khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Cà phê Lữ Gia Thôn, Sài Gòn - Tác giả Nguyễn Đạt



Cà phê Lữ Gia Thôn tọa lạc ở đầu con đường trung tâm của cư xá Lữ Gia thuộc quận 11, Sài Gòn.

Quán cà phê Lữ Gia Thôn ở cư xá Lữ Gia, quận 11, Sài Gòn.

Quán cà phê không mang biển hiệu gì, chúng tôi gọi theo thầy Cù An Hưng như vậy. Trước 30 Tháng Tư, 1975, thầy Cù An Hưng là giáo sư toán đệ nhị cấp tại trường trung học tư thục Trường Sơn, nhà văn Nguyễn Sỹ Tế là hiệu trưởng. Thầy Hưng thường trú tại cư xá Lữ Gia, vẫn uống cà phê mỗi sáng ở quán, đã đặt tên cho quán như vậy.

Mỗi sáng chúng tôi: Trần Tiến Dũng, Văn Lang và tôi, những cộng tác viên thường xuyên và lâu năm của nhật báo Người Việt, thường cùng ngồi uống cà phê với thầy Hưng tại quán này. Khách uống cà phê tại quán hầu như ai cũng gọi tên quán là cà phê bưu điện Lữ Gia, vì quán đối diện nhà bưu điện của cư xá ở bên kia đường.

Với riêng tôi, vẫn thầm gọi tên quán là Cà phê Vua Boléro, vì lúc sinh thời nhạc sĩ Trúc Phương thường xuyên uống cà phê tại đây. Nhắc nhớ người nhạc sĩ của những ca khúc không thể nào quên như Nửa Đêm Ngoài Phố - Tàu Đêm Năm Cũ - Đò Chiều - Mưa Nửa Đêm - Buồn Trong Kỷ Niệm..., chúng tôi cần thiết đính chính một vài thông tin sai lạc về người nhạc sĩ tài hoa mệnh bạc này.

Sau ngày quốc hận Tháng Tư Đen, nhạc sĩ Trúc Phương về quê nhà ở Cầu Ngang - Trà Vinh một thời gian. Sau đó ông làm việc một thời gian tại Vĩnh Long, chuyên sáng tác ca khúc cho ngành văn hóa văn nghệ tại địa phương. Rồi ông trở lại Sài Gòn, nhiều lần dự định vượt biên không thành. Những ngày ở nhà người con thuê trọ tại cư xá Lữ Gia, sáng nào ông cũng uống cà phê tại cà phê bưu điện Lữ Gia. Nhiều bài viết về Trúc Phương ở hải ngoại đã cho rằng nhạc sĩ Trúc Phương không nơi nương tựa, chết tại bến xe miền Tây với đôi dép dưới chân là tài sản duy nhất cuối cùng. Sự thật ông mất đột ngột tại căn nhà người con thuê trọ ở cư xá Lữ Gia. Chúng tôi gồm nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm, nhà văn Minh Nguyễn và tôi, có đến thắp nhang trước linh cữu Trúc Phương, quàn tại căn nhà nói trên, vào một ngày cuối Tháng Chín, 1996.

Thời gian ở Sài Gòn, tối tối nhạc sĩ Trúc Phương thường vào bến xe miền Tây uống ly rượu đế hay ly rượu thuốc, hay vài chai bia “lên cơn,” thứ nước có độ cồn và có gaz, tại quán cóc trong khuôn viên bến xe. Thời gian đó chúng tôi cũng thỉnh thoảng ghé quán cóc bến xe miền Tây này, cho khuây khỏa nỗi buồn Sài Gòn mất tên, nghe những ông cựu chiến sĩ, thương binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, các bác lái xe Honda ôm... đàn hát những ca khúc của một thời Sài Gòn và Miền Nam tự do, trong đó có những ca khúc của “vua Boléro” Trúc Phương. Cũng có nhiều lúc người nhạc sĩ gật gật đầu nhịp nhịp chân, ca theo vài đoạn ca từ trong nhạc phẩm của chính mình. Và cũng nhiều lần sầu buồn rã rượi, nhạc sĩ ngủ lại ở bến xe, với chiếc chiếu của chủ quán cóc sắp sẵn một góc sàn hiên ngoài phòng bán vé hành khách, cho người lỡ chén rượu say khi đêm đã quá khuya rồi. Chiếc xe mini Vespa của nhạc sĩ Trúc Phương do người con đang hành nghề mua bán xe gắn máy dành cho cha, được người chủ quán dựng bên hiên quán cóc, khóa xe bằng cái xích thật chắc chắn.

Không gian bếp gợi nhớ những ngày xưa.

Quán cà phê Lữ Gia Thôn tức cà phê bưu điện Lữ Gia hay cà phê Vua Boléro, đối với chúng tôi đầy ắp kỷ niệm. Thế nên gần như sáng nào chúng tôi cũng không quên tụ hội tại quán, nhâm nhi ly cà phê đúng là cà phê. Kể từ thời gian gọi là thời mở cửa, 5 thành phần kinh tế... của nhà nước Cộng Sản, Sài Gòn mới bắt đầu có cà phê đúng là cà phê. Tuy nhiên để có nhiều lợi nhuận, đa số quán cà phê đã pha chế những ly cà phê dỏm cho khách. Nghĩa là từ lúc đó tới hôm nay, khách uống cà phê ở Sài Gòn không bảo đảm được uống cà phê đúng là cà phê, nhất là tại những quán cà phê tầm tầm và vô số cà phê vỉa hè.

Cà phê Lữ Gia Thôn lúc nào cũng là cà phê đúng là cà phê, với cái máy xay cà phê tại chỗ, những cóng đựng hạt cà phê rang chín màu nâu thơm sạch. Bình trà dành cho khách uống cũng là loại trà mộc hoặc trà Ô long của xứ trà Bảo Lộc - Lâm Đồng, không phải những loại trà ướp hóa chất tạo mùi vị để gọi là trà sen, trà lài... Mới đây, ngành kiểm tra an toàn thực phẩm còn phát hiện loại cà phê đã chế biến, đang kinh doanh tại một số quán cà phê ở Sài Gòn, ướp bằng một thứ tinh chất tạo hương thơm, có thể gây bệnh ung thư đối với người tiêu dùng.
 
Đặc biệt, khách uống cà phê Lữ Gia Thôn có thể ăn sáng điểm tâm tại chỗ, với những quán phở, bún bò Huế, bánh cuốn, bánh ướt... ở con đường gần ngay bên bưu điện Lữ Gia, khách gọi là mang tới; cùng một xe đẩy bán trái cây xẻ sẵn như đu đủ, dứa, dưa hấu... đậu ngay trước quán cà phê, phục vụ “dessert” cho khách.

Có thể thấy Sài Gòn đồng nghĩa với quán xá, nhất là quán cà phê. Hàng loạt quán cà phê có sân vườn, mang tên tương tự: Cõi Thầm - Cõi Riêng - Lối Xưa - Bến Cũ... Mới đây thêm hàng loạt quán cửa kính máy lạnh mang tên chữ nghĩa nước ngoài: Café The Myth, Kujuz Coffee, BJ Coffee Lounge... Tất nhiên mỗi quán đáp ứng cho đối tượng thích hợp. Đây là một Sài Gòn cà phê nhìn qua kính vạn hoa.

Chúng tôi không quên cà phê Lữ Gia Thôn mỗi sáng, như không quên chút gì gọi là một nỗi hoài nên thơ. Cũng có thể gọi là thương nhớ những ngày diễm ảo đã mất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét