khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

Về những "phát minh" của Gs Chu Phạm Ngọc Sơn thời ông làm việc trong Ban Khoa Học Thành Phố hcm




Hỏi: tôi rất thích nghe ông kể về quãng đời khi ở tù về và được hay bị làm trong cơ quan nhà nuớc và những kỷ niệm “chết tiệt” của ông với GS Chu Phạm Ngọc Sơn. Xin vui lòng kể?

Bùi Xuân Cảnh:  Cuối năm 1979, tôi được giải thoát, khỏi bị làm công nhân viên cho cái trại tù C18 tại Ngã Ba Ông Đồn, Long Khánh, là nhờ tên Trần Trọng Tân, lúc ấy là Ủy Viên Trung Ương Đảng, làm Trưởng Ban Khoa Học Thành Hồ. Nó làm Trưởng Ban Khoa Học, nhưng không biết gì về khoa học. Cái ấy đã đành. Nhưng y cũng chẳng có “nhà khoa học” nào dưới tay. Như xế xì cái cơ quan được gọi là Ban Khoa Học thành Hồ khác chi cái chùa Bà Đanh! Cho nên Trần Trọng Tân “quíu đít”, đi chiêu dụ hết các chuyên viên của VNCH. Và các chuyên viên, chuyên gia của ta thì lúc ấy như gà phải cáo. Thâm tâm họ cũng ý thức rõ cái sự hàng thần lơ láo, nếu xun xoe đến với thằng VC bất nhân, mới là tên cướp có súng hôm qua! Cho nên phe ta lảng tránh. Liêm sỉ con người trí thức mà!

Nguy khốn thay cho cộng sản: lúc ấy Mỹ cấm vận, Liên xô có mòi suy sụp, Đông Âu cựa quậy, muốn tự do và có vẻ không ưa anh Việt cộng. Kinh tế bên bờ vực thẳm. Chúng ta cũng như toàn dân, nghiền bo bo là thức ăn cho gà cho ngựa, đến mòn răng, sái quai hàm, và đớp khoai làng sung phềnh bụng, là chuyện thường ngày. Việt cộng nhẵn thín tài năng. Nó vội o bế các ông giáo sư Đại học. Các ông Trần Kim Thạch, Chu Phạm Ngọc Sơn, Lê Văn Thới, Phạm Hoàng Hộ… được “Thành Uỷ” o bế, nhận là “người của ta”. Cũng thời gian ấy, bao nhiêu “phát minh khoa học” của ta đã thành tựu: Thuốc trị bá bệnh Xuyên Tâm Liên, Lá khoai mì có nhiều protein gần bằng thịt bò; khoai lang có vitamin này vitamin nọ! Thế nhưng cái dạ dầy vẫn lép kẹp; Sư, Sĩ sau giờ làm, xúm nhau chia cá ươn, rau thối, bắt thăm cục xà bông, rút số nhận kem đánh răng dởm…

Lúc ấy, “nhiệm sở” của tôi là Sư Đoàn La Ngà, ở Ngã Ba Ông Đồn, Long Khánh. Tại sao tôi lại làm việc ở đó và làm cái gì? Thì tôi đã nói rồi. Tôi bị “Trại Tù Cải Tạo” giữ lại để làm công nhân viên trong trại. Vì nó nói tôi đã cải tạo xong, nay được làm công nhân viên, nên tôi tranh đấu, cuối tuần đòi về Saigon thăm nhà. Công nhân viên chứ bộ tù hay sao? Lúc đầu, nó viện cớ còn trong thời kỳ quản chế, không cho về; nhưng sau nhiều lần cãi cọ, “trâu đánh”, nó chịu cho về nhà mỗi cuối tuần. Trong một lần về thăm nhà, tôi gặp mấy bạn cùng trường. Họ dẫn tôi tới Ủy Ban Khoa Học, ca ngợi tôi với Trần Trọng Tân, là tôi có chuyên môn cao. Tôi nói với Hai Tân là tôi đang bị giữ làm công nhân viên cho sư đoàn La Ngà ở Long Khánh. Hai Tân cho biết tôi thuộc diện chuyên viên của Thành Phố, cho nên lão ta sẽ làm giấy giữ tôi ở thành phố; và lão làm ngay. Trại Cải tạo thấy tôi không trở về, nó phái lính xuống nhà tôi ở cư xá Chí Hòa để bắt tôi. Tôi sợ, phải trốn. Nó đến công an Phường, nhờ bắt tôi. Nhờ giấy tuyển dụng của ban Khoa Học Thành Phố, tôi không bị bắt và còn được cấp hộ khẩu ở quận 10. Làm ở Ban Khoa Học được hơn 3 tháng, tôi kiếm được chỗ vượt biên, và…dọt!

Nhưng cái số bị tù, nên tôi bị bắt. Khi được tha, Ủy Ban Khoa Học lại cho tôi vào làm. Thời kỳ này tôi chịu ép một bề, phải làm việc cho chúng. Đây là lúc trộn đất sét Củ Chi đã được “hoạt hóa” (activé) bằng HCl vào xà bông, do ông Chu Phạm Ngọc Sơn chỉ đạo. Thoạt đầu chỉ trộn có 15 % đất sét; sau thấy “tốt quá”, bèn có lệnh tăng tỷ lệ đất sét lên 20%. Chỉ it lâu sau, lại có lệnh tăng đất sét lên 30%. Người làm công việc trộn đất sét vào xà bông này là anh Cường, cử nhân Lý Hóa, nguyên Giảng Nghiệm Viên trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Anh làm tại Trung Tâm Sản Xuất Thử của Ban Khoa học. Mổi lần gọi cho Cường để tăng tỷ lệ đất sét, Cường thường lầu bầu chửi: “Quân lưu manh, gian trá”. Chẳng biết anh chửi ai. Lần cuối cùng tôi gọi Cường để tăng tỷ lệ đất sét lên 30 %, anh gào lên: “Sao không làm mẹ nó cục sà bông bằng đất sét luôn đi; khỏi trộn , ĐM thiệt tụi bay làm việc thực là quá tức cười !”.

Tôi vội phóng xe tới chỗ Cường, nói cho anh biết, tôi không có dự phần nào vô cái vụ làm sà bông đất sét này. Đây là kết quả nghiên cứu của ông Sơn ở Đại Học Tổng Hợp. Cường bảo tôi “ĐM làm với tụi bay, chắc có ngày tao tức quá mà chết mẹ nó luôn!”. Không ngờ đó là lời nói gở. Một buổi sáng sau đó ít lâu, Cường đang tập thể dục trước nhà, bỗng ngã lăn ra và chết luôn!

Cường chết rồi, tôi buồn quá. Và lại vượt biên lần nữa. Nhưng cái số ăn mày vẫn còn đeo dính. Tôi lại bị bắt và ở tù, lần tù này rất thê thảm. Ra tù, lại vẫn mặt mo, trở lại Ban Khoa Học làm việc.

Tôi đã cùng các chuyên viên đi khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long, xuống tận Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên… làm các project phát triển kinh tế cho những tỉnh nào ký hợp đồng thuê Ban Khoa Học nghiên cứu. Bao nhiêu năm tháng gian khổ, đi làm thuê, viết project kiếm sống; kỷ niệm vẫn đầy ắp trong tôi. Ông Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, thày dạy Hóa Lý của chúng ta, cũng làm khổ Ban Khoa Học bằng các nghiên cứu của ông, mỗi dịp có “nễ nớn”, để lấy thành tích chào mừng cách mạng: chế xi măng cấp thấp, trích promelin từ dứa xuất khẩu bị trả về cả mấy tầu, trích furfural từ cùi bắp để làm thuốc trừ sâu… làm keo dính, làm sơn…Sáng kiến của thày được tống cho đám chuyên viên ban Khoa học để thi hành. Cái project nào không dính tên tôi, thì tôi mặc, ai làm sao, tôi không ý kiến; nhưng nếu dính tên tôi vào, thì bao giờ tôi cũng viết một câu trong phần ý kiến các chuyên viên: “Dự án bất khả thi, không nên làm”. Giám đốc Trịnh Văn Nhân có lần gọi tôi lên trách móc: “Thiếu tích cực, không có thiện chí”. Thường sau mỗi lần bị đe dọa như thế, là tôi tìm cách vượt biên. Rồi trong khi tôi ở tù, cha con chúng nó ở Ban Khoa Học hì hục thi hành những cái project trời ơi đất hỡi ấy, và dĩ nhiên là thất bại, sau khi đã xài hết quỹ nghiên cứu ít ỏi, mà chẳng ra công cán gì. Sau nhưng lần thất bại ê chề ấy, thế nào cũng có đứa bào chữa rằng: “Lúc trước đã có một chuyên viên cho rằng không thể làm; mình làm đây là làm liều, làm may rủi vậy thôi, chứ đâu có dám cam đoan là chắc ăn!”

Tôi trở lại Ban Khoa Học ba lần, sau những lần vượt biên thất bại và ở tù. Cù lần như tôi mà có một cơ hội khiến cho tôi suýt chớp được một cái tầu của Ban Khoa, có thể dùng để vượt biên. Nguyên cái tàu này là của bà Bùi Thị Lạng, cũng là tiến sĩ, giáo sư môn Hải Dương Học của trường Khoa Học. Bà Lạng được bọn Cộng ở rừng về, tưởng rằng Tiến sĩ ở Mỹ ắt là giỏi khủng lắm. Bà Lạng bày trò nghiên cứu phiêu sinh vật Rừng Sát có thể dùng kết quả nghiên cứu để ứng dụng việc nuôi tôm, nuôi cá. Gì chứ món tôm, cá là Đảng ta khoái tít mắt. Tiến sĩ Mỹ nghiên cứu cách nuôi tôm cho ta! Rồi đây, tôm hùm to bằng bắp chân, xuất khẩu hết sảy. Thế nhưng tiến sĩ Bùi đòi phải có một con tàu chuyên dụng, với các đồ nghề khoa học lỉnh kỉnh: ống nghiệm, kính microscope, chai lọ, hóa chất, lưới vợt… để nàng ra cửa biển rừng sát vớt phiêu sinh vật, chiếu kiếng hiển vi, nghiên cứu! Đảng chỉ còn biết hết lòng phục vụ khoa học…tôm tép, đâu còn ý kiến gì! Nhưng Tiến Sĩ Bùi “nghiên cứu” cả năm mà có ra cái chó gì ! Bịp nhau mà thôi!

Rồi có đứa xấu miệng nào đó, nói ra, nói dzô. Nhà tiến sĩ giận dỗi. Nàng trả lại con tàu cho Ban Khoa học, để “muốn làm gì thì làm, chứ việc nghiên cứu khoa học mà cứ đòi ăn ngay, thì làm sao mà nghiên được!” Tự nhiên Công Ty Dịch Vụ Khoa Học, nơi tôi làm việc, phải lãnh một con tàu khá tốt, để không biết dùng nó làm gì! Ban Khoa Học giao cho nhóm chuyên viên chúng tôi tìm cách sử dụng con tàu này. Tôi chưa hề thấy mặt mũi cái tàu ra sao, nhưng tôi đưa ý kiến: nên giao nó cho các kỹ sư cơ khí, dùng nó làm một trạm sửa chữa tàu bè trên sông.

Công Ty tôi lúc ấy có mấy kỹ sư công nghệ và cơ khí đang ngồi ngáp gió. Tôi xúi mấy thầy làm một cái Project “Trạm Sửa Chữa Cơ Khí Lưu Động Trên Sông Rạch”. Mọi việc đang tiến triển tốt, thì bỗng một thằng trong nhóm kỹ sư vượt biên, biến mất. Giám Đốc Trịnh Văn Nhân như người ngủ, sực tỉnh giấc, ý thức rằng việc giao tàu bè cho mấy thằng kỹ sư “Ngụy”, quả là giao trứng cho ác. Và vụ “Trạm Sửa Chữa Lưu Động ” đó được vội vàng dẹp bỏ. Tôi tiếc hùi hụi mấy ngày. Phải chi cái “Tàu Khảo Cứu” của Tiến sĩ Bùi Thị Lạng được giao cho chúng tôi, như kế hoạch, thì biết đâu chúng tôi chẳng làm nên chuyện.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét