Tháng 3, rồi tháng 4 năm 1975, thiên hạ chạy di tản rần rần từ miền trung vào trong nam, rồi từ đất liền « chạy » ra biển, nhốn nháo hỗn loạn chẳng biết « trời trăng » gì hết, chỉ có một ý nghĩ rõ rệt ở trong đầu là « Ở lại với tụi nó là chết ! ». Vậy rồi giai đoạn di tản đó chấm dứt vào ngày 30 tháng 4…
…Giữa tháng 4, một thằng bạn gọi điện thoại cho tôi, nói : « Mầy đừng đi di tản. Ở lại đi ! Không có sao hết ! Tao bảo đảm ». Thằng nầy làm lớn trong « Tổng Nha », nó nói « chắc như bắp » ! Lại một thằng bạn khác – thằng này người Pháp, làm việc ở sứ quán Pháp – nói trong điện thoại, giọng rất bình thản: « Mầy đừng đi đâu hết ! Mọi việc đều đã thoả thuận trước rồi ! Yên tâm ! ». Riêng tôi, tôi nghĩ: «Mình làm việc cho hãng dầu ngoại quốc trực thuộc hãng quốc tế SIPC (Shell International Petroleum Company – Anh Quốc) chắc không sao !». Vậy là tôi quyết định ở lại…
…Ngày 30 tháng tư năm 1975 ! Việt cộng vào « đớp » hết, công tư gì cũng đớp hết, thượng vàng hạ cám gì cũng đớp hết. Họ gọi hành động đó bằng một danh từ nghe cũng…văn chương :« Tiếp Quản ». Không biết hai thằng bạn tôi kể ở trên có…tức hộc máu hay không khi thấy mình bị gạt dễ dàng như con nít ? Riêng tôi, tôi thấy như tôi từ trên trời rơi xuống, thấy những gì xưa nay mình học, mình hỏi, mình hiểu biết, mình suy luận v.v…đều sai bét đối với « cái gọi là cách mạng»!
Hãng dầu tôi làm việc bị tiếp thu bởi…«ê-kíp » có bí số K7. Những người nầy mặc đồ đen đội mũ tai bèo đen. Mấy tay có vẻ « xếp » mang túi dết ngang hông và bao súng lục nằm…sau đít ! Họ chiếm kho dầu Nhà Bè và văn phòng trung ương ở đường Thống Nhứt. Hai hôm sau, có tin bộ đội vào kho Nhà Bè « vít » K7 ra ngoài, vì kho dầu không thuộc quyền quản lý của mấy cha K7. Vậy là trong cái tổ chức rất là…«cách mạng» nầy, cái «đầu não» của công ty không còn dính với cái thân mình là kho dầu nữa! Phải nói thiệt: tôi làm việc cho hãng dầu hơn 19 năm, đã đi thăm viếng nhiều hãng dầu ở các quốc gia khác, nhưng chưa thấy một tổ chức hãng dầu nào…khùng như vậy!
Qua sáng ngày thứ ba, tôi được chở xuống kho Nhà Bè để hướng dẫn một ông tướng VC đi viếng kho (Có lẽ mấy tên « nằm vùng » đã cho bọn « cách mạng » biết rằng tôi…rành kho dầu này lắm!) Đến kho, tôi được « ông » bộ đội xếp kho cho biết ông tướng là « xếp » cục hậu cần. Tôi tưởng tượng sẽ gặp lão ta với bộ quân phục thẳng nếp và một ngực mề đai như thường thấy ở mấy tướng các nước cộng sản!
…Xe ông tướng đến. Bước xuống là một người cao lớn mặc bộ đồ « xá xẩu » tàu bằng lụa màu ngà, đội nón Panama trắng, miệng ngậm ống đót có điếu thuốc đang cháy dở Được giới thiệu, ông ta không bắt tay tôi, chỉ gật nhẹ đầu, nói:
«Ta đi thôi!». Tôi lưu ý ông ta đừng hút thuốc trước khi vào kho. Ổng gạt bỏ mẫu thuốc nhưng vẫn ngậm ống đót trên môi…
Kho Nhà Bè lớn lắm. Ngoài bốn cầu tàu chiếm hết mặt sông, trên bờ có khu bồn chứa và các khu nhà máy trộn nhớt, trộn hoá chất, sản xuất thùng thiếc 20 lít đựng dầu hôi, châm dầu vào thùng 200 lít, nhà máy nhựa đường.v.v…
«Phái đoàn» đi viếng gồm có ông tướng, hai người hộ vệ và xếp kho. Vì kho dầu không làm việc nên tôi chỉ đưa họ đi…phớt phớt vòng ngoài các khu nhà máy. Tôi có ý đợi họ đặt câu hỏi, nhưng không nghe cha nào nói một tiếng. Sau nầy, tôi mới biết rằng ngoài bắc không có những gì chúng tôi có ở trong nam, cho nên họ không biết…khỉ gì để mà hỏi!
Đến khu bồn chứa, bỗng ông tướng chỉ một cái bồn, hỏi: «Cái bể nầy bao nhiêu khối ?». Tôi trả lời: «Mười lăm ngàn m3». Hỏi: «Mỹ nó làm cho các anh đấy à?». Trả lời: « Không có thằng Mỹ nào vô đây hết! Toàn là dân Việt Nam thực hiện».
Nghe vậy, lão ta cười khẫy: «Làm gì có! Ở ngoài ta, trên 2000 khối là phải ông Liên Xô hay ông Trung Quốc thực hiện cơ!». Cái cách thằng chả nghi ngờ lời tôi nói đã chạm mạnh tự ái của tôi, đồng thời cũng cho tôi thấy rằng miền bắc của mấy chả nó dở ẹc hà ! Tôi nhấn mạnh : « Tất cả ba mươi mấy cái bồn nầy, lớn nhỏ gì cũng do nhà thầu thực hiện với thầy thợ hoàn toàn người Việt.)) Tôi đưa mấy người đến xem cái bồn mới làm xong cách đây mươi hôm. Đó là cái bồn lớn nhứt kho Nhà Bè, 30000 m3, do nhà thầu Việt Nam EVS thực hiện, nó lớn bằng nửa cái sân banh!.
Từ đó, mấy chả làm thinh luôn cho đến về văn phòng để họp với mấy anh em cấp chỉ huy cũ theo ý muốn của ông tướng !
Sau khi nghe mấy anh em lần lượt trình bày lý lịch, cấp bậc, phần việc và lương bổng của mình, ông tướng nói : « Các anh yên tâm : Đảng và Nhà Nước sẽ trả lương các anh y như cũ. Cứ yên chí phục vụ ! ». Nghe giọng ông ta rất tin tưởng vào những gì ổng nói, mình cũng thấy tin tưởng theo…
Thời gian sau, hãng dầu đường Thống Nhứt được mang tên « Công Ty Xăng Dầu Khu Vực Hai ». Hỏi « Khu Vực Một » ở đâu thì được trả lời « Chưa có, nhưng đã có Tổng Công Ty ở Hà Nội » ! Cách mạng có khác!
Rồi là « xếp thang lương », nghĩa là mỗi ngành mỗi nghề đều được xếp cấp bậc trên từng thang lương, từ đó lãnh lương mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ nửa lương. Tôi được xếp « kỹ sư bậc 2 trên 6 », nghe…khoẻ re. Thang lương có 6 bậc mà mình nằm gần trên đĩnh rồi, họ cũng biết…chấm điểm đó chớ ! Ai dè khi lãnh lương mới…té ngửa : mấy chả xếp thang lương ngược , hạng nhứt là bậc 6 nằm trên hết, rồi tuột lần xuống dưới chót là hạng một. Tôi bậc 2 trên 6, là hạng…áp chót! Mẹ!…
Tôi lãnh 80 đồng tiền mới ( Vậy là thằng cha tướng Tổng Cục Hậu Cần đã nói láo ! ) Bực mình, chạy đi gặp thủ trưởng, ảnh nói : « Trời đất ! Bác Hồ chủ tịch nước mà chỉ lãnh có 200 đồng. Còn anh, anh lãnh tới 80 đồng còn muốn gì nữa ? ». Thấy thằng chả đem « Bác Hồ » ra…làm chứng, tôi biết có cãi cũng vô ích. Rồi tôi nhớ ra là anh tài xế cũ của tôi bây giờ lãnh 90 đồng, tôi…đánh đòn chót: «Vậy thôi anh cho tôi làm tài xế, đi!».
Thằng chả cười, thấy như tôi sao quá khùng, nên vừa lắc đầu vừa trả lời: «Đâu được! Anh là Kỹ Sư đâu làm tài xế được!». Tôi làm thinh, bước ra khỏi văn phòng thủ trưởng mà thấy như mình từ trên trời rơi xuống!
…Tôi «chịu trận» với cái gọi là «cách mạng» hết ba năm. Vượt biên thất bại hết ba lần, qua lần thứ tư đi thoát, để bây giờ – ba mươi mấy năm sau – ngồi viết mấy dòng nầy nhân ngày 30 tháng tư thứ 37…mà thấy không phải tôi đã từ trên trời rơi xuống, chính mấy thằng cha «cách mạng» mới là từ trên trời rơi xuống!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét