Mời xem một trích đoạn hồi ký viết về linh mục Nguyễn Công Đoan, giám đốc Trung Tâm Đắc Lộ, ở trong tù của CSVN.
Xe tiến dần về Saigon. Khung cảnh “thủ đô Saigon - Hòn Ngọc Viễn Đông” hiện ra từ từ rõ nét. Đã 3 năm rồi - đúng ra đã hơn 5 năm rồi - mà không có gì thay đổi, có chăng thì màu đỏ trấn áp màu vàng/xanh của quê hương dân tộc. Xe chạy vào đường Trần Hưng Đạo, quẹo vào cổng lớn mang bản hiệu nền đỏ chữ vàng:
KHÔNG CÓ GÌ QUÍ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO
SỞ CÔNG AN THÀNH PHỐ
“Cộng đoàn Lasan Mossard” nay thu gọn còn 8 Huynh Đệ: Huynh trưởng Ánh, các Huynh Phúc, Điệp, An và các em đệ tử Thành, Minh, Thắng, Hoàng Bobo bị nhốt chung trong một phòng 4x4 mét kín mít, chỉ có cửa ra vào bằng sắt và trên cánh cửa trổ một “judas” nho nhỏ. Nền tráng gạch men màu vàng lợt. Tối hôm đó, “cộng đoàn” được bồi dưỡng bữa ăn thật thịnh soạn: mỗi người một chén cơm trắng, một con cá kho bằng ngón tay út và tô canh... “đại dương” (vài cọng rau muống và bẹ cải xanh). Tuy không được chính thức cho biết là “bồi dưỡng trước khi được thả tự do”, nhưng chúng tôi cảm nhận hầu như chắc chắn rằng chúng tôi sẽ được thả tự do một ngày gần đây. Quả thật, những bữa ăn trong suốt thời gian ở Sở Công An Thành Phố đều thuộc loại “tù... cao cấp”. Ý tưởng sắp được tự do - nhất là hy vọng sắp được trở về ngôi nhà thân yêu Đệ Tử Viện - làm ai nấy phấn khởi vui mừng.
Câu chuyện đầu môi chóp lưỡi quay quanh vấn đề “Các Anh Em của chúng ta như Huynh Đào, Huynh Hồng, Huynh Hà, Huynh Thắng, em Hoàng Dương, em Tiến, em Vinh có được bồi dưỡng như chúng ta bây giờ không? Nếu không thì bao giờ Anh Em mới được bồi dưỡng?... Không biết ngôi nhà Đệ Tử Viện bây giờ ai ở? Có thay đổi gì không? vân vân và vân vân...”
Sáng hôm sau, nghe tiếng hát mạnh dạng, cũng vui mừng phấn khởi không ít vọng từ phòng đối diện, chỉ cách một hàng ba vừa cở 2 người đi song song. Các bài hát không có chút nào mang màu sắt... hồng hồng đo đỏ, trái lại tuy là những bài hát mới nghe lần đầu nhưng ít nhiều phảng phất âm điệu hào hùng của màu vàng tươi. Qua cánh cửa judas, em Thành hỏi lớn: “Ai bên phòng kia vậy? Bên này là La San đây!” Tiếng hồi đáp phía bên kia phòng: “Tuyên Úy Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà đây!” Qua trung gian của nữ tù (?) nhân viên ẩm thực, chúng tôi được biết ở phòng bên kia là 7 linh mục tuyên úy Quân Đội VNCH mới được đưa từ Hà Nội vào hơn 1 tuần nay - trong số này tôi nghe biết tên linh mục Cao, linh mục Văn- linh mục Sơn, và 1 linh mục mới được đưa từ trại cảo tạo Hàm Tân về hôm qua. Suy đoán của tôi là 16 người (8 linh mục và 8 La San) được bồi dưỡng trước khi được thả tự do. Nhưng tại sao chỉ có 16 người “thuộc diện linh mục/tu sĩ công giáo”?
Khoảng 10 ngày sau, tôi nghe tiếng thẩm cung:
- Tên gì?
- Linh mục Đoan
- Địa chỉ?
- Trung Tâm Đắc Lộ
-...
- Bằng cấp gì?
- Phó tiến sĩ
- Cái gì mà phó tiến sĩ?
- Thì cứ ghi phó tiến sĩ
- ...
Huynh trưởng Ánh nói: “Giờ Dòng Tên đã đến! Cha Đoan là giám đốc Trung Tâm Đắc Lộ đó. Chắc là ‘giờ Lasan’ đã qua, bây giờ mới đến ‘giờ Đắc Lộ’! Không biết các dòng khác khi nào mới ‘tới giờ’?” Các linh mục phòng đối diện đưa tin giống như Huynh trưởng Ánh vừa nói.
Ngày 10 tháng 12 năm 1980, anh em trong “cộng đoàn La San Mossard” tuần tự được kêu lên làm việc. Tôi gặp một người công an trên dưới 40 tuổi, dáng người thư sinh trắng trẻo, tự xưng là Tám Tâm đặc nhiệm về tôn giáo vụ. Anh ăn nói nhã nhặn niềm nở. Có lẽ anh thừa biết là lên lớp giảng dạy về “đạo đức cách mạng” cũng... vô ích, nên chỉ hỏi vài câu vớ vẩn về quê nhà của tôi, về công ăn việc làm của tôi trước khi bị bắt. Xem chừng nhập đề như vậy là đủ, anh vào vấn đề chính: “Anh có biết tại sao anh bị bắt không?” Thay vì trả lời, tôi chỉ lắc đầu. Anh công an nói: “Tôi biết các ‘Frère’ Lasan nhiều lắm, tôi biết các anh không làm chính trị...” - “Vậy tại sao lại bắt tôi?” Tôi nói lớn, nhìn thẳng vào mặt anh ta. Ngạc nhiên vì thái độ cứng rắn của tôi, anh ta xịu mặt như đè nén cơn giận bất ngờ. Tôi nói tiếp: “Bắt anh em tôi, không ra tòa, không bị kết án, rồi lại bắt đi cải tạo 3 năm!” Như thể không dằn nổi cơn giận, anh ta nói lớn: “Đã 3 năm rồi mà... vẫn vậy!” Tôi kể lại cho Huynh trưởng Ánh, Huynh trưởng cười nói: “’Moi’ cũng nghe nói y như vậy về Lasan! Nó còn cho ‘moi’ biết là đức giám mục địa phận Đà Nẵng cũng phản động lắm và đã bị bắt; ‘moi’ nghi không biết nó nói như vậy là để hù mình hay là thật.”
Sáng ngày 15/12/1980, các linh mục được kêu tên từng người, mang theo hành trang, “chuyển trại”. Có một vị ra khỏi phòng, đi xéo ngang trước phòng chúng tôi nói lớn giọng vui vẻ: “Các Frère yên tâm đi, mình được trả tự do đó! Có đức tổng đến đón!” Huynh Đệ chúng tôi cũng đã xếp hành trang chuẩn bị đến phiên mình... được tự do. Đợi. Đợi nữa. Đợi mãi.
Khi cô nhà bếp đem cơm trưa đến mới biết là đức tổng Nguyễn Văn Bình đã đem 8 linh mục “đến nơi tự do” rồi! Khoảng 2 giờ chiều, nghe tiếng công an nói qua cửa sổ judas: “Tất cả dọn hành trang, chuẩn bị 15 phút nữa chuyển trại!”Anh Em nhìn nhau như mừng như ngờ ngợ. Chuyển trại thạât không đây? Hay như sáng nay, các linh mục cũng đã chuyển trại... tự do? Chưa được 3 phút, chúng tôi đã sẵn sàng... “chuyển trại.” Tiếng mở cửa sắt, chúng tôi đã đứng ngay cửa, tay ôm hành trang. Công an bảo: “Đi qua phòng này!” Thì ra cánh cửa phòng đối diện đã mở sẵn - phòng các linh mục đã tá túc hơn 1 tháng và đã ra đi, nhường lại cho chúng tôi. Trong phòng có sẵn 4, 5 người không biết đến từ lúc nào. Những người này trạc độ 30-50 tuổi, dáng như là “con mới” chứ không phải từng trải chốn lao tù ở đâu đem về để được “bồi dưỡng” như 8 linh mục và 8 La San. Nhận xét thoáng qua này càng làm tôi tin chắc “mình bị chuyển trại thật rồi! Lại tiếp tục lao động là vinh quang tại đâu và cho đến khi nào đây?”
Huynh Đệ trong “cộng đoàn Lasan Mossard” ai nấy chán nản, thất vọng vì đã “bán da gấu trước khi bắt được gấu”. Những người bạn nhìn chúng tôi, lắc đầu xầm xì to nhỏ với nhau; một anh thanh niên - có lẽ trẻ nhất trong nhóm 4, 5 người đó - nhìn chúng tôi với ánh mắt thật kỳ lạ, vừa ngạc nhiên vừa đăm chiêu ra điều suy nghĩ chuyện gì. Tôi bắt gặp ánh mắt đó, mỉm cười lắc đầu chán nản. Suốt 2 ngày không ai nói với ai; nhóm đến trước y tuồng nhận ra chúng tôi, nhưng không dám bén mảng tới nói chuyện. Bầu khí thật ngột ngạt khó chịu, bao trùm cả một sự nghi ngờ lẫn nhau - có lẽ sự nghi ngờ xuất phát từ phía chúng tôi hơn là từ phía nhóm “con mới”. Sáng ngày thứ ba, tôi bắt gặp ánh mắt chàng thanh niên như muốn “làm quen nói chuyện”, tôi mỉm cười gật đầu chào. Anh đến ngồi cạnh tôi, khỏi cần tự giới thiệu, bắt đầu kể chuyện:
"Frère chắc không biết em, nhưng em biết Frère. Frère còn nhớ hai anh em đệ tử của Frère ở Mossard tên là Triết và Thụy không? Hai em nói về Frère nhiều lắm, nhất là khi các Frère ở Mossard bị bắt. Em làm việc chung với ba của hai em nên hai em rất tin tưởng và mến trọng em. Ba của hai em Triết và Thụy cũng bị bắt một lần với em cùng với 4 anh em bạn đây và cha Đoan, giám đốc Trung Tâm Đắc Lộ.
Sáng ngày 8 tháng 12, đại diện hội đồng giáo xứ, đại diện ban mục vụ và phụng vụ, đại diện ban sinh hoạt thanh niên và hội đoàn có buổi họp dưới sự chủ toạ của cha Đoan để tổng kết chương trình mừng Noel tại Trung Tâm Đắc Lộ. Gần 10 giờ sáng, em đi vào cổng và sắp bước lên bậc cấp vào phòng họp, em nghe tiếng xe chạy vào cổng. Em quay lại nhìn thì thấy dẫn đầu là xe Jeep, tiếp theo là xe La Dalat, xe Landrover 4x4 và nhiều chiếc molotova chở nhiều công an trang bị súng ống đủ loại. Em nhìn vào trong chiếc xe Jeep, thấy một gương mắt quen quen ngồi hàng ghế sau; em đang suy nghĩ nhận diện “người này là ai?” thì tên công an ngồi ghế trên quay xuống lấy bàn tay phải che và đẩy mặt người này vào phía trong. Xe Jeep ngừng lại, tên công nhảy xuống và bắt em, còng tay rồi bảo em đứng yên một chỗ. Công an nhảy xuống xe molotova, chạy bao quanh Trung Tâm Đắc Lộ. Một số công an xuống xe La Dalat và Landrover 4x4, đi thẳng vào nhà. Người em thấy mặt quen quen vẫn ngồi trong xe Jeep, hai bàn tay dấu mặt.
Khoảng 15 phút sau, công an dẫn 5 người bị còng tay đi ra đứng chung với em, sau đó tụi nó dẫn cha Đoan đi ra nhưng cha Đoan không bị còng tay. Tụi nó đẩy cha Đoan lên xe La Dalat, xe chạy đi đâu em không biết."
Tôi nói: “Cha Đoan bị dẫn về đây; tuần trước ai cũng nghe tiếng cha trả lời thẩm cung của công an và chúng tôi biết là Cha Đoan đã bị bắt.” Anh gật đầu thở dài, rồi kể tiếp: "Tụi nó đẩy ba của hai em Triết và Thụy lên xe 4x4 rời đưa đi đâu tụi em cũng không biết. Sau cùng tụi nó đẩy 5 người tụi em lên chiếc xe Van đến Trung Tâm lúc nào không ai để ý, xe chạy đến trại giam Phan Đăng Lưu; tụi em ở đó 10 ngày, hôm kia tụi nó đem về em về đây, đúng lúc đức tổng Bình đến đón 8 linh mục. Tụi em được biết 2, 3 tuần trước rằng đức tổng Bình sẽ đến đón các linh mục và tu sĩ bị giam giữ từ năm 1975 được trả tự do. Nghe đâu đó là thành quả của một cuộc trao đổi: Toà Thánh Vatican cho nhà nước một tàu lương thực và thuốc men, đổi lại sự trả tự do cho tất cả các linh mục và tu sĩ. Không biết tại sao hôm kia chỉ có 8 linh mục được trả tự do? Tụi em tưởng các Frère cũng được trả tự do cùng một lượt, không ngờ lại được gặp các Frère trong phòng này! Em nghĩ rằng sớm muộn gì tụi nó cũng thả các Frère. Frère yên tâm đi!
Trong mấy ngày nay, em suy tưởng hoài đến “gương mặt quen quen” em thấy ngồi trên xe Jeep ngày đầu tiên Trung Tâm Đắc Lộ “bị thăm viếng”; em đã “nhận diện” được tên chỉ điểm này! Thật tạ ơn Chúa Quan Phòng sắp đặt cho em được nói chuyện với Frère tại phòng này. Em phải nói ngay sợ không còn cơ hội vì em nghĩ thật sự cần thiết để các dòng tu, cách riêng dòng các Frère, lưu tâm để ý về tên này, và một vài người theo em nghĩ có “nhiệm vụ theo dõi” sinh hoạt của các dòng tu. Xin Frère tìm cách thích hợp báo tin cho các dòng tu. Tên “chỉ điểm” dáng người thon thon, tương đối cao, gương mặt tròn hơi có vẻ khắc khổ và trạc độ trên dưới 50 tuổi. Ông ta thường đi xe đạp, treo một giỏ cói trước guidon, và đặc điểm là mỗi ngày thứ bảy từ 3 giờ đến 5 giờ chiều, ông ngồi uớng nước nơi quầy ép nước mía, đối diện với cổng chính vào nhà thờ Kỳ Đồng dòng Chúa CứuThế. Em không biết là hắn đã chỉ điểm và làm hại những dòng tu nào rồi, nhưng em khẳng định là hắn đã chỉ điểm dòng Tên tại Trung Tâm Đắc Lộ.
Trước khi em nói về một người thứ hai, em xin Frère đừng ngạc nhiên, và cũng đừng hỏi em gì hết về người này. Em không muốn phản bội người bạn của em, nhưng vì là vấn đề quan trọng và có thể nguy hại cho dòng của các Frères, nên em đành phải nói cho Frère biết. Người bạn đó là một cựu Frère - xin phép Frère cho em dấu tên, mà em tin chắc Frère nhận ra người này dễ dàng. Người bạn đó và một em đệ tử của Frère cùng với em vượt biển. Trên đường đến “cá lớn”, chẳng may bị phát hiện bởi công an khu vực và bộ đội địa phương tuần tiễu. Em may mắn chạy thoát được. Người bạn và em đệ tử cùng nhiều người khác bị bắt. Khoảng gần một tháng sau, em gặp lại người bạn - hết sức vui mừng. Một hôm, người bạn tâm sự và hỏi ý kiến em - vì cựu Frère đó và em là bạn rất thân và tin tưởng nhau. Người bạn “bị ép buộc chấp nhận một cuộc trao đổi với sở công an thành phố: Người bạn phải theo dõi và báo cáo về những bài giảng của các linh mục trong nhà thờ sẽ được chỉ định, đặc biệt những ngày lễ lớn như Noel, Tết Nguyên Đán... để đổi lại được trả tự do sớm - nếu không thì phải đi học tập cải tạo! Thêm vào đó - và đây là điểm chính mà em mong muốn cho Frère biết - Người bạn phải theo dõi hành tung của một người gốc Hoa, thường hay lui tới nhà giám tỉnh của dòng Lasan tại 53B Nguyễn Du [nghe đâu về việc chuyển ngân, đổi tiền], báo cáo đầy đủ những sinh hoạt và giao tế tiếp xúc của Sư Huynh giám tỉnh.
Trong tình thế tế nhị như vậy, em đã khuyên người bạn:
1. về việc nghe và báo cáo các bài giảng trong nhà thờ, thì cứ nói cho đúng sự thật, vì có rất nhiều người đi lễ, nghe giảng, và trong số đông đó, mình đâu biết “ai là ai?”
2. về việc theo dõi sinh hoạt của Frère giám tỉnh, đặc biệt về hành tung giao dịch của người gốc Hoa thì... tùy cơ ứng biến. Chắc chắn tụi nó cũng cho nhiều người khác theo sát chứ không phải chỉ một mình mình thôi đâu! Vấn đề thật nhạy cảm và khó khăn cho người bạn, nhưng không báo cáo không được! Vì thế em nghĩ là cứ báo cáo, ví dụ hôm đó, hôm kia, hôm nọ... “thấy Sư Huynh giám tỉnh đi Honda ra khỏi nhà - không biết đi đâu”, v.v...
Thú thật với Frère, được dịp nói hết mọi chuyện cần phải nói với Frère em cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng. Xin Frère cẩn thận, âm thầm báo động - hoặc nhờ ai thân tín nhất và có uy tín nhất báo động - cho các dòng tu lưu ý khi tiếp xúc với những người khác, ngay cả với những anh chị em từng chung một lý tưởng. Thật đau đớn phải nói như vậy, nhưng em vẫn hy vọng các Ngài biết “ai là ai”."
***
Sáng ngày 22 tháng 12 năm 1980, công an kêu tên “Nguyễn Hoàng Phúc, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Ngọc Minh, Lâm Thanh Hoàng, đem theo hết hành trang đi... chuyển trại!” Ai nấy giật nẩy người; “chuyển trại? như vậy là’ cộng đoàn Lasan Mossard’ lại bị xé mỏng rồi! Mà đi... chuyển trại nào?” Tôi nhìn anh bạn, đớ người. Anh bạn nhìn tôi, nhíu mày kinh ngạc.
Bốn Huynh Đệ còn lại chỉ biết nhìn nhau nhún vai, cười... huề! Tôi nghĩ “đi đâu cũng được, miễn là có anh em cùng đi với nhau; nhóm 4 Huynh Đệ đi trước dù sao cũng... có nhau là tốt rồi!” Em Minh bỗng xuất hiện đứng trưiớc cửa phòng chưa đóng khoá lại; em viện cớ là quên vật dụng riêng trong phòng, chạy vào nói vừa đủ nghe: ”Không phải chuyển trại! Mình được trả tự do!” rồi đi nhanh ra ngoài. Anh Em nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm. Anh bạn nhìn tôi cười nói: “Họ hù đó Frère! Yên tâm, và nhớ nghe!” Khoảng 15 phút sau, tên công an đến kêu tên “Trần Văn Ánh, Nguyễn Văn An, Phạm Xuân Điệp, Hồ Quốc Thắng, dọn dẹp hành trang... chuyển trại!” Khác hẳn lần trước, ai nấy cười nói vui vẻ: “chuyển trại... anh em ơi!” Mọi sự đã sẵn sàng, xách bao hành lý đi ngay. Tôi quay lại nhìn anh bạn mỉm cười, gật gật đầu; anh bạn cũng mỉm cười ra điều hiểu tôi muốn nói gì.
Đến văn phòng trước cổng chính, mỗi người nhận “Lệnh Tha” và một phong bì nhỏ, chưa biết đựng gì trong đó. Tôi liếc đọc nhanh Lệnh Tha, thấy ngày bị bắt ghi sai. Tôi nói với công an: “Tôi bị bắt ngày 3 tháng 1 năm 1978, trong giấy Lệnh Tha ghi sai là ngày 15 tháng 3 năm 1978.” Tên công an lạnh lùng trả lời: “Muốn về thì cầm lấy giấy mà về!” Tôi chợt nhớ “Ký tên hay không ký tên cũng vậy!” nên vội vàng cầm giấy đi ra cổng. Trước khi ra khỏi cổng, một tên công an khác chận lại, xét hành trang thêm lần nữa. Hắn nhìn tôi nghiêm nghị nói: “Anh thay bộ đồ khác rồi đi ra cổng!” Tôi đáp ngay: “Tôi không còn bộ đồ nào hết! Chẳng lẽ ở trần mà đi ngoài đường phố!” Hắn có vẻ giận dữ, nghếch đầu ra phía cổng làm hiệu “đi đi!” chứ chẳng thèm nói tiếng nào. Nguyên tôi mặc bộ đồ tù màu xanh xám, có in dấu CẢI TẠO K3; 1 dấu trên ngực áo, 1 dấu sau lưng áo, 2 dấu dọc theo hai ống chân quần . [Trong thời gian vượt biển, tôi gởi bộ quần áo tù nhờ Chị Hoài Châu bảo quản với ý định khi đến bến bờ tự do thì sẽ xin Chị gởi qua cho tôi làm kỷ niệm. Thời gian “vô gia cư vô nghề nghiệp” lênh đênh nay đây mai đó trên chiếc ghe kéo dài quá lâu (gần 3 năm), bộ áo quần đó bị thất lạc.]
Chúng tôi hí hửng ra khỏi cổng. Vài chiếc xích lô chạy đến mời mọc, nhưng cả 4 Anh Em đồng ý đi bộ về Taberd cho... khoái chí. Từ sở công an thành phố về Taberd không xa lắm, nhưng đi bộ với đôi guốc gỗ “made in K3” thật không khá nỗi. Tuy nhiên ai nấy thích thú vừa đi vừa nhảy, nói cười huyên thuyên, không biết đau chân mỏi mệt là gì. Vừa đi mỗi người vừa bốc phong bì ra xem; ai nấy ồ lên một tiếng “tiền!” Tôi đếm được 100 đồng; Huynh Điệp được 75 đồng; Huynh trưởng Ánh được 50 đồng; em Thắng Hồ chỉ được 25 đồng. Đọc lại giấy Lệnh Tha, mỗi người mới biết là “phải trở về nguyên quán”. Thì ra đó là tiền đi xe “trở về nguyên quán”. Như vậy Tu Viện Lasan Mossard ở Thủ Đức... tiêu tùng rồi! Ai nấy xịu mặt.
Đến công trường Quách Thị Trang, chúng tôi ngồi nghỉ tại ghế đá công viên. Nghe tiếng chuông reng reng... cà-lem cây, tôi khoái chí cười mời các Huynh Đệ: “Lâu lắm rồi mình chưa ăn cà-lem; hôm nay tôi bao, tôi có tiền nhiều nhất mà!” Thế là Huynh Đệ mỗi người 2 cây cà-lem, ngồi thưởng thức hương vị ngọt mát, hít thở không khí ấm dịu ban trưa ở trung tâm “thủ đô” Saigon vào mùa Giáng Sinh, mặc dù chung quanh không thấy một dấu hiệu nào phản phất ý nghĩa cao đẹp của “Mùa Cực Thánh, Mùa Thanh Bình, Mùa Bình An Dưới Thế Cho Người Chúa Thương”.
Chúng tôi đến 53B Nguyễn Du, Huynh giám tỉnh Lucien hình như đã được tin chúng tôi sẽ đến, nên Huynh giám tỉnh tươi cười chào đón: “’Moi’ đợi mấy ‘vous’ nãy giờ!” Tôi bộc phát hỏi: “Sao Bề Trên biết?” Huynh giám tỉnh cười hóm hỉnh trả lời: “’Antenne’ giăng đầy xung quanh đây mà! Nói thật ra em Ngọc Minh có đến báo tin rằng Frère Phúc và 3 em đệ tử được thả ra trước, thế nào cũng đến phiên mấy ‘vous’, phải không?” Phải nói đây là lần đầu tiên tôi thấy Huynh giám tỉnh tươi cười vuivẻ, cởi mở rất tự nhiên thoải mái, gương mặt rạng rỡ khác hẳn những hình ảnh tôi có về Huynh giám tỉnh, kể cả từ ngày đầu tiên tôi gặp ở Nhà Tập tại Đồi Lasan Nha Trang năm 1965. Tôi nghĩ thầm: “Cuộc đổi đời cũng có mặt tích cực của nó!”
“Mấy ‘vous’ chắc chưa ăn trưa? Thôi mình đi ăn phở cái đã!” Tất cả đồng thanh vỗ tay cười trả lời: “Hoan hô! Mấy năm rồi đâu có tô phở nào đâu!” Huynh giám tỉnh dẫn 4 Anh Em chúng tôi đến tiệm phở trên đường Nguyễn Du. Trên đường đi, cả 4 người như nhảy như múa vui mừng cười nói huyên thuyên. Vừa băng qua ngã tư Hai Bà Trưng - Nguyễn Du, ba thanh niên mặc thường phục và một tên công an mặc sắc phục chận đường, tên công an hỏi: “Các anh từ đâu đến?” Tất cả đứng lại, thoáng ngạc nhiên; tôi tự hỏi: “Mình cười nói vui vẻ, đi trên lề đường chứ có gì gọi là phá rối trật tự lưu thông đâu mà chận lại?” Huynh giám tỉnh vui vẻ trả lời: “À, đây là 4 anh em tôi vừa được trả tự do”. Tên công an vẫn với bộ mặt dễ ghét hỏi: “Có giấy tờ gì không?” Chúng tôi móc túi lấy giấy “Lệnh Tha” đưa ra, hắn đọc thoáng qua, tỏ vẻ điềm đạm hơn, rồi nói: “Được! các anh đi đi!” Tôi chợt nhớ đến câu chuyện ví von trường đời: “Chúng ta đi dạo vui chơi trên đường đời. Một con chó bỗng nhảy ra sủa. Hai ý tưởng có thể chớp nhoáng trong đầu chúng ta: 1. Con chó sủa đúng vì chúng ta đã xâm phạm vào lãnh thổ của nó - dù chỉ là vô tình; vậy chúng ta hãy sữa sai, tránh xa lãnh thổ của nó. 2. Chúng ta đi trên đường không thuộc quyền ai, con chó sủa ầm lên. Có thể là con chó bình thường nhưng sủa bậy; cũng có thể là con chó... điên, chúng ta nên tránh tốt hơn. Tuy nhiên, vì tiếng chó sủa - dù điên hay sủa bậy - mà chúng ta bỏ dở sự vui sống trên đường đời của chúng ta sao?”
Trong khi chúng tôi thưởng thức tô phở thơm ngon, Huynh giám tỉnh kể chuyện: “Thật ra ‘moi’ được đức tổng Bình báo cho biết là ngày 15 tháng 12, đức tổng sẽ đến sở công an thành phố đón 8 linh mục và 8 tu sĩ La San. Trưa ngày 15, ‘moi’ thông báo cho Anh Em trong tỉnh dòng tin vui mừng đó, và mời Anh Em ai có thể đến nhà giám tỉnh để chào đón mấy ‘vous’ thì đến. Trưa ngày 15, tụi ‘moi’ sẵn sàng bánh nước và cơm trưa ‘đặc biệt’ chào đón mấy ‘vous’. Trên 20 Anh Em đợi dài cả cổ mà không thấy mấy ‘vous’. Chiều hôm đó, ‘moi’ tới gặp đức tổng và đức tổng cho biết là họ chỉ cho 8 linh mục ra về mà thôi, còn “8 ông La San đã học tập 3 năm mà... cũng vậy! Giam họ thêm vài ngày cho biết mùi... cải tạo!” Tụi ‘moi’ cười với nhau, biết mấy ‘vous’ quá mà! Sáng nay em Ngọc Minh được thả ra trước vội đến báo tin, ‘moi’ mới biết là mấy ‘vous’ sắp được về.”
Trở lại 53B Nguyễn Du, việc đầu tiên và quan trọng nhất - mà cũng khó xử nhất - là xác định “cộng đoàn Lasan Mossard còn tồn tại hay không? Nếu còn thì gồm có những thành viên nào?” Trong lịch sử toàn dòng nói chung và tỉnh dòng Saigon nói riêng, chưa hề có biến cố nào như vậy xảy ra. Huynh giám tỉnh đã phải gặp nhiều, rất nhiều rắc rối - nếu không muốn nói bị hạch tội - sau khi cộng đoàn La San Mossard “bị thăm viếng” ngày 3/1/1978.
Trên một bình diện nào đó, chính quyền cộng sản xử sự việc “quản lý nhân dân” theo truyền thống dân tộc “con dại cái mang”. Dù sao thì Huynh giám tỉnh cũng đã nổ lực làm tròn chức năng của người mẹ, của người cha đối với cộng đoàn “gặp nạn” trong hoàn cảnh chính trị xã hội quá đa dạng và phức tạp lúc bấy giờ. Thành quả tuy không toàn hảo nhưng cũng đáng vui mừng, đó là “cộng đoàn La San Mossard” đã được trả tự do. Tuy nhiên, vấn đề là nếu mỗi thành viên trong cộng đoàn đành phải chịu bị ép buộc tuân theo chỉ thị của chính quyền - về nguyên quán - thì khả năng tồn tại theo pháp lý của cộng đoàn đương nhiên không còn nữa. Huynh giám tỉnh nghe và cảm thông được nỗi niềm của Huynh Đệ trong cộng đoàn La San Mossard - tuy chỉ còn 4 thành viên (và các thành viên khác có thể trở lại) - đã đồng tình “rằng thì là hứ hứ... thôi! tạm thời mấy ‘vous’ về Mai Thôn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét