khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 15 tháng 6, 2016

Nói chuyện lá cờ VNCH ở hải ngoại - Tác giả Đinh Từ Thức



Ở đây xin miễn nói đến những điều hầu như ai cũng đã biết, như lịch sử quốc kỳ Việt, và lý do tại sao phải tôn trọng quốc kỳ nói chung.

Nếu những vụ tranh cãi về quốc kỳ Mỹ đã được phân xử tại các toà án thường và cao nhất là TCPV Liên Bang, thì những vụ tranh cãi vể cờ Việt, nói rõ hơn là cờ vàng ba sọc đỏ, hầu như chưa bao giờ được phân xử tại toà án quốc gia, nhưng vẫn thường được xét xử bởi “toà án cá nhân”. Mỗi người là một quan toà, tự do xử và buộc tội người khác theo quan điểm của mình, liên quan đến lá cờ. Tội danh thông thường là “Việt gian” hay “tay sai Cộng sản”, vì “bị can” không tôn trọng đúng mức, hay giống cách của mình đối với lá cờ mình vẫn trân trọng.

Trước ngày 30 tháng Tư, 1975, hầu như chỉ có những người cầm quyền chú trọng tới vai trò của lá cờ. Vì quá chú trọng tới cờ, cả một chế độ vững vàng đã bị sụp đổ, làm thay đổi lịch sử của cả một dân tộc, với sự hy sinh mạng sống một cách vô ích của hàng triệu người.

Sau khi Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hoà hạ xuống lần cuối cùng trên các chiến hạm ở ngoài khơi Philippines chiều ngày 7 tháng 5, 1975, tập thể người Việt tị nạn tự mình đảm nhiệm vai trò chiến sĩ cầm cờ, đem cờ vàng đi khắp năm châu bốn bể. Quốc kỳ cũ là hành trang trên đường dài lưu vong, là tài sản của quá khứ, là hy vọng vào tương lai. Họ phải sống với nó, cố gìn giữ và bảo vệ nó, như bảo vệ sinh mạng và tài sản của chính mình. Mất nó, là trắng tay!

Trong một bài mang tựa đề “Đừng giữ một giấc mơ đã chết, hãy tập trung vào hiện tại” trên Facebook của mình vào ngày 16 tháng 5, 2013, Giáo sư Jonathan London viết: “Tôi thấy khó hiểu khi một số người ủng hộ cải cách ở Việt Nam nhưng lại muốn vẫy lá cờ của Việt Nam Cộng Hoà. Cho dù tôi có thể hiểu được vài người ở hải ngoại vẫn giữ cách nhìn cũ và những mối quan hệ cũ với chế độ (mà lá cờ được coi là biểu trưng)”. Ông London khó hiểu, cũng là điều dễ hiểu, vì ông là người Mỹ gốc Mỹ, không phải gốc VNCH.

Trong một đám biểu tình trên đất Mỹ, không cần cầm cờ, người ta có thể phỏng đoán ngay ông London là người Mỹ, tiêu biểu cho giá trị Mỹ, tranh đấu cho những gì người Mỹ trân trọng. Nhưng với người Việt tị nạn cộng sản, thiếu lá cờ vàng ba sọc đỏ, ai biết họ là ai? Họ trông giống người Tầu, người Triều Tiên, người Nhật, người Thái, người Căm Bốt, người Lào, người Phi Luật Tân, người Mã Lai, người Singapore …, chưa kể cán bộ từ Hà Nội có thể chụp hình đăng báo với chú thích xuyên tạc: “Việt Kiều yêu nước tập trung hoan hô Bác và Đảng”.

Vậy, đối với tập thể người Việt tị nạn cộng sản tại hải ngoại, việc duy trì quốc kỳ cũ của VNCH là điều cần thiết. Nó không phải hành vi nối dài một chế độ đã chết, không phải chủ trương lập lại quá khứ, mà như một căn cước, một biểu tượng cho lập trường chính trị, ý chí đấu tranh mà mục tiêu cuối cùng là đem lại tự do dân chủ cho toàn thể dân tộc Việt Nam, từ Nam đến Bắc. Tuy nhiên, cần thiết và lạm dụng là hai điều khác nhau. Việc trưng cờ phải luôn được diễn ra đúng cách, đúng chỗ, và đúng lý. Dầu sao, như đã trình bầy, vì thiếu những luật lệ và án lệ liên quan tới quốc kỳ cũ của VNCH, và càng thiếu những chỉ dẫn cụ thể về lá cờ này từ khi được người Việt lưu vong mang đi khắp thế giới. Vì thế, những ý kiến sau đây chỉ là những nhận xét, được nêu ra như một gợi ý cá nhân của người viết, không phải là những khẳng định đâu là đúng, đâu là sai.

– Thế nào là trưng cờ đúng cách? Vì thiếu chỉ dẫn riêng cho mình, đành phải tìm hiểu nơi nước người. Chỉ cách Việt Nam vài giờ bay, Singapore là nước có quy định rất rõ vể việc treo cờ. Trước đây, ngoài công sở, người dân chỉ được quyền treo cờ vào những ngày quốc lể. Theo luật mới từ 2007, việc dân chúng treo cờ được khuyến khích vào thời gian mừng kỷ niệm độc lập, từ tháng 7 đến tháng 9. Tuy nhiên, cờ bị cấm xử dụng vì mục đích thương mại; quảng cáo; trên đồ dùng, trang trí; tại tang lễ tư nhân; trên xe tư nhân; mặc như quần áo hay trang phục.

Từ 41 năm qua, người Việt tị nạn có vẻ ngày càng có nhiều sáng kiến độc đáo trong việc nêu cao mầu cờ của mình. Từ cà vạt mầu cờ cho nam giới đến giây đeo, khăn và áo dài mầu cờ cho quý vị nữ lưu. Việc này rõ ràng trái với luật cờ của Singapore, nhưng điều đó không quan trọng. Không phải cái gì Singapore cũng đúng, và ông Lý Quang Diệu cũng chết rồi. Điều quan trọng là hãy tự đặt câu hỏi: Thắt cà vạt và mặc áo mầu cờ, nói chung, làm tăng thêm hay giảm đi giá trị và sự kính trọng đối với lá cờ? Nếu nghĩ là làm tăng thêm, tại sao không có quý vị ngoan đạo Công Giáo nào đeo cà vạt và mặc áo mầu cờ Vatican, và cũng chẳng có quý vị Phật tử sùng đạo nào làm như vậy với cờ Phật Giáo?

– Ở đâu là đúng chỗ? Trước hết, là biểu tượng của quốc gia, quốc kỳ được trưng ở nơi công sở, là đúng chỗ. Là căn cước của một quốc gia trên trường quốc tế, cờ được trưng ở các cơ sở ngoại giao, ở hội nghị quốc tế, là đúng chỗ. Là biểu tượng cho căn cước, cho tinh thần tranh đấu của một tập thể, phất cờ ở đám biểu tình là đúng chỗ. Là biểu tượng cho quyền sở hữu một lãnh thổ, cắm cờ để chứng tỏ lãnh thổ đó thuộc về mình, là đúng chỗ (trong tinh thần này, thay vì cắm cờ ở Hoàng Sa và Trường Sa, lại cắm tràn ngập ở Anh Pháp Mỹ Đức Úc Canada…, e rằng không đúng chỗ). Quân nhân hy sinh mạng sống mình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, được trưng cờ nơi nghĩa trang hay phần mộ, như một hình thức Tổ Quốc ghi ân, đồng thời, để thân xác họ được gần gũi với mục tiêu cao cả họ đã hy sinh, qua biểu tượng lá cờ.

Sau năm 1975, trong nhiều trường họp, quốc kỳ cũ của VNCH đã không được trưng bày đúng chỗ; nơi cần có nhất, vẩn không có; và xuất hiện tại nơi không nên có. Trường hợp đầu, nơi sự hiện diện của cờ vàng ba sọc đỏ vô cùng cần thiết là tại các nghĩa trang quân đội ở trong nước. Trong bốn thập niên, thay vì cố gắng đòi hỏi, tranh đấu, hay nghiêm chỉnh công khai thương thuyết, với sự giúp đỡ của chính quyền các nước ngoài, để cờ VNCH trược treo tại các nghĩa trang quân đội VNCH, tập thể cựu chiến sĩ cũng như tập thể người tị nạn nói chung, đã dốc toàn lực vào việc trương cờ VNCH ở… nước ngoài! Để làm gì? Để tự hào chúc tụng nhau đã tạo được những thành tích rực rỡ, có thể chụp hình đăng báo hay lên mạng. Trong khi ấy, mồ mả của những người đã anh dũng hy sinh dưới cờ vẫn vắng bóng lá cờ thân yêu.


Trong khi ấy, trường hợp thứ nhì, nơi không thích hợp cho sự hiện diện cờ VNCH, đã có người mang cờ đến cắm

Bọn khủng bố đã cho nổ bom tại cuộc thi chạy đường trường Boston Marathon vào ngày 15 tháng 4, 2013, làm thiệt mạng ba người, và bị thương 170 người. Trong số ba người thiệt mạng, hai người Mỹ và một người Tầu. Như thường lệ, một nơi tưởng niệm tạm thời đã thành hình. Người Mỹ tử nạn, cờ Mỹ được đem tới, dễ hiểu. Không có người Việt tử nạn, một lá cờ VNCH khá lớn, át cả cờ Mỹ, đã được đem tới cắm ở đây. Có phải là chỗ thích hợp?

– Làm sao cho đúng lý?

Cuối tháng Hai 2016, tại một nhà hàng seafood ở San Jose, CA, có bữa tiệc để bà Dân Biểu Loretta Sanchez gây quỹ tranh cử nghị sĩ liên bang. Tuy vai chính không phải người gốc Việt, trưng cờ VNCH ở đây coi như hợp lý, vì khách tham dự hầu hết là gốc Việt, và bữa tiệc là một sinh hoạt chính trị, mang tính đại chúng, không thuộc phạm vi công quyền.

Sáng Thứ Tư, 13 tháng Tư, tại hội trường Nhật Báo Người Việt ở Quận Cam, một cuộc họp báo đã diễn ra, chủ trì là hai nhân vật dân cử thuộc chính quyền California: Thượng Nghị Sĩ tiểu bang Janet Nguyễn, và Chánh Biện Lý Quận Cam Tony Rackauckas.

Theo tường thuật của báo NV, mục đích cuộc họp báo đã được ông Chánh Biện Lý mô tả: “Chúng tôi hiện diện hôm nay có liên quan đến trường hợp của Minh Béo. Với những vụ án như Minh Béo, thông thường tiền tại ngoại hậu tra vào khoảng $100 ngàn. Tuy nhiên, với trường hợp này thì chúng tôi đề nghị mức tiền tại ngoại cao hơn, lên đến $1 triệu, cho những người từ nơi khác đến, có nhiều cơ hội trốn thoát khỏi Mỹ”. Theo ông, “Luật hiện hành tại California không cho phép từ chối đóng tiền tại ngoại, California chưa có dự luật nào để giữ nghi can ở lại nước Mỹ. Chính vì vậy, tôi đã nói với TNS Janet Nguyễn cần có một dự luật giữ các nghi can ở lại đây để ra tòa chịu xét xử.”

Đáng ghi nhận ở đây, cuộc họp báo tuy diễn ra tại một cơ sở tư nhân là báo NV, nhưng mang tính chính thức. Chủ trì là hai giới chức đương nhiệm, trước mặt có gắn huy hiệu chính thức của Thượng Viện Tiểu Bang California, thảo luận về một dự luật sửa đổi hiến pháp tiểu bang, ngồi trước ba lá cờ Liên Bang, Tiểu Bang, và Quốc Kỳ VNCH. Sự hiện diện của lá cờ VNCH ở đây, là hợp lý hay đã bị lạm dụng nhằm một mục tiêu nào đó?

Đây không phải một cuộc gây quỹ, mà là sinh hoạt chính thức thuộc phạm vi chính quyền tiểu bang, về lãnh vực lập pháp và tư pháp. Bà Janet Nguyễn gốc Việt, nhưng nội dung cuộc họp báo chỉ liên quan tới luật pháp nước Mỹ, không có gì liên hệ tới gốc Việt. Luật pháp VNCH không được áp dụng ở đây, bà Janet Nguyễn là một nhà lập pháp đại diện cho dân Mỹ, không đại diện cho VNCH. Nếu việc trưng bầy Quốc Kỳ VNCH ở đây nhằm mục đích thầm kín là kiếm phiếu, e rằng các vị dân cử này quá coi thường cử tri gốc Việt. Những ai có thể lạm dụng biểu tượng trân quý của một tập thể để mưu lợi cá nhân, tất nhiên cũng có thể lạm dụng chức vụ mình vào những lợi ích riêng.

Ngoài ra, đem cờ VNCH gắn liền với vụ Minh Béo còn có thể đưa tới hậu quả tai hại khác. Rõ ràng cờ VNCH đã được xử dụng trong một vụ nhắm thẳng vào nghi phạm Minh Béo, một công dân của Việt Nam Cộng Sản. Từ nhiều năm qua, quốc kỳ cũ của VNCH đã là biểu tượng quen thuộc tại Quận Cam. Cũng tại nơi đây, đã có nhiều nghị quyết chống lại các giới chức Cộng Sản VN. Minh Béo tới từ Việt Nam Cộng Sản, sau khi bị bắt, hai giới chức dân cử Mỹ vội vàng vận động và họp báo với sự hiện diện của quốc kỳ VNCH, đưa ra dự luật nhằm mục tiêu đẩy nghi phạm vào tình huống khó khăn hơn. Lý do đưa ra nói việc làm này chỉ nhằm mục đích chặn đường nghi phạm từ xa đến bỏ trốn. Nhưng trước khi Minh Béo bị bắt, ở đơn vị bà Janet Nguyễn đại diện, thiếu gì nghi phạm từ xa đến đã bị bắt và có thể trốn về quê dễ dàng hơn (chỉ cần đi bộ qua biên giới phía Nam Cali), sao không thấy bà Nghị Sĩ làm luật ngăn chặn? Nghi phạm Minh Béo cách quê nhà cả một đại dương, tại sao bà phải vội vàng ra tay, rủ người cộng tác là ông Chánh Biện Lý, và “võ trang” bằng Quốc kỳ VNCH?

Trương cờ VNCH tại địa phương biểu tượng này được đặc biệt trân quý, nhắm đánh vào một nghi phạm bị lựa chọn, có thể đưa tới hậu quả nhũng loạn nền tư pháp Hoa Kỳ. Một vụ án hình sự “Hoa Kỳ chống Minh Béo” (Minh Béo là nghi phạm) đã bị âm mưu biến thành một vụ án chính trị “VNCH chống Việt Cộng” (Minh Béo là nạn nhân). Trong nền tư pháp dân chủ pháp trị, dù Minh Béo hay kể cả Minh Râu bị điệu ra toà, y can vẫn có quyền được đối xử vô tư và công bằng. Trước việc đem cờ VNCH vào một vụ án, nếu luật sư của Minh Béo yêu cầu toà bãi nại, vì nội vụ đã bị “chính trị hoá”, vụ án đã có tì vết trước khi xử, hậu quả sẽ ra sao? Dù chánh thẩm không cho bãi nại, sự việc này ít ra cũng có thể tạo mối nghi ngờ trong tâm trí bồi thẩm đoàn, và kết quả vụ án có thể bị sai lạc. Những ai vẫn trân quý và cố gắng bảo vệ Quốc kỳ VNCH, có thể làm ngơ khi kỷ vật thiêng liêng này bị lạm dụng như vậy không?


***

Hầu như một nghịch lý: Quốc Kỳ tượng trưng cho lòng ái quốc, nhưng các chế độ đề cao quốc kỳ, cưỡng bách dân chào cờ, và chào nhiều, thường chết yểu. Trong khi chế độ cho dân đốt cờ, hoặc từ chối biểu lộ lòng trung thành với quốc kỳ, thường sống lâu, và sống mạnh.

Đức Quốc Xã của Hitler, không ngại bỏ tù cả chục ngàn người vì tội không chịu chào cờ, chỉ tồn tại được trên mười năm. Đệ Nhất Cộng Hoà của Ngô Tổng Thống, ngoài việc bắt chào cờ tại công sở và trường học, những ai nghiền xi nê, phải chào cờ nhiều hơn cơm bữa; đầu phim nào cũng chào cờ.

Trên hình cờ bay phấp phới còn có cả ảnh Ngô Tổng Thống trong khung bầu dục ở chính giữa, trông rất cảm động. Thế mà cả Tổng Thống chế độ chỉ tồn tại được chín năm. Hoa Kỳ trẻ trung, đôi khi có vẻ nham nhở, ngoài bãi biển mùa Hè, đàn ông, đàn bà con gái tênh hênh phơi bầy đồ lót mang mầu cờ. Còn anh nào cảm thấy “bức xúc”, cứ việc đốt cờ phản đối, vậy mà Hoa Kỳ là cường quốc hàng đầu thế giới trong cả thế kỷ qua.

Như thế, sức mạnh và sự thịnh vượng quốc gia nằm ở đâu? Ở chỗ mọi người bắt buộc phải chào cờ và suy tôn lãnh tụ, hay ở chỗ người dân có quyền đốt cờ để phản đối?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét