khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

"Nước Mỹ Trở Lại" - Tác giả Vinh Râu

 

1-Tôi có một ông chú họ, chú Tư, cùng chung ông nội với ba tôi. Ông là nông dân nhưng tánh tình rất ba lơn, trào phúng. Ông hay mặc bà ba đen nguyên bộ, tôi khoái ông ở cái hàm râu dài phất phơ như đạo sĩ. Cũng như ba tôi, giờ mồ ông đã xanh lâu màu cỏ.
Năm 1975, sau khi miền Nam thất thủ, cũng như nhiều gia đình khác, gia đình tôi phải về quê làm ruộng. May là ba tôi có được 1 mẫu ruộng của bà nội để lại, cách thành phố Phan Thiết khoảng 10 cây số, nếu ko, chắc phải lên rừng làm kinh tế mới.
Kế ruộng nhà tôi là ruộng chú Tư, vì thế mà tôi hay gặp ông, nghe ông kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Một trong những câu chuyện của ông như sau:
"Ba mày là thầy giáo ở thành thị, còn tao bám trụ ruộng rẫy trên này nên ba mày ko biết tình cảnh của tao. Mỗi khi vác cuốc ra đồng, gặp lính quốc gia, chúng nó hỏi tao, Việt cộng đâu ông già? Tao lắc đầu bảo ko biết, chúng đá đít tao mấy cái rồi bỏ đi. Chúng đi rồi thì tao gặp Việt cộng. Mấy chả hỏi, lính quốc gia đâu ông già? Tao lắc đầu bảo ko biết, mấy chả cũng đá đít tao mấy cái rồi bỏ đi. May mà tao nói ko biết nên chỉ bị đá đít, nếu nói biết, có khi cái mạng già này cũng ko giữ được".
Câu chuyện hài hước của chú Tư tôi cho thấy thân phận khó xử của người dân miền Nam trong cuộc nội chiến- hay còn gọi là chiến tranh ủy nhiệm- đã qua. Thường là, khi kể xong 1 câu chuyện, ông luôn kèm theo một tràng cười ha ha sảng khoái.
Một lần ông gọi tôi lại rồi bảo, bọn Mỹ rất độc ác, chúng kềm kẹp miền Nam đã đời nhưng khi bỏ chạy, chúng để toàn bộ kềm kẹp ở lại mà không mang theo.
Một lần khác, ông nhìn một chiếc máy bay đang bay trên bầu trời rồi bảo tôi, máy bay này ko phải của ma quỷ. Tao chỉ thích máy bay của bọn ma quỷ thôi.
Khi nghe ông nói, cái đầu tuổi teen của tôi chưa kịp hiểu ra, khi hiểu rồi mới thấy, lão chú của mình cực kỳ thâm thúy.
2-Để hiểu được ma quỷ là mỹ qua, tức là Mỹ sẽ qua lại Việt Nam, tôi đã phải mất một thời gian để giải ngu, cũng giống như bộ trưởng Thể cá tra giải ngu về hàng hóa thiết yếu vậy. Cái" thiết yếu" đơn giản này, cả "hệ thống chính trị" cần phải mất một thời gian mới nhận thức được.
3- Nước Mỹ đã bỏ rơi đồng minh VNCH, để lại những hệ lụy vô cùng sâu xa trong đời sống của dân miền Nam, của dân tộc Việt, của nước Việt, cho tới tận bây giờ. Dân miền Nam thấm thía hệ lụy đó hơn ai hết, vì nó là vết thương chưa phai, là những ký ức tủi nhục ko bao giờ được vá lành.
Đã từng có một nước Mỹ phản bội. Chỉ có tiểu nhân và kẻ hèn mới phản bội bạn bè. Người miền Nam đã tức giận, đã oán trách và nguyền rủa Mỹ nhưng lại... rất bao dung với Mỹ.
Mỹ ra đi để lại một miền Nam tan nát, bị đánh gục về mọi mặt. Cuộc tiếp quản sau đó của kẻ thắng trận theo chủ nghĩa cộng sản đã biến nó thành một vùng đất ít nhân tính hơn bao giờ hết, trong lịch sử của miền Nam kể từ cuộc chiến phân tranh Trịnh Nguyễn.
Thế mà người Việt ở miền Nam vẫn luôn muốn Mỹ quay trở lại, và ko chỉ người Việt ở miền Nam. Nhiều người Việt ở miền bắc từng gánh chịu bom đạn của Mỹ cũng muốn Mỹ quay trở lại. Đó là điều kỳ lạ mà sau nhiều năm lý giải, tôi vẫn chưa hiểu thấu, tại sao lại như vậy? Vì sao người ta có thể quên đi nỗi đau xương máu để hướng tình cảm của mình về phía kẻ gây nên nỗi đau đó? Do sức mạnh của tự do và thịnh vượng chăng? Do bản chất khí khái và quân tử chăng?
Nhưng, nếu là quân tử, ko ai phản bội và bán đứng bạn bè.
Miền Bắc VNDCCH đã bị đồng minh Trung cộng phản bội. Miền Nam VNCH đã bị đồng minh Mỹ phản bội. Lần đầu tiên trong lịch sử, 2 phe phái lãnh đạo nước Việt phân tranh cùng bị đồng minh phản bội. Tàu phản bội Việt để mưu lợi, Mỹ phản bội Việt để tìm lối thoát khỏi vũng lầy.
Cuộc chiến tranh Việt Mỹ đã trôi qua gần nữa thế kỷ, người Mỹ và nước Mỹ đã xuất hiện trở lại tại Việt Nam bằng một thứ diễn văn tuyệt hay được đọc năm 1995 của Bill Clinton, tuyên bố bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Sau nhiều năm hòa bình lập lại trên đất nước đau thương của người Việt, thêm một điều kỳ lạ nữa là, giờ đây, người mê nước Mỹ và văn hóa Mỹ nhất lại là những người từng đánh đuổi Mỹ. Tiền bạc của họ, con cái của họ ào ạt lao đến nước Mỹ như thiêu thân lao vào ánh đèn. Ko hiếm anh hùng thời chiến tranh của phe thắng trận đã cùng gia đình của họ, coi nước Mỹ là chốn định cư thiên đường. Họ ko lao đến vòng tay của đồng minh Tàu sát nách nhưng lại tìm đến miền đất của cựu kẻ thù đế quốc mà họ nguyền rủa cách đó nửa vòng quay của quả địa cầu.
4- " Nước Mỹ trở lại" là slogan chính trị của triều đại tổng thống Biden. Chưa biết họ trở lại với bản thân họ như thế nào, nhưng có một điều chắc chắn là họ đang trở lại Việt Nam với lời mời gọi hấp dẫn: trở thành đối tác chiến lược toàn diện.
Nhiều người Việt đang tung hô nước Mỹ cũng như nữ phó tổng thống Harris khi bà đến Hà Nội, mang theo 1 triệu liều vacxin, tàu tuần tra, trung tâm phòng chống dịch bệnh và kinh phí khổng lồ 1,2 tỷ đô la xây tòa đại sứ. Với những người Việt này, Mỹ giống như một biểu tượng về sự tin cậy, sự phục sinh hy vọng.
Nếu ko phải là biểu tượng của hy vọng, tại sao người Việt lại mong Mỹ trở lại như chú Tư nông dân của tôi mong ma quỷ đến thế? Nếu bây giờ, trưng cầu dân ý về việc cho Mỹ thuê cảng Cam Ranh, tôi tin chắc có hơn 70% người Việt bỏ phiếu tán thành. Họ sẽ tán thành vì chính lợi ích của dân tộc mình dù kinh nghiệm trải qua cho họ biết rằng, chơi dao thì phải đề phòng có ngày đứt tay dù đó là dao Tàu hay dao Mỹ.
Chúng ta đang nhìn thấy một vòng lập lạ lùng của lịch sử, từ kẻ thù-giao tranh-hòa bình- bè bạn và tương lai có thể là đồng minh, quan hệ với nước Mỹ trong diễn trình lịch sử hiện đại của người Việt cho thấy, có một điều gì đó sâu xa bí ẩn trong tâm thức của họ. Nó ko đơn giản như kiểu tuyên bố, Việt Nam sẵn sàng làm bạn với các nước, ko theo nước nào để chống nước nào.
Ngay trong tuyên bố đó, đã hàm chứa sự hoài nghi và thiếu tự tin về bản thân mình.
Liệu những người Việt đang nắm giữ quyền lực quốc gia có dám trao gởi niềm tin cho kẻ thù cũ để chống lại đồng minh cũ? Chắc là họ ko dám. Để làm được điều đó, họ phải vượt qua rất nhiều thứ, ko chỉ vì sự hăm he của anh hàng xóm hiếu chiến mà quan trọng hơn, là khả năng vượt qua ký ức chiến tranh não nề của họ.
Dù gì đi nữa, Mỹ đã quay trở lại. Xin thắp một nén nhang hy vọng cho ông chú của tôi, vì ước mong của ông đang trở thành sự thật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét