khktmd 2015
Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016
TÒA SOẠN TUỔI NGỌC - Tác giả Đinh Tiến Luyện
Hôm nay là thứ ba, tôi phải hoàn tất ma-két, xếp đặt bài vở và đưa vào trang, chỉ trừ những Mục thường xuyên đã chừa sẵn. (Tuyện dài, Bệnh mới lớn, Biết một biết mười, Ngọc thân ái, Chạp phô…) còn đâu đã phải vào đó. Tuần báo 64 trang, tức là 4 cahiers, cũng nhẹ nhõm thôi. Làm báo nhưng đồng thời cũng ăn dầm nằm dề ở nhà in nên tôi đã thuộc lòng các con số mỗi cahier như một xếp typo hay một tay thợ lên khuôn máy in chuyên nghiệp . 1-16; 17-32; 33-48; 49-64… Còn hụt chân 1 phần 4 trang 30. Đặt cái khung giới thiệu sách kỳ trước vào. Em vừa đưa vào cahier đầu rồi. Số trước còn dư một bài thơ… Tôi nhớ, bài thơ bảy chữ ấy dài lắm với lại tôi cũng muốn in riêng nó trên một trang số lẻ có đóng khung cho trang trọng một tí, vì tác giả cũng có tên tuổi. Bài thơ năm chữ này đi, chèn cái cliché bên cạnh, tựa nằm dưới, co chữ 16 vendome. Tôi đang nói chuyện với anh xếp typo, người đứng đầu êkíp thợ, khi đông chừng hơn 10, nhưng thường lẻ tẻ chỉ khoảng dăm bảy. Thời gian này TN đang đang đặt tòa soạn ở trong Tổ hợp Hải Âu của anh chị Nhã Ca- Trần Dạ Từ. Tổ hợp Hải Âu lại ăn đậu ở nhờ trong nhà in Nguyễn Bá Tòng. Mang tiếng là tổ hợp với tòa sọan chứ thực ra toàn bộ khu vực cả văn phòng với khu thợ thuyền không được trăm mét vuông. Chừng dăm ba cái bàn vừa làm việc vừa tiếp khách. Làm việc trống bàn nào thì sà vào bàn đó. Khi đông thì xử dụng cả hai mép bàn, việc ai người đó làm. Khách đông thì đứng hoặc ngồi hay cũng có thể vui vẻ ghệ đâu đó chuỵện trò cũng qua. Chỉ trừ vài tờ nhật báo lớn ( như Chính Luận hay Công Luận…) phần đông các toà soạn báo chỉ là địa chỉ ăn theo các nhà in. Nhà in lớn thì tòa soạn có thể được riêng một tầng lầu, nhà in nhỏ thì được chia một ô nào đó ngăn thành phòng, vậy cũng gọi là "tòa" dù chẳng cao tí nào. Nhưng thật sự có cao, khi TN bộ mới (in khổ nhỏ) tục bản. ( khoảng năm 1971). Tòa soạn báo TN chỉ là góc của một căn gác xép sát mái, kê đúng được một cái bàn tròn cũ kỹ sau khi dạt các chồng sách tồn kho về một bên của nhà in Nguyễn Đình Vượng. Dạo đó hầu như chỉ có tôi, anh DA và Phạm Đình Thống (nhà thơ Phạm Chu Sa) và sau này thêm Nguyễn Mai, là thường xuyên chiếm "đỉnh cao" đó. Còn bạn bè hay độc giả thì chỉ tiếp chuyện dưới chân thang đã là …quý lắm rồi. ( nhưng tôi nhớ, lần đầu tiên nhà thơ học trò NTNhiên đã gặp chúng tôi ở đây, với tập thơ đầu tay anh đi cùng người bạn học). 38 Phạm Ngũ Lão, Saigon là một địa chỉ nhiều ấn tượng trong giới văn nghệ cũng như độc giả thời bấy giờ, vì nơi đây là tòa soạn báo Văn. Nhiều tác giả đã lưu danh từ đây, nhiều cuốn sách đẹp cũng xuất ra từ đây. Nhà in mang tên chủ nhân, điều hành bởi môt người mà ai cũng kính cẩn gọi là cụ. Một máy in typo in ruột, một máy pedal tay đặt giấy chân đạp dập khuôn in bìa ( bìa bao nhiêu màu - thường không quá 3- dập bấy nhiêu lần ). Và một dàn thợ xếp chữ. Tôi đã qua nhiều nhà in nhưng có lẽ chưa đâu "đơn sơ" hơn thế. ( Ấy thế mà trước đó, năm 70, tôi đã từng ao ước mình có được sách in ở đây, nhưng bị từ chối - Cuốn MLCBN sau đó bìa ốp-sét in ở nhà in HXHương , cuốn sách tôi tự xuất vốn in lấy vì muốn tự o bế nó từ đấu đến cuối. in xong 5000 cuốn, nhà phát hành Đời Mới tới thương lượng trọn gói với giá chết đứng: 75 %. May quá, huề vốn. Nhớ lại tôi thấy sao dạo ấy mình liều, đúng là điếc không sợ súng, dù đã qua thời gian quân trường, 23 tuổi, mới là tác giả của cuốn sách thứ 2 thế mà đã bốc tới con số 5 ngàn. Trong khi các tác giả lớn in ở nhà in NĐV chỉ có con số 1. Không hề có ê chề hay đắng cay ở đây, lại không hề có tâm ân oán bao giờ. Vậy mà sau đó không bao lâu tôi đã "trả thù" được nhà in này đấy. Quản lý nhà in nơi mà TN đóng đô bấy giờ đã là cô Nguyễn thị Tuấn, con gái ông chủ. Là độc giả ái mộ nhân vật trong cuốn MLCBN đã ý kiến: Sao ông không viết tiếp về nhân vật đó đi. Thế là có truyện dài Anh Chi Yêu Dấu đăng từng kỳ trên TN. Truyện vừa dứt trên báo là nhà in nhà xuất bản NĐV hứng lấy in thành sách ngay. Cũng như cuốn TNKCQ tiếp theo, chỉ in ruột ở đây, còn bìa ốp-sét phải in nơi khác theo đúng mẫu mã và ý kiến của tác giả).
Tôi đang viết gì nhỉ ? Đọc lại thấy…thiếu nước cuốn thế này, trên FB chẳng câu được Like. Không có ý định viết hồi ký, tôi chỉ muốn viết sao cho có người còn muốn đọc. Dù sao thì tôi cũng phải nói hết phần khi nhắc tới nơi mà TN bắt đầu lại . Nơi gác xép của kho sách nhà in ấy , chật chội và nóng nực, còn có một vuông cửa sổ nhỏ xíu, mở ra không thấy bầu trời mà chỉ thấy toàn những mái tôn khô khốc và bỏng rát, dù có là đêm. Anh em tôi đã chụm đầu nhau ở đấy (đúng nghĩa chụm đầu, vì quanh mép chiếc bàn tròn) mà thoát mình, thoát những gò bó chật chội vây quanh, thoát thực tại, đề cùng độc giả mang những giòng thơ văn mượt mà trong sáng, vượt được thời gian, mớm thơ mộng cho nhiều tâm hồn bạn trẻ, cho đến nhiều năm sau còn đọng lại những thương mến dành cho một thời, một thời TN của chúng ta. Và bạn đọc có bao giờ tưởng ra hết, trong những khung cảnh bó gọn như thế của các tòa soạn báo mà tiếng sét đã đánh gục khối kẻ từ trong đó bước ra, cả trai trẻ lẫn không còn trai trẻ, phải chấm dứt thời độc thân cầm bút (ông MThảo lừng khừng muôn đời đi bằng chân ngưới khác - xíchlô- , được miễn trừ). Tôi có thể kể được nhiều tên tuổi. Nhưng chỉ xin nhắc đến Thư ký tòa soạn báo Văn, thời cuối. Giáo sư Triết trường Gia Long, nhà văn NXHoàng, sét đã đánh ông văng ra tới tận Phan Thiết, tới dinh tỉnh trưởng họ Trương Gia. Một cây viết trẻ của báo Văn đồng thời cũng là của TN. Bà sau này cũng nổi tiếng như chồng trong làng văn làng báo ở hải ngoại. Sét cũng sém trúng tôi, nhưng văng xa, xa quá xa, như từ Saigon tới tận London, không còn từ trường, mất tình trường. Ta không là biển, để những dòng sông nhỏ bỏ ta đi, đi đâu rồi, sao mà biết.
TN còn phải qua một thời lêu bêu tìm chỗ đậu nữa khi nhà in NĐV đập đi xây mới. Tòa soạn tạm di dời xuống nhà in báo Xây Dựng ít tháng trước khi tìm được tồ hợp Hải Âu là chỗ đậu cuối cùng.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét