khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

Mời xem tiểu thuyết RU của tác giả Kim Thúy




Ru là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Canada gốc Việt- Kim Thúy, lần đầu được xuất bản bằng tiếng Pháp năm 2009, sau đó được dịch sang tiếng Anh năm 2012. Cuốn Ru đã đoạt giải văn học Pháp ngữ Prix du Gouverneur général của Canada năm 2010. Trên một trang phê bình có viết "Đây là tác phẩm văn học gây dấu ấn đáng kể cho cộng đồng người Canada gốc Việt trên văn đàn Canada". Cuốn sách cũng đã được dịch sang tiếng Đức, Tây Ban Nha, Ý và Thụy Điển. Dưới đây dịch giả Thanh Mai giới thiệu một vài trang qua bản dịch bằng tiếng Séc.


Tôi ra đời trong những ngày cuộc tấn công Tết Mậu thân đã nổ ra, đó là những ngày đầu tiên của năm mới, khi tiếng nổ của các tràng pháo treo dài trước nhà hòa cùng với tiếng súng rền.

Tôi sinh tại Sài gòn, lúc xác pháo nổ tung thành hàng ngàn mảnh vỡ, các tia lửa lóe lên nhuộm mặt đất thành một màu như các đốm hoa anh đào và như máu của hai triệu người lính tản mác khắp các thành phố và làng quê Việt nam bị xé thành hai phái.

Tôi được sinh ra dưới một bầu trời có các đợt pháo hoa kết vòm trang trí, với các quả đạn trái pháo và tên lửa cắt ngang. Tôi được sinh ra để thay thế các mạng sống đã bị tước mất đi. Cuộc đời tôi đáng lẽ ra phải là sự tiếp nối cho đời má.

---***---

Tôi tên là Nguyễn An Tịnh và má tôi là Nguyễn An Tĩnh. Tên của tôi là một biến thể của má, chỉ khác có một dấu chấm ở dưới chữ "i" và dấu chấm ấy làm tôi khác má, nó tách tôi ra khỏi má và đẩy tôi xa má. Ngay cả khi mà theo tên gọi thì tôi phải là sự nối tiếp của má. Trong tiếng Việt, tên của má có nghĩa là "sự an bình bên ngoài" còn tên tôi là "sự an bình bên trong". Với những cái tên dễ lẫn thế này, má đã cố tình thể hiện ra rằng tôi là sự tiếp nối của má, cuộc đời tôi là sự tiếp nối của đời má.
Lịch sử Việt nam - được viết với chữ in hoa - đã phá hỏng các kế hoạch của má. Nó đã thảy tuốt sự khác biệt mong manh trong sắc thái của hai cái tên xuống biển, từ cách đây 30 năm, khi mà chúng tôi vượt qua vịnh Thái lan. Làm mất đi ý nghĩa của những cái tên, nó biến những cái tên đó rốt cuộc chỉ còn là các âm thanh mà trong tiếng Pháp nghe vừa xa lạ mà vừa kỳ cục. Và nhất là làm cho tôi ở tuổi lên 10, không còn là sự tiếp nối tự nhiên của má.

---***---

Cuộc sống lưu vong làm cho con tôi cũng không phải là sự tiếp nối của tôi. Chúng tên là Pascal và Henri và chẳng giống tôi. Chúng có mái tóc sáng màu, nước da trắng trẻo và làn mi rậm. Tôi không cảm thấy tình mẹ bẩm sinh, như tôi hằng tưởng, khi 3 giờ sáng, lúc vẫn còn đang đêm, ôm con vào ngực cho bú. Bản năng người mẹ đến với tôi mãi về sau này, sau những đêm mất ngủ, bên những chiếc giường trẻ ướt mẹp, qua những nụ cười không hề chờ đợi và những niềm vui bất ngờ.

Mãi đến lúc đó tôi mới hiểu tình yêu của má, má ngồi đối diện với tôi dưới khoang tàu, trên tay má là đứa nhỏ trên đầu đầy lớp vảy ghẻ hôi hám. Hình ảnh đó từng hiện ra trước mắt tôi cả ngày cả đêm. Một ngọn đèn nhỏ treo trên sợi dây, mắc trên một cây đinh gỉ sét, phát ra một thứ ánh sáng yếu ớt và đều đều ổn định. Trong khoang tàu không thể phân biệt đấy là ngày hay đêm. Luồng sáng ổn định ấy bảo vệ chúng tôi trước sự mênh mông đến vô cùng của cả biển và trời. Những người ngồi trên mui tàu kể lại, rằng không thấy cả lằn ranh dù mong manh nhất phân cách màu xanh của trời và của biển. Và thế là không thể chắc chắn, liệu chúng tôi đang hướng đến trời cao hay là đang đi vào biển thẳm. Nơi khoang tàu, thiên đường và địa ngục đang hòa quyện bên nhau. Thiên đường, đó là sự hứa hẹn về một bước ngoặt của một tương lai tốt đẹp hơn với một cuộc sống mới. Địa ngục, đó là nỗi sợ của chúng tôi - sợ gặp cướp biển, sợ chết đói, sợ bị ngộ độc bởi ăn bánh bị ngấm dầu máy, sợ hết nước uống, sợ sẽ không bao giờ đứng lên nổi, sợ phải đi tiểu vào một cái nồi màu đỏ được truyền từ người này sang người khác, nỗi sợ, không biết vết mẩn trên đầu đứa trẻ có lây lan, nỗi sợ rằng sẽ không bao giờ được đi trên đất bằng, nỗi sợ rằng sẽ không bao giờ còn được thấy người thân đang ngồi đâu đó trong nửa tối nửa sáng giữa hàng trăm người khác.

---***---

Khi chiếc tàu của chúng tôi đến giữa đêm vẫn còn thả neo bên bờ sông Rạch Giá, phần đông mọi người chỉ có một nỗi sợ - sợ những người cộng sản, và vì thế mà họ bỏ chạy. Nhưng khi chỉ có một màu trời xanh bao trùm, nỗi sợ biến thành một con quái vật có muôn vàn bộ mặt, nó làm đôi chân người ta khuỵu xuống và vì nó mà chúng tôi không còn cảm thấy cơ bắp của mình đang cứng đờ. Chúng tôi đờ người vì sợ. Chúng tôi thậm chí không còn nhắm mắt lại khi bị đứa trẻ đầy ghẻ lở trên đầu đái vào người. Và cũng không còn bịt mũi, khi có ai đó bên cạnh mình nôn ói. Đờ đẫn, chúng tôi siết lấy vai người này, quấn lấy chân người khác và bị kẹp trong nỗi sợ của chung tất cả. Chúng tôi bị tê liệt hoàn toàn.

Câu chuyện về một bé gái bị mặt biển nuốt gọn bởi mất thăng bằng khi đi trên mui tàu, lan rộng trong lòng khoang tàu bốc mùi như một loại khí có khả năng gây tê hay là gây hưng phấn, làm cho ngọn đèn duy nhất bỗng biến thành ngôi sao Bắc cực và bánh quy thấm dầu máy thì thành bánh quy bơ. Vị dầu máy trong cổ, trên lưỡi và cả trong đầu, làm chúng tôi lơ mơ ngủ trong nhịp ru mà người phụ nữ bên cạnh tôi khẽ hát.

---***---

Cha tôi đã tính đến chuyện nếu như gia đình gặp cướp biển hoặc bị cộng sản bắt giữ, cha sẽ cho cả nhà một giấc ngủ vĩnh viễn như nàng công chúa ngủ trong rừng, bằng các viên thuốc cyanide. Một thời gian dài tôi đã nghĩ đến việc sẽ hỏi cha, tại sao ông không cho chúng tôi quyền tự do lựa chọn và tại sao ông định tước đi cơ hội sống sót của chúng tôi.

Tôi đã thôi không đặt câu hỏi đó khi chính tôi trở thành mẹ và khi bác sĩ Vịnh, một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Sài gòn kể cho tôi, ông đã lần lượt gửi 5 đứa con - từ cô con gái 5 tuổi đến cậu trai 12 tuổi - mỗi đứa một con tàu, mỗi đứa một ngày khác nhau ra ngoài biển khơi, thoát khỏi gánh nặng của lời buộc tội mà các cơ quan cộng sản vận vào ông. Ông tin chắc rằng mình sẽ chết rục trong tù, bởi họ gào lên rằng trong khi mổ, ông đã gây nên cái chết cho các đồng chí của họ, mặc dù họ không hề bước chân qua ngưỡng cửa bệnh viện của ông. Ông hy vọng rằng nếu như gửi riêng từng đứa trẻ ra khơi thì sẽ cứu được ít nhất là một hai đứa. Tôi gặp ông bên bậc thềm nhà thờ. Ngày đông, thì ông quét tuyết còn ngày hè thì ông quét rác ở đây, để tỏ lòng biết ơn đối với người linh mục đã thay ông nuôi dưỡng tất cả 5 đứa con cho đến lúc trưởng thành, khi mà ông được ra tù.

---***---

Tôi không gào, và cũng không khóc khi người ta nói với tôi rằng Henri, con trai tôi sẽ luôn khép kín trong thế giới của mình, khi họ xác nhận với tôi rằng, con là một trong các trẻ không nghe thấy chúng ta và cũng không nói chuyện với chúng ta, cho dù chúng không điếc và không câm. Rằng con thuộc thể loại các trẻ mà chỉ có thể yêu thương từ xa, không thể chạm tới chúng và không thể cười với chúng, bởi vì mọi cảm giác của chúng sẽ bùng nổ tức thì để phản ứng với mùi da, cường độ giọng nói của chúng ta, cảm giác của chúng do mái tóc và cả nhịp tim của chúng ta mang lại. Nhiều phần, con sẽ không bao giờ gọi tôi một cách đầy tin cậy "mẹ ơi" khi mà một mặt khác, con phát âm từ "poire" (quả lê) thật tinh tế, có thể nghe thấy âm đôi "oi" tròn trịa. Con sẽ chẳng bao giờ hiểu, tại sao tôi lại khóc khi con mỉm cười với tôi lần đầu tiên. Con cũng sẽ chẳng nhận thấy, rằng chỉ một thoáng niềm vui loé sáng nơi con cũng là cả một phước lành cho tôi và rằng tôi sẽ luôn chiến đấu với bệnh tự kỷ, ngay cả khi tôi đã biết trước rằng không thể chiến thắng căn bệnh này.

Ngay từ đầu tôi đã bị đánh bại, trụi trần và thừa thãi.



Mời xem nguyên tác RU của tác giả Kim Thúy, viết bằng tiếng Anh
 
 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét