khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

DUYÊN ANH , GIA ĐÌNH VÀ NHỮNG "NGƯỜI ĐI QUA ĐỜI TÔI" - Tác giả Đinh Tiến Luyện






Một buổi sáng thật sớm, anh DA tới nhà tôi : Tớ phải đi xa một chuyến thôi. Nhìn cái vali nhỏ vừa đặt xuống và cái túi xách anh còn khoác trên vai, tôi biết anh không đùa. Truyện dài của gia đình anh tôi không lạ, cơm lành canh ngọt khi nào tôi không biết, nhưng hễ cơm sống cơm khê thì tôi biết liền. Không hỏi gì, tôi chở anh ra ga xe lửa (Nhà tôi ở Hòa Hưng, có ga xe lửa ngay sau lưng). Anh đi Nha Trang. Vừa ngồi sau xe anh vừa dặn dò. Truyện dài kỳ trước còn nhiêu đi nhiêu. Nhìn xuống cuộc đời chêm thêm bài độc giả vô vài trang cũng được. Nhưng cậu nhớ viết thư tòa soạn nhé, như ý mình bàn rồi đó. ( Kỳ nào nhận viết thư tòa soạn tôi rất mừng, vì để chủ nhiệm viết, ông chuyên nghề buôn than, không chuyện giá giấy lên thì tới chuyện số lượng in giảm. Ca bài ca con cá riết rồi độc giả cũng ngán ngẩm...lặn theo cá thì hỏng hết. Sau chuyến đi ấy , chừng vài tuần chi đó, khi về anh có ký sự "Cũng gọi là một chuyến đi" đăng liên tiếp mấy kỳ trên TN. Nha Trang, Ba Ngòi, Đại Lãnh, Tuy Hòa… và bạn bè cùng văn hữu… Còn chuyện gì thêm nữa, có lẽ nhà văn Võ Hồng biết nhiều hơn. "Phượng yêu' và "Thư tình trên cát", mái tóc người con gái nào còn vương gió biển theo về, gót chân người nữ nào còn in dấu cát để lại trong tâm người dư âm song biển. Nha trang, Tuy Hòa mùa hè ấy, nhà văn VHồng cũng chẳng thể biết nhiều hơn. Cho đến khi trong những xấp thư dày cộm hàng ngày chuyển về tòa soạn có một cái tên dài người con gái mà tôi phải lưu ý NgNgThKh. Mỗi ngày nhận thư thường gom lại đó, từng bó lớn bó nhỏ, rảnh việc mới cắt ra, cắt không hết, lưu lại từng chồng , chẳng tủ chẳng kệ nào chứa hết, có khi phải chất cả góc phòng. Thường là những phong bì căng phồng bài vở, văn hoặc thơ và kèm theo lá thư. Các bạn đọc tới thăm tòa soạn chúng tôi thường chìa cho họ cái kéo và nhờ làm công việc này. Cắt các phong bì ra và phân loại thơ văn hoặc chuyên mục xếp riêng, thư xếp riêng để trả lời. ( Thư viết cho ai thì cũng chỉ một người trả lời, khi tới phiên). Tình cờ, sau ngày mà chủ nhiệm của tuần báo của tuổi yêu thương giang hồ một chuyến về, có một lá thư không viết trên giấy học trò, mà viết trên giấy pơ-lua màu xanh bay về theo. Tôi lướt nhanh và biết thư ấy là thư riêng không trả lời trên báo. ( Cũng xin mở ngoặc nói thêm ở đây, thời ấy cũng là thời xanh lơ của thư ký tòa soạn, từ địa chỉ đường Phạm Ngũ Lão tới Bùi Thị Xuân , ai trong tòa soạn cũng biết phải để riêng những thư có dán con tem hình nữ hoàng Elizabeth cho tôi, thường thì một tuần hai lần NHỮNG CON TEM NÀY XIN XEM TRONG SLIDE SHOW BÀI HÁT HOÀI CẢM CỦA CUNG TIẾN POST TRONG THÁNG TRƯỚC ). Tìm lại chiếc phong bì có ấn dấu bưu điện Tuy Hòa không thấy, nhưng để ý ngay lần sau đó tôi thấy ngay, không bóc ra và tôi để riêng trao cho chủ nhiệm. Chuyện cảm tình độc giả với tác giả và tác phẩm không có gì lạ, nhất là trong thời thanh xuân những tâm hồn nữ mỏng manh dễ bay bổng lắm, có khi từ mộ mến tác phẩm đến thần tượng tác giả là cùng một nhịp tim đập, yêu lúc nào chẳng biết.( Ngày nay không có chuyện…vơ vẩn đó, nhưng nhìn các fan nữ cuồng nhiệt trong các live show thì biết tâm hồn nhẹ nhàng thơ mộng một thời đã không còn nữa, cái đẹp phải có thương hiệu và mẫu mã bắt mắt) Nếu có bạn nào thắc mắc, vì sao phải xếp riêng một lá thư từ địa chỉ cát trắng ấy? Xin thưa, một chủ nhiệm dày dạn tình trường như anh DA, đẹp trai và tài hoa cùng mình, đã say sóng rồi đấy. Không bao giờ kể tôi nghe nhưng là người nhạy cảm, chỉ liếc qua mỗi khi anh dừng bút trong "Thư tình trên cát" là tôi nhận ra ngay. Vâng trong tờ thư giấy pe-lua màu xanh lơ kia tôi đã nhận ra tất cả âm vang trong bản nhạc "Nha Trang ngày về". Có con ốc bơ vơ nằm trên cát, có sóng nhồi lớp lớp trôi đi, có ngực mềm da ngát hương…

Nói đến chuyện tình của các nghệ sĩ thường hấp dẫn tò mò, người viết lại nhiều khi phải thêu dệt thêm để chiều ý độc giả, Tình tiết éo le hay ly kỳ bi đát để có tác phẩm này hay tác phẩm kia. Tôi không, chỉ tóm tắt sau đó, khi trao các phong bì có dấu ấn bưu điện Tuy Hòa ấy, tôi thấy anh DA không bóc ra nữa.


 Anh để đâu đó, trong một ngăn nào của trái tim mình, và chắc chắn không bao giờ anh đem về để trong ngăn kéo nào trong nhà mình.


 Có thể không vì yêu nhiều người mình "đã chọn đời nhau là dấu chấm", nhưng thực sự anh rất yêu các đứa trẻ trong nhà mình. Yêu con cái, yêu gia đình, thứ mà anh không bao giờ chấp nhận chịu đổi chác. Công bằng mà nhận xét, anh DA là một một người có mã bảnh bao, luôn đi xe bốn bánh và luôn có dịp đổi xe mới, tư chiếc Dauphine cũ rồi đến 404, Pinto ( xe thể thao) và sau cùng là 504 ) ăn nói lịch lãm và nhất là tài năng của anh không thể phủ nhận, sao có thể không có nhiều trái tim nữ say đắm. Tôi biết người con gái Châu Kool mạnh mẽ, biết người phụ nữ thường tới tòa soạn vào mỗi chiều thứ năm (Người phụ nữ này suýt ôm đi bức tranh của tôi treo ở tòa soạn, khi DA đã tìm ra tờ giấy báo gói bức tranh này lại thì may là tôi vừa kịp có mặt). Tôi cũng từng là bồ câu đưa thư cho cô nữ sinh Trưng Vương vừa bước vào tuổi sinh viên Văn Khoa - cô bé có chiếc răng khểnh - và ngồi sau chiếc Velo solex của nàng để ngụy trang tới điểm hẹn. Sau này trong cuốn DA và tôi, tác giả nhắc tới người đàn bà mang tên tắt Ng. khi anh lưu vong đời văn trên đất Mỹ, tôi có hỏi lại anh VTHiền, nhưng tôi cũng không rõ lắm có gì để liên tưởng tới quá khứ.. Bất chợt, lúc này đây, khi vừa lật lại cuốn sách này để rõ thêm chi tiết, tôi vừa tìm thấy đoạn: Chuyện này anh chưa kể với ai, trừ em (tác giả VTH). Anh cũng chưa từng đưa vào truyện nào. Có chăng là khi viết hồi ký. Người con gái viết rõ tên Thủy, quê Chợ Mới khi còn là nữ sinh, anh là thày giáo, gặp lại cô đã " như trái cây chín mọng, đẹp không thể tả". Lúc ấy anh đang làm báo Xây Dựng. Trong đoạn này tôi thấy tác giả còn nhắc tới nhiều cái tên trong làng báo mà tôi biết và nhiều những chuyện trong góc khuất tối rất tối của các tay trong cái làng ấy mà tôi không biết. Lúc ấy quen với anh DA tôi mới chỉ là một học sinh vừa tốt nghiệp tú tài, chưa hề có mối tình vắt vai, say mê làm báo và được anh ưu ái chia việc không cần công ở tất cả những báo anh đang làm (Báo Sống, Xây Dựng và sau là Công Luận) Giờ thì tôi mới hiểu sao ông ĐMNgọc, quản lý báo Xây Dựng (Chủ nhiệm Lm. NQLãm) dạo đó đã nói với người nhà của tôi: Đừng cho thằng L. đi theo bọn nó- dân làm báo- hư thân. Thực sự lúc đó hay cho đến bây giờ tôi không bao nghĩ DA là một tay chơi, dù biết anh còn ngòi bút Thương Sinh rất sống sượng trắng trợn. Tác giả " Cám ơn em đã yêu anh", dù có xuất bản (cái tựa ) ấy nhiều lần thì anh cũng chưa bao giờ cho tôi thấy việc dễ dãi trong tình cảm của mình. Anh thường đùa trêu tôi là thánh Phaolô ( Có lẽ chỉ biết tượng ông thánh dựng trong sân trường Saint Paul, nơi con gái học). và cười tôi làm báo mà hiền quá, thấy con gái còn đỏ mặt. ( Sau này tôi "khoe" thành tích này với ngườiphụnữcủađờitôi, she tủm tỉm miệng, vâng anh ấy hiền lắm, con ruồi đậu không dám đuổi, con gái ngồi trong lòng không dám xua. Sao em siêu thế, con ruồi bay qua mà còn biết… Tôi giả lả, she bồi tiếp, Xưa rồi, bây giờ không những biết con nào ruồi đực con nào ruồi cái mà còn phải biết con nào là con ruồi…bống nữa cơ. Vậy là em đã thất bại trong hôn nhân chứ gì ? Haha, riêng vụ này em thắng lớn).


Viết hồi ký cùng lúc viết nhật ký, điều này giúp tôi hứng thú là mình vẫn sống thực, không hoài niệm . Tôi giống anh DA ở chỗ, dù say đắm hay dù ngang trái tới đâu chăng nữa, cả trong văn nghiệp, thì bao giờ gia đình mình cũng nguyên đấy, một gia đình. Không bao giờ phá vỡ. Nhưng tôi phải cho bạn bIết tiếp chi tiết nhân vật mà nhà văn hào hoa của chúng ta chưa từng tiết lộ, dù trong thân tình bạn bè hay trong sách trước đây, người con gái tên Thủy quê ở Chợ Mới ấy sau khi biết DA đã có gia đình, DA phải chạy vô nhà thương Đô thành để ôm xác nàng. Đây có phải cũng là một phần trong góc khuất của một người văn dịu dàng nhưng lắm đam mê?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét