Sự tàn tạ của phép lạ Trung Quốc..
Trước khi ăn Tết Con Khỉ, có lẽ cũng nên nói hết về chuyện Chúng Quở. Cho xong!
Những biến động tài chánh từ đầu năm tại Trung Quốc đã làm các thị trường quốc tế chấn động khiến người ta lại có thể đánh giá sai tình hình thực tế của xứ này. Tình hình đó nguy ngập hơn những gì nhiều người tưởng tượng sau khi bị nhiều lượng định quá lạc quan chi phối trong mấy chục năm. Nhưng dù nguy ngập, Trung Quốc không lập tức sụp đổ. Thiên triều đỏ chỉ trôi vào một chu kỳ suy thoái kéo dài, một thời kỳ vàng vọt. Và, nếu không khéo ứng xử thì mới gặp những hỗn loạn và biến động đã từng thấy trong lịch sử xứ này.
Nôm na, Đế quốc La Mã hay mọi Đế quốc đều có thể hấp hối rất lâu, nên ta đừng vội… đăng cáo phó!
***
Hãy nói về tình hình nguy ngập, với rất ít chuyên môn để khỏi làm rộn trí người đang gói bánh chưng.
Kinh tế Trung Quốc đã có một thời kỳ tăng trưởng mạnh.
Đây là chuyện bình thường của các nước “tân tòng” mới áp dụng quy luật thị trường để điều hành kinh tế, như Nhật Bản sau Thế chiến II và nhiều nước Đông Á kể từ thập niên 60-70 của thế kỷ 20. Nhờ đi sau, khởi lên từ một nền móng tan hoang vì sai lầm chánh sách trước đấy, và học các xã hội đi trước, các nước tân tòng đều có một giai đoạn “khởi phát”.
Như một phi cơ cất cánh thật nhanh và bay lên thật cao cho tới trình độ “bình phi”, nghĩa bay là là - nếu không hạ cánh tan tành.
Sau 10 năm cải cách, kể từ thành quả năm 1980 và vượt qua vụ khủng hoảng Thiên An Môn khiến mấy ngàn sinh viên bị thảm sát năm 1989, kinh tế Trung Quốc có đà tăng trưởng trung bình hơn 10% trong khoảng 15 năm, kể từ đầu thập niên 1990. Dân số rất đông, trước đấy bị khiếm dụng, có góp phần cho sự tăng trưởng ngoạn mục này về lượng. Về phẩm thì còn thua kém các nước Đông Á tiên tiến, vì bất công, không phối hợp, thất quân bình và gây ô nhiễm môi sinh.
Nhưng kết quả thì sản lượng kinh tế Trung Quốc tăng mạnh, từ trình độ thấp chỉ bằng 9% Tổng sản lượng của Hoa Kỳ vào đầu thập niên 90, mươi năm sau thì vượt Nhật và ngày nay bằng gần 60% của sản lượng Mỹ. Vì truyền thông không trí nhớ nên hiện tượng khởi phát ấy được đánh giá là phép lạ, là sự kỳ diệu, y hệt như cách đánh giá tiền lệ là Nhật Bản - là nơi dù sao dân đã giàu thì mới già và môi sinh cùng công bằng và ổn định xã hội vẫn được bảo vệ.
Với một hệ thống chính trị mang hai mặc cảm song hành là tự tôn về văn hóa – ta là trung tâm thiên hạ - mà tự ti về thực lực vì đã từng bị liệt cường qua mặt, từ đầu thế kỷ 19, tấn công và sâu xé trong hơn trăm năm (từ 1840 tới 1945), lãnh đạo Trung Quốc Cộng Sản nghĩ rằng họ đã vươn thành cường quốc có những ưu điểm hơn hẳn thiên hạ. Và nhờ vậy mà Thiên triều phải đứng ngang tầm Âu-Mỹ và đưa ra luật chơi khác cho thế giới, từ vùng Đông Á trở đi.
Thông cảm được, vì “người mặc cảm thường hay xuất hư chiêu” – chữ của nhà văn Vũ Khắc Khoan. Điều tai hại là thiên hạ lại cứ lấy hư làm thực!
Tai hại cho ai? - Cho chính Thiên triều….
Hãy nói về cái thực đã, rồi mới kết luận.
***
Sau giai đoạn khởi phát ngoạn mục, kinh tế Trung Quốc phải bay tới trình độ “bình phi” kể từ 2007, và giải quyết nhiều bài toán kinh tế xã hội khá phức tạp mà lãnh đạo đã thấy từ mấy năm đầu của Thế kỷ 21. Khốn nỗi, Thiên triều bị tai họa bất ngờ là vụ khủng hoảng 2008 khiến kinh tế của khối Tây phương tiên tiến hết khả năng nhập cảng hàng hóa của một xứ theo đuổi chiến lược đầu tư sản xuất bằng mọi giá là lấy xuất cảng làm nguồn sống.
Vì vụ khủng hoảng tài chánh 2008 và nạn Tổng suy trầm 2008-2009, Thiên triều bèn tăng chi từ cuối năm 2008 và ào ạt bơm tín dụng trong mấy năm sau. Hậu quả là có nền kinh tế suy yếu mà mắc nợ. Tổng số nợ đã tăng nhanh và vượt 280% của Tổng sản lượng. Riêng nợ của doanh nghiệp và công quyền thì lên tới 250%. Nói cho dễ đếm, bằng 25 ngàn tỷ của một nền kinh tế có sản lượng là 10 ngàn tỷ một năm.
Thêm vài chi tiết cho xong: khi tăng chi để kích thích kinh tế, họ tiếp tục hiện tượng “nước chảy chỗ trũng” là bơm tiền vào các dự án có hiệu suất thấp như gia cư hay kỹ nghệ phù trợ hạ tầng cơ sở nên vừa mắc nợ vừa xây lên nhà hoang, phố vắng và những kho nguyên liệu ế ẩm.
Nhược điểm sâu xa hơn ở bên dưới là hệ thống kinh tế chính trị theo định hướng xã hội chủ nghĩa: lấy khu vực kinh tế nhà nước và các tập đoàn quốc doanh làm lực lượng chủ đạo. Hậu quả là lãng phí và tham nhũng, là sự hình thành của một thành phần tư bản đỏ chỉ muốn củng cố đặc quyền để bảo vệ đặc lợi, trong khi tư doanh bị chén ép và thiếu vốn phát triển để làm lực lượng điền thế. Người Hà Nội học đúng phép đó mà tưởng rằng khôn.
Với nhân công nhiều - và còn rẻ cho tới gần đây – lại đi vào một thị trường ráp chế do các nước tiên tiến để lại – Trung Quốc trở nên một “công xưởng toàn cầu”. Chuyên làm gia công cho thiên hạ và trở thành một anh khổng lồ nổi danh. Nhưng là anh khổng lồ chân đất và có cái cái đầu bị bó nên rất khó cạnh tranh khi leo thang lên trình độ sản xuất cao hơn.
Một thực tế khác là anh khổng lồ lại có hệ thống tài chánh tý hon và lạc hậu nếu so với các nước tiên tiến.
Nôm na là nghèo và hèn, nên không hoàn thành hai chức năng căn bản là huy động và tài trợ phát triển. Thiên triều có các ngân hàng quốc doanh với tài sản vĩ đại nhất thế giới mà cũng là trung tâm tham nhũng rất kém về nghiệp vụ tài trợ phát triển. Đấy là hệ thống bơm nước chuyên gây úng thủy! Vụ khủng hoảng trên thị trường chứng khoán sau nạn bể bóng đầu cơ trên thị trường địa ốc là những hậu quả tiêu biểu – mà không duy nhất.
Bây giờ mới kết luận về tai họa của Thiên triều.
***
Bước qua giai đoạn”bình phi” bang ngang với tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ có thể là 3-5% một năm, Thiên triều phải và thực tâm cũng muốn chuyển hướng phát triển.
Từ đầu tư và xuất cảng phải chuyển sang tiêu thụ nội địa, cho dân được hưởng kết quả lao động và mua xắm nhiều hơn để kích thích sản xuất. Chủ trương ấy được đề ra từ Đại hội 12 vào cuối năm 2012 – nhưng chưa thể áp dụng. Muốn cho dân được hưởng thì phải tái phân lợi tức. Nôm na là cải tổ hệ thống thủy lợi tài chánh (ngân sách và ngân hàng) để tưới nước vào vùng hạn hán khô cằn là các tỉnh nghèo khổ bị khóa trong lục địa. Khổ nỗi, chiến lược ấy lại hút nước từ các khu vực thù phú hay thành phần được ưu đãi.
Khu vực trù phú là các tỉnh miền Đông, nơi có 400 triệu dân tương đối khá giả và chỉ muốn được như Đông Á. Thành phần ưu đãi là các đảng viên và thân tộc đã làm giàu nhờ cái định hướng xã hội, với màu sắc Trung Hoa, là vô tâm mà phô trương.
Vì vậy, các khu vực và thành phần này mới lặng lẽ cưỡng chống bằng sự ù lỳ, và còn phá hoại kế hoạch chuyển hướng bằng những quyết định cục bộ, không phối hợp. Các đảng bộ địa phương và đảng viên trung cao cấp cùng thân tộc đang gây vấn đề cho trung ương.
Như một Thiên tử thời phong kiến, Chủ tịch Tập Cận Bình cần thâu tóm quyền lực về trung ương và về tay mình, và phát động chiến dịch diệt trừ tham nhũng để vừa thanh lọc đảng viên vừa thanh trừng các đối thủ chính trị. Nhưng càng làm các thế lực chống đối cấu kết với nhau. Vì thế, việc cải cách kinh tế trở thành đấu tranh chính trị, và đấu tranh chính trị đã lan vào quân đội.
Tổng kết lại, một nền kinh tế lớn, trên một lãnh thổ rộng, sẽ không lập tức sụp đổ. Trong những năm tới, Trung Quốc sẽ tụt hậu so với đà tiến đã qua. Sẽ mất vị trí cường quốc kinh tế họ vừa thấy trong tầm tay và chưa nắm được thì đã tuột. Thiên triều sẽ phản ứng thế nào khi chuyện thực hư đang được phơi bày trước thế giới?
Với hệ thống chính trị mang màu sắc Trung Hoa, lấy gian làm hùng, và coi an ninh nội bộ và an ninh đối ngoại là một, Thiên triều sẽ tăng cường đàn áp bên trong và hung hăng bành trướng ra ngoài “để tự vệ” chống bọn xấu nước ngoài chỉ muốn đầu tư trục lợi và chặn đường phát triển của Trung Quốc.
Nhưng chủ trương chính trị và đối ngoại ấy vẫn không giải quyết được các bài toán kinh tế nên thay vì hạ cánh nhẹ nhàng thì kinh tế Trung Quốc có thể hạ cánh nặng nề hay hạ cánh tan tành. Tình trạng co giật ấy sẽ kéo dài cả chục năm và năm nào cũng có rủi ro khủng hoảng chính trị khi đa số thấy ra là đảng không đem lại áo cơm mà chỉ toàn bánh vẽ.
Nhớ lại thì ba chục năm trước, cả thế giới cứ nói đến sự lớn mạnh của kinh tế Nhật Bản cho tới khi xứ này bị suy sụp từ năm 1991. Sau đó người ta nói đến sự lớn mạnh của kinh tế Trung Quốc. Cho tới khi xứ này bị suy sụp từ năm 2016 trở đi. Sau đó, kể từ nay, mọi tin tức kinh tế của Trung Quốc tàn tạ đều là tin tức chính trị!
Ăn Tết con khỉ xong, ta sẽ xem con khỉ đội mũ ngồi trên ngai Thiên triều múa may nháy nhó ra sao.
Vui ra phết!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét