khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

Cải tạo công thương nghiệp tư doanh - Tác giả Huy Đức




“Nếu như đối tượng của Cách mạng chỉ có 92 nhà tư sản giàu có nhất miền Nam thì sau năm 1975, nền kinh tế vẫn còn cơ hội để hồi sinh. Nhưng, hai năm rưỡi sau, “giai cấp tư sản” lại bị “đánh” trong một chiến dịch mới được gọi là “Cải tạo Công Thương nghiệp Tư doanh”, một chiến dịch được ông Đỗ Mười triển khai với “bàn tay sắt”.

Lý do của đợt cải tạo này được nói trong Thông báo ngày 23-3-1978 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh: “Các nhà tư sản thương nghiệp, bằng hoạt động đầu cơ, buôn bán chợ đen, tích trữ hàng hóa và tiền mặt đã lũng đoạn kinh tế và thị trường, nâng giá hàng hóa bán ra, phá rối việc thu mua của nhà nước, gây cảnh hỗn loạn thị trường để làm giàu bất chính, thậm chí tung hàng giả ra thị trường để gạt gẫm và bóc lột người tiêu dùng. Họ dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt móc hàng của xí nghiệp, kho tàng nhà nước, ăn cắp những bí mật kinh tế quốc gia, nhằm đục khoét kinh tế xã hội chủ nghĩa đang bước đầu xây dựng và làm hư hỏng một số cán bộ nhân viên nhà nước, rồi qua đó mà nói xấu chế độ”. Cơ sở pháp lý của đợt “cải tạo thương nghiệp tư bản chủ nghĩa”, được nói là theo Quyết định số 100 CP ngày 12-4-1977, nhằm “xây dựng nền thương nghiệp xã hội chủ nghĩa” theo hướng “chấm dứt kinh doanh thương nghiệp của các nhà tư sản, chuyển các nhà tư sản thương nghiệp sang sản xuất”.

Trước đây, khi Trưởng Ban Cải tạo Xã hội Chủ nghĩa Trung ương Nguyễn Văn Linh gặp giới công thương, “nhiều anh chị em công thương” khi phát biểu ý kiến, đã “hoan nghênh chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh”. Thậm chí có những ý kiến đã “nói lên những tồn tại của giới công thương”, chỉ trích “một số nhà công thương còn theo lối kinh doanh cũ, vi phạm các chính sách luật lệ của chính quyền cách mạng”. Lần ấy, sau khi “nêu lên chính sách đúng đắn, có tình, có lý của Đảng và Nhà nước”, ông Nguyễn Văn Linh đã “kêu gọi các nhà công thương… ra sức cải tạo bản thân, đem hết khả năng và những hiểu biết của mình để tham gia xây dựng tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”. Sau hai ngày làm việc ấy, ông Linh “hẹn sẽ có dịp nói chuyện” một cách đầy đủ hơn về chính sách cải tạo.

 Nhưng bản thân ông Nguyễn Văn Linh cũng chưa hình dung được ý đồ cải tạo của ông Lê Duẩn. Đầu năm 1978, chức trưởng Ban Cải tạo mà ông Linh đang nắm giữ được Tổng Bí thư Lê Duẩn trao lại cho ông Đỗ Mười. Ngày 16-2-1978, sau khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký “Chỉ thị 115”, ông Đỗ Mười đưa quân tập kết vào Sài Gòn để bắt đầu kế hoạch.

Sáng 23-3-1978, khi người dân Sài Gòn chưa kịp thức dậy thì trước những cửa tiệm, lớn có, nhỏ có, đã lố nhố từng tốp thanh niên, mặt mày nghiêm trọng. Họ chỉ chờ chủ nhà thức dậy là ập vào, kiểm kê, niêm phong hàng hóa và bắt đầu chốt giữ. Đêm hôm trước, toàn bộ lực lượng thanh niên đã được Thành đoàn huy động: sinh viên các trường đại học thì nghỉ học, công nhân trong các nhà máy thì nghỉ làm; những người chưa có công ăn việc làm thì được phường trưng dụng.

Cũng trong buổi sáng hôm đó, các báo cho đăng Quyết định 341/QĐ-UB của Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, công bố năm điều quan trọng của chính sách cải tạo: Đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh thương nghiệp của tư nhân; ra lệnhkiểm kê hàng hóa tồn kho; cấm các nhà tư sản làm nghề buôn bán và “khuyến khích” họ chuyển sang sản xuất.

Người ký Quyết định 341, ông Vũ Đình Liệu thừa nhận: “Quyết định được ký nhân danh Ủy ban, lực lượng nói là của Thành phố, nhưng nòng cốt là Trung ương đưa vô, kế hoạch Trung ương đưa vô. Ở cấp Thành phố cũng có Ban Cải tạo nhưng từ thành phố cho tới quận huyện đều có người được ông Đỗ Mười đưa từ Hà Nội vào. Họ mới là người đưa ra quyết định. Đau xót nhất là họ cứ theo tiêu chí tư sản Hà Nội để áp dụng cho Sài Gòn. Quy sai thành phần đã khiến cho cải tạo trở thành cuộc chiến trên diện rộng”.
Theo ông Nguyễn Văn Trân, viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương: “Khi bắt đầu chiến dịch, Bộ Chính trị chuyển anh Nguyễn Văn Linh sang làm Dân vận rồi đưa anh Đỗ Mười vào vì anh Đỗ Mười đã làm cải tạo công thương nghiệp ở Hà Nội. Anh Mười vào Sài Gòn áp dụng y chang những gì đã làm ở miền Bắc trong năm 1960”. Theo ông Hoàng Tùng: “Năm 1955, khi đánh tư sản ở Hải Phòng, Đỗ Mười cũng cho xóa sạch”. Ông Hoàng Tùng thừa nhận là thoạt đầu ông đã cùng ông Đỗ Mười vào Nhà khách Trung ương tại Sài Gòn (T78), viết bài ủng hộ chiến dịch này, nhưng sau thấy Đỗ Mười đánh cả tiểu thương ông bỏ về. Ông Mười hỏi: “Sao về?”. Hoàng Tùng nói: “Tôi theo anh, tôi sa lầy”.
Trong suốt thời gian đặt “Tổng hành dinh” tại Thủ Đức, ông Đỗ Mười ít khi xuất hiện công khai. Nhưng quyền lực của ông là bao trùm và cách mà ông tiến hành thì cứng nhắc đúng như những giai thoại về ông lúc đó. Theo ông Đỗ Hoàng Hải, đại biểu Quốc hội Khóa IX, người được phân công “phát động giai cấp công nhân tham gia” lực lượng cải tạo: Cứ “đánh” xong ngành nào thì các ngành tương ứng từ Trung ương – phần đã vào từ trước, phần mới vào theo ông Đỗ Mười – lập tức nhảy vào tiếp quản. Ví dụ Bộ Công nghiệp nhẹ tiếp quản ngành Dệt; Bộ Giao thông tiếp quản các cơ sở liên quan đến xe cộ, bến cảng; Liên hiệp Công đoàn Giải phóng thì tiếp quản số 14 Cách Mạng Tháng Tám, nơi vốn là trụ sở Liên đoàn Lao động của Trần Quốc Bửu.

Ông Đỗ Hoàng Hải nói: “Lực lượng công nhân do tôi chỉ huy lúc đó hết sức phấn khởi vì Thành ủy dành 35% quỹ nhà cải tạo chia cho giai cấp công nhân, coi như đó là một chính sách lớn của Đảng đối với thành phần nòng cốt. Ngày cao điểm, chúng tôi huy động tới 3000 công nhân, sáng ra phát cho mỗi người một ổ bánh mì rồi khi có lệnh là lên xe đến ‘chốt’ nhà của ‘tư sản’. Trước đó, những lực lượng khác đã xộc vào các cửa hàng, phát hiện, kê biên hàng hóa, đồng thời ‘đấu tranh chống các hành vi xấu”.
Cán bộ làm công tác cải tạo được mô tả: “Đã nhã nhặn, đúng mực, nhưng rất cương quyết, dứt khoát, trong sạch; đã làm thất bại một số vụ mua chuộc xấu xa của giai cấp tư sản. Nhiều công nhân lao động chẳng những phát hiện các hộ tư sản thương nghiệp lọt sổ, tố giác các kho hàng cất giấu, mà còn cương quyết từ chối và đấu tranh chống lại hành động hối lộ của một số hộ tư sản”.
Một nhân viên cải tạo từ chối nhận hối lộ đã được Ban Chỉ đạo “thông báo cho toàn quận và được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản vào tối ngày 26-3-1978 ngay tại nơi cô tham gia công tác cải tạo”. Người dân cũng được phát động để “kịp thời phát hiện, phê phán, đấu tranh, tố giác, chống những hành vi xấu như hối lộ, tẩu tán hàng hóa, tuyên truyền xuyên tạc, chia rẽ của một số hộ tư sản không thức thời”.
Hầu như không có chống đối, chỉ một số tư sản người Hoa phản ứng ở mức thăm dò. Vào lúc 7 giờ sáng ngày 23-3-1978, khi xuống một phường ở Quận 5, ông Mai Chí Thọ được báo cáo: “Nhiều nhà tư sản biết trước lệnh cải tạo đã khóa cửa bỏ đi, cán bộ tới không có chủ nhà để đưa lệnh kiểm kê tài sản”. Ông Mai Chí Thọ suynghĩ rồi ra lệnh: “Cho niêm phong tất cả cửa ra vào, cho một tổ chốt trước nhà những người đi vắng. Thông báo cho họ một thời hạn, nếu không tự giác thì các đồng chí cứ cho phá cửa vào lập biên bản”. Trừ một số trốn đi luôn, phần lớn đã trở về chịu để chính quyền kê biên tài sản.

Tại Sài Gòn, 28.787 hộ tư sản bị cải tạo, phần lớn bị “đánh” ngay trong bốn ngày đầu với 6.129 hộ “tư sản thương nghiệp”, 13.923 hộ “trung thương”. Những tháng sau đó có thêm 835 “con phe”, 3.300 “tiểu thương ba ngành hàng”, 4.600 “tiểu thương và trung thương chợ trời” bị truy quét tiếp. Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, người trông coi kho vàng của Ngân hàng, trong đợt đánh tư sản này, Cách mạng thu thêm khoảng hơn năm tấn vàng, chưa kể hạt xoàn và các loại đá quý. Có những gia đình tư sản giấu vàng không kỹ, lực lượng cải tạo tìm được, khui ra, vàng chất đầy trên chiếu.

Những năm sau 1975, cứ mỗi khi có một thành phần nào đó trong xã hội trở thành đối tượng của Chính quyền, lại có một thành phần khác, gọi là quần chúng, được đưa đứng ra lên án. Chín mươi hai nhà tư sản mại bản vừa bị đánh vào rạng sáng ngày 10-9-1975 thì sáng hôm sau, 11-9-1975, đã có “1.200 nhà tư sản dân tộc, tiểu thương, tiểu chủ mở đại hội bất thường” tại rạp Rex để “bày tỏ quyết tâm bài trừ bọn tư sản mại bản, đầu cơ tích trữ, lũng đoạn, phá rối thị trường”.
Thậm chí, “giới người Hoa tỏ ý muốn Chánh quyền công bố đầy đủ danh sách và tội trạng của tất cả các tên gian thương đã bị sa lưới. Giám đốc một xí nghiệp tại Chợ Lớn (xin giấu tên) là người Hẹ, cho biết, theo ông nên tịch thu toàn bộ tài sản của bọn gian thương, đem xử công khai trước nhân dân và cho bọn này đi cải tạolao động lâu dài để chúng biết giá trị của lao động”. Ông giám đốc người Hẹ này khi ấy chắc không ngờ có ngày mình cũng trở thành đối tượng của “nhân dân lao động”.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét