khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

40 năm: – Ta đã trưởng thành?



Chữ Ta trong bài viết này có nghĩa là chúng ta – Người Việt hải ngoại sống ở khắp nơi trên thế giới, những người còn ưu tư, lo lắng về vận mệnh, tương lai đất nước, về tiền đồ dân tộc. Hai chữ trưởng thành ngụ ý nói về nhận định, suy nghĩ, cách hành xử trong các vấn đề chính trị liên quan đến Việt Nam, cộng đồng NVHN.

Với những người thờ ơ, không quan tâm đến tình hình chính trị trong nước, những diễn biến thời sự, không xót xa trước những cảnh màn trời, chiếu đất của dân oan đi khiếu kiện vì bị cướp đất, không giận dữ vì những cái chết tức tưởi, bí ẩn trong đồn công an, không chướng mắt vì cảnh theo dõi, bắt giữ, đàn áp người dân đi biểu tình chống Trung cộng có hành động xâm lăng…không nằm trong hai chữ chúng ta mà người viết nói tới.

Dấu hỏi được đặt sau tựa bài cũng dùng cho chính người viết.

Nhận định trong bài chắc chắn phiến diện, còn nhiều thiếu sót hay sai lầm do kiến văn nông cạn, tầm nhìn và hiểu biết hạn chế cộng với tính chủ quan. Ước mong nhận được sự đóng góp ý kiến, phê bình trong tinh thần tranh luận thẳng thắn, tương kính, nhã nhặn.

Đã sống ở Đức 29 năm, ở Mỹ hơn 5 năm, tham gia vào những sinh hoạt văn hóa cũng như chính trị trong cộng đồng ở cả 2 nước, người viết nhận thấy có những khác biệt rất nhiều trong hai khối cộng đồng Mỹ và Đức.

Đầu thập niên 80 trên nước Mỹ, cộng đồng NVHN bắt đầu hình thành ở nhiều nơi, nhưng đông nhất và nhanh chóng nhất là tại San Jose và Orange County, khi người Việt ở rải rác khắp nơi trên đất Mỹ từ năm 1975 bắt đầu tìm kiếm, rủ rê, tụ tập lại với nhau.

Nước Đức khác với Mỹ, dù có hai cộng đồng người Việt, chia ranh giới ảo rõ ràng, không liên lạc, không đụng chạm, sinh hoạt với nhau. Trong khi cộng đồng người Việt ở Đông Đức cũ (đa số ở Berlin) khoảng 80.000 người sống chùm đụp vào với nhau thì cộng đồng người Việt phía Tây hơn 40.000 sống rải rác khắp nước Đức, không tụ tập, sống gần nhau thành một khu phố rõ rệt.

Chỉ khi nào có những dịp như các hội đoàn tổ chức Tết âm lịch, văn nghệ, hội thảo văn hóa, biểu tình chống cộng sản…, người Việt phía Tây mới tụ tập lại với nhau, còn không thì đèn nhà ai nấy sáng, ít gặp gỡ, tiếp xúc nhau.

Do đó cộng đồng người Việt ở phần đất Tây gần như hội nhập, hòa tan trong xã hội Đức. Không có những va chạm, xung đột trong sinh hoạt chính trị, văn hóa giữa người Việt với nhau trong cộng đồng này, họ cũng không bị ảnh hưởng, sự lèo lái, tuyên truyền của chủ nghĩa cộng sản thông qua tòa đại sứ như cộng đồng phía đông, đa số là người miền Bắc Việt Nam qua Đức theo dạng khách thợ (Guest worker).

Có thể nói cả hai cộng đồng người Việt ỏ Đức hoàn toàn không có ảnh hưởng gì tới các chính sách kinh tế, đường lối ngoại giao của chính phủ Đức đối với Việt Nam.

Việc Philipp Rösler, người Đức, gốc Việt, chủ tịch đảng FDP (Free Democratic Party) từ tháng 5.2011 đến tháng 12.2013, trở thành Phó thủ tướng CHLB Đức do hệ thống bầu cử, chia ghế trong quốc hội theo đảng, là một trường hợp hi hữu và cũng là một thất bại của đảng FDP.

Năm 2013, đảng FDP thất bại trong cuộc bầu cử liên bang, không đủ số phiếu để liên danh với CDU, ông bị mất chức Phó Thủ Tướng chỉ sau 2 năm, trong khi bà Angela Merkel vẫn tiếp tục là Thủ tướng đến ngày hôm nay. Philipp Rösler đẹp trai, tài giỏi, tháo vát, ăn nói duyên dáng, đối đáp nhanh nhạy ít người bì kịp, nếu ở Mỹ hoạn lộ chính trị của ông chắc sẽ thênh thang hơn nhiều.

Trở lại với nước Mỹ. Số người Việt sống ở Hoa Kỳ là trên 1.700.000 tức khoảng 0,6% dân số Mỹ ( thống kê năm 2013 ), đông nhất ở California ( 834.000), thứ nhì là Texas (396.000) .

Cộng đồng NV ở Mỹ do đó là cộng đồng mạnh nhất, có khả năng tiềm tàng, phong phú, đa dạng nhất để có thể giúp đỡ đất nước Việt Nam khi cần thiết về mọi phương diện.

Do mật độ đông đảo này, người Mỹ gốc Việt cũng có phần nào ảnh hưởng đến các chính sách của chính quyền các tiểu bang, các quận hạt, nhất là ở các vùng có đông người Việt như Orange County, San José, Houston…

Ảnh hưởng dù không lớn, không đủ mạnh để làm thay đổi chính sách, đường lối ngoại giao của chính quyền Mỹ đối với chế độ cộng sản VN nhưng nhiều lúc cũng gây ra những trở ngại, trục trặc trong giao tiếp của chính phủ hai nước.

Việc công nhận cờ vàng ba sọc đỏ là một biểu tượng của NVTNCS tại nhiều thành phố, quận hạt đã gây nhức nhối cho cán bộ, viên chức của chế độ CSVN khi qua thăm Hoa Kỳ ngoại giao hay thương mại.

Tuy nhiên, ảnh hưởng chính trị của các cử tri Mỹ gốc Việt cũng chỉ ngừng lại ở đó, không tiến xa hơn được và đây là điều đáng suy nghĩ, bàn bạc.

Làm thế nào để cử tri Mỹ gốc Việt có thể ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng hơn vào các chính sách đối ngoại của Mỹ với nhà cầm quyền CSVN?

Trước đây, dưới thời tổng thống Clinton, người Việt ở Mỹ tìm đủ mọi cách để ảnh hưởng, kéo dài lệnh cấm vận của Mỹ đối với CSVN. Lệnh cấm vận này kéo dài 19 năm, được ban hành ngay sau khi cộng sản Hà Nội chiếm được miền Nam. Thật ra lệnh cấm vận cộng sản Bắc Việt đã có từ năm 1964 trong thời ký chiến tranh quốc-cộng.

Việc bực tức, giận dữ hay phản đối chính phủ Mỹ bải bỏ lệnh cấm vận đối với VN nói lên sự thiếu tầm nhìn xa của các tổ chức chống cộng ở hải ngoại. Họ hoàn toàn không biết rằng trong chính trị không bao giờ có kẻ thù truyền kiếp hay người bạn muôn đời.

Là công dân của một nước đang tìm cách bắt tay, liên minh với kẻ thù, chúng ta chỉ có thể phản đối bằng lá phiếu. Một cá nhân, đoàn thể, tổ chức khôn ngoan phải dự trù, thấy trước được những bước đi của Mỹ với Việt Cộng để tìm cách suy nghĩ, lợi dụng những chính sách đó cho mục đích của mình chứ không nên tìm cách phản đối nó khi biết rằng sự phản đối sẽ vô vọng, không có hiệu quả.

Khi tuyên thệ nhập tịch Mỹ, dù không bị bắt buộc từ bỏ quốc tịch gốc bằng chứng từ như ở Đức trước đây (Bescheinigung über Entlassung aus der vietnamesischer Staatsbürgerschaft ), người nhập tịch Mỹ đương nhiên mất quốc tịch gốc vì Mỹ không có luật hai quốc tịch (Double Citizenship ).

Mọi quyền lợi, bổn phận, trách nhiệm từ ngày tuyên thệ nhập tịch là đối với nước Mỹ chứ không phải một quốc gia nào khác. Ngay cả những người như chuẩn tướng Lê Xuân Việt, khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, Nguyễn Xuân Vinh… cũng không có ngoại lệ.

Hơn thế nữa, những người này cũng chỉ là những cá nhân xuất sắc ( outstanding ) trong chuyên môn của họ chứ không trong lãnh vực chính trị, điều hành đất nước.

Trong thời đại hiện nay, người lãnh đạo chính trị nếu không phải là người được đào tạo chuyên môn về chính trị học (không kể chính trị Mác-Lê ) thì ít nhật cũng phải là người tốt nghiệp các khoa học xã hội, nhân văn, kinh tế, luật…có nhiều kinh nghiệm trong chính trường.

Cho nên không phải bất cứ điều gì ông L.X. Việt, bà D.N. Ánh, Ông N.X.Vinh nhận định về tình hình VN, về cộng đồng đều đúng, đều là khuôn mẫu để theo. Mỗi con người trong chúng ta phải có suy nghĩ độc lập, phải biết phân tích, so sánh, tổng hợp, suy luận, đánh giá rồi mới kết luận.

Thập niên 80 và một nửa thập niên 90, muốn tìm hiểu một biến cố, một sự kiện, một vụ án mạng…cách xa nơi mình ở người ta phải chờ ít nhất vài tiếng đồng hồ cho đến vài ngày.

Hiên nay với internet, smartphone, tablet…, chỉ cần vài cái nhấp chuột, mọi người có thể so sánh, đối chiếu tin tức, biết đâu là thật, đâu là giả, nguồn gốc các tin tức, information đó…chỉ trong vài giây đồng hồ. Có phải người Việt chúng ta dường như chỉ thích nghe tin đồn hay để cho các cơ quan truyền thông, báo chí, các đài truyền hình chạy theo lợi nhuận lèo lái, định hướng dư luận hơn là tìm hiểu sự thật?

Những tranh cãi về chuyện Điếu Cầy được tiếp đón ở phi trường Los Angeles tháng 10.2014 với lá cờ vàng là một thí dụ cho thấy sự non yếu của cộng đồng sau 40 năm sinh sống ở Mỹ.

Thay vì đi tìm hiểu sự thật, nhiều người trong chúng ta chỉ thích hành động theo cảm tính với thành kiền đã có từ trước, Điếu Cầy là bộ đội chính quy miền Bắc, đã từng cầm súng trong đạo quân xâm chiếm miền Nam.

Một chuyện khác nữa, chúng ta lấy lý do gì, tư cách nào để đòi bãi nhiệm đại sứ Ted Osius vì ông không chịu chụp hình với lá cờ vàng, biểu tượng của một thể chế, một quốc gia không còn hiện hữu? Biểu tượng đó ngày hôm nay chỉ là biểu tượng của một cộng đồng với 0,6% dân số Mỹ.

Với người viết bài, đó là một hành động thiếu khôn ngoan trong chính trị. Ông Ted Osius là nhân viên ngoại giao của chính quyền Mỹ. Mỹ và Việt Cộng đang có bang giao, nếu Ted Osius chụp hình đứng dưới lá cờ vàng có khác nào ông ta tát vào mặt chế độ cộng sản VN?

Phản đối thì còn có thể hiểu được vì đó là quyền tự do, nhưng đòi bãi nhiệm Ted Osius thì đúng là không biết mình là ai, giá trị như thế nào?

Đã không biết mình, lại cũng không biết người, bách chiến bách bại là điều khó tránh.

Không nên hành động ngu xuẩn như Phạm Quang Nghị, bí thư thành ủy Hà Nội, đảng CSVN. Trong khi đang cố gắng liên kết quân sự với Mỹ để ngăn cản sự bành trướng của Trung Cộng tại biển Đông, việc đem tặng TNS McCain tấm hình ông bị bắt khi phi cơ của ông bị bắn hạ trên bầu trời miền Bắc là hành động ngu xuẩn của kẻ vô trí, thất học, không hiểu thế nào là ngoại giao.

Chính trị là một con đường dài 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí 50 năm, 100 năm, tùy theo các mục tiêu ngắn hay dài hạn mà những người vạch kế hoạch, các think tank cần suy nghĩ, tính toán, hoạch định từng bước đi theo từng trụ mốc.

Hầu hết người Việt ở Mỹ đã có quốc tịch. Thế hệ di dân thứ nhất, những người đã 60 -70 tuổi hoặc hơn, đa số khó lòng thay đổi trong suy nghĩ, nhận định để có hành động thích ứng, phù hợp với những diễn biến của tình hình thế giới. Quan trọng là thế hê thứ hai, thứ ba…những thế hệ sinh ra, được giáo dục, trưởng thành ở Mỹ.

Cần phải xây dựng những thế hệ này, hướng dẫn họ gia nhập sinh hoạt chính trị trong dòng chính (main stream ) bằng cách ứng cử vào thượng viện, hạ viện, tiểu bang, liên bang…để họ hành động, cư xử như một công dân Mỹ nhưng không quên đất nước, dân tộc VN, lý do hiện diện của họ trên mảnh đất này.

Chế độ CSVN vẫn đang tồn tại, trong thời gian gần đây đã có những dấu hiệu khủng hoảng nội bộ trầm trọng, những xung đột gay gắt có thể làm tan vỡ đảng và sụp đổ chế độ.

Do đó không chỉ người dân trong nước, những người, tổ chức đang tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí, công đoàn tự do…, ngay cả người Việt HN cũng nên đặt câu hỏi:- Chuyện gì sẽ xẩy ra khi đảng CSVN tan rã, chế độ độc tài sụp đổ?

Chúng ta cần phải làm gì, phải chuẩn bị điều gi khi chuyện này xẩy ra? Hải ngoại có kế hoạch gì để giúp đỡ trong nước? Cũng nên dự trù kịch bản Trung Cộng có thể nhân danh những ký kết với ĐCSVN để đem quân xâm chiếm VN bằng vũ lực.

Có khả năng một chế độ khác sẽ lên thay thế hay CSVN sẽ chấp nhận đa đảng, cho bầu cử, ứng cử tự do? Khi chế độ CS sụp đổ, làm thế nào để tránh khỏi hỗn loạn xã hội, cướp bóc, thanh toán, trả thù nhau, những cuộc trả thù, tắm máu của người dân với công an, những kẻ đã từng bắt bớ, đánh đập, tra tấn người dân vô tội khắp nơi?

Ai, thế lực nào trong nước có khả năng giữ được yên ổn cho xã hội để có thể thành lập một chính quyền lâm thời tiếp nói? Chúng ta học được điều gì qua tấm gương Miến Điện?

Liệu có thể tin được những tổ chức, đảng phái trong quá khứ đã từng lừa bịp, gian dối, hăm dọa, hành hung đồng hương, đồng thời bị nghi ngờ thanh toán, giết hại ký giả, bịt miệng truyền thông… dưới chiêu bài kháng chiến, phục quốc?

Nếu thật lòng yêu nước, người Việt hải ngoại nằm trong các tổ chức, đoàn thể đấu tranh chính trị phải biết đặt ra những tình huống có thể xẩy ra trong tương lai cho đất nước. Mỗi tình huống cần phải có một kế hoạch tương ứng, hữu hiệu để đối phó, giúp đỡ người dân trong nước.

Nếu không sáng suốt nhận định, chỉ mù quáng vì lòng căm thù cộng sản, để cho lòng yêu nước nhiệt thành bị lợi dụng, dẫn dắt thì cuối cùng người dân VN có thoát được ách cộng sản cũng lại sẽ rơi vào sự cai trị độc tài, gian ác, lưu manh khác.

Học được cái hay của kẻ thù đã khó, bỏ cái dở của mình đi lại càng khó hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét