Bài viết cảm động, xin mời tác giả một ổ bánh mì kẹp thịt, chả, đồ chua, và rau. |
Ngày 30 tháng Mười Hai, 2016
Anh Trúc ơi,
Cuối tháng Tám năm ngoái, 2015, chúng mình ngồi ăn trưa với nhau ở nhà hàng Seafood Paradise ở Westminster, California cùng với gia đình cô Trang (em gái anh), gia đình chị Dương (chị cả anh), và gia đình anh Đức (chú anh). Trông anh đã hơi yếu, giọng nói không còn mạnh mẽ, và dáng đi không còn vững vàng như lần trước. Nhưng tôi nghĩ có lẽ chưa đến nỗi nào… Không dè đó là lần cuối tôi gặp lại người bạn, người anh, và người hay… sửa lưng tôi về chữ nghĩa.
Anh nhớ lần đầu mình đầu mình gặp nhau ở đâu không? Mùa thu năm 1967, anh vừa ở Tân Tây Lan về, tôi trọ học ở nhà anh Đức, và nhà ông bà cụ anh trên đường Nhật Tảo Chợ Lớn ở ngay đầu hẻm. Tôi học cùng với Sơn (em trai kế anh) ở trường kỹ sư, dạy kèm cho mấy người em anh, và được ông bà cụ anh mến thương, xem như người trong gia đình, và mọi dịp giỗ chạp đều mời đến dự. Lúc đó anh học Đại học Văn khoa và dạy Anh văn ở trường Ziên Hồng của hai ông Lê Bá Kông và Lê Bá Khanh. Những buổi tối đi về khuya, anh sang ngủ nhà anh Đức, và nhờ đó chúng mình có dịp chuyện trò. Đủ thứ chuyện trên trời dưới đất!
Anh kể các hoạt động sinh viên ở trường Văn khoa và các cuộc thảo luận văn nghệ với bạn anh ở quán La Pagode nằm ở góc đường Lê Thánh Tôn và Tự Do, nơi gặp gỡ của giới ký giả và văn nghệ sĩ Sài gòn. Anh là người đầu tiên kể cho tôi nghe về ca sĩ Khánh Ly đi chân đất hát nhạc Trịnh Công Sơn ở sân trường Văn khoa. Anh đọc cho tôi nghe những bài thơ anh mới làm, kể chuyện xứ Tân Tây Lan đẹp như mộng và có… quá nhiều cừu, kể chuyện nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác bản nhạc “Thu Vàng,” v.v. Tuy phục anh, nhưng là một đứa cứng đầu tự phụ, thỉnh thoảng tôi cũng cãi lại anh về văn chương chữ nghĩa. Thường thì tôi thua, không phải vì kém lý lẽ mà vì lối châm biếm khéo léo và sâu sắc của anh.
Trong biến cố Tết Mậu Thân (1968), anh và các bạn Văn khoa trong Tổng hội Sinh viên Sài gòn xung phong ra trận tuyến ở vùng Chợ Lớn, bắc loa kêu gọi cán binh Cộng Sản buông súng, trở về với chính nghĩa quốc gia. Các cán binh trẻ tuổi này, phần lớn là những chú bé con mười bốn, mười lăm tuổi, đã bị cưỡng buộc phải chiếm cứ và tử thủ trên các cao ốc hay nhà của dân chúng. Hình như biến cố này đã đưa anh vào con đường hoạt động chính trị, phải không?
Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Anh văn, anh được mời tham chính và trở thành phát ngôn viên của chính phủ Việt nam Cộng hòa. Những cuộc họp báo hàng ngày với báo chí trong và ngoài nước của anh được trực tiếp truyền thanh và truyền hình và thu hút hằng trăm ngàn khán và thính giả, trong số đó có tôi. Kiến thức rộng rãi và tài ứng đối lưu loát của anh đã khiến các phóng viên ngoại quốc thán phục. Tôi nhớ, sau khi cái gọi là “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam” được thành lập, một phóng viên ngoại quốc hỏi ý kiến anh về “quốc gia” này. Anh trả lời đại khái là,
Quốc gia là một thực thể pháp lý gồm ba yếu tố: lãnh thổ, dân chúng, và chính phủ. Bất cứ một sinh viên trường Luật năm thứ nhất nào cũng biết điều này. Cái gọi là “Mặt trận Giải phóng Miền Nam” không có lãnh thổ, không có dân chúng, và chính phủ thì chỉ lèo tèo một nhúm người hữu danh vô thực, làm sao gọi là ‘quốc gia’ cho được?
Anh Đức, chú anh, thường nói hai đứa mình có một điểm rất giống nhau: làm ra nhiều tiền, nhưng không bao giờ có tiền trong túi – vì cái tật tiêu xài hoang phí. Khi tôi còn ở trọ nhà anh Đức, anh và tôi hay rủ nhau đi thăm Thành Cổ Loa ở Gò Vấp; có lần tôi lỡ miệng nói đùa,
“Nếu tính số tiền chúng mình chi tiêu từ trước đến giờ, cộng lại cũng đủ mua được chiếc xe Toyota.”
Từ đó, mỗi lần gặp nhau (ngoại trừ lần cuối năm ngoái), anh luôn luôn mở lời chào hỏi tôi bằng câu nói,
“Thế nào, cậu tiêu thêm mấy chiếc Toyota rồi?”
Tôi tốt nghiệp trường kỹ sư và đi dạy học. Có lần khi soạn bài dạy, tôi bỏ ra nhiều thì giờ và xoay xở dịch chữ “frequency discrimination” ra tiếng Việt là “phán biệt tần số” (“a” với dấu sắc), một danh từ thích hợp cho một loại mạch điện có khả năng lựa chọn (phán xét) tần số để đáp ứng. Tôi vừa ý lắm và hãnh diện khoe với anh; anh không đồng ý,
“Không có chữ ‘phán biệt’ và phải dịch ra là ‘phân biệt’!” “Phân biệt” với “â” và không có dấu.
Khi tôi đem cuốn tự điển Pháp-Việt dày cộm của Đào duy Anh ra dẫn chứng, anh kết thúc cuộc bàn cãi bằng lời chế giễu,
“Cậu phải biết trên đời này có một chuyện đáng tin. Đó là lỗi typo!” Thế là tôi cứng họng.
Sau đó, anh được bổ nhiệm sang phục vụ tại Tòa Đại sứ Việt nam tại Anh quốc, và tháng Tư năm 1975 chúng mình mất nước, bỏ xứ ra đi. Tôi không gặp lại anh cho đến giữa thập niên 1980, trong thời gian anh phục vụ ở đài Tiếng nói Hoa kỳ (VOA) ở Washington, DC. Không gặp mặt, nhưng tôi vẫn theo dõi tin tức và liên lạc với anh qua Sơn, em anh. Sơn là chủ nhiệm Tạp chí Lửa Việt, một nguyệt san chống Cộng ấn hành ở Toronto từ năm 1980 đến 1993. Tôi phụ trách mục “Đố Vui Để Học,” và anh viết bài “Thư Gửi Bạn Ta” dưới bút hiệu Ký giả Bê Tê trong tạp chí này.
Tôi say sưa đọc những bài “Thư Gửi Bạn Ta” dí dỏm, thâm thúy, giúp cho sự hiểu biết, và lôi cuốn người đọc, nhưng không kém phần thâm độc và chua cay khi châm biếm sự ngu dốt, gian ác, lưu manh, và dối trá của bọn Việt Cộng. Trong ngần ấy năm, có tất cả hai lần tôi tìm ra chỗ sơ hở trong các bài viết của anh để “trả đũa” vụ “lỗi typo” ngày trước. Lần thứ nhất, anh dịch “White House Chief of Staff” là “Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc”; tôi không chịu, gọi điện thoại bảo là phải nói “Bộ trưởng Phủ Tổng Thống” như chức vụ của ông Nguyễn Đình Thuần dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm mới đúng. Lần thứ hai, anh dịch “Chairman of the Joint Chiefs of Staff” là “Chủ tịch Bộ Tham mưu Liên Quân”; tôi không đồng ý, bảo phải dịch là “Tổng Tham mưu trưởng Quân lực” như danh xưng của Đại tướng Cao văn Viên. Anh cười và chấp nhận, có lẽ không muốn tranh luận với tay “xạ thủ súng cối” chuyên cãi cày cãi cối này.
Thời anh làm đài VOA, hàng năm tôi đi công tác ở Washington và tìm gặp anh. Anh vẫn hóm hỉnh, duyên dáng, hào hoa, và bay bướm như thuở Sài gòn – “nói chuyện hay đến đỗi rắn trong hang cũng phải bò ra mà nghe.” Anh xem tôi như một người em nhỏ, rộng rãi và độ lượng. Khi nào anh cũng dành trả tiền ăn, dù tôi phản đối, nói là đi công tác công ty trả tiền ăn ở và tôi cũng làm ra tiền khá… bằng anh. Đưa tôi ra phi trường về nhà, anh dành xách va-li cho tôi, vì anh thân hình cao lớn hơn. Anh đưa tôi lên trụ sở đài VOA, hãnh diện giới thiệu tôi với các bạn đồng nghiệp, và chỉ cho tôi xem câu tiếng Việt trên tấm bảng chào mừng khách (bằng nhiều thứ tiếng khác nhau) trong tiền phòng của đài,
“Cậu thấy không, chúng nó dốt không thể tả!” Đó là câu nói quen thuộc của anh, vì đối với một người chữ nghĩa uyên bác như anh, ai cũng dốt… gần bằng tôi.
Khi biết anh phụ trách mục điểm sách Việt ngữ hàng tuần trên đài VOA dưới bút hiệu Bảo Lâm, tôi viết thư cho giám đốc đài, nhân danh quyền được có tin tức của chính phủ liên bang mà Đạo luật Tự do Tin tức (Freedom of Information Act hay FOIA) cho phép, và xin gửi cho tôi các bài điểm sách đã phát thanh. Ba tuần sau, bà Giám đốc Truyền thông của đài VOA gọi điện thoại và ra công thuyết phục tôi rút lại lời yêu cầu – vì chuyện ấy (vào cuối thập niên 1980) nhiêu khê quá.
Khi anh nghỉ hưu ở đài VOA và dọn nhà về Orange County, California, tôi không còn có cơ hội theo dõi các hoạt động báo chí, truyền thông, và văn chương của anh. Nhưng trong những chuyến ghé thăm Calfornia thường xuyên, tôi vẫn tìm gặp anh và thăm hỏi. Nếu không có dịp đi ăn với nhau một bữa thì anh ghé lại nhà anh Đức thăm tôi. Một lần, anh đưa tôi về ngôi nhà anh ở lúc đó ở Santa Monica gần biển có lối đi vào dưới giàn hoa cao và rộng, hai bên trồng trúc xanh làm rào che – biểu hiệu cho tên anh. Một lần khác, chúng mình đi ăn bún chả Hà nội sau khi anh đi bộ tập thể dục quanh công viên Mile Square Regional Park hình vuông mỗi bề dài một dặm Anh; anh chỉ cho tôi “kỹ thuật” để tự thúc đẩy mình,
Cái khó nhất là đi mile đầu tiên. Sau đó là gần nửa đường. Sau mile thứ hai, cậu không còn lựa chọn nào khác, đi tới hay đi về cũng như nhau. Đến mile thứ ba là gần xong, và mile thứ tư là hoàn tất.
Đến nay, tôi vẫn dùng phương pháp ấy để tự nhủ mình khi đi exercise hàng ngày. Tiếc thay, anh bắt đầu exercise khá trễ và năm sau không tránh khỏi cuộc giải phẫu tim. Có một điều tôi đã dấu kín trong đáy lòng từ nhiều năm nay: Bạn bè phê bình là trong các bài viết cho Lửa Việt ngày trước cũng như các truyện ngắn trong những năm gần đây, tôi có cái lối kết thúc thật nhanh, gọn, bất ngờ, và “ngọt” – sắc như lưỡi dao. Anh biết tôi học lối viết ấy từ ông thầy nào không? Không tin, anh đọc lại các bài “Thư Gửi Bạn Ta” thì biết.
Anh tuổi Thân, tuổi con khỉ, cùng tuổi với ông anh lớn của tôi; anh tôi đi lính, chết trận năm 1970, và đã ra đi. Sơn thường nói đùa, anh như con khỉ ham chơi, leo trèo trên cây, chuyền từ cành này sang cành khác, và không lúc nào chịu ở yên một chỗ. Giờ đây chúng mình chia tay nhau, xin chúc anh về khu rừng an lạc và tha hồ vui đùa. Vài năm nữa, khi mình lại gặp nhau, nếu anh không hỏi chuyện “xe Toyota” thì tôi hứa sẽ không cãi vã và sẽ… hiền như ma soeur.
Thân mến,
Nguyễn Ngọc Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét