Chúng tôi có chung một bài hát, một mùa xuân, và một cách TỰ cười MÌNH.
Năm 1989, lần đầu tiên tới Hoa Kỳ, các bạn thân tổ chức cho một buổi họp mặt tại San Diego.
Nguyễn Khắc Nhân bảo tôi:” Mày sắp nghe lại bài hát ấy".
Bài hát bắt đầu. Serenade. Dạ khúc của Schubert.
“Tiếng hát thật tuyệt”. Lê Tất Điều nói.
Người hát là Bà Nghiêu Đề.
Bao năm tan tác, ai sao không biết, Nghiêu Đề vẫn gắn bó với bài hát thân quen của bạn hữu một thời.
Chính là với bài Dạ Khúc ấy trên môi, bốn mươi năm trước đây, Nghiêu Đề và chúng tôi, một đám bạn thân, mỗi anh một cung cách, đã cùng nhau thâu đêm suốt sáng sống với những mơ mộng và khát vọng nghệ thuật thời tuổi trẻ của mình.
Miền Nam Việt Nam, từ 1960, thời thế tạm yên bình. Có thể nghĩ tới những cái đẹp của mỹ thuật. Saìgon thực sự trở thành thủ đô của văn hóa. Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định bắt đẩu khởi sắc hơn, khi miền nam có một Hội Đồng giám khảo mỹ thuật Quốc Gia.
Mỗi năm vào mùa xuăn, phòng tranh Tự Do ở Sài Gòn khai mạc với những tranh của nhiều sinh viên của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật. Và Hội Đồng Giám Khảo Quốc Gia đã trao những huy chương lần lượt vào tay Nguyễn Trung 1960, Nghiêu Đề và Cù Nguyễn 1961.
Vào thời điểm kể trên, cả ba chàng họa sĩ đều ở tuổi đôi mươi. Tranh cũng như người, mỗi anh một vẻ.
Nguyễn Trung điềm đạm với tranh mang số 245: Thiếu nữ ngồi, sau lưng là khung tường có dây hoa vắt ngang, xanh lặng lẽ, lạnh. Cù Nguyễn sôi nổi với tranh Thiếu Nữ: mặt cúi, vai nghiêng, đỏ dằn vặt, nóng. Riêng Nghiêu Đề, đầy thách đố với Chân Dung: Người đẹp và khăn choàng, chân dung như muốn bay, đầy thách thức.
Ba anh, ba vẻ nhưng họp thành một lời chung.” Giã từ những khuôn thước quá khứ, chúng tôi bước trên con đường mới". Và từ tiếng nói chung này, cả một thế hệ tài hoa cùa miền nam Việt Nam lên đường...Những sáng tạo của họ, đặc biệt qua những sinh hoạt nghệ thuật của Hội Họa Sĩ Trẻ, do họ thành lập tại SaiGon năm 1962, đã mang lại một sức sống mới cho ngành mỹ thuật của miền Nam Việt Nam.
Chiến tranh và những tai ương đủ loại không dập tắt được sức sống và sự khát khao làm mới cho nền hội hoạ. Từ nhiều thập niên qua, tài ba của Nghiêu Đề và các bạn họa sĩ cùng thế hệ với ông, đã trở thành tiêu biểu cho giá trị của Hội Họa Việt Nam, kể cả hai miền Nam Bắc hiện nay lẫn hải ngoại.
Cùng bọn với ba chàng họa sĩ mùa xuân những năm xưa, đôi khi tôi tự hỏi:”Không biết những tấm tranh của bao mùa xuân cũ giờ đã tan nát ra sao?” Ấn tượng mạnh mẽ một thời của chúng, với chính tác giả khi nhìn lại, giờ thấy cũng chẳng ghê gớm gì…
Nguyễn Trung, Cù Nguyễn, Nghiêu Đề sau này, có lẽ đã thấy những chất sơn ngày ấy của các anh, như kiếm và khí, nói theo kiểu võ hiệp, chưa tới hồi hợp nhất.
Điều đáng kể là, những nhát kiếm ban đầu ấy đã góp phần mở đường cho Mùa Xuân của Hội Họa Việt Nam.
Không chỉ riêng hội họa, đó là mùa xuân nối dài, mùa xuân tiêu biểu nhất, cho mọi bộ môn văn học nghệ thuật Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua.
Chúng tôi, một đám bạn bè thân đến thăm Nghiêu Đề vào những ngày cuối của anh.
Không bao giờ bỏ được tánh huyên thuyên đủ thứ chuyện, dù là bên giường bệnh của bạn, chợt có ai đó nhắc đến chữ “Tổ Trác”. Bé Sàigòn, cô con gái út thắc mắc hỏi mẹ:”Tổ trác nghĩa là gì hả mẹ?” Mọi người lúng túng. Nghiêu Đề trả lời thay:” Tổ trác nghĩa là Mẹ lấy phải người chồng như Bố…”, tất cả chúng tôi cười vang. Và đó là cách nói, cách sống, cách “tự châm biếm, tự cười cợt mình “ của Nghiêu Đề.
Chúng tôi, cười bên câu nói của Nghiêu Đề và hiểu ra là bản thân mình, thuộc về một thế hệ có thể xài để định nghĩa về hai chữ “Tổ Trác”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét