khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

“Bồ tát” cộng sản - Tác giả Trần Văn



Tuy không phải là Chủ tịch Nhà nước như ông Trần Đại Quang nhưng vì ông Đỗ Mười từng là Tổng Bí thư Đảng CSVN nên “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân” Việt Nam lại phải tiếp tục để tang một cá nhân được mặc định như “quốc phụ” nữa!

Tuần trước, nhiều facebooker tại Việt Nam đã chuyền cho nhau bài viết của ông Hồ Anh Hải, đăng trên website Nghiên Cứu Quốc tế (1), kể chuyện thiên hạ tổ chức “quốc tang” cho những ai, như thế nào. So với thiên hạ, việc Việt Nam dùng luật để đặt định “quốc tang” rõ ràng là phi lý, lãng phí, chưa kể hết sức nguy hại cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trong việc thu phục nhân tâm.
Giống như tuần trước, sự kiện thêm một “quốc phụ” lìa đời thuộc loại “nhiều triệu người vui, rất ít người buồn”. Có facebooker như Lệ Cam Trần tâm sự: Con hỏi, sao “tin buồn” mà nhiều người thả mặt cười vậy mẹ? Mẹ “đơ” luôn. Sáng giờ ai thả mặt cười thì giải thích cho bé đi (2)! Cũng đã có những facebooker như Nguyễn Thiện cảnh báo, chuyện lại có thêm hai ngày “quốc tang” gây thêm thiệt hại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giải trí. Nguyễn Thiện đề nghị giới làm luật nên đưa “quốc tang” vào nhóm “sự kiện bất khả kháng” để giải trừ trách nhiệm cho doanh nghiệp khi không thể thực hiện hợp đồng đã ký (3).

Phiền toái của “quốc tang” nối tiếp “quốc tang”, khiến sinh hoạt xã hội xáo trộn, công quỹ phải chi thêm những khoản không nhỏ chút nào là lý do để ông Phạm Hoài Nhân ngồi tính xem còn bao nhiêu “quốc tang”. Theo đó thì tới giờ còn năm Chủ tịch Quốc hội, bốn Chủ tịch Nhà nước (chưa kể người sắp được bầu thay ông Quang), ba Tổng Bí thư, hai Thủ tướng chưa nghỉ thở, tựu chung là sẽ “còn tới… 14 cái quốc tang nữa”. Tuy nhiên trong số vừa kể có một số người từng giữ chức vụ này (ví dụ như Chủ tịch Quốc hội) rồi sau đó giữ thêm chức vụ khác (ví dụ như Tổng Bí thư), nếu đảm nhiệm thêm chức vụ khác (ví dụ như Chủ tịch Nhà nước) và do các chức vị ấy cùng thuộc “ diện” phải làm “quốc tang” nên ông Nhân báo hỉ, thay vì ba, sẽ chỉ cần làm một “quốc tang”. Rõ ràng “ba trong một” đỡ mất thời gian và đỡ tốn tiền (4)!

***

Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không tổ chức “quốc tang” cho ông Trần Đại Quang, ông Quang đừng chuẩn bị lăng để táng mình thì tuần trước, chắc chẳng có bao nhiêu người bình phẩm về “thân thế - sự nghiệp” của ông. Tuần này cũng vậy, điểm khiến thiên hạ nhớ - kể - nhắc với hậu sinh một cách tường tận ông Đỗ Mười đã gieo họa cho quốc gia, dân tộc thế nào. Rất nhiều facebooker như Trần Hồng Tiệm nhấn mạnh đến những “Di sản của Đỗ Mười” mà người Việt sẽ không bao giờ quên. Đó là “Hội nghị Thành Đô” mà ông Nguyễn Cơ Thạch – Ngoại trưởng Việt Nam thời đó từng cảnh báo là “mở ra thời kỳ Bắc thuộc mới” và “cải tạo công thương”. Cho dù Đỗ Mười không phải là thủ phạm duy nhất nhưng Đỗ Mười không thể rũ bỏ được trách nhiệm (5).

Tương tự, Nguyễn Đức Long nhận định, Đỗ Mười là một trong những người “khai sáng ra nghề đặt trạm” trên toàn Việt Nam vào thời kỳ ngăn sông cấm chợ. Một thứ ác mộng mà dân gian đặt thành vè “”Nằm ngửa thấy Trần Kiên, nằm nghiêng thấy Đỗ Mười”. Long cho rằng, nên dùng danh tính của Đỗ Mười để đặt cho các trạm thu phí hiện nay (6).

Đỗ Mười thọ tới 101 tuổi nhưng những gì ông đã làm gieo họa cho nhiều thế hệ nên vẫn còn nhiều triệu nhân chứng là con, cháu, thân nhân, bè bạn của các nạn nhân lên tiếng thuật lại những gì họ đã trải qua hoặc chứng kiến trong các cuộc “cải tạo công thương”. Lê Đại Anh Kiệt làm người ta ngậm ngùi cho “cu Dẹo” – bạn đồng môn. Cu Dẹo con ông Hài Hoành – chủ một trong hai tiệm sửa xe đạp ở thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tiệm ông Hai Hoành chỉ lấy tiền dân trong thị trấn nếu phải làm những việc khó từ vá xe trở lên, còn những chuyện lặt vặt như xiết lại ốc, chỉnh lại thắng,… thì chỉ làm giúp, miễn phí. Tiệm ông Hai Hoành cũng là chỗ để riêng hai ống bơm cho thiên hạ xài. Thay vì chạy nhảy, chơi đùa như nhiều bạn đồng lứa, sau giờ học, “cu Dẹo” chỉ biết giúp cha... Thế mà ông Hai Hoành bị quy là “tư sản”, bị “đánh” trong “cải tạo công thương”. Cả thị trấn sững sờ. May là các đợt “cải tạo công thương” ở miền Nam chỉ như “những cơn giông bạo phát, bạo tàn tràn qua rồi thôi, không chà đi, xát lại và lôi kéo cộng đồng dân cư vào những cuộc đấu tố, tàn sát lẫn nhau”. Miền Nam sau 30 tháng 4 năm 1975 có rất nhiều gia đình tư sản bị “đánh” tan nát như gia đình “cu Dẹo” (7).

Cũng xu hướng đó, Nguyễn Chương Mt viết về “Dấu ấn của Bồ tát Đỗ Mười”. Chương Mt nhấn mạnh, danh xưng “Bồ tát” không phải từ ông mà do Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì Chùa Hương, “hoan hỉ tôn vinh” Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng), sau đó là Tổng Bí thư Đỗ Mười. Chương Mt bảo rằng, bởi Đỗ Mười được tôn vinh làm “Bồ tát” nên ông ráng tìm hiểu về dấu ấn của “Ngài” Đỗ Mười và mong bá tánh giúp kiến giải thêm. Sau ngày đất nước liền một dải, “Ngài” Đỗ Mười đặc trách “cải tạo công thương” tại miền Nam. Toàn miền Nam suy sụp, rơi vào cảnh đói kém. Đang sống yên bình ở đô thị, thoắt cái, hàng trăm ngàn gia đình dắt díu nhau vào chốn rừng thiêng nước độc làm “kinh tế mới”. Sống nay, chết mai. Có đó rồi mất đó. Nhờ vậy mới thấm thía công đức của “Bồ tát” Đỗ Mười. “Ngài” đã tạo “thiện duyên” trong nghịch cảnh, khiến người ta thấu được lẽ VÔ THƯỜNG của cuộc đời. Không nhờ “Bồ tát” Đỗ Mười, dễ gì cả triệu người giác ngộ “vô thường”? Chuyện “Ngài” Đỗ Mười xác định “cải tạo công thương” là “trận chiến”, sẵn sàng dùng súng ống trấn áp bất kỳ ai chưa giác ngộ là vì thương chúng sinh còn mê đắm trong thủ chấp tài sản. Cũng vì vậy mà “Ngài” Bồ tát Đỗ Mười cổ võ cả con cái “đấu tranh” với cha mẹ, xem cha mẹ cất giấu tài sản ở đâu để báo cho chính quyền. Trong môi trường sống mà con người xem nhau như những đối tượng để “đấu tranh”, chẳng còn ai dám giữ cái “tôi” trong suy nghĩ, dần dà mọi người như một, cùng giác ngộ sự an toàn cao nhất, còn gọi là “an lạc thân tâm”, từ bỏ cái “tôi” trở thành VÔ NGÃ cho khỏi rắc rối. Không có “Bồ tát” Đỗ Mười, dễ gì cả triệu người giác ngộ “vô ngã”?
Theo Chương Mt, tuy “Bồ tát” Đỗ Mười đã vãng sanh nơi cõi Phật song những gì mà “Ngài” để lại đáng cho mọi người tụng niệm và đừng quên. Đó là: Đừng tưởng đã nắm trong tay là chắc ăn, có đó rồi sẽ mất đó, không thể dè trước... Đất nước đã bao giờ được như thế này đâu, đó là nhờ không chỉ có mỗi “Bồ tát” Đỗ Mười mà còn có nhiều “Bồ tát” nữa nhưng chưa lên bàn thờ (8).

Chú thích

(1) http://nghiencuuquocte.org/2018/09/25/chuyen-quoc-tang-o-cac-nuoc/
(2) https://www.facebook.com/lecam.tran.3/posts/1128454463985547
(3) https://www.facebook.com/nguyenthien.haihuoctutrao/posts/10213092983219311
(4) https://www.facebook.com/phnhan/posts/10212902492181765
(5) https://www.facebook.com/donga01/posts/10215807737218395
(6) https://www.facebook.com/duclong247/posts/10215386658432410
(7) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=692676084437051&set=a.164309720607026&type=3&theater
(8) https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/553922901708361



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét