Vào năm 1963, ở miền Nam, một cuốn tiểu thuyết ra đời và được sự đón nhận quá nồng nhiệt của độc giả, nó biến thành một hiện tượng. Tôi muốn nói đến cuốn truyện Yêu của Chu Tử. Trong lời tựa cho lần tái bản thứ hai, tác giả cho biết cuốn Yêu lần đầu tiên ra mắt, được in 5.000 bản và đã bán hết trong vòng hai mươi lăm ngày. Kết quả vượt xa sự chờ đợi của tác giả và nhà xuất bản
Điều gì đã lôi cuốn người đọc ? Chắc chắn là cái tựa đề Yêu, nhưng nếu chỉ là cái tựa đề thì sự lựa chọn quá nông cạn. Phải nói cốt truyện hấp dẫn với những mối tình lãng mạn, ngoài thông lệ, và những nhân vật nữ có cá tính sâu sắc, ăn nói ngỗ ngáo, sống sượng hay dịu dàng, lãng mạn, như ở ngoài đời. Chu Tử đã đem một cái gì mới lạ đến với người đọc, làm người đọc không khỏi kinh ngạc, cảm thấy có điều gì lạ lẫm đang biến đổi cách suy nghĩ, cách nhìn đời, cách hành động của các nhân vật trong truyện. Phải chăng truyện Yêu phản ánh sự chuyển mình của xã hội thời đó ?
Nội dung truyện
Chu Tử đưa chúng ta vào một thế giới của tình yêu mà theo các nhân vật, đó là thứ tình yêu do số kiếp, do định mệnh an bài.
Thúc và Hòa có bốn cô con gái : Uyển, hai mươi hai tuổi, sinh viên luật khoa, có sắc đẹp lộng lẫy, khiêu gợi, Diễm, hai mươi tuổi, đẹp kín đáo, mơ màng, Huyền, mười tám tuổi, có vẻ đẹp lạ lùng nhờ có mắt hơi lác, Tuyết mười sáu tuổi, học trường Tây, có vẻ đẹp Tây phương. Thúc là một giáo sư triết học, đa cảm, phóng khoáng, xuề xòa, Hoà, vợ Thúc, là một phụ nữ tôn trọng đạo giáo truyền thống. Ba cô gái lớn đã đến tuổi lấy chồng nên không thiếu gì đàn ông giàu có lui tới.
Thúc báo cho gia đình biết Đạt, bạn của Thúc và là thầy dạy học của bốn cô con gái, có ý định hỏi Diễm làm vợ. Cả gia đình kinh ngạc, mỗi người phản ứng mỗi cách. Uyển, tự ái bị tổn thương, mặc dù Uyển dửng dưng với Đạt, vụt hỏi : « Sao ông ấy không hỏi con, Ba nhỉ ? ». Hòa tỏ vẻ khó chịu, bực mình, bà không chấp nhận một người bạn của chồng, gần bằng tuổi chồng, và là thầy dạy học các con mình, lại muốn đi hỏi một đứa con của mình. Vả lại, bà muốn Diễm lấy Khải, một sinh viên y khoa sắp ra trường, đẹp trai, con nhà giàu. Còn Diễm bồi hồi, im lặng. Huyền tính tình đôn hậu, được mọi người tin cậy và tâm sự, kể cả Đạt. Huyền báo cho gia đình biết hai chuyện do Đạt kể.
Chuyện thứ nhất là khi Diễm còn bé, có lần chú Đạt bế Diễm đi tắm suối và Diễm nói sau lớn Diễm sẽ lấy chú Đạt. Với thời gian, lời nói ngây thơ đó đã làm cho Đạt yêu Diễm. Diễm cũng bắt đầu nhớ lại chuyện xưa.
Chuyện thứ hai là chuyện Đạt thân với bà Hằng. Nhưng giữa hai người chỉ có tình bạn. Vào thời kháng chiến, Hằng mồ côi mẹ, phải tự lo thân, mặc dù đã có tiền của. Hằng dựng lên một quán nước để giúp những anh dân quân đi đường xa. Hằng có vẻ đẹp quyến rũ, lại bồng bột yêu nước bằng cách sẵn sàng « ủng hộ sinh lý » cho những phần tử tranh đấu nếu cần. Thanh, một anh đại đội phó mê Hằng, một đêm mò đến nhà Hằng, liền bị một anh dân quân tên Đa cũng mê Hằng, nổi ghen, tri hô. Thế là cả Hằng và Thanh đều bị bắt, ra tòa. Dạo ấy Đạt làm dự thẩm. Ông chánh án là một người thuộc sắc tộc thiểu số, ông ta cũng thèm muốn Hằng, bèn lập mưu để tên Đa thoả mãn dục tình, rồi đến lượt ông ta. Sau này khi Đạt gặp lại Hằng thì Hằng có một đứa con, để giữ tiếng cho Hằng, Đạt nhận đứa con là con của mình. Hòa muốn triệt hạ uy tín của Đạt trước mặt con cái nên tỏ vẻ nghi ngờ đứa bé là con thật của Đạt. Huyền cũng cho biết hiện Hằng sống ở Sài gòn với đứa con. Càng ngày Đạt càng tỏ tình với Diễm và Diễm cũng bắt đầu cảm thấy yêu Đạt, nhưng biết mẹ mình chống đối, Diễm dè dặt.
Tuấn, một người học trò cũ của Thúc, nay là một họa sĩ, rất mê cờ bạc, luôn luôn cần tiền. Huyền vì lòng thương người muốn chạy chọt để giúp Tuấn. Đạt muốn đỡ lấy gánh nặng của Huyền, bèn đến làm quen với Tuấn với ý định khuyên răn Tuấn. Nhưng tại nhà Tuấn, Đạt gặp Trang, em của Tuấn và là một vũ nữ. Đạt khó nhận ra ở người vũ nữ ăn nói bạo dạn, cay cú, có nhiều mánh khóe để làm đàn ông mê say, cô học trò khi xưa của mình, nhút nhát và hay khóc. Vì là nạn nhân của một người bạn của Tuấn, Trang đã hóa thành vũ nữ. Trang thù ghét đàn ông và có tiếng là thứ « rắn hổ mang ». Trang ghét nhất bọn con gái nhà lành, khi được biết Đạt và Diễm yêu nhau, Trang quyết phá tình yêu của hai người.
Về phần Tuyết và Huyền, trong lúc Hoà và Uyển đi Đà lạt, hai cô thấy bố mêt mỏi, bơ phờ, mới nảy ra cái ý đưa bố đến nhà bà Hằng để bố vui. Đang lúc tâm hồn trống trải, Thúc nhận lời. Không ngờ khi Thúc và Hằng gặp nhau, hai người bỗng yêu nhau như hỏa diệm sơn bốc lửa. Sau đó Thúc và Hằng lại rủ nhau đi Vũng Tàu để tiếp tục sống một cuộc tình say đắm. Khi Hòa trở về và được biết chồng mình đã ngoại tình, bà có một phản ứng im lặng, lạnh lùng, làm mọi người trong gia đình đâm ra lo sợ. Không khí gia đình không còn êm ấm nữa. Thúc bị thổ huyết, phải vào bệnh viện. Diễm mặc dù yêu Đạt, phải nhận làm lễ cưới gấp với Khải để đem lại niềm vui cho gia đình. Diễm quả quyết với Đạt và mọi người rằng Diễm sẽ tạo hạnh phúc với Khải, và sự quyết định của Diễm không phải là một hành động hy sinh. Về phần Đạt, Đạt đau đớn thấy Diễm đành tâm cắt đứt, Đạt quả quyết với Diễm Đạt vẫn chờ đợi. Còn Trang càng thấy Đạt đau khổ vì Diễm càng tức giận vì Trang đã bắt đầu yêu Đạt.
Từ ngày Thúc nằm bệnh viện, gia đình túng quẫn, Uyển, tuy yêu Hướng, một sinh viên nghèo, vẫn muốn làm tiền một trong những người đàn ông giàu có theo đuổi Uyển, để có tiền giúp gia đình. Hướng nghi ngờ, theo dõi đến chỗ hẹn của hai người, và Hướng đã thẳng tay hành hung người đàn ông. Hướng bị bắt, bị vào tù. Bệnh tình của Thúc ngày càng trầm trọng. Nghe lời khuyên của bác sĩ Thoại, bạn của Thúc và là người yêu thầm nhớ trộm Hòa khi xưa, Hòa chẳng những tha thứ cho chồng mà còn mời Hằng đến gặp Thúc.
Sau khi Thúc chết, Hằng hạ sinh một đứa con trai. Cũng sau ngày Thúc chết, để gia đình bớt túng quẫn, Huyền xin phép mẹ nghỉ học để đi dạy, Tuyết xin đi hát, Diễm từ khi lấy chồng, mặc dù cố gắng tạo hạnh phúc, nhưng vì Khải ghen nên cảnh gia đình cơm không lành canh không ngọt. Khi Đạt biết Uyển gia nhập hội cờ bạc bịp của Tuấn và lãnh cái việc đi dụ những người đàn ông giàu có bất lương về để Tuấn lột tiền, thì Đạt có ý khuyên nhủ Uyển, trước thái độ hỗn xược của Uyển, Đạt nhận thức vì mình đã yêu Diễm nên mất uy tín với Uyển. Và Đạt có mặc cảm tội lỗi. Uyển và Tuấn bị bắt, bị vào tù. Đối với Uyển, ở tù chung chạ với những cô gái mại dâm là một kinh nghiệm đã biến đổi con ngưòi Uyển, Uyển bắt đầu biết thương những người thiếu may mắn hơn mình. Đạt nhờ luật sư Hoàng, một người bạn, biện hộ cho Uyển.
Diễm đã đi lấy chồng, Đạt không còn hy vọng gì nữa, khi Diễm khuyên Đạt nên lấy Trang thì Đạt mệt mỏi để Uyển, lúc đó đã ra tù, và Diễm đứng làm chủ hôn. Sau ngày cưới, Đạt và Trang đi Vũng Tàu một tháng. Còn Diễm và Khải khi ở tiệc cưới ra về, Khải lái xe nhưng vì say rượu, Khải đã gây tai nạn và chết, Diễm bị thương. Một tháng sau, khi hay tin, Đạt sững sờ và có phần quên sự hiện diện của Trang bên cạnh mình. Đạt vẫn còn yêu Diễm.
Thoại đưa Uyển và Huyền vào thăm bệnh viện người cùi và giới thiệu Hội Bạn những người cùi của ông. Ông ao ước Huyền và Uyển sẽ gia nhập hội, quên cái đau khổ giả tạo của mình để giúp những kẻ đau khổ thật sự. Bất ngờ trong đám bệnh nhân, Uyển nhận ra Trường là người sinh viên trước kia yêu Uyển và đã bị Uyển nhục mạ. Trường từ chối không muốn gặp Uyển, còn Uyển bị sốc và vô cùng hối hận. Trường tự tử sau khi để lại cho Uyển một bức thư đầy oán hờn. Với tư cách là bác sĩ tâm thần, Thoại lập mưu với Hướng vừa ở tù ra, làm một buổi cầu cơ với sự có mặt của Huyền và Uyển với mục đích chửa tâm bệnh cho Uyển. Trong lúc cơ lên, Hướng giả vờ cho Trường lên tiếng nói chuyện với Uyển, Trường khuyên Uyển nên giúp hội Bạn những người cùi, Uyển tin đây là cơ hội để Uyển đền tội. Thế là Uyển nảy ra cái ý gửi thư cho những người đàn ông giàu có đang đeo đuổi mình, và cho họ biết Uyển sẽ nhận làm vợ người nào bằng lòng hiến dâng tài sản của mình cho hội Bạn những người cùi, vì Uyển vẫn tin tưởng vào sắc đẹp đầy sức quyến rũ của mình. Nhưng chẳng có ai trả lời. Uyển chán chường, cảm thấy sắc đẹp của mình là một cái vạ. Nghe tin Tuấn trúng số, Uyển đến gặp Tuấn với mục đích đoạt trọn tiền của Tuấn cho người cùi. Nhưng Tuấn cũng là kẻ tham tiền, cuối cùng Uyển thất thân với Tuấn mà chẳng được gì. Uyển lâm trọng bệnh và từ giã cõi đời.
Khi nhà văn viết một truyện hư cấu, bao giờ nhà văn cũng dựa vào những yếu tố, những chi tiết có thật ngoài đời, nhờ thế truyện hư cấu có tính thuyết phục và lôi cuốn người đọc. Cho nên văn chương, nói rõ hơn truyện văn xuôi, mang dấu ấn của xã hội.
Nhà văn Pháp Louis de Bonald, vào thế kỷ 19, đã từng nhận xét : La littérature est l’expression de la société, comme la parole est l’expression de l’homme (Văn chương là sự biểu đạt của xã hội, như lời nói là sự biểu đạt của con người). Lời nhận xét này dọn đường cho ngành phê bình văn học theo xã hội học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét