khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2016

Chiếc tủ lạnh – Tac gia Huy Lâm




Làm một người dân bình thường và lương thiện ở Mỹ không khó, chỉ cần chịu khó làm việc là sẽ có một cuộc sống tương đối đầy đủ không phải nhờ vả ai. Nhất là nếu may mắn có được một công việc ổn định, đồng ra đồng vào, thì người ta còn có thể sắm xe sắm nhà không thua kém ai. Mua xe sắm nhà ở Mỹ là con đường chính thức để gia nhập vào tầng lớp trung lưu – tầng lớp được tất cả các chính khách o bế vì họ không chỉ là nhóm cử tri đông nhất, đóng thuế không thiếu một xu nào, mà còn là nhóm người thường không được hưởng bất kỳ một chương trình trợ cấp xã hội nào từ chính phủ và do đó cũng có nghĩa họ không là gánh nặng của quốc gia.

Mua xe sắm nhà rồi lại phải chịu khó đi làm kiếm tiền để sắm sửa những thứ vật dụng trong nhà – từ bàn ghế cho đến tivi, tủ lạnh. Và trong những thứ vật dụng đó – nói như kiểu Việt Nam bây giờ là đồ gia dụng – thì chiếc tủ lạnh, lò nấu điện hay ga và máy giặt máy sấy là những thứ không chỉ là tiện nghi mà còn rất cần thiết trong nhà. Thiếu một trong những thứ ấy thì cuộc sống sẽ bất tiện vô cùng. Không phải chờ tới khi chúng bị hư mà chỉ cần một hôm nào đó bị cúp điện thôi thì mới thấy sự cần thiết của chúng. Không có lò nấu thì bữa cơm hôm đó phải ăn ở ngoài; không có máy giặt sấy thì bắt buộc phải đi giặt ở những tiệm giặt công cộng rất mất công và mất thì giờ; và nhất là cái tủ lạnh, nếu không làm việc khoảng ba ngày thì lôi thôi và có vấn đề ngay vì thức ăn giữ trong đó sẽ bắt đầu hư thối phải đem đi đổ ngay vì không chỉ cái mùi khó ngửi bay khắp nhà mà nó còn có thể gây ra vấn đề về sức khoẻ nữa.

Người ta kể lại câu chuyện: sau khi cơn bão Katrina đổ vào thành phố NewOrleans năm 2005 gây nhiều thiệt hại, một trong những công việc khó khăn nhất để dọn dẹp thành phố sau cơn bão là phải tìm cách tống khứ hàng nhiều ngàn chiếc tủ lạnh mà người dân kéo ra ngoài vất bỏ trên đường phố. Chuyện là vì khi người dân chạy bão họ đã không mang theo thức ăn để trong tủ lạnh và thành phố bị mất điện trong nhiều ngày sau khi bị bão tàn phá. Đến khi tình hình an toàn để cho người dân quay trở lại nhà thì những thực phẩm đó đã bị hư thối, lên mốc, dòi bọ lúc nhúc và mùi hôi thối nồng nặc. Thế nên cách giải quyết gọn gàng nhất là vất ra ngoài đường để nhân viên dọn dẹp mang đi khuất dùm. Mà những chiếc tủ lạnh này phần đông không phải nhỏ, phải cần đến hai ba người mới khuân đi nổi.

Vấn đề ở đây là tâm lý người Mỹ thích cái gì cũng to: nhà to, xe to… và đương nhiên chiếc tủ lạnh cũng phải to. Có nhiều cái mà kích cỡ không còn là “tủ” nữa một phải gọi là một “phòng” nho nhỏ với đủ mọi ngăn hộc trong đó. Và hơn nữa, tủ lạnh ở Mỹ lại không quá mắc mỏ, mọi người dân, không cần biết thuộc tầng lớp nào, đều có dư khả năng sắm một cái.

Tủ lạnh của người dân Mỹ được cho là lớn nhất trên thế giới – với dung tích trung bình là 17.5 bộ khối (khoảng nửa thước khối). Đứng kế cận ngay sau đó là tủ lạnh của người dân Canada, trong khi của những quốc gia khác thì bị bỏ lại khá xa. Tủ lạnh có thể nói là thứ gia dụng duy nhất trong nhà chạy suốt 24 giờ mỗi ngày, sử dụng năng lượng nhiều hơn bất cứ món gia dụng nào khác, và vì vậy cũng có nghĩa là nó phải chịu một phần trách nhiệm không nhỏ góp phần tạo nên cái gọi là hiện tượng ấm nóng toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, vì là vật gia dụng có mặt trong tất cả mọi gia đình ở Mỹ cho ta thấy giá trị của chiếc tủ lạnh không chỉ là làm công việc duy nhất giữ cho thực phẩm được tươi lâu mà nó còn chứa được nhiều thứ trong đó nữa. Khi chiếc tủ lạnh đầu tiên được sáng chế, có lẽ người sáng chế ra nó chỉ nghĩ tới điều tiện lợi căn bản nhất mà tủ lạnh mang lại: giữ cho thực phẩm không bị hư thối trước khi đưa lên bàn ăn. Nhưng nay, ngoài việc chứa thực phẩm, người ta còn đưa vào đó nhiều thứ khác nữa mà đáng lẽ ra không cần thiết, ví dụ, một bình hoa trưng trong nhà, nhưng tối đến nếu gia chủ chịu khó cất nó vào trong tủ lạnh thì bình hoa sẽ tươi lâu hơn, thay vì năm ngày thì nay có thể tươi được hơn tuần. Bạn bè đến chơi tuần trước tuần sau trở lại vẫn thấy bình hoa cũ còn tươi chắc chắn sẽ thắc mắc và hỏi xin bí quyết.

Người Mỹ là dân tộc thích ăn uống những đồ ướp lạnh hơn bất kỳ dân tộc nào khác, nhất là thức uống: sữa lạnh, nước ướp lạnh, bia lạnh, nước ngọt lạnh, rượu lạnh. Thế nên, trước khi phát minh ra tủ lạnh, ngay từ đầu thế kỷ 19, người Mỹ đã biết đóng những chiếc tủ gỗ trong đó có thùng đựng đá để tạo hơi lạnh. Có những công ty làm công việc cắt những tảng băng lớn ở tận trên vùng phía bắc lạnh giá thành từng khối nhỏ rồi đưa về bán lại cho những nhà có chiếc “tủ lạnh” thời sơ khai ấy. Sau này, có những nhà máy làm đá và mỗi sáng lại có người đi giao đá tới tận cửa cho khách hàng. Và mãi đến đầu thế kỷ 20, một người Mỹ tiên phong là Fred Wolf lần đầu phát minh ra chiếc tủ lạnh vào năm 1913. Chiếc tủ lạnh chạy bằng điện đầu tiên ấy mang nhãn hiệu Domelre, là một chiếc hộp nho nhỏ mà khách hàng có thể đặt nó lên trên chiếc “tủ lạnh” sơ khai kia. Đến thập niên 1920 thì kỹ thuật tủ lạnh đã tiến bộ rất nhiều và lúc này người Mỹ nào cũng muốn có một cái. Thị trường tủ lạnh phát triển mạnh, và thậm chí trong thời gian kinh tế đại khủng hoảng nó vẫn không ngừng phát triển. Kết quả là số tủ lạnh bán riêng tại Mỹ tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. So với những món gia dụng thuộc về kỹ thuật có trong nhà, người Mỹ ưa thích tủ lạnh hơn bất kỳ thứ gia dụng nào khác, kể cả máy giặt và tivi màu.

Một trong những lý do là vì dân số càng ngày càng tập trung ở thành phố và việc chuyên chở thực phẩm đến những trung tâm phân phối tương đối mất công và mất thì giờ. Ví dụ như thịt chẳng hạn, trước khi tới được nhà dân nó đã phải di chuyển một đoạn đường khá dài và phải cần được giữ lạnh cho khỏi hư. Có rất ít trường hợp những rau quả, thịt, sữa, bơ, trứng tươi và nhiều loại thực phẩm khác là được đưa từ nông trại đến thẳng người tiêu thụ. Do đó, với một hệ thống phân phối thực phẩm ngày càng phức tạp thì phải cần có hệ thống giữ lạnh là điều quan trọng không thể thiếu, và khi thực phẩm đến nhà dân thì nó cũng lại cần phải giữ lạnh cho được tươi lâu.

Hiện nay, một gia đình người Mỹ trung bình đi chợ một tuần một lần, vì vậy người ta phải cần một chiếc tủ lạnh thật lớn để có thể chứa hết tất cả mọi thứ thực phẩm mua trong một lần đi chợ ấy. Mà tủ lạnh gia đình ở mỗi quốc gia mỗi khác nhau là vì những gì người ta chứa trong tủ lạnh của họ phản ánh lối sống của người dân ở những quốc gia đó, thế nên ở vào thời điểm hiện nay, mỗi tuần đi chợ chỉ một lần có thể nói là thói quen gần như riêng biệt trong lối sống của người dân Mỹ. Trong khi người Mỹ và người Canada thích tủ lạnh thật to thì những quốc gia châu Âu nói chung lại thích tủ lạnh bớt tốn điện, nghĩa là càng nhỏ thì càng đỡ tốn kém. Do người Mỹ sống dư thừa quen rồi nên thứ gì cũng phải nhiều, kể cả thực phẩm, do vậy chiếc tủ lạnh to đùng ở trong mỗi nhà trở thành gần như một biểu tượng của lối sống Mỹ.

Đối với những người bảo vệ môi trường thì chiếc tủ lạnh to đùng của người Mỹ rõ ràng là không được ủng hộ vì bị cho là tốn điện, mà vì dư nhiều chỗ trống nên có nhiều thứ không cần thiết phải giữ trong tủ lạnh thì người ta vẫn cho vào đó. Điều này quả thật đúng chứ không sai, nhưng nếu ta nhìn ở một khía cạnh khác thì tủ lạnh cũng như những loại máy giữ lạnh khác đang làm một công việc quan trọng là giữ cho thực phẩm không hư thối và ngăn ngừa sự phí phạm, cũng là một cách góp phần giữ cho môi trường được trong sạch.

Nay thì càng ngày càng có nhiều người trên thế giới có đủ khả năng sở hữu chiếc tủ lạnh và vì thế sự đóng góp của nó đã vượt ra khỏi phạm vi nhà bếp. Với những hệ thống giữ lạnh ở khắp nơi, nay người ta có thể chuyên chở rau quả từ những nơi thật xa mà không lo sợ những rau quả đó bị hư hại, nhờ vậy những người dân sinh sống ở khu vực Bắc Mỹ vào mùa đông vẫn có thể tiêu thụ những loại rau quả trồng ở những xứ nhiệt đới. Thế nên, câu “mùa nào thức nấy” nay đã không còn đúng nữa.

Hiểu rõ được công dụng và sự tiện lợi của chiếc tủ lạnh ta mới thấy vai trò quan trọng của nó trong đời sống của chúng ta trong quá khứ, hiện tại và có lẽ cả tương lai nữa. Chiếc tủ lạnh làm thay đổi lối sống của con người và phần nào thay đổi cách chúng ta ăn uống. Nhờ có tủ lạnh, một món ăn còn dư vẫn có thể giữ lại để ăn dần mà không phải đổ đi một cách phí phạm như trước kia. Thức ăn thức uống giữ trong tủ lạnh đúng nhiệt độ cũng an toàn hơn để bên ngoài, không dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Do những lợi ích đó mà ta có thể bỏ qua một vài khiếm khuyết của nó nếu có.


Vì vậy mà có thể nói chiếc tủ lạnh chính là người bạn của tất cả chúng ta.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét