Cuối tháng Tư, nhìn những lá cờ vàng sọc đỏ tung bay trên phố Bolsa, tôi lại nhớ một người phụ nữ đặc biệt trong những ngày các sĩ quan cấp bực thiếu úy và trung úy trong chế độ cũ phải trình diện học tập tại trường trung học Taberd.
Đi đâu? Lúc nào? Không ai biết! Đi bao lâu? Con số “10 ngày” thật mơ hồ! “Tập trung cải tạo” có khác gì đi tù? Lương thực, vật dụng cá nhân gọn nhẹ dồn trong một cái túi xách. Sau khi các anh lần lượt khuất sau chiếc cổng sắt lớn từ buổi trưa, tôi vẫn tiếp tục ngồi dưới gốc cây với một ổ bánh mì cầm cự cho đến chiều. Cổng trường Taberd đã thưa người. Chiều đang xuống. Thấy tôi một mình ũ rũ, chị đến gần hỏi han, tâm sự:
Tên chị là Thư. Chị đoán vài ngày nữa tụi nó mới chở mấy ảnh đi. Tối nay chưa chắc. Đi đâu thì mình chưa biết. Tụi nó di chuyển toàn là ban đêm và bí mật lắm. Nhà em gần đây không? Chị sẽ chờ ở đây đến sáng mai. Chị canh đêm nay, nếu tụi nó bất ngờ chở mấy ảnh đi thì mình còn biết? Kế hoạch của Việt cộng khó lường lắm em à.
Tôi nhìn người bạn cùng cảnh ngộ:
- Lát nữa em phải về vì mỗi ngày em phải đến trường trình diện và học tập chính trị. Nếu họ chở mấy ảnh đi, làm sao mình biết tin tức hả chị? Em chỉ sợ họ đem đi thủ tiêu…
Chị trầm ngâm:
- Chính vì vậy mà chị phải chờ đây. Dù cho mấy ảnh đi, đi sống hay đi chết, mình phải biết thì mới giúp được chồng mình em ạ. Mạng sống của mấy ảnh bây giờ như cỏ rác. Luật của kẻ mạnh và kẻ chiến thắng. Muốn biết tin, em cứ liên lạ với chị.
Tình thân giữa tôi và chị nảy sinh thật nhanh xoay quanh những câu chuyện về hoàn cảnh hai ông chồng tình cờ cùng trùng tên Long, đều là giáo chức biệt phái cấp bực trung úy, cùng đi trình diện cải tạo một ngày.Trông chị khỏe mạnh và năng động. Chị đẩy nhẹ chiếc xe Honda, chọn một chỗ sạch sẽ, lấy ra một tấm bạt cũ nhỏ, quấn chiếc khăn quàng vào túi xách khá to kê làm gối và ngã lưng, bảo tôi ngồi chơi với chị chốc lát, chờ Phú, cậu em trai sắp trở lại. Chị Thư và Phú sẽ ở suốt đêm tại đây để biết họ đưa các anh đi đâu.
Trời đã sụp tối, các thân nhân đã về nhà gần hết. Con đường Nguyễn Du thông ra Hai bà Trưng giờ này vắng vẻ, yên tĩnh, héo hắt vài ngọn đèn vàng. Chị nằm nghiêng, co ro trong chiếc áo len mỏng phủ trên người. Ngắm chị ngủ thật dễ dàng trên nền gạch, hơi thở đều hòa, bây giờ tôi nhìn kỹ mới thấy chị Thư đẹp. Chị có giọng nói miền Nam mạnh và rõ. Vóc dáng cao, thon, gọn. Mái tóc đen, dầy, cắt kiểu tém ngắn vẫn còn giữ nếp bồng bềnh. Đôi mắt xếch, sắc như dao. Nét thanh tú của cái mũi cao và thẳng. Đôi môi hồng, làn da trắng tự nhiên không son phấn. Đẹp nhất có lẽ là bàn tay búp măng thon dài. Chị kể từ khi bộ đội Cộng sản vào, chị không sơn màu và cắt móng ngắn. Đôi tay mềm mại, nõn nà của một thời khá giả, nhàn hạ, “ăn trắng mặc trơn”. Thấy cậu con trai ngồi sau chiếc xe giống chị như đúc đang đảo mắt tìm ai, tôi đoán là Phú. Tôi đánh thức chị dậy. Chị gọi lớn“ Phú ơi, Phú ơi, chị đây nè”. Thấy Phú đến, tôi ngồi chuyện trò với Phú một lúc rồi ra về, hẹn chiều mai ghé lại trường Taberd gặp chị để biết thêm tin tức.
Chiều hôm đó tôi không đến trường Taberd như lời hứa với chị vì về trễ. Nghe các anh đã được đưa đi khỏi trường Tabert, tôi ghé nhà chị Thư. Má chị cho biết 10 chiếc xe cam- nhông đã chở đầy ắp số người trình diện ngày hôm đó khởi hành về hướng Tây ninh vào lúc 4 giờ sáng hôm sau. Chị đã chờ đợi hai ngày và theo suốt đoàn xe đến Tây Ninh bằng xe Honda. Đó là tin tức đầu tiên và mới nhất về tù cải tạo mà tôi nhận được từ gia đình chị. Chị và Phú hiện giờ đang ở Trảng Lớn Tây Ninh cách Sài Gòn 90 cây số. Bà má nói: “Con Thư nó gan lì lắm con ơi. Nó đi tìm tin tức thằng chồng. Bác lo lắm.Thời buổi này nhiều bất trắc. Rừng rú bao la, chị em nó biết thằng Long đâu mà tìm. Bác không biết bao giờ nó về.Thỉnh thoảng con ghé chơi, may ra gặp nó.”
Sáng chủ nhật nghỉ, tôi đèo con gái bằng xe đạp đến nhà thăm chị. Trong căn nhà lớn có vườn rào, yên tĩnh ở Dakao tôi nghe chị kể về chuyến đi Tây Ninh. Hơn hai tuần lễ dãi nắng dầm mưa ở vùng đất khô cằn sau chiến tranh, chị thay đổi nhiều. Mặt mày hốc hác và già sọm. Làn da rám nắng, đen đủi. Tóc tai bờm xờm, xơ xác. Chị gầy hẳn trong chiếc áo bà ba rộng thùng thình. Chị kể các anh đang bị cô lập trong một cái “trảng” tên là Trảng Lớn. Đó là một khu đất trống rộng mênh mông như bãi đáp của phi trường trong đó có các khu nhà rộng lớn bỏ hoang, chung quanh có hàng rào kẽm gai, cách nhà dân khá xa. Như vậy có nghĩa là các anh vẫn còn sống. Những tin tức này được truyền đi trong số các chị có chồng đi tù làm cho các chị ở nhà yên tâm phần nào. Chị Thư an ủi:
- Ổn định xong chỗ ăn ở, thế nào tụi nó cũng cho mình đi thăm nuôi tiếp tế mấy ảnh. Tụi nó nuôi không nổi mấy ảnh đâu. Ráng đi em. “Nín thở qua sông” rồi có ngày chị em mình sẽ gặp lại mấy ảnh.
Hai tháng sau tôi ghé thăm, mẹ chị cho biết chị đi Tây Ninh mấy tuần nay không biết bao giờ về. Tuần sau tôi trở lại may mắn gặp chị. Chị cho biết thêm một tin mới, các anh đã di chuyển đến một địa điểm khác. Từ Trảng Lớn đi sâu vào rừng Cà-Tum cũng thuộc tỉnh Tây Ninh mất khoảng 60 cây số, nơi các anh sẽ phải lao động, tự túc lương thực, xây lán trại và “học tập” để “cải tạo tốt”. Chị đang tìm cách buôn bán, lân la, trà trộn sống ở nhà dân gần đó như người địa phương, mục đích liên lạc với các anh đi lao động. Từ đó, chị sẽ hỏi han tin tức để chuyển tiền và thuốc cho chồng.
Trong khi nhà nước Cộng sản âm thầm khủng bố tinh thần các thân nhân ở nhà bằng cách dấu nhẹm tin tức về các anh, gây nỗi lo sợ, hoang mang về thân phận các tù nhân thì chị Thư là người cung cấp những nguồn tin đầu tiên, chính xác và nhanh nhất cho các chị ngoài này.Chị kể chuyện hay, rất chi tiết và hấp dẫn. Những ngày tháng đến chơi với chị, nghe chị kể về những chuyến đi tìm các anh, tôi có cảm tưởng như mình cũng tham gia trong các chuyến đi ấy. Chị còn hứa sau khi liên lạc với chồng chị là anh Long Lê (anh họ Lê), chị sẽ hỏi tin tức về anh Long Đào (chồng tôi họ Đào). Chị rủ tôi sắp tới cùng vào rừng Cà- Tum kiếm gặp các anh. Chị bảo chờ khi được lệnh thăm nuôi của cộng sản, các anh sẽ chết rũ vì đói và bệnh tật trong tù. Anh Long Lê bị bệnh suyễn kinh niên. Nếu không có thuốc xịt và thuốc uống thường xuyên, chị sợ anh ấy không sống nổi mỗi khi lên cơn suyễn. Nỗi lo sợ về bệnh của anh, sự thiếu ăn, lao động cực nhọc nhất là lòng thương yêu chồng vô hạn đã giúp chị vượt qua các hiểm nguy, gian khổ, tìm đủ mọi cách đưa đến tận tay anh thuốc và tiền.
Thời buổi khó khăn, an ninh chặt chẽ, đường xa xứ lạ, thân gái dặm trường, vô rừng tìm chồng là một việc làm hết sức táo bạo, liều lĩnh và vô cùng nguy hiểm chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến.Vậy mà chị Thư dám nghĩ dám làm. Chị Thư đội cho tôi xem mái tóc giả dài màu đen, chụp trên đầu và quấn thành một búi như củ hành phía sau ót. Mái tóc này làm chị già đi vài chục tuổi. Chị phải bôi một thứ bột đen, chà trên mặt, trên cổ, trên tay để che bớt làn da tuy sạm nắng nhưng vẫn còn mượt mà.
Điều ly kỳ là sau nửa năm xa cách, chị được gặp anh trong rừng mà bọn cán bộ quản giáo không hề hay biết. Chị kể cuộc hẹn gặp anh tưởng như chỉ có trong tiểu thuyết. Cạnh con suối vào buổi trưa trong giờ nghỉ ngơi, những người bạn tù đã bí mật sắp xếp cuộc gặp gỡ này. Vài chục con mắt đang âm thầm theo dõi bọn quản giáo để giúp anh chị dễ dàng trò chuyện. Không một giọt nước mắt của an ủi, vỗ về. Không có những cử chỉ âu yếm, chăm sóc hay nụ hôn nhớ thương. Cách nhau một lùm cây, anh hỏi han và dặn dò chị đủ điều. Chị đứng đó, mắt vừa nhìn anh vừa liếc xa xa canh chừng cán bộ, tai lắng nghe lời anh dặn và chỉ biết gật đầu lia lịa. Chị kể lúc gặp anh, chị vừa mừng vừa sợ nên quên hết những câu định hỏi anh chẳng hạn như không thấy anh đeo kiếng. Không có kiếng làm sao thấy đường để đi lao động. Anh có bị lên cơn suyễn nặng không. Thuốc còn đủ không. Cái nhẫn cưới bằng vàng sao không thấy đeo. Cái đồng hồ còn hay mất… Anh chủ động, nói nhiều và dặn dò chị đủ điều nhưng lời dặn dò duy nhất mà anh nhắc đi nhắc lại nhiều lần là phải tìm mọi cách cho hai đứa con trai vượt biên.
Từ đó, mỗi tháng đi Tây Ninh, chị đều hẹn gặp để chuyển thuốc, tiền và tin tức cho anh Long Lê và bạn tù. Anh Long Đào cũng có tiền xài rủng rỉnh và được ăn ké. Những lần tiếp tế ấy vẫn bí mật kéo dài cho đến cả năm sau mới có lệnh thăm nuôi chính thức.Tôi và chị cùng lúc nhận được giấy phép thăm nuôi.
Thời bấy giờ, chị tìm đâu được chiếc xe La Dalat, tài xế là Phú em trai chị chở chị và tôi cùng với hai bà má chồng và hai bao tải lớn đầy thức ăn khô đi Tây Ninh. Không ai ngờ con đường vào rừng vào mùa mưa quá xấu nên chuyến xe đi thăm nuôi thật là vất vả, gian nan, đi từ sáng sớm, suốt một ngày trời không những chỉ vượt qua những chặng đường gập ghềnh đầy đá tảng vì bom đạn cày xới mà còn là những hố bom sâu ngập bùn tưởng như không đến được lán trại. Nếu không có Phú giỏi nghề máy xe, sự lanh lợi, tháo vát của chị bỏ tiền ra huy động dân chúng địa phương giúp đổ đá, lót ván và đẩy xe, chiếc xe vẫn còn ngập trong những hố bom lầy lội, không kịp đến vào buổi tối để gặp các anh sáng hôm sau.
Đi thăm nuôi hai anh chính thức được hai lần cách nhau ba tháng, một hôm chị mang về một tin mới, các anh sẽ chuyển trại, không biết ngày nào, đi nhiều nơi khác nhau. Mắt chị sáng lên, nhìn xa xăm:
- Chị nghe mấy ảnh nói họ thanh lọc xong các thành phần sẽ có kế hoạch chuyển trại. Từ bộ đội áo xanh, họ sẽ chuyển giao cho công an áo vàng thuộc bộ nội vụ quản lý rồi sẽ thả tù. Hay thiệt! Mấy ảnh ở tù mà biết tin Mỹ đang thương lượng với Việt cộng để thả tù chính trị. Có nhiều hy vọng lắm em ơi. Ai về trước cũng mừng, miễn có thả, có về.
Tôi biết được tin hai anh may mắn cùng chuyển trại đến Hàm Tân Z 30 C là do chị Thư liên lạc tin tức từ các anh tù lao động. Tôi mừng đến phát khóc vì còn cơ hội đi thăm hai anh chung với chị. Tại trại này, tôi còn nhớ mãi một kỷ niệm tôi và chị tình cờ bị rơi vào hoàn cảnh thật éo le và đau lòng vì hai anh trùng tên Long.
Nhận được giấy thăm nuôi, buổi sáng hôm ấy, hai chị em chúng tôi cùng với hai bà má chồng có mặt tại nhà chị Lệ từ 4 giờ khuya. Chồng chị Lệ là tài xế xe đò đi Hàm Tân, họ đứng ra tổ chức cho từng nhóm các gia đình đi thăm tù cải tạo. Từ Sài gòn đến Hàm Tân khoảng 200 cây số, đi mất hơn 4 tiếng. Đến nơi, trời đã hừng sáng. Trước mắt tôi là khu rừng sâu hun hút. Từ đường cái đi vào lán trại mất khoảng 12 cây số đường rừng. Những người dân địa phương đã chờ sẵn xe Honda, xe bò, quang gánh, võng để chở thuê, gánh thuê, cáng người. Họ bày bán và mời chào trái cây, nước uống, thức ăn… Từ khi tù cải tạo chuyển về đây, thị xã này trở nên sầm uất, dân địa phương có thêm phương tiện sinh sống bằng nghề buôn bán và chuyên chở thân nhân thăm tù. Chúng tôi thuê một chiếc xe bò, tuy chậm nhưng có chỗ cho 4 người ngồi và bốn bao tải toàn là thức ăn khô. Cũng may đi vào mùa nắng, con đường khô ráo, bụi đỏ mịt mù, quanh co, gập ghềnh đất đá. Tội nghiệp cho hai bà mẹ già, bị dằn xóc, lắc lư, tưng lên tưng xuống bởi những ổ voi, ổ gà. Tôi nghiệp cho hai con bò già gầy trơ xương. Có lúc tưởng chừng như chúng không còn sức để kéo và chiếc xe như muốn đổ sụp xuống.
Gần đến cổng trại cũng là lúc mọi người nhìn thấy cột cờ, nón cối và bộ kaki vàng của công an quản giáo. Khói bốc lên từ những khu nhà, lán trại lợp tranh xa xa. Những luống rau tươi xanh ngắt và từng đội tù nhân ra sắp hàng điểm danh để đi lao động.Thân nhân đến trại đều nộp giấy phép thăm nuôi và chờ ở nhà khách.Cán bộ sẽ liên lạc với các đội trưởng các đội lao động nhắn các anh có tên trong danh sách thăm nuôi được về sớm. Ai cũng dõi mắt nhìn theo những thân hình gầy gò, tay cầm cuốc xẻng trong những bộ quần áo cũ kỹ, rách rưới, vá chằng vá đụp. Họ cố gắng tìm ra trong số các anh một khuôn mặt thân quen.
Mọi người đang nằm nghỉ lưng trên chiếc giường đan bằng tre trong phòng chờ..Cán bộ đang gọi tên từng thân nhân vào phòng khách để gặp tù nhân bỗng hai tiếng nổ “bùm” “bùm” từ xa làm ai cũng giật mình, hốt hoảng chạy ùa ra khỏi phòng. Cán bộ bồng súng hò hét chạy về phía khu rừng. Trốn trại? Không phải. Tiếng này không phải là tiếng súng. Đây là tiếng bom. Mọi người đều la to “Tù cải tạo đi lao động đạp trúng mìn rồi.”
Trong cơn hoảng loạn ấy, một tên cán bộ mồ hôi nhễ nhại, mặt mày xanh lét, vai khoác khẩu súng từ rừng chạy về, xông vào phòng hét lớn:
- Ai là thân nhân của anh “Nong”? (Long nhưng hắn phát âm là “nong”)
Đứng gần tên cán bộ, nghe tên Long, tôi run rẩy, ôm mặt khóc òa. Trước đám đông thân nhân vây quanh tên cán bộ, tôi thu hết can đảm và bình tĩnh, mếu máo nói với hắn:
- Tôi là vợ của anh Long. Có chuyện gì thưa cán bộ? Chồng tôi…Chồng tôi có… sao không cán bộ.
- Chị sắp xếp đồ đạc đi theo tôi. Nhanh lên. Anh “Nong” bị mìn.
Tôi còn đang bối rối chưa biết tính sắp xếp đồ đạc thế nào thì bà má chồng tôi bất ngờ lảo đảo xỉu ngay tại chỗ. Chị Thư đứng gần, đỡ bà trong tay, xoa dầu, giựt tóc, vỗ má, gọi tên cho bà tỉnh lại.Tên cán bộ bỏ chạy về phía doanh trại. Tôi chạy đến bà vừa khóc vừa an ủi:
- Mợ ạ, mợ ở đây với chị Thư và bác Tùng. Con phải theo cán bộ vào rừng xem chuyện gì. Đến nước này, mợ phải khỏe và bình tĩnh để con còn lo cho ảnh. Tôi quay sang chị Thư, ôm chị khóc ròng:
- Chắc là em phải ở lại đây để xem tai nạn thế nào. Chiều nay em nhờ chị đưa mợ em về Sài gòn và báo tin cho ba má em biết. Đây là địa chỉ của ba má em.
Chị Thư moi trong túi đưa cho tôi hết số tiền và nói:
- Trong hoàn cảnh này em cần tiền hơn anh Long. Em cứ giữ xài. Chị em mình tính sau. Chị sẽ gửi tiền cho anh Long sau.
Vừa nghe chị nhắc anh Long, tôi chợt nhớ ra còn một anh Long nữa là chồng chị Thư. Đúng rồi. Đội lao động có hai anh Long. Cán bộ đâu nói là anh Long nào. Linh tính? Bản năng sinh tồn? Hy vọng mong manh? Kinh nghiệm sống? hay là tất cả đã khiến tôi trở nên bình tĩnh, sáng suốt và liều lĩnh. Tôi chạy nhanh đến các phòng tìm tên cán bộ lúc nãy. Hỏi thăm không được, tôi dùng khổ nhục kế khóc mùi mẫn. Cuối cùng có một tên thương tình dẫn tôi đi tìm hắn.
- Thưa cán bộ, tôi là vợ anh Long. Lúc nãy cán bộ nói có anh tên Long bị mìn. Chồng tôi tên là Đào ngọc Long. Cán bộ hỏi lại dùm có phải đúng tên họ là Đào ngọc Long không?
Tên cán bộ mở to mắt nhìn tôi đăm đăm. Không còn gì để sợ, để mất nữa, tôi lên giọng và nhìn thẳng vào mắt hắn:
- Tôi đã sẵn sàng đi theo cán bộ nhưng trước khi đi, xin cán bộ xác nhận rõ lần nữa, tên họ người bị mìn có phải là Đào ngọc Long không?
Thấy mắt tôi còn đỏ hoe, giọng nói cương quyết và dứt khoát, hắn nghĩ một lúc rồi quay sang gọi một anh tù gần đó, nói nhỏ một cái gì đó. Một lát sau, anh tù trở lại. Hắn xởi lởi:
- “Lày”, cái chị vừa “lói” tên chồng chị “nà” Đào ngọc “Nong” hả? Thế thì không phải rồi! May cho chị nhé. Tên anh bị mìn “nà” “Nê văn Nong”. Chị về nhắn vợ anh “Nê văn Nong” “nên” gặp tôi ngay.Tôi không chờ đâu nhé. Muộn rồi.
Vừa nghe xong, tôi nghĩ ngay đến chị Thư. Lê văn Long đúng là tên chồng chị, người phụ nữ tôi quý mến, kính trọng và mang ơn. Cái may của tôi bây giờ là cái rủi của chị. Hạnh phúc của tôi bây giờ là sự bất hạnh của chị. Niềm vui của tôi bây giờ là nỗi đau khổ của chị.Tôi biết phải nói thế nào với chị ? Chỉ trong mười phút đồng hồ, chúng tôi cùng nếm chung với nhau hương vị của hạnh phúc và đau khổ, của niềm vui và nỗi buồn, của cái có và cái không, của cái còn và cái mất,của cái sống và cái chết, cùng trải nghiệm chung hai mặt của cuộc đời nhiều éo le và nghiệt ngã. Thân phận những người đàn bà chịu nhiều nỗi “truân chuyên” trong “cơn gió bụi”,của cái gọi là “dòng thác cách mạng” tại xứ sở này là “vì ai” ? “Vì ai gây dựng cho nên nổi này?”
Tên cán bộ hồ đồ giao cho tôi công việc nhắn chị đi gặp hắn ngay.Thời gian đâu còn nữa. Vừa lúc đó chị Thư cũng chạy đi tìm và gặp tôi ở phòng cán bộ. Giác quan thứ sáu của người phụ nữ thông minh, dày dạn kinh nghiệm sống này giúp chị hiểu tất cả. Tôi nghẹn lời:
- Chị ơi, tên cán bộ nói anh Lê văn Long bị mìn. Em có thể làm gì giúp chị? Nếu chị ở lại đây lo cho anh Long, em đưa bác về Sài gòn Chị giữ lại số tiền này. Chị có nhắn gì Phú không? Chị có cần ngày mai em và Phú đi Hàm Tân phụ chị lo cho anh Long không?
Nói xong, tôi ôm chị khóc nức nở. Tôi khóc thương cho chị, cho tôi, cho những người đàn bà đi thăm nuôi chồng hôm nay, cho các anh đã nằm xuống hay đang lao động ngoài vườn rau kia hay cho tất cả…?
Chị đứng lặng yên một lúc lâu, vỗ nhẹ vào vai tôi:
- Em phải về. Con còn nhỏ, còn bận đi làm. Định mệnh đã sắp đặt cả rồi. Em nhắn Phú sáng mai đi Hàm Tân sớm đem tiền cho chị. Em đưa má chị về nhà dùm. Đừng khóc nữa em. Nước mắt không giúp được gì trong lúc này.
Chị ôm bà má, lau nước mắt cho bà và dặn dò bà đôi điều. Chị gửi bao tải đựng thức ăn khô cho cán bộ cất dùm trong góc nhà khách và theo tên cán bộ và vài anh tù vào rừng cùng với ba cái cáng.
Hai quả mìn làm chết hai người dân vô tội. Anh Long lao động gần đó may mắn chỉ bị thương ở chân nhưng vết thương khá nặng, máu ra nhiều, bắt buộc cán bộ trại phải chở anh vào bệnh viện Phan Thiết chữa trị. Tin anh bị thương đến cùng lúc với tin vui, hai đứa con anh đã vượt biên đến Thái Lan an toàn. Chị Thư nói với tôi:
- Luật bù trừ đó em, Anh Long ảnh gánh cho hai đứa con ảnh.
Lúc đầu, ban quản giáo trại cử hai tên cán bộ canh gác anh trong bệnh viện đề phòng tù nhân trốn thoát. Vài ngày sau chỉ còn một cán bộ miền Nam tập kết rất trẻ tên Năm Ròng. Hắn đi ra đi vào, buồn chán, tánh ham vui nên thờ ơ, thỉnh thoảng có mặt để nhắc nhở, hăm he cho có lệ rồi phóng xe Honda của chị Thư cho mượn đi chơi cả ngày.Chị Thư kể xăng lúc nào cũng đổ đầy bình cho xe chạy thả giàn. Chị điếu đóm, chiều chuộng tên Ròng không còn thiếu thứ gì từ cái “đài”, cái “đổng” thuốc hút, thuốc bệnh, nhiều nhất là tiền để hắn dễ dãi cho anh chút tự do. Lâu dần, Năm Ròng tin chị. Hắn mê cái xe Honda. Cái xe Honda của chị đang trong tay hắn. Hơn một tháng nằm bệnh viện Phan Thiết, Anh Long bình phục dần, được đi lại dễ dàng thoải mái trong bệnh viện Mối quan hệ giữa vợ chồng chị Thư và Năm Ròng càng ngày càng thân tình đến mức một hôm, Ròng tâm sự với chị Thư một tin bí mật trong nội bộ là một tuần nữa, anh Long có lệnh phải trở về trại Z30 C.
Vừa biết tin xong, ba ngày sau, chị Thư và Phú, người chân trong, kẻ chân ngoài, Phú lái xe La Dalat chở anh Long trốn bệnh viện về Saigon từ sáng sớm.
Chuyện anh Long trốn khỏi bệnh viện cũng ly kỳ không kém chuyện chị vô rừng tìm chồng. Mãi đến sáng hôm sau bệnh viện mới phát giác. Cô Mai, y tá bệnh viện sau này về Saigon gặp chị kể lại chuyện trốn khỏi bệnh viện của anh Long làm chấn động cả bệnh viện và tù cải tạo. Trong vụ này, người bị “sốc” nhất có lẽ là Năm Ròng, kế đó là ban quản giáo. Bệnh viện Hàm Tân, trừ các cán bộ cộng sản, ai cũng mừng thầm cho anh Long thoát nạn. Năm Ròng không hay biết gì cho đến khi sáng hôm sau khi bệnh viện thông báo, hắn còn không tin vì đinh ninh xe Honda còn đây thì người còn đó. Có ngờ đâu “của đi thay người”.Chị Thư hy sinh cái xe Honda để đổi lấy sinh mạng cho anh Long trốn về Sài gòn tìm đường vượt biên.
Một tháng sau, chị nhận tin vui. Anh Long và Phú đến Thái Lan an toàn. Còn chị? Chị phải ở lại. Chị là chuyến tàu chót để gánh chịu và đối phó với những bất trắc xảy ra cho gia đình trong các chuyến vượt biên. Bà má chị dọn về ở với cô em gái. Chồng con chị được đi định cư ở Canada. Căn nhà đã bán. Anh Long đi thoát. Từ đó, tôi ít liên lạc với chị và sau này không biết tin tức gì về chị nữa.
Chúng tôi qua Mỹ năm 1991, gặp lại người bạn cũ có quen một giáo viên trường LVD, nơi anh Long dạy trước 75.Tôi nhờ người bạn tìm tòi, hỏi han số phone. Anh Long đang định cư ở Canada.Tôi hồi hộp, cầu may gọi cho anh và mừng quá khi nhận ra giọng nói ngày xưa của anh sau bao nhiêu năm xa cách. Hai con anh, cháu Tí và Nu đã có gia đình. Anh đã có cháu nội và ngoại. Đến khi nhắc đến chị Thư, giọng anh nghẹn ngào. Anh kể chị Thư vượt biên sau anh vài tháng. Cũng là đường giây tổ chức cho anh và hai cháu vượt biên tới Thái Lan trước đây nhưng chuyến đi của chị hơn ba mươi năm rồi, cho đến bây giờ vẫn không có tin tức.
Cuộc đời ly kỳ của người phụ nữ ấy đã khép lại. Trong chuyến tàu sinh tử cuối cùng, chị đã ra đi mãi mãi. Người phụ nữ làm những chuyện phi thường đã không để lại một dấu vết gì. Có chăng là tấm lòng bao dung, rộng mở tràn đầy tình thương và sự hy sinh cho chồng, cho con, cho gia đình,bạn bè, những người thân và những ai cần đến chị. Suốt đời, chị sống quên mình để dâng hiến cho người, cho đời những đóa hoa thơm ngạt ngào hương sắc.
Đọc lại bốn câu thơ mở đầu của một tác phẩm văn học lớn viết về thân phận người phụ nữ vào những ngày cuối tháng tư để ngậm ngùi nhớ đến chị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét