lại, hát lại, gợi nhớ hình ảnh đã có từ thời học trò trung học hay sinh viên. Nhớ thời làm/đi bán báo xuân, tham gia lửa trại, sinh hoạt học đường. hay đoàn Hướng Đạo, từng dọn nhà cháy cho đồng bào, từng nghỉ học hay đi học ké tỉnh khác vì trường lớp tạm bị sung công cho đồng bào chiến nạn. Đó là những trả lời hợp lý cho nhiệt tình tích cực tuổi trẻ chúng tôi tại thành phố vào thời mới lớn và buổi đầu khốc liệt của chiến tranh.


Cho nên lạc quan hy vọng cũng đã chen lẫn với khủng hoảng giằng xé khi chúng tôi chợt thấy mình ăn, học, sống, vui buồn một cách lạ lùng rắc rối trên một/những đất nước văn minh, giàu có và đang thanh bình với những bạn học bản xứ rất hồn nhiên tự tại.

 

Ôm vết thương rỉ máu, ta cười dưới ánh mặt trời

Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người

..Đường Việt Nam, ôi vô cùng vô tận...Ai từng đi trên đường Việt Nam. Bước âm thầm và tim nát tan. Bao lòng tham chất chứa đầy những mưu đồ bạo tàn đang ngăn lối. Nhưng càng mưa giông càng vươn tới...


Giờ đây vẫn còn đó các trang nhạc sút xổ, đổi màu vàng khô, rách gẫy, rơi lả tả khi được mở ra nhìn lại. Chớp mắt như chiêm bao ấy đã có, như thật.


Chắc chắn đa số chúng tôi vượt qua được khó khăn, qua khỏi cô đơn lạc loài; và học hành được, một phần chính là nhờ những lời ca tiếng hát tích cực, lạc quan dù đôi lúc thấm đẫm đau đớn, hoang mang và khủng hoảng. Bây giờ mấy mươi năm sau, còn lại điều may mắn là đã cùng chia xẻ trải nghiệm.


Với Phạm Duy, Trịnh Công Sơn và Nguyễn Đức Quang, đều đến từ miền Nam, kẻ ở người đi rồi trở về quê hương, sống mà như sống sót, tự do mà như tù đầy, từng có những lúc vinh quang cũng như chịu những oan khiên cay nghiệt, họ là da thịt quê hương, là tâm tình của chúng tôi, ngày xưa, bây giờ và mãi về sau nữa. Nên không lạ khi nghe kể lại từ bạn bè hay người trong cuộc, về mối giao tình và ảnh hưởng Phạm Duy với Nguyễn Đức Quang.

 

Dĩ nhiên sau đó, chúng tôi có những chọn lựa, dấn thân hơn trong thái độ và hoạt động, có khi đến mức trái ngược nhau, nhưng tất cả đều qua suy tư tự do và độc lập. Chúng tôi hiểu được thêm, với đa số, thân tình bè bạn, thân tình thuở xưa là thâm tình, được đặt trên hết.

 

Mới suy ra rằng thế hệ tuổi trẻ ấy với những bài hát ấy, không khí sinh động tự do ấy chỉ có ở miền Nam vào những thập niên 50, 60, 70 thuộc thế kỷ 20. Cho dù từ thời Pháp thuộc hay khi Nhật đến, nhiệt huyết và lý tưởng thanh niên luôn luôn được các nhà cầm quyền hay lực lượng cách mạng chống Pháp chống Nhật, lưu ý lôi kéo và định hướng.


Sau hiệp định Geneve và cuộc di cư 1954 tại miền Nam với một triệu đồng bào từ Bắc qua khỏi vĩ tuyến 17 vào, các phong trào và tổ chức thanh niên như Hướng đạo, Phụng sự xã hội, Sinh hoạt học đường, mới hình thành hay tiếp tục phát triển với một không khí mới, tinh thần cũng như hy vọng mới nhất là từ sau các cuộc đảo chánh, chỉnh lý 1960,1963 vv...cũng như từ sau ngày thành lập Mặt trận giải phóng miền Nam với cường độ leo thang chiến tranh. Đến năm 1965, mười năm thanh bình là bản lề, căn bản, khung hình tạo thành và hướng phát triển, thăng hoa và trao truyền học thức kinh nghiệm của các thế hệ 20, 30 cho đám hậu sinh các thập niên 40, 50. Các tinh thần Hướng đạo, Phật tử, Công giáo: xây dựng và hàn gắn, lương thiện và từ bi. Dĩ nhiên tất cả cũng ngắn ngủi thành tựu để rồi tan rã.


Sự bùng phát mãnh liệt của chiến tranh cũng đã đồng thời thúc đẩy cường độ các sinh hoạt.


Theo các tài liệu và nhân chứng ngày nay, các lãnh đạo chính trị miền Nam có trách nhiệm về thanh niên và giáo dục cũng góp phần quan trọng trong thành tựu ấy, vì đó cũng là trách nhiệm cũng như lý tưởng chính trị của họ, họ cho thế hệ sinh viên học sinh này khá nhiều tự do và phương tiện. Trong Tuyển tập NĐQ qua các chứng từ, hồi ký, người đọc có cái nhìn rất rõ ràng về hình thành giáo dục con người Nguyễn Đức Quang và các bạn cùng thế hệ. Họ, và đặc biệt NĐQ đã ý thức rất sớm nhu cầu và lý tưởng tuổi trẻ. Dù bị lôi cuốn vào lịch sử, chiến tranh, dù bị áp lực và nhất là sau tháng tư 1975 sau này bị tù đày, rồi vượt biên, phải gầy dựng lại cuộc đời, thì lòng đam mê âm nhạc và nhiệt thành, lý tưởng vẫn còn mãi nơi anh và nhiều bạn hữu.

 

Ngoài ra các trại hè từ năm 1965, 1966 được tổ chức nhiều nơi tại miền Nam, ngay cả sau các cuộc tấn công Mậu Thân, mùa đỏ lửa Quảng Trị và cho đến sau hiệp định Paris 1973, và mùa hè cuối cùng 1974. Thanh niên sinh viên, học sinh, các hướng đạo sinh, sinh hoạt gắn bó, đã tự động đi xây nhà, phát quà giúp nạn nhân hoả hoạn, giúp đồng bào tỵ nạn chiến tranh tràn về thành phố. Một đôi lần, về thăm gia đình, chúng tôi được dịp tham dự vài chương trình trại hè, chỉ vài tuần nhưng cũng nếm được chút ít không khí nhộn nhịp nơi đó, ngược với không khí nặng nề lo lắng của gia đình vì vấn đề an ninh và kinh tế.


Nhưng rồi không hề có thanh bình sau hiệp định Paris, ngược lại các vi phạm tăng cường ác liệt và tất cả kết thúc vào tháng tư 1975, mở đầu cho hơn mười năm thanh trừng kẻ thua cuộc và con cháu họ tại miền Nam, xoá bỏ dấu vết cũ bằng chính sách đổi tiền, phân biệt lý lịch, áp đặt chế độ hộ khẩu, đày người đi kinh tế mới để cướp của, đốt sách, giam văn nghệ sĩ, tu sĩ...

 

Từ đó cho đến hàng chục năm sau, các bài hát cũ tuy trở lại khi chúng tôi gặp lại nhau ở khắp nơi ngoài Việt Nam, vẫn là những gạch nối, như keo sơn ráp vá những mảnh rời, nhưng thay vào không khí năm xưa là ngậm ngùi, mệt mỏi, đôi khi uất hận.

 

Chúng tôi bàng hoàng giật mình khi biết tháng ba vừa qua, bạn bè thân hữu làm giỗ lần thứ 10 cho Nguyễn Đức Quang. Tôi bồi hồi đọc các bài bạn bè tưởng nhớ anh, các kỷ niệm thời trẻ cùng các hình ảnh, chứng từ ngập tràn cảm xúc, đã vẽ lại sống động và tỉ mỉ những hoạt động của Nguyễn Đức Quang từ lúc nhỏ là sói con rồi trưởng trong phong trào Hướng Đạo, từ lúc mới soạn bài hát đầu tiên cho đến hàng chục tập nhạc về sau ở cuộc đời mới trên đất Mỹ, làm báo, rồi về hưu, anh vẫn là hình ảnh của bạn bè cùng thế hệ, là thanh niên sinh viên từ 1965, 1966, cho đến tháng tư 1975, tuổi trẻ sinh viên tiêu biểu miền Nam Việt Nam. Trong đó có chúng tôi, có bạn bè cùng trang lứa hay chỉ cách biệt trước sau năm, mười tuổi, đã lớn lên với những điểm chung riêng của không gian và thời gian ấy, trên dưới nửa thế kỷ sau gặp lại, tại Việt Nam và hải ngoại, sống lại với những hy vọng mới mà cũ như hy vọng đã vươn lên và vươn dậy từnhững miền đất gian nan, từ lòng thuyền còn xa bến, nối tiếp từ quê hương ta đẹp tươi đứng trong trời đất, ôi ta yêu quê ta thì đâu có bao giờ mất qua từ nay người biết thương người (Văn Cao) để suy tư về những sắt máu gây oán thù triền miên: tên lưu manh kia, kêu hết cha mẹ già. Ra mà lấy đầu mi, chết vì chống chúng taGiết người đi thì ta ở với ai (Phạm Duy)

 

Tại miền Nam, nếu ngay từ những năm 1945, Việt Minh và các đảng phái chống Việt Minh tuy có lúc hợp tác mưu toan chống (cướp) chính quyền thuộc địa, vẫn có rất nhiều vụ giết người xảy ra - đệ tam Việt Minh thanh toán phe đệ tứ và phe Quốc dân đảng hay các đảng phái không theo Việt Minh). Nếu các vụ này thường là không có đích danh thủ phạm và lý do sát hại đôi khi mơ hồ vì sát thủ được gọi là "người lạ, kẻ lạ" thì từ các năm 1968 trong các vụ (VC) ám sát đại diện sinh viên quốc gia (và các vụ ám sát khác, từ thường dân đến trí thức: giáo sư Lê Minh Trí, nhà báo Từ Chung, Chu Tử…) danh tánh các đao phủ, sát thủ cũng được giữ bí mật hoặc bật tí mí để đổ thừa cho phe VNCH, như tổng trưởng Giáo Dục bị hai người chở nhau trên xe gắn máy và mặc quần áo thuỷ quân lục chiến. Sinh viên X chết vì bị người lạ ném từ tầng lầu thứ ba, tư xuống đất. Cho đến khi các phương tiện truyền thông phát triển đến mức ngoài sức kiểm soát của nhà nước, những sát thủ này vào những dịp kỷ niệm chiến thắng, kể lể thành tích, kê khai công trạng (hoặc vì sợ quên hoặc đòi hỏi đền bù xứng đáng hơn) cho biết chi tiết vài vụ ám sát (do thành đoàn cộng sản giao phó). Cho thấy đôi bên nạn nhân và sát thủ không quen biết nhau. Một điều kiện cho các vụ khủng bố này được dễ dàng thực hiện. Thế là tuy hiếm có nhưng sự thật ít nhiều được rõ ràng ghi ra.


Từ sau tháng tư 1975 và bẵng đi một thời gian nhiều năm, tại Pháp, chúng tôi chỉ gặp những người cốt cán cách mạng, gốc Bắc, đi tu nghiệp vài tháng (mà họ gọi là đại tu). Họ rất thích nghe và mượn thu những băng nhạc Sài Gòn cũ của chúng tôi.


Trong các thập niên 90 và đầu thế kỷ 21, có cơ hội du lịch và làm quen các bạn Việt trẻ hơn và đến từ miền Bắc hay từ VN thống nhất, tại Pháp và tại các nước Đông Âu (trước và sau khi bức tường Bá Linh bị đập bỏ) chúng tôi xúc động nghe thấy những kỷ niệm của họ, cũng có hồn nhiên, tươi trẻ, tuỳ "lý lịch nhân thân" đều có ít nhiều đau thương, chết chóc, oan nghiệt, nhưng chưa một lần nghe được họ cùng hát tự nhiên trong những buổi họp mặt thân mật, những bài hát đặc biệt, đậm đà tiêu biểu như chúng tôi, cho dù là những bài hát tuyên truyền họ đã làu làu từ thuở nhỏ; cho nên tôi đường đột nhận xét chủ quan như trên. Thuở ấy họ không hề tâm sự riêng tư khi có mặt hơn ba người, vì nếu đông hơn, luôn luôn có "thủ trưởng" hay cái gì trưởng, người có nhiệm vụ dò xét và báo cáo khi có người lạ vào. Một lần, ở Tiệp Khắc khi khối Liên Xô chưa rã, theo một em sinh viên vào cư xá của em. Vừa ngồi xuống, tôi càng ngỡ ngàng vì em lại dặn lần nữa: "chốc nữa thủ trưởng em vào, chị nhớ bảo chị "là chị em bạn dì và từ Nga -hay Đông Đức- đến thăm em nhé!". Chị thủ trưởng rất dễ thương, trò chuyện một chốc thì chị từ giã. Tôi cứ ngẫm nghĩ chị có nghi ngờ gì không khi đứa nói giọng Nam, đứa giọng Bắc ?


Bây giờ tình trạng dò xét trông nom kiểu này không còn. Sự thay đổi, tất nhiên không phải do thay đổi chính sách mà chỉ vì không thể.


Rất lâu sau, tức là bây giờ, trên Youtube hay Website báo chí, tôi nghe tuổi trẻ thành phố Saigon hát rất nhiều nhạc Trịnh Công Sơn, những tình ca và kể cả đôi bài hát Trịnh Công Sơn còn bị cấm hay chưa được phép hát (vào 2012) như Bài ca dành cho những xác người, Hát cho người vừa nằm xuống, Ngụ ngôn mùa đông...


Có một lần nghe liên khúc trẻ hay nhạc vàng của họ, tự nhiên tôi nghe mình ớn lạnh, không biết vì hình ảnh thuở trẻ quay về hay vì một thứ linh tính bất an. Hơn nửa thế kỷ trước chúng tôi không giàu có, sống phập phồng với tiếng đại bác đêm đêm dội về thành phố với màn đêm ưu phiền, kẻ học Sư phạm, Văn khoa, người học Chính Trị Kinh Doanh, Khoa học; người phải nhập ngũ, kẻ nhảy núi. Người chết hai lần, quê hương ngạo nghễ nhưng mạng sống con người bấp bênh, quay cuồng như con cờ, nên phải thốt lên khát vọng hoà bình, khẳng định ý thức muốn trưởng thành, vươn lên vị thế tự chủ. Còn bây giờ chỉ số hạnh phúc cao, vươn ra thế giới như rồng, như cọp mà còn phải hát Ta như nước dâng dâng tràn... Hát như một nỗi niềm tôi ơi đừng tuyệt vọng, hay vươn bờ vai tự hào ngạo nghễ cố tin tưởng vào tương lai thật sự độc lập, hạnh phúc, vì hiện tại không như ao ước? Đôi khi tôi muốn tin...(PD) đôi khitôi muốn tin.


Bởi vì Nguyễn Đức Quang và các bạn Du ca, sau 1975, sau nửa thế kỷ, và chúng tôi, không chỉ hát  lại kỷ niệm xưa. Qua Tuyển tập Tưởng niệm người du ca muôn thuở, Quang Già Cơ, Mai/Hoàng Thái Lĩnh, Đỗ Quý Toàn, Nguyễn Thiện Cơ, Hoàng Ngọc Châu, Hoàng Ngọc Tuệ, Nguyễn Thị Nhuận, Hoàng Khởi Phong, Nguyễn Đình Toàn...những bạn đồng môn, đồng hành, đồng ca ...vẫn còn gặp gỡ, sinh hoạt, và Nguyễn Đức Quang sáng tác những bài hát mới, dự tính gặp gỡ với bạn bè trong ngoài . Những người bạn vẫn gặp nhau, theo nhau đến giờ phút cuối đời, ở Việt Nam, Âu châu và Úc châu, Mỹ Châu. Hơn thế nữa cái tinh thần Hướng đạo, Du ca và phong trào Du ca vẫn được tiếp tục trong khi các bạn cùng phong trào trong nước không được phép hoạt động từ sau 1975, cấm vì một điều kiện cần đủ sáng giá (nhưng nguy hiểm): "được tự do".

 

Tiếp tục sống sau khủng hoảng, đổ vỡ, sau tù đày, vượt biên, làm lại cuộc đời, đứng vững được nơi này hay nơi kia, điều đó chứng tỏ được giá trị phổ quát của lý tưởng và phương thức rèn luyện nhân cách ấy. Nên tâm đắc với kết luận của bạn anh, Hoàng Thái Lĩnh "...chia sẻ với chúng ta những kỷ niệm của một thời chiến tranh, một thời ly tán - thời của những hy vọng và thất vọng, thời của sự đan xen giữa lý tưởng trong sáng và thực tế khắc nghiệt. Nhưng đó cũng là một thời của những sinh hoạt thanh niên sôi nổi, thời của những tình cảm đầm ấm, những mối liên hệ thân thiện đã nảy sinh từ trong khói lửa chiến tranh và từ những nỗi buồn ly biệt. Cũng chính từ trong đau thương và mất mát, đã nảy sinh tình thân yêu giữa những người hoạt động thanh niên …"

 

Rèn luyện làm người tốt từ thời niên thiếu, mạnh mẽ cả thể chất và tinh thần, biết yêu thương và giúp đỡ người khác, nuôi ý chí tự lập và độc lập, yêu tự do và tôn trọng tự do của người khác, thích mạo hiểm, phiêu lưu cũng như học tập và thực tập để có những kỹ năng hữu ích giúp mình và giúp người. Sống tự lập và hoạt động trong nghề nghiệp đã chọn, vẫn tự do ca hát, làm báo, viết văn...với đam mê của thời xưa ấy.


Bắt đầu từ những bài hát Phạm Duy. Rồi Nguyễn Đức Quang, Trịnh Công Sơn. Ba nhạc sĩ lừng danh của miền Nam, đều trải qua những đắng cay oan nghiệt như vận mạng Việt Nam. Nhắc nhở đến họ, đến gia tài, sự nghiệp để lại là ngậm ngùi cảm thông, hiểu biết con người và đất nước VN trong một giai đoạn lịch sử tương tàn, rối loạn nhưng sau những đớn đau, ngậm ngùi, các nhân tài ấy, trong bầu không khí tự do vẫn sáng tác và đồng thời thực hiện những ước mơ hoà bình, xây dựng của con người bình thường: yêu quê hương và tiếng nói dân tộc.


Trong không gian đời người sống xa quê hương, với tôi các cuộc gặp gỡ thật ngoài đời hay qua những tâm tình, hồi ký của các nhân vật giữ vai trò tác nhân lớn nhỏ quan trọng hay mơ hồ như cát bụi trần gian, với kỷ niệm và kinh nghiệm cá nhân, đều có giá trị soi sáng và giải thích hành động của những con người tạo nên một giai đoạn lịch sử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét