khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

MỘT THỜI TUỔI NGỌC / NHỚ VỀ DUYÊN ANH - - Tác giả Đinh Tiến Luyện



Tôi vừa lật album bạn bè tìm lại hai tấm hình và đưa vào máy scan. Mở ra trong phtoshop phóng lớn theo thói quen tìm những vết xước hay vết hoen ố thường có trong các tấm hình cũ để phục hồi lại. Không hề có. Những tấm hình thật mới và thật đẹp. Y như mới hôm qua đây. Cái hôm qua ấy nghe nhẹ nhàng mà sao thấy thấm buốt tình bằng hữu một thời. Một thời Tuổi Ngọc của chúng ta và một thời của anh Duyên Anh và tôi.

 Tôi vẫn tâm niệm, không bao giờ ôm quá khứ hay núp bóng quá khứ. Chẳng ích gì, nên cũng ít khi bươi lại chuyện cũ. Nhưng mới hôm qua đây, khi nhìn lại hình ảnh những tấm bìa và những trang báo ngày xưa mà bạn bè vừa lật lại, tôi bỗng vỡ òa bao ký ức thời làm báo Tuổi Ngọc. Cái cliché này, cái phí-lê này, cái co chữ này.. Bài này trước, thơ góc kia, chuyên mục chỗ nọ … Từng số báo một và từng trang một, đều qua tay tôi làm ma-két, xếp đặt trình bày cho thợ dàn trang xếp chữ và cũng chính tôi là người phải chịu trách nhiệm bản sửa mo-rát cuối cùng và ký bản in thử cho máy in chạy. Nơi trang báo cũ vừa nhìn lại, tôi như thấy lại tất cả khoảng thới trai trẻ nhiều đa mê của mình. Nhớ nao lòng. Nhớ nhiều lắm. Nhớ mùi thơm của những chồng giấy mới chất cao, nhớ mùi hăng hắc của mực in và mùi lưu huỳnh ngàn ngạt của lò đúc chì…

Và nhớ anh Duyên Anh

 Hồi trong trại tù cải tạo, nơi này nơi kia tôi nghe đồn anh thế này thế nọ và đã chết. Đến khi được ra trại (đầu năm 1981) tôi về Saigon tìm đến ngôi biệt thự nhỏ ở đường Công Lý, nơi xưa anh ở. Con Ky và Cu Đốm ra đón tôi ( Con Ky, Cu Đốm là nhân vật gia đình trong truyện Cây leo hạnh phúc của DA, là cô bé Thiên Hương và cậu út Thiên Sơn, còn Chương Còm Thiên Chương lúc đó đã vượt biên theo Ông Đặng Xuân Côn, là anh em kết nghĩa của DA. Có dịp tôi sẽ thêm chuyện về những đứa trẻ này, vì cả sau khi bố chúng mất, vẫn còn thân tình tới lui với tôi) Chúng lớn hẳn nhưng tất cả vẫn còn trong ký ức của nhau khi chú chú cháu cháu mừng rỡ gặp lại. Chị Ngọc Phương (Ngọc thân ái, vấn đáp tuổi mới lớn trong TN, cũng là vợ DA) sau đó mới ra ôm chầm lấy tôi mà khóc. Chị vốn hay khóc, ôm tôi khóc miết khiến tôi chẳng dám nói gì, càng khiến tôi tin rằng anh DA đã chết thật. Mãi một lúc lâu, sau vài câu trao đổi dò dẫm tế nhị, tôi mới biết người bạn vong niên quý mến của tôi vẫn còn trong tù cải tạo.

 Tôi đi tù trước anh chừng nửa năm thì anh cũng ra tù sau tôi chừng nửa năm. Ngày ra tù anh nhắn tôi lên (sau 30 tháng 4 tôi về Biên Hòa) Ngôi nhà anh ở lúc này đã di dời đồ đạc trống trải nhiều chỗ, phần bán phần cho, vì vợ con đã có giấy bảo lãnh đi Pháp. Anh hỏi tôi có muốn lấy gì làm kỷ niệm không. Tôi chẳng thiết gì. Những cuốn sách bản đặc biệt của anh đóng bìa cứng anh đã gửi một linh mục dòng lưu giữ. Cậu giữ những bộ TN đóng tập này đi. (sau này người mượn người xin cũng thất lạc gần hết. Còn ít tâp tôi cũng để lại cho anh Mường Mán giữ luôn). Tôi còn giữ lại vài tấm hình của gia đình. Trước khi ngôi biệt thự đổi chủ, tôi còn trở lại đó thêm vài ba lần nữa. Ngày trước khi còn chung việc với nhau tôi cũng thỉnh thoảng ngồi chung bàn với gia đình (kể cả chung bàn kéo xì phé, có NXHoàng, MThảo, HPAnh, NNgữ… Không nhớ có kỳ phùng địch thủ TKTường ở đây không nhi?). Khác là bây giờ lần nào tôi cũng thấy anh vào bếp và còn dạy tôi cách đập tỏi xào rau muống sao cho thơm ( Sau này qua Mỹ được anh Vũ Trung Hiền - ở Cali - tặng tôi cuốn "Duyên Anh và những câu chuyện bên ly rượu" do anh viết tôi còn dịp theo dõi bước đi của người Anh cả cho tới tận cuối đời , và vài cuốn sách của anh DA viết sau này, trong đó có cuốn "Ca dao quyện lấy món ăn dân tộc - nấu nướng dân gian). Duyên Anh là thế, ân cần đằm thắm trong đời sống thường tình như tất cả mọi người . Là người viết văn hay làm thơ, hắn cũng mãi chỉ viết hay làm, còn chính độc giả mới cho hắn cái NHÀ, để gọi hắn là nhà văn hay nhà thơ, khi những gì hắn viết ra được nhiều người đón nhận. Anh DA xứng đáng có một cái nhà rất lớn, khi sách của anh in ra tái bản liên tục và sau này số lượng in ngay lần đầu các NXB đã phải thương lượng với con số ấn bản 10 ngàn. Anh xứng đáng có một cuộc sống tốt đẹp.

Nhưng hết tốt đẹp rồi, khi cái nhà của độc giả tặng hiện tại bị bôi bẩn và cái nhà anh ở bao lâu nay anh cũng phải bỏ ra đi. Anh lêu bêu chỗ này chỗ kia mãi cho tới ngày anh vượt biên thóat. Trong suốt thời gian gặp lại nhau (chừng hơn năm gì đó) chúng tôi không hề bao giờ khơi lại chuyện viết văn làm báo ngày xưa. ( Nếu ai còn muốn biết, tôi sẽ tiếp.)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét