khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

Phỏng vấn Nguyễn Hưng Quốc về ngày 30/4/1975 - Tác giả Nguyễn thị Thanh Bình


Nguyễn Thị Thanh Bình: Tôi cố tình dành một khoảng trống cho tên gọi ngày 30-4. Bạn là một cây viết cừ khôi, xin bạn thử tìm một tên gọi khác cho ngày này, ngoài những chữ vẫn được gọi kêu thông thường như ngày Quốc Hận, Tháng Tư Đen, ngày Giải Phóng hay ngày Đại Thắng Mùa Xuân...? Và tại sao bạn lại muốn gọi như thế?

Nguyễn Hưng Quốc: Thì nó vẫn là ngày 30 tháng Tư thôi. Ở năm 1975, ngày đó còn có ba ý nghĩa khác: một, đó là ngày cuối cùng của một cuộc chiến kéo dài; hai, đó cũng là ngày đầu tiên của một cuộc thống nhất sau 20 năm chia cắt; và ba, đó cũng là cái ngày người ta, nhất là dân miền Nam, gặp cái người, trước, ngỡ là Thúy Kiều, sau, mới biết té ra lại là Thị Nở (Nhớ câu ca dao ngày ấy: Ở xa anh tưởng Thúy Kiều / Đến gần lại hóa người yêu Chí Phèo!). Danh xưng 30/4 trở thành một vấn đề vì cái ý nghĩa thứ ba nổi bật lên hẳn. Nó là một giấc mộng đồng thời cũng là một sự vỡ mộng. Sự vỡ mộng bao giờ cũng là một ác mộng.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Nhà thơ Nguyễn Duy ở Việt Nam, với bài thơ “Nhìn từ xa... Tổ quốc” mà nhiều người vẫn tâm đắc, đã có lần viết câu thơ sau đây trong bài “Đá ơi”: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Không biết bạn đồng cảm như thế nào với thi sĩ về hai câu này, cũng như liệu bạn có thể cảm tác thêm một vài câu “lấy liền” cho dòng thơ tháng 4 không?
Nguyễn Hưng Quốc: Câu thơ của Nguyễn Duy không phải lúc nào cũng đúng. Ở Mỹ, sau cuộc nội chiến 1861-65, dân chúng, đặc biệt những người da đen chiến thắng lớn: chế độ nô lệ bị bãi bỏ. Năm 1945, chiến thắng của phe Đồng Minh ở châu Âu đã là một chiến thắng vang dội cho dân chúng ở châu Âu: Họ tránh được họa diệt chủng của Nazi và phát xít. Năm ngoái, dân chúng của Libya cũng chiến thắng: Họ được tự do. Ở Việt Nam, năm 1975, nếu miền Nam thắng miền Bắc, không chừng đã không có ai bị bại, hoặc nếu bại, chỉ bại ở mức tương đối nhẹ nhàng. Ít nhất cũng sẽ không có trại cải tại và phong trào vượt biển.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Cứ mỗi 365 ngày, vào thời điểm này, chúng ta lại có dịp nghe thấy hoặc chứng kiến “người anh em” trong nước tưng bừng giăng thêm khẩu hiệu, biểu ngữ, và cờ phướn tung bay ngập lối, cùng pháo hoa kèn trống diễn binh... như một thứ men say chiến thắng, trong khi đó ở hải ngoại thì những người lữ thứ kỷ niệm ngày 30/4 như một tưởng nhớ đau thương quốc hận. Như thế liệu tâm hồn bạn lúc này đang bay bổng ở đâu, khi gõ lại từng đường dây biến cố lịch sử mỏi mòn ấy? Bạn có nhớ tại sao lúc ấy bạn quyết định ở lại hay ra đi không?
Nguyễn Hưng Quốc: Ở trường Victoria University, tôi có một môn dạy được gọi là “Nhiều cuộc chiến Việt Nam: văn hóa chiến tranh và ký ức” (Many Vietnams: War culture and memory). Nội dung chính của môn học là: không có cái gọi là một cuộc chiến tranh Việt Nam duy nhất (the Vietnam War). Diện mạo của chiến tranh Việt Nam sẽ khác hẳn nhau tùy theo từng góc nhìn. Chúng khác nhau đến độ, nghe nhiều người kể, chúng ta sẽ có cảm tưởng đó không phải là một mà là nhiều cuộc chiến bị trùng tên một cách ngẫu nhiên. Riêng tôi, năm 1975, còn là một học sinh trung học ở Đà Nẵng, tôi chả hề có ý định ra đi. Mà muốn đi cũng không có điều kiện. Tôi chỉ nảy ra ý định vượt biên mấy năm sau đó. Lý do vượt biên, như vậy, không phải là những gì xảy ra trong ngày 30/4. Mà là những gì xảy ra kế tiếp. Lúc đất nước đã hòa bình. Một thứ hòa bình khốn khổ. Và, nhất là, khốn nạn.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Vào những lúc cuối đời, thường thì trong lòng người ta vẫn dấy lên một chút lương tri đạo đức làm người gì đó, và những câu nói sau đây của ông Võ Văn Kiệt được xem như là những điển hình đáng ghi nhận: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Là một người dân Việt, mà lại là một người cầm bút tử tế, bạn nghĩ chúng ta phải làm thế nào để có thể băng bó vết thương chung của dân tộc, khi hiểm họa của người phương Bắc càng ngày càng phủ chụp đất nước sau 37 năm Việt Nam vỗ ngực xưng hoà bình thống nhất?
Nguyễn Hưng Quốc: Câu nói của Võ Văn Kiệt đúng. Nhưng nhiệm vụ của người cầm bút không phải là băng bó các vết thương, bất kể là vết thương thuộc loại gì. Đã có nhiều thành phần khác trong xã hội làm điều đó. Nhiệm vụ của người cầm bút, theo tôi, là cào cấu thêm vết thương ấy. Để cho nó chảy máu thêm, mưng mủ thêm, đau đớn thêm. Và đừng bao giờ lành cả. Để không ai quên được chiến tranh. Không ai quên được họa độc tài. Không ai quên được những giọt máu và những giọt nước mắt đã chảy xuống. Bi kịch của cá nhân thì nên quên. Nhớ, không ai chịu đựng nổi. Nhưng bi kịch của cả dân tộc thì phải nhớ. Quên, người ta đánh mất cơ hội để trở thành giàu có, sâu sắc. Và nhất là, trưởng thành. Với cá nhân, nước mắt là đá, nặng trĩu, kéo oằn người ta xuống; với dân tộc, nước mắt là ngọc trai, trong giếng Mỵ Châu, tỏa sáng, lấp lánh, làm người ta đẹp hơn. Và cũng cao hơn.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Nếu bảo “thất bại trong hoà bình” mới là điều đáng lên tiếng luận bàn cho một lộ trình tương lai đất nước khả quan hơn, thì thử hỏi bạn có dám nói, dám viết, dám kiến nghị để lương tâm và chức năng của một người cầm bút không bị kiến cắn, kiến bò không? Và cho dẫu bạn không hề là một trong 75 vạn người mẹ đớn đau của những người con được phong tước anh hùng liệt sĩ gì đó, hoặc bị xem là “có nợ máu với nhân dân”, thì liệu bạn có phải bịt tai, bịt mắt để khỏi phải nghe hay thấy những bài ca rỗng tuếch nhai đi nhai lại ngợi ca xương máu chiến thắng?
Nguyễn Hưng Quốc: Lương tâm và chức năng của một người trí thức là phải gắn liền với đất nước, dân tộc và, rộng hơn, với nhân loại. Nhưng lương tâm và chức năng của một người cầm bút, nhất là người cầm bút viết văn chương, thì lại nằm ở chỗ khác. Chứ không phải ở chỗ dám nói, dám viết hay dám kiến nghị. Và khi viết thì không cần bịt mắt và bịt tai lại: Các khẩu hiệu và biểu ngữ đều là những ký hiệu. Mà ký hiệu nào cũng có hai mặt, cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified). Nhìn các khẩu hiệu và các biểu ngữ như những cái biểu đạt, chúng ta có thể nhìn thấy khí hậu tinh thần – kể cả cơn bệnh - của một thời đại. Nghe các ký hiệu ấy dưới dạng âm thanh, chúng ta cũng có thể khám phá chúng có những tiết tấu riêng: Tiết tấu của một cơn cuồng. Việc phát hiện những khí hậu và tiết tấu ấy có thể giúp người ta viết hay hơn.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Ông Lê Duẩn đã từng biện bạch rằng “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải là của riêng ai”. Vậy thử hỏi nỗi đau của “triệu người buồn” kia, cũng hệt như nỗi đau của nước sắp mất, và (ngôi) nhà Việt Nam sắp tan, không lẽ không phải là niềm đau chung của dân tộc? Đất nước chắc chắn nào phải của riêng ai, vậy tại sao lại chỉ có thứ độc quyền yêu nước hay bán nước? Sự kiện tiếp tục bỏ tù những trí thức yêu nước độc lập có phải là thái độ sợ hãi của một nhà cầm quyền chỉ muốn củng cố quyền lực hay không? Liệu bạn có thấy phấn khởi khi giới trẻ cũng bắt đầu quan tâm và muốn gánh vác phần nào câu chuyện lịch sử 30/4/1975 của cha ông mình?
Nguyễn Hưng Quốc: Tiếc, tôi chưa gặp được cái chị gọi là “giới trẻ biết quan tâm và gánh vác phần nào bài học lịch sử ngày 30/4/1975” như chị nói. Từng người thì có. Nhưng “giới” thì chưa. Ở các diễn đàn, ngoài đời cũng như trên mạng, tôi chỉ thấy những ông già và bà già. Trẻ lắm cũng ở lứa tuổi tôi và chị. Nghĩa là, toàn là những người sắp chết cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét