khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

Cổ phiếu Tầu sụt giá - Những ai sẽ há mồm năm nay? - Tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa



Trong có 10 ngày đầu năm, cổ phiếu Trung Quốc bị mất giá 15% sau hai bi kịch và một hài kịch.

Bi kịch là hôm Thứ Sáu mùng một và Thứ Ba mùng năm, Bắc Kinh gài một cầu chì cho nổ nếu giá sụt quá 5%. Quả nhiên thế giới thấy thị trường đảo điên mất giá 7% mỗi ngày và Bắc Kinh chao đảo tắt đèn sau khi đạt một kỷ lục chưa từng có là dân cờ bẻo vào sòng cổ phiếu hôm Thứ Ba chỉ có 780 giây thử thời vận!

Hài kịch là Bắc Kinh bèn gỡ cầu chì. Cho nên hôm Thứ Hai 11, chỉ số Phức Hợp Thượng Hải đã mất 5.33% và chỉ số Thẩm Quyến mất hơn 6% mà chẳng thấy ai bị đuổi khỏi sòng bạc. Mọi sự vẫn êm ru bà rù.

Thuần về kinh tế mà nói, mà truyền thông hình như không biết nên cứ hốt hoảng, vụ sụt giá cổ phiếu trên thị trường Trung Quốc không có ảnh hưởng tai hại như người ta dự đoán sau khi đã nức lời ngợi ca kinh tế xứ này. Lý do rất phi kinh tế là thị trường chứng khoán Trung Quốc chỉ là sòng bạc cách ly với thế giới bên ngoài. Khác với các nước Tây phương tiên tiến, thị trường này không là nơi doanh nghiệp huy động vốn cho nhu cầu kinh doanh, lại vận hành theo quy luật mờ ảo như những khẩu hiệu hay nghị quyết của chế độ.

Vì kinh tế cũng là chính trị, tính chất mờ ám của việc giao dịch chứng khoán là một đặc sản Trung Quốc, chỉ có người trong cuộc mới biết - và biết đau. Nhưng một hậu quả khác của vụ sụt giá cổ phiếu là cả thế giới chứng khiến cảnh đạo diễn hai lần hạ màn trên sân khấu sau khi chiêng trống om sòm về Trung Quốc Mộng!

Bây giờ, xin hãy lùi xa cận cảnh mà nhìn vào nhiều góc tối khác.

Thứ nhất, đà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chẳng có gì là phép lạ như thiên hạ vẫn ca tụng, lại có những nhược điểm trầm trọng ở bên trong. Thứ hai, sau 36 năm tăng trưởng của thời kỳ khởi phát thì cũng đến lúc phải điều chỉnh như mọi nền kinh tế khác. Thứ ba, điều khó biết nên khó đoán là những nhược điểm ấy trầm trọng đến cỡ nào?

Bi hài kịch cổ phiếu vừa qua có thể cho thấy một khía cạnh của nhược điểm. Là khả năng quản trị rất kém của giới lãnh đạo kinh tế, cho nên niềm tin của dân chúng vào thị trường và vào chính trường mới trở thành vấn đề.

Hãy ghi thêm cho rõ kẻo mang tiếng là có thiên kiến với Thiên triều:

Dù Tập Cận Bình tập trung trách nhiệm kinh tế vào trong tay và muốn trực tiếp điều động thay vì phân quyền cho nhân vật đứng thứ hai là Tổng Lý Quốc Vụ Viện Lý Khắc Cường, các cơ quan hữu trách bên dưới không có hành động phối hợp. Điều ấy giải thích vì sao lãnh đạo xứ này có chánh sách co giật và mâu thuẫn, thí dụ như việc đặt thêm một cầu chì quá hẹp và đột ngột phá giá đồng bạc. Nhược điểm thứ ba là họ dùng bộ máy hành chính can thiệp vào một thị trường chưa có quy củ rõ rệt. Điển hình là biện pháp can thiệp vào thị trường giao dịch đồng Nguyên nhằm phát huy vai trò ngoại tệ dự trữ của đồng bạc theo kỳ hạn của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, với hậu quả ngược là nhà nước Bắc Kinh càng chạy theo thị trường này thì đồng Nguyên càng tuột ra khỏi tầm tay của họ. Vấn đề thứ tư là Bắc Kinh không biết truyền đạt thông tin cho thị trường biết là họ muốn gì. Dù là hôm cuối tuần, giới quản lý thị trường ngoại tệ trấn an thế giới rằng hệ thống tài chính của Trung Quốc cơ bản là ổn định và lành mạnh, thiên hạ không tin là lãnh đạo Bắc Kinh nắm vững tình hình thực tế.

Hoặc tệ hơn vậy, thiên hạ cho là Bắc Kinh còn muốn che giấu điều gì đó nguy ngập hơn.

Vì vậy, trên bức tranh toàn cảnh ấy, chúng ta chẳng nên bình luận xem cổ phiếu Trung Quốc còn rớt giá tới đâu, hoặc Bắc Kinh sẽ còn chiêu thức nào để bít lỗ hà chứng khoán mà lại bạc tiền lại chảy qua lỗ hổng của hối đoái, là khi đồng Nguyên mất giá và tư bản bị tẩu tán ra ngoài.

Chúng ta nên nhìn xa hơn, vào hiệu ứng của nạn Trung Quốc suy sụp. Nhìn vào tương lai.

Trước hết là nhìn vào danh mục các nước cần bán hàng ra ngoài.

Hoa Kỳ và Nhật Bản là hai nước tiên tiến có thể lãnh đạm với cuộc đời vì ít lệ thuộc vào xuất cảng (lần lượt là 13.5% và 16% của tổng sản lượng GDP). Còn lại, nhiều quốc gia đã điều hướng kinh tế vào xuất cảng nên bị lay động khi thị trường bên ngoài có biến. Bốn nước thuộc loại con tin này vì xuất cảng chiếm hơn 45% của GDP, là Nam Hàn, Cộng Hòa Liên Bang Đức, Mã Lai Á (Malaysia) và Saudi Arabia. Năm 2016 mà càng có nhiều biến động quốc tế là các nước này càng dễ lâm nguy về kinh tế.

Sau đó, ta hãy nhìn vào người mua bên Tầu. Nền kinh tế Trung Quốc có sản lượng đứng hạng nhì thế giới và gây ảnh hưởng tới các nước là nhờ khả năng nhập cảng hàng hóa của thiên hạ.

Trên bảng phong thần của các nước bán hàng, có 11 nền kinh tế thiết tha đến khả năng tiêu thụ của Tầu, là Nam Hàn số một, Nhật Bản số hai, rồi tới Hoa Kỳ, Đài Loan, Đức, Úc, Mã Lai Á, Brazil, Saudi Arabia, Nam Phi, sau cùng là Liên Bang Nga. Theo mặt hàng thì có loại sơ đẳng hay đệ nhất đẳng, là thương phẩm như dầu thô, quặng mỏ và đậu nành của Úc, Brazil, Saudi Arabia, Nam Phi và Nga; rồi loại đệ tam đẳng như hàng chế biến, linh kiện điện tử hay thiết bị cao cấp của Nam Hàn, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức; ở giữa là cơ phận điện tử của Mã Lai cho kỹ nghệ ráp chế.

Các quốc gia này đều rơi vào hoàn cảnh “họa vô đơn chí” là Trung Quốc sẽ nhập ít hơn mà giá thương phẩm cũng lại sụt mạnh từ nhiều năm nay - và sẽ còn sụt nữa.

Cho nên vụ sụt giá cổ phiếu Thượng Hải không làm các nước xanh mặt bằng viễn ảnh bán hàng cho Tầu đã ít hơn, với giá lại còn rẻ hơn. Trong nhóm này, có ba quốc gia đang bị khủng hoảng, về chính trị như Brazil, về an ninh như Saudi Arabia, và về đủ mọi lý do kinh tế, an ninh lẫn chính trị là Liên bang Nga. Vì vậy, chúng ta cũng sẽ hiểu ra lập trường ngoại giao của họ với Bắc Kinh.

Lưng chừng ở giữa, có một nước dân chủ của Tây phương nằm tại Á Châu, là Úc Đại Lợi.

Xứ này lệ thuộc vào xuất cảng tới 21% của tổng sản lượng và xuất cảng sang Tầu đến 40% của tổng số, then chốt nhất là quặng sắt. Giá quặng sắt thì sụt nặng từ nhiều năm nay (ôi, dự án Bauxite của Việt Nam!) mà lượng thì chiếm đến 25% của tổng số xuất cảng. Và xuất cảng sang Tầu thì lên tới gần 77% của số này. Vì vậy, chẳng nên ngạc nhiên khi dân Úc vẫn tin vào chuyện ngày mai trời lại sáng tại Trung Quốc, hoặc có lập trường dung dị hơn chúng ta về chuyện Biển Đông!

Tương tự là hoàn cảnh của Nam Hàn và Tổng Thống Phác Cận Huệ, nước Đức và Thủ tướng Angela Merkel mà cột báo này vừa nhắc tới vào cuối năm ngoái...

Vào buổi đầu năm thì ai cũng muốn và có thể tiên đoán. Với điều kiện là ý thức được rằng mình sẽ trật chìa! Chính vì vậy, cột mục này mới gác chuyện cổ phiếu Trung Quốc sang một bên và nói về tương quan buôn bán giữa các nước. Tương quan ấy có thể là cái khung báo trước nhiều biến động kinh tế chính trị cho các quốc gia cần bán hàng sang Tầu.

Còn lại?

Còn lại là khi kinh tế sa sút, kho đạn dự trữ ngoại tệ cạn dần - cả năm ngoái mất 513 tỷ đô la, riêng tháng 12 thì mất 108 tỷ - và những biện pháp ứng phó thì có hạn, lãnh đạo Bắc Kinh không thể không biết. Họ sẽ càng lên gân, há mồm nạt nộ người dân ở bên trong và phô trương sức mạnh quân sự ở bên ngoài. Ra cái điều...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét