Tôi bước vào tuổi mới lớn nhìn đời bằng cặp mắt màu hồng khi đất nước vừa tàn cuộc chiến. Nhiệt thành tuổi trẻ cộng với ước ao góp sức xây dựng một quê hương thanh bình khiến tôi gắng học hành mong thành người hữu dụng cho xã hội. Nhưng…
Sài Gòn – Việt Nam 1975-1990
Mười tám tuổi ngấp nghé cổng trường đại học, tôi nhận quả đắng đầu đời: không được vào học vì xuất thân từ gia đình chế độ cũ. Với căn bản của nền giáo dục nhân bản, tôi chập chững bước vào đời bằng cuộc mưu sinh ngoài vỉa hè. Xếp loại gia đình tôi thuộc tầng lớp tư sản dù chỉ là tiểu thương, họ kiểm kê tài sản, tôi lãnh quả đắng thứ hai: tất cả sách báo cũ như bìa nhạc, sách học làm người, báo Thiếu Nhi, truyện Tuổi Hoa, sách Vàng, tự điển, truyện dịch… đều bị cho là văn hóa phẩm đồi trụy cần tịch thu và tiêu hủy. Tâm hồn tôi như bị thiêu cháy theo ngọn lửa đang phừng phừng trên đống sách.
Chiến dịch truy quét lòng lề đường tặng cho tôi quả đắng thứ ba: em tôi mới mười lăm tuổi đã phải vào tù. Nhà tù là sân chùa Chà đường Trương Định. Mẹ tiếp tế cho em ổ bánh mì qua song cửa sắt. Tuổi thơ không biết giận. Ra tù, em lại cùng tôi bám vỉa hè để kiếm sống. Nhưng mẹ không cam lòng, sắp đặt cho em một chuyến hải hành. Em ra đi vào một chiều mưa, đầu nóng ran vì cảm sốt, cạo gió cho em mà không biết đó là lần cuối cùng được ở bên em. Lòng tôi ngổn ngang không biết phải nghĩ gì làm gì…
Tôi vào làm kế toán cho một công ty hợp doanh với Singapore sản xuất thuốc lá, vô tình khiến cho một nữ cán chính, khi xưa bận chiến đấu quên học, bị mất ghế do thiếu năng lực, phải trở thành chị nuôi cho công nhân. Quả đắng thứ tư xảy ra trong bếp ăn, một nơi thật quan trọng trong thời kỳ đói kém, lúc mà miếng ăn có khả năng thui chột cả nhân phẩm. Chẳng hạn như muốn lùa bắt gà hàng xóm đi lạc vào xưởng ăn thịt với lý lẽ “bất cứ gì ở trên đất mình là của mình”. Hoặc là rượt con dê chạy thục mạng cho nó đổ mồ hôi ra hòng làm bớt hôi món thịt dê. Bắt được vài con chuột thì phải hóa phép chúng thành món ngon bồi dưỡng cấp trên… Văn hóa ăn uống, ứng xử, sinh hoạt như lùi lại thời đồ đá. Công nhân toàn phân xưởng không phân biệt nam nữ phải dùng nhà vệ sinh lộ thiên ngoài cầu ao trống trên trống dưới bất kể nắng mưa để tăng gia cho đàn cá… Chắt lưỡi xót ruột cho gia tộc người chủ cũ của thửa đất đang còn nằm trong những ngôi mộ gần đó.
Công ty mới thành lập còn thiếu nhân sự, trong cái văn phòng chỉ có mình tôi. Ngoài kế toán tôi phải kiêm nhiệm đủ thứ, từ kế hoạch vật tư, coi kho, giữ quỹ, tính lương, cấp phát nhu yếu phẩm, chăm sóc y tế, đến cả pha trà tiếp khách, dọn dẹp vệ sinh… Lương của tôi khá hơn lương công nhân thời ấy cũng bộn. Thực hiện chủ nghĩa cộng sản, mọi thứ là của chung, phải cào bằng đời sống công nhân viên chức, không được để chênh lệch nhau quá nhiều. Cuối cùng, chín phần mười số lương phía Singapore chi trả cho tôi rơi vào túi giám đốc: đó là quả đắng thứ năm.
Với tư tưởng xóa bỏ giai cấp, chị nuôi kêu tôi dẹp sổ sách qua một bên, xuống ruộng cắt rau để chị cải thiện bữa ăn cho công nhân. Mặc kệ tị hiềm, tôi cũng muốn người lao động có chút an ủi lúc nhọc nhằn. Thấy chú bộ đội chuyển ngành là xếp của tôi đang rảnh rỗi, lại biết ông quen việc này do ngày trước ở trong rừng từng làm qua nên tôi nhờ ông giúp. Lòng vui chưa dứt thì ngày hôm sau, trên bàn đã sẵn một bản tự kiểm về tội dám sai cấp trên. Nực cười cho trò hề xóa bỏ giai cấp bằng chính sự phân biệt giai cấp. Quả đắng thứ sáu là đây: nhiệt tình làm việc biến tôi thành chân sai vặt. Tôi bỏ việc sau một lần anh bảo vệ lệnh cho tôi pha trà tiếp khách bằng phát súng chỉ thiên.
Họ phải thuê bảy người khác đảm nhiệm công việc thay tôi, sau khi mang hai bao gạo đến thuyết phục tôi quay lại làm việc không thành. Tôi trở về với vỉa hè. Nhiều người cho là tôi không thức thời. Chỉ là họ không biết rằng không thể xóa bỏ cách làm người mà tôi đã được truyền dạy từ lúc học vần. Nó ăn sâu vào tâm thức thế hệ chúng tôi và không cho phép ai đánh mất bản thân. Tiếng súng không còn, nhưng cuộc chiến ngấm ngầm cho sự trả thù của phe thắng cuộc sục sôi hơn bao giờ hết. Để thị oai chiến thắng và thỏa mãn lòng tham, họ tự cho cái đặc quyền tịch thu tài sản người khác xem như chiến lợi phẩm vậy; bởi có những thứ thời còn trong bưng mắt họ chưa từng xem và tai chưa từng nghe…
Còn rất rất nhiều quả đắng khác nữa rơi trúng tôi, người thân hay bạn bè, hàng xóm khiến tôi dần quen để không còn thấy đắng, chỉ chăm chút sao cho mình đừng nhiễm đắng và cố gắng không để cho chất đắng di căn.
Thỉnh thoảng lại vắng bóng vài người thân quen, thầm nguyện cầu cho bão giông ngừng thổi. Mỗi lần như thế cũng phải mất từ một đến hai tháng sống trong lo âu, phập phồng ngóng chờ tin tức. Vui không được cười, buồn chả dám khóc. Gương mặt vô hồn dồn nén bao nỗi đau câm nín: đau chia lìa, đau sinh tử, đau bĩ cực, đau thế thái, đau nhân cách… Nước mắt chảy ngược vào trong: thương mình, thương người. Trái tim rạn vỡ theo đủ kiểu cảnh đời. Cứ thế âm thầm lặng lẽ bươn chải chờ cơ hội.
Ấy vậy mà nào có được yên: mọi thương nhân muốn được phép buôn bán đều phải tham gia hợp tác xã. Họ lập ra ban điều hành gồm nhiều chức danh để quản lý hoạt động kinh doanh và thu tóm lợi tức: một mô hình thuận tiện cho việc “cướp ngày của quan”. Tất cả hàng hóa, nhân công, vốn liếng, chi phí, bao bì, thuế má, công sức mình bỏ ra, nhưng tiền bán trong ngày lại phải giao nộp cửa hàng giữ, rồi sau đó có trách nhiệm trả “công giữ tiền” cho nhân viên ban điều hành! Khoản chi này tôi xem như nộp mãi lộ cho con đường sống còn của mình qua những chuyến hàng đêm. Ban ngày chỉ lấy hẹn với khách hoặc gặp thợ đặt hàng.
Rồi cũng đến một ngày em út tôi bước chân xuống chiếc ghe chở rau ở chợ Cầu Ông Lãnh… Tị nạn tại đảo Galang thuộc Indonesia vào cuối thập niên 1980, đời sống trong trại nhiều khó khăn thiếu thốn do sự cứu trợ đã giảm dần theo thời gian. Đặc biệt vấn đề thông tin liên lạc, Việt Nam còn bị cấm vận trên trường quốc tế, nên không được trực tiếp thư từ mà phải thông qua nước thứ ba. Thế là kiếm ra tiền tiếp tế cho em đã khó mà tìm được người ở nước thứ ba đồng ý làm trung gian giúp liên lạc cũng khó không kém.
Còn nhớ một khách buôn là người Arabia Saudi tên Abdul. Ông ta đến Việt Nam buôn hàng thủ công mỹ nghệ. Muốn xuất được hàng đi không thể thiếu “thủ tục đầu tiên” nơi cổng hải quan. Với kinh nghiệm ấy, cho rằng văn hóa người Việt là ăn trước khi làm, ông ta cũng mời gia đình tôi đi nhà hàng để tỏ ý muốn đặt một số hài thêu cườm của chúng tôi. Quả thật lúc ấy chả có tâm trạng nào mà hưởng thụ nên tôi từ chối ngay không chút ngần ngại.
Abdul lộ vẻ thất vọng, tưởng là khó mà ký kết hợp đồng mua bán. Khi được cho biết mối quan tâm của chúng tôi là chất lượng hàng hóa sao cho phù hợp với thời tiết của Arabia Saudi chớ không phải là bữa ăn đó, thì ông ta hoàn toàn bị thuyết phục và bằng lòng đặt hàng của tôi cho dù giá cả có phần cao hơn nơi khác. Đổi lại, tôi thương lượng với ông giúp vấn đề gởi tiền cho em tôi ở trại tị nạn rồi sau đó khấu trừ vào tiền làm hàng.
Thời gian giao dịch khá lâu đủ để tín nhiệm và chia sẻ. Abdul không nhận lại tiền đã gởi cho em tôi với lý do xem như đó là khoản mời tôi đi ăn; vả lại, nó còn ít hơn số lót tay cho cán bộ nữa. Ông kể tôi nghe cách ông quan sát bữa ăn đặc sản của hải quan với những món sâu bọ bổ thận tráng dương. Tôi thật sự không biết diễn tả cảm xúc mình ra sao: mừng vì đã không có mặt ở những buổi tiệc bẩn thỉu đó, nhưng quả là không khỏi đỏ mặt xấu hổ cho đất nước với bộ mặt của những kẻ mà phần con lớn hơn phần người.
United States of America 2000-2021
Ba tôi xuôi tay về với đất cùng lúc em út tôi đến được miền đất hứa, kết thúc thời gian mười năm cho cuộc thiên di từ nước Việt buồn tới bến bờ tự do. Đắng lòng nghĩ về cái giá phải đánh đổi khi so sánh chuyến bay thời nay chỉ mất một ngày và biết rõ đang đi đến đâu để thấu hiểu sự gian truân khôn cùng ngày ấy, mồ hôi hòa lẫn máu và nước mắt, cùng với nỗi hoang mang tột độ về một tương lai mơ hồ vô định. Gia đình tôi lần lượt trước sau từng người một đặt chân lên xứ cờ hoa.
Bắt đầu lại cuộc đời mới bằng việc cắp sách đến trường. Quả ngọt đầu tiên: đi học không tốn tiền, không phân biệt tuổi tác, màu da chủng tộc. Học ngôn ngữ, học văn hóa, học nghề để hòa nhập môi trường sống trên quê hương mới. Phải nỗ lực gấp nhiều lần khi tuổi đời không còn trẻ để có thể vừa mưu sinh vừa thăng tiến tri thức bằng ngôn ngữ thứ hai. Cũng có lúc mỏi mệt nhưng hình ảnh bao người còn ở lại sống đời tăm tối làm tôi lại cố gắng hơn nữa nuôi hy vọng giúp mình, giúp đời.
Nơi sân trường đại học cộng đồng rộng lớn, những phút nghỉ giữa giờ đổi lớp, ngồi dưới bóng cây bên thảm cỏ xanh rì, lòng lại da diết nhớ về tháng ngày ở trường xưa lớp cũ bên kia bờ đại dương. Nhớ bảng đen phấn trắng, nhớ ánh nắng sân trường, nhớ cây phượng rực rỡ… Nhớ những lời thầy răn, nhớ bạn cùng hoàn cảnh, thấm thía chuyện thế gian… Thương đồng bào ruột thịt, thương đất nước điêu tàn… Muốn được sống lại thời học trò cùng chúng bạn san sẻ nắm xôi, chén chè, củ khoai; chụm đầu vào đọc báo Thiếu Nhi, báo Tuổi Ngọc, báo Tuổi Hoa… những tờ báo nuôi lớn chúng tôi thành người.
Nhìn ngắm vườn hồng vươn cao hơn đầu người, rực rỡ biết bao nhiêu là hoa khoe đủ mọi sắc màu, đây trắng, vàng, cam; kia hồng, đỏ, tím… lớn hơn cái nắm tay, minh chứng một sức sống sung mãn đầy hy vọng, cảm giác thật tươi vui an bình. Lại ước ao phải chi thế hệ tương lai nước nhà cũng to khỏe, xinh xắn, năng động, hồn nhiên và đa dạng như vậy thì thật không còn gì bằng. Quay về thực tại, nhân quyền giờ mình có, lòng tự nhủ với lòng, dù đời có bão giông, giữ tròn nhân cách sống.
Thời gian dần trôi, học rồi đi làm, mua xe trả góp, mướn chỗ ở, đúng nghĩa gầy dựng từ hai bàn tay trắng. Không dư giả nhưng tâm an trí nhàn thụ hưởng quả ngọt từ công sức của mình. Cuộc sống tạm ổn, đầu thu 2005, tôi thu xếp một chuyến đi tới tiểu bang North Carolina phía bờ Đông, tìm đến địa chỉ em tôi cư ngụ ngày trước, tưởng nghĩ về không gian em từng sống. Một khu vực có nhiều cây cối to cao làm cho ngôi nhà cũ nhỏ bé khiêm nhượng như thụt giữa rừng già tĩnh lặng. Lớp lá vàng dầy phủ kín mặt đất phát ra âm thanh giòn rụm theo từng bước chân. Tôi bấm chuông tuy không chắc ông bà Smith là người bảo trợ em tôi khi xưa có còn ở đó không. Có tiếng mở cửa lạch cạch, một người đàn ông da trắng lớn tuổi to béo mặc áo sơ mi kẻ sọc carô xuất hiện sau khung cửa. Thật bất ngờ vẫn là họ. Từ ngạc nhiên họ chuyển sang vui mừng chào đón khi biết tôi là người thân của em.
Bà chủ nhà liền gọi điện báo tin cho cô con gái ở gần đó, rồi sốt sắng đưa tôi lên lầu thăm căn phòng em tôi ở trước kia. Họ giữ nguyên như vậy hơn hai mươi năm nay. Khung hình trên bàn ngủ đầu giường có ba người gồm cha mẹ của bà và em ở chính giữa. Bà giải thích cả ba ra đi chỉ cách nhau vài tháng và vì cha mẹ bà rất yêu quý em lúc sinh tiền nên đã để hình họ chung với nhau. Thời gian đó đối với bà quả là rất tồi tệ khi mất đi gần như cùng lúc ba người thân yêu. Tấm hình phóng lớn của em lúc lãnh giải ba môn hình học không gian toàn tiểu bang trên tường trông như tấm áp phích cine. Trở xuống phòng khách cũng vừa lúc cô con gái Betsy về tới. Betsy ngang tuổi em lại học cùng lớp nên rất thân thiết với em. Trao lại cho gia đình tôi một số kỷ vật của em mà họ gìn giữ bấy lâu nay. Rưng rưng quả ngọt đong đầy tình mến: còn món quà nào quý hơn?
Chúng tôi ra ngoài chụp hình với nhau trước con số địa chỉ nhà rồi lên xe đi viếng nghĩa trang. Lần đầu tiên gặp lại em sau một phần tư thế kỷ qua bia đá lạnh không tiếng nói, lòng tôi cũng rối bời không kém ngày em ra đi. Tôi ngồi với em thì thầm trò chuyện. Ông bà Smith và Betsy đi loanh quanh dọn cỏ rác. Họ giới thiệu sơ những người quen biết nằm xung quanh em. Bức tranh tuyệt đẹp của những con người khác chủng tộc, màu da, khác văn hóa, ngôn ngữ xem nhau như ruột thịt thấm đẫm tình người. Cảm xúc dâng đầy. Sau đó Betsy đưa tôi đến ngôi trường mà cô học cùng em tôi lúc xưa. Dừng chân nơi thánh đường em dự lễ hàng tuần, Betsy tin rằng em đã về thiên đường và hằng cầu thay nguyện giúp cho mỗi người chúng tôi.
Gia đình tôi thực sự tri ân đất nước văn minh và nhân đạo sản sinh ra những người con có tấm lòng vàng mở rộng vòng tay cưu mang nhiều người tị nạn khắp nơi trên thế giới. Tôi đã nhận rất nhiều những quả ngọt. Tôi học được cách sống có trách nhiệm với bản thân, với người khác và với xã hội. Làm bất cứ gì cũng phải chu toàn dốc sức hết lòng. Tôi biết xin lỗi và cám ơn. Sống sự thật bằng mọi giá, nhất quyết không gian dối. Đặc biệt đối đãi với tha nhân bằng cả trái tim. Mỗi mùa Tạ Ơn tôi có dịp linh thao nhìn lại chính mình để tìm mục tiêu cho năm mới. Tôi tự thấy cần trả ơn đời bằng cách góp một bàn tay trong khả năng của mình. Năm 2015, con trai tôi vào quân đội phục vụ đến nay gần bảy năm. Năm 2020, dịch bệnh lan tràn, tôi làm thêm giờ phụ cho đồng nghiệp nghỉ bệnh. Năm 2021, con gái tôi vừa xong đại học cũng đi làm thiện nguyện phòng dịch.
Mới đây được tin có một gia đình trẻ phải cho con nhỏ ra nước ngoài học tiếng Việt, thật là xót lòng cho nền văn hóa quê nhà đang dần mai một. Hiện giờ dịch đang hoành hành trên quê hương và đã có nhiều người quen biết ra đi. Cầu xin cho Việt Nam sớm thoát khỏi ách ngu dân để đồng bào bớt lầm than. Nghe văng vẳng từ xa xăm bài hát thời còn để chỏm Thương quá Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.
“… Hót đi chim, hót đi chim, hót cho lòng hận thù trôi xa…
… Thắp tim lên, thắp tim lên, thắp cho tình người dậy trong ta…
… Yêu kẻ thù như yêu ta, ôi thương quá Trái Tim Việt Nam”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét