Làm lại Hiến Pháp mới trong đó hủy bỏ Điều 4, sẽ rất nhiều nhiều người về VN làm "chùa"
=====
Hôm qua, 28.12, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN đã tổ chức hội nghị Thu hút trí thức người VN ở nước ngoài trong sự nghiệp GD-ĐT và phát triển khoa học công nghệ. Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã mổ xẻ những bất cập trong việc thực thi các chính sách nhằm thu hút trí thức người Việt ở nước ngoài về nước làm việc hiện nay.
Hơn 2 năm chưa chuyên gia nào được mời về
Theo Bộ Khoa học Công nghệ, nhìn tổng thể thì việc thu hút và sử dụng trí thức người Việt ở nước ngoài về còn khá nhiều bất cập, gặp không ít rào cản. Việc thu hút chưa gắn với sử dụng nên nhiều trường hợp không đúng đối tượng, không sử dụng hiệu quả nên không giữ chân được trí thức.
Nhiều đại biểu khẳng định rằng về mặt chính sách thì không thiếu nhưng vì thiếu công cụ, thiếu môi trường làm việc tốt, thiếu các biện pháp cụ thể nên chính sách không đi vào cuộc sống.
Tiến sĩ Tạ Bá Hưng, Ban Quản lý dự án FIRST, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết, Nghị định 87 (Quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người VN ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại VN) có hiệu lực từ tháng 11.2014 có rất nhiều chính sách dành cho trí thức Việt kiều như ưu đãi về nhà cửa, lương bổng, điều kiện làm việc... nhưng từ đó đến nay chưa một chuyên gia nào được mời về hay được mời đến làm việc.
Cũng theo ông Hưng, với con số khoảng trên dưới 200 chuyên gia người Việt ở nước ngoài về nước tham gia giảng dạy, làm việc hàng năm trong tổng số khoảng 400.000 Việt kiều trí thức, thì đó là một sự lãng phí rất lớn, đặc biệt khi mà người Việt hiện nay hiện diện khắp nơi trong mạng lưới khoa học công nghệ toàn cầu. Họ là các chuyên gia giỏi thuộc các lĩnh vực đang làm việc trong các trường ĐH, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới. “Thậm chí ngay cả ở những phòng nghiên cứu đặc biệt, nơi mà nếu chúng ta đi bằng con đường chính thức của Nhà nước thì sẽ không một nhà khoa học trong nước nào được vào, cũng có con em người Việt hiện diện. Nếu ta không khai thác được nguồn lực đáng quý đó là hết sức thiệt thòi cho chúng ta”, ông Hưng chia sẻ.
Đặt trí tuệ chứ không phải "hậu duệ" lên hàng đầu
Tiến sĩ Hoàng Văn Kể, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hải Phòng, đề xuất: “Thủ tướng Chính phủ vẫn có tổ tư vấn, trong đó tập hợp các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực, thì giờ các cơ quan chức năng phải tìm bằng được, xác định bằng được chuyên gia cao cấp là người Việt ở nước ngoài và đề xuất với Thủ tướng, mời họ tham gia tổ tư vấn”.
Ông Nguyễn Thanh Thịnh, chuyên gia cao cấp Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc thu hút trí thức Việt kiều phải đi vào thực chất, nghĩa là phải có nơi “xài” được các chuyên gia, đó là các viện nghiên cứu, các trường ĐH. Đặc biệt là phải đảo ngược giá trị “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ” hiện nay, đặt “trí tuệ” lên hàng đầu.
GS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, theo một khảo sát mà ĐH Quốc gia Hà Nội đã thực hiện thì 70% trí thức Việt kiều được hỏi đã xếp vị trí ưu tiên số 1 để nâng cao hiệu quả làm việc là điều kiện cống hiến, còn lương và tiền chỉ là ưu tiên số 7. GS Nhuận nêu ý kiến: “Quan trọng nhất là mình sử dụng kỹ năng, kinh nghiệm của trí thức, không nhất thiết người đó phải sống và làm việc thường xuyên ở VN nếu họ không muốn. Chúng tôi muốn gửi nghiên cứu sinh sang nước ngoài nhưng không “trói” họ, bắt họ phải về VN, nếu họ không muốn. Nếu tạo sân chơi, tạo đất dụng võ cho họ thì dù ở đâu họ cũng có thể cống hiến. Chằng hạn thành lập các tổ chức khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo để họ có thể làm đồng giám đốc, giống như anh Ngô Bảo Châu ở Viện Nghiên cứu cao cấp về toán…”.
Phải làm trong sạch môi trường
Ông Nguyễn Phú Bình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN, Chủ tịch Hội liên lạc với người VN ở nước ngoài cho rằng, nguyên do là sự thiếu chủ động từ các cơ quan trong nước. Ông Bình đặt vấn đề: “Có cơ quan VN nào đã nghĩ chuyện đi ra ngoài tìm người cho mình ở các nơi đào tạo tốt nhất thế giới như Mỹ, Anh, Pháp… chưa? Mình cứ nói chảy máu chất xám, nhưng mình đã có hành động cụ thể nào để mời họ về? Rõ ràng, chính sách thì có, nhưng hành động cụ thể chưa có”.
Ông Nguyễn Văn Vẻ, Phó ban Tuyên giáo, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN, cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất với trí thức là môi trường làm việc. Môi trường càng “sạch” thì trí thức tìm tới, không cần cổ vũ, tuyên truyền thì họ vẫn kéo đến, môi trường càng “bẩn” trí thức càng tránh đi. Như vậy muốn họ về thì chúng ta phải làm trong sạch môi trường xã hội, bao gồm về chính trị, pháp lý, kinh tế, khoa học công nghệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét